9 bí quyết vận dụng luật hấp dẫn để thay đổi vận mệnh cuộc đời

THÍ NGHIỆM 9 Nguyên tắc con cá và những ổ bánh mỳ:



Vũ trụ này là vô hạn, phong phú và thật dễ dàng để đến với nó

“Hầu hết mọi người đều chỉ biết một góc phòng của họ, một nơi gần cửa sổ và một dải đường hẹp mà họ đi đi lại lại trên đó.”

— Rainer Maria Rilke, nhà thơ người Áo Tiền đề:

Thí nghiệm này sẽ xua tan điều ngớ ngẩn cho rằng cuộc sống này rất dở và cuối cũng thì bạn sẽ chết đi. Cho dù chúng ta có thừa nhận hay không thì hầu hết chúng ta đều tin rằng cuộc đời này thật khó khăn. Chúng ta tin rằng có quá nhiều thứ chúng ta cần, có thể là tiền bạc, thời gian hay đôi lúc chỉ là túi bỏng ngô ở rạp chiếu phim. Thậm chí với một người có những chiếc xe Maseratis sang trọng trong garage thì họ vẫn tiếp tục tiêu tốn thời gian để tìm cách có thêm những chiếc khác.

Tại sao? Bởi họ lầm tưởng rằng thế là chưa đủ. Thậm chí những nhà tỷ phú, những người có các nguồn lực dồi dào cũng vẫn sống với lời nguyền trĩu nặng: “Thế vẫn là chưa đủ.”

Người bạn của tôi có lần phỏng vấn ông chủ giàu có của một công ty kinh doanh thành đạt đang tung ra một sản phẩm mới. Nhận thấy những dấu hiệu đồng đô-la lấp lánh trong mắt ông ấy, cô liền hỏi liệu có một giới hạn lợi nhuận nào, một chỉ số thành công hay một số lượng tiền bạc nào đó mà ông cho là “Đủ”. Doanh nhân này suy nghĩ một lát rồi thở dài trả lời: “Cô không hiểu điều này đâu. Không bao giờ là đủ cả.”

Điều này cũng giống như trò chơi đổi ghế vậy. Các thành viên tham gia trò chơi đứng xung quanh ghế (số lượng ghế luôn ít hơn số người tham gia). Khi nhạc nổi lên, các thành viên khiêu vũ xung quanh các ghế. Nhạc sẽ dừng lại bất cứ lúc nào và lúc đó mỗi người chơi phải tìm cho mình một chiếc ghế. Nếu ai không tìm được ghế sẽ bị loại. Và trò chơi sẽ tiếp tục với một chiếc ghế được rút bớt ra. Người thắng cuộc là người tìm cho mình chiếc ghế cuối cùng). Mọi người tham gia đều lo lắng rằng khi âm nhạc dừng lại thì họ sẽ là người không có chỗ ngồi.

Bản thân chúng ta đã giàu có sẵn ở những thứ không đo đếm được, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn, sợ hãi và luôn luôn cảnh giác. Chắc chắn, chúng ta coi xã hội này là đầy đủ, nhưng theo nhiều cách thì nó vẫn chẳng là gì ngoài một ảo giác, một trò bịp bợm, nhờ vào câu thần chú đã có từ rất lâu vẫn tồn tại đến ngày nay:
“Không có đủ.” Chúng ta quá bận rộn với trò chơi đổi ghế, cố gắng chạy nhanh và nhanh hơn nữa quanh vòng tròn viển vông của những chiếc ghế ngày càng ít đi. Đối lập với mọi thứ bạn biết, nguyên tắc Con cá và những ổ bánh mỳ cho rằng có có một quy luật tự nhiên về sự đầy đủ và rằng mọi thứ sẽ ổn thôi – bạn chỉ cần giữ bình tĩnh.

Khi Jesus “cầu nguyện” để làm tăng lên nhiều lần số con cá và ổ bánh mỳ, ngài đã không có chút băn khoăn xem việc này có thể xảy ra như thế nào. Ngài chỉ đơn thuần đặt hết tâm trí của mình vào việc đó – rằng sự đầy đủ và sung túc là quyền lực thần thánh của ngài. Tương tự như vậy, trong thời gian thực hiện thí nghiệm này bạn gạt bỏ lối suy nghĩ thông thường của mình và thay thế chúng bằng một khả năng xa xôi rằng mọi thứ có thể có đủ cho tất cả mọi người.

