64 Nước Cờ Trên Bàn Thương Lượng

45. CÁCH LÀM ĂN VỚI NGƯỜI MỸ: CẨM NANG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI



Tôi đã sống ở nước Mỹ từ khi rời khỏi Anh năm 1962 mà hiện nay tôi vẫn đang nghiên cứu về nước Mỹ. Do đó, chương này sẽ còn tiếp tục phải cập nhật. Tôi sẽ nói cho bạn một số nhận định về người Mỹ và cách làm việc của họ. Đây là phần dành cho người nước ngoài. Nếu là người Mỹ, bạn có thể bỏ qua chương này. Còn nếu không, bạn có thể áp dụng quan điểm có tính khai sáng rằng để có thể hiểu được các nền văn hóa khác, bạn phải hiểu chính mình trước.

Người Mỹ rất ưa ngắn gọn, súc tích

Đây là điều tôi nhận thấy đầu tiên khi mới chuyển đến Mỹ sinh sống. Người Mỹ có thể nói trong một vài từ những điều mà người ở các nước khác, đặc biệt là người Anh, phải nói cả ngày. Một người Anh vào buổi sáng có thể bước ra cửa và nói: “Một ngày tuyệt vời! Tôi cảm thấy tràn đầy hứng khởi trước vẻ đẹp của buổi sáng hôm nay” còn người Mỹ thì nói “Một ngày tuyệt đẹp!” mà vẫn cùng một ý nghĩa.

Tôi đã nhận ra điều này trong các buổi họp báo trong thời gian Chiến tranh Vùng Vịnh. Cán bộ thông tin của Anh thông báo với báo giới: “Tôi rất vui mừng được thông báo rằng chúng ta đang thực hiện kế hoạch cho trận chiến và nếu mạnh dạn hơn thì tôi có thể nói chúng ta đã bắt đầu sớm hơn một chút so với kế hoạch.” Còn Cán bộ thông tin của Mỹ sẽ đứng lên với cái nhếch môi tinh quái và nói: “Chúng ta đang bắn!”. Ý nghĩa hoàn toàn giống nhau! Nếu là người nước ngoài, bạn có thể thấy sự súc tích, ngắn gọn này có vẻ cộc lốc nhưng người Mỹ không hề có ý kẻ cả khi nói vậy.

Người Mỹ trả lời các câu hỏi bằng một từ

Khi người Mỹ hỏi bạn có thích khách sạn mình đang ở không, họ không muốn biết phản ứng của bạn về khách sạn mà chỉ muốn đảm bảo chắc chắn là bạn hài lòng. Bạn có thể trả lời câu hỏi của họ chỉ bằng một từ “Tuyệt!” Tương tự khi bạn gặp các câu hỏi kiểu như “Anh có thích…” hay “… thế nào?” hay “Anh thích… chứ?”

Bạn sẵn sàng thực hành chưa? Bắt đầu nào:

Câu hỏi: “Anh có thích nước Mỹ không?”

Trả lời: “Tuyệt!”

Câu hỏi: “Anh có thích người Mỹ không?”

Trả lời: “Tuyệt!”

Câu hỏi: “Anh ở đó có thích không?”

Trả lời: “Tuyệt!”

Câu hỏi: “Anh thấy thế nào về thói quen trả lời câu hỏi bằng một từ của người Mỹ?”

Trả lời: “Tuyệt!”

Người Mỹ thích nói bằng thành ngữ

Người Mỹ thích thành ngữ! Thành ngữ là một câu nói không thể cắt nghĩa theo từng từ. Khi bạn nghe thành ngữ, bạn sẽ biết ngay ý tứ của nó không giống như nghĩa đen của từng câu chữ. Hầu hết người Mỹ đều dùng các thành ngữ quá thừa thãi mà không nhận ra. Người phiên dịch tiếng Trung thường nhắc tôi rằng khán giả sẽ không hiểu thành ngữ và tôi nên tránh dùng. Tôi đã nhớ lại bài nói chuyện của mình và ngạc nhiên vì mình đã dùng rất nhiều mà không nhận ra.

Đây là một số ví dụ về các câu thành ngữ:

♦ Tôi phải mất cả đêm để vật lộn với bản báo cáo này.

♦ Đó là một miếng bánh ngon.

