30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Phần V: Vớt Vát Được Gì. Bẫy Rập Giăng Đầy Đón Con Mồi Sống Sót



Chìm nghỉm vào trong nước mà tôi không có cảm giác mình đang bị chết đuối, vừa như còn thấy con thuyền hằn rõ trong trí, hình ảnh chết sửng của mọi người trước thảm họa đắm thuyền, vừa làm những động tác phản xạ tự nhiên cố dành sự sống: hít nước vào mũi, hớp nước vào miệng, đưa tay, đạp chân đến khi nghe nghẹt thì hết biết. Trước khi chìm thì tôi cũng chết sửng như mọi người và sau khi nghe nghẹt thì tôi lại đi vào cơn ngủ. Trong cơn ngủ, tôi nằm mộng, thân thể dật dờ trong nước, tôi cứ như thấy lần lượt hết con vật này đến con vật kia.

Con thuồng luồng lượn vòng quanh uốn éo nhẹ nhàng, ưỡn bụng quặn lưng, đuôi ngoắt bên này đầu ngoẻo bên kia. Con rùa thì mai trên mai dưới nặng nề chìm nổi, cái mũi ngẩng lên đớp hít không khí nhẹ nhàng. Rồi con khủng long chân đi chạm đáy biển, đầu ngẩng cao vào bầu trời nhìn ngó xa xa rồi bỗng con cá lưỡi trâu lội nghiêng nghiêng lách lách trên cát lấp xấp nước. Tôi thấy mình đang lái chiếc gip mui trần chạy trên con đường hẹp té, có vợ con ngồi phía sau. Chiếc xe đang độ dốc làm đầu tôi muốn nhủi xuống thì con đường đột ngột bị một tảng đá chận lại. Tảng đá to chiếm gần hết con đường, tôi cố cho xe lách chen vào khoảng đường năm tấc còn lại nên làm lạc tay lái và cả cái xe lao xuống bờ dốc. Khi thấy bãi tha ma, mả mồ ngổn ngang thì hết thắng kịp, xe tràn lên các nắm đất và mộ bia. Phía sau, một bóng đen choàng lên nắm cứng cánh tay tôi, miệng tôi há hoác ra chẳng nghe tiếng ọ trong cổ nữa. Tôi chực ngất đi để chối bỏ nỗi khủng khiếp đến tột cùng. – Hòa, cụ làm sao vậy?

Tôi nghe tiếng mà chẳng hiểu gì, từ từ quay lại, thấy người bạn rất quen, nhìn sửng hồi lâu mới nhận ra Thái. Cơn hốt hoảng lùi dần.

Thái ngồi xuống bên tôi:

Tui quần kiếm cụ quá lẽ, may quá! Tưởng cụ chết mất dưới biển rồi. Giọng nói của Thái thật cảm động. Ngay lúc thuyền chìm, anh cố nắm chặt tay tôi nhưng sức chìm của thuyền lôi hai người chìm theo làm Thái vuột tay. Trong lúc nguy nan giữa vùng nước biển mênh mông, Thái còn kịp giựt giựt nút phao cho tôi và cũng bị nghẹt hơi chìm vào nước. Vẫn bình tĩnh, Thái nhịn thở chờ phao phình nhanh, đầy hơi, anh bơi ngược lên mặt nước. Anh cũng tưởng tôi cũng nổi lên ngay sau đó, nhưng chẳng thấy gì trong bóng đêm dày đặc. Anh nhìn quanh quất mãi trên nước, cố định hướng để lội vào bờ nhưng bóng đêm chẳng có phương hướng gì cả. Sao khuya không thấy, mây phủ tối trời. Đành để con nước bập bềnh đẩy đưa, anh thầm ước, nếu chưa phải chết, sóng sẽ đưa vào bờ. Thế thôi! Mãi gần hai tiếng đồng hồ sau, chân chạm cát, anh mò vào bãi.

