7 Trò Chơi Tâm Linh

Sức khỏe Là một bông hoa tam giác



Mỗi dịp tết đến tôi lại nhận được rất nhiều thiệp chúc mừng của bạn bè. Tôi thích những tấm thiệp giấy xinh đẹp và những lời chúc ngọt ngào. Sau Tết nguyên tiêu, tôi vẫn không nỡ bỏ những tấm này đi nên đã cất chúng vào trong một chiếc hộp giấy. Vài năm qua đi, chiếc hộp đã đầy tới mức không đậy được nắp. Cứ mỗi lần mở ra là những chiếc thiệp bay ra ngoài, trông chẳng khác nào những bông hoa tuyết tung bay trong gió. Nhìn những nét bút sặc sỡ, tôi chợt nảy ra ý tưởng phân loại thiếp. Không kể người gửi thiếp là già hay trẻ, nam hay nữ, cũng không kể mẫu người truyền thống hay hiện đại, nói tóm lại không phân tuổi tác, giới tính và nơi ở. Tôi chỉ muốn biết vào những ngày lễ truyền thống, người Trung Quốc thích chúc nhau điều gì nhất.

Tôi đặt những tấm thiệp ghi lời chúc “Chúc phát tài” sang một bên. Tiền tài quả thật là rất quan trọng nhưng tôi cũng phải khẳng định rằng, đó không phải điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy những tấm thiệp ghi lời chúc “Ước gì được nấy”. Theo nghiên cứu tâm lý học, trong một ngày, bộ não của con người có thể sản sinh ra hơn sáu mươi nghìn ý tưởng, nếu ngày nào cũng muốn “Ước gì được nấy” thì chẳng phải thiên hạ sẽ đại loạn sao? Chúc “Luôn vui vẻ” xem ra cũng còn hợp lý. Nhưng nghĩ lại, trong cuộc sống nào có nhiều chuyện đáng mừng đến vậy. Lời chúc này rất hay nhưng xem ra rất khó thực hiện.

Sau một hồi phân loại, kết quả như sau: Lời chúc nhiều nhất mà tôi nhận được là “Chúc bạn mạnh khỏe”!

Xét cho cùng, khỏe mạnh vẫn là điều ai nấy đều mong đợi. Nhưng sức khỏe không từ trên trời rơi xuống, cũng không phải chỉ dựa vào mấy lời chúc mà có được. Cũng giống như những sự việc khác, sức khỏe là sự cố gắng, là quá trình xây dựng, rèn luyện và bảo vệ.

Vậy, khỏe mạnh là gì? Có biết bao người luôn cầu mong mình được khỏe mạnh nhưng mấy ai hiểu rõ khái niệm của hai chữ “khỏe mạnh”? Năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa “khỏe mạnh” như sau: “Khỏe mạnh không đơn thuần chỉ là không mắc bệnh tật hay tình trạng sức khỏe không suy nhược. Khỏe mạnh là sự kết hợp hoàn hảo giữa cơ thể, tâm lý và khả năng xã hôi”.

Định nghĩa trên của Tổ chức Y tế Thế giới rất chuẩn xác. Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tính bao quát của nó vẫn còn tồn tại. Để biết được một người có khỏe mạnh hay không, không chỉ xem anh ta có cao lớn hay không, hay kết quả các xét nghiệm có bình thường hay không. Điều quan trọng là phải xét xem trạng thái tâm lý và khả năng xã hội của người đó có tốt hay không. Nếu ví thế gian là một vùng đồng bằng rộng lớn, thì mỗi con người đều là một cái cây tươi tốt. Trên mỗi cái cây sẽ nở ra những bông hoa tam giác vô cùng xinh đẹp. Mỗi cánh hoa màu đỏ, đại diện cho tâm hồn. Và một cánh hoa màu xanh da trời, đại diện cho khả năng xã hội.

