30 Tháng 4 – Chuyện Những Người Tháo Chạy

Vẫn Chìm Đi Tất Cả



Thái và tôi ngồi ở sau thuyền, thằng râu rậm ngồi đối diện gần đó, canô sắp chìm thì đuổi kịp thuyền nên nó và nhiều người khác được cứu sống. Tôi ngồi ngắm nghía thằng râu rậm một lát, rồi khều Thái nói nhỏ:

Cái thằng đó, đại úy chiến đấu. Trước mặt mọi người, nó xưng danh rồi cố chiến đấu cho xứng với chức vụ. Đời có những thằng như thế. Ra vẻ ta đây anh hùng “xả thân vì nhà vì nước”.

Nhưng hiện nay trên thuyền là những con người đau khổ và buồn bực không ai vỗ tay khen thằng đại úy, đến một câu khích lệ cũng không có, làm nó tức bực chửi đổng:

Đéo mẹ tiên sư đời! Cháy nhà mới ra mặt chuột. Ở đây toàn là kẻ nằm không chực chờ hưởng ké. Đ. m, thứ này phải đem vụt xuống biển cho cá ăn. Như tao đây nè, đại úy ra đại úy, trong này có thằng sĩ quan nào như tao không? Đ. m, hết ráo tụi bây, chờ tao ỉa ra cho ăn hả?

Nói xóc quá thì có phản kháng, một giọng nào đó mắng lại:

Cái thằng bị chí leo nên đầu nó cắn nên khùng đó bà con!

Thằng nào đó! Đ. m, ló mặt ra coi!

Mầy ló lại đây mà coi, con chí đậu trên đầu mầy đây.

Trong ánh sáng lờ nhờ của đèn phòng máy hắt ra trên khoang, thằng đại úy lò dò đi tìm con “chí”.

Đây này! Bộp! Một anh vạm vỡ đánh vào giữa mặt thằng râu rậm, nó yếu thế té ngửa. Anh vạm vỡ đó là con ông tài công, bây giờ thuyền chạy đều nên anh lên sàn thuyền nằm nghỉ nghe thằng đại úy chửi đổng, anh đã nổi nóng. Thằng này vừa nạt nộ cha anh, làm cho nỗi hận thù cũ xưa của anh sống lại. Anh ngán gối lên cổ, và nắm tay rắn chắc chực vung vào hàm râu của thằng đại úy, anh thét:

Tao nhịn đã mấy năm! Tao biết thân tao là cá nằm trên thớt nên chịu nhịn mày, không dám động tới mày vì quan quân của mày khinh mày, vì quân cảnh chực bắt tao. Mầy không nhớ tao chớ tao nhớ mầy! Mầy ngủ với vợ lính nhiều quá, đánh lính nhiều quá, mày đâu có nhớ nổi.

Bốp! Bốp! Anh vạm vỡ đấm hai cái khi thằng này cựa quậy.

Theo lời hài tội của anh con ông tài công, người ta được biết câu chuyện: Anh ta là lính hải quân làm dưới quyền thằng râu rậm. Trước kia nó là trung úy trong bộ tư lệnh đóng ở bến Bạch Đằng. Ngày anh lấy vợ có mời nó đến dự vì nó là xếp anh. Cuộc đời lính biển, anh vắng nhà luôn nên gởi vợ bên nhà cha mẹ vợ ở xóm Bàn Cờ (Sài Gòn). Thằng trung úy làm bộ đến thăm lom và sau đó làm như thân tình mời vợ anh đi ăn uống chỗ nọ chỗ kia; ban đầu đi đông người và thỉnh thoảng cũng có anh. Bữa đó nhân sinh nhật của vợ mà anh thì đang ở ngoài biển, hắn mời toàn thể bạn bè của cô nàng ăn tửu đình nhậu nhẹt say sưa và cho gip đưa một nhóm về tận nhà. Cô vợ anh và vài bạn gái được đưa về sau hết, nhưng lại đưa về phòng ngủ.

