90 Giây Để Thu Hút Bất Kỳ Ai

5. Không chỉ nói, hãy lắng nghe



Giờ hãy bắt đầu với điều này! Bạn vừa làm quen với một người. Bạn đã có những cử chỉ thân thiện và tư thế thích hợp, giọng nói và từ ngữ đều ổn thỏa. Bạn mở đầu bằng ánh mắt và nụ cười tươi. Bạn giới thiệu mình, rồi thật nhiều khéo léo – ba giây trôi qua và bạn đã nhớ được tên của người mới quen. Bắt đầu đồng bộ, thế là có thể nắm chắc một quan hệ hòa hợp trong tầm tay. Nhưng giờ thì sao?

Giờ thì phải nói chuyện. Chuyện trò là cách rất quan trọng để thiết lập mối quan hệ cũng như gắn kết khăng khít tình bạn. Sẽ có hai phần quan trọng như nhau ở đây: nói và nghe. Hay nói thế này cũng được: đặt các câu hỏi và chủ động lắng nghe.

Bạn bắt đầu thấy mình ở trong tình trạng muốn nói nhưng lại không nói nên lời, và rồi bạn chỉ biết im lặng. Hoặc cũng có thể bạn cảm thấy dạ dày sôi sục cứ như đang ngồi trên máy bay ngay trước mặt một cô gái xinh đẹp, và chẳng nghĩ ra cách nào để đưa đẩy câu chuyện mà không cảm thấy ngượng ngùng. Họ nghĩ gì về mình? Mình có nhạt nhẽo không? Mình có khiến người ta khó chịu không? Và quan trọng nhất là: Mình nên bắt đầu thế nào?

Cách tốt nhất lúc này là lắng nghe, để xem xem chàng hay nàng thế nào, rồi theo đó mà đồng bộ với họ. Phải phát hiện từ những mẩu chuyện nhỏ một cơ hội để kết giao. Bạn phải tìm ra những sở thích chung và từng viên đá rải đường cho mối quan hệ. Trong khi một cuộc nói chuyện to tát phải là chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân hay chuyện chính trị, thì một cuộc đối thoại nho nhỏ có thể đề cập đến mọi thứ: trang web cá nhân, sửa sang phòng tắm, một cái vé đua xe hay màu chiếc xe thể thao Marisa của bạn.

Đừng nói nữa, hãy hỏi đi!

Trò chuyện là cách để ta khai phá xem trong người khác ẩn chứa điều gì, để có thể gửi thông điệp tới nhau. Những câu hỏi sẽ là tia lửa đầu tiên nhen nhóm cho cuộc trò chuyện. Bạn hãy nhớ, có hai loại câu hỏi: một loại khiến người ta cởi mở, loại còn lại làm người ta đề phòng. Những câu hỏi thật ra đơn giản đến khó tin, còn kết quả thì không thể ngờ được. Vì thế hãy chắc chắn là bạn hiểu cách dùng chúng.

Sự khác biệt rất dễ thấy giữa hai loại câu hỏi. Câu hỏi mở chỉ cần được đáp lại bằng một lời giải thích và nhờ thế giúp người ta nói chuyện. Câu hỏi đóng buộc người ta phải trả lời “có” hoặc “không”. Loại này thì rất có vấn đề: mỗi khi người kia trả lời xong, bạn lập tức quay lại điểm xuất phát của cuộc đối thoại – thế là lại vắt óc nghĩ ra những câu hỏi khác để duy trì cuộc nói chuyện ấy.

Một công thức đơn giản để làm quen bằng cách nói chuyện: mở đầu với một câu về nơi chốn hoặc sự kiện đặc biệt nào đó, rồi đưa ra một câu hỏi mở.

Tốt hơn hết là hỏi bằng giọng hết sức thoải mái một câu hỏi mở. Câu hỏi đó phải khơi gợi những điểm chung giữa hai người: một buổi gặp mặt hay bữa tiệc mà bạn đã từng tham dự, một sự kiện thú vị nào đó gần đây – hay thậm chí nói đến việc thời tiết kinh khủng thế nào. Đó là loại câu hỏi về nơi chốn hoặc sự kiện. Chẳng hạn thế này: “Căn phòng tao nhã quá.” “Nhìn các món ăn kìa.” “Phục vụ tuyệt thật đấy.” “Vợ tôi học thuộc vài đoạn piano của ngài.” “Hắn có biết bị cái gì đập vào đâu.” Những câu đại loại như thế.