Có vấn đề gì đó với bức tranh này

“Nếu bạn nghĩ có một ông ba bị, hãy bật đèn lên.”

— Dorothy Thompson, phát thanh viên, nhà báo người Mỹ

Sự khan hiếm và thiếu thốn là thứ đã được cài đặt mặc định trong suy nghĩ của chúng ta, là điều kiện không cần tranh cãi khi giải nghĩa cuộc sống. Niềm tin rằng “không có đủ” bắt đầu vào mỗi buổi sáng sớm khi chuông đồng hồ kêu: “Ah, chết tiệt, mình không có đủ…!”

Trước khi ra khỏi giường, xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà, chúng ta đã bắt đầu rên rỉ về việc thiếu thốn. Khi cuối cùng chúng ta đã lại kêu: “Giờ mình chẳng có đủ thời gian để mà chuẩn bị nữa.”

Và từ đó mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.

Chúng ta tốn quá nhiều năng lượng cho việc phàn nàn về những điều không đủ. Chúng ta không có đủ thời gian, không thực hiện đủ các bài tập, không ăn đủ chất xơ hay vitamin E. Tài khoản của chúng ta không có đủ tiền. Kỳ nghỉ cuối tuần không đủ dài. Chúng ta không đủ mảnh mai, không đủ thông minh, hay không đủ trình độ…

Chúng ta chưa từng bao giờ nảy sinh ý nghĩ kiểm tra xem câu thần chú “không đủ” này liệu có đúng không. Nó đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta đến nỗi nó góp phần vào việc hình thành nên cảm giác sâu sắc nhất về việc chúng ta là ai. Kém cỏi đã trở thành lăng kính mà qua nó chúng ta nhìn và trải nghiệm mọi khía cạnh cuộc sống một cách méo mó.

Đó là lý do vì sao chúng ta làm những công việc chúng ta không thấy thích thú, vẫn duy trì những mối quan hệ không thoải mái, vẫn tiếp tục ăn trong bữa tiệc buffet cho dù bụng đã no từ lâu. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta tạo ra những hệ thống và thể chế để kiểm soát việc tiếp cận các nguồn lực (ví dụ như dầu mỏ) mà chúng ta cho rằng rất có giá trị và chỉ có hạn.

Nếu chúng ta đừng quá lo lắng về việc không có đủ, chúng ta có thể bình tĩnh để sử dụng các nguồn lực đó nhằm phát triển các nguồn năng lượng thay thế, ví dụ như năng lượng mặt trời hay sức gió, những nguồn lực không bao giờ cạn kiệt…

Điều tưởng tượng không có đủ này khiến chúng ta làm những việc mà chúng ta không thấy tự hào, những điều làm tổn thương đến lý tưởng thiêng liêng của chúng ta, những điều lãng phí và gây hại đối với thế giới tự nhiên, những điều ngăn cách chúng ta với cái tôi cao cả. Và một khi chúng ta đã coi mình là kém cỏi, chúng ta dành tất cả năng lượng của mình để đảm bảo cho bản thân mình không bị bỏ rơi, không phải là người thất bại.

Nhưng sự thật là đó chỉ là một lời nói dối vĩ đại. Có đủ cho tất cả mọi người. Chúng ta sống trong một vũ trụ rộng lớn và hào phóng và chỉ cần chúng ta vượt qua nỗi sợ về việc thiếu thốn, chúng ta có thể dừng việc tích trữ các nguồn lực và giải phóng các nguồn năng lượng để đảm bảo tất cả chúng ta đều có được những thứ mà mình thật sự cần.

Tộc người bản xứ Mỹ Chumas đã sống hàng nghìn năm ở vùng bờ biển Trung California hưởng thụ một cuộc sống mà theo tôi là giàu có và thịnh vượng. Họ sống trong những ngôi làng nhỏ quây quần bên nhau, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên xung quanh họ để làm thuyền, mũi tên và thuốc chữa bệnh. Họ thường ăn bữa chính với hơn 150 món hải sản, dưa bở ruột xanh và quả thông. Họ làm những chiếc chăn lông, những chiếc bình bằng đá trang trí với các loại vỏ ốc và những chiếc rổ kỳ lạ, đan xít đến nỗi chúng có thể dùng đựng được nước. Ngày nào những người Chumas cũng chơi các trò chơi, nhảy múa, hát những bài hát ru cho trẻ con và vui vẻ làm những công việc nặng nhọc trong ngôi làng apa’yik.

