30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Nổi Loạn Tại Đà Nẵng, Tan Rã



Đến lúc này, lão đại tá mới yên tâm bước đi, lão về thẳng phòng làm việc của mình, gọt giầy cố dậm vang để tỏ ra ta đây vẫn vững vàng, lão cố gắng bình tĩnh.

Bước vào phòng, đóng cửa đánh rầm sau lưng, lão bước nhanh lại ghế, gieo mình vào đó nặng trịch, để nguyên mũ trên đầu, thở hổn hển. Lão mập quá nên hơi thở luôn luôn hổn hển làm lão nặng ngực. Lão nhìn lên trần, trợn mắt.

Tiếng đế giày đập “bùng” lên làm đại tá giật mình và tiếp liền theo đó, lão giật thót người vì tiếng hô dõng dạc:

– Chào đại tá!

Rồi lão nghẹn ngang, mặt tái xanh nhìn người quân nhân vừa chào lão đứng trước mặt, giọng lão trở thành thều thào nói đứt đoạn:

– Thiếu., úy…Hòa. Anh đi đâu đó?

Với chủ đích trả đũa có pha chút ác ý, tôi đáp luôn:

– Thưa, đến gặp đại tá. Tôi báo cáo: “Tổn thất toàn bộ”.

Lão đại tá bước mấy bước gấp rút về phía tôi, bàn tay hộ pháp, chộp lấy cổ áo tôi giật giật. Bộ mặt bị dồn máu tím bầm, hơi thở của lão khò khè.

Tôi kín đáo quan sát gương mặt lão: cặp mắt mở trừng trừng nhưng thất thần, tôi biết lão đã quên mất những chuyện đã xảy ra. Lão mất trí nên quên phứt đội thuyền. Đôi môi lão run run. Mắt lão cứ ngớ ra như người dại. Tôi chợt thấy tôi nghiệp một lão già. Tôi đổi thái độ, kể lại cho lão nghe vắn tắt sự việc bằng lời lẽ bình thường.

Thưa đại tá, càng mở mặt trận, tổn thất sinh mạng sẽ càng cao, tội ác sẽ càng đầy. Những người vô tội sẽ là nạn nhân trước hết.

Tôi bước ra khỏi phòng, và luôn luôn tin tưởng rằng hễ là con người thì thế nào cũng có một lúc nào đó đức nhân hậu cũng thức tỉnh. Nhưng về lão này, tôi băn khoăn nghĩ: không hiểu tính bạo tàn của lão sẽ chồm đến mức nào là cực điểm. Một tên chém thuê giết mướn từ gần 30 năm nay, làm sao thay đổi được thói quen hung ác của hắn?

Từ lúc ấy, lão đại tá quay về nhà riêng và ở lì trong đó. Nhà lão nằm sát bãi biển, tại khoảng giữa đất Liên đoàn, cách bộ chỉ huy nơi lão làm việc chừng 200 mét. Nhà được rào giậu bằng kẽm gai, xung quanh nhà có đất rộng…Mấy lúc sau này, lão có đặt lính canh phòng. Sự vô ra nhà lão phải có lịnh của lão, không phải ai muốn đến cũng được.

27 – 3 – 1975. Một ngày trôi qua thật chậm trong sự tê liệt của Liên đoàn, sáng không chào cờ, chiều không hạ cờ. Đại đội công vụ không tập hợp, không chỉ thị, không người lính nào làm việc. Phòng quản lý quân vụ vắng hoe. Các đại đội biệt lập không mở cổng. Thật lạ kỳ, mới ngày hôm trước còn hăm hở, ngày hôm sau bỗng eo sèo. Vị liên đoàn trưởng bế môn im lìm và Liên đoàn đìu hiu, kế hoạch hành quân của lão đại tá lúc này có lẽ bị lão xé nát. Tại sao như thế? Tôi và Thái trầm ngâm ngồi nơi bàn trong câu lạc bộ ngó bâng quơ ra biển. Cả ngày hôm qua, chúng tôi ngồi đây, sáng hôm nay, chúng tôi cũng lại ngồi đây, rảnh rỗi một cách kỳ lạ. Phòng điện báo, trung úy Thái không thèm để ý; cửa phòng chiến dịch, nơi làm việc của tôi, tôi cũng chẳng buồn tra khóa.

