7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc

Chương 11 Cái ngày xoay chuyển cuộc đời bạn



Chúng ta đã cùng nhau đi một đoạn đường dài. Trong cuốn sách này, tôi đã chia sẻ một bữa tiệc ý tưởng với bạn – những chiến lược chắc chắn để thỏa mãn sự ngon miệng của bạn với bữa tiệc của cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ với bạn một âu lo.

Bạn thấy đó, nếu bạn hoàn toàn nắm vững mọi thông tin trong cuốn sách này, bạn có thể tự gọi mình là một chuyên gia về các nguyên tắc của sự thịnh vượng và hạnh phúc. Tại sao, vì bạn thậm chí có thể giảng một bài khá ấn tượng về những khía cạnh triết lý của thành công.

Nhưng bạn phải làm nhiều hơn trong cuộc sống chứ không chỉ biết lý thuyết về cách thức mà mọi chuyện được giả định sẽ vận hành. Trong hệ thống kinh doanh tự do, bạn phải hành động để làm mọi chuyện xảy ra. Chỉ có kiến thức được ứng dụng mới có ý nghĩa.

Thế thì làm thế nào để bạn có thể bắt chiếc cầu nối liền sự cách biệt giữa kiến thức và hành động? Liệu có thành phần thứ ba đóng vai trò như một chất xúc tác không? May mắn thay là có. Đó là cảm xúc của chúng ta.

Cảm xúc

Cảm xúc là những nguồn lực mạnh mẽ nhất bên trong chúng ta. Dưới sức mạnh của cảm xúc con người có thể thực hiện những hành động anh hùng nhất (cũng như hành vi man rợ nhất). Xúc cảm là nhiên liệu và trí óc là hoa tiêu để phối hợp với nhau lái con tàu tiến bộ văn minh.

Loại xúc cảm nào làm con người hành động? Có bốn loại căn bản; mỗi loại hay sự phối hợp của một số loại có thể kích hoạt hành động khó tin nhất. Cái ngày mà bạn cho phép những cảm xúc này nạp nhiên liệu cho ước vọng của bạn thì đó cũng là ngày bạn sẽ xoay chuyển đời mình.

Chán ghét

Mọi người thường không đánh giá từ “chán ghét” ngang với hành động tích cực. Nhưng nếu được truyền đi thích hợp, sự chán ghét có thể thay đổi cuộc đời của một con người.

Người cảm thấy chán ghét đã đạt đến ngưỡng không thể quay lại. Người đó đã sẵn sàng thách đấu với chính cuộc sống và nói: “Ta không thể chịu đựng được nữa!” Đó là điều tôi đã nói sau kinh nghiệm ê chề của mình với cô bé hướng đạo sinh và gói bánh quy giá hai đôla của cô bé. “Ta không thể chịu đựng được nữa!” Tôi đã nói. “Ta không muốn sống như thế này chút-nào-nữa. Ta không thể chịu đựng được nữa với sự túng thiếu. Ta không thể chịu đựng được nữa sự bối rối và ta không thể chịu đựng được nữa nói dối”.

Đúng, những cảm giác muốn làm việc vì chán ghét xuất hiện khi một người nói: “Vậy là quá đủ.” Chấm hết.

“Người đàn ông” cuối cùng cũng không chịu đựng được nữa khi là một kẻ thất bại. Anh ta không thể chịu được nữa tình trạng tầm thường. Anh ta không thể chịu đựng được nữa cảm giác kinh khủng của sự sợ hãi, đau đớn và tủi nhục. Anh ta thấy vợ mình lại một lần nữa đi qua những kệ hàng thức ăn đóng hộp của siêu thị để mua một hộp đậu và anh ta biết điều gì sẽ xảy ra. Anh ấy biết rằng cô ấy sẽ nhìn vào nhãn hàng có giá 69 xu và nhãn hàng có giá 67 xu. Anh ta biết rằng dù cô ấy thích nhãn hàng giá 69 xu hơn nhưng sẽ mua loại xu. Và anh ta biết, rất tường tận mọi chuyện, lý do cô ấy mua loại rẻ hơn – tiết kiệm hai xu. Hai xu! “Người đàn ông” của chúng ta, buồn nản, nói: “Tôi đã chán ngấy với việc phải quỳ gối trong bụi bặm để kiếm những đồng xu. Chúng tôi không muốn sống như thế này chút-nào-nữa”.

