48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực

NGUYÊN TẮC 8: NHỬ MỒI DỤ ĐỊCH



Khi khích được địch thủ ra tay, ta là người nắm quyền kiểm soát. Khiến cho đối phương đến với ta, và như vậy hắn phải thay đổi kế hoạch ban đầu. Dụ hắn bằng lợi lộc kếch sù – rồi tấn công. Cờ trong tay ta.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Tại hội nghị Vienna năm 1814, các cường quốc của châu Âu tụ họp về để phân chia những gì còn lại của đế chế Napoléon. Thành phố tưng bừng lễ hội, chủ nhà tổ chức những buổi khiêu vũ linh đình nhất. Tuy nhiên lởn vởn trong hội nghị vẫn là cái bóng của Napoléon. Vị cựu hoàng không bị hành quyết, cũng không bị đày ra biên địa xa xôi, mà chỉ bị quản thúc trên đảo Elba, không xa bờ biển nước Ý.

Ngay cả khi bị giam lỏng trên đảo, một kẻ gan dạ và thông minh như Napoléon Bonaparte cũng làm cho đối phương bồn chồn. Người Áo muốn mưu sát ông ngay trên đảo, vị Nga hoàng tính khí thất thường càng làm nỗi lo âu dâng thêm khi lên cơn tam bành ngay trong buổi họp vì bị một phần đất nước Ba Lan phủ nhận ông: “Coi chừng, ta sẽ cho con quái vật xổ lồng!”, ông đe dọa. Ai cũng biết ông ám chỉ Napoléon. Trong số tất cả những chính khách trong phòng, chỉ có mỗi Talleyrand, nguyên cựu ngoại trưởng của Napoléon là có vẻ bình tĩnh và không tỏ vẻ quan ngại. Chừng như ông biết việc gì đó mà người khác không biết.

Trong lúc đó trên đảo Elba, cuộc sống cựu hoàng đế được nhại lại để chế nhạo sự vinh quang đã qua. Như là “vua” đảo Elba, cựu hoàng được phép hình thành triều đình riêng – ông có một đầu bếp, một bà chuyên lo chuyện y phục, một nhạc công piano chính thức cùng với một số quần thần. Tất cả màn kịch này được dựng lên để sỉ nhục Napoléon, và chừng như nó có hiệu quả.

Nhưng mùa đông năm đó xảy ra một loạt những diễn biến lạ lùng và ngoạn mục đến nỗi có thể dựng thành kịch bản. Elba luôn bị bao vây bởi cả đội chiến thuyền Anh Quốc, với mọi họng súng đều chĩa về những nơi nào có thể làm bàn đạp cho một vụ đào thoát. Vậy mà vào ngày 26 tháng 2 năm 1815, giữa thanh thiên bạch nhật một chiếc thuyền chở theo 900 người lại có thể đón được Napoléon để đưa ông ta ra khơi. Quân Anh đuổi theo nhưng không kịp. Cái điệp vụ gần như “bất khả thi” này làm sững sờ người dân Âu châu và khiến cho các chính khách ở Hội nghị Vienna khiếp đảm.

Mặc dù sẽ an toàn hơn nếu rời khỏi châu Âu, song Napoléon không chỉ quyết định trở về Pháp mà còn đặt cược cao hơn nữa bằng cách tiếng về Paris với một đội quân ít người, với hy vọng khôi phục ngai vàng. Chiến lược này lại thành công – mọi người, mọi tầng lớp đều quỳ mọp dưới chân ông. Nguyên soái Ney dẫn quân từ Paris xuống bắt ông, nhưng khi binh sĩ gặp lại vị lãnh tụ yêu quý, họ phản phé. Một lần nữa Napoléon được tôn lên hoàng đế. Nhiều người tình nguyện gia nhập đoàn quân của ông. Cả nước như chìm vào cơn mê sảng. Tại Paris quần chúng nổi loạn. Ông vua vừa thế chỗ Napoléon chỉ còn cách là trốn khỏi đất nước.

Trong vòng trăm ngày sau đó, Napoléon trị vì nước Pháp. Nhưng chẳng bao lâu sau cơn mê say thoáng qua, nước Pháp vỡ nợ, mọi nguồn tài nguyên gần như cạn kiệt và Napoléon không thể làm gì nhiều để cứu vãn tình thế. Tháng sáu năm ấy tại trận Waterloo, hoàng đế vĩnh viễn đại bại. Lần này thì địch thủ đã tiêu hóa kỹ lưỡng bài học: Họ lưu đày ông ra hoang đảo Sainte Hélène rất xa ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Ở đó không có cửa nào để đào thoát.

