30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy
Cái “Tình” Đối Với Dân DI Tản
Cách đánh tráo chua cay, đầy đau đớn đã đưa được bọn bốn người lên xe ra đi yên ổn, thoát khỏi ngục tù quân đội đã phải trả giá bằng cái giá bốn đêm người chị cô bạn của tôi bị giam cầm trong tay tên đại úy. Cô gái có cái ước mơ cao nhất là làm thợ dệt đó đã giấu nhẹm việc ấy với bọn tôi. Chỉ sau này họ mới tình cờ biết được. Chị đã đến Long Hải từ chạng vạng tối hôm qua, lên trại “đón rước” mà đúng ra là tiền trạm tập trung quân chạy làng của Sài Gòn.
Bây giờ quân lính mà phải chạy trốn bọn hội tề làng xã! Trong khi lực lượng đó – lính và làng – là phải luôn luôn dựa vào nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau để giữ chế độ.
Vừa đặt chân vào “trại tiếp rước dân di tản” đó, với con mắt nghề nghiệp, nhìn thoáng qua cử chỉ mấy con Dạ Lan giữ việc đón tiếp, bưng món ăn cho khách chị thấy ngay bản chất, mục đích của trại này. Chị đành thôi đau khổ cho thân phận đứa em đựoc mai táng vào lòng biển hôm qua trong cơn mưa dồi dập chiếc ghe. Rồi tự nhận lấy nhiệm vụ báo ân cho một người đàn ông mà chị gặp lần đầu tiên trong cuộc đời chuyên làm “người đẹp” của chị. Hai lượng vàng và một tượng phật vàng, giúp đỡ cả hai chị em mà không hề đòi hỏi chị phải trả laị điều gì.
Khi xe chạy được một đỗi xa, tôi nhắc Thái:
Anh Thái nhớ xuống trước Long Thành nghe! Chị ấy luôn dặn như thế là chắc phải có chuyện. Tôi nhắc như sợ chuyện “Chém quỉ giữ cái chân cho đúng trăm ngày”.
Thằng mũi hếch nhịp nhịp cái chân, hớt trả lời:
Yên chí lớn đi khứa! Mấy khứa đã lo tròn nhiệm vụ. Hoan nghinh mấy khứa, very number one. Để mỗ lo đoạn tới, mỗ như con trạch không thằng nào chộp được đâu. Nó vòng cánh tay xía xuống sàn xe, miệng kêu dài:
Làm cái Cóóóttt. Và…đột nhiên nó im bặt, ngồi nhìn chăm chăm cái bọc dài để dưới ghế ngồi phía trước mà tình cờ nó thấy khi xỉa tay xuống sàn xe. Ngồi kế bên, thấy cử chỉ lếu láo của nó, tôi rất bực bội, nhưng khi nhìn theo ánh mắt của nó, tôi bỗng thấy tim mình đập nhanh.
Thằng mũi hếch ngồi sát thành xe, kế đến tôi, rồi Thái, băng ghế ba người nên thằng có đôi mày dính liền ngồi băng trên, trước mặt Thái, phía trong là một ông đứng tuổi và một thanh niên ngồi kế thành xe. Bàn chân cuả thằng mũi hếch cứ đạp nhè nhẹ vào cái bị dài để sát góc sàn phía thành xe, ở đó ló ra một góc báng gỗ màu hung hung đỏ. Thói quen nghề nghiệp làm nó tinh mắt phát hiệm cái bao ấy có thể có chục khẩu AK. Nhưng còn muốn chắc chắn, tôi làm bộ nhìn về phía Thái ra hiệu và bạn anh cũng kịp thấy, trong lúc thằng mũi hếch đã nhấp nha nhấp nhổm ngó vào ót anh thanh niên ngồi trước mặt nó và vờ quay lại nhìn mặt người ngồi phía sau nó. Bất giác nó rùng mình: bắt gặp cái nhìn thẳng nghiêm khắc của người ngồi sau lưng, một người đàn ông trông chắc nịch ngồi kế bên hai thanh niên nam nữ. Biết rõ điều gì rồi, thằng mũi hếch xếp re cái hung hăng lưu manh lại, ngồi yên nhìn ra bên đường như trông cảnh núi non Bà Rịa và nhìn riết về hướng đó, im luôn cái miệng.