Từ đó, anh hải quân không có dịp về nhà vợ và vô cớ bị tù. Anh thoát về ở với cha, chạy thuyền mà nộp thuế thân cho địa phương. Anh cũng thấy thằng đại úy ghé Bình Tuy chở hàng lậu mấy lần, nhưng phải nuốt hận chịu nhịn. Lần này chắc thằng đại úy bị kẹt cảng nào đó, di tản về đây mà oan gia gặp nhau.

Hài tội xong thì bộ râu rậm nhổm lên cao trên bộ mặt sưng vù. Anh lính ngày xưa trói nó lại giữa sàn tàu và hăm dọa:

Báo cho mầy biết, bây giờ thì chuyện tách bạch, luật pháp của tụi bây sắp tiêu rồi, chờ xong vụ này tao làm thịt mầy trả hận.

Tội nghiệp đứa con của hắn, cô bé gái đâu hiểu gì, vẫn một lòng thương cha:

– Cởi trói ba tôi, cởi trói ba tôi! Cô bé nhào lăn lóc và khóc thét.

Lúc thằng râu rậm bị xử, người ta nhìn xem hả dạ; bây giờ thì ân oán không cần dây dưa, họ thù đám vằn vện trong cuộc di tản, họ trả được ngay vào chính chúng; nên họ để mặc nhiên cho cái thù lâu năm được trả luôn trong dịp may hiếm có này, lúc mà luật pháp binh vực chúng nó đã mặc nhiên bị họ hủy bỏ. Nhưng tình phụ tử làm con người xúc động. Hành tội người cha trước mặt đứa con là thái quá! Nhiều người lên tiếng:

Tha cho hắn. Cởi trói cho hắn rồi bắt hắn ngồi im không được chửi rủa mọi người. Nhờ anh lính sư đoàn canh chừng hắn.

Thằng râu rậm được cởi trói ngồi đó, nhưng vẫn gầm gầm. Một lúc sau, nhịn không được nó không dám chửi thiên hạ, mà quay ra tự rủa mình. Chửi mình nhưng cũng để chửi người khác:

Đ. m tức quá, tụi tao đói, tại thằng cha tao, tại con vợ tao, thì tao đâu có thua!

Im! Anh lính sừng sộ.

Ba ơi! Ba đừng nói gì hết. Họ bắn ba đổ ruột đó! Đứa con gái của nó lại năn nỉ. Tội nghiệp cô bé gái, dạy bảo che chở cho cha mình.

Mình im đi có được không? Người vợ cũng bảo vệ ông chồng.

Đồ đĩ! Nhưng thằng ngang ngược lại trút giận lên đầu người đàn bà…

Trên thuyền, ánh sáng lờ nhờ. Biển thì đen kịt, trên trời không một ánh sao. Đám di tản ngồi chùm nhụm giống như ngồi trên gỗ nhà sàn; chỉ khác cái sàn nhà ở đây bị nhồi lên xuống. Người ta ngồi bềnh bồng để nghe chuyện chửi rủa cho vui, khỏi nôn nao nhớ tới Vũng Tàu vô ích. Mụ vợ thằng râu rậm diêm dúa dơ dáy rủa mỉa mai õng ẹo:

Mình đừng sỉ vả em đĩ cái tội nghiệp. Con vợ già của anh, anh có sỉ nhục đĩ rạc không. Mụ già thì ở không mà hưởng, còn em phải đem cái thân “bé” này làm ra tiền cho anh, cho mụ ta.

Trước đây, mụ là cô gái quê ở Vĩnh Điện (Quảng Nam), mê đời phù phiếm ra tỉnh ở, chuyển từ tay tên lính lên tên thiếu úy. Đẹp sẵn, lại tô điểm thêm bằng mấy cái độn “phồn vinh giả tạo”, cô gái quê thành bà đài các, tướng tá mê tơi cái dâm hỗn loạn xác của cô nàng, đã đôn tên thiếu úy lên đại úy. Thằng này không bỏ được mụ, sợ đói; họ giữ nhau bằng đứa con gái. Lần này nghe động, thằng đại úy dông thuyền ra rước “túi tiền”. Dọc đường về, bị các “chiến hữu” cướp hết tiền mặt, nó định mang “tấm thân ngà ngọc” này về Sài Gòn kiếm vốn trở lại, dù tranh giàu không được như ở tỉnh lẻ thì cũng kiếm chác để qua ngày. Nhưng mới chục ngày phải chịu vất vả khổ sở, cái cặn đã lòi ra.

