30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Tội Phạm Tử Hình Không Lên Án



Đường lên boong sau đuôi tàu, phía mà Thái và tôi bị dẫn xuống đây đã bị thằng vằn đầu sỏ bịt kín. Thái sải chân như bay về phía phòng tối nơi bị giam chiều tối qua. Thằng vằn đầu sỏ chạy ra khỏi chỗ nhốt cô gái định qua phòng mà chúng làm nơi tra tấn để cầu cứu với bọn đàn em. Nghe tiếng chân sau lưng, nó quay lại và thấy Thái đang xốc cô gái chạy trên hành lang về hướng câu lạc bộ dùng làm phòng tối. Nó chạy theo mấy bước; dừng lại, vòng tay ra sau lưng móc cây súng ngắn, súng đã lên đạn, hai tay cầm súng chĩa mũi nhắm ót Thái. Trước đây, Thái đã chỉ rõ cho nó là không nên bắn, nhưng lúc này, phản xạ tự nhiên của một thằng sát nhân nên nó sử dụng ngay cây súng để kịp thâu ngắn đường dài hạ gấp địch thủ.

Bặt! Thằng vằn đầu sỏ văng té nhào vào vách, khẩu súng văng xa. Trong phòng vừa tung ra, tôi đã dùng toàn sức lực và cả sức nặng thân người làm nó ngã chúi. Ngay lúc ấy tôi khom mình chộp nhanh khẩu súng ngắn và chạy theo Thái.

Đầu kia, cửa phòng tối mở toang, Thái đang chờ và tôi đã nhanh chân tới kịp. Đầu này từ phòng tra tấn, mấy thằng vằn sóng biển nghe có biến cố xông ra, trong lúc anh Hai của chúng đang uể oải ngồi lên, một tay vỗ vào đầu, lắc lắc mớ tóc bờm xờm. Nhìn về hướng phòng tối, thấy mũi súng chĩa thẳng vào chúng, chúng hoảng hồn nhảy né đè lên thằng anh Hai, mũi súng của tôi rút ngay vào và lập tức cửa phòng tối đóng sầm.

– Kéo cái ba lại đây tấn cửa mau lân bà con!

Cửa phòng mở từ lúc Thái vào, những người trong phòng tối đã thấy cảnh diễn ra trên hành lang, họ hoảng hồn sợ tụi vằn kéo tới giết cả đám nên lập tức nghe theo lời Thái. Trong không gian tối om, họ mau mau vần cái ba về phía cửa. Tại cửa, tôi nắm tay đấm, đem hết lực kéo vào phía trong. Loại tay đấm này có khóa ấn nút ở phía trong, nhưng bên ngoài có chìa thì mở được và ấn nút bên trong đẩy ra, do thế tôi vừa níu lấy tay nắm vừa ấn cả bàn tay vào nút khóa.

Trong khi cái ba nặng nề nhích đi chậm chạp trong bóng tối; bên ngoài đã nghe tiếng rầm rập chạy đến trước cửa. Tiếng chìa khóa tra vào ổ. Tôi thấy sức cái nút ấn chực nẩy lên, tôi cố cắn răng ấn cái nút xuống, phía ngoài tên nào đó cố xoay vòng cái chìa khóa.

Đ. m! Cái khóa kẹt rồi mở không được? Tiếng chửi thề tức bực của thằng mở khóa. Tôi thấy cách của mình công hiệu, đỡ lo phần nào nhưng vẫn nổ lực ấn mạnh thêm vào.

Chắc ở trong có thằng nào giữ nút khóa, mở không được đâu. Một thằng nào đó hiểu cái ổ khóa này. Tôi nghe mà buồn cười.

Thôi, chịu thua đi mấy con, đừng mong mà mở cửa.

Thế nhưng cái khóa vẫn cố xoay, trong này cái ba vẫn đang được kéo tới ầm ào.

– Nào nhanh lên…Nàoooo! Thái hô giọng từng nhịp kéo đẩy cái ba: – Nào nhanh lên…Nàoooo! Cố lên. Nào nhanh lên…Nàoooo!! Tụi nó vào thì chết cả lũ. Nào nhanh…. cửa, tôi cố giữ cái nút ấn. Có người nào đó kéo tay đấm phụ với tôi, nghe chạm mái tóc thề lất phất thơm thơm.

Đ. m, tránh ra, tao cho một tràng bứt hết. Tôi nghe tiếng thét ở ngoài mà nổi gai ốc. Tôi chực buông tay để tránh đạn, nhưng bàn tay nong nóng đang phụ giữ quả đấm lại đè chặt lên tay tôi. Tôi không buông nút ấn.

Ê! Khùng hả! Tụi nó kéo xuống bây giờ. Một giọng nào đó nạt dội ở bên ngoài. Tôi nghe thấy yên tâm, biết bọn chúng không dám gây tiếng nổ.

Thay phiên tung cửa đi. Một lượt hai thằng, giọng đó ra lịnh.

Rầm! Rầm! Hai sức mạnh đánh ập lên cửa từ ngoài vào.

Nè! Phụ người dằn cửa – Tôi kêu lên: – Mấy người nữa chạy đến lấy thân đè cửa.

Hò dô. Hò dô! Giọng Thái gấp rút, tiếng ba kéo vang lên ầm ào sàn sạt gấp rút. Ráng lên gần tới rồi! Cái cửa rung lên liên tục.

Hò dô ô ô! Dôôô! Đến rồi! Dôôô. Cái đầu ba tới mí cửa, người dằn cửa tránh chỗ cho cái đầu ba trám vào.

Rầm, rầm!!

Đ. m. Cái cửa chắc quá. Em muốn dội người luôn. Giọng bên ngoài cằn nhằn. Thái vẫn hò để đẩy sát cái ba thêm nữa.

Toàn bộ cái ba, năm bảy chục người đẩy đã nằm chắn ngang cửa, ấn sát vào cánh cửa. Trong phòng tối yên tĩnh, có tiếng thở hồng hộc

Tiếng còi tàu hú vang, âm thanh tuôn dọc hành lang, luồn qua khe cửa, mọi người trong phòng tối nghe thấy. Và tiếp theo như có tiếng gió thổi, như tiếng người reo vang về phía bụng tàu.

Có tiếng nói gấp rút trước cửa phòng tối:

Tiếng còi tàu hú! Chết mẹ, sao vậy?

Sao gì nữa? Tàu hú là tới rồi.

Ê! Thằng nào lên trên coi coi. Có tiếng rầm rầm chạy đi.

Chết mẹ rồi tụi bây, hai thằng ở đây coi chừng thằng nào thoát ra bắn chết mẹ nó đi! Bây giờ hết kịp rồi. Đ. m. Bắn bể được cái miệng nào tốt cái đó – Mấy thằng này theo tao. Đi “giũ sổ” tụi kia. Lẹ lên!

Nhanh lên đi anh Hai – em có cách danh chánh ngôn thuận khỏe re. Giọng thằng quân sư gãy gọn.