Diễn giải

Chỉ nhiều năm sau mọi người mới vỡ lẽ những bí mật về cuộc đào tẩu từ đảo Elba. Trước đó, một số vị khách đến viếng thăm “triều đình” Napoléon cho ông biết rằng dân chúng Pháp yêu ông hơn bao giờ hết và cả nước sẽ dang tay chào đón ông. Một trong những vị khách đó là tướng Koller của nước Áo, người thuyết phục rằng nếu ông thoát khỏi đảo, các thế lực Âu châu, kể cả nước ở nước Anh sẵn sàng hoan nghênh ông lên nắm quyền trở lại. Napoléon cũng được thuyết phục rằng người Anh sẽ phớt lờ để ông tẩu thoát, và bằng cớ là ông đã lên đường vào buổi trưa, giữa một rừng tai mắt Anh.

Điều duy nhất mà Napoléon không ngờ chính là có một người giật dây toàn bộ màn rối ấy, và đó chính là cựu ngoại trưởng của ông. Talleyrand làm tất cả những chuyện này không phải để phục hồi những ngày vinh quang xưa cũ, nhưng để tiêu diệt Napoléon một lần vĩnh viễn. Tin rằng tham vọng của cựu hoàng sẽ làm xáo trộn sự ổn định của châu Âu, ông ta từng quay lưng lại với cựu hoàng từ lâu rồi. Ông phản đối khi Napoléon bị đày ra đảo Elba và đề nghị nên đày đi thật xa hơn nữa, nếu không châu Âu sẽ không bao giờ có hòa bình. Nhưng không ai chịu nghe.

Thay vì tranh đấu gay gắt cho quan điểm của mình, Talleyrand chờ thời. Cứ âm thầm tác động, ông ta cuối cùng thuyết phục Castlereagh và Metternich, hai vị ngoại trưởng của Anh và Áo.

Những người này nhử mồi dụ Napoléon đào thoát. Ngay cả chuyến viếng thăm của Koller để thì thầm những lời hứa hẹn vinh quang cũng là một phần kế hoạch. Như là một thần bài, Talleyrand đã dự đoán hết mọi thứ. Ông ta biết cựu hoàng sẽ rơi ngay vào cái bẫy giăng sẵn. Ông cũng tiên đoán là Napoléon sẽ đẩy nước Pháp lâm chiến, và chiếu theo thực lực quốc gia thì Pháp chỉ có thể cầm cự được vài tháng. Một nhà ngoại giao tại Vienna biết Talleyrand đứng đằng sau tất cả những việc kể trên đã nói rằng: “Ông ta đã phóng hỏa đốt nhà để cứu nó khỏi bệnh dịch.”

Khi đặt mồi dụ nai, tôi sẽ không bắn con đầu tiên đến ngửi, nhưng chờ cho đến khi cả đàn dẫn xác tới.

(Otto von Bismarck, 1815-1898)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Kịch bản sau đây đã lặp đi lặp lại biết bao lần trong lịch sử: Một lãnh đạo hiếu chiến thực hiện một loạt biện pháp để thâu tóm thêm quyền lực. Tuy nhiên sau đó quyền lực này dần dà tới đỉnh điểm và mọi thứ bắt đầu chống lại ông ta. Nhìn thấy những kẻ thù liên kết với nhau, ông ta vắt cạn kiệt sức mạnh để mong tiêu diệt chúng, song cuối cùng ông sụp đổ. Lý do là vì người hiếu chiến, manh động ít khi nào kiểm soát toàn bộ tình hình. Hắn không thể nhìn xa trông rộng, nhiều lắm cũng chỉ tính được một vài nước cờ, hắn không thể ước lượng được hậu quả của biện pháp này hay biện pháp khác. Vì luôn bị đưa vào thế phải phản ứng lại với những nước cờ của lực lượng địch thủ ngày càng đông, với những hậu quả bất ngờ của chính hành động nóng vội của mình, sức mạnh hiếu chiến đã quay lại vào đập lưng hắn.

