8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

4. BIẾT CÁCH GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI LÒNG MÌNH KHÔNG QUÝ MẾN



Đàn ông thành đạt không những quan hệ với những người thân quen, mà còn phải biết cách giao thiệp với những người trong lòng mình không thiện cảm, đó cũng là bản lĩnh cần có của đàn ông thành đạt.

Nói chung đàn ông thường có cá tính mạnh và tuân thủ nguyên tắc, đương nhiên, họ không thiện cảm với rất nhiều người, nguyên nhân hết sức đa dạng. Đối với những kẻ vô lại, mất nhân cách thì không thích hay khinh ghét chẳng có gì đáng bàn cãi, nhưng đây lại là trường hợp chỉ vì đối phương không hội đủ những phẩm chất cần thiết cho một phương thức làm việc, thì thiết tưởng cũng nên xem xét lại, không quý mến chưa hẳn đã đồng nghĩa với ghét bỏ, nhất là trong trường hợp người mà bạn không thiện cảm đó lại rất hữu ích đối với bạn, điều này đặt ra cho bạn một yêu cầu là phải biết cách tiếp xúc với họ.

Đàn ông thành đạt không những quan hệ với những người thân quen, mà còn phải biết cách giao thiệp với những người trong lòng mình không thiện cảm, đó cũng là bản lĩnh cần có của đàn ông thành đạt.

Học phương pháp giao tiếp và hợp tác với người mà bạn không thích, cũng là một đạo lý xử thế của đàn ông, nó có tác dụng hỗ trợ đàn ông hoàn thành việc lớn. Bản năng con người thúc đẩy ta tiếp cận với người mình yêu thích quý mến, và có xu hướng xa lánh người mà lòng mình chán ghét. Thế nhưng sự đời thật phức tạp, bên cạnh những thứ mình thích vẫn tồn tại những thứ mình không thích, không phải mình thích làm gì cũng được như ý. Do có rất nhiều lý do khác nhau, chúng ta bất đắc dĩ phải tiếp xúc với người không thiện cảm, thậm chí là thù địch, trường hợp này đòi hỏi vận dụng một vài kỹ xảo, nhưng có một nguyên tắc cơ bản không thay đổi mọi lúc mọi nơi, đó là thái độ chân thành với bất kỳ ai, kể cả người lòng mình không thích.

Khi gặp trường hợp ý kiến hai bên không thống nhất, thì bạn ứng xử ra sao?

Hamen từng được mệnh danh là công trình sư khoáng sản lỗi lạc nhất thế giới, ông tốt nghiệp tại Trường đại học Yellow nổi tiếng, sau đó đi học tiếp 3 năm tại Forenburg nước Đức, về nước ông làm việc cho ông chủ mỏ Hastor ở miền tây nước Mỹ, ông chủ này tính cách rất ngang tàng, ương ngạnh, nhưng cũng rất coi trọng thực tiễn, ông tỏ ra không thích những anh chàng kỹ sư hoặc nhân viên kỹ thuật ăn trắng mặc trơn, văn vẻ nho nhã, chỉ nắm được mớ lý thuyết suông.

Khi Hamen đến xin việc tại công ty Hastor, ông nói: “Tôi không chấp nhận lý do xin việc mà anh đưa ra là anh đã từng là nghiên cứu sinh tại Forenburg, tôi tin rằng trong đầu anh chứa đầy một kho lý luận như một thằng cuồng chữ, vì thế, tôi không có ý định tuyển dụng anh”.

Thấy tình hình như vậy, Hamen giả bộ sợ hãi thưa lại với ông chủ: “Nếu như ông không mách lại với cha tôi, thì tôi xin thú thật với ông một điều”. Hastor tỏ ý chấp nhận lời thỉnh cầu của Hamen. Hamen nói: “Thực tình suốt thời gian theo học tại Foorenburg tôi chẳng học lý thuyết mà chỉ lao vào thực tế công trường nhà máy để làm việc với mục đích kiếm chút tiền làm vốn, ngoài ra tích lũy một ít kinh nghiệm”.

Hastor cười lớn nói tiếp ngay: “Như vậy là rất tốt, tôi cần con người như thế, ngày mai anh đến làm việc nhé!”.

Trong một số trường hợp, người ta tranh cãi với nhau hoài về một luận điểm nào đó, nhưng đối với bạn, chuyện đó chẳng quan trọng gì mấy, chẳng hạn khi Hamen biết được thiên kiến của Hastor, ông rất linh hoạt thay đổi cách ứng xử, không cần phải tranh cãi về chuyện đó, mà áp dụng theo phương thức lựa gió bẻ măng ủng hộ quan điểm của ông ta, mơn trớn lòng tự trọng của ông ta, chỉ cần được việc cho mình.

