30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Từ Sân Bay Đà Nẵng Đến Bến Bạch Đằng



7 giờ sáng ngày 28 – 3 – 1975, tromg buổi chào cờ, có mặt đầy đủ các đơn vị công binh thuộc liên đoàn 10. Có mặt trung tá liên đoàn phó, đại tá liên đoàn trưởng bịnh nặng nên vắng mặt.

Buổi chào cờ buồn tênh. Mọi người cúi đầu trong khi lá cờ được kéo lên, không có đội quân kèn, không có nhạc quốc ca, binh lính không mặc đồng phục, tự do mặc đủ kiểu, đủ loại quần áo, giầy nón. Mỗi người tự tìm chỗ đứng của mình không theo đội ngũ. Quân số chào cờ giảm hơn phân nửa, nhưng số người ở sân cờ lại đông hơn các buổi chào cờ bình thường của Liên đoàn trước đó. Họ là những người lính và những người dân sống bằng đồng lương lính.

Tấm vải màu vàng kẻ đỏ kéo lên ngọn cột sắt cũng lâu rồi, thế mà chẳng ai nói một lời nào, mọi con mắt đang nhìn bộ mặt có đám râu chổi xể chờ đợi. Đám râu ấy bất động, ngần ngừ.

Trung úy Thái muốn mau khởi sự, bước ra nói cùng mọi người:

Anh em binh sĩ, hạ sĩ quan, trung tá liên đoàn phó đã về Liên đoàn từ hôm qua, sáng nay muốn nói chuyện với Liên đoàn. Vì thế tôi đã triệu tập anh em đến đây để nghe trung tá nói. Quay sang với bộ mặt có hàm râu chổi xể, Thái mời:

Kính mời trung tá nói với anh em. Tất cả đã đủ!

Tay râu không thể chần chừ được. Thật ra, hôm nay hắn cho tập họp tất cả ở đây để nghe hắn nói một việc quan trọng, nhưng còn ngại một thứ trách nhiệm nào đó. Lời nói của hắn, hoặc là những điều hắn nói sẽ làm người nghe căm thù hắn. Hoặc ở đây, hắn muốn sai phái người khác làm điều gì đó lợi cho hắn mà phải chịu thiệt thòi, kiểu như hắn đã sai phái trung sĩ Bình rồi hắn bỏ rơi. Đối với một mình trung sĩ Bình hắn không ngại bị trả thù, còn bây giờ là hàng ngàn người. Nhưng trung úy Thái đã thúc giục, thấy không thể kéo dài thời gian được nữa, hắn xoa hai bàn tay vào nhau, bước ra trước đám đông, cố nói thật lớn để không ai nghe kỹ những lời đều tiên này:

Cùng toàn thể anh em binh sĩ, sĩ quan Liên đoàn, cùng tất cả gia đình của anh em. Những lời tôi sắp nói với anh em không phải là lời của tôi mà là của ngài đại tá thân mến của anh em…

…Tôi nói lại các lời đại tá – Hắn lấy từ trong túi áo ra cuốn sổ tay và nói tiếp: – Tôi có ghi chép đây, khi đại tá truyền lịnh nhờ tôi nói với anh em. Đại tá bệnh nặng suốt hai ngày nay không ra đây được…

Tôi ngạc nhiên: “Lão đại tá bệnh à? Hai ngày nay lão không ra khỏi phòng là do bệnh à? Có người nào biết được không?”

Có tiếng tromg đám đông:

– Trung tá! Đại tá bệnh thật à?

Làm như không để ý đến kiểu gọi xấc xược “trung tá” một cách trống không và lời chất vấn, tên râu lướt luôn:

Tôi cũng xin nói, hôm nay tôi về đây không phải vì mục đích này, mà chỉ tình cờ thôi, phải nói với anh em rõ như thế…Đại tá bảo là…Tay râu liếc vào giấy – không biết trong giấy có ghi điều hắn sắp nói ra không – Tình hình báo động khẩn cấp đã được ban hành – đã ban lệnh chiến đấu toàn diện cho quân khu I. Kế hoạch đã có.

Hắn ngừng nói để mọi người ồn ào trong khoảnh khắc, rồi hắn xuống giọng:

Cùng anh em binh sĩ, trước tiên, để chúng ta an lòng chiến đấu, chúng ta phải nghĩ đến sinh mạng người dân, gia đình của anh em, vì thế cần làm một cuộc “di tản” cho những người này, “di tản qui mô lớn…”.

