7 Trò Chơi Tâm Linh

Phụ lục



Năm điều quý giá trong cuộc sống của Tất Thục Mẫn

Mộ chí của sinh viên đại học

1. Năm điều quý giá trong cuộc sống của Tất Thục Mẫn

Khi thầy giáo đưa ra đề tài: Hãy viết ra “Năm điều quý giá trong cuộc sống của bạn”, tôi bèn cầm bút, đối diện với một trang giấy trắng, không gian xung quanh tĩnh mịch. Vạn vật dường như biến thành những món hàng được trưng bày trên giá ở siêu thị, im ắng nằm lặng yên ở đó chờ bạn tới lựa chọn. Chiếc giỏ đựng hàng thì bé, hàng thì lại nhiều như vậy nhưng cũng chỉ được chọn có năm đồ vật mà thôi.

Có lẽ do đã từng làm bác sĩ nên sau ít phút cân nhắc, tôi liền viết một mạch theo bản năng: không khí, nước, ánh sáng,…

Đương nhiên những điều tôi viết ra không sai. Bạn hãy cứ thử tưởng tượng mà xem, nếu một hành tinh không có không khí và nước thì làm sao có được một cuộc sống đẹp đến thế này. Nhưng ngay lập tức tôi biết mình đã rơi vào thế bí. Nếu tiếp tục dựa theo logic y học thì điều phải viết ra tiếp theo sẽ là tim và khí quản vì đó là những linh kiện không thể thiếu trong cuộc sống. Và kết quả là chiếc giỏ đựng hàng nhỏ sắp chật kín rồi. Tôi chỉ có thể chọn năm thứ, không thể nhiều hơn. Nghĩ lại trọng tâm của câu trả lời sẽ phải là “Năm điều quý giá trong cuộc sống của bạn”. Và nếu câu trả lời là “không khí, nước, ánh sáng, khí quản và tim” thì xem ra đậm mùi khoa học quá!

Nếu tiếp tục viết ra những điều như vậy thì e là không ổn. Chức năng của kiểm tra là giúp chúng ta phân biệt được những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chính mình để những lúc phải đưa ra những quyết định trọng đại hay mất mát to lớn thì vẫn có thể giữ được một thái độ chấn tĩnh, giảm bớt sự đau xót. Trong khi đó câu trả lời của tôi lại quá trừu tượng và khô cứng, thiếu đi tính thực tế và tính lựa chọn.

Tôi quyết định ba yếu tố nước, không khí và ánh sáng thì tôi sẽ viết ra những điều độc đáo là liên hệ mật thiết tới sự sống, cái chết của bản thân mình hơn.

Và điều thứ tư sẽ là: Hoa tươi.

Thật ngại khi viết ra những điều này. Nói tới những bông hoa tươi thắm, rực rỡ trong một đề tài nghiêm túc thế này dường như có đôi phần cười cợt. Nhưng tôi thực lòng yêu những bông hoa và cảm thấy không thể thiếu chúng. Những bông hoa xinh tươi tỏa hương thơm ngát tượng trưng cho những điều tốt đẹp và những khó khắn không thể lẩn tránh trong cuộc sống. Ước rằng luôn có một bó hồng rực lửa đi cùng tôi tới chân trời góc bể.

Sau khi viết ra hai từ “hoa tươi” thì tôi biết rằng mình chỉ còn lại một sự lựa chọn. Trong phút chốc, vô vàn âm thanh vọng lại bên tai tôi, kể cho tôi nghe về sự quan trọng của chúng với hy vọng vào những giây phút cuối cùng, có thể nằm gọn trong chiếc giỏ đựng những “bảo vật” của tôi.

Tôi liếc mắt nhìn câu trả lời của các bạn học xung quanh mình, cảm thấy lo lắng đôi chút.

