30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Bỏ Trốn



Choàng tỉnh giấc trong ánh chớp chói lóa trời, tiếng nổ đinh tai nhức óc, mọi người sải bước từ phòng ngủ ra hầm tránh pháo, khu sĩ quan kế bên nhà nơi ngủ và nơi tránh đạn cách nhau không đầy mười mét. Lúc vào cả trong hầm, mới nghe đạn nổ đủ loại như xé nát không gian, nổ đến tức không khí và rung rinh đất. Tất cả nằm úp sấp bên nhau mà không ai biết ai bên cạnh mình, vì thần trí còn bận đếm tiếng nổ, lọc loại đạn và định điểm đạn tới. Ai cũng tưởng là sẽ bị chôn vùi trong hầm. Đạn đại bác, hỏa tiễn nổ liên tục, dai dẳng cả 5 phút đồng hồ và rồi chấm dứt ở Liên đoàn, lần lượt chấm dứt ở các đồn trại gần bên, quân vận, pháo binh v.v… Chỉ phi trường, đạn còn nổ thêm cả 10 phút. Rồi tiếp theo đó, toàn bộ khắp nơi tiếng liên thanh nổ ráo riết, xen lẫn có tiếng súng nhỏ, lựu đạn và mìn.

Từ trong hầm tối om, tôi lớn tiếng gọi:

– Anh Thái! Anh Thái ơi!

Nghe tiếng gọi, Thái trả lời ngay:

Gì thế?

Việt cộng tấn công vào trại rồi! Tôi lo lắng.

Thế là chiến cuộc nổ lớn ở đây.

Nghe dứt câu của tôi, Thái vội vã hỏi lại:

Tân, Nhật! Có đó không?

Có Tân đây! Tàn đời rồi! Mình chậm quá. Hòa nói với Tân:

Chưa tàn đâu Tân, sắp yên rồi đó, yên rồi thì tính không chậm đâu, đừng cuống lên. Vừa lúc đó bóng Thái thấp thoáng ở cửa hầm, anh đứng ngó quanh quất.

Nhiều đám cháy trên đèo Hải Vân đỏ rực, giống như những đám cháy rừng, khói bốc lên cuồn cuộn, bay tạt ra phía biển.

Đây là do bên ta phản pháo đó. Thái nói có vẻ am hiểu. Đại bác 175 ly bắn từ phi trường ra Đà Nẵng. Chắc là mấy “ông nội” dày đặc trên đó rồi. Đèo Hải Vân là bức tường thuận lợi của bên nào làm chủ nó; ngược lại, thì nguy hiểm vô cùng. Bậy giờ toàn bộ phi trường lẫn các đơn vị trú đóng quanh Đà Nẵng sẽ là điểm pháo ngon lành của bên kia: họ có thể bắn tung từng chiếc máy bay, từng chòi canh trạm gác không sai cái nào.

Bắn phá thì dễ – Tân xen vào – Nhưng tiến chiếm còn nhiều gay go, lực lượng Đà Nẵng dữ dội lắm, hàng mấy chục sư đoàn, đủ mọi binh chủng, đủ mọi thứ hỏa lực và cả những phi đội F5 khổng lồ, cả một phi trường quân sự lớn nhất Đông Nam Á, chưa kể hải quân. Rồi anh đột nhiên kết luận:

Thế là ta còn đủ thì giờ bỏ trốn! Nhịn không được, Thái cười khì khì:
Lực lượng bên ta mạnh mẽ như thế đó, vậy ông thiếu úy nhà tôi sợ gì mà phải bỏ trốn, ở lại sống mái chơi một trận phải sướng hơn không?

Vừa nói xong, Thái lại nghiêm giọng:

Bây giờ là thuận lợi nhất. Kế hoạch đã có, đề nghị chuẩn bị lên đường trong 5 phút nữa. Từ các phía, đạn đủ loại vẫn nổ cầm chừng.

Theo kế hoạch đã bàn từ đầu hôm, mấy anh em đã nhất trí với nhau là ra đi không bao giờ quay lại nữa. Chiều hôm qua ra Đà Nẵng, Thái gặp nhiều người trong Liên đoàn đã bỏ trốn từ trước, một số đã rời khỏi Đà Nẵng từ chiều hôm nay rồi. Lại nghe nhiều tin tức khác như: quân đoàn đã bỏ ngỏ, tướng Trưởng đã rút ra Mỹ Khê lập bộ tư lệnh tiền phương. Quãng Ngãi, Huế, Quảng Trị, Tam Kỳ đã mất. Đà Nẵng trong tình trạng Việt cộng sắp tràn vào nay mai. Anh đã cho gia đình vào Nam về sống tại quê vợ ở Sài Gòn; chiều qua đã đưa vợ con vào phi trường nhưng hẹn sẽ tái ngộ, bây giờ thì anh một mình sẽ cùng các bạn bỏ đi.