Tiếp đến là những câu hỏi mở: “Những lọ hoa này sản xuất ở đâu nhỉ?” “Sao cậu lại quen anh ấy?” Chắc chắn là những câu hỏi mở sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm được nhiều thông tin từ người đối diện.

Hãy nói một cách cởi mở. Một cuộc chuyện trò thú vị cũng giống như trò tennis: những lời trao qua đổi lại cứ như giữa họ có chung mối quan tâm. Khi lời nói không phù hợp với mục đích làm quen và tìm hiểu, thì phải bắt đầu lại. Một câu hỏi mở giống như một cú giao bóng có chủ đích.

Các câu hỏi mở được bắt đầu với một trong sáu từ sau: Ai? Bao giờ? Cái gì? Tại sao?

Ở đâu? Thế nào? Những từ đó gợi mở một câu giải thích, một nhận định hay cảm giác: “Sao mà bạn biết được?” “Ai nói với bạn à?” “Bạn nghĩ là thông tin này từ đâu mà ra?” “Bạn nghĩ thế khi nào?” “Sao mình lại nên thích thứ này?” “Những lời này làm sao mà lại hay thế?” Những câu hỏi kiểu như thế sẽ giúp ta thiết lập được mối quan hệ và kết giao với người khác vì nó khiến người đối diện bắt đầu nói và cảm thấy cởi mở.

Cuộc đối thoại sẽ thêm thú vị nếu thêm vào những động từ cảm giác: nhìn thấy, kể cho, cảm thấy. Nhờ đó, bạn có thể đi sâu vào thế giới nội tâm của người khác, khiến họ tâm sự với mình. “Em có tự thấy được ngày này năm sau em sẽ ở đâu không?” “Kể cho anh đi, làm sao mà em lại quyết đi Bali vào kỳ nghỉ thế?” “Anh cảm thấy con mực này thế nào?”

Tránh những câu nói khép kín. Những câu nói kiểu đó sẽ khiến bạn tự đá bóng vào lưới mình. Chúng đối lập hẳn với những lời cởi mở, nó cật vấn thế này: Có phải bạn…? Bạn có (làm gì đó)…? Có phải bạn đã…?

Nói cách khác, những dạng nghi vấn của động từ “là”, “có”, “làm” sẽ đóng luôn cơ hội đối thoại hòa hợp của bạn. Nó chỉ dẫn đến những lời đáp “có” hoặc “không”. Rồi sao? Lại đặt một câu hỏi khác như thế? Kiểu như thế này:

“Có chắc không em?”

“Chắc anh ạ.”

“Em có hay đến đây không?”

“Em không.”

“Em có bao giờ từng nghĩ sẽ tuyệt thế nào nếu ngừng mọi thứ lại và đi nhảy cầu ngay giữa buổi chiều không?”

“Có chứ.”

“Em có nhận ra rằng dù câu hỏi của em có dài và thú vị thế nào, nếu nó bắt đầu bằng những từ khép kín, thì em sẽ kết thúc mọi thứ với một câu trả lời chỉ có một từ không?”

“Ồ.”

Để có một ngày vô sự, đừng làm gì ngoài hỏi và trả lời với những câu hỏi chẳng gợi mở gì. Để có một ngày thật phong phú, hãy đưa ra những câu hỏi mở. Bạn sẽ sớm hiểu điều tôi nói.

Nói một cách công bằng, những câu từ khép kín cũng có chỗ thích hợp cho nó – cảnh sát, cơ quan sở tại, hay những nhà điều hành muốn có câu trả lời “thẳng”. Dù thế, tất cả những ai thích cách nói này cần nhớ kỹ rằng, bạn đừng hòng có được cảm tình của người đối thoại trong chưa đầy 90 giây.

Khi cơ hội đến

Có những lúc bạn bỗng dưng thấy mình bị chấn động khi thoáng gặp một anh chàng hay một cô nàng xinh đẹp lướt qua. Khoảnh khắc tuyệt vời đó cứ như làm khối óc đóng băng ngay tức thì và đột nhiên ta hóa ra lẩm cẩm: Mình phải nói gì bây giờ? Mình làm gì bây giờ? Mình nên nhìn đi đâu? Người ta nghĩ gì nhỉ? Cứ như thế, rồi trái tim bạn rung lên ngọt ngào, với một gương mặt đỏ như gấc và những cử chỉ ngốc nghếch.

