5 GIỜ 25 PHÚT

CHƯƠNG 26 : ÔNG GARDNER



Để mặc dì Gardner và anh chàng Garfield trong quán giải khát Deller, Emily đến biệt thự “Hoa hồng”. Hai mươi phút sau, cô bấm chuông cửa biệt thự. Chị hầu Beatrice ra mở cửa.
– Lại tôi đây – Emily tươi cười nói – Bà Gardner đi vắng, tôi biết, nhưng tôi có thể gặp ông Gardner chứ?
Chị hầu ngạc nhiên, lúng túng, đáp:
– Tôi không biết. Xin tiểu thư để tôi vào hỏi ông chủ xem sao.
– Được. chị vào hỏi đi.
Beatrice lên thang gác. Vài phút sau, chị ta xuống, mời Emily đi theo mình.
Nằm trên đi văng bên cạnh cửa sổ, trong gian phòng lớn trên tầng hai, ông Gardner đang chờ cô cháu dâu tương lai bên vợ. Nhìn thân hình vạm vỡ, mắt xanh biếc và làn tóc vàng óng của ông, Emily có cảm giác như ông là nhân vật hiệp sĩ Tristan trong vở ca kịch cổ, xuất hiện trong hồi ba, đẹp trai hơn bất cứ một ca sĩ giọng nam cao nào từ trước đến nay.
– Chào cô – ông Gardner nói – Vậy ra cô là vị hôn thê của hung thủ?
– Thưa dượng, đúng như thế đấy ạ… nếu dượng cho phép cháu xưng hô như thế.
– Nếu bà vợ tôi chấp nhận cô gọi bà ấy là dì, thì tất nhiên tôi phải là dượng của cô rồi. Vậy cháu dâu tôi thấy người yêu phải ngồi trong tù thì cảm giác cháu ra sao?
Trước thái độ tàn nhẫn của ông chú dượng James này, có vẻ thích thú thấy cô cháu dâu tương lai của vợ đau khổ; Emily phải vận dụng toàn bộ nghị lực để chống lại. Cô cười rất tươi, nói:
– Cháu lại thấy mình đâm thành nhân vật đầy lãng mạn.
– Tôi thì không nghĩ như thế.
– Dù sao, qua chuyện này, anh James sẽ vững vàng hơn.
– Điều ấy tôi công nhận – ông Gardner nói – Cậu ta sẽ hiểu ra rằng cuộc đời không chỉ toàn hoa hồng. Cậu ta chưa được nếm mùi cuộc Đại chiến thế giới nên chỉ thấy cuộc đời là phẳng lặng, yên bình… Nhưng bây giờ thì cậu ta được nếm mùi gian khổ, tuy theo kiểu khác. Cô cháu dâu muốn gặp tôi làm gì vậy? – Ông ta chăm chú nhìn vào mắt Emily.
– Trước khi cưới, cháu muốn làm quen với họ hàng của chồng, cũng là họ hàng tương lai của cháu.
– Để hiểu rõ từng người trong khi còn chưa muộn chứ gì? Nghĩa là cháu vẫn giữ ý định lấy cháu James?
– Vâng, tại sao cháu phải thay đổi ạ, thưa dượng?
– Cho dù James bị kết trọng tội?
– Tất nhiên, thưa dượng.
– Thú thật, tôi đinh ninh là cô phải đau khổ lắm kia đấy. Nhưng hôm nay nhìn thấy cô, tôi thấy cô lại có vẻ thích thú về việc chồng chưa cưới gặp đại họa.
– Cháu vui vì trong khi điều tra để tìm cách gỡ tội cho anh ấy, cháu phát hiện ra rất nhiều điều kỳ lạ.
– Cô nói sao?
– Cháu nói rằng, việc đi tìm hung thủ khiến cháu thấy ra được nhiều điều rất lạ.
Gardner nhìn cô cháu dâu tương lai rất lâu, rồi ngả đầu xuống gối.
– Tôi đang rất mệt – ông ta bực dọc nói – Tôi không thể tiếp cô thêm được nữa. Chị Davis đâu? Davis! Tôi mệt quá đây này…
Chị y tá đang ngồi phòng bên cạnh vội chạy sang.
– Ông chủ đang rất mệt, thưa tiểu thư. Tiểu thưnên để ông được nghỉ ngơi yên tĩnh.
Emily đứng lên, lấy giọng thản nhiên nói:
– Cháu chào dượng Gardner. Hôm khác cháu sẽ lại đến thăm dượng và dì.
– Cô nói sao?
– Cháu về. Thưa dượng.
Vừa ra khỏi cửa biệt thự, Emily sực nhớ:
– Chị Beatrice! Tôi quên mất đôi găng tay.
– Để tôi vào lấy cho.