Một chiếc xe gip chạy ào từ cổng vào sân Liên đoàn, không ghé lại bộ chỉ huy, mà đánh vòng quanh chân cột cờ, rồi chạy thẳng vào hướng nhà lão đại tá. Thái và tôi cùng bước ra trước cửa câu lạc bộ đứng nhìn.

Từ trên xe, một sĩ quan hai hoa mai trắng bước xuống, nón sắt, áo giáp dính đầy bụi đường, hàm râu chổi xể quen thuộc trên mặt ông ta làm chúng tôi nhận ra ngay.

Tay trung tá liên đoàn phó – Tôi kêu lên.

Ậy, ậy, thế là có chuyện rồi! Thái chặc lưỡi như đoán biết một điều gì.

Tên liên đoán phó này đến công tác tại Liên đoàn gần hai năm nay mà nghề nghiệp chuyên môn thì chẳng có gì. Chưa hề nghe ai nói hắn ta có công trận nào thuộc ngành công binh cả. Làm liên đoàn phó nhưng hắn chỉ được phân công đối ngoại, thay vì đối nội theo chức năng phó của hắn, và thường làm công tác phối hợp cùng đơn vị khác, đi đây đi đó mãi. Đây là cách mà lão đại tá cho hắn lưu vong để khỏi bận tâm canh chừng hắn. Nghe nói, hắn đã vận động thế nào đó tại Bộ Tổng tham mưu để đến đây, một là chuẩn bị thay thế lão đại tá nắm Liên đoàn, hai là tạo cơ hội vơ vét các kho hàng công binh. Cho nên, ngoài mặt thì hắn là người giúp đỡ cho lão đại tá. Nhưng kỳ thực bên trong, thì hai tay này kình chống và chờ ăn thịt nhau. Từ hôm Tết đến nay, lão trung tá râu chổi xể này vào Quảng Ngãi, gọi là phối hợp hành quân với trung đoàn nào đó của sư đoàn 3 bộ binh.

Hôm nay, đột nhiên tay này về Liên đoàn mà chẳng báo trước, tất là có chuyện. Nhất là nhìn vào cách ăn mặc của hắn, xốc xếch và bụi bặm; trái với thói quen của hắn, là tay chải chuốt từ đế giày lên đầu ngọn tóc.

Vừa bước qua khỏi cổng rào nhà lão đại tá, tay trung tá liên đoàn phó xăm xăm băng qua vườn hoa đi thẳng vào cửa lớn. Cửa chưa kịp mở hẳn, hắn đã ào vào bên trong, lão già trung sĩ tay chân nhà đại tá há hốc miệng nhìn theo.

Trên xe tay liên đoàn phó, ở băng sau còn có mấy người ngồi, cũng nón sắt áo giáp; nhưng ở xa, chúng tôi chẳng biết là ai. Thái tựa vào cửa câu lạc bộ, tay vuốt cằm, hất hất về phía nhà lão đại tá.

Hai thằng đó dám có choảng nhau trong đó lắm, bộ điệu cái thằng trung tá coi hầm hầm quá.

Choảng thì không đâu! Tôi cãi lại: – Trợn mắt phùng miệng chửi nhau thì có; hoặc giả, cùng quơ tay múa chân.

Thái cười cười:

Anh em nhà nó, lâu ngày gặp nhau, nhiều khi hai đứa muốn thủ vai hai nhân vật trong tiểu thuyết, ôm nhau mừng mừng tủi tủi; mà ôm không sát được vì thằng trung tá thì thủ thân bằng áo giáp, còn lão đại tá thì thủ thế bằng súng lục giắt lưng.

Hai anh em lững thững băng ngang sân Liên đoàn về khu ở các sĩ quan, cũng gần nhà lão đại tá. Khi đi ngang qua chiếc gip, tôi mới chợt nhận ra các bạn mình: Tân, Nhật cùng theo liên đoàn phó về đây. Hai bạn này ra cùng khóa công binh với tôi và cũng cùng bị đổi ra đây, cùng mang lon thiếu úy. Tân là kỹ sư công chánh, ngang tuổi tôi, còn Nhật thì nhỏ hơn gần 10 tuổi, đang học dở đại học kiến trúc. Hiện nay, Tân, Nhật đang công tác tại tiểu đoàn 103CB, tiền trạm của liên đoàn phó tại Quảng Ngãi.

Gặp các bạn cũ, lại là người trong Nam ra cả, tôi mừng lắm.