Tình huống đẹp nhất có thể có là bạn và người ấy gặp gỡ nhau: ngồi đối diện nhau trên tàu hay xe bus; cùng đi trong một thang máy, làm việc ngay gian hàng cạnh nhau trong một hội chợ; hay đang cùng lựa dưa chín ngay ở siêu thị gần nhà. Nếu thế, bạn đã có cơ hội rồi.

“Xin chào”, “Chào bạn” hay “Chào buổi sáng”, thêm một nụ cười nữa, thế là quá tuyệt để bắt đầu và đón nhận phản hồi. Một nụ cười đáp lại sẽ là dấu hiệu cho thấy mọi chuyện đang đúng hướng. Phải giữ cho mọi thứ thật đơn giản, không gây hiểu lầm, thật nhã nhặn, vui vẻ và thanh sáng. Nhớ đừng sát lại gần quá và phải đứng đối diện, nếu không muốn bị tống cổ ra ngoài. Như thế, người ta sẽ nói về bạn với những người khác thế này, “Sáng nay mình đã gặp một anh chàng rất tuyệt”, chứ không phải là “Gã kinh tởm đó định tấn công tôi”.

Một khi bạn chắc rằng người kia thoải mái khi nói chuyện với bạn, bạn có thể thử nói điều gì đó đặc biệt hơn, cởi mở hơn một chút. Đương nhiên là, không gì phóng khoáng hơn một câu hỏi mở, nhưng không phải lúc nào cũng có thể gặp một người thật sự tự nhiên trong khi nói chuyện được. Đôi lúc, bạn có lẽ phải bắt đầu với một câu hỏi đóng hoặc một câu về nơi chốn/sự kiện đặc biệt: “Không biết hôm nay ngân hàng này đóng cửa lúc nào nhỉ?”, hoặc là: “Ôi giời, bão mất”. Vì thế, hãy chắc chắn là trong đầu bạn luôn có những câu hỏi mở tùy tình huống, đề phòng khi tất cả những gì bạn nhận được chỉ là “có” và “không”.

Dưới đây là vài ví dụ mà thi thoảng bạn có thể thử sau khi đã nói lời chào hỏi và trao nhau một nụ cười. Nhớ đặt chúng trước những câu về nơi chốn/sự kiện:

Ở đâu đó

Bạn đến từ đâu?

Mình chưa đến đấy bao giờ. Nó như thế nào?

Làm sao mà bạn dừng ở đây?

Trên tàu, máy bay hoặc xe bus:

Bạn định ở lại Duluth/Stratford/Majorca bao lâu?

Bạn từ đâu đến?

Bạn vẫn sống ở đây hả? Nếu trả lời có, hãy thử hỏi: Nếu chỉ có 3 tiếng ở đây thì mình nên thăm thú gì bây giờ? Nếu trả lời không, thì hỏi: Ơ thế bạn sống ở đâu khác à?

Bạn sẽ đi du lịch bao lâu?

Bạn nghĩ gì về Amtrak/Alitalia/ dòng xe bus mới của Greyhound?

Và một điều thú vị nữa: khi gặp ai đó lần đầu, người Bắc Mỹ hay hỏi, “Anh làm nghề gì?”, trong khi những người Châu Âu thích hỏi: “Anh từ đâu đến?” hơn.

Trong siêu thị

Giả sử bạn và người đó đều đang xếp hàng chọn hải sản tươi, hoặc đang ở chỗ bày bán mỳ ống hay đang lựa chọn quả bơ, tức là cũng đang làm gì đấy chung.

Nếu số tôm này đủ cho cả hai chúng ta thì sao nhỉ?

Chị có biết loại mỳ tươi và mỳ đóng hộp khác nhau chỗ nào không?

Tôi ăn nói thế nào đây khi chỗ quả này chín hết rồi?

Bạn có biết chỗ để túi ni-lông ở đâu không?

Bạn đã bao giờ thử vị của nước chấm/ món tráng miệng đông lạnh/nấm hương này chưa? Nếu trả lời có, thì: Nó thế nào đấy?/ Như thế nào hả bạn? Nếu trả lời không: Có loại nào nên thử không hả bạn?

Mất bao lâu để nấu con gà to thế này nhỉ?

Mình quên không nhặt vài lọ dấm. Bạn giữ chỗ xếp hàng giúp mình được không? (Đây là cái cớ để phá vỡ tình trạng băng giá tốt đấy, vì bạn sẽ có thể nói thêm vài điều khi quay lại. Đừng có đi lâu hoặc xa quá, nếu không, những người khác sẽ khó chịu vì xếp hàng chờ bạn.)