Có bạn viết: “bố mẹ” khiến tôi đột nhiên cảm thấy mình là đứa con bất hiếu. Đúng vậy, đối với cuộc sống của tôi mà nói thì lẽ nào cha mẹ không phải là một trong những điều quý giá nhất? Hơn nữa, nếu không có họ thì làm sao có tôi. Chỉ nghĩ đến cảnh họ ra đi bỏ lại tôi ở lại, không bao giờ được gặp lại họ nữa mà lòng tôi lạnh buốt.

Lại có người viết: “con cái” khiến tôi cảm thấy thảng thốt lo sợ, thậm chí có cảm giác như mình đang mắc tội. Những sinh linh nhỏ bé đó do tôi dứt ruột đẻ ra? Sao tôi lại có thể bỏ rơi chúng vào ngay thời khắc quan trọng này?

Cũng có người viết: “chồng” khiến tôi càng cảm thấy xấu hổ. Nói thật lòng là trong suốt quá trình lựa chọn vừa rồi, dường như tôi đã quên đi chồng mình hoặc bởi vì trong tiềm thức cho rằng trước khi có anh ấy thì cuộc sống của tôi đã tồn tại rất lâu rồi. Chúng tôi đã hẹn ước với nhau rằng, cho dù ai đi trước thì người còn lại vẫn phải sống sao cho thật vui vẻ. Đã không sinh cùng tháng cùng ngày thì cũng khó mà chết cùng tháng cùng ngày. Cả hai chúng tôi đã giao hẹn với nhau như thế xem ra cũng hợp lý phải không nào?

Đang phân vân không biết làm thế nào thì một câu nói của cô giáo đã “cứu” lấy tôi. Cô nói những điều quý giá trong cuộc sống không nhất thiết phải là những điều theo tư duy logic có thành hiện thực hay không, chỉ cần đó là những điều các bạn thực sự yêu quý mà thôi.

Thế là tôi lại tập trung suy nghĩ.

Sau một chút bối rối, tôi quyết định viết ra hai từ “máy tính”. Bởi vì về cơ bản thì đã lâu rồi tôi không viết tay. Chiếc máy tính đã trở thành một người cộng sự không thể thiếu của tôi trong công việc. Khi đặt bút viết tôi nghĩ, máy tính ở đây không chỉ đơn thuần là một loại công cụ mà nó còn đại diện cho tình yêu tha thiết và trách nhiệm của tôi đối với công việc. Nhưng ngay lập tức, tôi phát hiện ra máy tính có rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như mất điện hay bị virut thì sẽ chẳng còn có tác dụng gì nữa. Chỉ có chiếc bút nguyên sơ cho dù có đơn giản, xấu xí nhưng vẫn cùng con người đồng hành qua mọi khó khăn bất chấp ngày đêm, mưa bão.

Vậy là trên tờ giấy trắng tinh đã hiện ra năm điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi. Đó là:

Nước, ánh sáng, không khí, hoa tươi và bút (thứ tự của năm điều này được xếp một cách ngẫu nhiên).

Các bạn học của tôi cười rúc rích, đổi cho nhau xem câu trả lời. Sau khi xem xong, không gian chìm trong im lặng. Tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng những điều mà mọi người viết ra hoàn toàn khác nhau, có nhiều người viết ra những đáp án khiến người khác phải kinh ngạc. Ví dụ như có một bạn nam viết “bóng đá”, hay có bạn nữ nào đó viết “kẹo socola” khiến tôi lấy làm lạ. Nhưng cô giáo nhắc đi nhắc lại rằng, đừng lấy quan điểm của mình để đánh giá người khác, thế nên không ai có ý kiến gì.

Tiếp theo, cô giáo nói, được rồi, bây giờ mỗi người hãy tìm và bỏ đi một thứ không quan trọng nhất trong năm thứ mà các bạn đã viết ra.