Người đàn ông nhạy cảm thường biết nhượng bộ đối phương những chi tiết xét thấy không ảnh hưởng tới toàn cục, những chuyện vô thưởng vô phạt, nhỡ xảy ra tranh cãi, thì trong đầu họ cân nhắc thật nhanh, có cần phải kiên trì giữ vững ý kiến của mình, phân định thắng thua trong trường hợp này không? Để được việc lớn, thì mình có thể nhường nhịn đối phương chi tiết này không? Có thể nói cách xử lý tối ưu trong cảnh ngộ này chính là nhượng bộ một phần không quan trọng để hoàn thành chương trình tổng thể, hoặc giả, xét thấy không có lợi, nhiều khi nên bảo lưu ý kiến riêng, không phát biểu với đối phương.

Khi bị công kích hoặc thóa mạ, cách ứng xử hiệu quả là tỏ ra phớt lờ không thèm chấp, đối phương thường tỏ ra lúng túng hoảng loạn khi bị quật lại theo cách này, đây cũng là một nguyên nhân đưa đến sự thành đạt của đàn ông thông minh tháo vát, mặc cho đối phương nóng giận bức bối, thì mình vẫn ung dung bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra.

Đương nhiên, ngộ ngỡ không may gặp phải một kẻ khó chơi đáng ghét, dám vi phạm đến những vấn đề thuộc về nguyên tắc, thì bạn nên xử lý theo phong cách của Lincohn.

Một lần, Lincohn đang ngồi làm việc trong văn phòng, bỗng nhiên có một kẻ lạ mặt xông vào với lý do xin việc, sau đó hàng mấy tuần liền ngày nào cũng đến, và nêu lý do y hệt như lần đầu, đó là yêu cầu tổng thống giao cho ông ta một chức vụ, tổng thống Lincohn trả lời: “Anh bạn thân mến, anh làm như vậy chẳng ăn nhằm gì đâu, vì tôi đã nói ngay từ đầu rằng, tôi không thể bố trí cho anh một chức vụ nào cả, theo tôi thì tốt nhất là anh nên ra về”.

Người đó nghe tổng thống trả lời như vậy thì từ xấu hổ hóa thành tức giận, không còn giữ phép lịch sự, lớn tiếng hăm dọa: “Có nghĩa là ngài tổng thống nhất định không định giúp đỡ tôi chứ gì!”. Chúng ta đều biết Lincohn là con

người điềm đạm nhún nhường nổi tiếng, nhưng trong trường hợp này ông không thể chịu đựng hơn được nữa, ông nhìn thẳng vào mặt người đó, rồi ung dung đứng lên khỏi ghế, đi đến bên cạnh ông ta, bất chợt túm lấy cổ áo, đẩy ra bên ngoài cửa, sau đó đóng sầm cánh cửa lại.

Nhưng người đó vẫn chưa cam chịu thua cuộc, lại đẩy cửa xông vào, hét tướng lên: “Hãy trả lại giấy tờ cho tôi”. Lincohn vơ vội giấy tờ của ông ta đi đến bên cửa ném mạnh ra ngoài, sau đó khép lại cửa, trở về chỗ ngồi, sau này Lincohn không một lần nhắc lại hoặc bình luận gì về câu chuyện này.

Một con người đứng đầu cả nước, nổi tiếng là hòa nhã, khiêm nhường, khi cần cũng biết nổi giận, bởi vì đối tượng thực sự là một tên vô lại, không đáng đối xử lịch sự với hắn. Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo đều tinh thông mọi loại chiến thuật xã giao, nào là ra đòn trực diện, đòn gió, đòn ngầm, khích bác chế nhạo, không loại trừ khi cần thiết còn dỡ món võ nghệ, chỉ cần đạt được hiệu quả mong muốn, họ hiểu rõ rằng bất cứ tướng tài nào, ngoài giỏi tấn công còn phải giỏi tự vệ, biết ra đòn đúng lúc, người bình thường chúng ta cũng vậy, không những cần thừa hành chức quyền, mà còn biết bảo vệ lợi ích chính đáng, bảo vệ uy tín của mình.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Học cách giao tiếp và hợp tác với người mình không có thiện cảm, là một đòi hỏi tu dưỡng rèn luyện của người đàn ông có chí hướng vươn tới thành đạt, khi phải tiếp xúc với loại người này, họ không chỉ trích, kích bác, mà cố gắng giữ hòa khí cốt sao đạt được mục đích của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.