Ở lĩnh vực quyền lực, bạn nên tự hỏi rằng sẽ ích lợi gì khi chạy đôn chạy đáo để giải quyết vấn đề và đánh bại địch thủ, nếu bản thân ta không bao giờ cảm thấy là mình làm chủ tình hình. Tại sao ta luôn phải đối phó với sự kiện thay vì điều khiển chúng? Câu trả lời thật đơn giản: Ý niệm của bạn về quyền lực đã sai rồi. Bạn lầm lẫn giữa hành động hiếu chiến và hành động hiệu quả. Và trong hầu hết trường hợp, hành động hiệu quả có nghĩa là lùi một bước, giữ bình tĩnh, để cho địch thủ bàng hoàng vì sập bẫy ta đã giăng sẵn, và ta đầu tư cho thứ quyền lực về lâu dài chứ không chuộng loại chiến thắng chóng vánh.

Bạn hãy nhớ: Cốt lõi của quyền lực là khả năng ra chiêu trước, làm cho địch thủ phải đối phó với đòn thế của mình là dồn kẻ khác vào thế thủ. Khi làm cho đối phương dẫn xác đến tìm thì bạn trở thành người kiểm soát tình hình. Và ai kiểm soát thì người đó nắm quyền thế. Muốn đạt được vị trí đó bạn phải thỏa mãn hai điều kiện: Bạn phải học cách làm chủ cảm xúc và đừng giận quá mất khôn. Ngược lại bạn phải tập thao túng khuynh hướng tự nhiên của người khác là dễ nổi giận khi bị khiêu khích và quấy nhiễu. Về lâu về dài, kỹ năng này trở thành thứ vũ khí lợi hại hơn bất kỳ vũ khí tiến công nào khác.

Bạn nghiên cứu cách mà Talleyrand thực hiện chiêu thức ấy. Thoạt tiên ông ta nén lòng lại, thôi không thuyết phục các chính khách lưu đày Napoléon đi thật xa. Việc thuyết phục người khác làm theo ý mình, việc áp đặt ý kiến của mình bằng lời lẽ là hành động tự nhiên thôi. Nhưng thường khi mình không được toại nguyện mà còn bị phản đòn. Lúc đó nhiều chính khách không nghĩ một Napoléon bại trận sẽ còn là một mối đe dọa nên Talleyrand biết nếu bỏ ra công sức để thuyết phục họ thì quả là khờ khạo. Ngược lại ông ta kìm giữ cảm xúc và lời lẽ. Điều quan quan trọng hơn hết là ông ta giăng cho cựu hoàng một cái bẫy êm ái và khó cưỡng. Talleyrand biết nhược điểm dễ bốc đồng của Napoléon, biết nhu cầu đắm mình trong vinh quang và sự tin yêu của dân chúng, và ông ta đã lợi dụng những điểm yếu này thật hoàn hảo. Talleyrand hiểu rằng khi đã cắn câu thì Napoléon cũng sẽ không thể thành công để sau đó trả thù bởi vì ông ta biết ngân sách nước Pháp đã cạn kiệt. Và cho dù Napoléon có vượt qua được cái ải này thì xác suất thành công sẽ lớn hơn nếu cựu hoàng có cơ hội lựa chọn thời gian và địa điểm hành động. Khi giăng bẫy, Talleyrand đã nắm thế thượng phong.

Tất cả chúng ta đều có nhiều sức mạnh, và vào lúc nào đó sức mạnh này sẽ lên đến đỉnh điểm. Khi dụ địch thủ tìm đến ta, địch sẽ bị hao mòn lực lượng vì đã tiêu phí sức mạnh suốt lộ trình di chuyển. Vào năm 1905 khi Nga và Nhật lâm chiến, đội chiến hạm của Nga mạnh hơn hẳn. Nhưng nguyên soái Nhật Togo Heihachiro tung tin tình báo dởm, dụ Nga xuất quân từ các cảng ở biển Baltic vì Nga tưởng sẽ tiêu diệt hạm đội Nhật trong cuộc tiến công chớp nhoáng duy nhất. Nhưng Nga không thể đến Nhật bằng hải trình ngắn nhất – qua eo biển Gibraltar rồi qua kênh đào Suez để vào Ấn Độ Dương – vì hải trình này bị quân Anh chiếm giữ, mà quân Nhật lại là đồng minh của Vương quốc Anh. Hạm đội Nga phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, kéo hải trình dài thêm sáu ngàn dặm nữa. Khi quân Nga đã vượt qua cực phía nam châu Phi rồi, Nhật lại tung thêm tin dởm rằng mình chuẩn bị xuất quân phản công. Vì vậy suốt cả hành trình quân Nga luôn trong tình trạng báo động cao độ. Khi đến nơi, quân Nga căng thẳng và kiệt sức, trong khi Nhật đang thật thoải mái sung mãn. Nhờ đó cho dù không được lợi thế về khí tài và kinh nghiệm, Nhật vẫn đập nát được hạm đội Nga.