Cô đơn giữa trời nước trong hoàn cảnh này, Thái buồn vô hạn – tôi người bạn sinh tử mấy bữa rày chẳng còn thấy đâu. Anh hoang mang không biết lúc đó anh giựt nút phao cho tôi đã được chưa nữa?! Anh giận mình quá. Khi con thuyền sắp sửa chìm lại không nhớ đến sử dụng ngay cái phao cấp cứu thủy nạn của công binh mà chúng tôi luôn mặc như áo trên người từ Đà Nẵng. Thái nhìn mãi ra khơi rồi chạy tới lui quần kiếm khắp khoảng bãi. Khi vừa đi qua khỏi lần thứ hai chỗ hàng trăm tử thi của các dì phước nổi bập bều trắng cả khoảng rộng biển đen thì anh nghe tiếng ọ ẹ phía sau lưng, anh rợn người quay lại và thấy một bóng người đứng trên cát quái dị vô cùng: phần trên to bè ra. Nhưng chợt nhớ đến hình dáng người mang phao, anh mừng quýnh và đâm sầm chạy tới.

Tôi cứ tưởng là trên đường chạy loạn ít nhất mỗi người phải đau thương như đã thấy và tôi mất cụ. Thái cảm xúc, giọng run run.

Hơi thở tôi đã đều và tôi đã nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra. Nghĩ lại về giấc mơ, tôi hiểu mình đã lăn lộn trong nước, nổi lên trôi lình bình và sóng biển dập vào bờ, chân chạm đất kéo lê trong đám tử thi trắng lốp của các dì phước bập bềnh đằng kia.

– Có lẽ tôi không bao giờ quên được giấc mộng hãi hùng này, có đến hàng trăm những bộ đồ trắng – Tôi nói và chợt nhìn lên cao: “Có thiên đàng không đấy mà các cô gái chết thê thảm thế này?” – Mà nó lại là sự thật đang hiển nhiên trước mắt chúng tôi.

Sao? Khỏe hẳn chưa? Thái ân cần. Tôi lắc đầu nhưng cũng từ từ đứng dậy. Tôi cứ nhớ con thuyền và 200 con người trên đó. Đến hôm sau, có lẽ sóng biển cũng sẽ đưa họ tấp vào đây nhưng họ sẽ vào chậm vì phải dật dờ và lăn tròn cuốn dưới đáy cát giữa biển xa.

Hai trăm con người, còn hai chúng ta! Tôi buồn rầu nói với Thái.

Không! Tôi có gặp 5 người cũng bơi, cũng thả ngửa vào đây, Thái kể: – Họ đi về Long Hải rồi. À, anh lính hải quân con trai ông tài già vậy mà còn sống, ảnh văng xuống biển trước nên vào trước tiên; lúc tôi trôi vào, ảnh chạy ra đón hỏi han, ảnh cũng thấy thuyền đã chìm.

Anh ta đâu rồi? Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn.

Đi rồi!

Không chờ cha và em sao? Tôi ngạc nhiên hỏi thăm về gia đình của người lính thủy thủ còn sót lại.

Có chờ đó chớ! Nhưng anh ta tính nhẩm từ lúc gặp thêm 4 người nữa mới tấp vào. Mãi tới sau không thấy ai lên nữa, anh ta coi như chết hết rồi!

Tôi càng thêm buồn nên miễn cưỡng nói:

– Thôi ta đi đi! Rồi tôi bước trước một cách nặng nề…

Trên đường đến bãi biển Long Hải, khoảng 20 cây số, chúng tôi còn thấy nhiều xác chết trên bãi, có lẽ là những người từ Bình Tuy đi trước, hay ai đó đi từ Phan Rang, Phan Rí đến đây. Càng đi, người càng nóng, máu chạy đều; mong ngóng mau đến Sài Gòn, chúng tôi bước hăng hơn. Mây đã quang, sao đã tỏ, tôi thấy có ánh sao mai ở chân trời. Mặt biển sang sáng, cát lờ nhờ và trước mặt non hai cây số trên bãi về phía Long Hải có ánh vàng vọt của bóng sáng điện hắt ra khuất trong dãy dương già.

Ê, dừng lại! Có tiếng nói khẽ và hai người đàn ông chạy ra. Dòm lại thấy hai anh chàng đã cá nhau về mây và nước khi thuyền còn ở Bình Tuy. Hai tay này là hải quân người nhái ở Nha Trang nên ra điều “rành” nước mây lắm, cá nhau chẳng trúng vào đâu; nhưng tinh ranh thì chẳng ai bằng. Đến sát chúng tôi, “người nhái” hai chân mày như dính liền làm một, lên tiếng trước, giọng đá cá lăn dưa:

Ê khứa! Hai khứa[35] muốn nộp mạng hả? Chúng tôi không buồn trả lời.