♦ Anh ta chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Người Mỹ cần hiểu rằng những thành ngữ này có thể gây khó hiểu cho người nước ngoài. Để biết sự khó hiểu đến mức độ nào, minh họa này có thể cho thấy cách nhìn của người nước ngoài về người Mỹ:

Anh ta thường trêu trọc làm tôi bực mình nên tôi đã cho anh ta một bài học. Đây là một nguồn tin đáng tin cậy – tôi cảm thấy vô cùng sung sướng. Anh ta đã để lộ bí mật nên tôi không ngại gì khó khăn trở ngại. Nhanh chân thì được, tôi đã dám liều mình tiết lộ bí mật khiến anh ta vô cùng phấn chấn. Chúng tôi sẵn sàng làm mọi cách, chúng tôi không muốn làm anh ta mất hứng và vì chúng tôi chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm, chúng tôi sẽ phải há miệng vì chúng tôi nghĩ anh ta sẽ trả đũa lại.

Người Mỹ rất yêu nước

Chỉ có một cách duy nhất để trả lời câu hỏi như “Anh thấy nước Mỹ thế nào?”, đó là trả lời một cách tràn đầy hứng khởi và trìu mến. Bạn có thể nói: “Một đất nước tuyệt vời. Tôi rất thích nơi này.” Người Mỹ không muốn nghe đến việc bạn bị tắc đường một cách khó tin trên đường từ sân bay về hay mức độ tội phạm bạo lực ở đây làm bạn kinh hoàng.

Quan điểm của bạn về việc người Mỹ làm việc quá chăm chỉ hay họ quá trọng vật chất tốt nhất nên để nguyên trong vali ở khách sạn. Không phải là người Mỹ không đủ thực tế để nhận thức vấn đề của mình mà chỉ vì họ rất gia trưởng khi nói về đất nước mình. Hãy coi nước Mỹ như đứa con của họ và thậm chí là đứa con cưng nữa. Chắc bạn cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc chê con của bạn mình đúng không?

Tôi là thành viên của Câu lạc bộ Thế kỷ Lữ hành ở Los Angeles. Để đăng ký làm thành viên, bạn phải đi du lịch đến hơn 100 nước khác nhau. Khi mọi người nghe nói là tôi đi lại rất nhiều, họ thường hỏi tôi: “Nếu có thể chọn sống ở một nơi nào đó trên thế giới này, bạn sẽ sống ở đâu?” Tôi sẽ không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi đó mà trước khi trả lời tôi sẽ khen nước Mỹ kiểu như: “Nếu không thể sống ở Mỹ, tôi sẽ sống ở bờ Bắc của Hồ Lema ở Vevey hay Montreux, vùng nói tiếng Pháp của Thụy Sỹ.”

Bạn có thể nghe thấy người Mỹ chỉ trích về đất nước của mình và đôi khi rất nặng nề. Đó là đặc quyền của họ. Tự do ngôn luận và quyền hội họp đã được đảm bảo bằng văn bản trong Hiến pháp. Đừng nghĩ sự chỉ trích đó nghĩa là người chỉ trích muốn thay đổi cách làm việc của chính quyền.

Bạn có thể ngạc nhiên khi Tổng thống và các thành viên của Quốc hội rất hay bị chỉ trích dù với bạn đó chỉ là do sự lơ là trách nhiệm một chút. Đó không phải là sự tức giận đến mức khắt khe, mặc dù đúng là về mặt này thì người Mỹ có vẻ thiển cận hơn. Nữ diễn viên người Anh Emma Thompson, người đóng vai Hillary Clinton trong phim Những sắc màu chủ đạo, khi được hỏi về suy nghĩ của bà trước những lời buộc tội Tổng thống Clinton có quan hệ tình cảm với một thực tập sinh, bà đã trả lời với sự ngây thơ quá mức: “Tôi không hiểu lắm”. “Tôi có thể hiểu tất cả sự ồn ào này là gì nếu như có một con ngựa hay gì đó ở đây.” Hãy hiểu là sự tức giận đối với các vụ tai tiếng của chính quyền được giải tỏa với niềm tin trọn vẹn rằng chính quyền sẽ không đến mức sụp đổ trước hành vi đồi bại đó.