Thật nực cười khi chúng ta gọi lối sống như thế là “tồn tại” và chúng ta coi thường sự tồn tại nghèo nàn đó. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là người Chumas không giống như chúng ta, những người luôn cảm thấy không đủ trong khi đang sống trong một xã hội hiện đại với nền kinh tế dồi dào, họ luôn luôn có đủ. Không quá nhiều. Không quá ít. Đủ. Điều quan trọng nhất là họ có đủ thời gian cho những việc quý giá – các mối quan hệ, thức ăn ngon, nghệ thuật, các trò chơi và sự nghỉ ngơi thanh thản.

Ngay giờ phút này, với các nguồn lực mà bạn sẵn có (bạn không cần phải tìm một công việc hay một mối quan hệ mới, hay thậm chí là bắt đầu tham gia một bài tập yoga), bạn có thể bắt đầu nhận ra và tận hưởng một cuộc sống giàu có và ý nghĩa. Và điều quan trọng nhất ở đây là bạn có thể dừng làm việc hùng hục đi, hãy thay đổi và sống một cuộc sống dễ chịu.

“Niềm hạnh phúc” đã đến

“Sẽ thế nào nếu sức mạnh lớn lao này được dùng để nâng đỡ con người chứ không phải nhốt họ trong chuỗi thức ăn tập thể và đầy tính tôn giáo này?”

—Mark Vicente, giám đốc sản xuất của What the Bleep Do We Know! (Quyền năng vô hạn)

Điều cốt yếu ở đây là chúng ta không có khái niệm gì về những giới hạn mà chúng ta đã đặt ra cho nhận thức của mình. Nếu chúng ta thật sự biết chúng ta đã từ chối vẻ đẹp của thế giới như thế nào, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và hối tiếc.

Sự bối rối và e ngại của chúng ta chính là bởi suy nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể hiểu hết về thế giới này mà không phải hy sinh. Nhưng sự thật là: thế giới này chẳng có sự hy sinh nào cả trừ những cái mà chúng ta tự đặt ra. Chúng ta chỉ cần tạm dừng một lúc để xem xét xem chúng ta đã ngây thơ như thế nào.

Vài ngày sau sinh nhật lần thứ 29 của mình, trong đầu Eckhart Tolle đột ngột xuất hiện một mối lo lắng. Anh nảy sinh những suy nghĩ muốn tự vẫn. Cuộc sống của anh cho đến khi đó khá tệ. Vào một đêm, anh liên tục nói với bản thân mình: “Mình không thể sống thêm với bản thân mình nữa. Mình có thể cảm thấy cái tôi của mình đang trở nên trống rỗng.”

Khi anh “bừng tỉnh”, bỗng nhiên tất cả những gì anh có thể cảm nhận được là tình yêu, một trạng thái yên bình sâu sắc và một niềm hạnh phúc.

Sự tổn thương lớn về cảm xúc đã buộc nhận thức của anh phải rút khỏi mọi giới hạn mà anh đã đặt ra. Sự rút lui này hoàn hảo đến nỗi cái tôi ngây thơ, cái tôi sợ hãi và buồn bã của anh đột nhiên biến mất, giống như một quả bóng đang căng phồng bỗng bị rút hơi vậy.

Anh đã dành hai năm không làm gì cả mà chỉ ngồi trên băng ghế trong công viên tận hưởng trạng thái hạnh phúc đó.

Hay như trường hợp của Byron Katie, một chuyên viên môi giới nhà đất ở California đang sống hạnh phúc với ba đứa con, trải qua hai cuộc hôn nhân và một sự nghiệp thành đạt, đột nhiên bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô đăng ký vào một bệnh xá dành cho những phụ nữ bị chứng rối loạn ăn uống, không phải vì cô bị rối loạn ăn uống mà vì đó là bệnh xá duy nhất mà công ty bảo hiểm của cô chi trả. Vào một buổi tối, khi đang nằm trên sàn nhà trong căn phòng áp mái, “vì tôi thấy mình không xứng đáng để được nằm trên giường”, cô nói, đột nhiên cô tỉnh giấc và quên hết những suy nghĩ của mình trước đây.