Tụi nó tổ chức tiếp đón mấy khứa kia kìa! Nó chỉ về phía Long Hải. Thái và tôi vẫn lặng thinh.

Thằng nhái kia, bé choắt người, mũi hếch, nói rì rầm:

Có phở, có cơm, có cả bia, thuốc lá lại có cả người đẹp mặc áo tuyn, nổi ác!

Chúng tôi lại càng ngơ ngác. Thằng có cặp chân mày dính liền nhồi theo lời thằng bạn nó.

Khứa mà mê ăn, mê gái, thì khứa chơi liền cái còng số 8 mà tàn đời đa! Đến lúc này, Thái lấy làm khó chịu, anh gằn gằn:

Cái gì? Ở đâu? Mấy anh nói đàng hoàng nghe chớ.

Địt bu. Kìa! Thằng này liền tiếp luôn, đưa tay chỉ về hướng có ánh điện vàng trong hàng dương: – Cả một giang sơn gấm vóc! Đến đó mà xem!

Ê! Thằng choắt người kêu giật giọng mặc dù đang đứng xoay mặt vào nhau, rồi chồm tới nhìn sát mặt tôi đột ngột hỏi: – Khứa phải là thằng mù không?

Tôi hết biết tại sao nó hỏi vậy, nhưng nó nói luôn:

Đời khứa tàn rồi, mộng tinh tan rã, đau khổ khứa quá khứa ơi! Thằng nhãi hếch mũi lên tôi, làm tôi thiếu kiên nhhẫn, nạt đùa:
Các anh là ai, muốn gì!

Chà chà ngon dữ. Thằng này liền nghêng ngang: – Biệt kích “sô”[36] Bắc Việt đây.

Chúng tôi biết gặp phải hai thằng ác ôn rồi, chúng ngụy trang theo dân chạy loạn nên chẳng ai biết được. Thằng hếch mũi lên giọng dạy đời:

Chia buồn cùng khứa chút chơi, chứ con nhỏ nắm tay dắt khứa đi, ngó sơ cái dáng biết ẻn ngay, nhìn bàn tay cắt sát móng hai ngón thì biết luôn là hạng nào rồi. Nó tới là trổ nghề con chàng hiu ngay tuýt suýt.

Tôi thoáng hiểu ra, chúng nó muốn nói tới người chị cô bạn học của tôi. Cái nghề “dòm lỗ khóa” của chúng thì rành quá không giấu được, nhưng tôi thắc mắc sao chị ta lại còn ở đó, cô em đâu? Tôi lớ ngớ muốn hỏi nhưng lại thôi. Thái hiểu tôi, chen hỏi nhạt giọng ra chiều thân mật:

– Nè khứa! Khứa có quỷnh[37] không đó, trông bà già thành con gái thì thấy mẹ!

Thằng mũi hếch nuốt nước bọt:

Quỷnh cái búa á! Tao thèm chết mẹ, ở Bình Tuy thấy nó bu khứa đuôi thành ra thôi, chứ bây giờ thấy ẻn tao muốn nổi cơn. May là tụi tao có nghề không thì rớt như ba khứa kia rồi. Nó ám chỉ anh lính thủy và hai người khác rồi nó trợn con mắt nói tiếp: – Đi 300 mét, xe bít bùng chờ sẵn, “Rốp” kín bưng. Nó cười khành khạch đưa tay bụm miệng như muốn hãm thanh: chắc ba “thằng con” bây giờ khóc chết “mụ”.

Chúng tôi đã thấy được mộtt phần mưu gian của bọn Sài Gòn. Chúng giăng bẫy định tóm hết những ai còn sống sót về đến đây. Cũng lại cái trò tiếp rước, nhưng xảo thuật cao hơnn nhiều, ăn uống vui chơi rất hòa bình và biết điệu. Đây là sản phẩm của bọn an ninh, mật vụ hạng chóp bu.

Mấy khứa “định” sao đây? Thái hỏi hai thằng kia.

“Định” không phải nghề – Tụi tao đưa tin, tụi bây định đi. Thằng mày liền quằm quặm, đổi sang giọng khác: – Một con đường độc đạo về Sài Gòn phải qua ải này. Không ăn không chơi lẻn đi qua cũng “chua”.