Ở tiền sảnh khách sạn/ nhà nghỉ

Bạn ơi mình có thể tìm bản đồ ở đâu nhỉ?

Bạn từng ở đây chưa? Nếu có: Nó ra sao? Nếu không, Mình cũng thế. Sao bạn lại chọn khách sạn này?

Bạn có biết gì về thành phố này không? Nếu có, Mình chỉ ở đây có một ngày, nên đi đâu nhỉ? Nếu không, Thế sao bạn lại đến đây?

Tại hội nghị

Thế bạn từ đâu đến?

Buổi hội thảo này có gì khiến bạn ấn tượng à?

Bạn có biết quán ăn nào bên ngoài khách sạn này không?

Bạn thấy vị diễn giả này thế nào?

Tôi định đi lấy một tách café. Tôi lấy luôn cho bạn nhé?

(Chú ý: câu cuối này hữu dụng trong vô số tình huống để gây thiện cảm với người khác. Dĩ nhiên là nếu họ không thích, họ sẽ từ chối. Nếu họ đồng ý, thì mọi chuyện có thể đi xa hơn nữa.)

Ở tiệm giặt là tự động Đổi tiền ở đâu được nhỉ?

Mình có thể mua vài cái tem chuyển phát/nước cam/thức ăn mèo ở đâu được hả bạn? Mình đi lấy café đây, bạn uống luôn nhé?

Liệu có sao không nếu giặt lẫn áo trắng và áo màu với nhau? Nơi xếp hàng mua vé xem phim/diễn kịch/hòa nhạc

Sao bạn lại xem bộ phim/vở kịch/buổi hòa nhạc này? Bạn mê Scarlett Johanson hay Jonathan Rhys Meyers à?

Bạn thấy diễn viên/tác giả/người chơi/người diễn/CD này thế nào? Tại buổi triển lãm/bảo tàng/hội chợ/chợ phiên

Ồ, bạn thấy sao?

Bạn có biết người ta trưng bày những đầu tàu kiểu cũ ở đâu không?

Thế bạn thích sự kiện/hình ảnh/chuyến đi nào?

Đã bao giờ bạn thấy quả bí ngô khổng lồ thế này chưa?

Theo bạn nên đi bằng gì nếu có quá nhiều vật nặng?

Dắt cún yêu đi dạo hay ngồi nghỉ nhìn mọi người đi lại

Chú chó này đẹp quá, nó là giống gì vậy?

Dây buộc đẹp quá, bạn mua nó ở đâu vậy?

Ồ giống Chihuahua này đẹp quá đi mất!

Mẹo nhỏ: Các cô chủ của những chú cún xinh xắn thường rất vui vẻ dắt chó đi dạo ở nơi công cộng, nhưng đừng vì thế mà nuôi chó, trừ phi bạn thực sự thích nuôi.

Chạy đến chỗ ai đó quen biết nhưng lại chẳng đủ can đảm để nói chuyện

Này, mình có một cặp vé xem kịch/xiếc/hòa nhạc, chẳng biết bạn có thể đi cùng mình không?

Chào bạn, gặp bạn vui quá. Mình đi café nhé?

Trong tất cả những tình huống ấy, hãy cho người đối thoại ba lựa chọn để đáp lời. Nếu sau ba câu hỏi hay bình luận, người ta có vẻ không hưởng ứng lắm thì tốt nhất bạn đừng có làm bẽ mặt chính mình. Hãy chào tạm biệt bằng một câu đơn giản thôi, “ngày vui nhé”, “tận hưởng buổi diễn đi”, “nghỉ ngơi trong chuyến bay/chuyến đi/kỳ nghỉ” hay đại loại thế.

Thông tin miễn phí

Biết được điều gì đó từ một người lạ vốn không khó khăn gì. Không có nghĩa là bạn phải cố nhớ số thẻ tín dụng của người ta. Những cái nên nhớ là, tên của họ, sở thích, địa vị hay tương tự thế. Bạn sẽ thấy, ai cũng muốn chia sẻ những điều đó, nếu họ được quan tâm đúng cách.

Thực ra, người ta sẽ có khuynh hướng làm theo sự dẫn dắt của bạn mà đưa ra thông tin. Thế nên bạn hãy tự giới thiệu tên mình trước. Bạn càng tự giới thiệu nhiều, thì họ cũng sẽ thế.