Cách cái con c…

Đem xử giảo Việt cộng. Cách này khỏe re mà anh Hai, em đọc bản án tụi nó cho.

Trong phòng tiếng cô gái ngồi cạnh tôi thét lên:

Anh Hai! Rồi cô khóc ngất. Mọi người thoạt lấy làm kỳ với tiếng anh Hai trong này và tiếng anh Hai ngoài kia. Nhưng liền ngay sau đó, người ta nhớ đến người anh của cô gái. Nỗi ai oán dâng lên trong lòng, tất cả những người bị nhốt ở đây đều như tôi và Thái do môt lúc sôi nổi trong lòng, bàn tán tình hình lỡ để lọt tai bọn “ăng – ten” được cài vào. Chúng báo lại và họ bị bắt hốt vào đây. Họ nghĩ là khi đến nơi chắc cũng được thả ra. Nhưng ngờ đâu, bọn kiêu binh của thằng Thiệu thừa nước đục thả câu, giở thói ăn cướp dã man, coi mạng người như rác. Họ đã sợ trốn chạy cộng sản thì làm sao họ hiểu cho thấu bản chất của bọn người này.

Thôi nín đi cháu! Một giọng già già – Bi ai khổ lụy làm chi cho cực cái thân. Mấy bữa nay, cái chết còn có ý nghĩa gì đâu, mà cái sống cũng vậy thôi – Chết sống giống nhau cháu à. (! )

Cô gái vẫn nức nở kêu gào:

Anh Hai, anh đi luôn rồi, mần răng em sống đây?

Cháu không còn ai quen à?

Không “ôn ơi”! Tất cả vào Sài Gòn rồi, chỗ ni cháu chỉ có một mình.

Có gì đâu, nhập theo mọi người đây mà đi rồi cũng tới.

Tại anh về trễ mà ra nông nổi mần ri. Không thì đã theo gia đình đi tuốt từ lâu rồi. Cô gái vừa khóc vừa kể lể.

Người ta hay khóc kể trước thây ma của người thân như thế đấy. Nhưng rồi mọi người lại yên lặng chờ đợi số phận của mình. Đến Cam Ranh rồi, nhưng tất cả đều buồn hiu, họ buồn và nghe chuyện buồn của người khác.

“Người anh là sinh viên học ở Huế. Khi Huế giải phóng thì anh cũng như mọi người thu xếp đồ đạc bỏ chạy. Anh là con nhà giàu, “dân thành nội” nhưng gia đình thì ở Đà Nẵng buôn vàng buôn bạc, mạnh nhất ở đấy. Đồ đạc cồng kềnh quá, loay hoay mà thành trễ, phải chạy theo dân di tản vào đến đèo Hải Vân. Tại đây trạm kiểm soát cho binh lính qua dễ dàng, còn dân thì bị ở lại gạn lọc điều tra. Đến lúc Đà Nẵng rục rịch bỏ chạy, anh mới về được nhà thì cả gia đình đã gom góp vàng bạc vào Sài Gòn trước rồi. Cha anh để cô em gái lại đón anh với hai cái vé máy bay Hàng không dân sự đi lúc nào cũng được do thế lực đồng tiền của cha anh. Nhưng tới lúc hai anh em gặp nhau, muốn trốn khỏi Đà Nẵng thì đường bay đã bị cắt. Sau cùng hai anh em lại phải theo đám di tản. Từ phà, với tên cha anh cùng tiệm vàng nổi tiếng của họ, người ta cho lên chiến hạm và đổ qua đây. Trên tàu, một lúc nào đó, hai anh em cãi lộn để cho một thằng vằn biết họ là con ông chủ tiệm vàng giàu nhất Đà Nẵng. Nó điểm chỉ với hải quân phao là người anh có giọng “sinh viên biểu tình” để bắt nhốt xuống hầm tối và sự việc xảy ra”.

Từ đó, mọi người hiểu ra cớ sự của những thân phận bất hạnh bị bọn vằn giam nơi phòng tối của anh em cô gái.

Một lũ cướp biển mà! Giọng ông già tức bực: – Mấy thằng chó má mang đi hai chục người, thoát chỉ được ba – À, cái anh cao cao đen đen, sao hồi bị bắt đi anh lại nhận mình là giải phóng quân?

Thái biết ông già hỏi đến mình, anh cười trả lời:

Làm sao tôi làm được giải phóng quân, thấy tụi quỉ sứ tôi ghét quá, nên đem danh xưng cách mạng ra dọa đó thôi. Đàng nào cũng bị chúng giết khi chúng đã chụp mũ mình.

Anh nói thế làm chi cho chết đau đớn, tụi nó thù Việt cộng lắm đó.

Bác tưởng như vậy sao? Thái cười: Nó đâu dám thù mấy ông nội của nó, gặp mấy ổng nó rét thấy mồ. Nó nổ súng cốt để đếm thây lãnh tiền của cha Thiệu nó. Cái chuyện nó cắt tai, mổ bụng toàn là tai dân bụng dân đó thôi. Ví dụ như lúc này, nó có thể cắt tai mổ bụng đám mười bảy người còn trong tay chúng.

Tiếng mấy tràng tiểu liên cực nhanh nổ ở phía đuôi tàu xông thẳng xuống hành lang ập vào phòng tối, làm mọi người thất kinh, không ai nghe Thái nói nữa. Tất cả nhổm dậy hồi hộp, lo lắng, nhìn về hướng đuôi tàu.

Thôi chết rồi, chắc tụi nó bắn mười bảy người kia! Giọng ông già. Tiếng đại liên nổ từ mũi tàu. Mọi người lại giật thót người.

Thôi chết rồi! Hai đầu đều bắn! Cái phòng này sẽ là cái mồ của chúng ta. Cũng giọng ông già. Tiếng chân chạy rầm rầm xuống cầu thang, rồi chạy dọc theo hành lang.

Nằm xuống hết, dồn sát về hai bên, chừa hai cửa. Thái quát làm mọi người đổ ầm ầm xuống sàn tàu và lết về nằm ép với nhau sát vách hông thân tàu.

Chết mẹ hết rồi! Tiếng ngoài hành lang: – Tụi hải quân nổ súng bắn mấy ông nội của nó.

Im! Cũng tại mấy quân sư – Trên tàu tụi nó, mà mày xúi tụi tao làm càn, ai biểu đem xử tử người trên tàu làm gì.

Anh Hai để tụi nó sống hả, xuống tới đất nó khai hết thì thấy mẹ anh Hai!

Bạt! Rầm! Chắc thằng anh Hai lại đánh thằng quân sư, những người trong phòng tối nghĩ vậy.

Bình tĩnh anh Hai. Một thằng nào đó can: – Có gì rối loạn lên đâu. Giết tụi nó rồi thì cứ nói tụi nó là Việt cộng. Việt cộng mình giết hổng được hay sao? Tụi nó chết rồi ai mà biết.