Sau khi cân nhắc, tôi quyết định đánh chữ “x” nho nhỏ bên cạnh chữ “hoa tươi”, ý muốn nói vì lựa chọn bắt buộc mà phải từ bỏ vẻ đẹp kiều diễm và hương thơm nồng nàn của chúng đầu tiên.

Cô giáo bước tới gần và nói, không được chỉ đánh một ký hiệu nhỏ như vậy. Vứt bỏ có nghĩa là phải xóa sạch hoàn toàn. Em phải dùng bút xóa hẳn nó đi.

Nghe theo lời cô giáo, tôi nhấn mạnh đầu bút, xóa sạch hai chữ “hoa tươi”, khi hai chữ “hoa tươi” bị lớp mực đen phủ kín, tôi cảm thấy xung quanh như đang mất đi những màu sắc rực rỡ của những bông hoa, cuộc sống giờ đây giống như những thước phim đen trắng vào hồi giữa thế kỷ. Tôi cúi đầu, cắn răng tự nói với mình, so với bốn thứ còn lại thì những bông hoa xa xỉ và lãng mạn vẫn còn kém một bậc, thôi, bỏ thì bỏ vậy. Mặc dù không còn ngửi thấy hương thơm của hoa nữa nhưng niềm hạnh phúc vẫn còn khá trọn vẹn.

Mời các bạn lại gạch đi một thứ nữa trong bốn thứ còn lại. Giọng cô giáo vang lên một cách bình thản, pha chút ép buộc, tăng áp lực.

Tôi cảm thấy khó xử khi phải đối mặt với tờ giấy trắng trước mặt mình. Ánh sáng, nước, không khí, bút,… biết gạch bỏ cái gì bây giờ. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định gạch “nước”. Xét ở góc độ kiến thức y học thì nếu không có không khí, con người chỉ có thể hấp hối trong vài phút, còn nếu không có nước thì ít ra con người cũng có thể cầm cự được vài ngày. Trong hai cái quan trọng đành chọn cái ít quan trọng hơn vậy.

Tôi dường như đã đoán ra quy luật của trò chơi, cảm giác đau nhói bắt đầu lan tỏa, cảm giác sợ mất mát bắt đầu dâng trào. Sự lựa chọn đau khổ giống như chiếc ngõ ngóc ngách hướng về nơi xa xăm.

Quả nhiên, cô giáo yêu cầu chúng tôi tiếp tục gạch đi một điều nữa, chỉ cho phép để lại hai thứ.

Lúc này, cả phòng học chìm trong im lặng, giống như khu nghĩa trang im lìm đến đáng sợ. Ai nấy đều chìm trong suy nghĩ, không thể đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi không thể nào hỏi ý kiến người khác mà chỉ còn cách buồn rầu đối mặt với trang giấy trắng ngay trước mặt mình.

“Bút, ánh sáng, không khí…”. Biết chọn cái nào đây?

Tôi bèn nhắm mắt và gạch “không khí” đi.

Trong phúc chốc đó, tôi cảm thấy cổ họng như bị tắc lại, hai tay tê buốt, mắt hoa lên, tim loạn nhịp và không thể thở nổi…

Tôi đã từng đứng trên độ cao cách mặt nước biển hơn 5.000m và cảm nhận được cảm giác thiếu không khí khó chịu tới mức nào. Nếu con người không có không khí thì hồn sẽ dần lìa khỏi xác. Tất cả chỉ là những thảo luận về mặt triết học mà thôi.

Và bây giờ lại tiếp tục xóa đi một thứ và chỉ được phép để lại một thứ. Giọng nói cô giáo ấm áp nhưng đầy sự cứng rắn, cương quyết. Đối với chúng tôi, những người phải đưa ra lựa chọn một cách bất đắc dĩ thì lời cô nói chẳng khác nào tiếng sấm bên tai.

Trong phòng đâu đó vang lên tiếng khóc thút thít. Con người mà, khi phải đối mặt với sự mất mát thì không đau lòng sao được? Cho dù đây chỉ là một ví dụ thì cũng khiến cho lòng ta tan nát.

