8 Tố Chất Trí Tuệ Quyết Định Cuộc Đời Người Đàn Ông

6. 11 YẾU LĨNH CẦN CHO MỘT CẤP TRÊN TỐT



Công việc lãnh đạo có mang lại hiệu quả hay không, sự phối hợp giữa cấp trên và cấp dưới có hài hoà hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào cung cách ứng xử của cấp trên với cấp dưới.

Để đưa ra được một tiêu chuẩn cụ thể cho người lãnh đạo thực tình là rất khó, bởi vì mỗi người đều có những nét độc đáo riêng, không thể so sánh giữa người này với người khác, nhưng nói một cách tương đối thì vẫn có thể tổng hợp thành một vài tiêu chuẩn nào đó, nếu trong khi thực thi quyền lãnh đạo chú ý áp dụng tuân thủ, vẫn ít nhiều có lợi cho nhà quản lý.

Không cần bàn cãi gì nữa, vốn kiến thức uyên bác và cách tư duy sáng tạo chính là nền móng thành công trên con đường lập nghiệp, có điều từ suy nghĩ đến hiện thực, từ ý tưởng đến thành quả, không thể tách khỏi sự hỗ trợ hợp tác của nhiều người, nếu một mình xoay xở, thì cho dù đó là bậc vĩ nhân cũng chẳng lập nên công tích gì. Mối quan hệ hợp tác giữa lãnh đạo với nhân viên có vui vẻ hoà nhập hay không, chủ yếu quyết định bởi phong cách ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới. Dưới đây xin nêu ra 11 gợi mở đối với vấn đề này:

(1) Sống có tình người, tạo điều kiện cho cấp dưới phát triển

Khi tiến hành đào tạo bồi dưỡng cấp dưới về mặt nào đó, thực chất là tạo cho họ nhiều cơ hội phát triển hơn nữa, nhằm phát huy năng lực tiềm tàng của họ, giúp cho họ có thể vượt qua chính mình. Ngay cả khi giao nhiệm vụ khó khăn, trong quá trình thực hiện, người đó sẽ khai thác hết kỹ năng trí tuệ của mình, đó cũng là môi trường để rèn luyện trưởng thành, lãnh đạo và thuộc hạ đều được hưởng niềm vui, cấp dưới ngày càng tin tưởng vào bản thân hơn, từ đó về sau họ dám nhận những công việc chưa có tiền lệ, kể cả bị vấp ngã, thì đã có lãnh đạo nâng đỡ, tạo cơ hội cho họ làm lại, động viên họ vượt qua nỗi sợ hãi bị thất bại lần thứ hai.

(2) Không xúc phạm đến lòng tự trọng của nhân viên

Bạn có thể tưởng tượng ra rằng trên cổ bất kỳ ai cũng đeo một tấm thẻ, trên đó viết hàng chữ: “Hãy để cho tôi cảm nhận vai trò quan trọng của mình”, câu này thể hiện mối quan hệ trong giao tiếp giữa con người với nhau, suy ra rằng, ai cũng muốn được khẳng định được thừa nhận, ai cũng hy vọng được người khác yêu thích quý mến cảm phục và tôn trọng. Người nào cũng ôm ấp hoài bão nung nấu khát vọng, ai cũng mang lý tưởng trong lòng, ai cũng rất nhạy cảm khi bị xúc phạm, khi bị chà đạp lên nhân phẩm họ sẽ vùng lên phản kháng, một cấp dưới hiền lành an phậïn nhất sẽ nói: Tôi không có quyền lực như ông, không được học hành đến nơi đến chốn như ông, tôi kiếm được ít tiền hơn ông, không có nhà cao cửa rộng như ông, nhưng tôi cũng có quyền làm người bình đẳng với ông”, người lãnh đạo phải luôn ghi nhớ tôn trọng cấp dưới.

Muốn thực sự hoà nhập, thì xếp phải làm việc theo phong cách của đồng sự, có thể yêu cầu cấp dưới soạn thảo bản kế hoạch công tác, hoạch định mục tiêu phấn đấu, ai cũng phải tích cực thực hiện, cứ bắt đầu rồi khắc biết nên làm thế nào, nếu ai cố tình dây dưa trì hoãn, thì sếp phải đôn đốc hướng dẫn, yêu cầu thật nghiêm khắc nhưng tuyệt đối không được xúc phạm đến lòng tự tôn của họ.