Bạt! Rầm! Chắc thằng anh Hai lại đánh thằng vừa nói.

Đ. m, ngu như chó! Mấy đứa chạy thoát, nó biết hông? Thằng anh Hai tức giận nạt đám đàn em. Tụi nó im thin thít. Thằng chỉ huy mạt hạng trút sự thất bại và tức giận lên thuộc hạ của nó.

Tiếng rầm rầm mé cầu thang dội lại.

Anh Hai! Tụi hải quân chiến đấu đang rình rình vây đến đuôi tàu.

Đồ chó, nổ súng chỉ thiên chận tụi nó lại đi!

Tiếng rầm rầm chạy đi; đầu kia phát tiếng la. Tới lúc khốn cùng, bọn ác ôn dùng từ “chó” để “sủa” nhau và để nhận nhau là chó.

– Chỉ thiên, bắn đi!

Tiếng anh Hai của bọn vằn ở đầu này:

Bắn đi! Đéo mẹ! Bắn bứt khóa! Vào chơi hết! Bịt miệng hết! Chơi lựu đạn cho lẹ. Làm đi mấy thằng chó.

Một loạt đạn nổ. Ổ khóa tung ra.

Đ. m. Cái gì vậy nè. Tiếng ngơ ngác ngoài hành lang.

Thằng chó! Ngu chết mẹ! Tụi nó tấn tấm vách ván chớ gì. Bắn bể ra một lỗ lớn cho tao! Thằng anh Hai thét.

Lại một loạt đạn. Một mảng lưng cái ba bể toác, bên trong tối om. Cái ba mặt trước là tấm bửng gỗ dầy bọc phọt – mi – ca, phía cái lưng là tấm ván ngăn, giữa là các ngăn kệ đựng hàng hóa, chai lọ, ly dỉa v.v…bây giờ trống. Bề ngang nó khoảng tám tấc, khi cái lưng ván của một cái ngăn sâu nào đó bị bể ra, ánh sáng ở hành lang lờ nhờ không rọi được tới bên trong. Tụi vằn sóng biển ngỡ cái khoảng tối đó là trong phòng giam, chúng có ngờ đâu còn một tấm bửng gỗ dầy bọc phọt – mi – ca nữa chắn che. Vả lại đang quýnh quáng, chúng có thấy gì. Lúc đó, từ phía cầu thang, mấy thằng giữ đầu đó lùi dần, nổ súng bân quơ cầm chừng ngăn chặn hải quân chiến đấu.

Quăng lựu đạn vào mau! Thằng anh Hai ra lịnh – Ton nhiều vào, diệt cho hết lũ trong phòng tối. Đồ chó má, cho câm miệng hết!

Hàng chục tiếng va vào ngăn tủ ba rơi xuống tại chỗ.

Oành oành oành oành!!! Lựu đạn nổ vang lên dữ dội. Một loạt tiếng thét thê thảm.

Lựu đạn nổ ngay cửa, cánh cửa bung ra miểng lựu đạn tung vào người mấy thằng vằn sóng biển đứng kế bên, tấm bửng gỗ dày phọt – mi – ca bị tét mấy đường, bên trong phòng tối mọi người nằm xa cửa không ai hề hấn gì.

Ngay lúc ấy, có tiếng la vang ở cầu thang:

– Đứng im! Đứng im!

Miểng lựu đạn nổ quét gần sạch. Chỉ còn hơn mười tên vằn còn đứng vững. Số khác đã là thây nằm dưới đất, ít nhất hàng chục thằng đã chết tươi.

Hai cánh cửa rộng 4 mét của căng tin thông ra bụng tàu đóng im ỉm từ suốt hôm qua đến bây giờ, đột dưng mở toang. Ánh sáng ào ào vào làm phòng tối sáng rực. Qua mấy giây, người bên trong và ngoài mới trông thấy nhau, giữa hai đám người trong phòng tối và trên sàn bụng tàu, hai hàng hải quân chiến đấu chong súng về hai phía canh chừng.

Những người trong phòng tối lê gần ra cửa, ngó dáo dác để cố nhìn quang cảnh bên ngoài, họ chỉ thấy hai đoàn người đã phân chia, trong bụng tàu toàn là thường dân, trên boong tàu toàn là sắc lính ngồi xổm yên lặng. Còn lại, ngoài con người ra, thì dưới là tàu, bên trên là bầu trời. Những người bị giam giữ nơi đây thèm khát được ra ngoài, được nhập vào một trong hai đoàn người ấy, vì họ biết tàu đã đến cảng Cam Ranh, và sự sắp xếp kia báo hiệu sắp lên cảng. Họ nôn nao chàng qua xích lại bên trong phòng nhưng chẳng ai dám bước ra cửa vì mấy mũi tôm – xông đang chĩa vào đấy.

Nhiều người đã bị giam giữ nơi đây từ trưa qua, mới nhất như Thái và tôi thì cũng từ 4 giờ chiều. Tất cả qua một đêm chưa ăn uống gì, họ nghe đói và khát. Ở đây họ ngủ vùi, cái thân khỏe ra, nhưng dạ dày thì cồn cào. Một người đàn bà đánh liều ra gần cửa, mở miệng xin một tên hải quân chiến đấu áo xanh đứng gác gần đó:

Chú, chú cho tôi được ăn uống, từ chiều qua chúng tôi chưa được ăn uống gì.

Không ăn uống gì cả! Bây giờ không phải lúc! Tên áo xanh đáp cộc lốc.

Cả một ngày hôm qua – người đàn bà cố nài nỉ: – Chỉ được một vắt cơm nhỏ xíu, chịu làm sao nổi chú.

Không nổi cũng phải ráng nổi! Đã nói bây giờ không phải lúc, sắp lên bờ rồi. Lên trển tha hồ ăn.

Chị đàn bà đứng tần ngần, nhìn qua lại tìm người quen. Chị cố nhích ra gần cửa hơn, thì một mũi súng tôm – xông chĩa vào chị và tên áo xanh quát:

– Đi vào! Tao bắn chết bây giờ!

Một ông già trong đám bị giam giữ trong phòng tối, thấy thế lên tiếng với tên áo xanh:

Này chú em, người ta đói người ta xin, làm gì mà chú nạt người ta dữ vậy. Mà đáng lẽ mấy chú phải tự động tiếp tế cho chúng tôi ăn uống mới phải chứ.

Tên áo xanh nạt chị đàn bà quay sang, trợn tròn cặp mắt với ông già:

A, ông nói nghe phải dữ. Tụi tôi lo cho ông ăn à? Các ông là Việt cộng ráo mẹ, đánh chết thủy quân lục chiến, chờ lên đất liền mà ăn cái còng!

Ông già nghe câu đó giật mình. Tất cả những người trong phòng giam cũng giật mình. Bây giờ tụi hải quân cũng phao họ là Việt cộng.