Tôi nghe nặng ngực vô cùng, thiệt không biết phút nào là phút chót của việc đau khổ. Thằng đồ tể Nguyễn Văn Thiệu còn thở là nó còn quyết hạ cho được không bỏ sót một thằng nô lệ nào trốn thoát, nó săn đuổi đến cùng. Bụng đói cồn cào, tôi nghĩ nên nhân đây tìm cách bỏ bụng chút gì rồi sẽ tính sau. Tôi nói với Thái:

– Ta vào làm một tô phở, chị ấy bao cho.

Thái chưng hửng, rồi lại tưởng tôi đã nghĩ ra được diệu kế, anh hỏi dồn:

– Thông minh nổi tiếng thật, cách nào vậy cụ, lọt không?

Thái nói câu đó làm hai thằng ác ôn dõng tai lên nghe, bọn chúng có vẻ mừng rỡ. Tôi thấy vậy trêu chơi:

Cách nào đâu, đường hoàng đến kêu 4 tô phở, 4 chai bia, cho hai khứa này nhập cuộc, xong mời chị ta đến trả tiền, xong rồi đi thôi, nhờ chị nói nhỏ vài câu tha “tào” dùm mình như Tào Tháo năn nỉ Quan Công tha mạng vậy.

Ê khứa, ẻn là nội tuyến hả? Thằng mũi hếch nhìn tôi hỏi giọng kính phục. Tôi nghe thằng mũi hếch ngây ngô méo mó nghề nghiệp mà chực cười, nhưng chợt nghĩ ra hai chữ nội tuyến. Tôi nhớ lại là chúng tôi có hẹn nhau “về trong ấy”, chắc vì thế chị ta còn chờ đây; nhưng sao lại không về luôn Sài Gòn? Chờ làm gì ở chỗ.. ở chỗ.. À! có thể vì có gì nguy hiểm cho bọn mình mà chị ấy chờ để thông tin cho mình biết. Chẳng thế sao thằng hếch mũi vừa nói đó: mê ăn mê gái đi khỏi quán 300 thước đã có xe bít bùng chờ sẵn, đóng kín bưng, còng số 8, tàn cả cuộc đời như anh lính hải quân con trai ông tài công và hai người đi cùng thuyền, mà nó vừa thấy đó. Nhưng sao chị không đón ở bãi? À, sợ không gặp. Sợ vuột. Chờ báo cho chuột thoát thì chờ ngay trước bẫy là hay nhất. Đúng là một kiểu nội tuyến thật, nhưng cần nhất là chị phải có thế thần thì bọn tôi mới lọt được. Thôi rồi! Nghề của chị, gây thế thần có khó khăn gì. Thật là đau lòng! Thật là bất nhẫn!

Ba người thấy tôi im lặng, biết tôi đang suy nghĩ nên lặng thinh, để dòng suy nghĩ của tôi cuộn tròn liền với nhau mà ra vấn đề. Tôi muốn kiểm tra, bảo thằng có đôi mày dính liền vì thằng này có vẻ chín chắn hơn:

Ê khứa này! “Săn” thêm coi ẻn có cặp với đứa nào không?

Định bắt ghen hả? Thằng đó hỏi cụt ngủn.

Ơ! Khứa ngu quá. Ghen làm quái gì, vì cơ mưu trọng đại đây mà. Tôi giễu vào mặt nó.

À, tao thấy hết rồi. Cặp lung tung! Thằng đó nói cho xuôi chuyện.

Rà lại đi, rồi tao dẫn cho đi! Tôi ra giá dứt khoát với nó. Bị thêm thằng mũi hếch để được đi thúc hối, thằng này liền bỏ đi.

Trời chưa sáng hẳn, Thái và tôi bước vào khu ăn uống dã chiến của bọn côn đồ dựng lên “tiếp đón dân di tản” ngay trên bãi biển Long Hải. Để đền bù cho công lao “dòm lỗ khóa”, chúng tôi dắt hai thằng này theo để chúng kiếm phở và bia. Vả chăng, cũng không thể trốn chạy chúng được. Nghe có ăn chúng bám sát sau chúng tôi.