Cẩn trọng! Đây có thể là ngày xoay chuyển cuộc đời. Gọi nó bằng tên gì bạn muốn – ngày “Tôi không chịu đựng được nữa”, ngày “không bao giờ lặp lại”, ngày “vậy là quá đủ”. Dù bạn gọi nó là gì, bạn có thể gọi nó thật mạnh mẽ! Không có gì làm cuộc đời thay đổi như sự chán ghét tệ hại.

Ngược lại, không có gì đáng thương hơn trong tình trạng chán ghét. Ai đó nói: “Tôi nghĩ tôi không thể chịu đựng được nữa…” Đáng buồn làm sao, yếu đuối làm sao. Nhiên liệu trong loại cảm xúc đó còn không có đủ để lái chiếc tàu đồ chơi trong một bồn tắm!

Quyết định

Hầu hết chúng ta cần bị đẩy đến chân tường mới ra quyết định. Và một khi đã rơi vào tình trạng đó, chúng ta sẽ phải đấu tranh với những cảm giác mâu thuẫn cùng những thứ tạo ra chúng. Chúng ta đã đến ngã rẽ của con đường.

Giờ đây ngã rẽ này có thể có hai lối, ba lối hay thậm chí bốn lối. Không có gì đáng ngạc nghiên khi việc ra quyết định có thể tạo nên những cơn quặn thắt trong bao tử chúng ta, buộc chúng ta phải thức dậy lúc nửa đêm hay làm chúng ta đột nhiên toát mồ hôi lạnh.

Ra quyết định thay đổi cuộc đời có thể cũng giống như một cuộc nội chiến bên trong bạn. Những đội quân cảm xúc đang mâu thuẫn, mỗi bên với kho vũ khí lý do riêng, giao tranh với nhau để chiếm lĩnh trí óc của bạn. Và quyết định cuối cùng của chúng ta, dù dũng cảm hay yếu đuối, được suy nghĩ cặn kẽ hay đột ngột, có thể hình thành nên một kế hoạch hành động hay nhắm mắt làm ngơ.

Tôi không có nhiều lời khuyên cho bạn về việc ra quyết định, trừ điều này: Dù bạn làm gì, đừng cắm trại ở ngã rẽ của con đường. Quyết định. Dù ra quyết định sai thì cũng còn tốt hơn nhiều so với không quyết định gì cả. Mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt với cảm giác kích động và giải quyết ổn thỏa tình cảm của mình.

Như một doanh nhân trẻ nói với tôi sau khi quyết định mạo hiểm tất cả và bắt đầu doanh nghiệp mới: “Tôi đã từ bỏ ý tưởng loại bỏ những lo lắng, sợ hãi trong tâm trí của mình. Nhưng tối thiểu thì hiện giờ tôi có thể làm cho chúng được sắp xếp theo đội hình trong hầu hết các tình huống.”

Bạn, dĩ nhiên, có một công cụ mãnh mẽ để ra quyết định, đúng chứ? Nếu bạn đã làm bài tập về thiết lập mục đích (Bạn đã làm rồi chứ? Nếu chưa, cũng không quá trễ để làm chúng bây giờ), bạn có kế hoạch cuộc đời mình trong dài hạn và ngắn hạn. Tất cả những gì bạn phải làm bây giờ là quyết định hành động bằng cách thể hiện ước vọng chính đáng.