Đường từ Đà Nẵng ra không bị quân cảnh kiểm soát, nhưng trở vào thì rất khó. Một người bạn của Thái là sĩ quan hải quân hẹn sáng mai sẽ đón anh, cho quá giang vào Nam trên một chiến hạm; nên anh đã bàn với các bạn, là vào đường chân núi Đà Sơn, men ra ngã ba Hòa Vang mà vào Đà Nẵng. Định đi vào lúc gần sáng, nhưng cũng ngại là khó ra khỏi cổng Liên đoàn; tuy nhiên tình thế khẩn cấp, anh quyết định đi ngay bây giờ.

Tất cả hành trang gọn nhẹ và mỗi người một súng cá nhân phòng lúc cần tự vệ, chất cả 4 người lên xe gíp của Thái. Chiếc xe lăn bánh trong tiếng súng nổ khắp nơi.

Đến cổng Liên đòan, toán gác xông ra chặn xe lại. Điểm trưởng nhìn xe biết là của trung úy Thái; nhưng cũng cẩn thận thủ súng ngang ngực, lò dò bước tới, khi nhận dạng được, điểm trưởng hỏi:

Trung úy đi đâu! Có giấy của đại tá không?

Không! Thái đáp – Thám sát một vòng ngoại vi trại thôi.

Có giấy của đại úy đại đội công vụ?

Cái thằng ngu. Mày biết ai trực tuyến đêm nay không?

Dạ, trung úy Thái – điểm trưởng ngớ ra.

Mở cổng nhanh, bộ ban ngày sao mà hỏi kỹ vậy mầy? Đồ ngu, ở trong trại chờ giặc vô à? Để tao thám sát một vòng, mày có nghe súng nổ không?

Tên điểm trưởng như cái máy, ra lệnh điểm gác mở cổng, chiếc gíp của Thái vọt đi.

Ra khỏi cổng, xe tắt đèn, chạy chầm chậm trong đêm. Thái cố giữ máy thật êm, tiếng súng nổ có lơi đi nhưng chưa dứt. Khoảng đường nửa cây số, từ cổng ra đến quốc lộ 1 trang nhựa, hai bên là nghĩa địa bỏ hoang. Ánh trăng chiếu sáng nhờ nhờ trên các mộ bia nghiêng ngả gãy đổ. Bóng những gò mả đen lấm tấm đầy cả vùng đất rộng mênh mông. Bên kia quốc lộ 1, đối diện với trại công binh là nổng cát dẫn vào xóm làng cách đường vài ba trăm mét.

Giọng Tân thều thào nho nhỏ:

Ham đi, mà đi thì ớn quá, có thằng nào đó chơi cho một phát B40 là tiêu. Không ai đáp lại lời Tân, xe vẫn lăn bánh chầm chậm.

Còn không thì một thằng lính nào của mình chơi sảng một băng, cũng chết hết. Tân lại than thở. Vẫn không ai đáp lại.

Mọi người căng mắt quan sát trước sau, hai bên.

Đến ngã ba quốc lộ 1 và đường vào Liên đoàn, Thái cho dừng xe. Chiếc xe không phải là phương tiện ra Đà Nẵng vì trên quốc lộ 1 sẽ gặp rất nhiều đồn bốt, sẽ bị chận lại do thiếu sự vụ lệnh, và ngay lúc này có thể bị bắn từ xa, khi tín hiệu đèn mật khẩu không đúng.

Bốn người xuống xe, băng qua ngồi thụp xuống vệ đường bên kia, chia nhau quan sát về bốn hướng.

Sau một lúc nắm tình hình, Tân báo trước:

Bên trái quốc lộ hoàn toàn yên tĩnh.

Bên phải quốc lộ hoàn toàn yên tĩnh – Nhật tiếp theo luôn.

Phía Liên đoàn yên tĩnh – Đến lượt tôi báo cáo.

Đường vào làng thuận lợi – Thái khởi lịnh – Chúng ta theo đội hình chiếm mục tiêu Miếu Bà.

Dứt lời, Thái băng mình phóng trước, rồi đến ba người còn lại lao theo. Sau đó khoảng 10 phút, bốn người cùng có mặt tại Miếu Bà. Tại đây, Thái nhắc lại mật khẩu, cách di chuyển và các biện pháp xử lý tình huống có thể xảy ra. Xong, với đội hình hàng một cách nhau khoảng 20 mét trong đêm, bốn người lần lượt tiến sâu vào trong xóm. Thái dẫn đầu.