Tôi nhìn sâu vào ánh sáng mờ ảo, nhiều gương mặt và thân hình con người mập mờ của cái xã hội đang lênh đênh trên nước. Tôi thấy họ đã bềnh bồng trong sự sống kiểu Mỹ, chắc còn nhiều cái mập mờ thối tha bên trong chưa được phơi ra. Ví dụ như tôi, còn khôn ngoan giấu kỹ. Tự dưng tôi cần thấy phaỉ phơi bày cái thối Mỹ ở trong con người mình, chứ không phải ở nơi mà sự mập mờ còn bao trùm; phải ở chỗ nào trong sáng kia.

Một con thuyền xa bờ với nhiều tội lỗi chất chứa bên trong, khi nào mới đến bến để con thuyền được cởi rửa sạch sẽ; còn như con thuyền không chịu vào bờ, còn muốn lênh đênh trôi dạt để tự do ấp ủ cái thối Mỹ thì thà nhận chìm quách nó xuống đại dương, cho muối mặn ướp nó đỡ tanh, đỡ ươn thối sang người khác.

Điều tôi nghĩ, nó tới! Tới một cách khủng khiếp!

Nhận chìm con thuyền mới đầu là mấy hạt nước nặng và thưa, kêu lộp bộp sàn thuyền cùng với gió thét động cả không gian.

Mưa!

Trời dày!

Biển động!

Nước biển bị cơn gió hốt bỗng bay tủa thành bức màu hàng vạn hạt nước lẫn mấy giọt mưa lẻ tẻ. Một cơn gió khác thổi trút xuống trước mũi thuyền, hốt cả khổi nước khổng lồ tung lên tiếp theo, làm mặt nước lõm sâu và con thuyền chúi vào đó chổng bổng đuôi lái lên không. Tiếng rú như bị chọc tiết của ai đó văng liền xuống biển và của ai đó gào kêu thương tiếc con người, mắng mỏ biển khơi. Một cơn gió tiếp theo lòn dưới đuôi thuyền đào một khối nước to rộng, làm con thuyền như bị trụt lui rơi vào đá, dở bổng mũi thuyền chĩa xéo lên mây. Tiếng rú như bị chọc tiết lại thét lên thê thảm, ít nhiều người gì đó lại lăn tòm xuống biển. Gió laị đảo từ trái sang phải làm con thuyền nghiêng ngả úp mạn thuyền hai bên lên mặt nước. Con thuyền dập dồi dữ tợn, con người thì ngược lại.. lăn tròn.. Trồng chuối.. Bật người dựng lên.. lật sấp.. té ngửa.. rơi.. rơi.. rơi xuống biển. Động tác như chậm, thật chậm theo từng lượn, từng con sóng đều đều nhưng chắc nịch không cưỡng lại được. Trong các tư thế đó, hơn 200 con người trong thuyền lặng thinh, mím môi, lấy sức chịu đựng.

Tôi ôm cứng khoanh tròn khối gỗ trục lái, hai chân buông thõng quăng lên đập xuống rầm rầm. Không thấy Thái đâu cả. Một thân hình nào đó lăn tròn.. tròn.. tròn từng vòng, nẩy cao lên rồi rơi xuống, rồi đột dưng lăn tròn thật nhanh về phía tôi, vấp vào thân hình tôi, tưng lên rớt qua tôi, tuột tuốt nằm dán sát vào be thuyền cao hơn sàn bốn tấc. Tôi nhận ra là em bé gái con thằng râu rậm. Lập tức tôi lấy sức, một tay và thân hình ôm cứng trụ lái, một tay vươn ra tóm lấy em; nhưng ngay lúc đó, đuôi thuyền thụp xuống thật sâu khoảng bốn thước. Em bé dán sát dọc be thuyền, từ từ trượt toàn bộ thân hình nằm ngang theo cùng chiều thẳng; chân đầu thành hàng ngang trước mặt tôi; một tấc, một tấc rưỡi, hai. ba.. bốn tấc thật chậm, rồi văng bắn ra bóng đêm không gian của biển, không nghe tiếng rơi, có lẽ em văng ra, quá hàng chục thước. Cánh tay vươn ra của tôi trong lúc ấy không đưa tới được mà bị đưa cao lên cùng với hai chân rồi đánh rầm lên sàn thuyền và đột dưng có ai đó bấu chặt tay tôi, tôi cố nhìn nhưng không biết mặt.

