48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 30: TRÌNH DIỄN PHONG THÁIUNG DUNG TỰ TẠI



Bạn phải hành động một cách tự nhiên và thoải mái. Mọi vất vả và công lao để được thành quả, cũng như tất cả các mánh khóe khác, bạn đều phải che đậy. Khi hành động, hãy hành động thật ung dung, như thể bạn còn dư sức làm tiếp. Hãy tránh khuynh hướng phổ biến là làm cho người khác thấy ta cực nhọc – họ sẽ đặt lại vấn đề. Đừng dạy mánh cho ai cả, nếu không họ sẽ dùng chính mánh đó để chống lại bạn.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Nghi thức uống trà của Nhật mang tên Chanoyu có từ lâu đời, nhưng chỉ đến thế kỷ XVI mới đạt đến đỉnh cao tinh tế, với bậc thầy lừng danh là Sen no Rikyu. Dù không xuất thân từ gia đình quý tộc, nhưng Rikyu thăng tiến thật cao trên nấc thang danh vọng, trở thành trà sư được ưa chuộng nhất của Nhật hoàng Hideyoshi, đồng thời là cố vấn hàng đầu về mỹ thuật, thậm chí cả về chính trị. Bí quyết thành công với Rikyu là làm sao giữ được vẻ ung dung, che đậy được nỗ lực công việc.

Ngày kia, Rikyu và con trai đến dự buổi trà đạo tại nhà người quen. Ngoài đầu ngõ, người con nhận xét về cái cổng rất đẹp có dáng vẻ cổ kính làm cho ngôi nhà người quen kia trông thật hiu quạnh. “Cha không nghĩ thế”, Rikyu đáp, “vẻ như cái cổng này được mang về từ rất xa, từ một ngôi đền trên núi nào đó, vẻ như công sức vận chuyển nó đã tiêu tốn khá nhiều tiền”. Nếu chủ nhân đã tốn nhiều công sức cho một cái cổng, điều đó sẽ được thể hiện trong buổi trà đạo – và quả nhiên Rikyu đã phải kiếu từ sớm, không thể chịu đựng tất cả những nỗ lực và màu mè trong buổi trà đạo.

Đêm khác, trong khi đang dùng trà tại nhà bạn, Rikyu thấy bạn bước ra ngoài, giơ lồng đèn soi trong đêm tối để hái quả chanh trên cây. Rikyu cảm thấy thú vị vì chủ nhân cần tí gia vị cho cái món ông đang chuẩn bị và hồn nhiên ra ngoài tự hái. Nhưng khi chủ nhân mời món bánh nếp Osaka với vài lát chanh, Rikyu mới hiểu ra rằng người bạn đã trù tính việc này từ trước. Vậy việc hái chanh không còn là hồn nhiên nữa mà chỉ để chủ nhân chứng tỏ sự sành điệu của mình. Ông ta đã vô tình cho thấy ông gắng sức biết bao. Đã thấy đủ, Rikyu lễ phép từ chối món bánh, xin thứ lỗi rồi kiếu từ.

Ngày kia Nhật hoàng cho biết sẽ đến viếng Rikyu và dự buổi trà đạo. Đêm trước khi ông đến, tuyết rơi khá nhặt. Rikyu nhanh trí lấy mấy chiếc gối đặt lên từng phiến đá lót lối đi dẫn từ vườn nhà đến trà thất. Ngay trước bình minh, Rikyu thức dậy và thấy tuyết đã thôi rơi nên lượm gối đem cất. Khi vừa đến nơi, Nhật hoàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp đơn sơ của quang cảnh – những phiến đá lối đi khô ráo, nổi bật giữa nền tuyết dày – và ghi nhận bản thân hành động tôn kính ấy, chứ không hỏi han gì đến cách làm.