Khỏe mạnh là điều ai cũng mong đợi. Nhưng cho dù cánh hoa màu vàng có đẹp đến mấy thì nó cũng chỉ là một phần của thân cây. Chỉ khi những cánh hoa màu đỏ và màu xanh cùng khoe sắc thì mới tạo nên một bức tranh phong cảnh hài hòa và tràn đầy sức sống. Thậm chí có thể nói rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giữ gìn sức khỏe không có nghĩa là chữa khỏi mọi loại bệnh mà nó còn có nghĩa là cho dù bệnh tật vẫn tồn tại nhưng bạn đã biết cách cân bằng và điều chỉnh cuộc sống của mình, bạn đã biết cách cư xử ôn hòa với mọi người, giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó, cuộc sống tràn ngập niềm vui, xóa bỏ cảm giác sợ hãi khi phải đối mặt với cái chết…. Đây mới chính là sự khỏe mạnh toàn diện. Bậc thầy về cờ tướng, ông Ngô Thanh Nguyên nói: “Khỏe mạnh chính là sự khỏe mạnh của bộ não”.

Có người sẽ nói, cánh hoa màu vàng đại diện cho cơ thể có thể nhìn thấy và cũng có thể sờ thấy, còn cánh hoa màu đỏ đại diện cho tâm hồn lại quá trừu tượng. Nếu không hiểu rõ thì “lờ mờ” chẳng khác nào đi xem tướng, xem bói. Thực chất môn tâm lý học rất nghiêm khắc, đây là một bộ môn khoa học nghiên cứu hành vi và quá trình tâm lý. Có người nói: Trong lòng tôi nghĩ gì, nếu tôi không nói ra thì làm sao bạn biết được. Còn nếu tôi có nói nhưng lại không nói thật thì bạn cũng chẳng thể nào biết được.

Quả thực, đến nay con người vẫn chưa phát minh ra được loại máy nào có thể đoán chính xác được tâm tư tình cảm của con người. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là bộ môn tâm lý học hiện đại là một bộ môn mơ hồ, có thể suy luận chủ quan. Người xưa có câu: “Nghe những điều người ta nói, nhìn những điều người ta làm”. Đây chính là một trong những phương pháp nghiên cứu rất có giá trị của môn tâm lý học. Suy nghĩ của một người sẽ được biểu hiện thông qua hành động và lời nói của người đó. Việc này cũng tương tự như việc người ta có thể phân tích được thể tích và thành phần của núi băng dựa vào một góc núi nhô lên mặt biển.

Môn tâm lý học là một bộ môn có tuổi đời còn trẻ. Năm 1900 Freud cho ra đời cuốn sách Phân tích giấc mơ, đánh dấu cho quá trình hình thành của ngành tâm lý học. Tính đến nay, ngành tâm lý học đã có lịch sử hơn 100 năm.

Tổ chức Y tế Thế giới đã miêu tả khái niệm “khỏe mạnh” bằng hình ảnh một tòa nhà ba tầng. Tầng dưới cùng là sinh lý khỏe mạnh, tầng thứ hai là tâm lý khỏe mạnh và tầng trên cùng chính là khả năng xã hội khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh nằm ở tầng thứ hai, trên một tầng nhưng lại dưới một tầng, đó chính là lý do tại sao không thể thiếu được tầng này. Mặc dù cơ thể bạn khỏe mạnh nhưng tâm lý không khỏe mạnh thì cũng không thể gọi là khỏe mạnh thực sự, và từ đó cũng không thể giúp cho khả năng xã hội khỏe mạnh toàn diện. Ngược lại, cho dù về mặt sinh lý còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng tâm lý lại khỏe mạnh thì vẫn có thể giúp bạn phục hồi sinh lý, đồng thời giúp bạn hoàn thiện khả năng xã hội của bản thân.

Nhà văn Pháp Michel de Montaigne nói : Điều quan trọng nhất trên thế giới nà là hiểu bản thân mình. Giải mã được những bí ẩn của tâm hồn, hiểu bản thân là nền tảng của mọi thành công. Xét về mặt ý nghĩa, tâm lý học không chỉ là một môn khoa học nghiêm khắc mà nó còn là một quá trình tìm hiểu tâm hồn con người.

Vậy làm thế nào để biết tâm lý bản thân có khỏe mạnh hay không? Tâm lý khỏe mạnh không chỉ là một câu nói trống rỗng. Hiểu được kết cấu tâm lý của bản thân là cả một công trình mang tính hệ thống. Chính vì thế phải thường xuyên kiểm tra, tu sửa, củng cố cho tầng hai của tòa nhà để cánh hoa màu đỏ của bạn đón nhận những ánh nắng tươi đẹp của mặt trời.