Đám người la ó lên tiếng ồn thật dị kỳ. Âm thanh không phải là gào thét mà tần số vẫn cao ngất, bốc thẳng lên mây. Tay râu làm cử chỉ điềm nhiên, đưa hai tay ra phía trước như thu hồi tần số âm thanh đó lại, tiếng ồn dịu dần và im đi. Đám người lắng nghe.

– …Tất cả gia đình binh sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan sẽ được đi và cho phép cha anh của họ được đưa đi – Cho phép những anh em miền Nam được về thăm gia đình. Chúng ta xả trại 50%, còn 50% lãnh nhiệm vụ trấn thủ những điểm trọng yếu, phối hợp cùng các đơn vị chiến đấu khác…

…Đây chỉ là tạm di tản, tất cả xuôi về Nha Trang trong thời gian ngắn, có thể cao lắm là một tháng, nên hành trang phải thật nhẹ, sẽ đi trên đoàn chiến hạm T. H. D 500, 501, 502, 503. Riêng đơn vị của ta sẽ đi phà từ đây đến ngoài khơi Bạch Đằng. Phà sẽ được thực hiện tại đây.

Hắn đưa tay chỉ vào một góc sân cờ, bãi cát gần câu lạc bộ. Mọi người đưa mắt dồn về hướng đó. Hắn nói tiếp:

8 giờ tối nay phải khởi hành… Sân chào cờ im lặng.

Rồi hắn ra lệnh:

4 giờ chiều nay, các đơn vị có nhiệm vụ trấn thủ tập họp lên đường.

Sân chào cờ bỗng ồn ào. Tên râu không chần chờ, gánh nặng vừa trút, hắn quay lưng toan rút lui, chợt một giọng giữa đám đông hét toáng lên, tiếng thét bay theo gió như tiếng hú:

– Tru…u…u…u…ng tá..á á á!

Tên trung tá như khựng lại. Một người lính rẽ hàng chạy như bay về phía hắn. Người lính chạy chưa đến sát đã hô lên ầm ĩ:

Trung tá hãy nán lại, chúng tôi xin trung tá hãy nán lại! Hắn bồn chồn hỏi ngay người lính vừa đến bên:

– Nán làm gì?… Cứ như đã nói mà làm, không lôi thôi!

Anh lính mang lon thượng sĩ gác kho xăng Liên đoàn, không nói thẳng vào mặt tên trung tá mà quay lưng lại nói lớn về phía mọi người, nhưng ý thì lại là hỏi tên liên đoàn phó:

Thưa trung tá, chúng tôi muốn hỏi trung tá hai câu. Câu thứ nhất, tại sao chỉ xả trại 50%? Câu thứ hai, tại sao không cho chúng tôi ra Đà Nẵng bằng đường bộ mà phải đi phà cho nguy hiểm.

Anh thượng sĩ vừa dứt lời, mồ hôi vã ra lấm tấm trên trán, ướt cả lưng áo. Tên trung tá lúng túng ra mặt. Tình thế lúc này đối với hắn nguy hiểm quá, hàng ngàn con mắt đang nhìn hắn im lìm nhưng dữ dội. Hắn lắp bắp:

Cái này…cái này. Hắn hít hơi, quai hàm động đậy. Tất cả đã nói rồi; còn lại phải hỏi đại tá. Anh thượng sĩ quay lại:

Sao vậy trung tá hỉ?

Ai biết đâu. Tôi không biết!

Anh thượng sĩ bật tiếng cười, anh hỏi vẻ như bình tĩnh mặc dù người anh đã run lên vì tức giận:

Kính trung tá, trung tá truyền lịnh mà trung tá không hiểu gì cả, răng rứa trung tá?

Lịnh là lịnh. Tên râu đáp liền câu thông thường của những thằng quan quen hoạnh họe. Anh thượng sĩ run lên, khẽ rít:

Lịnh trên thân xác gia đình vợ con binh sĩ phải có lý có nguồn chứ trung tá. Trung tá nên nhớ, lỡ ra cả nghìn con người chết tiệt thì mần răng?

Ồ… – tên râu đổ trách nhiệm lên đầu lão đại tá.