– Không cần. Tôi tự lên lấy cũng được.
Vừa nói, Emily vừa chạy nhanh vào nhà, lên thang gác, đẩy cửa phòng ông Gardner, không cần gõ.
– Cháu xin lỗi. Cháu để quên đôi găng tay ở đây.
Emily lấy đôi găng “để quên” trên ghế, rồi cười với chị y tá và ông Gardner lúc này đang cầm tay nhau, chưa kịp buông ra, bước nhanh ra ngoài, xuống thang gác, ra cổng.
“Vậy là hai lần chiến thuật này thành công – Emily thầm nghĩ – Tội nghiệp dì anh James! Liệu bà có biết mối tình vụng trộm giữa chồng và chị y tá không? Mình tin là không biết!”
° ° °
Emily rảo bước đến gặp chàng nhà báo Enderby tại chỗ hẹn. Anh ta đã ngồi trong ôtô của bác Elmer chờ cô.
Enderby vừa kéo tấm chăn dạ che lên đầu gối cô bạn vừa hỏi:
– Cô lại gặp may chứ? Phát hiện thêm được điều gì?
– Quả có gặp may, nhưng tôi chưa dám khẳng định thêm được điều gì.
Thấy cặp mắt dò hỏi của chàng nhà báo, Emily nói thêm:
– Không, tôi không cho anh biết điều tôi vừa phát hiện đâu. Chuyện ấy hoàn toàn không dính đến vụ án mạng của đại úy Trevelyan… và nếu tôi nói ra, đâm thành lộ chuyện riêng tư của người khác.
Nhà báo Enderby thở dài:
– Cô đối xử với tôi nhẫn tâm quá đấy.
– Xin lỗi, nhưng tôi không có quyền nói ra điều tôi vừa nhìn thấy.
– Tùy cô thôi – Enderby lạnh lùng nói.
Hai người không ai nói gì với ai. Chàng nhà báo im lặng để tỏ thái độ không hài lòng, còn Emily để được bình tĩnh suy ngẫm.
Xe chạy đến gần thị trấn Exhampton thì Emily hỏi Enderby một câu bất ngờ:
– Anh biết đánh bài bridge không, anh Enderby?
– Biết. Nhưng sao?
– Bởi nếu vậy, hẳn anh biết câu tục ngữ: “muốn giữ thế thủ thì xem những người thắng, còn muốn giữ thế công thì xem những người thua”. Trong cuộc điều tra này, anh và tôi ở thế tấn công… vậy mà chúng ta đã không làm theo câu tục ngữ kia.
– Tôi chưa hiểu cô nói thế nghĩa là sao?
– Cho đến ngày hôm nay, chúng ta chỉ quan sát những người thắng: ý tôi là những người được lợi trong cái chết của đại úy Trevelyan… Chính vì thế chúng ta cứ loay hoay mãi mà chưa tiến thêm được bước nào.
– Tôi thấy chúng ta đi đúng hướng đấy chứ?
– Riêng tôi thì thú thật, chưa thấy thêm được điều gì bổ ích. Bây giờ ta thủ nhìn vụ án theo hướng ngược lại, xem xét những người “thua”, nghĩa là những người không được lợi vật chất trong cái chết của ông đại úy.
– Nếu thế thì đó là hai mẹ con bà Willett, thiếu tá Burnaby, cụ già Rycroft, và anh chàng Garfield… À quên, còn ông Duke nữa.
– Đúng thế. Tất cả những người đó đều tham dự trò “bàn ma” trong lâu đài Sittaford, vào đúng cái giờ xảy ra vụ án mạng. Toàn bộ số người đó đều có mặt và không thể nói dối. Vậy ta hãy tách cả nhóm đó ra.
Nhà báo Enderby nói:
– Tôi nghĩ phải nhập vào đó tất cả những người cư trú trong làng Sittaford – anh ta hất đầu về phía bác thợ rèn đang ngồi sau tay lái, hạ giọng nói tiếp – Cả bác Elmer kia, vì hôm đó tuyết dầy đến nỗi xe ôtô không thể chạy được đến thị trấn Exhampton.
– Nhưng họ có thể đi bộ – Emily nói, cũng hạ thấp giọng – Nếu thiếu tá Burnaby có thể đi bộ ra thị trấn chiều hôm đó, thì bác Elmer kia cũng có thể ra đó từ buổi trưa lắm chứ? Ta đặt giả thử, ăn trưa xong, bác ta lên đường, năm giờ chiều đến thị trấn Exhampton, giết đại úy Trevelyan, rồi đi bộ quay trở về Sittaford.
Enderby lắc đầu:
– Tôi cho rằng không thể đi bộ được. Cô nên nhớ hôm đó mưa tuyết lớn bắt đầu từ sáu rưỡi. Nhưng quả thật cô không hề nghi cho bác Elmer chứ?