– Chào các thiếu úy tiểu đoàn 103.

Mắt Tân, Nhật ánh lên vẻ mừng. Tân giễu cợt:

– Dạ kính chào thiếu úy chỉ huy Liên đoàn.

Chợt nhìn thấy Thái, Tân nhảy phóc ra khỏi xe, đứng nghiêm, gồng người đến lắc lư cái thân cao lòng ngòng, lễ mễ cả tràng:

Dạ, không dám, dạ kính chào ngài trung úy lịnh[7] của em. Thái phì cười:

Cái ông mày, không khi nào có được tác phong quân kỹ. Anh lại đến vỗ vỗ vào vai Tân:

Ốm hoài hử? Chắc chẳng chịu ăn, nhớ nhà miết chứ gì?

Dạ, đúng, nhớ vợ.

Nhật cũng chui ra khỏi xe nói chen:

Anh ta nhớ bỏ ăn bỏ ngủ, lúc này càng nhớ gắt. Chẳng ai đánh mà Tân khai thật:

Anh Thái ơi, nhớ chết mồ, đường về Nam đã bị cắt rồi, khéo rồi kẻ ở bên này, người bên kia. Thái sửng ra:

Nói sao Tân? Cắt là thế nào? Từ hồi nào vậy?

4 giờ sáng nay, 27 – 3 – 1975, giải phóng làm chủ hoàn toàn phía Quảng Ngãi. Từ đây họ sẽ chia hai cánh, một tiến chiếm Nam Kỳ, một giải phóng Quảng Ngãi.

Tôi chen vào:

Bạn nói sao có vẻ ghê gớm thế, đây chắc chỉ là một toán nhỏ nào đó đánh sập một vài cái cầu, và ruồng bắt vài thằng xã tề gì đó thôi chứ?

Không! Lần này họ đánh chính quy, đánh quyết định bằng cả mấy sư đoàn đó.

Thái và tôi ngẩn người ra. Nhất là Thái, chỉ huy truyền tin mà cũng chưa được biết tin này. Thậ ra, cả mấy ngày nay anh có làm việc đâu.

Nhật có vẻ nắm vững tin tức, cho biết:

Thật đấy! Chẳng bao lâu, hết Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bình Định, thì rồi tới Nha Trang, Đà Nẵng. Còn miệt ngoài, Quảng Trị đến Huế rồi Đà Nẵng. Nghe đâu đã có tin lần này giải phóng sẽ giành lại thêm phần đất từ Bến Hải đến đèo Cả.

Tân gật đầu, cả tin:

Như thế thì đáng lo quá, ly biệt gia đình đến nơi rồi anh Thái ạ. Quay sang tôi:

Tưởng đâu bạn đã “cót” mất rồi, ai ngờ còn đây. Bạn thì muốn đi lúc nào mà chẳng được. Tôi nghe trong lòng tê tái, thế mà tôi có biết gì đâu.

Đột nhiên Thái rủ:

Thôi, miễn nói đến đánh đấm nữa. Bây giờ mời tất cả các bạn về phòng mình uống lai rai chơi, mình đang thấy nhạt cái miệng quá.

Rồi không chờ ai, Thái nghiêng người dòm vào xe dặn dò người tài xế, chờ khi nào liên đoàn phó ra, bóp kèn hiệu cho Tân, và Nhật, tiện thể Thái rủ cả trung sĩ Bình, cận vệ của liên đoàn phó nhập bọn. Năm người đi thẳng vào khu nhà sĩ quan.

Phòng Thái ở nằm gần nhà liên đoàn trưởng nhất. Khi nào cũng vậy, sĩ quan truyền tin được bố trí chỗ làm cả chỗ ở, đều gần chỉ huy trưởng. Phòng anh mở cửa sổ sẽ ngó thẳng qua nhà lão đại tá, để bên kia gọi là anh có thể nghe được liền. Nhưng lần này vào phòng, Thái không mở hết cửa, mà chỉ lừa cửa qua bên, để hở một kẻ nhỏ; dường như anh muốn quan sát bên kia và không muốn bên kia biết bên này có người.