Hai con người nằm bẹp trên sàn cách đó không xa, tay chân quơ loạn bấu víu vào nhau. Người đàn ông là thằng râu rậm lồm cồm đứng lên lại bị người đàn bà là mụ vợ quấy vào chân làm nó té sấp xuống rồi lật ngửa ra; mụ vợ muốn lồm cồm ngồi lên lại bị thằng chồng tóm áo lôi vật lại. Hai đứa quần nhau muốn nát bươm. Nếu không là chiếc sàn đang bị sóng nhồi tôi cho đây là cuộc đấu vật giữa cặp oan gia đó. Chúng chửi nhau rồi đến đánh nhau. Nhưng không; ở đây thật ra chúng đang bấu víu nhau để giữ lấy sự sống còn. Và đẹp hơn là do có sự bấu víu này mà những người lăn tròn qua đó được vứt đi, nhưng vẫn còn xài được vì đã cứu được nhiều sự sống. Mà thật, không có gì phải bị vứt đi cả.

Mưa đổ nước vào biển ào ào làm gió giảm đi. Thuyền vừa bớt nhồi thì nước lại tràn lan, con người ngồi trên nước, dội nước. Trong bóng đêm, màn mưa như tầng trắng dã, rồi đục ngầu. Bóng tối đen trên biển, cố nhìn còn thấy mờ mờ; nước trắng trong mưa đục, ngược lại, trông chẳng còn được. Tiếng Thái gọi lên, tiếng tôi đáp lại và hai người gặp nhau ở bánh lái thuyền. Thái bị văng vướng đâu đó, bây giờ gặp lại tôi. Chúng tôi mừng ôm nhau.

Chưa kịp lo sợ cho chuyện nước chảy tràn vào hầm tàu thì mưa đột ngột tạnh. Người ta vừa mừng rỡ, liền quay ra than khóc. Tới lúc này, người ta mới kịp kiểm điểm lại, thấy mất người thân, kêu gào kể lể.

Nước vào thuyền bà con ơi! Tiếng ông tài công thét lên làm mọi người nín khóc lắng nghe, nhưng chưa kịp nhận ra nguy hiểm.

Đáy thuyền bể! Nước tràn! Ông già rú lên, cả thuyền giật mình theo.

Tiếng xì xì của nước sôi khi nó đang dâng lên chạm máy tàu.

– Tát nước bà con ơi! Ông già hét lên.

Một số trên sàn chạy rần rần đến khoang. Trong khoang, nước lên đã hơn bốn tấc. Bốn cha con ông tài già, chân ngâm trong nước ngang ống quyển. Quýnh quáng, quýnh quáng gàu gáo, thùng mủng nón bị được người ta kéo ào ào tới.

Tránh ra, bu vào làm gì, bu vào để chết hả? Người ta thét lên.

Đàn bà tránh ra! – Đàn bà khóc rú lên.

Múc bà con, tát nhanh bà con!

Năm, sáu người nhảy ngay xuống khoang. Trên sàn cả chục người đứng chực. Tất cả mím môi nín thở, múc, cào, ục, đưa lên, chuyển lên, chuyển đi, đổ xuống biển.