Sinh mạng cần quá đi chứ, có thế nên đại tá liên đoàn trưởng của các anh mới ra lịnh đi phà. Thú thật, tôi cũng ngạc nhiên về việc đi phà như anh em, nhưng nội tình đại tá lại không giải thích thì làm thế nào? Anh cứ đến hỏi đại tá.

Hắn nói như than phiền: “Cuộc đời quân nhân mà. Thi hành trước khiếu nại sau”. Rồi hắn lại nói như lo sợ: “Tôi cũng chẳng muốn ra tòa án binh vì cãi lịnh thượng cấp!”.

Mấy ý sau cùng của tên liên đoàn phó làm anh thượng sĩ lo lắng cồn lên, dập tắt cơn tức giận. Có lẽ anh cũng sợ những điều lệ nhà binh trói buộc cả cuộc đời người lính đánh thuê. Anh ta bỏ đi về hàng người đang buồn rầu. Tên trung tá đắc thắng với lối lẻo lự và dọa nạt của hắn, hắn nhoẻn miệng cười với đám đông. Thái tiến đến bên hắn và hỏi:

Nè trung tá, nói ra cũng chẳng hại gì, chớ nên để binh sĩ mình lo âu tội nghiệp. Nụ cười của tên râu méo mó, Thái nói tiếp:

Trung tá cho tôi nói chứ? Tôi xin giải thích một số vấn đề bao quanh hai câu hỏi của anh thượng sĩ nhiên liệu.

Thái toan nói chệch đi tin tức thời sự anh biết, nhưng nhìn những gương mặt mọi người chờ đợi để biết rõ lý do mà bọn cầm quyền sanh sát đã đưa ra, Thái đành nói thật hết:

Xả trại 100% thì ai ở lại giữ căn cứ, phải có những người chịu thiệt thòi cho những người khác. Chỉ nặng nợ gia đình mới đi thôi, độc thân xin thông cảm. Còn vấn đề dùng phà, không cách gì ra Đà nẵng bằng đường bộ được, từ đây ra đó, nhiều nơi Việt cộng đã chiếm đóng rồi.

Thái ngừng ngang, anh tưởng mọi người sẽ ồn lên, nhưng không, họ im lặng như tờ, vẻ mặt họ chịu đựng thấy rõ. Dường như họ cũng nghe phong phanh tình hình như thế, nhưng bây giờ thì chính miệng của sĩ quan trưởng ban truyền tin nói ra, họ càng để ý hơn. Những người lính này chịu nghe sự thật dù cho đó là sự thật phũ phàng. Họ ghét lối úp úp mở mở gạt gẫm bằng những lời hão huyền.

Anh thượng sĩ còn muốn biết thêm:

Ở đâu đã có “bộ đội” thưa trung úy? Thái điềm nhiên:

Dường như mấy xã dọc quốc lộ 1 – Tôi biết chắc ở Hòa Mỹ đã có “bộ đội”, họ sang tiếp thu vũ khí của những người tự giải giới.

Anh nói và nhớ lại câu chuyện lúc khuya.

Cả ngày hôm đó, đại đội công vụ làm việc ráo riết. Đến trưa, danh sách những người lên phà được niêm yết: gồm gia đình binh sĩ và chồng con đi đưa. Danh sách các đơn vị trấn thủ được thông báo gồm những người độc thân và một số sĩ quan có gia đình tại Đà Nẵng.

Buổi sáng, sau khi từ đám đông ra, tôi thấy Thái bám theo tên trung tá. Tôi chưa hiểu Thái có ý định gì, nên không gọi lại và cũng không đi theo, mà kéo Nhật và Tân về phòng Thái chờ đợi.

Khoảng nửa giờ sau, Thái về, đưa cho chúng tôi xem tờ sự vụ lệnh mực đóng dấu còn ướt, có chữ ký của tên trung tá râu và giục các bạn ra xe. Chiếc gíp lao đi, ba phút sau đã chạy trên quốc lộ. Trong ba phút đó, không phải hỏi gì về hành động vừa bía ẩn, vừa dữ tợn của Thái.