Thái đẩy ghế mời các bạn ngồi, kéo từ hộc bàn ra chai Hen – net – xi. Gu của Thái là Giôn – ni – oanh – cơ nhưng đã đãi khách thì loại rượu này; có bao nhiêu tiền, anh mua rượu chứ không tiêu xài vào thứ khác. Thái rót rượu ra 5 ly nhỏ, mời: “100%”, tất cả uống cạn, rồi anh lại rót đầy vào các ly. Thái chờ cho tất cả nóng nảy, anh giở lại câu chuyện:

Thế, liên đoàn phó gặp “xếp” là việc khi nãy nói? Nhật đáp gọn:

Đúng!

Thái không nói gì thêm. Mọi người cũng trầm ngâm, ai nấy đều thấy là tình thế hệ trọng. Thái uống thêm ly rượu rót sẵn, đứng dậy, rồi đi đếm bước trong phòng. Quanh quẩn một lúc, anh đến cửa sổ, khoát màn nhìn ra ngoài. Anh nhìn một lúc lâu, quay vào, anh nói với các bạn:

– Bên nhà đại tá chắc có chuyện gì. Thấy ông già trung sĩ đang đứng rình ngoài vách.

Đối với Tân và Nhật là những người không thân lắm, nên thái không biểu lộ thẳng tình cảm, không gọi thẳng “già” hay “lão”.

Tôi cũng đoán như thế từ lúc liên đoàn phó đến, và tiếp lời bạn:

Chắc chắn có chuyện lớn. Có gì đâu, giải phóng sắp lấy Quảng Ngãi, nên trung tá đến yêu cầu rút ông về Liên đoàn; nhưng đại tá thì cứ lệnh tử thủ, thế là dằng co chứ gì.

Tân nhăn mặt:

Không chỉ rút về Liên đoàn, “xếp” còn muốn vọt thẳng Sài Gòn nữa kìa. Rồi anh cằn nhằn:

Không biết mấy ông ở đây sao mà bình tĩnh quá! Đạn nổ ầm ầm cả đêm, dân chúng chạy loạn xị ra thành phố. Quảng Ngãi đông nghịt, cảnh nguy nan rõ rệt quá rồi. Mấy ông ra đường mà xem, dân còn kéo nhau ra tận Tam Kỳ. có người còn kéo thẳng về Đà Nẵng nữa. Lần này chắc tôi ra Đà Nẵng kiếm máy bay dong luôn rồi ra sao thì ra.

Tân nói ra câu này làm tôi nghĩ ngợi dữ. Đó là ý bỏ đi, ý đào ngũ. Tân nói phải quá, còn gì nữa đâu mà lo tù, lo tội, sợ bị đánh, bị giết. Nhật nói chắc là đúng: cắt đôi miền Nam nên trốn quách cho xong.

Anh Thái, mình trong hũ nút, thật là chẳng biết gì ráo, không khéo rồi nhổ giò không kịp, kiểu như Tư Hiền, ớn quá. Chắc là phải đi thôi!

Thái lẩm bẩm:

Đi thì nhanh thôi; nhung các bạn ở Sài Gòn, các bạn đi; còn tôi nhà cửa, vợ con ở Đà Nẵng, tôi có nên đi không?

Rồi Thái nói chậm và chắc:

– Nhưng mà chúng ta cần phải trả lời cho rõ các câu sau đây:

Thứ nhất, mấy lần Quảng Trị, Phước Long bị đánh nát ra, thế mà sau cùng có mất đi luôn không? Liệu lần này thấy Quảng Ngãi, Thừa Thiên bị chiếm, ta có nên cho là sẽ mất luôn không?

Thứ hai, bỏ đi là coi như đào ngũ, nhất là đào ngũ trong lúc tình hình chiến tranh nghiêm trọng, lỡ ra sau này chưa có gì, nghĩa là Đà Nẵng còn nguyên; thì hỏi chúng ta trốn đi đâu?

Thứ ba, nếu bỏ đi, chúng ta đi bằng cách gì? Tôi nói cho các bạn biết, tình hình thế này thì muốn mua vé máy bay, dân hay quân gì cũng phải có sự vụ lệnh. Ai cấp? Đi xe đò à? Quảng Ngãi đấy! Đường biển à? Có ai quen với tàu buôn không?

Thứ tư, cho là đi được đi, mọi thứ êm xuôi đi, đến nơi đến chốn đàng hoàng đi, thì cái thân trốn lính sẽ không làm ăn gì được, để nuôi thân và nuôi vợ con. Tụi mình là cái thứ kỹ sư, kỹ sãi, buôn gánh bán bưng chẳng được.