Xếp hoàn toàn có thể xin ý liến của cấp dưới, cấp dưới sẽ cảm thấy rất tự hào cảm động, họ sẽ hết lòng cống hiến tất cả trí tuệ và năng lực của mình, mặt khác cảm nhận được sếp là con người bình dị dễ gần, thực tình thì sếp cũng học hỏi được rất nhiều điều ở họ.

(3) Chớ tiết kiệm lời khen

Nhiều người rất ngại khen ngợi kẻ khác, vì họ lo ngại rằng khen không thoả đáng sẽ cảm thấy khiên cưỡng, gượng gạo, còn có thể bị hiểu lầm là xu nịnh hay giả nhân giả nghĩa, có điều chúng ta cũng nên hiểu rằng, người ta không chỉ sống nhờ vật chất, mà còn sống về tinh thần, ai cũng mong muốn được người khác thừa nhận, được khen ngợi. Nhà nghiên cứu về mức độ khẩn trương căng thẳng trong công việc, tên là Hans Bill phát hiện ra rằng: Thừa nhận thành tích của ai đó nhiều khi còn quan trọng hơn cho họ tiền hoặc quyền lực, phát hiện này xem ra có vẻ thật đơn giản, thế nhưng, thật lòng khen người khác sao mà khó khăn đến thế.

Khi phê bình chỉ trích người khác coi như thêm kẻ thù, gây khó khăn cho mình.

Khen ngợi người khác coi như thêm bạn, tạo thuận lợi cho mình.

Việc dễ nhất trên đời là chỉ trích, phê phán người khác, thật đáng tiếc lớp trẻ của chúng ta lại được giáo dục về mặt này một cách có hệ thống, kẻ biết chỉ trích lại được coi là đáng khâm phục, việc khó nhất trên đời là cải tạo, chứ đâu phải là chê bai.

Chúng ta hãy trở lại phân tích vấn đề thông qua thực tế.

Khi ông chủ thừa nhận thành tích của nhân viên, phải chăng là đã khen ngợi họ tích cực năng động, phải chăng đã công khai biểu hiện thái độ của ông chủ với người đó, có phải ông chủ thường nói những câu đại thể như thế này không:

“Tôi rất thích anh làm như vậy”

“Anh cừ lắm”

“Đây là một công việc được hoàn thành với chất lượng cao”

“Ý tưởng của anh rất tuyệt”

“Chuyên gia có khác, làm đâu ra đấy”

“Cũng như mọi lần, không thể chê vào đâu được”

“Anh làm khá lắm”

“Việc này coi như hoàn tất rồi”

“Cậu ngày càng tiến bộ hơn trước đấy”

Đằng sau những câu chữ như thế là sự giao lưu tình cảm giữa hai bên, ông chủ đã đi vào tâm hồn thuộc hạ, một câu khen đơn giản nhưng đẹp nhất là: “Cảm ơn”, bạn có chú ý đến những người từng trải hiểu đời không, họ thường xuyên cảm ơn người khác, nhiều dân tộc khác sử dụng từ ngữ này nhiều hơn chúng ta.

Cảm ơn và mỉm cười là cốt lõi của sức cuốn hút.

(4) Chớ có cửa quyền

Một số lãnh đạo thích chơi trò lá mặt lá trái, đối với cấp dưới ứng xử cách này, đối với cấp trên lại ứng xử theo cách khác, nhưng con mắt của quần chúng rất sáng suốt, họ sẽ nhận ra chân tướng con người đó ngay. Vì vậy muốn thu phục được lòng tin của người khác nhất thiết phải đối xử chân thành, đồng thời thể hiện rõ tài năng thực chất, nếu giả tạo đóng kịch, cho dù nhất thời được cất nhắc, thì vẫn bị thiên hạ coi thường.

(5) Không ngừng học tập rèn luyện để nâng cao trình độ

Sự vật không ngừng biến đổi, kiến thức ngày càng đổi mới và phong phú, có người mang tâm trạng khiếp sợ trước trào lưu bùng nổ thông tin, nhưng người lãnh đạo không được đầu hàng. Thời nay, nếu một vị giám đốc lại không biết sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, thì coi như không theo kịp thời đại, nếu thường xuyên đi công tác nước ngoài mà lại không chịu học ngoại ngữ, không có bằng lái xe, coi như tự hạn chế hiệu quả công việc.