Có thể cũng có người nói rằng: Tôi ghét nhất khi bị người khác nói mình bị bệnh về tâm lý, vì nói thế chẳng khác nào tôi bị mắc bệnh tâm thần. Tôi không sao hết. Tôi vẫn khỏe mạnh bình thường. Mỗi lần gặp phải những việc phản cảm, chúng ta rất hay nói: Cậu bị sao thế? Thần kinh à? Người nghe cũng chẳng vui vẻ gì, liền đáp lại: Cậu nói ai thần kinh? Cậu thần kinh thì có!

Từ “thần kinh” ở đây ám chỉ đầu óc một người không bình thường, vừa ngu vừa ngốc, có thể xem như một câu mắng chửi. Rất nhiều người coi thần kinh và tâm lý là một, nhưng thực ra, mặc dù chúng có mối liên hệ với nhau nhưng lại thuộc hai phạm trù khác nhau. Bệnh thần kinh chỉ chứng bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh. Người mắc chứng bệnh này thường có những hành vi trở ngại thần kinh như hoang tưởng, mơ tưởng hão huyền, phấn khích quá mức, vận động chậm chạp. Trong khi đó phạm trù tâm lý lại không bao gồm những biểu hiện này.

Việc tách biệt thần kinh và tâm lý là rất quan trọng. Bệnh thần kinh chỉ là sự thay đổi bệnh lý mà một số ít người mắt phải. Còn tâm lý là một bộ phần hợp thành thông thường mà mỗi người trong chúng ta đều có giống như việc ai cũng có tim, gan, thận, phổi, tì.

Cũng giống như sinh lý, tâm lý cũng có những căn bệnh liên quan, chính vì thế mắc các bệnh về tâm lý không phải là việc gì khó hiểu. Nếu xét ở một mức độ nào đó thì nó chính là một bộ phận hợp thành thông thường trong suốt quá trình sống. Nếu xét về sinh lý một người có thể bị cảm cúm thì tâm lý đôi khi cũng có thể bị “cảm cúm”.

Khi tâm lý bị “cảm cúm”, bạn cũng không cần quá lo lắng, chỉ cần biết cách chữa trị mọi việc sẽ trở lại bình thường. Cũng có thể có người nói rằng, tâm lý của tôi vô cùng khỏe mạnh, không cần phải chăm chút hay bảo vệ gì cả. Điều này cũng có lý nhưng không đúng hoàn toàn. Một số người tố chất tâm lý tương đối tốt, cũng giống như việc có người vóc dáng cao to, khỏe mạnh. Nhưng khỏe mạnh không phải là chuyện một sớm một chiều mà đạt được, và cũng không phải là mãi mãi. Cũng giống như cơ thể các vận động viên sẽ khỏe hơn người thông thường, nhưng họ cũng có thể bị sốt, bị đau bụng và cũng cần phải tập luyện và bổ sung dinh dưỡng thường xuyên. Sinh lý và tâm lý của con người cũng không ngừng biến đổi, không thể cho vào tủ lạnh để bảo quản, lưu giữ. Nhịp điệu cuộc sống hiện đại ngày càng nhanh, áp lực từ mọi mặt cuộc sống ngày càng lớn. Con người sống trong thời hiện đại đang phải đối mặt với những khó khăn và thử thách nặng nề chưa từng có. Trong hoàn cảnh này, quan tâm và bảo vệ sự khỏe mạnh của tâm lý là một việc làm vô cùng thông mình, không thể trì hoãn.

Cơ thể khỏe mạnh có mối liên quan mật thiết đến tâm lý khỏe mạnh. Nhiều căn bệnh sinh lý đều do áp lực về mặt tâm lý gây ra. Hippocrates, một bác sĩ Ai Cập cổ đại là người đặt nền móng cho y học Phương Tây. Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ông đã từng nói rằng lo lắng và ưu phiền đều có thể gây bệnh. Chúng ta có thể hình dung rằng các căn bệnh cũng giống như một cây cầu. Đầu cầu bên này có liên quan đến sinh lý, đầu cầu bên kia có liên quan đến tâm lý. Bất kỳ cột trụ ở một đầu cầu nào bị sụt lở đều có thể khiến cho cây cầu bị nghiêng ngả. Nếu cả hai bên cột trụ đều bị sụt lở thì cây cầu chắc chắn sẽ chìm nghỉm dưới nước. Nếu tâm bệnh không được loại trừ thì các căn bệnh về sinh lý sẽ không bao giờ chữa khỏi được.

