7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc

Chương 4 Mục tiêu: Bắt chúng làm việc cho bạn



“Không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị hủy hoại.” Điều đó là đúng, nhưng bạn biết không, điều ngược lại cũng đúng. Nếu có ước mơ chúng ta có thể làm được những điều phi thường. Trong những chương trước, tôi đã chỉ cho bạn cách chọn lựa mục tiêu và khởi động để đạt được những mục tiêu đó. Bây giờ bạn sẽ học cách làm cho những ước mơ phù hợp với cuộc sống của bạn.

Trước tiên, bạn cần hiểu rằng một khi bạn đã thiết lập những mục tiêu thực sự quan trọng đối với mình thì bạn không còn là con người trước đây nữa. Những mục tiêu thực sự sẽ tác động đến hầu hết mọi việc bạn làm trong ngày. Chúng cũng luôn bên bạn dù bạn đi bất kỳ đâu. Cái bắt tay của bạn, cách ăn mặc, âm điệu giọng nói, cách bạn cảm nhận – tất cả đều sẽ thay đổi khi bạn đã có mục tiêu. Đó là vì khi mục tiêu của bạn là điều quan trọng thì mọi việc bạn làm đều trở nên có liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu này.

Nhưng để những mục tiêu thực sự thúc đẩy bạn, ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn, chúng phải đáng giá. Tôi từng hỏi một người đàn ông: “Mục tiêu trong tháng của anh là gì?” Anh ta đáp: “Tôi cần phải tìm mọi cách để kiếm đủ tiền thanh toán hết đống hóa đơn này…” Đó là mục tiêu của anh ta!

Tôi không nói rằng thanh toán các hóa đơn không phải là một mục tiêu – nó có thể. Nhưng đó là một mục tiêu tầm thường. Tôi chắc chắn sẽ không đưa nó vào danh sách những động lực gây cảm hứng nhất của cuộc sống. Bạn không thể nhảy ra khỏi giường vào sáng thứ Hai và nói: “Ôi trời, lại một lần nữa ra ngoài kia và vật lộn để kiếm đủ tiền thanh toán đống hóa đơn này.”

Để những mục tiêu chuyển hóa bạn, bạn phải đặt mục tiêu cao. Thiết lập chúng đủ xa để buộc bạn phải phát triển và nỗ lực hơn nữa; thiết lập chúng đủ cao để kích thích trí tưởng tượng của bạn và thúc đẩy bạn hành động. Tuy nhiên, cũng cần tránh việc thiết lập chúng vượt quá xa tầm với đến nỗi bạn mất sự nhiệt tâm trước khi bắt đầu.

Chủ đích thực sự của mục tiêu

Hãy để tôi chia sẻ với bạn một ý tưởng lý thú. Giá trị thật sự của việc thiết lập mục tiêu không nằm ở việc hoàn thành chúng. Việc đạt được những thứ bạn muốn thực sự chỉ thuộc hàng thứ hai. Lý do thực sự của việc thiết lập mục tiêu là để thu hút bạn trở thành người có đủ các phẩm chất cần thiết để hoàn thành chúng. Hãy để tôi giải thích:

Bạn nghĩ điều gì là giá trị nhất khi trở thành triệu phú? Đó có phải là hàng triệu đôla? Tôi không nghĩ vậy. Không, giá trị lớn nhất nằm trong kỹ năng, kiến thức, kỷ luật và phẩm chất lãnh đạo mà bạn sẽ phát triển trong quá trình đạt đến địa vị cao. Đó là kinh nghiệm bạn sẽ đạt được trong việc hoạch định và phát triển các chiến lược. Đó là sức mạnh bên trong, bạn sẽ phát triển để có đủ dũng cảm, sự cam kết và quyết tâm nhằm có được một triệu đôla.

Nếu tặng một triệu đôla cho ai đó không có thái độ của một triệu phú thì người đó rất có thể sẽ đánh mất nó. Tuy nhiên khi lấy mất tất cả sự giàu có từ một triệu phú thật sự thì rất nhanh người đó sẽ tạo nên một gia tài mới. Tại sao? Vì những người đã đạt được vị trí triệu phú đã phát triển những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để nhân bản quá trình này nhiều lần.

Như bạn có thể thấy, khi một ai đó đã trở thành triệu phú, điều ít ý nghĩa nhất là những gì họ có. Điều quan trọng nhất là những gì họ đã trở thành.