Rikyu qua đời để lại ảnh hưởng sâu rộng đối với nghi thức trà đạo. Yorinobu, tướng quân vùng Tokigawa là môn đệ thuần thành những nghi thức ấy. Trong vườn, ông dựng một lồng đèn đá do một nghệ nhân bậc thầy tạo tác. Ngày kia khi lãnh chúa Sakai Tadakatsu gợi ý đến ngắm lồng đèn, Yorinobu trả lời rằng ông hết sức hân hạnh, sau đó sai gia nhân chuẩn bị mọi thứ thật chỉnh tề để đón tiếp khách quý. Nhưng những người làm vườn lại không am hiểu nghệ thuật Chanoyu nên nghĩ rằng lồng đèn đá đã được chạm trổ không được cân xứng vì những cửa sổ trông quá hẹp. Họ nhờ một thợ đá trong vùng đục rộng ra thêm. Vài ngày trước khi Sakai đến chơi, Yorinobu đi một vòng kiểm tra mới phát hiện sự tình. Ông nổi trận lôi đình, chỉ muốn rút kiếm ra chặt nhừ tên khốn kiếp nào dám làm hư cái lồng đèn.

Tuy nhiên sau khi nguôi giận, ông nhớ lại trước đây mình mua chẵn một cặp và cái kia còn để trong vườn nhà trên đảo Kishu. Yorinobu bỏ rất nhiều tiền thuê một tàu săn cá voi và những trạo phu cừ khôi nhất đến đảo mang đèn về chỉ trong vòng hai ngày. Đoàn người liên tục chèo ngày chèo đêm, và may mắn được gió thuận chiều nên hoàn thành nhiệm vụ. Yorinobu hết sức hài lòng khi nhận ra rằng cái sau còn đẹp hơn cái trước, vì hai mươi năm nay nằm yên trong bụi tre, nhờ đó phủ đầy rêu và tăng phần cổ kính. Ngay trong ngày hôm đó lãnh chúa Sakai đến chơi và sững sờ trước vẻ đẹp của chiếc lồng đèn, vì nó còn đẹp hơn là ông tưởng tượng – hết sức hài hòa với thiên nhiên. May thay ông không hề biết Yorinobu đã tốn bao công sức và nỗ lực để có được hiệu ứng tuyệt vời này.

Diễn giải

Sen no Rikyu quan niệm rằng điều gì xảy ra đột ngột và tự nhiên, gần như là ngẫu nhiên thì đó mới là đỉnh cao của cái đẹp. Cái đẹp này xuất hiện không báo trước và vẻ như không cần nỗ lực gì cả. Thiên nhiên tạo ra những hiệu quả đó bằng chính những định luật và quy trình của mình, trong khi con người thì phải tốn nhiều công sức và tinh xảo. Và nếu tỏ rõ nỗ lực để đạt hiệu quả ấy, xem như hiệu quả bị hoen ố. Cái cổng được đưa đến từ quá xa, động tác hái chanh trông như sự xếp đặt.

Rất thường khi bạn phải dùng đến mánh này mẹo nọ để tạo hiệu quả – những cái gối trên tuyết, trạo phu chèo suốt đêm trường – nhưng đừng để cho cử tọa của bạn biết được tất cả những công sức và trí tuệ mà bạn đã bỏ ra. Thiên nhiên không hé lộ những bí ẩn của mình và nếu bắt chước được thiên nhiên mà không tỏ ra vất vả thì bạn đã đạt gần đến quyền lực của thiên nhiên.

PHÙ THỦY HOUDINI

Harry Houdini, nhà ảo thuật đại tài chuyên biểu diễn thoát thân có lần tuyên bố những màn biểu diễn của ông là “Điều bất khả thành có thể”. Và quả nhiên những ai từng xem những màn biểu diễn ấy đều nhìn nhận rằng chúng đi ngược lại những gì ta quan niệm về khả năng của con người.