Trước đây tôi đã nhìn thấy một đồ thị. Đồ thị này đã gợi mở cho tôi rất nhiều điều hay. Đồ thì này rất dễ vẽ, nếu bạn thấy hứng thú thì hãy vẽ cùng với tôi nhé. Có người nói, việc gì phải vẽ cho tốn thời giờ, sau đó dứt khoát mang chúng đi in, vì như thế chẳng phải đỡ mất công mất việc hay sao?

Điều này cũng có lý. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng các bạn sẽ cầm một tờ giấy, trải ra bàn và vẽ chiếc đồ thị này bằng chính tay mình. Tôi thực sự không muốn làm lãng phí thời gian của các bạn mà chỉ hy vọng rằng, trong quá trình vẽ tâm lý bạn sẽ bắt đầu có sự chuyển động.

Bước 1: Vẽ một đường thẳng từ trái qua phải. Hai đầu vẽ hai mũi tên. Hãy tưởng tượng đây là một đường thẳng bị kéo về hai đầu.

Bước 2: Chia đường thẳng thành ba phần. Chú ý: không cần chia đều, hai đoạn thẳng phía hai đầu để tương đối ngắn, đoạn giữa tương đối dài.

Bước 3: Bên trái của đường thẳng viết: Người bị bệnh tâm thần. Bên phải của đường thẳng viết: Người có tâm lý vô cùng khỏe mạnh. Đoạn giữa của đường thẳng viết: Người bình thường.

Chỉ với vài bước đơn giản như vậy là bạn đã hoàn thành biểu đồ rồi.

Chắc chắn bạn sẽ hỏi rằng, biểu đồ này thì liên quan gì đến tôi? Trước đây, phạm trù tâm lý học thường tập trung nhiều ở khu vực giao nhau giữa hai đối tượng người bình thường và người bị bệnh tâm thần. Vì thế mọi người thường “đánh đồng” bệnh tâm lý với bệnh tâm thần là một. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ và phát triển của xã hội, có thể nói một phần lớn trọng điểm nghiên cứu, thậm chí lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của tâm lý học hiện đại cũng đã chuyển hướng.

Làm thế nào để tiềm năng tâm lý của những người bình thường được phát huy tốt hơn, giúp họ hưởng thụ niềm vui và hạnh phúc nhiều hơn nữa? Quá trình này cũng giống như lấy hạt ngọc trai ra khỏi vỏ trai và để nó tỏa ra ánh sáng lấp lánh.

Cuộc sống của con người hiện đại ngày nay nhìn bề ngoài thật hào nhoáng nhưng thực chất bên trong lại vô cùng mệt mỏi. Mỗi khi chúng ta cảm thấy áp lực quá lớn thì não sẽ phát đi tín hiệu, gây ra sự biến đổi về mặt sinh lý. Cơ thể giải phóng ra một loại chất hóa học dạng Gonadotropin ở thận khiến cho nhịp tim nhanh hơn, huyết áp tăng cao, huyết quản các cơ phình to nhằm đáp ứng đủ năng lượng cho cơ thể, đề phòng những tình huống xấu nhất xảy ra. Đồng thời, tuần hoàn màu ở những nơi khác sẽ thu hẹp lại, thậm chí là ngừng lại để đảm bảo máu được truyền đến những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Cách thức phản ứng này được truyền lại từ thời xa xưa. Nhưng thời đại ngày nay khi con người được đáp ứng đầy đủ về mặt dinh dưỡng thì lại lười hoạt động, hoặc là đi cũng lễ hay chơi đùa, hoặc là đi tìm hiểu, khám phá những điều bí ẩn kỳ diệu từ đâu mà có. Trời tạo ra tự nhiên, tự nhiên làm cho cuộc sống vốn hối hả, tàn khốc, vất vả của con người chậm lại. Nhưng đáng tiếc là con người ngày nay lại không có được may mắn đó. Trong thời buổi thương trường cạnh tranh khốc liệt, công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay thì việc nghỉ ngơi, thư giãn đã trở thành những món hàng xa xỉ. Nếu bạn không biết tự điều chỉnh cuộc sống của mình thì bạn sẽ bị cuốn phăng theo dòng chảy hối hả của cuộc sống, mất đi khả năng “đàn hồi” của bản thân, lâu dần ắt sẽ sinh bệnh.