Ước vọng

Làm thế nào một người có được ước vọng? Tôi không nghĩ là mình có thể trả lời trực tiếp câu hỏi này vì có rất nhiều cách. Nhưng tôi thực sự biết hai điều về ước vọng:

1. Nó đến từ bên trong không phải từ bên ngoài.

2. Nó có thể được kích hoạt bằng những nguồn lực bên ngoài.

Hầu hết mọi điều đều có thể kích hoạt ước vọng. Vấn đề quan trọng là thời gian cũng như sự chuẩn bị. Đó có thể là một bản nhạc làm lay động trái tim. Đó có thể là một buổi thuyết giảng đáng nhớ. Đó có thể là một bộ phim, một cuộc trò chuyện với một người bạn, một cuộc đối đầu với kẻ thù hay một kinh nghiệm cay đắng. Thậm chí một cuốn sách như cuốn này cũng có thể kích hoạt những cơ cấu bên trong để làm cho ai đó nói: “Tôi muốn điều đó ngay bây giờ!”

Vì thế, trong khi tìm kiếm “nút nóng” của bạn về ước vọng tinh khiết, nguyên sơ, hãy chào đón từng kinh nghiệm tích cực trong cuộc sống của mình. Đừng dựng một bức tường để che chắn bạn khỏi những trải nghiệm của cuộc sống. Bức tường giữ cho chúng ta không chỉ những điều gây thất vọng mà còn khiến chúng ta ở ngoài ánh sáng của việc làm giàu thêm những kinh nghiệm. Vì thế hãy để cuộc sống chạm vào bạn. Cú chạm tiếp theo có thể là cú chạm làm xoay chuyển cuộc đời bạn.

Quyết tâm

Quyết tâm nói: “Tôi sẽ”. Hai từ này có tác động vô cùng mạnh mẽ. TÔI SẼ.

Benjamin Disraeli(1), chính khách vĩ đại của Anh, từng nói: “Không gì có thể kháng cự được ý chí của người đặt cược ngay cả sự tồn tại của nó vào tầm quan trọng của mục đích.” Nói cách khác, khi ai đó quyết tâm để “sống hay chết”, không điều gì có thể chặn anh ta được.

Người leo núi nói: “Tôi sẽ leo núi. Họ bảo tôi là núi quá cao, quá xa, quá dốc đứng, quá nhiều đá, quá khó. Nhưng đó là ngọn núi của tôi. Tôi sẽ leo nó. Bạn sẽ thấy tôi vẫy gọi từ trên đỉnh hay bạn sẽ không bao giờ thấy tôi nữa, vì trừ khi tôi lên tới đỉnh, tôi sẽ không quay lại.” Ai có thể tranh luận với quyết tâm như vậy!

Khi gặp phải quyết tâm sắt đá như vậy tôi có thể thấy Thời gian, Số phận và Hoàn cảnh sẽ vội vã triệu tập hội nghị và ra quyết định: “Chúng ta chắc phải để cho cậu ấy thực hiện giấc mơ của mình. Cậu ấy bảo là cậu sẽ đến đó hay chết trong khi đang cố làm điều đó.”

Định nghĩa hay nhất cho “quyết tâm” tôi từng được nghe là từ một nữ học sinh ở thành phố Foster, bang California. Như thông lệ của mình, tôi đang giảng về sự thành công cho nhóm học sinh triển vọng tại một trường trung học đầu cấp. Tôi hỏi: “Ai có thể nói cho tôi biết ý nghĩa của `quyết tâm’ là gì?” Một số cánh tay đưa lên và tôi thực sự có được một vài định nghĩa khá tốt. Nhưng cái cuối cùng mới hay nhất. Một em gái e thẹn từ cuối phòng đứng dậy và nói với sự cương quyết thầm lặng: “Em nghĩ quyết tâm nghĩa là hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ từ bỏ.” Chính nó! Đó là định nghĩa hay nhất mà tôi từng được nghe: Hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ từ bỏ.

Hãy nghĩ về điều đó! Một đứa trẻ sẽ mất bao lâu để học đi? Bạn sẽ dành cho một em bé bình thường bao lâu trước khi bạn nói rằng: “Thôi nhé, con đã hết cơ hội rồi?” Bất kỳ người mẹ nào trên thế giới cũng sẽ nói: “Con tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi nó biết đi!” Bất chấp mọi người bước đi.