“Tất cả những suy nghĩ đã làm phiền tôi trước đó, toàn bộ thế giới này, đã biến mất. Mọi thứ trở nên không thể nhận ra được nữa. Những tiếng cười dâng lên từ sâu thẳm trong tôi và cứ thế tuôn ra. Tôi say sưa với niềm vui”, cô viết như thế trong cuốn sách A Thousand Names for Joy (tạm dịch: Hàng ngàn tên gọi cho niềm vui).

Cô về nhà và ngồi bên cửa sổ, hạnh phúc nhìn ra ngoài trong nhiều ngày trời.

“Giống như là tự do đã thức tỉnh bên trong tôi,” cô nói.

Ngài đại tá Mustard, trong nhà kính với mắt cá chân bị trật

“Lẽ thường là tổng hợp của các định kiến bạn có được khi 18 tuổi.”

— Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết người Đức

Một hôm tôi đang chơi trò Manh mối cùng với con gái và vài người bạn của nó. Chúng tôi truyền nhau những sổ ghi chép trinh thám và đặt những ống nước, dây thừng và vũ khí mini trong căn phòng mô hình. Tôi nói với Kylie, đang đóng vai giáo sư Plum: “Tại sao cháu không vào trước đi?”

Cô bé nhìn tôi như thể tôi đã bảo nó đi vào tắm ở trong phòng tắm nam vậy.

“Mẹ!”

“Cô Grout!” bọn trẻ hét lên phản đối.

“Cái gì? Cô nói cái gì sai à?”

“Mọi người đều biết là cô Scarlet luôn vào trước mà.”

Tương tự như vậy, chúng giải thích rằng để đưa ra được một lời buộc tội, bạn phải ở trong căn phòng nơi mà bạn nghĩ rằng vụ án mạng đã xảy ra. Và nếu bạn muốn đi theo lối bí mật, bạn chỉ có thể theo lối giữa phòng khách và nhà bếp hoặc thư viện và nhà kính.

“Ai bảo thế?” Tôi hỏi chúng.

“Luật chơi. Nó nói ở đây này.” Một đứa dúi tờ giấy có in luật chơi vào tay tôi.

Những luật chơi “bất biến” này nhắc tôi nhớ đến cách chúng ta chơi “trò chơi cuộc đời”. Ai đó quyết định rằng đây là cách thế giới vận hành và vì tất cả chúng ta đều chấp nhận điều đó, nên chúng ta biến điều đó thành thực tế.

Hóa ra là tất cả chúng ta đều như thế. Hầu như tất cả những khái niệm và sự phán đoán mà chúng ta thường có đều là sự bóp méo bản chất của sự vật sự việc. Mọi thứ chúng ta cho là “thật” chỉ đơn thuần là sự phản ánh của “luật chơi trò Manh mối” mà chúng ta đồng ý với nhau. Thế giới mà chúng ta nghĩ chúng ta nhìn thấy chỉ là sự phóng to của những “luật chơi trò Manh mối của cá nhân”.

Có thể đã đến lúc bỏ những luật chơi trò Manh mối đó đi, cắt vụn chúng ra. Nhưng cho đến khi chúng ta làm được điều đó, cho đến khi chúng ta hiểu rằng chúng ta “cần được yêu thương, đáng được yêu thương và tràn đầy tình yêu thương”, chúng ta vẫn chỉ cảm thấy trống rỗng, luôn nghi ngờ mục đích của mình và tự hỏi tại sao chúng ta lại tồn tại ở đây.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần có một lăng kính mới để nhìn nhận thế giới.

Ví dụ dẫn chứng

“Buồn bã thường dễ dàng hơn vui vẻ. Bất kỳ ai cũng có thể nói ‘tôi bị ung thư’ và làm cho cả đám đông cảm thông.

Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta có thể thực hiện một màn tấu hài 5 phút trước mặt mọi người?”

— P. J. O’rourke, cựu phóng viên Tạp chí Rolling Stone ở Mỹ

Caryn Johnson luôn ý thức rằng cô mong muốn trở thành một diễn viên. Cô nói rằng suy nghĩ mạch lạc đầu tiên của cô khi còn nhỏ là Chúa ơi, con thích được biểu diễn.