Một buổi tối năm 1904, hơn 4000 cư dân London ngồi kín khán phòng để xem Houdini chấp nhận thử thách: Rút tay ra khỏi một cặp còng được tuyên bố là kiên cố nhất lịch sử. Mỗi còng có sáu bộ khóa và chín bộ lẫy, mà một thợ khóa nổi tiếng vùng Birmingham phải mất chín năm mới hoàn thành. Xem xét cặp còng xong, các chuyên gia nhìn nhận rằng họ chưa từng thấy loại nào rắc rối hơn.

Công chúng quan sát kỹ lưỡng khi các chuyên gia khóa còng vào cổ tay Houdini. Sau đó họ đặt ông vào một cái thùng trên sân khấu. Từng giây phút trôi qua, khán giả càng tin chắc rằng đó sẽ là cặp còng đầu tiên hạ gục Houdini. Có lúc ông ló đầu ra khỏi thùng và yêu cầu tạm mở còng để ông cởi áo vét cho bớt nóng vì trong thúng bí hơi nóng quá! Các chuyên gia từ chối lời yêu cầu, nghi rằng ông lấy cớ để quan sát xem những bộ khóa vận hành như thế nào. Không hề nao núng, hai tay vẫn bị còng, Houdini vẫn vặn vẹo để nâng chiếc áo vét cao lên khỏi vai, lật mặt trong ra, dùng răng cắn con dao nhíp ở túi trong, lắc lư cái đầu để cắt rách cái áo. Như thế xem như bớt nóng, ông ta lại ung dung chui trở vào thùng trong khi cử tọa reo hò cổ vũ sự khéo léo đó.

Sau khi để khán giả chờ đủ lâu, Houdini từ thùng bước ra, tay cầm cặp còng đã mở. Cho đến nay không ai biết ông ta đã làm thế nào. Mặc dù mất gần một giờ đồng hồ để thoát thân nhưng ông không có vẻ gì quan ngại, không chút chần chừ. Cuối cùng công chúng có cảm giác như ông cố tình kéo dài thời gian để tăng phần bi kịch, để làm cho họ lo lắng, nếu không, xem như Houdini biểu diễn rất ung dung thư thả. Việc ông than phiền nóng nực cũng là một phần của màn kịch. Khán giả đêm đó cũng như những đêm khác, nơi khác đều có cùng cảm tưởng rằng Houdini bông lông với họ chút cho vui: Những cái còng kia không là nghĩa lý gì cả, hình như ông nhắn nhủ như vậy và tôi có thể mở ra sớm hơn nhiều, cả với những cái còng rắc rối hơn nhiều.

Theo năm tháng, Houdini còn biểu diễn thoát thân từ những điều kiện khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như giam mình trong cái bao bằng giấy, sau đó chui ra mà không rách bao; Đi xuyên tường; Tay chân bị xiềng cứng rồi bị ném xuống sông nước lạnh giá, trong khi khán giả hồi hộp theo dõi ông tìm cách thoát xiềng gần một giờ đồng hồ mà không thở. Mỗi lần suýt chết đến nơi thì Houdini lại thành công với lòng tự tin siêu phàm. Ông không bao giờ tiết lộ tí ti gì về những mánh khóe và luôn ung dung, thư thái trong những tình huống sinh tử. Chính vì thế mọi người đồn ông là sử dụng ma thuật.

Diễn giải

Mặc dù không biết chắc chắn Houdini làm cách nào để thực hiện những màn biểu diễn thần sầu, song ta thấy rõ ràng rằng ông không hề sử dụng ma thuật hoặc sức mạnh huyền bí nào cả, mà tất cả xuất phát từ sự khổ luyện mà ông khéo giấu không cho công chúng biết.