Có một bài học sống còn về điều này. Hãy tự hỏi mình: “Tôi sẽ làm việc trong bao lâu

để biến ước mơ của tôi thành hiện thực?” Tôi khuyên bạn nên trả lời: “Cho đến khi đạt được.” Đó là những gì thuộc về quyết tâm.

Hành động

Kiến thức được đổ đầy nhiên liệu bằng cảm xúc tương đương với hành động. Hành động là phần cuối cùng của công thức này. Nó là thành phần bảo đảm cho kết quả. Chỉ có hành động mới có thể gây ra phản ứng. Sâu xa hơn, chỉ có hành động tích cực mới có thể tạo ra phản ứng tích cực.

Hành động. Cả thế giới thích xem những ai làm cho mọi chuyện xảy ra và tưởng thưởng họ vì đã tạo nên một làn sóng những doanh nghiệp đầy năng suất.

Tôi nhấn mạnh điều này vì hiện nay tôi thấy nhiều người thực ra chỉ bán những lời khẳng định. Tuy nhiên có một câu nói nổi tiếng là: “Tin tưởng mà không hành động chỉ phục vụ cho mục đích vô dụng.” Đúng thật!

Tôi không hề phản đối những lời khẳng định như một công cụ để tạo ra hành động. Lặp đi lặp lại để củng cố cho một kế hoạch kỷ luật, những sự khẳng định có thể giúp tạo ra những kết quả tuyệt vời.

Nhưng cũng có một lằn ranh rất mảnh giữa tin tưởng và cả tin. Bạn thấy đó, khẳng định mà không hành động là những khởi đầu của việc tự dối mình. Nó cũng giống như một người quản lý kinh doanh bước ra khỏi cuộc họp về bán hàng mà mọi thứ đều được tăng tốc và nói: “Mình sẽ là nhân vật tầm cỡ nhất trong doanh nghiệp này” nhưng rồi lại không thực hiện ý tưởng hay hành động kỷ luật nào cho những lời nói của mình. Cô ấy có thể đang dạo bước để ngắm bình minh.

Bốn câu hỏi

Khi gần đến điểm cuối cuộc hành trình chúng ta đã cùng đi, tôi có một vài câu hỏi muốn bạn suy nghĩ kỹ càng. Thứ nhất là: Tại sao bạn phải cố gắng? Trẻ em thường đặt những câu hỏi “tại sao”. Và đây là một câu hỏi “tại sao” quan trọng. Tôi muốn nói, tại sao phải thức dậy sớm? Tại sao phải lao động quá vất vả? Tại sao phải đọc nhiều sách như thế? Tại sao phải kết bạn với nhiều người? Tại sao phải đi xa như thế? Tại sao phải kiếm nhiều tiền như thế? Tại sao phải cho đi nhiều như thế?

Câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “Tại sao bạn phải cố gắng?” là một câu hỏi khác: Tại sao không? Bạn sẽ làm điều gì khác với cuộc đời của mình? Tại sao không xem thử bạn đi được bao xa? Tại sao không xem thử bạn có thể kiếm được, đọc được hay chia sẻ được bao nhiêu? Tại sao không xem thử bạn có thể trở thành cái gì hay bạn có thể phát triển tới mức nào? Tại sao không? Sau rốt, bạn sẽ tồn tại trên cõi đời này cho đến khi bạn ra đi. Tại sao không tồn tại một cách đầy phong cách?

Câu hỏi thứ ba đẩy vấn đề xa hơn một chút. Nó đòi hỏi: “Tại sao không là bạn?” Một số người đã thực hiện những việc khó tin nhất với một nền tảng hạn chế. Một số người làm tốt đến mức họ trải qua mọi thứ. Tại sao không là bạn?

Tại sao không là bạn đang hấp thu lịch sử trên tháp Luân Đôn hay khám phá những bí mật đen tối của Tây Ban Nha? Tại sao không là bạn đang dùng bữa trưa tại một trong những tiệm cà phê quyến rũ nhìn bao quát điện Elysees nổi tiếng ở Paris? Tại sao không là bạn?