Trong bước đi lầm lũi, tay cầm súng đưa ngang ngực, đi cùng với toán tuần tra, tôi chợt nghĩ có lẽ ngay giờ này, Việt cộng đang trùng điệp từ mọi lối trên đèo Hải Vân đổ xuống dưới bóng cờ sao, dễ dàng chiếm lĩnh những nơi họ đi qua; bởi vì quân lực “Cộng Hòa” chỉ còn con số trên giấy; thực chất nó đã tan rã rồi, tan từ trong tim mỗi người lính, mỗi sĩ quan. Đó là ý nghĩ của tôi và của tất cả những người chạy trốn.

Thái đi trước bỗng ngồi thụp xuống, nép vào một hàng rào tre. Lập tức các bạn đi sau tỏa ra, nép xuống, mở khóa an toàn khẩu súng.

– Cho biết tín hiệu màu? Thái hỏi.

Trưởng toán tuần tra chưa kịp nói thì phía sau, một hạ sĩ quan tiến lên trước, trả lời thay:

Cái đó tưởng anh Hai cũng biết, sao anh Hai cứ vặn vẹo tụi em hoài. Nãy giờ tụi em theo anh Hai xa xa từ khi các anh đột nhập Miếu Bà. Tụi em có ngờ đâu đặc biệt hôm nay, sĩ quan chỉ huy Liên đoàn cũng tham gia tuần tra, lại có cả sự phối hợp của sĩ quan TĐ 103. Nói thiệt anh hai đừng quở, chớ lúc đầu tụi em nghĩ anh Hai bỏ trốn quá nên lần theo.

Tôi nghe mà “hỡi ôi”, cái đám này ranh quá, thế là đừng hòng bịt mắt chúng nó được; ngược lại chúng có thể bắt giải các anh về Liên đoàn. Ngao ngán hơn nữa là tình huống xảy ra mà bảy người đều đang ghìm tay súng đối nhau nghi ngờ, trong khi trước đây họ đã từng chén chú, chén anh với nhau quanh bàn rượu.

Sự thể quả thật khó khăn, bọn đại đội biệt lập ít khi chịu tuân lệnh các sĩ quan Liên đoàn. Chúng chỉ có biết “xếp” đại đội trưởng của chúng thôi. May sao, cái tánh vụt chạc nóng nảy của Tân lại cứu gỡ được tình huống khó xử này. Thiếu nhẫn nại, tân huỵch tẹt:

Ừ, bây nghi đúng, thì bọn tao trốn. Ở lại đây làm cái quái gì, để chết oan hả? Rồi Tân phán luôn:

Chuyện bây, bây làm, lo tuần tra bắt Việt cộng đi, còn chuyện tao, tao làm. Rồi, ai đường nấy đi! Tay hạ sĩ thứ ba nãy giờ không nói gì, chợt lên tiếng với Tân:

Thiếu úy, cho em theo với!

Bọn Hòa ngạc nhiên, hai tay khai quang kia càng ngạc nhiên hơn. Chúng không ngờ trong bọn họ có người sẵn ý bỏ trốn, gặp dịp nó nhập phe với các ông “sĩ quan”.

Tôi nhìn người trưởng đoàn, hỏi dò:

Sao? Các anh có định theo luôn không? Chúng tôi ra Đà Nẵng đây. Không có tiếng trả lời, nhưng cả 7 người cùng bước đi. Thái lại dẫn đầu.

Làng Vân Dương với đất sắp từng tầng lên cao đến tận chân núi Đà Sơn. Nhà thưa thớt nên nhà nào cũng có sân vườn và lũy tre bao quanh. Kiểu cách giống như làng mạc thôn xóm miền Nam, chỉ khác đất trên nền là cát trắng và vườn tược loe hoe một vài cây ăn trái. Đường trong làng với bề rộng ít khi bị thay đổi, hai bên viền hai rặng tre già kín mít, lá phủ đan vào nhau phía trên. Đi trên đường làng, người ta có cảm giác như đi trong một hẽm núi không có ánh mặt trời; nhưng khi vào sân nhà bên sau lưng hai dãy tre thì trống trơn, bóng nhà thưa thớt.

Bảy người im lặng nối đuôi nhau trên đường, chỉ phải nhìn về phía trước và phía sau, còn hai bên thì chỗ nào cũng có thể gặp phục kích, nép bên đường sát gốc tre hoặc từ bên trong vườn nhà; không thể phát hiện được. Tre già che khuất tầm nhìn nhưng không chắn được đạn, không bảo vệ được người bị bắn. Do thế, làng Vân Dương được xem như một cứ điểm phòng thủ lợi hại, kẻ xâm nhập không tránh khỏi bị phát hiện.