Ngay cả Tân, tánh bộp chộp, nghĩ đâu nói đó, mà cũng chẳng dám hỏi câu nào. Đến khi chiếc gíp chạy về hướng Đà Nẵng, lòng nóng như lửa, Tân mới chồm lên hỏi:

Anh Thái, anh làm gì như bắt cóc chúng tôi vậy? Thái cười vào kính chiếu hậu với Tân:

Bắt bán bạn cho sân bay Đà Nẵng trên chiếc C130.

Sao???

Chiếc xe lắc nghiêng, rẽ phải chạy về hướng Phước Tường trả lời thay cho Thái.

Ôi thật không ngờ – Tân lại reo lên hớn hở: – Từ âm phủ bỗng dưng người ta được nhấc lên “Niết bàn” một cách ngon ơ, thế là bụi hồng trần đột nhiên rũ sạch. Anh Thái là Phật sống. Rồi Tân ngồi im lặng, anh miên man nghĩ đến gia đình, hy vọng gặp lại cha mẹ anh em, ngủ êm nằm ấm, hưởng thụ cuộc đời sung sướng của một đứa con nhà giàu.

Anh Thái à, tôi ngại là chúng mình khó có thể ngồi lên máy bay…

Nhật cắt ngang.

– Đúng vậy.

Tôi liếc qua Nhật và ngạc nhiên tại sao anh ta lại quả quyết đến như thế, nhưng vẫn nói tiếp với Thái:

Nếu tôi đoán không lầm thì phi trường đã đông như kiến cỏ… Nhật lại khẳng định.

Có thể không còn ai!

Ý kiến của Nhật làm mọi người mất hy vọng. Tân cụt hứng, rên rỉ qua hơi thở:

Cuộc đời sao chó má quá! Tối qua trốn, thoát chết, bây giờ sắp bay hụt. Và ngày mai “bùm”! thành oan hồn vất vưởng!

Tôi bật cười.

Có bùm một cái thì bạn Tân của tôi mới được xuống âm phủ chơ, rồi thì mới có ngày lên “niết bàn” ngon ơ chớ. Đây chính là chuyện bạn mơ ước kia mà.

Tân nghẹn ngào:

Thôi, tôi lạy anh, anh Hòa xót thương cho tôi và cả cho anh đi.

Xót thương mà làm gì? Tôi cảm thấy chua xót: – Xót thương thì có chắc được một chỗ trên C130 không? Không sao, xuống âm phủ biết đâu ta lại gặp nhau.

Thái miên man lo phận sự tài xế, chăm chú trước đầu xe. Anh lấy làm lạ, suốt cả khoảng đường đi trên 10 cây số không thấy một cái bóng quân cảnh nào; sáng nay họ đâu cả, trong khi mấy ngày trước họ canh gác dày đặc.

Xe thắng gấp trước cổng Phước Tường – An ninh phi trường gần chục người bu ra, Thái trình sự vụ lệnh, cả đám công binh hồi hộp chờ đợi, sau đó thở phào, cổng phi trường được mở ra, chiếc gíp lao vào. Chưa đọc rõ nội dung sự vụ lệnh, nhưng tôi hiểu sức mạnh của tấm giấy này.

Chiếc xe chạy vòng vèo tránh những chướng ngại vật phòng thủ của không quân mới thiết lập. Tại những nơi đó lính đất[11] trong quân phục tác chiến, súng đại liên, súng cối 82, đại bác 130, 150, 175 ly, có cả súng phòng không. Nhiều nơi trong phi trường, khói còn bốc nghi ngút từ một số công trình trạm gác, trên xác các loại máy bay. Phi trường thiệt hại khá nặng do 15 phút bị pháo đêm rồi, số thương vong khá cao.

Chiếc gíp chúng tôi dừng lại trước nhà đổi phiếu sự vụ lệnh. Thái bảo các bạn ngồi tại xe, anh bước vào sảnh đi thẳng vào trong. Lúc ấy là 8 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3. Đến nửa giờ sau Thái ra, miệng mỉm cười nhưng giữa đôi mày thì nhăn tít lại, anh chìa cho các bạn thấy 4 phiếu lên máy bay, xong anh bỏ vào túi áo mình, lên ngồi bên tay lái. Xe vọt đi, nhắm nhà khách chờ đợi ra sân bay phóng tới.

Vừa quẹo một khúc quanh, chúng tôi đã thấy ở bãi đổ xe của nhà chờ dầy đặc xe. Từ lòng sung sướng biến thành nỗi nơm nớp lo ngại. Mọi người chồm lên phía trước nhìn quang cảnh báo trước sự khốn nạn sắp xảy ra.