Vào thuở khởi đầu sự nghiệp, ông theo bước một nghệ sĩ già Nhật Bản, người đã dạy ông màn biểu diễn nuốt trái cầu bằng ngà, rồi làm nó xuất hiện trở lại trong miệng. Houdini tập dượt không nghỉ với một củ khoai lột vỏ cột vào sợi dây, điều khiển cho nó lên xuống bằng cách co thắt cơ cổ họng, cho đến khi các cơ vòng đủ mạnh để đưa củ khoai từ dưới lên trên mà không cần đến sợi dây. Trước khi Houdini tiến hành màn mở còng thoát thân, nhà tổ chức biểu diễn đã cho nhân viên lục soát khắp người ông, nhưng không phát hiện bất kỳ đồ nghề nào. Chỉ một chỗ họ không ngờ tới, đó là trong cái cổ họng khổ luyện, Houdini đã giấu những dụng cụ tí hon. Như đã nói, việc ông câu giờ là để cho toàn cảnh thêm phần hồi hộp, chứ thật ra hành động thoát thân của ông luôn thật phong nhã, làm cho mọi người xem ông như siêu nhân.

Nếu là người quyền lực, bạn luôn phải nghiên cứu và thực hành liên tục trước khi xuất hiện trước công chúng, cho dù trên sân khấu hoặc ngoài đời. Đừng bao giờ để mọi người thấy bạn phải đổ mồ hôi hột vì công việc. Nhiều người tưởng phải làm như vậy để cho thấy mình trung thực và nỗ lực, nhưng không, mồ hôi mồ kê chỉ làm cho họ trông yếu kém hơn mà thôi – chừng như sức họ đến đó là hết, thậm chí là họ gắng lắm mới hoàn thành nổi. Vậy những nỗ lực và mánh khóe thực hiện công việc, bạn hãy giữ riêng mình mình biết, và mọi người sẽ thấy bạn thật phi phàm. Vì thật ra chưa ai thấy được nguồn sức mạnh của thần thánh mà chỉ chứng kiến hiệu quả các sức mạnh ấy mà thôi.

Có thể ta mất nhiều giờ mới tới được một câu thơ;

Nhưng nếu thơ không có vẻ thoát ra từ một nghĩ suy trong phút chốc, thì mọi công dệt rồi tháo, tháo rồi dệt chỉ là mơ.

(William Butler Yeats, Lời nguyền rủa Adam)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Con người có được ý niệm sơ khởi về quyền lực từ những lần chạm trán đầu tiên với thiên nhiên – sấm chớp, lũ quét, tốc độ và sự hung ác của một con thú rừng. Những sức mạnh này không đòi hỏi phải suy nghĩ hay tiên liệu – chúng làm ta sợ vì chúng đột ngột, tự nhiên và tác động đến việc sống chết. Đó là thứ quyền lực mà ta luôn muốn bắt chước. Nhờ khoa học và công nghệ, ta đã tái tạo tốc độ và quyền lực hùng vĩ của thiên nhiên, nhưng thật bất toàn: Máy móc của chúng ta ồn ào và cà giật, chứng tỏ chúng phải gắng sức. Ngay cả những sản phẩm tốt nhất của công nghệ cũng không làm chúng ta quên trầm trồ những gì chuyển động dễ dàng mà không cần gắng sức. Trẻ con khiến ta phải mềm lòng nuông chiều là vì ta cảm thấy chúng duyên dáng, vì ta thấy chúng ít suy này nghĩ nọ và tự nhiên hơn ta. Tuy không thể trở về lứa tuổi đó, nhưng nếu có thể tạo ra một dáng vẻ tự nhiên thong dong như vậy, ta sẽ gợi lên trong lòng người khác loại tình cảm kính trọng sơ khai của con người đối với thiên nhiên.