Mặc dù lớn lên ở trong khu nghèo khổ của New York, nhưng nhà hát tưởng tượng và “đóng giả làm ai đó” đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của cô. Ước mơ đó thực sự bắt đầu khi Joe Papp mang những cuốn sách của Shakespeare tới khu vực cô sinh sống ở Chelsea. Cô cũng đã xem rất nhiều phim cùng với anh trai Clyde và mẹ cô, bà Emma, một bà mẹ độc thân với hai con nhỏ.

“Khi tôi nhìn thấy Carole Lombard đi xuống bậc thang trong chiếc váy satin dài lộng lẫy, tôi nghĩ tôi có thể làm được điều đó,” cô nói. “Tôi cũng muốn đi xuống những bậc thang đó, nói những lời như vậy và có một cuộc sống như thế. Bạn có thể là bất kỳ ai trong các bộ phim đó. Bạn có thể bay. Bạn có thể gặp người ngoài hành tinh. Bạn có thể là nữ hoàng. Bạn có thể ngủ trong một chiếc giường lớn với ga trải giường bằng satin.”

Năm lên 8 tuổi, cô bắt đầu tham gia diễn xuất tại Trung tâm Hudson Guild Community

– vừa là nơi biểu diễn chương trình nghệ thuật vừa chăm sóc trẻ ban ngày. Nhưng cuộc đời cô bắt đầu bị chệch hướng vào năm cô học cấp III, khi chứng bệnh khó đọc của cô khiến mọi người sai lầm xếp cô vào loại “chậm tiến bộ”. Cô bắt đầu bỏ học, nghiện ma túy và quên đi giấc mơ diễn xuất của mình. Năm 19 tuổi cô trở thành một bà mẹ đơn thân.

Tin tốt là sau đó cô đã bỏ được ma túy và người giúp cô cai nghiện chính là cha của con gái cô, một chuyên viên tư vấn cai nghiện. Còn tin xấu là anh ta lại không phù hợp để làm cha. Anh bỏ cô chỉ vài tháng sau khi cô con gái Alexandrea của họ được sinh ra.

Caryn chỉ là một người đang học dở cấp III và không có kỹ năng gì cả. Việc duy nhất cô biết làm là chăm sóc trẻ con. Cô nhận việc làm vú nuôi và chuyển đến Lubbock, Texas, cùng với một người bạn, người đã thuê cô làm việc. Sau đó người bạn lại chuyển đến San Diego và hai mẹ con Caryn tiếp tục đi theo.

Nhưng khi gia đình người bạn chuyển xuống phía Nam, hai mẹ con cô bị kẹt lại ở California, không tiền bạc và nghề nghiệp. Cô thậm chí còn không biết lái xe, một trở ngại khá lớn ở bang California hiện đại.

“Tôi không có bằng cấp”, cô nói. “Tất cả những gì tôi có là bản thân tôi và cô con gái nhỏ.”

Giấc mơ Chúa ơi, con thích được biểu diễn đã ngày càng xa vời. Ban ngày, cô học cách xếp gạch và tham dự khóa học trang điểm; còn ban đêm cô tham gia với một đoàn kịch thí nghiệm. Có một thời gian cô phụ trách việc làm tóc và trang điểm cho người chết để kiếm thêm tiền bổ sung vào sổ trợ cấp xã hội ít ỏi, “lo lắng tìm cách để con gái có được hơn 1 đôi giày hay để có được 165 đô-la để mua đồ dùng tạp hóa dùng trong một tháng.”

Trước tất cả những khó khăn đó, cô vẫn tiếp tục tin tưởng rằng “chuyện gì cũng có thể xảy ra”, tiếp tục tin rằng cô có thể giống như Carole Lombard, duyên dáng lướt xuống cầu thang trong bộ váy satin lộng lẫy.

“Diễn xuất là việc duy nhất mà tôi luôn biết là mình có thể làm”, cô nói.

Niềm tin không hề lay chuyển của cô cuối cùng cũng thành hiện thực. Vào năm 1983, Mike Nichols – đạo diễn nổi tiếng Hollywood – tình cờ xem màn biểu diễn của cô với đoàn kịch thử nghiệm ở Berkeley. Ông ấn tượng với diễn xuất của cô đến nỗi ngay lập tức ký hợp đồng với cô và quyết định giao cho cô vai diễn Celie trong bộ phim The Color Purple (Màu tím). Kể từ đó, cô đặt nghệ danh của mình là Whoopi Goldberg.