Bốn người làm như hết sức tự nhiên bước vào khung đất nghênh đón giả tạo đó, đựoc bao quanh bằng thép bọc kẽm gai và có cổng cẩn thận với hàng chữ, trên bảng như băng đờ – rôn: “Hân hoan tiếp đón đoàn di tản” và kế bên có cắm lá cờ vàng ba lằn đỏ ướt mem do cơn mưa tối qua. Khu nghênh đón rộng rãi, tới chừng mẫu đất. Tàng cây dương đan sát nhau kín bưng không thấy trời, một bên khoảng trống trải là khu ăn uống nghỉ chân, bàn ghế ván thông đóng tạm bợ. Bốn người vừa chọn chỗ ngồi xong, một cô gái trẻ đã xun xoe chạy tới:

Các anh dùng gì? Có phở, mì, đồ biển… Cô này giới thiệu cả lố món ăn bằng cái miệng cười tươi như hoa, cặp môi ướt rượt với lọai son sáp mỡ; đứng nhìn khách bàn tính chọn món. Thằng mũi hếch thì chả cần phải lựa chọn, nói ngang:

Thứ gì cũng được! Đem ngay, đem ngay!

Cô gái lại cười tít cặp mắt mi lá me sơn nửa xanh nửa đỏ giống như quỉ, ỏn ẻn:

– Sợ không đúng “gu”, các anh phật lòng chớ. Món nào cũng ngon nhưng ngại các anh có “gu” đặc biệt.

Thằng mũi hếch nghe cô gái nói tưởng như một lời bóng gió mời mọc, nó nhìn chằm bẵm và quan sát kỹ thân hình cô gái, nhìn cái mặt nó đã đánh được giá. Nó nói theo nghĩa bóng luôn:

Gu thì có, nhưng chưa phải lúc, đói khát lâu rồi, miễn cho đầy thịt thì ngon lành. Nó cũng biết cười mơn, cái mũi hếch dỏng lên, rộng tác hoác, lông mũi lò ra. Đột dưng cô gái nói làm bốn người chưng hửng:

Các anh cho tiền trước, tùy tiền em dọn!

Tôi không ngờ kế hoạch của mình lại đổ vỡ nhanh thế. Định vào đây ăn cù cưa, chờ cho chị cô bạn bắt gặp mà thực hiện ý đồ lẻn thoát, ai ngờ tình thế diễn biến lạ lùng quá. Nhưng Thái đã nhanh trí:

Tiền bạc là bao! Em cứ dọn, tụi này trả đủ, dân thuyền chài xin lỗi em “chơi sộp” lắm. Rồi anh cũng cười và ánh mắt cũng làm bộ thèm muốn cho phù hợp câu nói.

Cô gái cũng lại cười lớn, thân hình rung rung mỡ, quay đi, thân uốm mình xà, cố tình hất tưng tưng cặp mông. Cô vừa xa bàn mấy bước, tôi nhìn Thái, thất vọng ra mặt. Thằng có đôi mày liền chồm lên buông nhỏ:

Em gái Dạ Lan đó, chết mẹ rồi!

Thấy mẹ, hèn chi “ghế” làm bộ đá lông nheo, để câu giờ quan sát “địch tình”. Thằng mũi hếch chen vô nhận xét của nó làm thằng mày liền lên giọng nạt:

Mầy ngu như lừa! Cái giọng mầy đu đưa thấy mẹ! Nó đánh hơi được rồi, bây giờ thì nó báo cáo khỏi trật nửa ly: “Tụi lính thèm gái, không có một xu” rồi nó kết luận: “Lính chạy làng, hai cái túi rách” – Ngồi đây mà chờ an ninh tới lượm đi mầy! Biệt kích mà mắc mưu Dạ Lan, thúi thấy mẹ!

Trong các sắc “nữ binh” của Thiệu có hai loại lính chuyên làm chiến tranh tâm lý bằng mỹ nhân kế. Đó là Thiên Nga và Dạ Lan. Thiên Nga chuyên dùng trong công tác chính trị, dụ dỗ chiêu hồi. Còn Dạ Lan thì cài vào nội bộ, bới lông tìm vết để hạ bệ nhau. Chúng tuyển vào hai binh chủng này những cô gái đẹp ham tiền, dĩ nhiên phải là hạng cực kỳ sa đọa và quỷ quyệt. Đầu sỏ bọn này cũng được đào tạo tại Mỹ hẳn hoi và cũng lãnh được nhiều đô la như điếm Mỹ hạng sang.