Một trong những tác gia Âu châu đầu tiên viết về chủ đề này lại xuất thân từ một môi trường rất không thiên nhiên, đó là triều đình thời Phục hưng. Trong quyển The Book of the Courtier xuất bản năm 1528, Baldassare Castiglione mô tả tỉ mỉ các cung cách của một triều thần, một kẻ bề tôi hoàn hảo. Qua đó ông dạy rằng triều thần phải thực hiện tất cả những động tác với sprezzatura, nghĩa là cái khả năng làm cho cái khó có vẻ dễ dàng. Ông căn dặn kẻ bề tôi phải “thực hiện mọi thứ với phong thái ung dung, che giấu nét nhân tạo, và cho dù bạn làm gì nói gì thì cũng đừng tỏ ra cố gắng, xếp đặt.” Ta thường thán phục một thành tích vượt trội, nhưng nếu chủ thể thực hiện thành tích đó một cách tự nhiên và duyên dáng, sự thán phục đó sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Họa sĩ Vasari thời Phục hưng là nhà phê bình nghệ thuật tài ba. Ông chỉ trích các tác phẩm của Paolo Uccello vì ông này bị ám ảnh bởi các định luật phối cảnh. Nỗ lực của Uccello mang vào phối cảnh cho từng bức vẽ quá lộ liễu làm cho tranh có vẻ dày công trau dồi và kệch cỡm. Chúng ta cũng có cùng phản ứng khi chứng kiến người biểu diễn bỏ quá nhiều công cho màn diễn: Nỗ lực hiển nhiên của họ đánh tan ảo tưởng của khán giả, khiến khán giả khó chịu. Ngược lại, những nghệ sĩ trầm tĩnh duyên dáng giúp ta cảm thấy dễ chịu, không cho rằng họ đang biểu diễn mà nghĩ đó là nét tự nhiên vốn có, mặc dù thật ra trước đó họ đã phải luyện tập đổ mồ hôi sôi nước mắt.

Ý niệm về sprezzatura đều xác đáng cho mọi hình thức quyền lực, vì quyền lực chủ yếu dựa vào vẻ bề ngoài và ảo tưởng mà bạn tạo ra. Hành động của bạn giống như tác phẩm nghệ thuật: Chúng phải hấp dẫn, mời gọi óc tưởng tượng, thậm chí phải mang tính giải trí. Nếu để người khác thấy nỗ lực bên trong, bạn lập tức trở thành người tầm thường như mọi người khác. Điều gì hiểu được thì không còn bí mật đáng gờm – bản thân chúng ta từng bảo rằng nếu tôi có tiền bạc và thời gian thì cũng có thể làm được như hắn. Hãy cưỡng lại khuynh hướng chứng tỏ mình khôn ngoan – sẽ là khôn ngoan hơn nữa nếu bạn che giấu được những cơ chế của sự khôn ngoan ấy.

Talleyrand áp dụng ý niệm đó vào sinh hoạt hàng ngày nên càng khiến cho vầng hào quang quyền lực của ông thêm phần rực rỡ. Bình thường đã không thích phải làm lụng cực khổ, vì vậy ông bảo kẻ khác làm thay – theo dõi, nghiên cứu, phân tích thông tin. Khi được mật thám báo sự kiện nào sắp diễn ra, ông đề cập sự kiện ấy trong khi bàn luận với mọi người, khiến họ nghĩ rằng chính ông đã đánh hơi biết trước. Và kết quả là ông được tiếng sáng suốt. Những câu nhận định ngắn ngủi và thâm thúy của ông hình như luôn tóm lược tình hình một cách hoàn hảo, nhưng thật ra chúng là kết quả của quá trình nghiên cứu và tư duy. Các thành viên chính phủ, mà kể cả hoàng đế Napoléon đều cảm thấy ông có thứ quyền lực khó tả – đó chính là hiệu quả của phong thái ung dung khi ông hoàn thành công việc.