Đời sống tình cảm của con người thời hiện đại cũng vô cùng phức tạp, chứa đựng vô vàn thử thách to lớn. Tình cảm là thứ gì đó rất thần bí nhưng cũng rất nguy hiểm. Sự đối địch, lo lắng, thù hận tích lũy qua ngày này tháng khác, những nỗi sợ hãi không tên, nỗi day dứt, nỗi cô đơn thường trực đều có thể ảnh hưởng không tốt tới hệ miễn dịch của bạn, phá vỡ cân bằng hooc-môn. Hơn nữa không chỉ những tình cảm mạnh mẽ xảy ra vào lúc đó mới có thể để lại những vết hằn sâu đậm mà sự chấn động do những thay đổi to lớn về chuyện tình cảm trước đây vẫn sẽ còn tiếp tục tác động tới hành động và chi phối mọi quyết định của chúng ta. Những hồi ức không đẹp sẽ vẫn mãi hiện về trong tiềm thức của chúng ta, chúng thao túng, chi phối mọi suy nghĩ, tư duy của chúng ta một cách vô hình. Bạn sẽ chẳng thể trốn chạy khỏi những nỗi ám ảnh đó nếu không sử dụng phương pháp điều trị tâm lý học.

Những tổn thương và những áp lực mà chúng ta đôi khi không nhận thức được thường gây ra những căn bệnh vô cùng phức tạp và rất khó để hồi phục. Quá khứ của mỗi người đều được “cất trong các cơ quan khác nhau của cơ thể, thậm chí cơ năng tổng hợp của hệ miễn dịch cũng chịu sự kiểm soát của chúng. Nếu chúng ta không xóa bỏ được những nỗi ưu tư phiền muộn, những vết hằn tình cảm (bao gồm cả sự tổn thương niềm tin và những trạng thái cảm xúc chưa thể hiện ra bên ngoài) thì cơ thể chúng ta sẽ chìm đắm trong quá trình bóng tối u uất suốt một thời gian dài. Điều này cũng giống như hiện tượng en-ni-no, đến một cách bất ngờ khiến chúng ta không kịp đề phòng những trận nắng hè gay gắt và những cơn giông bão khủng khiếp. Chẳng trách mà vị thần y Hoa Đà đã từng nói: “Một người thầy thuốc giỏi là một người biết trước trị bệnh về tâm hồn, sau trị bệnh về thể xác”.

Trái lại, tôi lại tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có trải nghiệm này: Mỗi khi tinh thần chúng ta thoải mái, hưng phấn, mỗi khi bạn bè hòa thuận chính là những lúc mà khả năng sáng tạo của chúng ta ở vào cao trào và lên tới đỉnh điểm, não nhanh nhạy, linh cảm nhạy bén khiến người khác không khỏi thán phục. Không chỉ có vậy, lúc đó, gương mặt chúng ta sẽ rạng rỡ nụ cười, lời nói êm ái khiến cho ánh nắng mặt trời thêm chói lọi, cỏ cây thêm tươi tốt.

Đây chính là thời điểm sức khỏe tâm lý đạt mức đỉnh điểm. Nhưng tiếc rằng tần suất xuất hiện lại không cao, chính xác hơn chúng chỉ đến và đi trong nháy mắt. Có những người thậm chí cả cuộc đời cũng không có cơ hội trải nghiệm cảm giác đó. Phần lớn thời gian của chúng ta đều dành vào việc “ứng phó” với cuộc sống thường nhật, sống giữa vòng vậy mọi người vẫn cảm thấy cô đơn. Đây chính là biểu hiện tâm lý không khỏe mạnh. Mặc dù những biểu hiện này thường xuyên xảy ra nhưng rất nhiều người vẫn cho rằng đó là chuyện bình thường.

Nếu bạn muốn có một cuộc sống tươi đẹp thì hãy học cách chăm sóc bản thân cả về thế xác lẫn tâm hồn.