Đây là câu hỏi bạn nên dành thời gian suy nghĩ kỹ càng: Kiểu người mà bạn muốn trở thành để có được tất cả những thứ bạn muốn? Thực tế, tại sao không viết một vài suy nghĩ về vấn đề này trong sổ tay hay sổ công tác. Viết ra những loại kỹ năng bạn cần phải phát triển và kiến thức bạn cần có. Câu trả lời sẽ mang lại cho bạn vài mục tiêu mới cho sự phát triển cá nhân.

Hãy ghi nhớ quy tắc này: Thu nhập hiếm khi vượt ngoài sự phát triển cá nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tự kiểm tra chính mình.

Tôi thường nhìn vào cuộc sống của mình và hỏi: “Ờ, đây là những gì ta muốn nhưng liệu ta có muốn trở thành kiểu người như thế không.” Nếu tôi quá lười biếng, nếu tôi không muốn học, đọc, nghiên cứu và phát triển để trở thành những gì mà tôi phải trở thành thì tôi không thể kỳ vọng vào việc thu hút những gì tôi cần. Giờ đây, khi đối mặt với sự chọn lựa, tôi phải quyết định hoặc là thay đổi chính mình hoặc là thay đổi những thứ tôi muốn.

Đừng để bị quá tải

Khi thiết lập mục tiêu, đặc biệt là lần đầu tiên, bạn sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng bị áp đảo bởi quá trình này. Lời khuyên của tôi là hãy thư giãn.

Nếu bạn cảm thấy mình chưa được trang bị đủ để đạt được những gì bạn muốn, hãy nhớ điều này: Khả năng của bạn sẽ phát triển để đáp ứng ước mơ của bạn. Đây là điều kỳ diệu của việc thiết lập mục tiêu. Bạn càng làm việc vì những mục tiêu của mình, càng nhiều cơ hội mới sẽ tự mở ra cho bạn. Và trong mỗi cơ hội mới sẽ có hạt giống giải pháp cho vấn đề trước đây tưởng chừng không giải quyết được.

Vì thế đừng sợ phải bắt đầu. Cuộc hành trình này sẽ mang bạn vượt xa những gì mà trí tưởng tượng điên rồ nhất của bạn có thể nghĩ ra. Tôi biết. Con người của tôi 25 năm trước khi gặp ông Shoaff giờ đây là một người xa lạ với tôi. Tôi không còn là con người đó. Tôi đã thay đổi. Bạn cũng thế.

Nhiều người sợ phải dấn bước vì những thất bại và đau đớn trong quá khứ. Họ mang theo những gánh nặng trong tâm hồn, những gánh nặng mà nếu bạn không bỏ đi thì sẽ mãi mãi khiến bạn khổ sở.

Bạn ơi, bạn và tôi không thể làm được điều gì để thay đổi quá khứ. Nó đã trôi qua và bị chôn vùi. Tuy nhiên, bạn có thể làm được rất nhiều điều cho tương lai của mình. Bạn không nhất thiết phải là bạn của ngày hôm qua. Bạn có thể thực hiện những thay đổi trong cuộc đời của mình – những thay đổi đáng kinh ngạc trong một thời gian tương đối ngắn. Bạn có thể thực hiện những thay đổi mà bạn không thể nhận thức được ngay, nếu bạn chỉ dành cho mình một nửa cơ hội.

Khả năng của bạn sẽ phát triển. Bạn có thể huy động được những tiềm năng mà bạn chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng. Và theo thời gian, bạn sẽ khai thác được những nguồn dự trữ mới ẩn sâu bên trong khả năng sáng tạo của mình. Trước khi nhận biết được điều đó, bạn sẽ có thể hoàn thành được những mục tiêu mà hiện thời dường như không thể nào đạt được. Bạn có thể giải quyết được những chuyện mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể giải quyết. Trí óc của bạn sẽ sản sinh những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo.

Tại sao mục tiêu lại có sức mạnh lớn đến vậy? Làm thế nào mà chúng có thể làm cho điều này xảy ra? Tôi không biết.

Tôi đoán câu hỏi này thuộc về một lĩnh vực đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”. Tất cả những gì mà tôi có thể nói với bạn là nó thực sự hoạt động. Hãy phát hiện ra chính mình. Hãy tự cho mình cơ hội để trở thành tất cả những gì mà bạn có thể trở thành và hoàn tất toàn bộ những gì bạn có thể hoàn tất.