Tân bồn chồn quá, nhịn không được, nói ngay:

Anh Thái, thôi đừng nói nữa! Anh hỏi câu nào cũng cứng họng hết. Anh làm cho rối beng đầu óc lên. Tôi nói là tôi đi, đi thế nào cũng được rồi ra sao thì ra. Anh dậm chân.

Chẳng lẽ ngồi đây chịu chết à?

Chết thì chưa chết đâu – Tôi dịu dọng: – Tính cho kỹ chớ Tân. Đúng là tình thế khó khăn đó, nhưng chúng ta bình tĩnh gỡ rối đi.

Nhật chen lời góp ý, anh chậm rãi:

Nói thế chớ cũng rõ, lần này tình thế khác trước xa, bên giải phóng đã có chiến dịch quét sạch, giải phóng suốt liền cả dãy. Ở đây đánh, bên kia hội nghị Ba Lê đang tiến tới hiệp định lấy đèo Cả làm ranh đấy. Trước sau gì, cả quân đội ở đây cũng bỏ đi thì làm sao gọi ta đào ngũ được. Nếu tính đi thì đi cho sớm.

Trung sĩ Bình vẫn uống rượu tì tì nãy giờ, coi bộ cũng ngà ngà, chen vào câu chuyện.

Xin báo cáo các “xếp”, chút nữa em đi liền đây. Em còn chờ “trung tá em”, cho ít bạc vụn làm lộ phí. Ông anh của em đã dẫn gia đình nội ngoại, vợ con em út cả lũ, tuốt ra Tam Kỳ đón tàu rồi; đàn em “bắt địa”[8] “xếp” kha khá, để vào làm vốn; hẹn em gấp gấp lấy được tiền rồi chuồn về Tam Kỳ ngay.

Nói xong, hắn vênh vênh:

Trung tá em cũng dông “tút xuýt”[9] cho xem. Thái dò:

Trung tá cũng định bỏ đây à?

Bỏ! Thưa “xếp”, bỏ ngay, bỏ gấp. Tảng sáng tinh mơ, trung tá em đã đá em dậy, bảo em theo. Trung tá em chửi thề liên tục, tánh ổng vậy, vui chửi thề, buồn cũng chửi thề, nên hồi sáng em cũng chẳng biết là ổng vui hay buồn.

Cái thằng khỉ – Tân bực mình – Vắn tắt thôi quỉ! Thái thì vỗ về:

Kệ, để anh ta nói. Nhanh vào đề đi, em và “trung tá em” đi bằng cách nào? Trung sĩ Bình ưỡn ngực hãnh diện tuôn từng lời mạnh:

Máy bay phản lực! Số một! Của phi đoàn quân sự, trung tá em quen lớn bên không quân.

Chừng nào đi! Thái hỏi tiếp luôn.

Chắc là sau một giờ. Như chợt nhớ ra điều gì, Bình hoảng hốt:

Chết mẹ tui rồi, tự dưng khai hết!

Hắn bực lên. Mùi rượu nồng nặc.

Tôi đứng dậy, đến nhìn qua khe cửa. Tôi giật mình. Tay trung tá đang đứng chống nạnh giữa sân nhà lão đại tá nhìn ngày vào cửa sổ chỗ tôi đang đứng, mặt hằm hằm, trong bộ đồ trận dữ dằn. Lão đại tá mặc bi – gia – ma đứng phía sau. Bộ mặt thịt chảy dài vẻ rầu rĩ. Lão nói gì đó với tay râu, tay này đứng nghe bất động, lão trung sĩ già ngấp nghé nhìn đằng xa. Tôi quay vào ngả người trên giường Thái, mắt nhìn lên cánh quạt trần đang quay nhè nhẹ. Trong phòng ai nấy ngồi yên.

Pin – pin. Tiếng còi xe đột ngột.

– Chết mẹ! Trung tá em! Bình kêu lên cũng đột ngột, đứng bật dậy chạy vội ra khỏi phòng.

Nhật và Tân cùng đứng lên, quơ lấy nón sắt ôm vào nách, nghiêm trang chào Thái và tôi, quay ra Thái hỏi chặn sau lưng hai người:

Các anh tính sao? Quay lại Tân nói:
Tôi đi.

Còn Nhật nhún vai. Cả hai quày quả bỏ đi.