Ông già sửng sốt hỏi:

Chúng tôi mà cũng bị kêu là Việt cộng sao? Sao hết tụi vằn sóng biển chụp mũ moi tiền, rồi bây giờ các chú cũng chụp mũ. Các chú định làm gì vậy?

A à! Ông già! Tên áo xanh nổi khùng! Ông định nói gì vậy? Định nói tụi tôi moi tiền à? Ông già không được nói ẩu nghe, lên trên bờ rồi ông biết sẽ moi ông cái gì!

Một cái áo trắng, nghe có lời qua tiếng lại, hắn từ đâu bước tới đứng trước cửa nhìn ông già và nhìn khắp một lượt những người bị giam giữ. Tên trung úy hải quân này có vẻ “lịch sự” với mọi người.

Này các ông bà! Chúng tôi làm phận sự giúp đỡ đưa các ông bà vô Nam trốn thoát khỏi ách cầm quyền của bọn Việt cộng. Thế mà các ông bà nói bậy bạ, đành lòng chúng tôi phải giữ riêng các ông bà tại đây, chờ chúng tôi làm phận sự đưa toàn thể dân di tản lên bờ rồi, chúng tôi sẽ giao các ông bà cho an ninh, họ sẽ giữ hoặc tha các ông bà tùy họ, chúng tôi không có quyền hạn xét xử các ông bà. Đáng lẽ chúng tôi cũng định bỏ qua mọi việc, thả các ông bà ngay bây giờ cho các ông bà sớm được đoàn tụ gia đình hoặc trở về đơn vị gốc, các ông bà vui mà chúng tôi cũng rảnh tay; chẳng phải lôi thôi hành chánh với đám an ninh quân đội trên bờ. Thế nhưng, tình hình đã đổi khác ra ngoài dự định trên, các ông bà đã xảy ra xô xát với các anh em thủy quân lục chiến, ai phải ai quấy chưa biết, mà thây người đã đổ, thì các ông bà không thể lên bờ tự do được.

Ngưng lại quan sát đám người dâng tràn thất vọng lên mặt, rồi lấy giọng, tên trung úy hải quân tiếp:

Thành thử ra, chúng tôi bắt buộc phải tiếp tục giữ các ông bà đến khi giao cho an ninh. Chúng tôi không muốn dính dấp vào chuyện này, chỉ biết làm phận sự giữ an ninh cho tàu nên phải giữ các ông bà.

Thấy tên trung úy ăn nói nhỏ nhẹ, ông già bạo dạn hỏi:

Các ông nói giữ an ninh trên tàu, sao để bọn thủy quân lục chiến đàn áp tra khảo chúng tôi thậm tệ vậy?

Tên trung úy mặt lạnh như tiền:

Cái đó chúng tôi không biết, chúng có nhiệm vụ canh giữ các ông bà, các việc giữa chúng và các ông bà, chúng tôi không có quyền nhúng tay vào. Cũng như các ông bà đến nhà tôi, gây lộn ẩu đả nhau thì tôi giao tất cả cho cảnh sát vậy.

Ông già cố lấy lý:

Nhưng mà việc xảy ra tại nhà ông thì ông phải biết ai phải ai trái chứ! Ông phải chịu trách nhiệm tố giác kẻ làm bậy chứ! Chẳng lẽ các ông sợ đám vằn sóng biển mà làm ngơ sao?

Như chạm phải nọc, tên trung úy bỏ cái mặt nạ lịch sự, nạt đùa:

Ông già không được ăn nói lôi thôi! Nó quét mắt vào mặt những người trong phòng giam quát tháo:

Đi vào trong hết! Ngồi dựa lưng vào vách tức khắc! Không được di động. Quay sang đám áo xanh, hắn ra lệnh với giọng của thằng cướp biển:

Đứa nào không làm đúng theo lệnh, bắn chúng cho tao – Chuẩn bị cho chúng ăn để chúng khỏi phàn nàn. Xong đóng ngay cửa lại.

Một lúc sau, cửa phòng đóng lại tối om. Lúc đó cũng không còn tiếng động bên phía hành lang bụng tàu.

Trong bóng tối, giọng ông già bô bô:

Mẹ kiếp, tụi nào thủ tụi đó. Chính tại chúng bắt giữ tụi mình, ngu ngốc giao cho tụi vằn nhốt, rồi ơ hờ để mình khốn nạn. Đến bây giờ thì nói cái giọng trốn!

Ôi! Ông ôi! Một giọng đàn ông nào đó: – Tụi nó sợ tụi vằn lắm, lạ gì đi nữa, tụi nó cũng đâu dám đụng vào, chơi đám này, đám khác sẽ chơi lại, chết mẹ làm sao. Nói thiệt với ông cụ; tui cũng là hải quân đây mà tụi nó dám binh tui đâu. Lúc mấy thằng vằn điểm chỉ cái miệng tui, tụi nó bắt, tui xưng là hải quân, tụi nó cũng vẫn bắt. Mấy cái thằng vằn cũng trả thù ghê lắm.

Ông già thì nói:

Sợ cái gì mà sợ. Mấy thằng vằn sóng biển này đem chôn sống cho rồi, cái thứ ác ôn chỉ hại dân, mình đóng thuế nuôi tụi nó để tụi nó giết mình. Chừng này người, cả trăm người mà thua tụi nó sao. Tụi nó đánh tra, tụi nó khảo hạch lấy tiền, tụi nó giết người, rồi chính tụi nó giết tụi nó, rõ ràng như vậy thì ai nói gì mình – Không sợ, không sợ gì cả.

Có nhiều tiếng “Không sợ!” họa theo. Rồi cả đám nằm xuống sàn tàu nghỉ mệt, một nắm cơm chui tọt qua cổ không đủ cho mọi người ngồi vững.

Thái và tôi cười, chúng tôi cùng nằm xuống. Con tàu êm ắng. Phòng tối om. Bên ngoài cuộc đổ người lên cảng đang diễn ra.

Đến lúc cửa phòng tối mở ra thì trên tàu đã vắng tanh dân di tản. Mọi người đã đi theo ngả thang từ tàu xuống cảng. Bọn vằn sóng biển đi bằng ngả ca – nô quân cảnh ra đón: chúng bị bắt trói giải đi.