Bút và ánh sáng. Hai thứ còn sót lại trên trang giấy như đang nhìn tôi chăm chú.

Để lại ánh sáng đi. Nơi sâu thẳm tâm hồn tôi vang lên tiếng nói. Hãy để lại hơi ấm, ánh sáng. Hoa hồng có thể nở lạ, không khí và nước có thể tìm lại. Tất cả những thứ đã mất đi đều có thể trở lại một cách bất ngờ. Cho dù không còn gì, chỉ còn lại ánh sáng thì cũng có thể nằm trên bãi cát và tắm nắng.

Nghĩ tới đây, mỗi góc khuất trong tâm hồn tôi dường như đang bừng sáng.

Nhưng có điều, tôi đang ở đâu? Tôi đang làm gì?

Tôi nhìn thấy cái bóng cô đơn của mình. Tôi thấy mình đang đứng dưới gốc dừa trên bờ biển, vô cùng cô đơn, một mình xem mặt trời lặn, nghe tiếng sóng vỗ rì rào.

Tồn tại như vậy còn có ý nghĩa gì nữa? Tôi buồn rầu ngước mặt lên trời hỏi. Nhưng trời không trả lời.

Tôi cúi đầu, lấy lại bình tĩnh, cầm bút lên và gạch đi hai chữ “ánh sáng”.

Trên một tờ giấy rộng để lại bao vết hằn, vết mực đen, giờ chỉ còn lại một đồ vật duy nhất. Đó là chiếc bút.

Trò chơi mang tính lựa chọn đầy đau khổ và khó khăn này giống như một chiếc van nước đang dần đóng lại, tích tụ nước bên trong rồi bất chợt bật ra, rửa sạch tâm hồn chúng ta.

Xin cảm ơn trò chơi này vì đã giúp tôi nhận ra điều gì là quan trọng nhất cuộc đời của tôi – đó chính là chiếc bút tôi đang cầm trong tay. Nó lách cách bay nhảy trên trang giấy, chạm nhẹ vào tâm hồn tôi, giống như trái tim thứ hai của tôi.

Trong cuộc sống, sau khi đưa ra những lựa chọn sáng suốt,

Sẽ hiểu ra điểm tựa tâm hồn mình,

Giống như một đứa trẻ

Hồn nhiên mà trong sáng.

Tôi gập tờ giấy lại và giữ gìn nó một cách cẩn thận như giữ một tấm vé tàu đã đặt trước. Biết được điểm đến của chiếc thuyền thì điều còn lại chỉ là giương cao cánh buồm lộng gió thẳng tiến tới bến bờ thắng lợi.

2. Mộ chí của sinh viên đại học

Năm đó, tôi và một người bạn được mời tới một trường đại học để nói chuyện. Nhà trường để cho chúng tôi tự chọn đề tài cuộc nói chuyện, chỉ cần liên quan tới vấn đề tâm lý thanh niên là được. Người bạn của tôi nói, cố ấy muốn nói chuyện tình yêu và giới tính với các sinh viên. Đây đúng là một đề tài rất nóng, nhưng không biết nói chuyện về giới tính giữa nơi trang nghiệm như thế liệu trường học đó có đồng ý hay không? Vì vậy chúng tôi khéo chuyển tên đề tài cuộc nói chuyện thành “Cùng sinh viên nói chuyện tình yêu”, nhưng làm thế nào để nói chuyện hóm hỉnh….

Sau khi suy nghĩ, chúng tôi đã tìm ra cách khiến cho hai chữ “giới tính” trở nên mô phạm hơn. Thế là cô bạn tôi quyết định đặt tên cho cuộc nói chuyện là “Cùng sinh viên nói chuyện giới tính, tình yêu”. Nhưng chúng tôi đã có một cuộc tranh luận nho nhỏ, đó là để chữ “giới tính” đứng trước hay chữ “tình yêu” đứng trước. Đây không phải là gây sự chú ý của mọi người mà chỉ đơn thuần dựa trên bản chất tiến hóa của con người mà thôi.

