30 Giây Ma Thuật Trong Diễn Thuyết

Kỹ thuật truyền tải



Nhiều diễn giả sau khi nghe một câu hỏi thường nghĩ: “ồ điều quan trọng nhất mình cần làm là nghĩ xem phải nói gì.” Tuy vậy, cách bạn truyền tải còn quan trọng hơn những điều bạn nói.

Hãy thành thật

Nếu bạn hỏi tôi rằng: “Kỹ thuật nào là kỹ thuật truyền tải hiệu quả nhất trong ứng khẩu?”, tôi sẽ trả lời: “Dĩ nhiên là sự thành thật rồi!” Nhiều người muốn được khán giả yêu thích và hay diễn kịch trên sân khấu. Họ muốn cho mọi người thấy họ uyên bác như một vị giáo sư đại học Harvard, hùng hồn như Tony Robbins và lôi cuốn như steve Jobs.

Khán giả có thể nhìn thấy nhiều điều hơn bạn tưởng, dựa vào những dấu hiệu cử chỉ của bạn. Một khi khán giả cảm thấy bạn không thành thật, họ sẽ không tin bạn nữa và đối với họ, bài nói của bạn xem như kết thúc.

Khán giả không cần thêm một Tony Robbins, Steve Jobs hay Martin Luther King. Họ cần bạn. Khán giả sẽ tha thứ cho bất cứ điều gì bạn mắc phải trên sân khấu, trừ việc không thành thật. Nếu bạn thực sự thành thật, lời nói của bạn vẫn sẽ được đánh giá tốt, kể cả khi bạn làm hỏng tất cả những thứ khác.

Đôi lúc các học viên đã hỏi tôi rằng: “Andrii, tôi muốn thành thật trên sân khấu, nhưng tôi lại không biết cách. Liệu có phương pháp nào có thể giúp tôi không?”

Bạn không thể thành thật nếu bạn không coi khán giả của mình như những người bạn thân, không cảm thấy vui vẻ khi ứng khẩu và không có ý định truyền tải những điều giá trị. Có một lời thỉnh nguyện kỳ diệu sẽ đảm bảo cho những lời ứng khẩu của bạn luôn thành thật và hiệu quả. Nó luôn luôn phát huy tác dụng với tôi, với những học viên của tôi, với những diễn giả ứng khẩu tài ba và tất cả những ai dùng đến nó. Mặc dù vậy, để khiến nó có tác dụng, bạn cần phải thực sự tin tưởng. Trước khi bước lên sân khấu, hãy nhắc lại những lời sau: “Tôi sẽ cẩm thấy vui vẻ nhờ ứng khẩu và sẽ tận hưởng từng giây đứng trên sân khấu. Những người ở hàng ghế khán giả là những người tuyệt nhất trong đời tôi. Họ quan trọng với tôi giống như người nhà hay bạn thân tôi vậy. Lý do duy nhất tôi đứng trên sân khấu là để truyền tải các giá trị và thay đổi cuộc sống của khán giả theo hướng tích cực.”

Tràn đầy năng lượng

Nhiều năm trước, tôi có tham dự một khóa học diễn xuất do một vị đạo diễn sân khấu nổi tiếng điều hành. Trong số các học viên thuộc nhóm tôi có Julie, 21 tuổi. Một hôm, vị giảng viên nói: “Đã đến lúc trình bày bài phát biểu dài 3 phút mà các bạn đã chuẩn bị trong cuối tuần vừa rồi. Julie, bắt đầu từ em.” Khi Julie bước lên sân khấu, cô mỉm cười và nói, “Tiêu đề của bài phát biểu của tôi là ‘Xu hướng thời trang mùa xuân.’ Mùa xuân năm nay, họa tiết chấm bi đang được ưa chuộng. Tôi thích các tông màu sáng…”

Tôi nghĩ: “Thật tuyệt vời! Julie không hề dùng đến bất kỳ điều gì vị đạo diễn sân khấu dạy chúng tôi. Bài phát biểu của cô ấy không hề có cấu trúc, cô ấy ngắc ngứ rất nhiều, chủ đề này không phải chủ đề tôi quan tâm, nhưng bài phát biểu của cô ấy thật xuất sắc! Tôi có thể lắng nghe đến hàng tiếng đồng hồ!”

Tôi tự hỏi: “Bài phát biểu của cô ấy có gì hay nhỉ?” Rồi sau đó tôi nhận ra rằng: “Julie tràn đầy sinh lực và vô cùng tâm huyết với những điều cô ấy đang nói, chính và điều đó khiến cho chúng truyền được cảm hứng.” Có lẽ đây là một trong những bài học đáng giá nhất về kỹ năng nói trước đám đông tôi từng học từ trước đến nay.