Yêu cầu

Có một lời răn trong Kinh Thánh dạy tất cả những gì bạn cần biết để đạt được những gì bạn muốn. Đó là: “Yêu cầu”. Chỉ vậy thôi – yêu cầu. Hãy chắc chắn rằng bạn đã học được điều này.

“Yêu cầu” nghĩa là gì? Yêu cầu nghĩa là: “Yêu cầu những gì bạn cần.” Và công thức đầy đủ của nó thực đáng kinh ngạc. Đó là: “Yêu cầu, và bạn sẽ nhận được”(1). Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét điều này…

Trước tiên, yêu cầu sẽ khởi động quá trình nhận được. Việc yêu cầu cũng giống như nhấn nút để kích hoạt cỗ máy lạ thường, cả về trí tuệ và tình cảm.

Như tôi đã từng nói, tôi không biết cách thức hay lý do nó vận hành nhưng tôi biết chắc là nó có vận hành.

Có rất nhiều thứ làm việc tốt dù chúng ta có hiểu được cơ chế vận hành của chúng hay không. Chỉ cần vận hành chúng! Một số người không bao giờ khởi động vì họ còn bận nghiên cứu tận gốc rễ. Và sẽ có những người khác chọn cách hái quả trong khi nghiên cứu gốc rễ. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn muốn bắt đầu từ đâu. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ việc yêu cầu.

Thứ hai, nhận, phần còn lại của công thức trên, không phải là vấn đề. Bạn không phải làm việc với phần nhận. Nó tự động. Vì thế nếu việc nhận không khó khăn gì thì vấn đề nằm ở đâu? Đó là thất bại trong việc yêu cầu.

Một người đàn ông nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem, lúc anh về tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể ngồi đó đến nửa đêm để yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu”. Và anh chàng này luôn trễ hạn thanh toán hóa đơn. Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính.

Nhưng bạn phải làm tốt hơn cả làm việc cật lực và chân thành suốt cuộc đời mình nếu không muốn kết thúc trong đổ vỡ và nghèo túng. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là một người biết yêu cầu tốt.

Anh ta nói: “Giờ thì tôi đã hiểu.” “Suốt cả năm qua tôi đã thức dậy mỗi ngày và hết sức cố gắng. Nhưng không có nơi nào trong nhà tôi có danh sách những thứ tôi yêu cầu cuộc sống.”

Còn bạn thì sao… danh sách của bạn thế nào?

Thứ ba, những gì bạn có thể nhận được cũng giống như đại dương – có rất nhiều. Thành công không bao giờ thiếu. Nó không hữu hạn đến nỗi khi đến lượt bạn thì mọi thứ đã được phân phát hết. Không, không!

Nếu điều đó đúng thì vấn đề là gì? Vấn đề là hầu hết mọi người đến đại dương cơ hội này với một chiếc muỗng canh. Bạn có hình dung ra hình ảnh này không? Một cái muỗng canh! Với kích thước của đại dương, liệu tôi có nên gợi ý với bạn thay muỗng canh bằng thứ gì đó lớn hơn? Một cái xô thì thế nào? Đó có thể không phải là thứ tốt nhất bạn có thể làm nhưng ít ra cũng sẽ không làm lũ trẻ cười nhạo bạn…

Có hai điều nữa về yêu cầu…

Thứ nhất, yêu cầu một cách thông minh. Đừng lí nhí trong miệng. Bạn sẽ không có được bất kỳ thứ gì bằng cách nói lí nhí. Phải rõ ràng… phải cụ thể. Yêu cầu một cách thông minh cũng bao gồm việc trả lời được câu hỏi về đặc điểm của những gì mà bạn yêu cầu, chẳng hạn như: Chiều cao, chiều dài, giá cả, thời gian, kích thước, mẫu mã, màu sắc. Hãy mô tả những gì bạn cần. Định nghĩa nó. Nên nhớ, mục tiêu được định nghĩa tốt cũng giống như nam châm. Bạn càng đẽo gọt tốt, chúng hút càng mạnh.

Thứ hai, yêu cầu với sự tin cậy. Tin cậy là phần trẻ thơ trong bạn. Điều này có nghĩa là bạn tin sẽ có được những gì bạn muốn. Hãy tin theo cách của một đứa trẻ. Tin tưởng mà không hề có chút bi quan, yếm thế của phần người lớn trong bạn.