– Chưa thể kết luận được. Biết đâu đấy? Rất có thể đột nhiên bác ta thích giết một người nào đó thì sao?
– Khẽ chứ! Kẻo bác ta nghe thấy! Dù sao thì tôi nghĩ cũng không thể xếp bác ta vào số những người có khả năng gây án. Bởi nếu bác ta ra thị trấn rồi quay về bằng cách đi bộ thì thế nào cũng có người biết.
– Tôi công nhận. Trong một xóm nhỏ như Sittaford, quả là khó ai làm gì mà qua được mắt những người khác.
Nhà báo Enderby nói:
– Chính vì thế, tôi loại ra khỏi diện nghi vấn tất cả những người ở xóm Sittaford. Ngoài số người có mặt chiều hôm đó trong lâu đài Sittaford, còn có bà Percehouse và đại úy Wyat, nhưng hai người này đều hoặc liệt hoặc có thương tật. Họ không thể lội tuyết được. Riêng hai ông bà Curtis, thì nếu họ muốn gây án, hẳn họ phải tiến hành một cuộc nghỉ cuối tuần ngoài thị trấn Exhampton theo cách đàng hoàng.
Emily cười khúc khích:
– Nhưng nếu họ đi vắng khỏi Sittaford thì họ không giấu được ai, trong xóm nhỏ xíu ấy.
– Chứ còn gì nữa? Chẳng hạn nếu bà Curtis ra thị trấn, tất ông chồng bà ta phải biết ngay, do thấy nhà vắng tanh.
– Tên sát nhân có thể là Abdul, đầy tớ của ông Wyat. Nếu như trong một cuốn tiểu thuyết hình sự, chắc chắn tác giả đã để cho gã da đen này là hung thủ. Và tác giả có thể bố trí như thế này: trong một chuyến hành quân trên biển, đại úy Trevelyan đã ra lệnh quăng xuống biển một thủy thủ là anh em của Abdul. Gã ôm mối thù ấy và bây giờ tìm dịp trả thù cho người anh em kia, bằng cách giết ông đại úy.
– Cậu ta mặt mũi lành hiền. Tôi không tin cậu ta có thể giết người.
– Vậy anh thấy còn ai nữa? – Emily hỏi.
– Vợ bác thợ rèn. Tôi thấy bà ta có vẻ gan lì. Bà ta đang có thai đứa con thứ tám. Và bà ta đi bộ ra thị trấn Exhampton, vào nhà đại úy Trevelyan, lừa lúc ông ta không chú ý, giáng bao cát lên đầu ông ta.
– Để làm gì?
– Rất có thể ông chồng bà ta là cha của bảy đứa bè kia, còn cái thai đứa thứ tám này là của đại úy Trevelyan. Việc có thai với ông đại úy làm bà ta rơi vào tình thế khó xử, thế là bà ta thủ tiêu luôn ông ta…
– Ôi, Enderby! Anh đừng đùa nữa. Theo tôi, nếu nghi cho bà ta, thì thà nghi cho ông chồng bà ta còn có lý hơn. Anh thử tưởng tượng xem nhé. Cánh tay lực lưỡng thợ rèn của bác ta mà vung bao cát lên thì hợp lý biết bao. Hơn nữa, bà vợ bác ta mải loay hoay lúi húi với bảy đứa con, không nhận thấy chồng vắng mặt trong nhà.
Nhà báo Enderby nhận xét.
– Cô và tôi đâm sa vào những chuyện nghịch thường rồi đấy.
– Đúng thế. Xem xét những người “thua” xem chừng không đem lại kết quả nào.
– Hay ta bàn sang cô?
– Tôi?
– Chứ sao? Vào thời gian xảy ra vụ án mạng, cô ở đâu và làm gì?
– Anh đúng là hài hước, anh Enderby! Tôi không nghĩ lại có chuyện nghi cho tôi được! Lúc ấy tôi đang ở London, thưa ông bạn tò mò ạ! Nhưng tôi rất khó có được bằng chứng về chuyện tôi ở đó, bởi tôi ngồi một mình trong phòng.
– Thấy chưa? Hỡi can phạm! Đứng lên! Động cơ gây án của cô: vị hôn phu của cô được hưởng hai chục ngàn bảng. Có động cơ gây án nào hợp lý hơn nữa nào?
– Tôi bái phục anh về sự phát hiện ấy đấy, ông phóng viên nhà báo Enderby! Mà đúng là có thể nghi cho tôi được lắm chứ. Thú thật là cho đến giờ phút này, tôi chưa hề nghĩ đến chuyện đó: nghi cho chính bản thân mình?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.