Cảm giác trong tôi nửa mừng nửa lo. Tôi quên hẳn không gian. “Thật là sát nút”, tôi nghĩ như thế và nghe gió lùa từ đồng ruộng vào mát rượi.
Long Thành, bà con ơi chợ Long Thành! Cô giá phụ lơ hay con bà chủ xe đò gì đó, la lên báo nơi xe đang tới.
Xuống! Xuống mấy khứa! Đột dưng thằng mũi hếch đứng dậy chực chen ra trước cả Thái và tôi. Thằng có đôi mày liền nghe giọng thằng bạn nó, quay lại nhăn nhó:
Cái thằng củ tỏi, xuống đâu đây mậy? Long Thành chớ đâu phải Long Bình mà la con mẹ mày quá vậy!
Đã bảo xuống thì xuống! Ấy mờ, uốn mờ ết chớ, à hở? Ơ cớ, iệt vờ, ộng cờ, ển trơ, è xơ (nói lại câu: Mày muốn chết hả? Có Việt cộng trên xe).
Ấy vơ.. xuống! Xuống! Tới phiên thằng mày liền đòi xuống xe, nó đứng bật dậy bỏ đi liền, Thái và tôi cũng đứng dậy. Thằng mũi hếch đùa lấn theo sau, nó sợ bọ bỏ lại trên xe với mối nguy tâm phúc của nó, vừa đi vừa la to khi xe muốn chạy:
Xuống! Xuống! Chờ xuống!
Chiếc xe đò cuốn bụi chạy đi, bỏ lại 4 người đàn ông không giống ai cả, lem luốc xốc xếch và ốm đói; dân đi đường đều quay lại nhìn. Thằng mũi hếch vừa đứng vững đã băng liền qua đường, lầm lũi đi ngược lại hướng Bà Rịa, miệng nó lẩm bẩm: “Tổ cha cái thằng thỏ hủi” và rồi cũng băng luôn qua đường. Thái và tôi nhìn theo, thằng trước thằng sau, hai thằng ôn dịch đang cắm cổ bước. Không còn biết làm gì nữa, không biết phải đi con đường nào, hai anh cũng sang đường và theo sau luôn.
Đi theo hai thằng đó. Cái gì chớ lủi thì phải nhờ hai thằng này dẫn đường. Thái nói với tôi khi thấy tôi có vẻ phân vân. Rồi anh tiếp:
– Nhưng đừng đi gần, coi chừng tụi nó, cái giống phản trắc phải đề phòng.
Chúng quẹo vào con đường phía tay mặt về Nhơn Trạch. Hai thằng ác ôn láu cá thấy sắp đến nơi, muốn bỏ rơi hai người lính công binh. 8 giờ sáng ngày 6 – 4 – 1975, Thái và tôi cùng rẽ về hướng đó. Phía trước hai thằng ác ôn cắm cổ đi, sau là chúng tôi, hai người lính công binh lầm lũi theo bén gót, giữ khoảng cách 300 thước. Mặt trời đã lên cao, nắng nóng mồ hôi đã tháo ướt đẫm. Tôi đã mệt mỏi quá sức. Tôi nhớ lại lúc ở Long Hải, có đồ ăn thức uống ngon lành, nhưng chỉ cho vào bụng được có mấy muỗng. Lúc đó, ai còn bụng dạ nào mà ăn.. tay đũa, tay muỗng, tôi quậy quậy xốc xốc trong tô phở. Ờ. . mà phở hay mì kìa? Tôi không nhớ rõ nữa. Vì dưới mắt tôi là tô thức ăn mà trước mặt tôi là hai thằng súc vật: hai thằng biệt kích, một thằng “nhái” và một thằng “sô”.. Cùng trong quân đội, nhưng các binh chủng của quân đội Sài Gòn ngầm đố kỵ lẫn nhau, kình chống nhau, có dịp là chơi nhau ngay, không tha. Bọn biệt kích được thả ra miền Bắc mà tiếng lóng chúng gọi là “sô Bắc Việt” lại bị coi là lũ bần tiện nhất, bị các “chiến hữu” của chúng gọi trại ra là “bịch cứt”. Vị trí “công binh bàn giấy” của tôi ít cho tôi có dịp tiếp xúc với các binh chủng khác. Những câu chuyện trong câu lạc bộ sĩ quan như câu chuyện Dạ Lan, câu chuyện “bịch cứt”, tôi chỉ nghe như gió thoảng qua, chẳng đáng quan tâm. Nhưng mấy ngày nay, tôi có thực tế để nhớ lại và kiểm nghiệm.. Tôi nghe bụng mình đau và miệng lạt.. muốn nôn mửa. Đã đồng hành rồi lại phải đồng bàn với hai thằng “bịch cứt” này ư?