Một lợi thế khác khi dụ địch thủ đến tìm ta, như trong trường hợp kể trên, là ta buộc đối phương phải chơi trên sân khách. Không được ở trận địa của mình, đối phương sẽ căng thẳng, hành động thiếu suy nghĩ và phạm phải sai lầm. Cho dù chỉ là hội họp hay thương lượng, người thông minh luôn dụ địch vào sân mình hoặc vào trận địa mà mình chọn trước. Bạn được lợi thế sân nhà, trong khi đối phương lạ nước lạ cái và ít nhiều cũng lâm vào thế thủ.

Thao túng là một trò nguy hiểm. Nếu đối phương biết mình đang bị thao túng thì càng lúc càng khó kiểm soát hắn hơn. Nhưng khi dụ được hắn tìm đến ta, hắn sẽ lầm tưởng là đang nắm thế chủ động. Hắn không nhận ra những sợi dây đang giật, giống như Napoléon tưởng rằng mình là người vạch kế hoạch đào thoát và trở lại nắm quyền.

Mọi thứ đều tùy thuộc vào chất lượng ngon ngọt của miếng mồi. Nếu cái bẫy của ta giăng ra quá hấp dẫn, những cảm xúc và ham muốn nháo nhào sẽ làm địch thủ mờ mắt. Càng tham lam thì chúng càng dễ bị xỏ mũi.

Bậc sư phụ về lừa đảo hồi thế kỷ XIX Daniel Drew là người am tường thị trường chứng khoán. Khi muốn mua hay bán loại cổ phiếu nào đó, khi muốn nâng hay giảm giá, ít khi nào hắn tiếp cận trực tiếp tay chơi. Một trong những mánh của hắn là ra vẻ khẩn trương chạy vào một câu lạc bộ dành riêng cho những người chuyên mục bán chứng khoán nằm gần Wall Street để cho mọi người thấy rằng mình đang hối hả trên đường đến trung tâm chứng khoán. Hắn rút cái khăn màu đỏ để thấm mồ hôi trán và “vô tình” làm rơi ra mẩu giấy nhỏ. Các thành viên câu lạc bộ luôn muốn biết trước mọi động tác của Drew, họ sẽ đổ xô xem xét mẩu giấy vốn chắc chắn có ghi một hai chi tiết mách nước về những chứng khoán nào đó. Miệng đồn miệng, họ sẽ kháo nhau mua hoặc bán chứng khoán đó, xem như rơi vào bẫy của Drew.

Nếu dụ được người khác tự đào mồ chôn thì bạn không cần phải đổ mồ hôi. Bọn móc túi áp dụng quy luật này rất nhuần nhuyễn. Trước khi móc túi, mấu chốt là biết chắc cái bóp đang nằm ở túi nào. Bọn chuyên nghiệp thường hành nghề ở bến xe hay trạm đỗ, nơi nào có gắn bảng thật to COI CHỪNG MÓC TÚI. Khách bộ hành đi ngang qua trông thấy bảng này sẽ đưa tay sờ thử xem cái bóp còn yên vị trong túi hay không. Để ý thấy động tác này, bọn chúng sẽ nhón lấy cái bóp dễ như trở bàn tay. Có tin đồn là chính bọn chúng còn gắn thêm bảng COI CHỪNG MÓC TÚI để dễ bề tác nghiệp.

Khi khiến người khác đến tìm mình, đôi lúc sẽ hiệu quả hơn nếu bạn công khai để cho họ biết là bạn chủ động xui khiến như thế. Thay vì dụ dỗ, bạn công khai thao túng. Ở đây, tác động tâm lý khá sâu xa: Người nào có khả năng khiến kẻ khác đến với mình sẽ rạng ngời quyền năng, khiến kẻ kia phải kính nể.