Giả sử bạn nói, “Chào anh, tôi là Carlos”, bạn sẽ nghe được câu trả lời, “Chào anh, tôi là Paul”.

Nếu bạn nói, “Chào anh, tôi là Carlos García”, bạn hẳn sẽ được nghe: “Chào anh, tôi là Paul Tanaka”.

Còn nếu bạn bắt đầu với câu này: “Chào anh, tôi là Carlos García, bạn của Gails”, thì Pail sẽ trả lời theo cùng cách ấy: “Chào anh, tôi là Paul Tanaka. Tôi làm cùng chỗ với chồng của Gail”.

Khi bạn thêm thông tin vào tên bạn, người đối thoại cũng sẽ làm tương tự vì bạn cho họ cơ hội làm điều ấy. Nếu họ không trả lời như thế, ít nhất bạn cũng đã có được một vị thế để bắt đầu. Họ biết bạn muốn gì, hãy động viên họ dù một chút thôi. Một cái nháy mắt hoặc một ánh nhìn thẳng “Còn bạn?” sẽ động viên họ trả lời.

Gợi ý nhầm

Mike đến ga tàu hỏa sớm hơn năm phút so với bình thường. Đó là một buổi sáng ấm áp, trời mù sương. Có khoảng 20 người trên thềm ga. Đa phần những người dùng vé tháng lúc đó không để lộ vé ra. Mike gấp tờ báo lại để lên cánh tay, khuấy cốc café bằng một cái thìa nhựa, rồi búng nhẹ cái thìa khuấy vào đúng thùng rác đằng sau. Vừa giở chỗ đánh dấu báo ra đọc tiếp, Mike bỗng thấy một thiếu nữ trẻ trung có mái tóc nâu vàng, mặc bộ đồ xám, tiến về phía anh. Cô ấy dừng lại, ngồi trên ghế dài cách Mike chừng 3 mét, rồi cẩn thận đặt hành lý xuống bên cạnh và ngó đồng hồ.

Mike liếc nhìn cô gái và khẽ mím môi. Giờ thì chính Mike đang ở trong tình trạng thường thấy: nhìn ngắm một ai đó, đủ lâu để tiếp cận cô gái ấy nhưng lại e sợ không dám hy vọng rằng mình có thể nói gì với cô. Lúc đó, Mike chỉ có thể tự nhủ rằng, điều mà anh muốn nhất lúc này là bắt đầu trò chuyện với người thiếu nữ. Với anh lúc này, những chuyện như dùng chung bữa tối, cùng đi nghỉ vào Chủ nhật tuần tới, hay kết hôn… đều không phải điều anh nghĩ đến. Chỉ là vài từ thôi để xem liệu có thể thành quen biết nhau từ lúc này hay không. Cuối cùng, Mike hỏi một câu duy nhất mà anh nghĩ ra được:

“Chào cô, tôi ngồi đây được chứ?”

Cô gái dịch sang trái một chút. “Vâng anh ngồi đi”. Cô nói khẽ, còn Mike ngồi xuống.

“Lần đầu tiên tôi thấy cô ở bến tàu này hay sao ấy”, Mike mở lời.

“Vâng đây là ngày đầu tiên tôi đi tàu ở đây”, cô gái trả lời. “Tôi vừa bắt đầu làm việc cho một công ty quảng cáo trong thị trấn”.

“Bây giờ tàu sẽ đông lắm đấy”, Mike nói, “nhưng cũng có khi lại có chỗ ngồi.”

Mike đã bỏ lỡ cơ hội để có được thông tin. Ngày đầu tiên. Công ty quảng cáo. Lẽ ra anh phải chớp lấy nó và hỏi tiếp, ở đâu, làm gì, tại sao, có ai, thế nào. Cô làm việc gì trong công ty đó? Khách hàng của cô gồm những ai? Chỗ cô làm ở đâu nhỉ? Sao cô lại nhận công việc đó?

Thế đấy, giờ thì hãy thử nhìn từ phía cô gái:

Dorita, một nhân viên thiết kế web, đi tới chỗ chờ tàu và thấy một chàng trai có vẻ thu hút chứ không buồn chán tí nào đang ngồi ở đó. Cô ngồi cạnh anh ta và thấy anh ấy đang đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám gần đây của P.D James. Cô cũng thích nhân vật này. Anh ta cười với cô khi cô ngồi xuống; biết rằng anh ta có cùng sở thích với mình, cô mỉm cười đáp lại. Rồi anh chàng lại đọc tiếp. Dorita quyết định sẽ chủ động. “Ô thế anh là fan của P.D James à?”. “Ồ không”, anh ta trả lời. “Cô biết không, đây là truyện thứ hai của James mà tôi từng đọc”. “Sao lại thế?” “Vì tôi cũng không có thời gian để đọc lắm. Tôi học nội trú trong bệnh viện thành phố”. “Thế à, tôi thì đã đọc hết các truyện của bà ấy rồi. Tôi mê tác giả này lắm. Mà tôi cũng thích Dick Francis nữa”.