Cô gái trở lại, trên tay chưa có gì, nhưng cái miệng đã nhoẻn ra từ xa; đến gần cô mới nói cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng:

Hình như mấy anh kẹt tiền hả? Mấy anh lại ký sổ đi, tụi em mới dám bán. Lỡ bán rồi mà không có tiền giao chị chủ thì tụi em ra rìa khổ lắm.

Bốn người không biết tính sao, ngần ngừ. Thái chợt nhớ ra, móc túi nháng vào mặt con nhỏ cái thẻ ba sọc, nó trợn mắt quay lui. Để ý nhìn dáng đi nó lúc nầy vừa nặng vừa xàng xê, không có thân uốn mình xà nữa. Tôi cười:

Cái thẻ của anh Thái ở Phan Thiết vậy mà đỡ quá, tín hiệu “lưng lưng cặp mông” không còn nữa, thế là có cơ thoát đấy.

Cái thứ thẻ có sọc biết ngay là có khi cần, cụ không thấy từ lúc ở Cam Ranh và Nha Trang sao; cụ tưởng là tôi lận nó theo lưng để vứt không đi sao chớ?

Cô gái trở lại, một cô đi theo phụ bưng mâm, khói lên nghi ngút, rồi nút 33 nổ dòn. Bốn người liền quẳng gánh lo đi mà vui sống. Cô gái kéo ghế ngồi bên Thái loay hoay rót bia, nặn chanh:

Anh Hai, xin lỗi anh nghe, con mắt em nó mê làm tiền nên có thấy gì đâu, còn cái miệng em thì ham ăn nên mới nói ngu – Cô nàng cười đưa tình với Thái, bàn tay con điếm Dạ Lan hạng bét lân la; cái miệng hé môi nói bằng cái lưỡi ngọng nghịu:

– Nè, nói vậy chớ, không phải bạ đâu ăn đó đâu nghe!

Tôi sực nhớ lại lão đại tá già mập sị của anh cũng một lần tưởng mất mạng với bọn Dạ Lan này. Lần đó lão tham nhũng hai chục ngàn bao xi măng, chia chác không ngọt với tay em. Thằng em tức bèn hạ mưu thâm. Nó ngọt ngào giới thiệu với lão già một em Dạ Lan trẻ đẹp thượng hạng ngon lành và hết sức nhà nghề.

Qua một đêm hoan lạc, sáng ra, lão đại tá mặt mày thất sắc, mồ hôi vã như tắm khi ngồi nghe lại cuốn băng mà lão đã tâm sự với em Dạ Lan thơm ngát đó về vụ xi măng, qua những câu hỏi khéo léo ân tình nồng cháy của em cùng với giọng nói hổn hển của lão trong cuốn băng. Lão đành thở dài nhả ra một số tiền bằng ba lần số lão đã nuốt vô, để mua lại cuốn băng và phim ảnh. Số tiền ấy, dĩ nhiên con Dạ Lan phải chia chác: chủ trực tiếp, các xếp lớn nhỏ trong tâm lý chiến, bọn tình báo ngầm theo bảo vệ cho nó hành nghề v.v…

Lúc này, gần như cạn ráo mọi chiến thuật để đón bắt chận giết những người di tản mà chúng gọi là kẻ “phản bội chạy trốn” ở khắp mọi nơi về Sài Gòn, chúng tuôn luôn chiến thuật đê tiện này. Thằng lính nào lơ mơ ham cái của thừa vạn kẻ trao tay này, thì dính bẫy ngay. Sở dĩ chúng không làm những việc thường tình như xét giấy, bắt bớ, giam cầm, giết hiếp dã man đoàn người chạy loạn ở ngay hang ổ của chúng vì hai lẽ đơn giản dễ hiểu. Trước tiên là vì có quá nhiều máy săn phim “giựt gân” đang lùng tìm để đem bán qua thế giới tự do, kế đó là nơi mà mỗi ngày thằng quỉ vương đến trước máy truyền hình rêu rao lòng nhân ái sâu xa đối với “đám dân di tản”.