“Tôi có thể làm bất kỳ việc gì. Tôi có thể làm bất kỳ thứ gì. Không ai nói rằng tôi không thể làm được. Không ai tỏ thái độ rằng tôi bị giới hạn ở bất cứ điều gì đó, vì thế tôi nghĩ rằng không có gì là không thể”, Whoopi viết như thế trong cuốn tiểu sử của mình mang tên Book (Cuốn sách).

“Tôi biết tôi không thể biến nước lã thành rượu vang hay dạy mèo nói tiếng Pháp. Nhưng tôi đã học được một điều rằng, nếu bạn bắt tay vào một việc mà trước đó bạn chưa từng có khái niệm nào cả, thì bạn hoàn toàn có thể vẽ giấc mơ đó thành hiện thực.

Cứ mạnh dạn ước mơ và bạn có thể biến nó thành sự thật. Tôi tin rằng tôi thuộc về bất cứ nơi nào tôi muốn, ở bất kỳ hoàn cảnh hay tình huống nào mà tôi vướng phải. Tôi tin rằng một cô gái có thể từ một bà mẹ đơn thân ở khu nghèo khổ Manhattan trở thành một bà mẹ đơn thân với căn nhà của riêng mình, chật vật sống nhờ trợ cấp xã hội và những công việc kỳ lạ trong suốt 7 năm nhưng cuối cùng vẫn trở thành diễn viên.

Vâng, vì thế tôi nghĩ điều gì cũng có thể. Tôi biết điều đó vì bản thân tôi đã trải qua điều đó. Tôi biết vì tôi đã nhìn thấy điều đó. Tôi đã chứng kiến những điều mà người xưa thường hay gọi là những điều kỳ diệu. Nhưng không phải như thế. Điều kỳ diệu chỉ là sản phẩm của giấc mơ. Là con người, chúng ta có khả năng xây dựng nên một thiên đường và làm cho cuộc sống của nhau tốt hơn bằng chính đôi tay của mình. Vâng, vâng, vâng, điều đó là hoàn toàn có thể.

Nếu điều đó chưa xảy ra, không phải vì nó không thể xảy ra hay sẽ không xảy ra, chỉ đơn giản là nó chưa xảy ra thôi.”

Thêm ví dụ dẫn chứng

“Khai thác sức mạnh trong tâm trí bạn có thể hiệu quả hơn những liều thuốc mà bạn tin là mình cần.”

— Bruce Lipton, tiến sĩ sinh học tế bào người Mỹ

Trong nhiều năm trời, cuộc sống của Myrtle Fillmore xoay quanh căn phòng đầy thuốc của mình. Người sau này trở thành đồng sáng lập Giáo hội Thống nhất (Unity Church) không chỉ bị lao – căn bệnh khiến cô nôn ra máu và liên tục bị sốt – mà cô còn mắc bệnh sốt rét nữa. Một hôm, cô tham dự một buổi giảng của giáo viên Tư duy mới, Tiến sĩ E. B. Weeks, người đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Chúa trời, đấng toàn năng không bao giờ muốn ai đó bị bệnh tật cả. Hơn thế nữa, ông nói nếu cô tuân theo tinh thần cao quý, cô sẽ tìm thấy bản ngã của mình và trở lại khỏe mạnh.

Myrtle bắt đầu liên tục khẳng định rằng: “Con là con của Chúa và vì thế con không bị bệnh tật gì cả.” Cô từ chối cách “xét đoán qua vẻ bề ngoài” và ca ngợi năng lượng đầy sức sống của Chúa với từng tế bào của cơ thể mình. Dần dần, Myrtle bắt đầu khỏe lên. Trong vòng 2 năm sau đó cô đã hoàn toàn bình phục.

Charles, chồng của Myrtle chứng kiến sự bình phục kỳ diệu của vợ mình đã quyết định thực hiện điều tương tự như vậy. Anh cũng là người tàn tật vì một tai nạn khi trượt băng hồi còn nhỏ và hàng loạt các cuộc phẫu thuật sau đó. Phần xương hông của anh bị hủy hoại nặng và một chân của anh không còn phát triển thêm được nữa. Anh phải đeo một thanh thép vào để hai chân dài bằng nhau. Anh đã xác định việc tốt nhất mình có thể làm là học cách sống chung với sự tàn tật đó suốt đời.