Bây giờ bước bộ, tôi mới thấy rã rời, yếu đuối, bước chân tôi chỉ là nhịp bước chân Thái. Mấy lúc tôi muốn nằm dài ra trên đường, nhưng Thái thì cứ bước dồn, vì đàng kia hai thằng ác ôn bước càng lúc càng gấp lên “Hai con thú bị săn đuổi quá cỡ” và mình lại phải theo nó cho sát! Tôi nghĩ và cười chua chát, Thái cũng cười theo:
Thôi ráng lên đi, chắc tới nhà rồi đó, hai thằng kia đi bước chân thuộc làu quá, chắc ăn. Tôi cười phì, lắc đầu, chân lết hết nổi. Tôi quay sang nói với Thái:
Nói anh đừng buồn nghe, 23 cây số đường bộ tới phà Cát Lái, cộng 2 cây số đường sông và rạch Sài Gòn, 8 cây số đường bộ Cát Lái tới nhà. Ngả này là ngã tắt từ Long Thành về Sài Gòn tôi rành lắm, hồi nhỏ đạp xe đạp đi luôn. Hồi đó đi chơi mà, đi bằng xe, bây giờ chạy chết cả ngàn cây số rồi đi bộ. Hết chịu nổi!
Nói vừa dứt, tôi ngồi bệt xuống liền, duỗi chân, nghiến răng. Thái dừng lại ngó tôi, ngó theo bóng hai thằng ác ôn, rồi cũng từ từ ngồi xuống. Chỗ chúng tôi ngồi đây là giáp ranh giữa đoạn đường tráng nhựa phẳng phiu và khúc lộ gồ ghề lởm chởm. Hai bên đường, một bên là ruộng vàng ối dưới nắng thoai thoải đổ dốc. Một bên là đồi mạ non, chung quanh vườn tược rợp cây ăn trái sai quả chênh chếch lên cao. Bóng mát xanh rì. Cảnh thật yên lành, đẹp đẽ, người lưa thưa thấp thoáng đâu đó trong vườn nhà thật xa. Đường vắng tanh, một em bé từ tuốt trong hướng Nhơn Trạch đi ra, em đi một mình tay ôm cặp, tay xách bình mực, đi ngang đối đầu hai thằng ác ôn em đứng lại quay nhìn; thoáng chốc hai thằng cũng quay nhìn lại em, chúng đưa tay ngoắc và em vụt bỏ chaỵ. Một chặp, em bé ngừng chân ngó ngoái lại sau thấy hai thằng vẫn lầm lũi bước, em yên lòng lại đi. Đi tới một chút chợt thấy chúng tôi ngồi bên đường, em đứng sững lại nhìn. Chúng tôi – hai người lính công binh – nhìn lại, tôi cười để cho em đừng sợ, nhưng em vô ý thức bỏ lui chân bước; Thái lại đưa tay vẫy, em bé hoảng kinh quay lưng chạy ngược trở lại. Một đỗi em đứng lại, lại quay nhìn chúng tôi nhưng đứng yên không đi tới.