(6) Biết giao lưu thông cảm

Một người lãnh đạo phải thông cảm được tâm tư nguyện vọng, tình hình công việc cũng như cuộc sống của nhân viên, nghĩa là luôn luôn gần gũi lắng nghe ý kiến của họ, trong giao tiếp trao đổi, không được vận dụng cách nói của người bề trên đại loại như: “Cậu trình bày ngắn gọn thôi nhé!” hoặc ngắt lời họ một cách thiếu lịch sự.

Hãy tỏ lòng tin cậy đối với những người đáng tin cậy, nếu biết chắc nhân viên nhất thiết sẽ hoàn thành tốt công việc được giao, không cần thiết phải dặn dò nhắc nhở quá nhiều khiến họ khó xử, hãy để cho họ tự do phát huy tài năng, bản lĩnh trong phạm vi của mình.

Nếu trong đầu lãnh đạo nảy ra ý tưởng, kế hoạch mới thì đừng ngại ngần trao đổi, tâm sự với cấp dưới, cho dù họ không đề xuất được điều gì mới mẻ, nhưng việc làm của bạn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đến khi thực hiện tất cả sẽ cố gắng hết mình một cách tự nguyện.

Thực tiễn cho thấy, người lãnh đạo biết chia sẻ quyền hành cho cấp dưới, chính là việc làm có tác dụng tập hợp mọi người, tạo ra diện mạo tinh thần mới cho cộng đồng, khi được tín nhiệm, ai cũng tìm cách báo đáp lại sự tin cậy đó. Việc làm đó sẽ có tác dụng khai thác tối đa tiềm năng của con người, người lãnh đạo xuất sắc bao giờ cũng gánh lấy phần trách nhiệm lớn nhất khi bất kỳ ai đó trong đơn vị phạm sai lầm, và cố gắng tránh không để mình được tán dương khen ngợi quá nhiều.

(7) Ra lệnh theo cách thương lượng

Nói chung tâm lý con người không thích bị kẻ khác sai bảo, vì vậy chỉ huy bằng cách ra lệnh không phải là cao kiến, người lãnh đạo giàu kinh nghiệm ra mệnh lệnh theo cách bàn bạc trao đổi công việc, ví dụ nói: “Cậu xem việc này tiến hành như thế này được không? Theo tôi thì ta nên thế này thế nọ” Cách nói như vậy khiến người nghe cảm nhận tầm quan trọng của mình, và cũng cảm nhận tầm quan trọng của công việc được đảm đương.

(8) Khéo léo tâng bốc một chút

Từ ngữ tâng bốc chúng ta sử dụng ở đây không phải là tô hồng phóng đại một cách không thiết thực như mọi người thường nghĩ, đây chỉ là một thủ thuật khiến nhân viên được động viên khích lệ khi nhận ra rằng cấp trên rất coi trọng mình, lòng họ càng thêm tự tin hơn.

(9) Gọi tên họ một cách thân mật

Bạn chớ coi nhẹ thủ thuật này, vì hiệu quả mà nó mang lại quả là không nhỏ, nhất là ở những đơn vị quy mô lớn, nếu sếp nhớ rõ và gọi đúng tên từng nhân viên, sẽ khiến họ vô cùng cảm kích, tinh thần được cổ vũ rất lớn.

(10) Chấp nhận gánh vác trách nhiệm lớn

Nói chung con người thường đảm nhận công việc quá sức mình, đây là một câu châm ngôn nổi tiếng của ông Tohiochibinoto tổng tài Công ty Toshiba, nhiệm vụ mang tính thử thách cao làm cho những người tham gia được rèn luyện về mặt thể lực và trí tuệ, sau khi hoàn thành sẽ trưởng thành và tự tin hơn trước.

(11) Mở ra cơ hội thành công

Người ta hay nói, trước mặt kẻ thất bại có hai ngả đường: Một là trở thành người thành công, hiển hách, hai là trở thành nhà phê bình có hạng, không thể phủ nhận thất bại là bài học bổ ích, nếu sau đó đón nhận cơ hội thành công được trời ban cho, thì bài học đó sẽ trở thành món tài sản vô giá được gìn giữ suốt đời của họ.

GỢI MỞ NĂNG LỰC

Mọi người đàn ông đều có riêng một phong cách độc đáo không ai có thể so sánh được, nhưng trong học thuyết về lãnh đạo tồn tại những quy tắc nhất định nếu trong công tác chấp hành theo những quy tắc này, thì sẽ giúp bạn trở thành một nhà quản lý ưu tú.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.