Cũng giống như Myrtle, Charles Fillmore bắt đầu tin tưởng vào sự tồn tại của một sức mạnh năng lượng tối cao. Trong vòng một năm, vết thương của anh không chỉ lành mà cẳng chân kia của anh đã dài ra cân đối với cẳng chân còn lại. Vũ trụ đã chăm sóc cho anh.

Phương pháp

“Thực tiễn chỉ đơn thuần là một ảo giác, mặc dù là một ảo giác dai dẳng.”

— Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết người Đức

Thí nghiệm này sẽ chứng minh điều mà Sally Field khi dành được giải Oscar cho bộ phim Places in the Heart đã chỉ ra: “Bạn thích tôi, bạn thật sự thích tôi.” Nó sẽ chứng minh được thế giới của chúng ta siêu phàm như thế nào.

Trong vòng 48 giờ tới, chúng ta sẽ hiểu rõ về lòng hào hiệp và vẻ đẹp.

Những ghi chép của lịch sử được viết bằng máu, trong chiến tranh, trong sự phản bội và các cuộc ganh đua nữa. Nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould đã nói: “Những ghi chép cổ cho thấy sự ổn định về sinh học trong một giai đoạn dài và không bị ngắt quãng.”

Trên thực tế, đó là một nghịch lý có cấu trúc một hành vi bạo lực có thể làm chúng ta quên đi 10.000 hành vi tốt. Ông tuyên bố rằng sự lịch sự, lòng tốt và vẻ đẹp của con người mới chính là chuẩn mực.

Ông cho rằng bổn phận của chúng ta, trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta là ghi chép lại và tôn vinh giá trị chiến thắng của vô số những việc tốt nhỏ bé nhưng thường ít được nhận thấy. Trong 2 ngày tới, bạn hãy giữ một cuốn sổ ghi chép nhỏ bên mình và khi lại những việc tốt đó. Sau đây là một vài ví dụ bạn có thể liệt kê:

“Vợ tôi đã hôn tạm biệt tôi trước khi tôi đến gặp bác sĩ.”

“Cô lễ tân và tôi đã so sánh bức ảnh của em bé mới sinh của cô ấy với cháu trai của tôi.”

“Khi tôi đi vào văn phòng với một chồng sách trên tay, một người lạ đã giúp tôi giữ cửa.”

“Một người đàn ông ở quán ăn đã mỉm cười với tôi và nói ‘Xin chào!’”

“Những sinh viên ở căng tin đông đúc đã lịch sự nhường bàn cho nhau.”

“Email của tôi bị trục trặc và một đồng nghiệp đã sửa giúp tôi.”

“Một đồng nghiệp ở bang khác đã trả lời tin nhắn gắt gỏng của tôi với một thái độ hòa nhã và thiện chí.”

Báo cáo thí nghiệm

Nguyên tắc: Con cá và những ổ bánh mỳ.

Lý thuyết: Vũ trụ này là vô hạn, phong phú và dễ dàng tiếp cận.

Câu hỏi: Việc tập trung vào những điều tiêu cực sẽ cản trở tôi nhìn thấy thực tế?

Giả thuyết: Nếu tôi thay đổi cách nhìn nhận và tập trung nỗ lực vào việc tìm kiếm những điều tốt, vẻ đẹp và sự đầy đủ, những điều đó sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Thời gian thực hiện: 48 tiếng

Ngày hôm nay: __________ Giờ: __________

Số việc tốt đẹp thấy được: __________

Cách tiếp cận: Tôi đã từng nghe một câu châm ngôn “Những gì bạn thấy có giá trị sẽ càng có giá trị hơn.” Vậy nên tôi sẽ thử xem sao. Tôi sẽ tích cực tìm kiếm những việc tốt.

Ghi

chép:………………………………………………………………………………………………………………

“Mỗi giây phút chúng ta có nhiều khả năng hơn nhiều so với khả năng chúng ta có thể nhận ra.”

— Thích Nhất Hạnh, thiền sư, nhà hoạt động vì hòa bình


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.