Xin cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của trường học, vì đề tài của bạn tôi đã được thông qua một cách thuận lợi. Nhưng đến đề tài của tôi, tôi phải nói gì để phù hợp với đề tài của cô bạn mình. Tôi đùa nói, nếu cậu đã nói về giới tính và tình yêu thì mình sẽ nói về sự sống và cái chết nhé! Tôi chỉ nửa đùa nửa thật như vậy, không ngờ mọi người đều nói “OK” và đề tài của tôi đã được quyết định như thế.

Tôi cũng có chút băn khoăn vì không biết thanh niên thời nay có hứng thú tới đề tài “cái chết” xa lắc xa lơ không? Bình thường, nhắc tới thanh niên, mọi người đều nghĩ tới cỏ xanh, hoa tươi, tóc đen óng, tách biệt hoàn toàn với tuổi già ốm yếu thê thảm. Đặt hai cực này vào một chỗ, trừ việc cảm thấy mạo hiểm ra tôi còn cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình.

Chết là một mệnh đề trong triết học, có người nói toàn bộ hệ thống triết học được xây dựng trên xương trắng của cái chết. Tôi hiểu rõ mình là một nhà triết học, tìm hiểu về cái chết và những điều liên quan tới cảm giác sợ chết. Khi tôi mới bốn, năm tuổi, một lần đột nhiên tôi nhìn thấy có người đang khiêng quan tài, tôi bèn hỏi người đó trong chiếc hộp này đựng cái gì? Người đó bèn trả lời, đựng một người chết. Khi đó tôi không hiểu thế nào là cái chết, chỉ cảm giác thấy chiếc quan tài đó rất nhỏ, người nằm trong đấy chắc chắn phải gập người giống như con tằm, chắc là cảm thấy bí bách khó chịu lắm. Thế là từ đó, một cô bé gái như tôi đã nảy sinh sự hiếu kỳ về cái chết. Cảm giác hiếu kỳ đó khiến tôi cảm thấy hứng thú với cái chết trong suốt một quãng thời gian. Tôi có kinh nghiệm trong ngành y khoảng hơn chục năm. Kể cả trong thời bình thì bác sĩ là cái nghiệp luôn phải song hành cùng cái chết. Dù đã từng vô số lần chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân nhưng tôi vẫn không thể cảm thấy bình thản trước cảnh tượng đó. Còn một điều rất quan trọng nữa đó là hồi hơn mười tuổi, tôi đã tới Tây Tạng. Thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống cao nguyên cô đơn ở đó khiến tôi giống như người tiền sử, luôn tìm hiểu xem con người từ đâu tới, và sẽ đi về đâu?

Cho dù tôi có nói vậy thì đề tài cũng đã quyết định rồi, không thể thay đổi được. Tôi chỉ còn cách chuẩn bị và thu thập tài liệu mà thôi.

Khi cuộc nói chuyện chính thức bắt đầu, tôi cảm thấy rất lo lắng. Buổi nói chuyện được tổ chức ở hậu trường. Mọi chỗ ngồi đều đã kín, ngay cả đường đi lẫn chỗ gần bục nói chuyện đều có sinh viên ngồi. Vì đề tài nói chuyện của mình khá nặng nề nên tôi đã cố ý thiết kế mấy trò chơi để các sinh viên tham gia.

Cuộc nói chuyện bắt đầu, trước tiên tôi tiến hành một cuộc điều tra dân ý. Tôi hỏi các bạn sinh viên có hứng thú với đề tài “cái chết” hay không Tôi cũng không rõ trong số những người ngồi đây, có bao nhiêu người đã từng nghĩ tới cái chết?