Xe đậu lại mãi tận phía sau, bốn người chạy như bay về nhà chờ. Ở đó, người đông như kiến cỏ, trong khi trước mặt là hai đường pít vắng tanh. Thái dừnglại trên hành lang, móc túi lấy 4 cái phiếu ra, bốn cái đầu chụm vào: trên phiếu ghi rõ: chuyến 24, số 28, 89, 90, 91. Thái chạy nhập vào đám người. Chúng tôi chạy theo. Gặp người đầu tiên, Thái hỏi:

Đã bay được mấy chuyến?

Chưa bay chuyến nào. Người đó trả lời.

Miệng vẫn mỉm cười do được 4 cái phiếu chỗ ngồi trên máy bay, nhưng Thái nhăn mày lại do câu trả lời vừa rồi của người “hành khách”.

Tôi lẩm nhẩm tính toán số người kia, ít nhất là 3000. Rồi tôi nghe đắng ở cổ họng, đến khuya nay chưa chắc đã giải quyết hết, nếu chuyến bay thứ nhất bắt đầu từ bây giờ.

Oành! Oành! Oành, oành! Oành, oành!

Mười giờ sáng, đạn pháo rót xuống đường băng hàng loạt, trước một chiếc C130 đầu tiên hạ cánh 3 giây. Khói trắng bốc lên phía trước chiếc máy bay, bốn cái chong chóng của nó chuẩn bị quay chậm lại thì hai ống phản lực của nó lại rú lên; hai cái bánh xe trước vừa chạm lên sàn pít, bỗng chốc lên trở lại.

– Oành, oành!

Hai trái pháo nữa nổ thêm trên sân pít tống biệt nó. Đám đông người ở nhà chờ chứng kiến rõ, nhưng lại chỉ hốt hoảng trên gương mặt. Chân chôn lì tại chỗ.

– Oành, oành!

Hai trái pháo nữa nổ đột ngột tại bãi đổ xe, sau nhà chờ làm đám hành khách đông nghẹt kinh hồn nằm ập xuống đồng loạt. Tiếp theo đó, nghe có tiếng nổ lốp bốp và lửa bốc lên ở một số chiếc xe. Đám đông cùng ngoái cổ chứng kiến.

– Oành! Oành!

Hai quả pháo bắn về phía bên kia đường pít trước nhà chờ, cỏ bốc cháy rừng rực. Đám đông xoay đầu nhìn. Xung quanh phòng chờ đã có tám trái pháo nổ. Mọi người hồi hộp đợi chờ những trái pháo tiếp theo rơi vào điểm giữa tám trái pháo vừa nổ, có thể kết liễu độ vài trăm cuộc đời.

Tiếng kim giây đồng hồ tay lót dưới mặt tôi kêu tích tích thật nhanh nhưng tim tôi thì đập chậm lại. Tôi thót người lên với tiếng còi hụ. Đoàn người như bị điện giật với tiếng còi, bật tung hẳn dậy. Một phút còi hụ, một cuộc chạy đua không tiền khoáng hậu, mỗi người một ngã. Tiếng còi dứt, mỗi người một nơi trú ẩn riêng. Chúng tôi nằm dọc theo cái mương điện báo.

Những loạt pháo liên tiếp nổ không dứt, đạn pháo rải dài dọc theo vòng đai rền lên thành một chuỗi âm thanh dài. Khi vòng đai phi trường bị những quả đạn nổ tung đất lên thành hố dài khắp lượt có trên mười cây số, thì tiếng nổ ngưng. Đạn nổ gần nửa giờ làm dứt bứt toàn bộ hệ thống phòng thủ, vòng đai phi trường, bãi bỏ ranh giới giữa khoảng tự do lưu thông bên ngoài và khoảng hạn chế xâm nhập bên trong, chỉ còn khống chế giữa hai bên bằng các bãi mìn chiến đấu.

Mọi người đếm thời gian trôi qua. Xoay ngửa người nhìn lên trời, tôi thấy hai chiếc C130 xuất hiện từ hướng núi Non Nước. Chúng như liều mạng, bay thẳng về phi trường và cùng lúc hạ cánh trên đường băng.