Thái và tôi đã ở dưới khoang, chúng tôi cố múc, cố đưa lên. Tôi ghi liền vào mắt mực nước nơi cái cần nhôm nào đó ở hông thuyền và theo dõi trong khi múc đưa lên, một cách liên tục bền bỉ. Nhìn qua Thái, tôi thấy anh cũng đang nhận cái thùng thiếc kéo nước đưa lên, rồi nhận cái thùng thiếc vào nước… Vỏ máy bằng sắt nóng gặp nước kêu xèo xèo, mấy dãy khói trắng xịt lên; một lúc nước phủ ngang gối tôi, nghe âm ấm. Mắt liên tục nhìn vào lần mức mực nước đã ghi, thấy có xuống nhiều. Nghĩ đến sự bền bỉ có hạn của con người trong cái việc đưa nước chạy vòng từ khoang thuyền ra biển để từ biển nó lại kéo vào khoang, tôi reo lên:

Hãy chuẩn bị toán người mạnh khỏe để thay phiên. Vừa múc đưa lên, tôi lại réo tiếp: – Chuẩn bị bắt cặp thay phiên đi!

Đoàn khác đã vào thay, múc cào đưa chuyển thật khỏe. Mực nước lại dựt xuống, dựt xuống đến ngang mắt cá chân. Ông già tài công mừng quá, hét tướng lên:

Ráng lên các con, con thuyền đang lướt mạnh tới! Lòng ông tài già dễ thương, ai cứu con thuyền là cứu con ông.

Mưa! Mưa nữa rồi! Gió! Gió nữa rồi! Tiếng hét trên sàn thuyền làm dưới khoang đứng ngẩn ngơ trong thoáng chốc.

Anh em ơi! Hãy cố gắng tiếp tục! Buông lơi là chết! Tôi thét lên trong khi người nào đó, đứng kề bên tôi lại lầm bầm: “Coi như chết. Thôi, chờ chết thôi”. Trên tay người này đang cầm cái gàu. Trên thuyền, toàn bộ 200 người kêu khóc dữ dội, người ta xúm quăng đi tất cả đồ đạc mang theo.

Thay phiên! Tôi hét và nhảy xuống thay thế bên dưới.

Làm hăng lên anh em! Thái la to phụ họa.

Ta thắng! – Ông trời thua! Còn nhiều người nhiệt tình quá nói to lên bên tai tôi. Lại tiếp tục múc cào, múc cào.

Trời vẫn mưa, mưa thật đậm. Gió vẫn thổi, thổi thật đậm. Con thuyền dồi lên xuống, nghiêng qua lại, nước vô ra khoang thuyền đều đều.

Mực nước trong khoang lúc này không thấy xuống, nó đứng yên và bắt đầu dâng lên từ từ. Tôi ngẫm nghĩ một bài toán rồi hỏi bác tài già!

Còn xa không bác?

Hai giờ nữa mới đến Vũng Tàu! Ông già ẩn nhẫn trả lời.

Một giờ thôi bác! Tôi chia đôi thời gian.

Không được! Xả hết máy rồi. Ông già cố chịu đựng.

Ghé lại sau một giờ tối đa thôi. Tôi vừa mức nước đưa lên, vừa nói như năn nỉ.

Đá ngầm nhiều quá, chưa cúp thuyền vô được. Cúp ngoặc thì lật. Ông già đáp vừa đủ chữ cho câu. Ông để hết tâm trí vào việc chạy máy.

Lạ một cái là không ai còn nhớ đến nguyên nhân gây ra tình trạng khốn nạn này, không ai nghĩ đến bắt tội thằng râu rậm đã khởi xướng thúc giục ra đi gấp gáp để gặp cái chết bởi súng đạn ở vịnh Bình Tuy và cái chết chìm sắp đến ở đây cả. Chẳng còn ai để ý xem nó làm gì và đang làm gì ở đây. Nhất là ông cụ, cả cuộc đời lão luyện của ông phải gãy ngang bởi thằng râu rậm. Ông là một thợ máy kinh nghiệm bình tĩnh, nó là thằng sĩ quan hải quân phách lối, xốc nổi. Tài và đức của ông đã thắng nó bằng kết quả cuộc thua trận ở đây. Nó thua ông bằng bao nhiêu mạng người trên thuyền và ông thắng nó đổi bằng mấy mạng sống của cha con ông. Ông già nhìn vào lỗ kính tầm xa, đăm đăm soi mắt chăm chú vào màn mưa trắng đục; đột dưng ông la to và bẻ tít mấy chục vòng tay quanh bánh lái:

Có chiến hạm trước mặt!