Tôi vừa dứt lời, cả hội trường chìm trong im lặng. Tôi đứng trên bục nên có thể quan sát toàn cảnh hội trường, tôi thây gần một nửa số sinh viên giơ tay. Tôi hiểu là có rất nhiều người đã từng tìm hiểu về vấn đề này, nhiều hơn con số mà tôi đã dự tính trước đó rất nhiều. Sau đó tôi đã yêu cầu các bạn sinh viên viết ra mộ chí cho mình. Trong vòng vài phút đó, hội trường vô cùng im ắng. Nếu có người nào đó bên ngoài đi qua, chắc chắn sẽ nghĩ rằng trong hội trường không có người, nhưng thực ra thì các bạn sinh viên đang tập trung suy nghĩ về cuộc đời mình. Đứng từ trên bục nhìn xuống (thực ra tôi không hề thích đứng trên chiếc bục cao này vì nó tạo ra cảm giá nặng nề cho người đứng trên bục đó. Tôi thích được trò chuyện với mọi người ở một vị trí ngang bằng vì không chỉ xét ở thái độ mà cả ở vị trí nói chuyện thì mọi người sẽ có cái nhìn thoải mái hơn. Nhưng nhà trường nói không còn chỗ nào hợp lý hơn nên tôi đành phải chấp nhận). Có rất nhiều người cắn bút, mặt trắng bệch. Tôi cảm thấy rất áy náy vì nghĩ rằng mình đã đưa ra một đề tài không mang lại cảm giác may mắn, khiến cho các bạn sinh viên, những người đang tràn đầy sức sống phải già trước tuổi.

Khoảng chừng 5 phút sau, những gương mặt phía dưới như những bông hoa hướng dương ngước nhìn lên phía tôi. Tôi hỏi, các bạn đã viết xong chưa?

Mọi người đồng thanh trả lời, viết xong rồi.

Tôi nói: “Vậy, không biết có bạn nào sẵn lòng bước lên trên đây, đối diện với các thầy cô giáo và các bạn học sinh, đọc lên mộ chí của mình không?”

Trong cả một biển người nhưng chỉ có một vài cánh tay giơ lên. Tôi chỉ mấy sinh viên và mời các em lần lượt bước lên trên bục thuyết trình.

Nhưng có không ít những cánh tay không dám giơ cao, chính vì vậy tôi nói: “Thế này nhé, bạn nào sẵn lòng lên thì hãy tự động xếp thành hàng ở bên kia nhé. Chờ các bạn phía trước nói xong thì đến lượt các bạn. Các bạn nhớ tự giới thiệu về mình, là sinh viên khoa nào, năm thứ mấy, sau đó hãy đọc to mộ chí của mình cho mọi người cùng nghe”.

Ngày hôm đó có mấy chục sinh viên đứng lên đọc mộ chí của mình. Sau đó vì có quá nhiều sinh viên đứng xếp hàng, nên phía nhà trường phải cử giáo viên đứng chắn.

Cuộc nói chuyện ngày hôm đó là bài học giáo dục rất lớn đối với tôi. Mọi người thường cho rằng, cái chết là chuyện chỉ có người già mới nghĩ tới, nói ở đây là đặt nhầm chỗ. Cuộc sống là sự tồn tại hướng tới cái chết. Khi chúng ta ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống, sức sống của tuổi trẻ thì cũng là lúc chúng ta đang khẳng định sự tồn tại tất yếu của cái chết. Các bạn hãy thử nghĩ mà xem, nếu không có cái chết thì trái đất này đã sớm bị khủng long chiếm giữ rồi. Ngay cả vượn cũng không biết ở đâu ra, chứ huống chi tới sự tồn tại của con người.

Mỗi khi có một người ra đời cũng là lúc chiếc đồng hồ đếm ngược của cuộc sống bắt đầu chạy.