Tại sao không là bạn lái du thuyền trên biển Ca ri bê? Biết đâu bạn sẽ có những con sò đẹp nhất ở Miami?

Tại sao không là bạn đang mua sắm trên Đại lộ Thứ năm ở thành phố New York, ở tại Waldorf hay Plaza hay Carlisle (những khách sạn tráng lệ, đắt tiền trên đại lộ số năm), thưởng thức những lát ngỗng quay xếp trên nền bánh táo ở nhà hàng Luchow’s ? Tại sao không là bạn đang nhấm nháp trong hoàng hôn của Arizona? Tại sao không là bạn đang thưởng thức mọi thứ mà cuộc đời phải mang lại, biết rằng đó là phần thưởng dành cho bạn vì những nỗi lực đầy kỷ luật và kiên định?

Tại sao không là bạn?

Và giờ đây, bạn tôi ơi, đây là câu hỏi cuối cùng dành cho bạn: Tại sao không là bây giờ? Tại sao phải hoãn lại một tương lai tốt đẹp hơn khi có nhiều điều kỳ diệu như vậy chờ lệnh bạn? Hãy nắm bắt nó ngay hôm nay. Mua một vài cuốn sách mới, thực hiện kế hoạch chi tiết mục đích của bạn, mời một triệu phú đi ăn, tìm những phương cách mới để tăng năng suất, phát triển một phong cách sống đầy phóng khoáng và tình yêu, thực hiện một nỗ lực mới để tin vào chính mình. Và hãy tiến lên.

Cuối cùng, hãy xin thượng đế phù hộ. Đúng, tôi tin thành công trong tương lai của chúng ta tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng tôi cũng biết rằng tất cả chúng ta cần nguồn dinh dưỡng tâm linh, đặc biệt khi khả năng giải quyết của chúng ta suy yếu vì phải đối mặt với nghịch cảnh.

Có một câu chuyện về một người đàn ông nhặt một đống đá và trong hai năm đã chuyển nó thành một khu vườn đáng yêu trồng đầy những loại hoa đẹp nhất. Ngày nọ có con người đức hạnh đi ngang qua. Người đức hạnh đã nghe về khu vườn vì danh tiếng của nó lan rộng quanh đó nhiều dặm. Nhưng người ấy cũng muốn chắc chắn rằng khu vườn này không bỏ quên đấng sáng tạo tối cao. Vì thế người ấy bảo: “Người làm vườn, thượng đế chắc chắn ban phúc cho ông bằng một khu vườn xinh đẹp.” Người làm vườn hiểu ngụ ý của câu nói. “Bạn nói đúng, người đức hạnh”, ông ta nói. “Nếu nó không nhờ ánh nắng, mưa, đất và sự kỳ diệu của hạt giống và mùa màng thì cũng sẽ không có vườn nào hết. Tuy nhiên, phải chi anh từng thấy nơi này cách đây vài năm khi thượng đế giữ nó cho mình.”

Bạn và tôi đã được ban cho những tặng vật của cuộc sống nhưng tùy chúng ta quyết định là chúng ta có sẽ sử dụng những lề luật của thượng đế để sáng tạo, để thịnh vượng và để hạnh phúc.

