30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

Hài hước



Hài hước trong lúc bạn ứng khẩu có thể còn quan trọng hơn lúc bạn thực hiện các bài phát biểu có chuẩn bị. Hài hước tạo ra bầu không khí thư giãn cho khán giả và giúp họ thoải mái khi nghe bạn nói.

Hài hước đúng lúc có thể khiến khán giả của bạn thích bài phát biểu của bạn hơn, tập trung lắng nghe hơn và ghi nhớ mọi điều bạn nói tốt hơn. Hài hước đúng lúc có thể giúp bạn chiến thắng một cuộc thi ứng khẩu. Để sử dụng khiếu hài hước một cách hiệu quả, bạn cần hiểu được những thứ khiến người ta bật cười và làm thế nào để bài phát biểu của bạn nghe hóm hỉnh hơn.

Cấu trúc của câu nói đùa

Mọi câu nói đùa đều bao gồm hai phần: phần thiết lập và điểm chốt. Phần thiết lập cho biết những thông tin khái quát mà khán giả cần biết để khiến câu nói đùa trở nên thật hóm hỉnh.

Điểm chốt là câu nói đùa khiến khán giả bật cười. Phần thiết lập dành cho một loạt những thứ tương đồng và những thứ này cùng đi theo một hướng. Điểm chốt là khi dòng suy nghĩ bị chệch hướng khỏi trình tự những thứ tương đồng và khán giả bật cười. Chúng ta bật cười khi có người đánh lừa được suy nghĩ của mình.

Ví dụ: “Vào thế kỷ XXI, chúng ta có iPhone, iPad, nhưng không có giao tiếp bằng mắt.” Trong trường hợp này “iPhone” và “iPad” có sự tương đồng và khán giả trông đợi từ tiếp theo sẽ là “iPod”. “Giao tiếp bằng mắt” (eye contact) làm chệch hướng trình tự tương đồng và khiến cho câu nói trở nên hài hước.

Một ví dụ khác: “Các bạn có biết cách hiệu quả nhất để truyền thông tin không? Điện tín ư? Không phải. Điện thoại? Cũng không. Hãy nói cho một người phụ nữ biết!” Trong trường hợp này, “điện tín” và “điện thoại” thiết lập trình tự tương đồng và “nói cho một người phụ nữ biết” là điểm chốt.

Để khiến cho điểm chốt được hài hước, phần thiết lập nên được khán giả biết đến. Nếu bạn nói một câu hài hước với nhóm bạn của mình và họ cười ngặt nghẽo nhưng lại không có tác dụng gì khi bạn thực hiện bài thuyết trình ở cơ quan, điều này chứng tỏ nhóm khán giả đầu tiên biết đến phần thiết lập đó nhưng nhóm khán giả thứ hai lại không biết.

Cường điệu và đối thoại

Học viên của tôi, George từng hỏi tôi rằng: “Andrii, tôi muốn làm cho mọi người mỉm cười nhưng để nghĩ ra được những câu hài hước thật khó. Tôi phải làm sao để được hóm hỉnh hơn khi ứng khẩu?”

Tôi đáp: “George, việc đó dễ lắm. Có một nguồn ma thuật hài hước có thể khiến cho các bài phát biểu của anh có những khoảnh khắc hài hước vô tận nếu anh biết tới nó. Sự cường điệu và đối thoại chính là nguồn ma thuật ấy.”

Khi ứng khẩu, ở đa số các trường hợp, mọi người bật cười khi bạn kể lại một đoạn đối thoại của nhân vật trong câu chuyện của bạn, hay khi bạn cho họ thấy phản ứng cường điệu của một nhân vật khác sau khi nghe câu đối thoại trên.

Bạn chỉ cần cho thêm đối thoại và các phản ứng cường điệu hóa, bài phát biểu của bạn sẽ có đủ tính hài hước. Kể cả khi bạn không có ý định khiến các phản ứng cường điệu hay các đoạn đối thoại buồn cười đi nữa, khán giả thường vẫn sẽ cười.

Nghiên cứu của tôi về hàng ngàn bài phát biểu cho thấy, hội thoại và cường điệu tạo cho khán giả nhiều khoảnh khắc hài hước hơn hẳn các phần khác của bài phát biểu. Hãy sử dụng nguồn cung cấp chất hài đầy ma thuật này và bạn sẽ thấy khán giả của mình cười nhiều hơn hẳn trước kia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.