Những người bị giam đứng dậy, trong bụng ai cũng thấy lo. Khi nãy nói cứng, chứ bây giờ họ chỉ là những người tay không giữa những bộ đồ tác chiến súng ống tua tủa. Họ không phải là tù binh, không là những tên trộm cướp, họ không bị xích tay, còng chân; nhưng họ phải ngoan ngoãn đi hàng một giữa hai hàng tôm – xông tiến ra khỏi phòng tối lên boong, rồi xuống cảng. Những người này có kẻ mê tín nói là kiếp trước đã ăn ở ác đức nên bây giờ phải chịu như vậy, cơ cực không tả được, vượt cả đường dài hiểm nguy: thoát khỏi cướp ở Đà Nẵng – lên được ca – nô – may chưa chết đói trên phà – chưa rủi mà lọt biển khi qua chiến hạm, không đổ máu ngã xuống tại đây – bị giam giữ bỏ đói trên tàu hàng, suýt nữa bị đòn bọng khảo tra, chưa phải bị đưa ra xử bắn – Bây giờ lại phải lên bờ với sự đe dọa tính mạng. Cuộc sống tự do chỉ là chuyện mơ ước viễn vông. Suốt con đường dài hiểm nguy đó, ai đã nằm xuống sớm là khỏe cho người đó hơn, ai chưa chịu ngã xuống thì thê lương vẫn còn. Không ai còn muốn trông vào ngày mai tươi sáng nữa.

Ông già chừng như nghĩ vậy, ông muốn nằm xuống để thoát cái nợ đời này, ông nói toáng lên:

Cái thân tôi đến già tuổi này, lại phải lâm vào cảnh như một tội phạm mà không một bản án nào. Người ta không xử án tôi, thế mà tôi bị coi là một tội phạm, lỡ mà đã chết đêm qua thì tôi là tội phạm tử hình rồi còn gì nữa.

Nói xong, ông già im lặng. Mọi người im lặng, ông nói như vậy cũng đủ, và người nghe thế cũng đủ rồi.

Thật là buồn, những người di tản ai cũng muốn bước lên cảng reo vui sung sướng; nhưng bây giờ cái thềm xi măng tàu cặp bến bỏ neo, lại cứng ngắc lạnh lùng. Bàn chân vừa rời cầu tàu đạp lên nó một cách giận hờn. Người ta mong chờ được gặp nó, cố vượt bao nguy hiểm, vật lộn với tử thần để đến với nó, thế mà nó đón tiếp họ với bộ mặt nghiêm khắc lạnh lùng.

Đám người khổ ải “được” bọn áo xanh[18] trao qua cho bọn nón nhựa láng bóng có hai chữ QC[19] và bọn thường phục áo bỏ ngoài mang dép nhựa trong[20]. Lúc đổi trao từ ách này qua ách kia, đám người được đứng lại trong chốc lát mà nhìn quanh quất cái cảng buồn ảm đạm, dơ bẩn, các vòng kẽm gai, và những bộ mặt hầm hầm soi mói, rồi sau đó lại lầm lũi bước đi.

Thái và tôi đi trong đoàn người. Chúng tôi cũng chẳng còn nhớ gì xảy ra trên đường ấy, đường nhựa hay đất đắp, chỉ nhớ là dơ dơ, hai bên đường có vòng kẽm gai, cỏ khô và cây cháy nắng; con người hai bên đường sinh hoạt thế nào, chỉ có nón QC và dép nhựa trong. Sau cùng, hơn một giờ đi bộ, 11 giờ ngày 1 tháng 4, đoàn người bị đưa vào giữa một trại lính tồi tàn và buộc ngồi chồm hổm giữa sân đất, phơi nắng, xung quanh có cả chục đứa QC và dép nhựa trong đi tới đi lui.

Phơi cho đến lúc mọi người đổ mồ hôi ròng ròng, thì một tên có lẽ là sĩ quan an ninh quân đội cùng hai thằng đi dép nhựa ra đứng trước đám người, dài dòng, dọa dẫm:

Này! Nghe đây! Tại sao mấy người lại tuyên truyền cho Việt cộng? Mấy người đã nói gì, thì phải nhớ tới lời mình đã nói, mà chút nữa đây từng người phải thành thật khai rành rọt, cứ thành thật mà nói, chúng tôi bảo cứ thành thật thì sẽ được khoan hồng, chúng tôi không muốn phải nặng lời, dùng gậy gộc, điện nước lôi thôi lận xộn lắm. Mấy thứ đó, tôi cũng như mấy người đều mất cảm tình, không ưa được…

…Hà! Nói vậy thôi, chứ chúng tôi cũng muốn mau mau thu xếp gọn thì giờ, để mấy người lên đường cho sớm, mấy người di tản đã ra sân bay cả tiếng rồi.

Thằng này đi tới đi lui mấy bước, gật gật đầu ra về, rồi đột ngột quay lại nhìn đám đông:

Này, sao mấy người lại giết chết mấy đứa thủy quân lục chiến, tội nghiệp cho nó quá. Phải mấy người nghe lời Việt cộng xúi dại không?

Bọn hắn giết anh tôi! Tiếng một cô giá Huế. Thằng sĩ quan an ninh mắt lóe cười.

Đấy. Thằng sĩ quan an ninh quân đội phân trần với đám người: – Mấy người lại đi giết mất người anh của cô gái đẹp vô tội này sao, một cô gái mỹ miều lại phải đau thương vì bàn tay sát nhân của mấy người. Mọi người chưng hửng tức cười cho cái thằng ngu dốt bộp chộp. Thằng này trở giọng quát nạt:

Ai giết anh cô ta? Ai? Rồi không đợi trả lời nó diễn xuất đúng vai theo nghề nghiệp của nó, rồi quay ra giọng mơn trớn với cô gái: – Anh cô tên gì, thuộc đơn vị nào của anh em thủy quân lục chiến? Tôi xin thành thật chia buồn với cô. Đâu, cô chỉ cho tôi biết thằng sát nhân gây ra vụ thảm sát này.

Cô gái khóc nức nở:

Hắn bị giết rồi!

Ủa! Có thằng nào bị giết đâu? Thằng trung úy an ninh chưng hửng: – Tất cả tám cái xác đều là thủy quân lục chiến kia mà!

Là hắn đấy nợ! Hắn là thủy quân lục chiến.

Hả? Mắt thằng trung úy trố ra: – Vậy người anh nào của cô bị giết? Hả?

Anh tui bọn hắn xử tử rồi.

Anh cô là Việt cộng à? Bị tụi thủy quân lục chiến bịt mắt bắn đó phải không?

Không! Anh tôi là sinh viên đại học! Cô gái dậm chân rức khóc…Anh tui với tui bị chúng chụp mũ khai thác dã man.

Thôi! Biết đã lộ mối thằng trung úy an ninh nạt dội, chặn ngang: – Không nói ở đây! Vào trong kia!

Khoan đã! Trong đó có tôi! Thái đột nhiên đứng thẳng lên. Thằng trung úy quay lại, mọi người đều quay lại nhìn Thái. Anh cao giọng:

Đầu đuôi mọi việc do tôi!

À à à à…Thằng trung úy kéo dài giọng: À! Raaaa thế ế ế…Mầy thú tội, mầy muốn được khoan hồng. Đưưượợợccc! Tiếng được kéo dài; nó quắc mắt nhìn Thái: Vào trong kia! Hai thằng quân cảnh điệu Thái vào!