Thêm một lý do nữa để ta che dấu mánh mung mảng miếng: Để lộ thông tin thì đối thủ sẽ dùng đó mà đập ngược lại bạn. Chúng ta thường có khuynh hướng để cho thế giới biết những gì mình đã làm – muốn người ta tán thưởng công khó của mình để vỗ về nết tự kiêu, và thậm chí đôi khi chúng ta còn muốn mọi người thấu hiểu cho biết bao thời gian mà ta đã bỏ ra để đạt đến đỉnh cao của kỹ xảo. Bạn hãy tập làm chủ cái khuynh hướng ba hoa đó đi, vì thường khi hậu quả sẽ ngược lại điều bạn muốn. Cố gắng nhớ rằng: càng nhiều bí ẩn bao bọc hành động mình, quyền lực của bạn càng có vẻ ghê rợn. Mọi người sẽ nghĩ chỉ mình bạn có khả năng thực hiện được sứ mệnh ấy – và cái vẻ như chỉ mình ta có được thiên bẩm ấy thôi là đã mang lại biết bao quyền lực. Cuối cùng, bởi vì bạn hoàn thành công tác thật dễ dàng và phong nhã, thiên hạ sẽ tin rằng bạn còn có thể giỏi giang hơn, nếu bạn nỗ lực. Như thế thiên hạ không chỉ thán phục mà còn hơi sợ bạn. Quyền lực của bạn chưa được khai thác hết – không ai lường được giới hạn.

Hình ảnh:

Cuộc đua ngựa. Nhìn gần, ta thấy nỗ lực của con ngựa, hơi thở hổn hển, cơ bắp cuồn cuộn. Nhưng từ xa, ta chỉ thấy ngựa phi thật đẹp như bay trong không khí. Hãy giữ mọi người cách một cự ly và họ chỉ sẽ thấy hành động của bạn thật thong dong.

Ý kiến chuyên gia:

Bất kỳ hành động nào đi kèm với phong thái ung dung, cho dù hành động ấy tầm thường cách mấy thì cũng không tiết lộ kỹ xảo của chủ thể, mà còn thường được xem là vĩ đại hơn thực tế. Như thế bởi vì nó làm cho người xem tin rằng nếu chủ thể thực hiện dễ dàng như vậy, hẳn anh ta còn tài ba hơn vậy nữa.

(Baldassare Castiglione, 1478-1529)

NGHỊCH ĐẢO

Khi phủ một màn sương bí ẩn quanh hành động của mình, ta phải làm thật vô tư thư thái, chứ nếu để người khác thấy ta cố ý che giấu thì lại gây phản cảm: Lúc ấy ta làm cho cuộc chơi thành trầm trọng. Khi ngụy trang mánh khóe, Houdini ra vẻ như đó là trò đùa, là một phần của màn diễn. Đã đành là không nên phơi bày việc của mình trước khi nó hoàn tất, nhưng ta cũng đừng láo liên che đậy, kẻo lại rơi vào trường hợp gã họa sĩ Pontormo, kẻ đã dùng hết những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để giấu kín các bức bích họa không cho công chúng thấy trước khi chúng hoàn thành, và hậu quả là ông ta đã hóa rồ. Ta hãy luôn giữ ý thức hài hước về chính mình.

Cũng có lúc cần nên tiết lộ những công việc bên trong của dự án ta đang tiến hành. Việc đó tùy thuộc khẩu vị của công chúng mà ta có, vào thời điểm ta hành động. P. T. Barnum biết rằng khán giả của ông muốn cảm thấy được tham gia vào những màn diễn, và sẽ khoái chí khi hiểu biết các mánh khóe bên trong. Khán giả cũng tán thành sự hóm hỉnh và tính trung thực của ông. Barnum còn đi xa đến mức công bố những cú lừa của mình trong quyển tự truyện được xuất bản vào lúc hoàng kim của sự nghiệp.

Nếu việc tiết lộ từng phần những kỹ thuật và mánh khóe được ta trù tính kỹ lưỡng, chứ không phải là kết quả của thói ba hoa không kiểm soát thì đó là đỉnh cao của khôn ngoan! Hành động này khiến công chúng có ảo tưởng rằng mình được trọng vọng và có tham gia, trong khi đa phần những gì ta làm thì họ hoàn toàn không hề biết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.