Thật bất ngờ hết sức, trong khung cảnh đe dọa nặng nề, hai chiếc C130 thản nhiên trong bình yên, chạy song song trên đường băng, chậm dần từ đầu này đến đầu kia. Khi đã chạy suốt đường băng, hai chiếc C130 đồng thời quay lại, chạy chậm chậm, bụng sau hai chiếc máy bay đồng loạt mở ra, rồi vẫn với tốc độ ấy, chúng chạy lại phía đầu này đường băng.

Một toán người từ đâu đó vụt chạy ra. Họ cắm cổ đuổi theo đến nơi đu vào tấm bửng dưới bụng máy bay kéo người lên và mất hút vào bên trong. Hai chiếc C130 vẫn chạy chậm, thế là nhiều toán người khác cũng chạy ra và diễn lại các động tác giống như toán trước. Họ cũng vào được hẳn bên trong máy bay. Đến cuối đường băng, hai chiếc C130 lại trở đầu, chúng không ngừng hẳn, rước khách bằng cách chạy chậm trên đường băng. Bọn tôi định chờ hai chiếc máy bay đến ngang tầm sẽ tuôn ra; nhưng ngay lúc đó, còi lại hụ, hai chiếc C130 rú lên theo bánh chuyển lăn mau hết tốc lực, chạy băng băng trên đường băng, bụng máy bay được đậy kín. Máy bay cất cánh.

Oành, oành, oành!! Oành, oành, oành!!

Đạn pháo rải dài theo đường băng trong lúc hai chiếc C130 nhấc bổng lạng cánh đâm xẹt vào mây. Thế là những người nhanh chân được cứu thoát. Tất cả những người còn lại tiếc rẻ nhưng họ vẫn phải nằm im tại vị trí tránh pháo.

Tiếng tích tích của chiếc đồng hồ vẫn kêu vang vang bên tai tôi.

15 phút sau, tiếng máy bay nghe rền lên, hai chiếc C130 từ biển Thanh Bình đâm sát mặt đất, vụt vào phi trường. Tất cả những người chờ đợi tại phi trường, rút kinh nghiệm từ lần trước, cùng lúc túa ra. Hai chiếc máy bay còn vờn cánh mà hàng ngàn người đã chực sẵn dọc theo đường băng. Nhưng khi chúng chồm xuống từ một đầu đường băng thì tiếng còi bỗng hụ vang, làm rừng người hỗn loạn bỏ chạy. Hai chiếc máy bay trên đà đáp xuống, một chiếc đáp hẳn xuống đường băng, chạy trờ đến; một chiếc đổi giác độ bay cố ngẩng lên. Còi vẫn hú vang, một toán đông người kịp thấy chiếc C130 chạy trên đường băng, họ đuổi theo, họ thèm muốn như những toán được hai chiếc trước mang đi. Nhưng lần này, chiếc máy bay chạy nhanh và chưa chịu mở bụng nên họ chạy thục mạng vẫn không đuổi kịp. Một niềm hi vọng nào đó vẫn thúc giục họ chạy bám riết theo đuôi. Trong khi đó chiếc máy bay đột ngột ngẩng lên cố lấy đường bay lên, nhưng như thế đã phạm vào một lỗi kỹ thuật quá lớn, vì C130 không thể khởi động được như F5; thế là trong tư thế máy bay ngẩng lên 30 độ, mà khoảng cách đối với mặt đất không thay đổi khoảng 30 mét, cứ như thế chiếc C130 này lao thẳng vào chân núi Phước Tường, đâm vào vách đá kèm theo một loạt tiếng nổ rền. Chiếc đang chạy trên sân đã đến cuối đường băng và quay lại, lúc này bụng máy bay mở ra. Nó đã dám chạy chậm. Niềm hi vọng dâng lên tràn ngập nơi đám người đang đuổi theo nó. Chừng như thấy được vậy, nó vẫn chạy chậm đợi chờ, tất cả những người đã vào vị trí núp nhìn ra cũng cùng hi vọng với họ. Tiếng còi báo động đột ngột dứt. Những người nhìn vẫn nhìn nhưng lo ngại những trái pháo cay nghiệt sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn này trên sân bay. Trái lại, những người đang rượt theo chiếc máy bay không cần biết gì, chiếc máy bay đến sát họ và đám người tranh nhau nhảy vào bụng nó.