Thái đi trước, nhắm căn nhà có bảng “Ban chỉ huy” tiến tới, anh đi mạnh mẽ tự tin, tôi nhìn theo bạn. Ý định này, Thái đã bàn với tôi, Thái muốn chỉ mình anh chịu trách nhiệm, cũng như lần anh tưởng phải bị tụi vằn sóng biển thủ tiêu. Còn chút thời gian sống, anh muốn cuộc sống đó có ý nghĩa. Anh muốn tất cả mọi người ở đấy được tự do, mình anh lãnh chịu. Theo sự suy nghĩ của anh lúc đó, anh nghĩ nên làm như vậy. Anh đã nói với tôi:

– Chuyện này chưa rõ ra sao, nên tôi không muốn bạn dây vào. Một đứa thôi, hai đứa thêm uổng.

Anh nói tự nhiên và bước vào gian nguy rất tự nhiên. Thấy được nẻo phải đường ngay, anh dấn bước không chút ngại ngùng, dù biết là phải vượt chông gai, và có thể hiểm nguy đến tính mạng. Tôi chép miệng nói lên hai từ mà Thái thường dùng khen người khác: “Cừ thật!”.

Đám người lại tiếp tục ngồi phơi nắng khi Thái và cô gái theo đám an ninh quân cảnh vào nhà trại.

Khoảng 10 phút sau, một thằng quân cảnh từ Ban chỉ huy bước ra đứng trước đám đông:

– Các người đứng lên, xếp hàng ngay ngắn đi! Rồi hàng một theo tôi ra cổng.

Nó tự đắc nhìn vào gương mặt ngơ ngác của mọi người, và đầy vẻ tự mãn ban ơn, nó lấy giọng nghiêm:

– Các người được thả!

Những bộ mặt ngơ ngác càng ngơ ngác thêm. Họ không ngờ chuyện đơn giản như thế, “công lý” được sáng soi nhanh quá! Ít ra thì cũng có nơi là đúng lời rêu rao của lão Thiệu chứ?! Trong lòng một số người nào đó đã phục tinh thần “công bằng” của đám an ninh quân đội, nhiều gương mặt từ ngơ ngác đã tỏ ra tươi vui và biết ơn; nhưng ông già thì vẫn nghi ngờ, ông hỏi thằng quân cảnh:

Này! Còn hai người kia, họ đâu không thấy?

Kệ họ! Thằng quân cảnh xỏ ngang: – Ông lo phần ông đi.

Ông già cho sự nghi ngờ của mình là đúng, ông hỏi thẳng thằng quân cảnh, càng hỏi ông càng nổi giận:

Các ông giữ họ lại à? Các ông khép tội họ sao? Họ tội lỗi gì chớ? Họ cũng là nạn nhân của bọn quỉ khát máu như chúng tôi. Họ sát nhân giết người gì mà các ông bắt giữ họ?

Thằng quân cảnh mất hẳn ngay cái vẻ ra ơn, trở lại cái vẻ dọa nạt nghề nghiệp:

Ông già im đi! Muốn chết phải không? Ông già rất bình tĩnh, run giọng nạt đùa:

Nè! Mầy đáng con tao, mầy đừng hỗn với tao. Mầy giết hại người đó thì mầy giết tao luôn, giết hết ở đây đi vì bọn tao cũng là nạn nhân với nhau cả. Cái anh trung úy công binh ấy là ân nhân của chúng tao. Nếu không có anh ấy thì tụi tao bị lựu đạn chết hết cả rồi. Tụi vằn tàn sát không được thì bây giờ tụi bây tiếp tục giết tao đi. Giết đi!!

Thằng quân cảnh đỏ mặt bối rối, nó nghe ra cũng thấy có cái gì không xuôi thuận trong đó; nhưng phận sự của nó, nó vẫn cứ tiếp tục.

– Ông già không muốn sống thì đứng đó. Mấy người này theo tôi ra cổng. Mau!

Thằng quân cảnh kêu đám đông đi; nhưng đám đông không nhúc nhích. Đang đứng, họ cùng ngồi xổm xuống. Ông già nhìn đám đông, mắt ông sáng lên, ông cười. Thằng quân cảnh quay nhìn qua nhìn lại, cái nhìn sửng sốt, nó chưa gặp cái cảnh quái dị này: cái cảnh thả sống không đi mà ở lại chịu chết. Nó cuống cuồng bỏ đám đông ngồi đó, chạy vào với bọn chỉ huy. Đám đông định đứng lên kéo theo, nhưng tức khắc mấy thằng quân cảnh và bọn dép nhựa trong quanh đó chặn lại. Bọn an ninh rút súng uy hiếp bắt mọi người ngồi im.

Lòng con người như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, nước bình thường thì núi bình thường, khi nước dâng cao thì núi cũng cao lên. Lửa giận đã lóe, đổ thêm dầu, ngọn lửa càng bùng cao cháy rực. Mấy cây súng rút ra khỏi bao làm lửa căm hơn từ mấy ngày qua bị dằn xuống, bây giờ nẩy bùng lên, họ không còn suy nghĩ gì nữa khi bước chân đồng loạt bước tới trước.

Súng nổ mấy phát, nhưng họ vẫn cứ bước tới, không cần biết có ai trúng đạn hay không, họ bình thản bước tới. Đám quân cảnh và đám dép nhựa trong hoảng hốt đổ dồn tới trước làm một hàng rào cản, nhùng nhằng với đám người. Tiến lên không được, những nắm tay đưa lên cao, lời phản đối vang lên:

Yêu cầu thả chúng tôi ra! Chúng tôi vô tội! Chúng tôi là nạn nhân!

Yêu cầu không được gây thêm tội ác!

Yêu cầu! Yêu cầu! – Yêu cầu tức khắc!!!

Tiếng la hét càng lúc càng dội lên. Thằng quân cảnh khi nãy lại chạy ra, theo với nó còn có mấy thằng nữa, trang bị súng M18, loại tiểu liên cực nhanh, các họng súng đồng loạt bắn chỉ thiên.

Tanh! Tanh! Tanh! Tanh! Các họng súng đồng loạt bắn xéo lên đầu đám người.

Tiếng cảnh cáo của tử thần làm mọi người hoảng sợ đứng yên. Từ đứng yên họ nhũn ra rồi từ nhũn ra họ buông xuôi và trở nên ngoan ngoãn. Những người này chưa được rèn luyện để đối đầu bạo ngược và không được lãnh đạo, nên cơn bộc phát làm họ giống như một quả bóng căng cứng, khi bị đàn áp, quả bóng xì hơi.

Đi theo tôi! Tên quân cảnh bỏ đi trước, mấy tên còn lại bao vây, chĩa súng cặp sườn thúc đẩy đám người đi theo. Nhưng không phải đi về phía cổng, mà quay lại đi sâu vào con đường dẫn ra sau trại. Đám người riu ríu bước đi.