Một cô gái áo bà ba trắng từ hướng Long Thành đi bộ vào. Cô bước e dè. Khi đến gần chúng tôi cô liền sang bên kia đường rồi đi nhanh thoăn thoắt vượt qua chỗ chúng tôi. Cô lầm lũi bước không ngoái cổ lại. Đến gần em bé, em bé đón cô lại nói năng chỉ trỏ chúng tôi. Cô gái nghe em bé nói hết câu, lắc đầu bước thẳng, em bé còn lại đứng nhìn chúng tôi, không đi. Vừa lúc ấy, một bà từ Nhơn Trạch đi ra, em bé đón lại, cũng nói, cũng chỉ như trước; người đàn bà nhìn chằm chằm vào chúng tôi, rồi nắm tay em bé dắt đi. Chân bước đi mà mắt cô học sinh bé nhỏ cứ lom lom nhìn chúng tôi – hai người đàn ông lạ ngồi bên vệ đường. Tôi thất sắc thất vọng, như bị đảo nhào trong không khí: “Em bé sợ mình ra mặt, chân tướng mình đã hiện ra như thế nào, một con quỉ đang nhe răng múa vuốt chăng? Lâu nay mình sống chung với một lũ quỉ mà mình nào có biết! Hôm nay mình đã thành quỉ rồi chăng?”. Tôi chống tay đứng lên, ghì áo Thái.
Thôi đi! Đi nhanh về nhà, sớm giây nào tốt giây đó. Nhưng tôi lại lảo đảo ngồi xuống ngay bên vệ đường. Mất ngủ, đói mệt nhưng sợ nhất vẫn là thất vọng ở cuộc sống. Tôi cảm thấy choáng váng.
Chiếc xe bò ở đâu trờ tới ngừng lại quay về hướng Nhơn Trạch, đám chăn bò trước mắt tôi ốm khẳng khiu, da đen nhẻm. Một ông già đánh xe bò áo bà ba đen, quần đen mốc thếch xuất hiện. Ông nhìn sắc diện chúng tôi, hai con người lem luốc tả tơi, dường như hiểu ra, ông nói nhè nhẹ:
Mấy cháu di tản? Tôi lắc đầy chán nản:
Di tản vào đâu, có ai lo đón lo đưa đâu bác?
Ờ, ờ. Thì nghe nói di tản, qua cũng nói di tản. Ông lò dò hỏi thử.
Mấy cháu về cái đồn lính trong Nhơn Trạch đó hả?
Thái nhìn tôi.
Nhà tôi trước cổng số 9[38] thấy quân cảnh đông quá có cả trăm tên, dọc theo rào, trong xa thì cứ hai chục thước đứng một đứa, đứa nào đứa ấy không thèm M16 mà M18 ráo trọi.
Ông thấy nói một mình nghe riết thành lộ, ông làm bộ hỏi bà ngồi xéo bên phải:
Bà “phụ tùng”[39], bà thấy gì trong đó không? Chỗ ở của bà cao nhìn vào đó dễ hơn tui. Bà “phụ tùng” nói bâng quơ:
Ở trại lính thì có lính chớ sao! Mà lóng rày sao lính đâu nhiều quá! Mà không thằng nào ra lính, mặc đồ lính gì mà xác xơ thấy phát gớm.
Phát gớm là sao hả bà? Ông khách cố lừa cho bà “phụ tùng” dùng từ chính xác hơn: – Là dơ hầy, là đói rách hay dữ dằn?
Dữ con khỉ gì! Cứ rủ như tù ấy!
Ông khách cười khành khạch. Chúng tôi cũng đã được ông cụ đánh xe bò cảnh giác như thế trước rồi, nhưng xe ngừng trước khi bước xuống, tôi cũng nhìn ông khách với cặp mắt cảm ơn. “Chắc ông khách này đã cứu thoát nhiều người lính chạy làng như mình”. Tôi thầm nghĩ như vậy.