– Ầm! ình!

Một tiếng nổ lớn, chiếc C130 lao vào chân núi Phước Tường, đâm vào vách đá.

– Oành, oành! Oành! Oành!

Chiếc C130 trên sân bay rú lên rồi lao đi.

Toàn bộ hình ảnh này, chúng tôi ghi nhận đầy đủ rõ ràng. Bây giờ đây, cả 4 người nằm dưới mương điện báo, vô hy vọng.

Tân nói lên đầu tiên ý nghĩ của mình:

Thôi, địa ngục trần gian đã đủ rồi, tốt nhất là một trái pháo nện đúng vào người tôi. Dù đã chán ngán nhưng tôi vẫn ráng an ủi bạn:

Cuộc sống như một cuộc vật lộn. Hình ảnh nơi đây làm tôi liên tưởng đến cửa Tư Hiền, một cuộc bỏ chạy vô ích. Thế nhưng, chớ có chết vội, hãy sống đến phút cuối để chứng kiến giai đoạn sau cùng của cuộc chiến. Những trái pháo kia Tân thấy đấy, có thể chỉ là một sự cảnh cáo: Chạy đi đâu, chạy để làm gì? Một nhóm nhỏ thoát đi để sống, còn hàng triệu người không thoát được sẽ chết à?

Nhật tiếp lời:

Tiêu hủy mạng sống hàng triệu người? Các anh tưởng tượng ra địch thủ của “Việt Nam cộng hòa” là một loại phát xít à?

Tân bực dọc:

– Có thể lắm chứ! Vốn tàn ác họ có thể làm lắm.

Nhật giải thích:

Làm thế nào? Ác như phát xít Đức nó cũng chưa tiêu hủy ghê gớm như thế đối với dân tộc Đức kia mà? Tân đã thấy chưa, nếu có sự tàn ác, thì bãi Tư Hiền sẽ có 5000 cái thây, họ dư sức làm được, nhưng có ai phải chết như thế không?

Thấy bạn nói có lý, Tân làm thinh

Giọng Thái nói như trong xa xăm:

Mình bị lường gạt một cách trắng trợn, tình hình này, chỉ những người bị lường gạt mới chui vào đây, chứ thằng râu nó biến hẳn đi rồi – Anh nghiến răng. Nó ký sự vụ lệnh để hòng đưa chúng ta vào chỗ chết, thế mà ta tin, ta mang ơn nó để đến đây. Anh quả quyết với các bạn: Tình thế sẽ khó hơn, hoặc hất máy bay, hoặc nếu có, sẽ nguy hiểm vô cùng. Về đi thôi!

Khi bốn người nhổm dậy, thì hai chiếc C130 khác lại đến, hàng ngàn người đứng lên. Máy bay đáp xuống đường băng, một số người túa ra, chạy theo, cảnh vừa rồi được diễn lại. Nhưng tất cả máy bay cũng như người hành động trong tâm trạng chờ tiếng còi. Máy bay hốt hoảng xả máy, đám người chạy trối chết.

Còi vẫn chưa hụ. Máy bay vẫn chạy nhanh và đám người đó ào ào theo.

Máy bay trở đầu ở cuối đường băng, bụng mở ra, tốc lực có chậm lại, có người đu lên rồi nhiều người đu lên, đít máy bay đen đặc người.

Còi vẫn chưa hụ, nhưng tôi có cảm giác đoàn người đông nghịt sẽ bu kín đè ép dẹp hai chiếc C130, nên nó xả máy chạy nhanh lên, cố thoát đám người. Đám người chạy theo cố tiếp tục đu lên. Lên nhiều quá rồi, hai chiếc C130 rú lên chạy rút, đoàn người vẫn không chịu buông tha, cố bám cứng. Không thể nhân nhượng được nữa, hai chiếc C130 vọt đi.

Một chiếc chồm lên khi một số người quýnh quáng ôm chân bánh xe. Bánh xe lăn, một số người té xuống, nó cán lên, bánh xe vồng lên lệch hướng về phía nhà chờ. Nó cán thêm một loạt người đang chạy trờ tới. Chiếc máy bay quay tròn, cánh máy bay nghiêng đi, quẹt xuống nền đường cứng gãy tung một mảng. Thân máy bay đổ về phía cánh gãy, đầu máy bay cày xuống đường băng. Từ bụng máy bay văng ra mấy chục con người. Không khí rùng lại, cột lửa bốc lên, tiếng nổ ầm vang. Từ bụng máy bay lại rớt xuống thêm một số người nữa….