Khi bạn đã hoàn thành phần biểu đồ ở trên, hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc hành trình tìm hiểu tâm hồn mình, không còn cho rằng việc nói tới những vấn đề tâm lý là điều gì kỳ quặc thì xin chúc mừng bạn. Bạn đã tiến một bước quan trọng trong việc xây dựng sức khỏe tâm hồn. Mỗi người sau khi thỏa mãn được những nhu cầu vật chất thì sẽ quan tâm nhiều hơn tới những khát vọng trong tâm hồn mình. Đây là biểu hiện của một cuộc sống tiến bộ, văn mình, và cũng là xu thế không thể cản trở của xã hội hiện đại. Nói cách khác, nhu cầu về sinh lý của con người tương đối dễ thỏa mãn bởi vì dạ dạy chỉ có hạn.

Khi bụng đã căng tròn thì dù có được ăn nem công chả phượng đi chăng nữa thì bạn cũng chẳng còn quan tâm. Nếu bạn vẫn cố nhồi nhét thêm thì chắc chắn dạ dày bạn sẽ không chịu nổi và hậu quả là miệng nôn trôn tháo. Thời sơ khai nhất, con người mặc áo để tránh gió và che đậy cơ thể. Nhưng nếu như bạn chỉ chăm chăm ăn diện, theo đuổi mốt, mua sắm tràn lan thì đó không còn gọi là hưởng thụ cuộc sống mà đã trở thành một loại bệnh. Vì chỉ có người mẫu mới ngày nào cũng khoác lên mình những bộ cánh mới. Bởi mặc quần áo, đi giày dép, đội mũ nón là nghề của họ.

Tìm hiểu tâm hồn của con người là một quá trình không có điểm dừng, và cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Làm thế nào để có thể bảo vệ tâm hồn mình? Đấy chính là câu hỏi “muôn đời” của nhân loại.

Có thể có người sẽ nói rằng: Tôi công nhận tâm lý con người là điều vô cùng quan trọng và tôi cũng rất muốn chăm chút cho tâm lý mình khỏe mạnh. Nhưng những cuốn sách về tâm lý học rất khó hiểu, lại nhiều thuật ngữ. Vậy tôi nên bắt đầu từ đâu?

Những bí ẩn về tâm hồn vô cùng xâu sa, rộng lớn, dù có hàng trăm hàng nghìn năm nữa thì chúng ta cũng chẳng thể nào tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn này. Nói một cách đơn giản thì những bí ẩn đó có liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng ta. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp được bạn một phần nào đó. Cuốn sách bao gồm bảy trò chơi tâm lý. Có người vừa đọc đến đây sẽ thắc mắc: Không phải chị vừa nói tâm lý học là một môn khoa học vô cùng khó sao? Sao bây giờ bỗng nhiên lại biến thành bảy trò chơi thế này?

Thích chơi trò chơi là tính cách thiên bẩm của người người trên trái đất này. Mỗi khi chơi trò chơi, tâm hồn chúng ta được thả lỏng, tình cảm rộng mở, tư duy tâm hồn được thức tỉnh sau những giấc ngủ đông dài. Những lúc đó chúng ta sẽ được “tiếp xúc” một cách trực tiếp và thẳng thắn với tâm hồn mình, chính vì thế bạn sẽ cảm nhận được một cái tôi khác trong mình. Vì vậy mà các bạn chớ coi thường những trò chơi này.

Trò chơi giúp chúng ta lặn sâu trong biển tâm hồn mình, đi tìm kiếm những hòn đảo nằm khuất sâu trong ngõ ngách tâm hồn.

Trong cuộc hành trình này, bạn vừa là thuyền trưởng, vừa là thủy thủ. Bạn vừa căng buồm, bạn lại vừa hạ neo. Sẽ không có một lời giải thống nhất nào cho mỗi trò chơi, cũng sẽ chẳng có kết luận đúng sai. Thời gian chơi càng nhanh càng tốt, không nên quá đắn đo cân nhắc. Những ý kiến thoáng xuất hiện mới thể hiện được rõ nhất những điều về bạn. Sẽ không có ai đánh giá, xếp loại hay kiểm tra kết quả mỗi trò chơi bạn thực hiện.