Con đường từ đây về Sài Gòn chỉ có trên dưới 40 cây số mà cũng phải đi bộ. Năm 15 tuổi, tôi đã dùng xe đạp “di hành” trong sinh hoạt kỳ thú của thiếu nhi; bây giờ cuộc “di tản” sẽ “kỳ thú” hơn nhiều! Tôi tin tưởng như sắp bước vào ngưỡng cửa tổ ấm gia đình. Tôi thúc Thái:
Đi anh Thái! Nhớ nghe! Lúc còn ở Nha Trang anh có hứa bao tất cả mọi người trên chiếc Dodge 4 mỗi người một tô “phở tàu bay” đặc biệt, bây giờ chỉ còn mình tôi..
Tôi bỗng nghe ruột mình quặn lại, mắt cay lên, lòng đau đớn, 88 người trên chiếc Dodge 4, chỉ còn thấy có hai anh em …
— Hết —
[1] Ở Liên đoàn, lính hay gọi tôi là ông thầy vì cảm tình và thân thiện.
Máy bay lên thẳng loại lớn hai cánh quạt, chuyên chở hàng nặng
Binh chủng áo vằn vện: Dù – Thủy quân lục chiến – Biệt động quân
Một đơn vị của biệt động quân
Nẫu: tiếng chê bai của người miền Trung
Một kỹ thuật điều khiển thuyền máy 16 km/giờ và 33 km/giờ.
Từ Thái đến các sĩ quan toàn là những công vụ lịnh, nên họ gọi đùa như vậy.
Tìm cách moi tiền người khác
Nhại theo tiếng nước ngoài: tức thì
Bị tù
Lính không quân phục vụ phi trường ở mặt đất
Một loại thuốc nổ mạnh
Cầu giữa hai làng Liên Chiểu và Nam Ô, huyết mạch quốc lộ 1 từ Đà Nẵng ra Huế
Bắn cả loạt
Lính dù
Loại phao của hải quân choàng qua cổ.
Samsonai nhãn hiệu của một loại va li du lịch nhỏ
Hải quân chiến đấu, áo xanh biển đậm.
Quân cảnh: đồ xanh cứt ngựa, nét đặc biệt nón nhựa sơn bóng với hai chữ QC phía trước.
An ninh quân đội: mặc đồ như dân, chân đi loại dép nhựa trong đặc biệt.
Binh chủng thủy quân lục chiến đội mũ bê re màu xanh lá cây
Danh xưng tung hô bọn vằn sóng biển thủy quân lục chiến
Xe chuyên chở binh lính loại nhỏ, hoặc sử dụng trong những nhiệm vụ đặc biệt: cứu thương – truyền tin – an ninh….
Đau cái đầu, nhại theo giọng Bình Định.
Biệt động người Nùng hay cũng chính là bọn “Phun – rô”.
Đặt chỗ trước
Loại xe có trang bị súng chống tăng
Nói nhại bốn âm “Quốc gia hành chánh”.
Phăng – tôm do từ Fantome: con ma.
G. Ford: tên tổng thống đời thứ năm của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ý nói hình vẽ cái sao trắng trên máy bay và quân xa Mỹ.
Lực lượng cảnh sát đặc biệt ác ôn số một của Thiệu, dựng lên để chuyên lùng sục vào căn cứ địa cách mạng.
Claymore: mìn miểng chống người
Toyota pick up.
Tiếng đôi của từ khách; khách khứa. Tiếng lóng của bọn đá cá lăn dưa dùng có ý khinh miệt, khiêu khích.
Loại điệp báo chiến hạm ra điều nghiên tình hình, đánh phá miền Bắc.
Lạng quạng, quờ quạng: nói theo tiếng lóng của bọn lưu manh.
Cổng trại Long Bình trên quốc lộ 13 gần ngã ba Vũng Tàu.
Chắc bà này bán phụ tùng xe đạp, xe máy tại khu ngã ba Vũng Tàu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.