Bạn thấy đó, phần lớn chúng ta trở nên quá bi quan. Chúng ta đã đánh mất sự ngây thơ tuyệt vời đó, niềm tin và hi vọng trẻ thơ. Đừng để điều này ngăn cản bạn. Hãy tin tưởng và có niềm tin vào chính bạn và mục tiêu của bạn. Hãy hào hứng – đúng như một đứa trẻ. Hãy nhiệt thành như trẻ con – không có thứ gì có thể lan tỏa nhanh hơn.

Trẻ con nghĩ chúng có thể làm được mọi điều. Chúng muốn biết mọi thứ. Thật tuyệt vời! Chúng ghét phải đi ngủ vào buổi tối và vội vàng nhảy ra khỏi giường vào buổi sáng.

Trẻ con có thể hỏi cả ngàn câu hỏi. Và ngay khi bạn nghĩ rằng mình đã có thể dứt ra để làm việc của mình thì chúng sẽ hỏi thêm cả ngàn câu hỏi khác. Nhưng, dĩ nhiên, sự tò mò của chúng là một đặc tính cao quý. Khi kích hoạt cảm giác tò mò nhiệt thành trẻ thơ của chính mình, bạn sẽ dễ dàng trở thành người yêu cầu thành thục hơn.

Thiết lập mục tiêu và quản lý thời gian

Quản lý thời gian là chủ đề phổ biến trong thời đại ngày nay. Có rất nhiều sách, băng từ và hội thảo nói về chủ đề này và rất nhiều người đang khao khát thông tin về phương thức sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

Thế còn bạn? Liệu bạn có muốn trở thành người quản lý thời gian tốt hơn? Thế thì bạn cần phải hiểu điều này: Nếu bạn không có mục tiêu thì bạn không thể quản lý thời gian hiệu quả. Năng suất là kết quả của những mục đích được xác định rõ ràng. Việc phân bổ thời gian không có ý nghĩa thiết yếu nếu những mục đích không được xác định chắc chắn và sống động trong tâm trí. Nó đơn giản vậy đó. Đây là một trong nhiều lý do tại sao việc viết ra những mục tiêu trên giấy lại quan trọng đến vậy.

Những ưu tiên

Một trong những khó khăn chúng ta phải đối mặt trong thời đại công nghiệp hóa là sự mất cảm giác về mùa. Không giống như người nông dân với những việc cần ưu tiên thay đổi theo mùa, chúng ta trở nên không còn bị ảnh hưởng bởi nhịp điệu của cuộc sống. Hệ quả là chúng ta không cân bằng được những điều cần ưu tiên. Tôi sẽ minh họa những gì đã nói:

Đối với một nông dân, mùa xuân là mùa cần hoạt động nhiều nhất. Đó là thời gian ông ấy phải làm việc suốt ngày, thức dậy trước mặt trời và vẫn còn làm việc cực nhọc khi đồng hồ điểm nửa đêm. Người nông dân phải duy trì trang thiết bị chạy hết công suất vì chỉ có một khoảng thời gian ngắn để gieo trồng mùa màng của mình. Thế rồi khi mùa đông đến thì ông ấy chỉ còn một ít công việc để giữ cho mình vẫn bận rộn.

Ở đây có một bài học. Học cách sử dụng mùa của cuộc sống. Bạn cần quyết định khi nào thì dốc hết sức và khi nào thì thong thả, khi nào thì cần tận dụng và khi nào có thể để cho sự việc tiến triển. Bạn có thể dễ dàng duy trì giờ làm việc công sở từ năm này sang năm khác và đánh mất cảm giác tự nhiên về những điều ưu tiên và chu kỳ. Đừng để năm này trộn lẫn vào năm khác trong một chuỗi dường như bất tận những nhiệm vụ và trách nhiệm. Hãy để tâm đến mùa của riêng mình, để đảm bảo rằng bạn vẫn luôn ý thức được về giá trị và bản chất của mọi điều.

Chính và phụ

Một phần quan trọng trong việc thiết lập những việc ưu tiên là học được cách tách biệt những điều phụ trong cuộc sống khỏi những điều chính yếu. Đây là câu hỏi tốt để hỏi chính bạn bất cứ khi nào bạn phải ra quyết định. Đó là điểm chính hay điểm phụ?

Bằng cách hỏi như vậy, với mục tiêu luôn nằm trong đầu, bạn sẽ giảm nguy cơ dùng thời gian chính cho những dự án phụ.