Nếu như bạn nói cho một cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt biết kết quả trận đấu trước khi anh ta xem trực tiếp hay xem phát lại thì chắc chắn anh ta sẽ không tha cho bạn. Mong bạn đừng vội vàng lật cuốn sách này một cách qua quýt. Nếu bạn không thể kiên nhẫn và đã làm như thế thì đó quả là một điều rất đáng tiếc cho bạn vì chính bạn vừa đánh mất cơ hội của mình. Nếu sau khi bạn chơi xong các trò chơi mà vẫn còn cảm thấy hứng thú thì hãy nói cho bạn bè của bạn biết cảm tưởng của mình nhưng đừng nói trước với họ kết quả.

Tôi đã đọc được một đoạn văn đại ý như thế này của một nhà văn: Khi tôi là một người hoàn thiện, mọi người sẽ nói đây là tôi. Khi tôi mất đi hai chân, mọi người sẽ chỉ lên nửa người trên của tôi mà nói, đây là tôi. Khi tôi tiếp tục mất đi hai tay, chỉ còn lại phần thân người thì mọi người vẫn sẽ nói với tôi – một người đã mất đi cả hai chân hai tay rằng, đây là tôi. Vậy đến lúc nào mọi người mới nhận ra rằng tôi không tồn tại?

Vị tác giả này không đưa ra một câu trả lời duy nhất. Nếu tôi trả lời: Chỉ cần đầu tôi vẫn còn, vẫn còn biết tư duy thì mọi người vẫn sẽ vẫn còn nói, “tôi” vẫn tồn tại. Nếu ngay cả tư duy cũng biến mất thì cho dù thể xác bạn có hoàn chỉnh đến đâu thì giá trị của bạn cũng sẽ rất mờ nhạt. Nói cách khác, cho dù sinh lý có khỏe mạnh bao nhiêu nhưng nếu bạn không có một tâm hồn khỏe mạnh thì chắc chắn bạn sẽ không thể sở hữu khả năng xã hội tốt, và tất nhiên chúng ta sẽ không được coi là người khỏe mạnh, và càng không được coi là đang tồn tại. Có thể chúng ta là cái bóng của người khác, cũng có thể là một con rối vô tri vô thức, hay cũng có thể chỉ là một chiếc giá treo quần áo hay một chiếc tủ lạnh đựng thức ăn. Xét từ khía cạnh tồn tại, chúng ta cần phải hiểu bản thân mình về mọi mặt. Điều này không đơn thuần chỉ để nắm chắc được vận mệnh của mình mà còn là bài học đầu tiên của con người khi được sinh ra trên thế giới này.

Trên tấm bia khu đền thờ thần Moses, Ai Cập có khắc dòng chữ: “Khi bạn thành thật với chính mình thì sẽ không có ai trên đời này có thể lừa được bạn”.

Để có được nguồn sức mạnh và trí tuệ dồi dào nhất, xin mời các bạn hãy bước vào những trò chơi này cùng với một trái tim thành thật nhất và hãy cùng đặt chân tới vùng đất bao la rộng lớn của sinh mệnh.

Có thể bạn sẽ nói rằng, tôi chẳng nhìn thấy bông hoa nào mà chỉ nhìn thấy cỏ.

Người Ấn Độ có câu:

Hiểu được mình, bạn sẽ hiểu được cả thế giới.

Lão Tử của Trung Quốc lại nói:

Hiểu người hiểu mình mới là kẻ trí.

Mỗi con người đều giống như một loại cây, từ khi mới sinh ra đã có khát vọng được đâm chồi nảy lộc. Cho dù bị vùi sâu dưới hàng nghìn lớp đất, cho dù bị cuốn bay hàng trăm vòng trên không, cho dù bị lấp sâu dưới hàng ngàn lớp tuyết dày, chỉ cần một chiếc mầm còn tồn tại thì đến một thời điểm chín muồi nào đó, nó sẽ vươn mình trỗi dậy, tỏa ra một nguồn sức sống dồi dào.

Mỗi bông hoa mới bắt đầu đều chỉ là cỏ. Mỗi cây cỏ sau cùng đều nở ra hoa.

Nào, chúng ta hãy cùng khởi hành cuộc hành trình tìm kiếm bông hoa tam giác và hy vọng rằng mỗi người trong các bạn sẽ tìm được cho mình một cánh hoa đỏ thắm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.