Thái lại bách bộ quanh phòng. Tiếng giày gõ nhẹ hòa điệu với tiếng quạt trần. Đi mấy vòng, anh lại ngồi bên cạnh, vỗ nhẹ vào lưng tôi:

Tôi phải chạy ra nhà. Đã một tuần cấm quân tôi không về, anh có theo không, sẵn đi tìm hiểu tình hình luôn.

Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Thái ngồi một lúc, đứng dậy:

– Thôi, tôi đi một chút, anh cứ ở đây chơi. Nói xong, Thái mở tủ lấy nón đội lên, lấy thêm một chai rượu đem đến đặt lên bàn:

– Ở nhà, cứ tự nhiên!

Anh bước ra khỏi phòng, với tay khép cửa lại, tiếng giày nhỏ dần cuối hành lang. Tiếng chiếc gip rú ga.

Còn lại một mình. Tôi nghĩ ngợi mông lung. Tôi cũng không nghĩ đến đường về. Lúc nào thấy mịt mùng trong ý nghĩ, tôi thường lơ đi. Những vấn đề Thái vừa nêu ra, tôi cũng chẳng biết phải giải quyết ra sao. Bất chợt tôi nhớ đến một người quen thân ở hãng Hàng không dân sự Đà Nẵng. Nhưng trễ rồi, Thái đã đi xa mà tôi thì không có xe. Tôi nhìn cánh quạt quay tròn, trong óc tôi hiện ra hình ảnh một khu rừng dày đặc, đoàn người nối nhau đi. Bất chợt, tôi thấy gương mặt những người quen thuộc thân thích: những người của gia đình tôi.

Ngoài bãi biển Liên đoàn, hai quả pháo bắn từ phía đèo Hải Vân nổ oành oành, những gương mặt ấy chợt lóe sáng. Nhưng rượu ngấm, hai mi mắt tôi từ từ khép lại.

Khoảng 4 giờ chiều, tên liên đoàn phó trở về; nhưng lần này vắng bóng trung sĩ Bình. Vừa đến Liên đoàn, Tân và Nhật đến phòng Thái, tự mở cửa bước vào. Tôi đang hí hoáy mở đồ hộp. Nghe tiếng động, tôi giật mình ngẩn lên:

– Sao vậy?

Tân và Nhật chẳng nói chẳng rằng, bực dọc cởi bỏ nón sắt, áo giáp, quăng lên sàn, ngồi phịch vào ghế thở hổn hển. Tôi đặt hộp thịt đã khui nắp lên bàn:

– Chuyện thế nào?

Thấy hai bạn vẫn im lặng, tôi lại hỏi tiếp:

Chắc là kẹt hết rồi chứ gì? Trung tá đâu? Tân trả lời nhát gừng:

Nhà vãng lai, tối “va” rủ đến nhậu, còn bây giờ cho lui.

Ăn gì chưa? Thấy hai bạn gật đầu, tôi lấy bánh mì khô, kéo ghế mời:

Ăn cho vui. Tôi cũng chậm rãi bắt đầu ăn.

Hôm qua đến hôm nay chỉ có lương khô – Tôi nói.

Nhà bếp đóng cửa, câu lạc bộ bỏ trống, chẳng ai nấu gì cả, mấy gia đình khu gia binh đang kêu trời, giá chợ lên vùn vụt, chỉ toàn ăn rau; tội nghiệp có mấy nhà mua gạo ngày, bây giờ phải ăn khoai. Mình may mắn còn một ít lương khô, nhưng cũng chỉ đủ ăn trong vài ngày.

Có tiền ra Đà Nẵng ăn. Tân nói vẻ bực bội: – Chỉ phải trả 1000 đồng một tô phở thôi. Mẹ tổ, có dịp là móc họng người ta, ba cái tên buôn bán.

Tôi cười:

Mấy ông có làm tô nào chưa? Từ sáng đến giờ làm được thứ gì rồi? Tân vẫn còn hậm hực:

Làm cái gì đâu. Cứ ngồi sau xe chạy quầng quầng, cái tên râu lắn quắn ghé đủ thứ trại, mà cứ từ trại nào ra là hắn lắc đầu, hỏi gì cũng chẳng nói, cái bộ râu cứ quặm quặm.

Nhớ đến trung sĩ Bình. Tôi nói:

Cái tay tà lọt của trung tá em đâu? Về Tam Kỳ rồi chắc? Hắn có bợ được đồng nào không?