Tôi vừa được thay phiên nhảy lên sàn thuyền. Thái cũng nhảy lên theo. Sau tiếng thét của ông già, chúng tôi chực nhìn trong màn mưa, bóng chiến hạm hiện ra. Cái thành tàu rộng lớn như một bức tường chắn ngang trước con thuyền bé nhỏ, chập chờn như ẩn như hiện với mấy đốm đen nhỏ xíu chớp tắt chớp tắt. Con thuyền được bẻ lách ngang song song với chiến hạm, như sát vào chạy ngược chiều với nhau.

Mọi trái tim vừa được đập đều trở lại qua một cơn nhói như đứng tim.

Anh con trai bác tài già, người lính hải quân, cay đắng cầm cây côn sắt dài chạy ra mạn thuyền, khoèo chân chắc vào cột neo, một tay nắm be nóc khoang, tay kia cố gắng gồng bắp thịt cuồn cuộn, lấy hết sức đẩy cây côn vào sườn chiến hạm, cốt gây tiếng động mạnh để chiến hạm nghe thấy. Nhưng cây côn huơ vào không khí, đập ngược lại vào be thuyền đánh bộp làm toát một mảng lớn. Anh ta chống cây côn, đứng thở hồng hộc. Chợt nhìn thấy thằng râu rậm mặt xám xịt đang tì người vào trước nóc thuyền; miệng cắn chặt nhưng môi nhếch lên nhe răng trắng nhởn trông quá khiếp. Có lẽ lúc đó, những cảnh tượng hỗn loạn dồn dập làm cho thằng sĩ quan hải quân có nét mặt ngây dại ấy, nhưng cái mặt không hồn sắc này lại khiến anh con trai ông tài công thấy ra là bộ mặt ngạo mạn khinh đời. Hình ảnh người vợ trong tay thằng cừu địch bỗng lóe lên trước mắt; anh lính hải quân đứng dang hai chân, hai tay nắm chặt một đầu côn nhấc cao lên trong khi tên sĩ quan thì vẫn trợn tròng mắt tho ló đứng nhìn anh; đúng là thần hồn nó đã đi xa. Thế rồi cây côn tiếp tục được nhấc cao, bổng hẳn lên, quay nửa vòng, quất tạt ngang vào giữa thân hình tên râu rậm làm thằng này như gãy cụp, văng bắn về phía chiến hạm. Cây côn còn đà quay thêm và văng đi cũng về phía chiến hạm. Tôi nhìn thấy và chuẩn bị đón tiếng rầm đánh thức con tàu sắt. Nhưng không hiểu sao, hai bàn tay anh lính hải quân không chịu buông thanh côn mà vẫn nắm chắc lấy, khiến sức bay của thanh sắt nặng lôi vụt thân hình anh ta theo rơi tỏm xuống biển. Lần thứ hai, cây côn vẫn không đập được vào thành chiến hạm. Chiến hạm và con thuyền vừa lướt qua hết trong tiếng la dậy trời của những người trước cơn chết đuối sắp đến. Chiến hạm cao quá không thể thấy con thuyền bé nhỏ khuất lấp trong màn mưa trắng vào giữa đêm đen mênh mông.

Liền khi ấy, với hình ảnh giết nhau khủng loạn của hai người hải quân, một tiếng thét mà nghe như tiếng sét đánh ngang tai mọi người:

– Quăng bớt người xuống biển!

Một phút yên lặng. Hàng mấy trăm con mắt trợn trừng.

Tất cả nghe rõ câu thét đanh ác đáng nguyền rủa ấy. Mà không phải chỉ có tên đao phủ nào đó, ngang nhiên đòi dứt mạng sống của con người; hầu như mọi người, ai cũng vậy, như âm vang câu nói ấy trong đầu ngay mấy giây trước khi cái miệng tay sai thần chết ấy phát ra.

Quăng bớt người xuống biển! Thằng đao phủ đầu tiên hét!

Quăng bớt xuống biển! Một đám tay sai thần chết hét theo.

Quăng biển! Quăng biển! Quăng biển!! Toàn bộ con thuyền thống khổ rống lên.