Mấy ngày nay, chúng giăng dài “khu đón tiếp di tản” dọc bãi biển từ Vũng Tàu đến Long Hải để thực hiện chiến dịch chận bắt. Dân chúng đến nghỉ mát hay ở tại đây đều cho là vui hơn ngày hội, quân lính đường xa chạy về đến được tiếp rước chu đáo và ăn ngon uống sướng, được mấy em đấm bóp rồi mới đưa về Sài Gòn bằng xe hơi. Nhưng thực ra thì đau đớn biết bao cho những con người ngán ngẩm oán ghét chiến tranh, chạy về đến đây thừa chết thiếu sống, vì một chút vô ý hoặc mờ mắt vì gái mà lên xe cây, tay bị còng thành ghế sau lưng, ủ rũ vì sẽ bị đưa vào các trại tập trung Phú Quốc, Cà Mau, Hà Tiên hoặc Long Bình. Chờ đem thảy trở lại miền Trung, đem thân đỡ đạn. Có khi chúng đem luôn xuống biển cho đáng đời bọn đã cãi lời dám “không tử thủ” cho “ông” được an hưởng thêm nữa cái Sài Gòn hoa lệ này.

Con giặc cái Dạ Lan hạng bét ấy thấy cái thẻ ba sọc của Thái là thẻ của an ninh quân đội nó ngại đụng, nhưng tin tưởng ở cái tài bia ôm của nó, tìm cách làm cho Thái mềm người mà khai lý lịch, một tay cứ vuốt dài trên vế Thái qua lại, một tay lùa vào ngực. Nhưng bữa ăn tàn mà nó chịu thua, nó liền quay sang dở trò dụ bốn anh chàng vào bẫy lớn hơn, nó nói mơn trớn:

Thôi, anh Hai cơm canh no rồi, để em dẫn anh Hai và mấy anh đây về phòng em tắm rửa cho sạch sẽ, ở đó chơi ít bữa nghe. Rồi muốn để Thái tin hơn, nó ra giọng gái giang hồ: – Biết anh Hai đây rồi em mê lắm, anh Hai đỡ đầu cho em còn gì bằng, nghề làm ăn của em mà.

Mải nghĩ về tận cùng hành động lường gạt, đểu cáng, làm ăn, trác táng của bọn quỉ Dạ Lan, thằng quỉ râu, thằng quỉ mũi khoằm mà tôi quên phức con quỉ cái tại bàn tôi đã bỏ đi từ lâu. Khi Thái nắm tay tôi kéo đứng lên thì tôi mới tính ra khỏi cái thời gian u ám ngày trước, nhập bọn bốn người theo chân chị cô bạn đã đến giải cứu ra khỏi trại tiếp rước, đưa đến trạm kiểm tra, trình diện với thằng đại úy thủ sự. Người chị phải chịu nhận “giao kèo” rằng nó “trả tự do” cho 4 người thì “chị làm việc” bốn ngày để nó thu huê lợi. Rồi chị đưa cả bọn ra bến xe đò dúi cho ít tiền lên chiếc xe chạy liền khi ấy. Chị đứng lại đưa tay vẫy chào, miệng cười rồi vụt tắt.

Xe chạy xa tít, gió thổi mát lạnh vào xe đem theo không khí trong lành của một buổi mờ sáng vùng biển, khiến mọi người tỉnh táo đôi chút. Nhưng dường như mọi người trên xe không có nỗi vui hay đã mất niềm vui hoàn toàn như Thái và tôi. Bỏ lại sau lưng chúng tôi, giờ đây thêm một người bạn gái thân tình cứu mạng.

Thái buồn bực ra mặt, anh xoay qua trở lại luôn trên ghế, anh như không vừa lòng, bứt rứt. Anh giận mình trở thành bất lực trước thế sự, anh không giữ được mạng sống cho những người anh đã cưu mang: “Trời ơi, vợ con ta đó, ta lại đành bỏ ra đi chỉ một mình, phó mặc số phận cho người đàn bà yếu đuối chăn dắt dẫn đưa đám con dại trong vòng lửa đạn ngập trời. Cô gái Huế ngây dại kia, ta để lại cô chết tức tưởi nhục nhã ngay trong tầm với bàn tay. Và cô gái này ta lại phó mặc nàng!”. Những con người, những gương mặt ấy chờn vờn trước mắt Thái, lúc là nụ cười, khi là những giọt nước mắt; cặp mắt vui tười và đôi mày ủ rũ. Hơi thở anh dập dồn….


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.