Qua khỏi các nhà trại, người ta thấy bãi đất trống rộng mênh mông; cát trắng, chồi khô và dây thép gai. Giữa bãi trống, đám người di tản giật mình thảng thốt, thấy một đám chừng hơn chục con người mình trần trùng trục, đầu cạo trọc, đang bị trói gô bỏ nằm quì trên cát nóng; xung quanh một vòng kẽm gai rào lại, có hai tên quân cảnh cầm súng M18 đi tới đi lui canh gác. Đám người di tản bị đưa về phía đó, vòng thép gai mở ra, tất cả bị lùa vào, vòng thép gai đóng lại. Họ chợt nhận ra, dưới khúc mình trần của đám người đầu trọc là những cái quần vằn sóng biển, họ thoạt sờn lòng khi đối mặt với chúng ở nơi đây.

Đầu cạo sát da, lưng trần bóng lưỡng dưới ánh mặt trời; thân hình co quắp kiểu này kiểu khác để tránh nóng, nằm nghiêng bật ngửa, quì dựng đứng…Con người trông như con vật. Mấy thằng vằn ức lòng thấy đám người cứ liếc nhìn, chúng biết họ đang ngạc nhiên lý thú thấy cái mặt hung hăng của chúng trở nên dị hợm, không còn giống cái mặt được tóc phủ lên trên: cái sọ da trơn bị các tia mặt trời xoi vào đau đớn, mồ hôi đổ ra có hột. Tụi này quặm mắt nhìn lại đám người muốn trấn áp những cái nhìn khinh bỉ kia đi; nhưng chúng biết là đuổi không hết nổi, chỗ này chỗ khác trong đám người, những cái nhìn vẫn xoi mói vào óc chúng. Chúng nó không còn là những thằng hiền lành, biết lỗi mà đã trở nên hung ác trong quân đội. Bị trói tay chân đi không được, chúng đành nằm chịu trận đó thôi. Lúc nào có cớ, tính hung ác lại bùng lên.

Đám “mặt vằn” có mấy thằng lẩm bẩm:

Cái tụi kia dễ ghét, tiếc là không kịp giết sạch tụi nó! Đám di tản có mấy người lầm bầm:

Thật tình phải xé đôi chúng ra mới đúng. Đấy rồi xem, tụi an ninh chắc cũng như tụi hải quân, thả nó ra cho xem.

Người nuôi cá lia thia, trước khi cho chúng đá nhau, để hai cái lọ thủy tinh lại gần, giữa ngăn bằng miếng giấy bìa, thỉnh thoảng giở miếng bìa cho hai con cá thấy nhau giương vi phùng mang rồi ngăn miếng bìa lại. Cứ làm như thế nhiều lần để kích thích chúng, đến khi cho chúng tự do đá nhau là hai con cá đá nhau đến chết.

Hai thằng quân cảnh đi tới lui giữa khoảng đám di tản và tụi vằn sóng biển giống như miếng bìa ngăn. Khi mệt vì nắng, hai thằng này vào núp mát trong nhà thì như miếng bìa được gỡ ra, hai đám người gầm gừ nhìn nhau như hai con cá sắp đá. Rồi hai thằng quân cảnh lại ra, miếng bìa được đóng lại, hai đám người hết gầm gừ.

Tình hình như thế thì chuyện gì đến phải đến. Khi hai thằng quân cảnh vào núp mát dưới bóng nhà trại gần đó, một thằng vào nhà trong uống nước, thằng còn lại ngồi ngó bâng quơ thì trong đám di tản, ông già chạy về phía đám vằn xỉa xói chửi bới và nhổ nước bọt vào mặt một thằng nào đó. Thằng này liền bật nằm ngửa ra đá tung cát lên mặt ông già. Ba người trong đám di tản lại chạy qua đám vằn, hai người đến ôm đỡ ông già, một người nhào đến thằng vừa đá cát lấy chân dậm vào bụng nó. Một thằng vằn kế bên, co hai cái chân bị trói vào lưng làm người này té nhũi xuống cát.

Thằng quân cảnh phơi nắng để canh chừng hai đám người, cũng mệt mỏi bơ phờ, càu nhàu: “Ở đâu mà về đây cái lũ kỳ quái! Chạy loạn mà sinh sự làm cực mình quá!”. Cảnh lộn xộn này làm nó vui vui ngồi nhìn. Thằng kia uống nước xong trở ra thấy vậy quát:

– Ê! Tụi nó “quánh nhau” mà mầy còn cười hả?

Thằng cười, vẫn cười, đưa tay chỉ. Thằng kia nhìn theo hướng ngón tay. Anh bị nhũi xuống vừa lồm cồm bò dậy thì thằng vằn vừa đạp lưng anh lại dùng đôi chân khoèo chân anh làm anh nhũi thêm cái nữa.

Thế là hai thằng quân cảnh cùng cười: “trò này cũng vui quá!”. Hai đứa ngó qua lại không thấy bóng quân cảnh hay an ninh quân đội, chúng yên trí xem. Quang cảnh bắt đầu cho một cuộc tàn sát đơn giản như vậy. Trên bãi cát nóng vắng lặng hai đám người quần thảo nhau, trong bóng mát đàng xa hai thằng gác ngồi xem; trò chuyện vui cười. Ở xa thấy động tác như chậm, y như trò đánh cuội. Nhưng sự thật, thì máu đang đổ đỏ trên cát trắng và hai bên đều thẳng tay không bên nào ngán ngại chuyện giết người. Người tay không, kẻ bị trói, đánh nhau đến chết. Cực kỳ man rợ!

Tôi đang cảm thấy sự hy sinh của Thái là vô ích. Tình thế như vầy, bọn an ninh có thể quay ra buộc tội những người này đã nổi loạn trên tàu, dù Thái lãnh mọi trách nhiệm. Bằng chứng hiển nhiên là sự nổi loạn của họ vẫn còn đang tiếp diễn. Tôi hét lên:

– Ngừng tay! Tất cả không được động thủ!

Nhưng những người đang đánh nhau như không nghe thấy gì nữa, nắng như đốt cháy thần kinh của họ.

– Tụi quân cảnh có thể bắn chết hết! Tôi là lên hù dọa, nhưng cảnh ẩu đả vẫn tiếp diễn.

Người đàn ông bị khoèo chân té nhũi sấp người xuống cát, liền bị một thằng vằn gần ở phía trên anh ta nhảy ngồi thật mạnh lên đầu, mặt anh này bị ấn đập xuống cát, sức nặng của thằng vằn làm anh không ngẩng đầu lên được. Tôi chạy tới, chụp hai chân anh ta kéo mạnh, lôi tuột ra. Mồm anh ta đầy cát và máu mũi chảy đỏ mặt.

Đi về bển! Tôi nạt người chảy máu mũi. Anh này vừa phun vừa khạc cát và máu trong miệng, thở hổn hển bỏ về. Ngang qua một tên vằn đang quì, anh ta còn tức tối, dùng chân đá vào đầu tên này. Nhưng thằng bị đá gồng sức xuống chân búng lên, thân người nó vút vào bụng người bị chảy máu mũi. Cái vút đi nhanh quá làm tôi không còn cách ứng phó, đành cũng dùng toàn thân phóng vào thằng vằn; hai cái thân tung vào nhau cùng té ngửa.