Cụ già, mới khi nãy nói với con gái: “Sự lầm đường lạc lối khó cứu gỡ đó con”, thì bây giờ lại lẩm bẩm: “Quăng biển… quăng biển” và chạy xô tới đám người đang hỗn loạn. Rồi cụ bị quăng xuống biển ngay lúc ấy. Đứng kế bên cụ già, tôi bị dòng điện điên loạn kích động, bỗng muốn cất nhắc chân tay; muốn bốc thằng vừa quăng ông già mà quăng nó xuống biển ngay, lấy độc trị độc, nhưng Thái nắm tay tôi, kềm lại ngay. Có lẽ Thái đã khô cằn bộ óc, luồng điện không chuyền qua được mà còn đứng như trời trồng được đó sao?

Hai thằng đánh cá nắng mưa chồm chạy như ma loạn, đã nhiều năm sợ hãi nên hai tên đàn ông lực lưỡng thế mà phải sợ hãi đến cuồng chân, vấp té, chồm lên, chạy chạy. Chúng loi choi, làm kích thích sự săn đuổi; để sau cùng, lối thoát của chúng là biển cả, chúng không ghê rợn vùng nước bao la đen đặc trong đêm trước mặt bằng đám người trở thành man dại sau lưng. Lạ thật, sức mạnh hợp quần mau lẹ không đâu bằng! Chị đàn bà áo mỏng bó chẽn thoát ngủ với thằng râu cá chép ở vịnh đậu thuyền, đang ôm cứng cây cột chống lại, bị một người con gái ẻo lả níu kéo phía sau. Chị đẫy đà mà sợ người con gái bằng nửa thân mình?! Và đám đông kéo tới, kỳ như vô lý, ập vào níu kéo người đàn bà. Khi đám người nhấc bổng thả tỏm chị đàn bà về với biển cùng chồng con, thì họ quay nhìn nhau gườm gườm. Cô gái ẻo lả yếu bóng vía toan chạy thì cô là mục tiêu quăng biển lúc này.. trong lúc con thuyền khẳm nặng đầy nước trong khoang.

Ông tài già ướt mem, xộp xuống ốm tong teo dang tay trước cửa khoang la khản cổ:

– Tát..nước!…

Ông còn nghĩ được con thuyền được cứu vớt thì nó sẽ cứu vớt được mọi người. Nhưng chỉ một số khựng lại nhìn ông, số đông vẫn còn đang loạn cuồng đuổi bắt xô đẩy. Hai người xô đẩy nhau gần đó, bang vào người ông tài công, cả ba rớt vào trong khoang bắn tung nước. Tự dưng, cơn loạn cuồng dịu lại; bọt nước trong khoang nổ cuộn khiến người ta đã nhìn ra cái đúng đắn cần phải hành động. Là tát nước, là trở lại từ đầu như khi nãy để cứu nguy con thuyền. Họ thoáng chợt hối hận vì sự điên cuồng, dáng người họ rũ xuống. Nhưng đã trễ. Một số mấy miếng ván đáy thuyền đã nứt khi nãy, không chịu nổi nữa bật tung, nước từ dưới đáy thuyền trào lên cuồn cuộn, phút chốc tràn ngập cả khoang thuyền.

Thái nắm chặt tay tôi. Cả hai nhìn sững vào chiến hạm đang khuất mất vào màn mưa, rồi quay nhìn sửng vào con thuyền. Sàn thuyền hạ dần xuống, mũi thuyền còn rướn tới giựt giựt làm hai anh lừng khừng bước lui. Chỉ còn hơn trăm con người và lạ là không một tiếng la hét, thuyền chìm vào biển cả, không ai cử động.

Chỉ một thời gian quá đỗi ngắn ngủi, thời gian của hai phương tiện đi biển chạy ngược nhau mà sự tàn sát xảy ra đến dã man cực độ. Những con người cùng khổ giết nhau như bầy sói xâu xé thịt nhau không bằng! Gần phân nửa văng xuống biển, hơn phân nửa ngay sau đó, cũng chìm đi tất cả.

Một cơn gió lốc thổi sát mấy đợt sóng dâng cao làm nước bắn lên thành một màu sáng trắng trong đêm.

Biển đâu mất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.