Nếu bạn tâm huyết với chủ đề của mình, năng lượng của bạn sẽ truyền sang người khác và không lâu sau đó, tất cả mọi người ở hàng ghế khán giả cũng sẽ trở nên hào hứng. Họ sẽ nghĩ: “ồ, chắc hẳn phải có gì đó đặc biệt ở chủ đề này thì diễn giả mới hào hứng thế kia. Mình nên lắng nghe xem.” Ngược lại, nếu khán giả nhận thấy bạn thờ ơ, họ sẽ trở nên chán chường và lãnh đạm, y như bạn vậy.

Tràn đầy năng lượng là một trong những yếu tố cốt lõi của một bài phát biểu ứng khẩu thành công. Dù bạn đang nói về bất cứ điều gì đi chăng nữa, hãy hào hứng với điều đó và hãy nói bằng sinh lực và nhiệt huyết. Khi năng lượng của sự hào hứng lan khắp căn phòng, đó là lúc ma thuật hiệu nghiệm và bạn chính là pháp sư.

Cử chỉ

Khi bạn xem những người tập sự ứng khẩu phát biểu, bạn có thể nhận thấy họ thường xuyên nhìn lên trần nhà hoặc có những cử chỉ lo lắng. Tại sao lại như vậy? Bộ não đang tập trung để xác định xem nên nói gì và người nói có xu hướng quên sạch cả cử chỉ lẫn giao tiếp bằng mắt.

Khi bạn đứng trên sân khấu, bạn có thể nghĩ rằng vấn đề lớn nhất là tìm ra những từ ngữ hợp lý, bởi khán giả có thể phán xét bài phát biểu của bạn dựa trên những điều bạn nói. Tuy vậy, khán giả cũng sẽ phán xét bài phát biểu của bạn dựa trên những gì bạn làm trên sân khấu khi bạn đang nghĩ hoặc đang nói. Nếu bạn cựa quậy ngón tay, nhảy từ chân nọ sang chân kia hoặc nhìn chăm chăm lên trần nhà, việc này không những khiến người nghe thấy khó chịu mà còn khiến họ nghi ngờ rằng bạn không chắc chắn với những điều bạn nói.

Trong ứng khẩu, cử chỉ và chuyển động trên sân khấu thường không bị đòi hỏi cao như với một bài phát biểu có chuẩn bị, nhưng bạn vẫn cần tuân thủ một số điều cơ bản.

Cũng giống như khi thực hiện một bài phát biểu có chuẩn bị, mọi cử chỉ của bạn nên khoáng đạt và cởi mở. Bạn luôn luôn nên nhìn thẳng vào mắt của một vị khán giả và tất nhiên là tránh mọi cử chỉ lo lắng.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng: “Mình phải làm sao để kiểm soát quá nhiều thứ như vậy trên sân khấu? Mình nên nghĩ xem cần nói những gì, chú ý giao tiếp bằng mắt, di động và cử chỉ. Không phải như vậy là quá nhiều sao?” Câu trả lời dành cho câu hỏi này có liên quan tới vấn đề cốt lõi của việc tư duy ứng biến.

Nếu bạn cố suy nghĩ một cách có ý thức về nội dung của bài nói, cử chỉ, giao tiếp bằng ánh mắt và di chuyển, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy quá tải. Mục tiêu của bạn là làm sao để không nghĩ về tất cả những điều trên! Mục tiêu của bạn là tin tưởng trí óc tiềm thức siêu nhanh của mình.

Nếu bạn hỏi tôi: “Anh làm thế nào để kiểm soát cử chỉ của mình?” Tôi sẽ trả lời rằng: “Chúng cứ diễn ra thôi. Tôi tin vào tiềm thức của tôi và nó sẽ ra hiệu cho tôi xem khi nào cần dùng đến cử chỉ và dùng cử chỉ nào. Cũng giống như khi bạn đi bộ vậy. Tiềm thức của bạn ra hiệu cho bạn để bạn biết khi nào cần chuyển động và bạn chuyển động mà không cần suy nghĩ.”

Khi bạn thực hành ứng khẩu ở một câu lạc bộ Toastmasters hay trong một nhóm bạn, hãy hỏi xem bạn có thực hiện bất kỳ cử chỉ gây khó chịu nào không và liệu bạn đã giao tiếp bằng mắt đủ tốt chưa. Hãy loại bỏ từng lỗi một trong các bài phát biểu tiếp theo. Sau khi luyện tập đến một mức nào đó, bạn sẽ thực hiện tốt mọi cử chỉ, chuyển động mà không cần phải nghĩ về chúng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.