Đằng kia, trong bóng mát hai thằng quân cảnh cười rộ:

Đ. m, tao chưa thấy ở đâu có cái cảnh đánh nhau ngộ nghĩnh như vầy.

Cho tụi nó quánh chết mẹ đi, bình thường mấy thằng mũ xanh[21] này cũng chê mình dữ quá. Cứ để mượn tay người khác dần tụi nó một trận cho bỏ ghét.

Đằng này, tôi vừa té, thì hai cái chân bị trói gần đâu đó tung thẳng vào đầu tôi. Cả hai chiếc giày đinh đập mạnh vào xương sọ. Nghe tai lùng bùng, tôi lồm cồm nhổm dậy định đứng lên thì lảo đảo chừng bật ngửa. Ai đó đã đỡ lấy tôi, và trước mắt tôi những người di tản túa ra, xông tràn ngập vào đám vằn. Tôi thét lớn với sức còn lại:

Ngưng ngay! Nhưng tự nhiên tôi cảm thấy buồn ngủ quá không sao gượng được, mắt dính lại. Bên tai văng vẳng một lời kêu gọi:

Chơi tới anh em ơi!

Đến khi mấy loạt súng nổ tôi mới sực tỉnh, tự mình ngồi dậy được thì cảnh hổn loạn đã chấm dứt. Hay đúng hơn là cảnh thảm sát đã xong. Kẻ “gieo gió phải gặt bão”; bọn vằn sóng biển không còn đứa nào sống sót.

Thái đã đứng ngay giữa đó nhìn tôi. Tôi lắc đầu chán nản; nhưng Thái thì cười, không một chút gì xót đau và lo âu trước cảnh tượng người chết xảy ra. Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao Thái lại cười. Tôi cảm thấy yên lòng nhưng vẫn có một chút gì đó ngờ ngợ cho Thái: “con người tốt như Thái mà nhiều năm trong quân đội cũng biết nhẫn tâm cười trước cái chết hay sao?”

Đem xác chúng đi! Thằng trung úy an ninh hò hét đám quân cảnh khiêng mấy cái xác mặt mũi đầy máu và cát đem đi.

Tất cả tập hợp nhanh! Thằng trung úy an ninh lại ra lịnh. Những người di tản liền gom lại.

Các người được thả vì các người vô tội. Thay vì mừng rỡ hoan hỉ, mọi người lại đứng im.

Trên tàu, các người không có lỗi gì cả. Thằng trung úy gằn giọng lý luận. Mọi sự do đám thủy quân lục chiến gây ra, chính tụi nó đã chụp mũ tra tấn và xử tử một số các người và vì thế một số bọn chúng đã đền mạng do chính lựu đạn của chúng.

Điều này đúng, ai ở đây cũng thấy đúng như thế. Thằng trung úy chờ mọi người suy nghĩ rồi minh xác:

Đúng không?

Hoàn toàn đúng! Mọi người đồng ý.

Nhân chứng là trung úy Thái và cô đây. Hắn nhìn Thái và cô con gái ông chủ tiệm vàng, cười nheo mắt. Hai người gật đầu.

Ở ngay tại đây các người cũng không có lỗi gì cả. Thằng trung úy an ninh tiếp tục lý luận: – Sinh sự lại cũng do đám thủy quân lục chiến. Chính chúng nó thù hằn các người đã tố giác tội ác chúng, nên chúng nổi điên toan giết thêm các người. Và do tự vệ, các người buộc phải chống trả. Tụi nó không lượng sức “mãnh hổ nan địch quần hồ”, nên tụi nó phải trả nợ…

Điều này thì đa phần cho là đúng. Một phần trách nhiệm về việc lầm lỡ gây ra nhưng người ta vẫn thường cho là không có lỗi. Một số thì thấy có lấn cấn, còn chưa hẳn là như vậy, nhưng lúc này họ nghĩ: Không nên tách bạch sự thật để được yên thân, tốt hơn? Chừng như mọi người suy nghĩ xong, thằng trung úy hỏi lại

Đúng không?

Đúng hoàn toàn! Mọi người vội tỏ ra đồng ý.

Nhân chứng là hai người quân cảnh ở đây. Thằng trung úy nhìn hai thằng lính của nó đứng bên, lẩm bẩm:

Không đúng thì tụi bây bị nhốt và đi đày vì tội lơ đãng để gây ra án mạng. Rồi nó nói lớn lên: – Đúng không? – Hai anh làm nhân chứng việc này?

Đúng! Thưa trung úy đúng? Chúng tôi chứng kiến từ đầu sự việc này. Hai thằng quân cảnh không thể nói khác hơn.

Xong! Việc đã giải quyết xong. Thằng sĩ quan an ninh xoa tay giọng thỏa mãn: – Nhân chứng trên tàu đã làm báo cáo xong, chút nữa nhân chứng ở đây sẽ làm báo cáo. Chúng tôi sẽ làm việc này sau, bây giờ các người ra đi kẻo muộn – Xin chúc các người lên đường bình an. Nó mỉm nụ cười hể hả: An ninh chúng tôi lúc nào cũng đúng mực và công bằng – Nào tập hợp đi.

Trong lúc mọi người sắp hàng, thằng đầu sỏ an ninh cảng Cam Ranh kéo Thái và cô gái ra bên, đểu cáng nhắc nhở và hù dọa:

Nhớ đấy nhé! Trong vòng một tháng bản án sẽ thành hình và các báo cáo sẽ được gửi đi. 88 người sống, với anh và cô gái, mỗi người 5 chỉ – 21 thây ma “Thiên thần mũ xanh”[22] mỗi xác một lượng… Chúng tôi đông người…Hà hà…Nhớ đấy! Chậm hơn một tháng thì…Hà hà…Tôi xin mời hai vị ra đây, tôi sẽ dọn một xà lim thoáng mát để hai người sống đến…đầu bạc răng long.

Nó cười rộ lên khiến cô gái thấy trong lòng vui cũng cười; Thái thì nở nụ cười của người diễn rối khi nhìn con rối trên tay mình đang xung xoăn. Cái cười của thằng sĩ quan an ninh phớt lên từng mặt mỗi người trong đám di tản và bắt gặp những nụ cười ngây ngô không hiểu gì hết.

Tôi sắp hàng sau chót, nhìn những nụ cười quay nghiêng mặt về một phía của tất cả những người “lớn” nơi đây và tôi quay mặt ngược lại nhìn lên bãi cát bị quần nát. Máu đọng cục trong cát như những cái bánh vỡ làm tôi liên tưởng đến bãi biển khi các “em bé” đã xách xô, bay và mấy cái khuôn in bánh bỏ đi từ lâu…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.