Làng không rộng, bậm môi xông suốt không trọn nửa giờ là ra thoát. Tuy nhiên, trong nửa giờ này thì từng giây một, thần kinh con người căng thẳng, chờ đợi tiếng súng nổ mặc dù không bao giờ muốn nghe.

Trong những ngày chiến cuộc chưa xảy ra căng thẳng như lúc này thì làng Vân Dương là kỷ niệm của tôi. Thỉnh thoảng, tôi vào đây, tìm ngồi dưới bóng mái tranh quán rượu, nhấm nháp vài ly, nhìn sinh hoạt của dân tỉnh hiền lành, cặm cụi. Tôi cũng nghe được nhiều câu chuyện êm đẹp thời thơ ấu của cụ già bán quán, như thể cuộc đời bà nội tôi. Cuộc đời vật lộn kiếm sống, chuyện tai ách v.v…vì đây chính là quê bà. Nhưng hôm nay, qua làng trong đêm tối, tôi thấy nguy hiểm vô cùng, mạng sống có thể bị cướp đi trong nháy mắt.

Men theo chân núi, bảy người lại cẩn thận dò dẫm tiến về hướng xã Hòa Mỹ. Định đến được xã, mọi người sẽ yên lành ra Đà Nẵng theo đường làng. Xã này hiện do phía chúng tôi kiểm soát. Bọn tề xã, dân vệ, địa phương quân sẽ không ngăn cản, họ rất nể nang vì công binh đã nhiều lần giúp họ kiến thiết xã. Trước khi đến xã, vòng đai an ninh lại có lực lượng của sư đoàn 3 bộ binh đảm trách thì có thể yên tâm.

Băng qua suối Rốn, ranh giới của xã, thì mọi người sẽ yên tâm hoàn toàn. Con suối sâu thẳm nhưng đá lởm chởm khó vượt. Nếu như bị phục kích thì như lọt vào lưới hỏa lực. Ở đó 7 người được chia làm ba toán, Thái và Nhật qua trước, đến ba hạ sĩ quan khai quang rồi đến tôi và Tân. Cứ một toán vượt suối, hai toán kia canh giữ để sãn sàng yểm trợ; vì thế mà qua con suối nhỏ đã phải mất cả tiếng. Khi qua được tới bờ bên kia, mọi người nhẹ nhõm; toán của tôi tụ lại thành nhóm, ngồi chụm đầu, Thái phát biểu:

Tôi tưởng không thoát được đoạn đường vừa qua, tôi cố làm bộ tỉnh, giấu anh em, chứ tôi ngại có đụng độ ghê lắm. Đụng thì thế nào anh em ta cũng bị mẻ. Nhưng đến đây thì đã hoàn toàn yên lòng, có thể vào Đà Nẵng được rồi. Đường xuyên qua xã khoảng mười cây số, chúng ta đi nhanh không đến 2 giờ đồng hồ, có thể đến trước khi trời sáng.

Thôi đi đại cho rồi, anh Thái hay dài dòng quá.

Nói xong, Tân đứng lên. Phải lom khom nãy giờ, cả bọn liền đứng dậy theo, uốn lưng bẻ tay cho giãn gân cốt. Vừa lúc đó không biết từ đâu, xuất hiện một người, gần sát bọn tôi.

Cây súng AK giương lên chĩa về phía trước cùng lúc với 7 mũi súng M16 cũng giương lên.

Trong nháy nắt, có thể xảy ra một tràng tiếng nổ. Thế nhưng, không ai hiểu được, tại sao mấy mươi giây trôi qua chẳng một viên đạn nào ra khỏi nòng. Một trận cận chiến bất ngờ, nhưng không ai tham chiến.

– Bỏ súng xuống! Đầu hàng đi!

Giọng nói nhỏ nhưng dõng dạc. Kỳ quặc thật, tiếng nói đó phát ra từ phía chỉ độc có một khẩu AK trong giữa vùng “quốc gia” còn làm chủ tình thế. Trong khi đó, bảy mũi súng M16 ngập ngừng. Mũi súng của Tân hạ xuống trước, rồi đến tôi và lần lượt bảy mũi súng Mỹ hạ xuống.

Khi những cây M16 quăng đống dưới đất, anh giải phóng buộc chúng tôi lùi xa. Xong anh thản nhiên quơ tất cả, mang súng lên vai quày quả bước đi. Chúng tôi ngơ ngác quay trở lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.