Khi tôi viết ra câu nói trên thì cảm giác về khoảng cách tới cái chết đã gần kề hơn cả thời khắc mà tôi nghĩ ra tên chủ đề cho cuộc nói chuyện. Trong cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại một sự thực tàn khốc, đó chính là dù bạn trẻ, hay bạn đã già thì bạn vẫn luôn phải đối mặt với cánh cửa tử thần.

Nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, không gian riêng tư của chúng ta ngày càng bị thu hẹp, thời gian suy tư tìm hiểm ngày càng rút ngắn. Nhưng không phải vì chúng ta quá bận rộn mà không nghĩ tới cái chết, mà những bước đi của nó vẫn luôn tiến lại gần phía chúng ta. Y học ngày nay phủ lên cái chết một tấm màn màu trắng để chúng ta không hiểu được cặn kẽ về nó. Nhưng cái chết vẫn mạnh mẽ tiến tới, không có gì có thể chống lại nó.

Một người khi còn trẻ đã suy nghĩ về cái chết

Với một người đã già mới suy nghĩ về cái chết

Thậm chí sắp tới lúc chết vẫn không mảy may nghĩ về cái chết

Tạo ra những ranh giới hoàn toàn khác nhau.

Biết trước một cái kết đang chờ đón chúng ta để biết cuộc sống quý giá thế nào, để biết tìm thấy ánh sáng, để biết trân trọng hơi ấm nơi trần gian, để biết từ bỏ và tránh xa cái xấu, để biết khinh thường những hư vinh….

Ngày hôm đó, trong hội trường, có một lúc tôi dường như đã quên đi rằng cứ từng người, từng người trẻ tuổi một đang viết mộ chí cho bản thân mình, viết ra những gì tự đáy lòng mình.

Có một chàng trai rất nhút nhát rói rằng, cậu ta sẽ khắc lên mộ chí của mình dòng chữ: Đây là nơi yên nghỉ của một người mang quốc tịch Trung Quốc đã từng giành giải thưởng của Nobel.

Khi đó, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Tôi nghĩ, cho dù cả cuộc đời này cậu ấy có giành được giải thưởng này không thì lòng quyết tâm và sự hy vọng của cậu ây cũng xứng đáng được nhận những tràng vỗ tay giòn giã như vậy.

Một nữ sinh thanh tú lại nói, mộ chí của cô sẽ có hàng chữ: Một cô gái hạnh phúc.

Còn có một cậu sinh viên nói, mộ chí của tôi sẽ viết: Tôi đã cười, tôi đã yêu và tôi đã sống…

Những con người trẻ tuổi này vì đang nghĩ tới cái chết mà đã tiếp thêm cho mình biết bao sức mạnh.

Chúng ta có được là nhờ sự thay đổi của biết bao sinh mệnh. Về điều này, chúng ta không chỉ phải cảm ơn cha mẹ mà còn phải cảm ơn tổ tiên, cảm ơn trời đất, cảm ơn quá trình tiến hóa. Khi chúng ta ra đời, trên cơ sở giới tính, chúng ta nảy sinh tình cảm với những người khác giới. Tình yêu chính là món bảo bối tinh thần của loài người. Nó trước tiên xuất phát từ mục đích sinh sản thông thường, rồi trở thành thiên đường nơi hai trái tim cùng hòa nhịp đập. Nhưng tất cả những điều đó vẫn bị cản trở bởi cái chết. Cái chết tấn công sự sống, thúc giục sự sống, khiến cho chúng ta phải nhìn lại ý nghĩa cuộc sống của mình.

Sau này tôi cũng đã có nhiều cuộc nói chuyện ở những nơi khác về vấn đề này. Tôi cũng đã ghi chép lại mộ chí của những người trẻ tuổi. Họ giúp tôi nhận ra rằng, đề cập tới cái chết đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một tâm hồn khỏe mạnh.