Chiếc còn lại, do chiếc kia cán người, nên người ta không dám đeo chân nó, nó thoát được, chạy thẳng trên đường băng, nhưng bụng nó chưa đóng lại được vì người bu nghẹt. Chiếc máy bay chạy mau, hàng chục người rơi theo. Máy bay cất cánh ngẩng lên, lại hàng chục mạng người rớt xuống. Cửa máy bay đóng sập lại, chặt đứt thêm hàng chục người đang nửa trong nửa ngoài. Những phần thân thể bên ngoài rơi lả tả; máy bay lên cao, bay thẳng để lại trên đường băng hàng trăm thây người và một xác máy bay còn bốc cháy, trong bụng nó bay ra mùi khét lẹt thịt người chết.

Từ đó, tiếng pháo và tiếng động cơ máy bay không còn nghe thấy ở phi trường. Nỗi chờ đợi khắc khoải pha lẫn sự sợ hãi chán chường. máy bay đến trong tiếng còi hụ, pháo nổ là nguy hiểm chết chóc.

Máy bay đến không tiếng còi hụ, không pháo nổ cũng chết chóc, thê thảm. Người ta không còn muốn chờ máy bay đến, nhưng bỏ đi thì không đành vì dường như sau đám đen kia là bầu trời trong sáng, là tổ ấm yên vui của họ.

Bỏ đi, hay ở lại đều trong nỗi tuyệt vọng.

Mười hai giờ trưa hôm đó, chiếc xe Thái chở chúng tôi rời sân bay bằng ngã chánh trong đường rộng thênh thang, cổng mở hoác, chướng ngại vật không còn, lính đất trang bị tác chiến biến đâu mất. Phi trường đã bị bỏ.

Theo đề nghị của Thái, chúng tôi đồng ý là tất cả hãy ra Đà Nẵng tìm người bạn của anh là hạm phó. Cái hận của Thái và các bạn anh trong suốt cuộc đời là đã bỏ lời hẹn với người hạm phó mà tin theo tên râu vào phi trường, để rồi lại bị bỏ rơi.

Lúc ra đến bến Bạch Đằng thì hi vọng gặp anh hạm phó chỉ còn như tia khói mỏng trước cơn phong ba, Tân lẩm bẩm:

Lạy Trời, lạy Phật, lạy Thánh thần Thiên địa toàn cái đất Quảng nam cho Đà Nẵng giữ anh hạm phó và chiếc thuyền của anh lại cho chúng tôi.

Lạy cái gì nữa! Thái buồn quá bảo bạn. Anh nói tiếp:

Lạy, không còn là không còn, thật là tôi khờ quá mà hại các anh.

Tôi an ủi:

Thôi, anh Thái, ai trong trường hợp anh thì cũng hành động như vậy, như thế không phải là khờ, mà chính là chúng ta không lường được cái tinh ma của thằng râu. Nó chưa đi, nghe nói mình tính chuồn trước đó, nên nó chơi khăm mình, cho mình mất dịp may lên tàu, còn tình trạng máy bay nó nắm vững là mình sẽ không đi được vì nó hiểu không quân hơn mình nhiều.

Thế thì sao nó hại mình chi tội vậy trời? Tân than khóc oán hận.

Hại cho vui. Cái kiểu như thằng bé chơi đá dế, xách dế ra quay mòng mòng, đến khi dế hết chịu đá, nó đem ra ngắt đầu hay bỏ vào ổ kiến lửa chơi cho vui vậy thôi. Đấy, thằng râu hại trung sĩ Bình, hai năm cận vệ cho nó và bỏ anh Tân là người đã từng làm nhà cho con vợ bé của nó ở, cũng là kiểu chơi như vậy.

Trời ơi, tôi mà chết, tôi thề làm quỷ hại nó.

Cả đám cười rộ. Xe lao thẳng vào bến Bạch Đằng, thắng gấp. Họ chưng hửng. Cảnh vắng tanh, một chiếc thuyền con cũng không còn. Dòng sông lặng lờ trôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.