Hệ thống đẳng cấp ở Mỹ

Một trong những điều tôi thích ở Mỹ ngay khi tôi đến đây là trong xã hội Mỹ không có một hệ thống đẳng cấp nào cả. Bố tôi làm nghề lái taxi ở Luân Đôn và sẽ suốt đời bị coi là tầng lớp lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển của tôi trong xã hội. (Mọi thứ ở Anh đã thay đổi kể từ khi tôi rời đi, hy vọng không phải vì tôi đã ra đi. Tôi sẽ nói kỹ hơn về cách thương lượng với người Anh ở Chương 47). Ở Mỹ ít có những chuyện vô nghĩa này.

Bạn có thể gặp những người “giàu sẵn” vì được thừa hưởng gia tài lớn và không biết đến lao động để phát triển bản thân nhưng những người này không nhiều. Hầu hết những người Mỹ đều ở đúng vị trí mà họ đã bỏ công sức ra để vươn tới.

Anh bạn Michael Crowe của tôi cũng là một người nhập cư từ Anh, đã từng nói với tôi:

“Sự khác nhau giữa Anh và Mỹ rất đơn giản. Ở Anh, người công nhân đào rãnh có thể ngước lên nhìn một chiếc Rolls Royce đi qua và nghĩ: “Hắn lấy đâu ra tiền thế nhỉ?” Còn ở Mỹ, người đào rãnh đó sẽ ngước lên và nghĩ: “Đến một ngày nào đó mình cũng có một chiếc Rolls Royce.”

Ở nước của bạn, cơ cấu giàu nghèo có thể theo hình kim tự tháp. Dưới chân tháp là những người nghèo. Trên đó là tầng lớn trung lưu ít hơn một chút và trên đỉnh là số ít những người giàu có. Cơ cấu giàu nghèo ở Mỹ lại giống như hình một chiếc diều. Một số rất ít những người nghèo, cao hơn là tầng lớp trung lưu chiếm khá lớn và trên cùng là một số ít những người rất giàu. Nếu làm ăn ở nước này thì phần lớn các đối tác của bạn là người thuộc nhóm trung lưu và trung lưu khá.

Vì ở Mỹ không có hệ thống đẳng cấp nên vấn đề danh hiệu khá quan trọng. Danh hiệu cho thấy đẳng cấp và mức độ phát triển của chúng ta. Không giống với các nước khác, ở Mỹ danh hiệu cũng cho thấy mức thu nhập, trong đó người phụ trách chung có thể giám sát nhiều nhà quản lý khác mà thu nhập có thể cao hơn mình. Danh hiệu rất quan trọng đối với người Mỹ. Đó là thứ chúng ta tạo ra theo một hệ thống đẳng cấp. Đẳng cấp ở Mỹ, nếu có thể gọi như vậy, hoàn toàn dựa trên đồng tiền. Nếu anh giàu có, anh sẽ được ngưỡng mộ, còn xuất xứ gia đình hay học vấn của anh sẽ không gây ấn tượng với ai cả. Thực ra người Mỹ thích khoe mẽ về xuất thân khiêm nhường của mình. Nếu không phải như vậy thì tôi nói với bạn bố tôi lái taxi làm gì.

Tôn giáo ở Mỹ

Tôi cảm thấy rất khó tin Mỹ là một trong những quốc gia mộ đạo nhất thế giới. Có lẽ vì Hiến pháp đảm bảo sự phân tách giữa nhà thờ và Nhà nước nên bạn ít nghe nói về điều này. Hoặc do ở Mỹ có quá nhiều tôn giáo khác nhau. Có lẽ là do các nước sùng đạo nhất là các nước nông nghiệp, có ít người nhập cư. Thực tế, người Mỹ là những tín đồ đi nhà thờ mộ đạo nhất. Theo một cuộc thăm dò của Gallop, 41% người Mỹ thường xuyên đi nhà thờ (20 năm trước tỉ lệ này còn là 58%) và 80% số người không đi nói rằng họ thường xuyên cầu nguyện. 90% số người được hỏi nói họ tin vào Chúa. Có thể so sánh điều này với nước Anh, chỉ có 15% số người đi nhà thờ (theo Tearfund, một trong những tổ chức tín ngưỡng lớn nhất ở Anh).

Điều này thực sự quan trọng đối với bạn nếu bạn kinh doanh ở Mỹ. Dù trong kinh doanh ít khi động đến chủ đề tôn giáo, bạn vẫn có thể phải nói chuyện với một người Mỹ có niềm tin rất lớn vào Chúa. Hãy cẩn thận để không động chạm đến điều này, nhất là ở các bang Dải Kinh thánh trải dài khắp khu vực trung tâm của nước Mỹ từ bang Iowa đến Texas và phía đông đến Nam Carolina có lẽ là bang sùng đạo nhất.