Bị bỏ rơi rồi. Lúc vào quân đoàn, lão râu gạt “thằng con” đứng chờ ngoài trạm gác, bảo là có ciệc cơ mật không cho hạ sĩ quan vào, thế rồi lúc ra, lão râu bảo cho xe chạy ngả sau.

Tại sao vậy?

Ai biết.

Tôi nghĩ mà thấy chua cay cho cái đời quân nhân là như vậy, hết cần là bỏ, thậm chí còn bắn bỏ nữa là khác. Tôi thù ghét cái loại khi cần thì vuốt ve khen tặng, hết cần thì làm ngơ đẩy đi. Tôi cho đó là sự phản bội và điếm đàng.

Mà này – Tôi hỏi – Các anh trở lại Liên đoàn làm gì?

Ai biết đâu cái lão râu! Giọng Tân vẫn còn bực. Nhật thì phân tích:

Thật ra, bọn mình đâu có muốn bám theo đít “xếp”, cũng mấy lần muốn leo xuống xe bỏ đi nhưng cái học của chúng ta là cái học để chịu sai phái, và những ngày ở lính, họ còn luyện cho chúng ta biết luôn luôn làm theo lịnh. Do đó, khi muốn buông bỏ họ ra thì chúng ta mới thấy mình chẳng còn tự chủ nữa.

Tôi suy ngẫm, cũng thấy mình lâm vào tình trạng đó.

Chúng mình tính chuyện đi đi. Nhất định phải đi sớm. Sực nhớ Thái, Tân hỏi:

Ờ, mà ông chủ nhà đâu rồi?

Anh ấy về nhà – Tôi đáp – Ngay sau lúc các anh đi, anh ấy tự lái gíp, nói là về ngay, thế mà chiều rồi vẫn chưa thấy anh về.

Chà, không biết anh có đi thoát không kia chứ?

– Sao vậy? Tôi lo lắng hỏi

Quân cảnh rải dài theo quốc lộ 1, trang bị thế tác chiến, không sự vụ lệnh, miễn qua. Đường sá vắng teo, vượt ẩu không thoát đâu. Bọn chúng đã được lệnh nổ súng. Nếu không có lão râu, chưa chắc chúng tôi ra tới Đà nẵng.

Nhật bàn góp:

Muốn đi, thiếu gì đường…

Đúng đó, vùng này là của mình, tôi cũng thuộc lắm. Muốn đi, đừng theo quốc lộ, chúng ta đi đường trong. Tôi nói.

Nhưng quân sư đoàn 3 sẽ cản – Tân chận lại.

Tụi đó mình quen, nếu cần làm một tờ sự vụ lệnh công tác với chúng, cái này anh Thái có sẵn chữ ký của đại tá.

Chừng nào anh Thái về? Tân hỏi câu ngớ ngẩn đến buồn cười.

Chính anh nói khó thoát giờ lại hỏi chừng nào về, không thoát thì ngồi hộp[10] chứ làm sao về. Nhưng không sao, chắc Thái sẽ quay lại, anh ấy cừ lắm, thông minh tháo vát, khỏi phải lo, anh về trễ là có lẽ bận chuyện gia đình thôi.

Thôi chờ anh ta về rồi tính. Tân khoát tay.

Cho tôi ngủ đi.

Tân và Nhật lần lượt nằm xuống giường. Tôi ra khỏi phòng khép cửa, và đi một vòng phía ngoài bãi biển.

Những chiều nào rảnh rỗi, tôi thích thả bộ dọc theo bãi biển trong khu vực của Liên đoàn, lững thững xuống khu gia binh. Tại đây, tôi cố tìm thấy cuộc sống ấm êm của gia đình, quên đi một ngày làm việc trong sự trói buộc của quân đội, dựng nên một thứ kỷ luật bắt ép làm việc, hành tội, chửi rủa. Liệu giờ phút tới đây, những con người của khu gia binh Liên đoàn có chịu cảnh của những gia đình binh lính tiểu đoàn 101CB không?