Filippo Brunelleschi, họa sĩ và kiến trúc sư vĩ đại thời Phục hưng, rất giỏi trong việc khiến người khác đến với mình. Ngày kia ông nhận thầu sửa chữa mái vòm nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence. Đây là nhiệm vụ quan trọng mang lại thanh thế. Nhưng khi các vị chức sắc thành phố mướn thêm người thứ hai là Lorenzo Ghiberti để làm việc chung, thì Brunelleschi âm thầm bày ra mưu kế. Brunelleschi biết rõ là Ghiberti chia sẻ được gói thầu này là do quan hệ hành lang, rằng hắn sẽ không làm gì ra trò nhưng sẽ hưởng một nửa công trạng. Đến giai đoạn cao điểm của công trình bỗng dưng Brunelleschi phát bệnh thật bí ẩn. Ông ta không thể làm việc tiếp, và bảo các vị chức sắc rằng họ đã mướn Ghiberti rồi thì hắn phải có khả năng làm tiếp công việc một mình. Chẳng bao lâu sau họ thấy Ghiberti chẳng làm được gì nên đến nài nỉ Brunelleschi. Ông ta phớt lờ và nhấn mạnh rằng Ghiberti phải hoàn tất dự án, mãi cho đến khi các vị kia nhận thức được vấn đề. Họ cho Ghiberti nghỉ việc.

Có lẽ nhờ phép lạ nên chỉ trong một hai hôm thì căn bệnh bí ẩn của Brunelleschi biến mất. Ông ta không cần nổi giận mà cũng chẳng làm điều gì ngốc nghếch, mà chỉ đơn giản áp dụng nghệ thuật “khiến kẻ khác đến với mình”.

Nếu có dịp nào đó các bạn cho rằng vì vấn đề thể diện nên phải khiến người khác đến tìm mình, và bạn làm được, thì sau này họ vẫn tiếp tục đến ngay cả khi bạn không cần sai khiến nữa.

Hình ảnh:

Bẫy gấu bằng mật ong. Thợ săn gấu không theo đuổi theo con mồi. Nếu biết mình đang bị săn đuổi, gấu sẽ láu lỉnh chuồn mất, và trở nên cực kỳ hung dữ khi bị dí vào thế bí. Ngược lại, thợ săn sẽ giăng bẫy bằng mật ong. Anh ta không cần mệt nhọc và mạo hiểm tính mạng mình để đuổi theo gấu. Anh ta giăng bẫy, rồi chờ.

Ý kiến chuyên gia:

Kẻ thiện chiến khiến địch thủ đến tìm mình, chứ không đi đến chỗ địch thủ.

Đây là nguyên lý đầy và vơi giữa mình và người khác. Khi ta khích địch thủ đến tìm ta, sức lực họ luôn rỗng; nếu vậy ta không đến chỗ của họ thì sức lực ta luôn đầy. Lấy cái đầy mà tiến công cái rỗng thì cũng giống như lấy đá chọi trứng.

(Trương Vũ, thế kỷ 11, bàn về Binh pháp Tôn Tử)

NGHỊCH ĐẢO

Mặc dù nhìn chung thì ta nên làm cho đối phương tổn hao sức lực khi tìm đến ta, nhưng có những trường hợp ngược lại ta lại bất ngờ tấn công mãnh liệt để đối phương suy sụp tinh thần và sinh lực. Thay vì chờ họ đến, ta đi trước một bước, thúc ép quyết định và nắm thế chủ đạo. Tấn công thần tốc là thứ vũ khí khủng khiếp, vì nó dồn đối phương vào thế phải đối phó mà không đủ thời gian suy nghĩ hoặc lập kế hoạch. Trong những trường hợp như vậy, đối phương sẽ sai lầm về phán đoán và lui về thế bị động. Chiến thuật này ngược lại với chiêu giăng bẫy và chờ đợi, nhưng lại có cùng mục đích: Làm cho địch thủ đối phó theo điều kiện của ta.

Những người như Cesare Borgia và Napoléon dùng tốc độ để làm địch thủ sợ hãi, sau đó họ mới chiếm quyền điều khiển. Hành động chớp nhoáng và bất ngờ luôn khiến đối phương thất đảm kinh hồn. Tùy theo tình huống mà bạn chọn chiến thuật. Nếu ta chủ động về mặt thời gian và biết rằng hai phe cân sức, thì hãy dụ địch đến để làm tiêu hao lực lượng chúng. Nếu ta phải đua với thời gian – đối phương yếu hơn ta, nếu để lâu thêm thì chúng có cơ hồi phục – thì đừng chừa cho chúng cửa nào. Đánh thần tốc thì chúng không còn đường rút. Như tay đấm boxing Joe Louis đã nói: “Hắn có thể chạy quanh, nhưng không thể lẩn trốn.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.