Ram Dass là một lãnh tụ tôn giáo (siêu hình) thời mới và cũng là một diễn giả thú vị. Ông kể câu chuyện về việc được mời đến nói chuyện ở Denver. Nhà thờ dòng Baptist(2) tài trợ cho ông thực hiện bài giảng và đến phút chót thì những người có chức vụ trong nhà thờ lại thấy ngần ngại. Họ lo lắng liệu người đàn ông này có thể nói điều gì đi ngược lại với tôn giáo của mình không. Ông đã phải trấn an họ là không có chuyện đó. Họ hỏi: “Thế có nghi thức cầu nguyện không?” Ông trả lời: “Không hẳn đâu. Chỉ có một đoạn tất cả chúng ta có thể nắm tay nhau nguyện ước cho hòa bình trên thế giới này.” Thế là họ bảo ông: “Chúng tôi nghĩ là ông không nên làm thế.”

Tâm lý về ranh giới

Bạn phải hiểu rằng mỗi người Mỹ gắn bó với số phận người nhập cư của mình như thế nào và cũng phải rất khó khăn mới có thể hiểu được người Mỹ. Một tỉ lệ phần trăm rất cao người Mỹ là những người nhập cư thực sự. Ở bang California, bang đa dạng nhất nước Mỹ, tỉ lệ này là hơn 20%, còn cả nước là gần 10%. Ở đây tôi không nói người nhập cư từ các bang khác mà là người không sinh ra ở nước Mỹ. Hầu hết ông bà, cha mẹ của người Mỹ đều là người nhập cư đến nước này.

Điều này khiến người Mỹ trân trọng tự do của họ hơn mọi thứ trên đời. Người Mỹ ghét bị (đặc biệt là Chính phủ) bảo phải làm gì. Thái độ đó dẫn đến nhiều khía cạnh khó hiểu trong đời sống người Mỹ nên ở Mỹ gần như không có quy hoạch thành phố. Chẳng hạn như hầu hết người châu Âu đều sẵn sàng tuân thủ quy định về tiêu chuẩn thiết kế ngôi làng của mình nên toàn bộ cộng đồng của họ có vẻ ngoài đồng đều. Người Mỹ thì không, vì điều này sẽ làm họ mất đi quyền tự do không bị chính quyền quản lý mà họ luôn bảo vệ. Để tôi cho bạn một ví dụ khác.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất ở Mỹ là quyền giữ súng. Bạn sẽ thấy có những tờ giấy dán có ghi “Nếu cấm súng thì chỉ tội phạm mới có súng.” Không ai muốn ngăn người khác không săn bắn nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao người dân lại cần có quyền sở hữu loại vũ khí tự động mà mục đích duy nhất chỉ là để giết người. Bạn cũng sẽ thấy điều này thật khó hiểu nếu như không hiểu người Mỹ có ấn tượng đặc biệt thế nào đối với nhu cầu không bị sự quản lý của chính quyền.

Với người Mỹ, thời gian là tiền bạc

Người Mỹ thường kể một câu chuyện vui về một luật sư khi chết đi đã lên thiên đàng (đó không phải là phần kết của câu chuyện đâu!). Thánh Peter (theo thần thoại Thiên Chúa giáo là người quyết định con người có được lên thiên đàng hay không) nói với anh ta: “Con trai, con ở đây làm chúng ta sợ quá. Chúng ta chưa bao giờ có luật sư nào 125 tuổi ở đây cả.”

Luật sư cãi lại: “Con chưa đến 125, con mới 39”.