– Andrew Carnegie (1835-1919): Doanh nhân người Mỹ gốc Scotland, được mệnh danh là Vua Thép. – Hội Nữ hướng đạo Mỹ là một tổ chức thanh thiếu niên dành cho phụ nữ và các bé gái tại Mỹ và hải ngoại. Mục tiêu của hội là để các bé gái phát triển hết tiềm năng của mình và góp phần cải thiện xã hội. – Almond Moca: Một nhãn hiệu kẹo bơ cứng, nhân bằng hạnh nhân nổi tiếng ở Mỹ. – Phi thuyền Apollo: là một phần của chương trình Apollo của Mỹ trong thập niên 1960, với mục đích là đưa con người lên mặt trăng, sau đó trở về trái đất an toàn. – Nguyên văn: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”, Ma-thi-ơ 7:7. – Sách viết vào thập niên 1980 nên chưa có các phương tiện phổ biến hiện này như đĩa quang (CD/DVD/Blue-ray v.v.); các trang web và điện toán đám mây (cloud computing). Cuốn sách này đã được Thái Hà Books mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam. – Chang và Eng Bunker (1811-1874) là cặp sinh đôi nổi tiếng người Thái Lan. Dù được sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn (bị dính nhau ở phần sụn xương ức) nhưng họ vẫn vượt qua và trở nên nổi tiếng nhờ đi lưu diễn khắp nơi với gánh xiếc P.T. Barnum. – Ban nhạc pop và rock huyền thoại của Anh nổi tiếng thế giới vào thập niên 60 với bốn thành viên đều từ Liverpool là John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr. – John Lennon là một trong những người sáng lập ra ban nhạc The Beatles. Ông bị bắn chết ở tuổi 40, ngay trước cửa nhà mình tại thành phố New York vào ngày 8 tháng 12 năm 1980. – Tác giả muốn nói đến tội nguyên tổ (còn gọi là tội tổ tông) trong Thiên Chúa giáo, đó là tội mà Adam và Eva đã phạm khi ăn trái cấm do nghe lời dụ dỗ của con rắn – Eva ăn trước rồi bảo Adam ăn – và cuối cùng cả hai người đều bị đuổi khỏi vườn địa đàng. – (Learning curve) là một đường biểu diễn sự thay đổi tốc độ học tập của một người bình thường về một công cụ hay hoạt động nào đó. Thông thường khả năng ghi nhớ thông tin tăng rất nhanh sau những nỗ lực ban đầu nhưng rồi sẽ từ từ chậm lại và càng ngày càng giảm. Người đầu tiên mô tả đường cong này vào năm 1885 là nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus. – Robert Harold Schuller (16/9/1926) là một nhà truyền giáo, mục sư, diễn giả, tác giả người Mỹ.chuyện nhẹ bâng” – Nguyên gốc: Inch by inch everything’s a cinch. – Tác giả muốn đề cập đến thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax – VAT) đánh vào người tiêu dùng cuối (thuế suất ở đây là 6%), doanh nghiệp bán hàng sẽ thu của người mua hàng và sau đó nộp cho cơ quan nhà nước nên còn gọi là thuế gián thu. Nước ta gọi là thuế giá trị gia tăng; ở một số nước như Úc, Canada, Singapore thuế này được gọi là thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and Services Tax – GST). – Hãng sản xuất ô tô của Mỹ. Đây là hãng sản xuất ô tô lớn thứ nhì thế giới, sau Toyota theo xếp hạng doanh số toàn cầu năm 2008. – Arnold Bennet (1867-1931): Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, tác giả cuốn How to live on 24 hours a day. – Loại lịch công tác ngày có thể treo trong phòng làm việc với rất nhiều công dụng như tác giả đề cập, bạn có thể tham khảo tại trang web của hãng này http://day-planner.daytimer.com. – Johan Gutenberg (khoảng 1398-1468): người phát minh ra phương pháp in dấu, ông tổ ngành in ở châu Âu. – Guglielmo Marconi (1874-1937): là một nhà phát minh người Ý, được coi là người phát minh máy điện báo radio.tiên phong khác trong lĩnh vực lưu trữ thông tin, chúng ta có thể kết giao khắp bốn biển và xuyên qua nhiều thế kỷ. Có thể bạn không gặp được người nào đó nhưng vẫn có thể đọc được tác phẩm của họ hay lắng nghe giọng nói được ghi âm. Churchill – Winston Churchill (1874-1965): Cựu thủ tướng Anh. – Aristotle (384-322 TCN): Nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại. – Abraham Lincoln (1809-1865): Cựu tổng thống Mỹ. – Benjamin Disraeli (1804-1881) từng hai lần làm thủ tướng Liên hiệp Anh dưới thời nữ hoàng Victoria.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.