“Đây là nơi an nghỉ của một cô gái. Cô gái này đã hoàn thành những tâm nguyện trong cuộc sống của mình, và giờ đây cô sẽ tới một thế giới khác, nhưng cô sẽ mãi sinh ra ở nơi này. Cô ấy có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, và cũng có một cuộc sống tràn đầy cống hiến, nhiệt huyết. Mặc dù cô ấy sẽ có một giấc ngủ rất dài, rất dài ở nơi đây nhưng cô ấy vẫn luôn sống, luôn sống trong tâm trí mọi người”.

“Cao thượng là tấm vé thông hành của người cao thượng”.

“ Tôi không phải là một ngôi sao băng”.

“Sống là sự mở đầu của cái chết, chết là sự tiếp nối của sự sống. Nếu 50 năm sau tôi qua đời thì tôi sẽ tận trung với tổ quốc, tận hiếu với cha mẹ. Nếu 5 năm sau tôi ra đi tôi sẽ phấn đấu vì lý tưởng. Nếu 5 tháng sau tôi qua đời thì tôi sẽ yêu thương cha mẹ và bạn bè hết mực. Nếu tôi sẽ ra đi sau 5 ngày nữa thì tôi sẽ nhìn lại những cay đắng, ngọt, bùi trong cuộc đời mình. Nếu tôi ra đi trong 5 giây nữa thì tôi sẽ chúc phúc cho tất cả mọi người quanh đây”.

Các bạn thấy sao? Những đoạn mộ chí vừa rồi rất hay và ý nghĩa, phải không?

Theo cách nhìn của các nhà triết học thì việc nhận ra cái chết là một giai đoạn tất yếu để cá thể nhận thức ra được mình đang trưởng thành.

Một người có tâm hồn khỏe mạnh là người hiểu rõ về quan niệm cuộc sống và quan niệm cái chết.

Bạn không thể hình dung ra được một người không bao giờ vạch ra cho mình những kế hoạch dài hạn sẽ có một tâm hồn rắn rỏi, mạnh khỏe và nhân ái. Nếu nói trong những điều thảo luận vừa trên, tôi còn có điều gì hối tiếc không thì tôi sẽ nói rằng, giới trẻ bây giờ thường thu hẹp thời gian sống của mình.

Người ta thường nói rằng không thích mình sống quá lâu, chỉ cần sống đến bốn mưới, năm mươi tuổi là được rồi. Trong đó bao gồm cả những người nổi tiếng nói 35 tuổi sẽ về hưu, sau đó sẽ hưởng lạc bởi vì họ đã quá mệt mỏi rồi. Nếu đây chỉ là những câu nói đùa thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu đã thực sự đặt ra kế hoạch cho cả cuộc đời mình thì mong các bạn để thời gian dài hơn một chút, để cuộc sống sống có thể chậm rãi hơn, để có thể ngắm và hưởng thụ được nhiều điều tốt đẹp của cuộc sống hơn trước khi phải đối mặt với cái chết.

Các bạn thân mến, không biết bây giờ đã là chiều tối hay đã là đêm khuya? Còn tôi hy vọng đó là một buổi sáng sớm có ánh sáng mặt trời tươi đẹp, có những làn gió nhè nhẹ thổi qua, có những tiếng chim hót quanh đâu đây và để cuốn sách này được đóng lại. Đã tới lúc chúng ta phải nói lời tạm biệt. Cảm ơn sự tin tưởng mà các bạn đã dành cho tôi trong suốt thời gian qua. Cảm ơn quãng thời gian mà chúng ta đã cùng trải qua. Quá trình chơi 7 trò chơi có thể diễn ra không thoải mái, nhẹ nhàng nhưng sau khi chơi xong, nó sẽ để lại những vỏ trai lấp lánh trong biển não của bạn, và những bí mật của bạn sẽ hóa thành những viên ngọc trai lấp lánh nằm ngủ yên trong đó….


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.