Thánh Peter nói: “Chắc là có nhầm lẫn gì chăng, theo như tổng số giờ mà con kiếm được tiền…”

Câu chuyện hài này rất được người Mỹ ưa thích vì nó đề cập đến thế giới đầy áp lực của những người làm kinh doanh. Đối với người Mỹ, thời gian là tiền bạc. Chúng ta nói về việc tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng thời gian. Nếu là người nước ngoài, hẳn bạn sẽ thấy tốc độ kinh doanh ở đây phải đến mức chóng mặt. Một thỏa thuận có thể là rất tốt, song sẽ tốt hơn nữa nếu người đạt được nó có thể tự hào về tốc độ nhanh chóng mà mình đạt được thỏa thuận đó. Michael Eisner, Chủ tịch Tập đoàn Disney đến gặp Chủ tịch Capital Cities, công ty mẹ của hãng truyền hình ABC tại một hội nghị ở Sun Valley, bang Idaho. Ông đề cập đến ý tưởng để Disney mua Capital Cities. Trong vòng chưa đầy hai tháng, ông đã mua được công ty này với 20 tỉ đôla. Tốc độ đạt được thỏa thuận đó đã khiến ông ta có thể tự hào tại bất cứ câu lạc bộ thể thao nào ở đất nước này. Khi một người Mỹ đang có vẻ muốn ép bạn về một thỏa thuận nào đó thì không phải anh ta đang cố gắng lừa bạn mà chỉ là vì anh ta vẫn làm theo cách của mình như vậy.

Bạn sẽ thấy cuộc sống ở Mỹ đầy những căng thẳng. Lúc nào mọi người cũng cảm thấy vội vã, nắm bắt cơ hội và tận dụng nó mỗi khi có thể. Một phần lý do là vì người Mỹ còn quá trẻ, xã hội chúng tôi còn quá trẻ. Một phần là vì ý thức về chủ nghĩa cá nhân quá cao. Diễn viên Katherine Hepburn từng nói: “Càng sống bạn càng hiểu ra rằng nếu không tự tập bơi thì bạn sẽ chết đuối.”

Một phần lý do là vì những gì người Mỹ đã trải qua. Trừ khi bạn đủ từng trải để nhớ về vụ Trân châu Cảng, còn đa số những người khác chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến tranh nào. Cho đến khi những kẻ khủng bố phá sập Tòa tháp đôi ở New York, người Mỹ chưa bao giờ cảm thấy sự tồn tại của mình bị đe dọa. Đó là một sự kiện lớn trong đời khiến mọi người phải xem xét lại ưu tiên của mình và xác định rằng trong cuộc đời còn có những điều quan trọng hơn là kiếm tiền. Đối với một người Đức, dành ra 3 tuần ở một spa nào đó để trẻ hóa tâm hồn và thể chất là điều lý tưởng không gì hơn. Đối với người Mỹ, một lần đi spa chỉ có nghĩa là một lần đi mát-xa tranh thủ giữa các cuộc họp.

Người Mỹ ngoan cố

Có một câu trong một bài hát của Paul McCartney nói về việc có quá nhiều người cùng giành một miếng bánh. Tôi luôn nghĩ về điều này mỗi khi nghe nói có một nhóm biểu tình ở đâu đó. Có quá nhiều người ở Mỹ cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Bạn sẽ thấy người Mỹ rất thẳng thắn, bộc trực và ngoan cố. Đừng ác cảm về điều này. Một thương nhân người Mỹ có thể nói với bạn: “Thật vớ vẩn, Hans, anh biết mà!” Đừng coi đó là một sự công kích cá nhân. Đó chỉ là vì người Mỹ đã quen với việc giao tiếp cởi mở và thẳng thắn.

Người Mỹ thân thiện

Người Mỹ rất muốn bạn thích họ và tỏ ra khâm phục về những gì họ và đất nước của họ đã làm. Họ có một sự thân thiện bề ngoài dễ khiến người nước ngoài hiểu nhầm. Một phần là vì tính linh động của xã hội. Rất ít người Mỹ ở nguyên một chỗ trong một khoảng thời gian dài. Rất hiếm khi bạn gặp những người cùng sinh ra ở một bang rồi lại cùng sống một bang. Rất khó xây dựng một tình bạn lâu dài. Bạn đừng nhầm lẫn bởi những người Mỹ tự nhiên xuất hiện và trở thành bạn thân của mình. Hồi mới chuyển đến Mỹ, tôi nhận thấy nhiều người mình mới gặp một cách xã giao ở các bữa tiệc hay buổi picnic bảo mình đến nhà chơi hay muốn sớm gặp lại nhau. Tôi cứ nghĩ như thế là mình phải giở lịch ra và chọn ngày hẹn gặp. Hoàn toàn không phải thế.