Mấy dãy nhà mục nát che đùm đụp như muốn sập ở cuối dãy đất Liên đoàn hiện ra, một cảnh đọa đày quá sức. Một cô gái lớn lên, gặp một anh lính, đẻ cho anh ta một lũ con, “tiền lính thì tính liền”, nợ trước, nợ sau. Thế là nảy sinh một gia đình nheo nhóc khốn nạn, người mẹ lam lũ đầu bù tóc rối, mấy đứa con thì èo ọt, đen đúa, lếch thếch, lang thang. Thế rồi anh lính, khi về đơn vị này, khi đồn lính nọ, kéo theo luôn cả đám người đọa đày ấy, lúc ở tăng bạt, lúc chòi lá, cái khu gia binh tồi tàn hôi hám ở Liên đoàn xem vậy mà đối với họ là sướng lắm rồi. Khốn nạn hơn, có anh lính nào là bất tử đâu, anh chết thì mái lá của anh cũng tan rã luôn. Vợ lính phải lên thành phố, vào nhà điếm để nuôi những đứa con còn bé; các đứa con lớn thì trở thành bụi đời, ra đường tự sống. Và suốt cuộc sống của họ là giành giựt miếng ăn, chửi rủa đánh đập; những cái hôn, vuốt ve giữa chồng vợ con cái là cảnh thiên đường, hiếm hoi, ít khi có. Nhưng tại sao tôi vẫn thấy có sự êm ấm tại đây, vì trong cái cảnh lầm than đó có tình người, có bữa cơm quây quần chan chan chèo chèo; có tiếng trẻ con và đàn bà qua lại, làm nên sinh khí của cuộc sống. Thỉnh thoảng cũng có nụ cười. Và tại đây, tôi có thể giúp được họ trong việc tu bổ sửa chữa nhà ở cho họ, mà không ai quan tâm.

Hôm nay xuống đến đó, tôi ngạc nhiên hết sức. Vắng một cách lạ thường, dường như họ đã bỏ đi. Có rất nhiều gian bỏ trống, không còn một thứ đồ đạc gì. Tôi ghé vào nhà hạ sĩ Thành, thợ điện trong Liên đoàn, dân Đà Nẵng, vợ người Nam. Anh này giỏi và mê nghề lắm. Thành và vợ con đang ăn cơm, cả nhà quây quần trên tấm phản. Thấy tôi, Thành mừng:

– A! Thầy Hòa, ăn tối chưa? Tiện ngồi ăn bậy ít chén, mấy bữa nay chắc thầy chẳng ăn cơm.

Vợ con Thành chộn rộn nhường chỗ, tôi ngồi ghé vào nhưng từ chối không ăn. Nồi cơm nhỏ xíu, gạo độn khoai nhiều. Bà vợ vồn vã, thật tình:

Cũng chẳng có gì mà mời thiếu úy, chợ búa mắc cải trời, đi tới đi lui cũng khó quá, ra chợ phải đi bộ.

Thành nói:

Sống trong này hết nổi, họ bỏ đi muốn hết. Vắng quá ông thầy hỉ?

Ừ vắng thiệt. Tôi muốn hỏi thêm, nhưng lại nghĩ, hình như còn nguyên do nào nữa lớn hơn. Thành có hơi e dè:

Chắc ông thầy biết rõ hơn?

Vợ Thành nghĩ là người Nam với nhau dễ thông cảm nên hỏi tiếp chồng:

Nghe nói bên mình thua rồi, giải phóng sắp vô phải hôn? Họ nghe đồn như vậy, nên họ lánh xa trại. Phần lớn có bà con ngoài Đà Nẵng nên họ kéo nhau ra ngoài ấy, sợ ở đây đụng thì toi mạng cả nhà, nội một trái pháo cũng chết dịch.

Tôi gật đầu, đưa tay vuốt ve mấy đứa nhỏ, Thành bạo dạn thêm lời:

Chuyện ông trung tá liên đoàn phó chạy về đây, thiên hạ còn ớn dữ. Ổng mà chạy thì ai còn dám ở. Nhất là cả tiểu đoàn 101 vào đến nơi lại dông tuốt, thấy đủ ghê.

Vậy là chuyện bỏ đi đã phổ biến, thế này thì chưa bị đánh cũng tan rã. Nơi đây đã vậy, chỗ khác cũng vậy thôi.

Không cần đợi thấy bóng dáng cộng quân, đã hè nhau bỏ chạy tan tác cả rồi! Tôi thốt lên thành từng tiếng.

Sống trong sự bưng bít về tin tức và lừa bịp về chính trị, tôi không sao lý giải được những hiện tượng đang xảy ra trước mắt. Cũng như tôi, vợ chồng Thành nhìn nhau…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.