Còn một điều nữa mà bạn cũng cần phải nhớ là: Đừng dùng thời gian phụ cho những việc chính. Người ta dễ dàng trộn lẫn các giá trị này. Bố mẹ dành ba giờ để xem ti vi và chỉ dành mười phút để chơi với con cái. Một nhà quản lý dành gần hết ngày điền các bảng biểu và dành rất ít thời gian để khích lệ nhân viên. Những con người này đã đánh mất khả năng nhận biết cái gì là quan trọng và cái gì là vụn vặt.

Khái niệm tương tự cũng áp dụng cho tiền bạc. Đừng tiêu những món tiền quan trọng cho những thứ không quan trọng và ngược lại đừng tiêu những món tiền phụ cho những thứ chính. Một số người tiêu cả đống tiền cho thức ăn để bồi bổ cơ thể và dành rất ít cho những món ăn tinh thần. Nếu bạn tiêu nhiều tiền hơn cho kẹo thay vì vào sách và băng từ để tạo cảm hứng cho tâm hồn chẳng phải là điều ngu ngốc sao?

Cách tốt nhất để sử dụng thời gian và tiền bạc là đưa vào đó giá trị tối đa. Đó được gọi là đầu tư cẩn trọng để đạt kết quả tối đa.

Tập trung

Bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể nói cho bạn biết về cái giá khủng khiếp phải trả cho sự thiếu tập trung. Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung bạn sẽ đánh mất vị trí số một cũng như những món tiền lớn. Đừng để điều đó xảy đến với bạn.

Tập trung tối đa vào mọi thứ bạn làm. Khi bạn viết một bức thư – tập trung. Đang cố gắng giải quyết một vấn đề? Tập trung. Đang có một cuộc nói chuyện? Đúng rồi, tập trung. Bạn có thể khó lòng tin được ảnh hưởng của điều này trong cuộc sống của bạn.

Dĩ nhiên, cần có thời gian để trí óc bạn lang thang. Nhưng bạn chỉ nên làm điều đó trong khoảng thời gian bạn đã dành riêng cho việc này. Và khi bạn đi lang thang, đừng làm việc gì khác. Hãy đi dạo trên bờ biển hay lái xe lên núi – rời xa những áp lực của cuộc sống. Hãy để làn gió nhẹ thổi qua mái tóc bạn và để đầu óc mình bay bổng. Mơ mộng. Điều đó tốt cho bạn. Nhưng chỉ làm điều đó vào lúc bạn đã dành riêng như là “thời gian mơ mộng”. Còn tất cả thời gian khác, tập trung.

Liều lượng hiện thực

Còn một điểm cuối cùng để xem xét… Ngay cả với kế hoạch hành động được cân nhắc cẩn thận nhất, bạn vẫn có thể không đạt được những gì bạn muốn. Tôi biết. Làm sao tôi có thể nói điều đó sau khi dành rất nhiều thời gian để chỉ cho bạn cách để đạt được những thứ bạn muốn? Có phải tôi là kẻ nói hai lời?

Tại sao bạn không đạt được những điều bạn muốn? Bởi đó là cuộc sống. Đôi lúc trời đổ mưa đá lên mùa màng của bạn và hủy hoại mọi thứ. Thỉnh thoảng, những con mối cuộc đời gặm nhấm nền móng của bạn. Như vậy không công bằng, bạn bảo? Có lẽ không. Nhưng bởi đó là cuộc sống nên chúng ta chấp nhận nó vậy.

Tuy nhiên, tin tốt là cũng có rất nhiều tin tốt. Nếu bạn làm theo hệ thống tôi đã chia sẻ với bạn, bạn sẽ đạt được nhiều hơn cả mức nhiều. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để đạt được những điều mình muốn hơn. Và đây là những gì tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân.

Mục tiêu. Không ai có thể cho biết bạn có thể làm gì khi được chúng gợi cảm hứng. Không ai có thể cho biết bạn có thể làm gì khi tin vào chúng. Không ai có thể cho biết điều gì sẽ xảy ra cho bạn khi bạn hành động dựa trên chúng. Chỉ cần thử làm theo hệ thống này trong 90 ngày. Chỉ cần thử nó! Nó có thể vận hành với bạn thậm chí còn tốt hơn đối với tôi.

Tôi cầu mong điều đó cho bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.