Danh thiếp

Mọi doanh nhân người Mỹ đều có danh thiếp và việc trao danh thiếp khi mới gặp là điều phổ biến. Ở nước bạn, để cho lịch sự thì bạn phải đọc kỹ và trầm trồ trước tấm danh thiếp. Ở Mỹ bạn không cần phải làm thế. Bạn chỉ cần nhìn qua rồi bỏ vào túi.

Đưa tiền boa ở Mỹ

Hãy chuẩn bị sẵn nhiều tờ 1 đôla vì bạn sẽ phải dùng nhiều đến nó ở Mỹ. Chuẩn bị tinh thần cộng thêm 15% vào tiền hóa đơn nhà hàng, quán bar hay taxi. Nhân viên an ninh ở sân bay và nhân viên phục vụ ở khách sạn đưa vali của bạn lên phòng cũng thường nhận 1 đôla/vali. Nhân viên mở cửa khách sạn cũng chờ đợi được nhận 1 đôla khi mở cửa xe cho bạn lúc bạn mới tới và khi họ gọi taxi cho bạn đi.

Đừng tính toán số tiền boa theo số tiền xu mà mình đang có. Hãy làm tròn lên thêm 1 đôla nữa. Tiền boa ở Mỹ là phải gấp lại chứ không kêu leng keng. Nếu bạn đến từ một nước không có văn hóa đưa tiền boa thì điều này có vẻ quá mức đối với bạn, nhưng ở đây là như thế. Đừng bỏ qua hay giảm bớt tiền boa dù dịch vụ không tốt, đặc biệt là khi bạn đi cùng người làm kinh doanh. Điều này khiến bạn có vẻ ti tiện.

Dân số đa dạng của Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia đông dân nhất và đa dạng nhất trên Trái đất này. Chắc chắn bạn sẽ gặp những người từ đủ mọi sắc tộc ở đây. Nếu đến từ một đất nước đơn sắc tộc, điều này sẽ khiến bạn bối rối. Anh bạn Jack từ Anh sang thăm tôi khi nhìn quanh nhà hàng đã nói: “Không hiểu sao lại có nhiều người nước ngoài ở đất nước này thế nhỉ”. Tôi bảo anh ta: “Họ không phải là người nước ngoài đâu Jack. Họ là người Mỹ đấy. Chỉ có anh là người nước ngoài duy nhất ở đây thôi.”

Bang California mà tôi đang sống là bang có dân số đa dạng nhất. 20% dân số ở đây thậm chí còn không sinh ra ở Mỹ. Nếu là người da trắng sống ở thành phố Los Angeles thì có lẽ bạn là người thiểu số. Khoảng 20% dân số ở thành phố này là người châu Á, 30% là người gốc Mexico và 10% là người Mỹ gốc Phi. Calvin Trillin, một người phụ trách chuyên mục báo nhận xét: “Tôi tin vào việc nhập cư tự do làm cho các nhà hàng trở nên đa dạng hơn. Tôi sẽ cho bất kỳ ai nhập cư trừ người Anh.”

Đừng cho là mình có thể hiểu về vị thế của một ai đó từ bề ngoài của họ. Bạn có thể vừa gặp một vị Chủ tịch của một công ty có doanh thu 100 triệu đôla mỗi năm. Vị Chủ tịch đó có thể trông như người châu Á, là người Mỹ gốc Phi hay Mexico. Bạn không thể biết được. Và tất nhiên bạn cũng không thể cho rằng vị Chủ tịch đó phải là đàn ông.

Người Mỹ tự lập

Thành tích cá nhân rất được vinh danh ở Mỹ. Ngay từ khi còn bé, trẻ em đã được khuyến khích phải biết cạnh tranh, khám phá sức mạnh bản thân và theo đuổi giấc mơ của mình. Với người Mỹ, thành đạt là trên hết, cho dù bạn phải tìm cơ hội ở xa gia đình hay cộng đồng của mình. Điều này có vẻ khó hiểu nếu bạn đến từ Nhật Bản, đất nước mà việc nổi trội hơn có vẻ xấc xược hay từ Úc, nơi điều này cũng có vẻ ngạo mạn và kẻ “thích chơi trội” luôn bị tẩy chay.

Các doanh nhân người Mỹ thường có thu nhập cao so với mức chung của thế giới nhưng mức thu nhập này có thể bị điều chỉnh bởi Ban giám đốc hay các cổ đông vì một doanh nhân được đưa vào quản lý công ty có thể tác động đáng kể đến tài sản của công ty đó. Tính cạnh tranh ảnh hưởng lên toàn bộ hoạt động công ty. Mặc dù trong những năm gần đây các công ty đã cố gắng áp dụng các nhóm quản lý chất lượng và giải quyết vấn đề theo nhóm nhưng xem ra vẫn chưa thể. Ngay cả trong một dây chuyền sản xuất, các công nhân vẫn muốn làm việc hơn các đồng nghiệp. Mỹ thành công được chính vì là một xã hội có tính cạnh tranh cao.

Bạn sẽ gặp ngay tính ưa cạnh tranh này trong các giao dịch làm ăn. Người Mỹ luôn muốn chiến thắng. Họ không muốn nhân nhượng. Họ sẽ phải nhân nhượng nếu đó là vì lợi ích của công ty chứ không phải điều thực sự họ mong muốn. Điều này được tổng kết trong một câu nói của ông bầu bóng đá huyền thoại người Mỹ, Vince Lombardi. Bạn có thể thấy câu nói này được treo lên một cách tự hào trên những tấm biển trong phòng các vị quản lý:

“Chiến thắng không phải là tất cả mà là nỗ lực để chiến thắng”.

Mỹ cũng là một xã hội vô tình. Người thành công sẽ được phần thưởng tuyệt vời còn người thất bại sẽ không được cổ vũ. Ở Mỹ không có cái gọi là trợ cấp thôi việc. Một nhân viên văn phòng bị mất việc có thể được thông báo vào 4 giờ 30 chiều thứ Sáu và phải ra khỏi công ty lúc 5 giờ chiều. Công ty sẽ không nợ gì của nhân viên ngoài những ngày phép chưa dùng đến và đó là tùy theo chính sách của công ty chứ không phải theo lệnh của Chính phủ. Nhân viên đó đã được yêu cầu đóng vào quỹ thất nghiệp của bang và sẽ chỉ xin trợ giúp khẩn cấp của bang không quá 13 tuần.

Lời cuối về người Mỹ

“O beautiful for spacious skies, for amber waves of grain

For purple mountain majesties, above the fruited plain

America! America!

God shed His grace on thee, and crown thy good with brotherhood

From sea to shining sea!”

Tạm dịch

“Ôi đẹp thay bầu trời bao la, một chút gợn sóng màu hổ phách, Vẻ uy nghi dãy núi màu đỏ tía, trên vùng đồng bằng xanh tươi!

Nước Mỹ! Nước Mỹ!

Chúa ban ân huệ nơi đây, cùng tươi sáng tình huynh đệ Từ biển cả đến sáng ngời!”

Bài hát đó, “Nước Mỹ tươi đẹp” của Katharine Lee Bates, không phải là bài quốc ca.

Quốc ca của Mỹ là một bài ca chiến trận. Một vài người theo chủ nghĩa hòa bình muốn đưa bài hát này trở thành quốc ca của Mỹ cho đến khi họ được nghe rằng, ngay cả với người Mỹ, đó chỉ là vì họ quá yêu đất nước mình mà thôi. Người Mỹ rất tự hào về đất nước của mình.

Họ tin tưởng rằng đây là đất nước tuyệt vời nhất thế giới. Bằng chứng là họ sẽ nói với bạn:

“Ngay cả những người không thích đất nước này cũng muốn ở lại.”

Những điểm chính cần nhớ

1. Người Mỹ rất ưa ngắn gọn, súc tích. Họ không dành cả buổi sáng để nói về những điều có thể nói trong một hai từ.

2. Bạn có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của người Mỹ chỉ bằng một từ “Tuyệt!”

3. Người Mỹ hay nói theo thành ngữ. Đừng để ý câu chữ, nếu không bạn sẽ hiểu nhầm ngay.

4. Người Mỹ yêu đất nước của mình và họ muốn bạn cũng yêu như vậy.

5. Hệ thống đẳng cấp ở Mỹ dựa trên việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền.

6. Mỹ là một quốc gia rất mộ đạo.

7. Người Mỹ yêu tự do và ghét mọi hình thức kiểm soát của chính quyền.

8. Cuộc sống ở Mỹ diễn ra với nhịp độ gấp gáp.

9. Mỹ là một đất nước đa dạng với tỉ lệ người nhập cư khá cao từ các nước khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.