Câu trả lời mà Dorita mong đợi là gì? Câu cuối mà cô nói là một loạt những lời kể, không phải câu hỏi. Dorita đã tiếp tục được với câu hỏi thứ hai, câu hỏi “tại sao”, nhưng sau đó cô lại bỏ qua cơ hội đến từ thông tin miễn phí mà anh chàng đã cung cấp cho cô. Thay vào đó, cô lại nói về bản thân mình. Giá mà Dorita cố lắng nghe, hẳn cô sẽ hỏi thêm: “Bệnh viện nào đấy? Nội trú ở đâu? Sao anh có thể đạt được thế?”

– những câu hỏi “ở đâu”, “cái gì” và “tại sao” chắc chắn sẽ khiến cuộc đối thoại dài hơn.

Hãy cố thu thập càng nhiều thông tin càng tốt bằng cách tự giới thiệu mình. Dùng những thông tin đó để mở rộng và đào sâu một mối quan hệ. Phải có gì đó để bạn có thể trò chuyện. Hãy tạo đà cho chính mình.

Chủ động lắng nghe

Lắng nghe là mặt bên kia của đồng tiền đối thoại. Một người nghe chủ động phải biết cách làm người ta thấy rằng mình thích những gì người ta nói. Cốt lõi là thật sự cố gắng tiếp nhận những gì người khác đang nói và cảm xúc của họ.

Lắng nghe, rất khác với nghe thấy. Nghe thấy tiếng xen-lô của một bản nhạc rất khác với việc để tâm lắng nghe tiếng xen-lô ấy – lắng nghe là cố gắng ghi nhớ và tiếp nhận từng cảm giác.

Chủ tâm lắng nghe là chủ động cố gắng nắm bắt và thấu hiểu những cảm nhận ẩn sau những gì được nói. Như thế không có nghĩa là bỏ đi ý kiến hay cảm nhận của chính bạn nhé, mà có nghĩa là bạn phải cố gắng hết sức để chia sẻ. Cũng có thể chia sẻ xem mình hiểu đến đâu bằng cách phản hồi theo kiểu rất thấu hiểu. Hãy lắng nghe cả bằng mắt. Nghe bằng cả thân thể. Cứ gật đầu đi. Nhìn thẳng vào người nói. Giữ nguyên tư thế, hơi nghiêng về phía người đó một chút. Động viên người đó nói.

Nhưng có sự phân biệt rất rõ giữa trường phái “nghe như vẹt” và trường phái “chủ động lắng nghe”. Nghe như vẹt, hay bắt chước, là phản hồi bằng cách diễn tả lại điều mà người nói đã nói.

Paul: “Có bao giờ em bị phiền hà với một thời tiết khủng khiếp thế này chưa?”

Cathy: “Em thích nong nóng thế này, nhưng chàng trai mà em thấy đây có vẻ định đến Alaska một mình thật sự đấy.”

Paul: “Nghĩa là dù có thích cái nóng này đến mấy thì em cũng phải đến Alaska với anh hả?”

Trường phái chủ động sẽ trả lời hướng tới cảm giác:

Paul: “Có vẻ em đã quyết định rồi đấy nhỉ. Quyết định thế có thấy buồn không? Sao em lại đưa ra quyết định này?”

Đơn giản thôi, với trường phái vẹt, bạn chỉ nghe, còn với trường phái chủ động, bạn cảm nhận và người khác nhận thấy bạn cảm nhận và quan tâm đến họ.

Nhớ hồi đáp. Bộc lộ cảm xúc bằng lời nói với những gì người ta đang nói. Loại phản hồi này có “những tiếng cơ bản” và “những tiếng quen thuộc” như “Wow”, “Aha”, “Ô”, “Hm” (bạn có thể tưởng tượng nhé, thật khó mà diễn tả ra trong sách), hoặc một loạt cách bộc lộ cảm xúc nữa: “Ô, thật à”, “Rồi sao nữa?”, “Khoan đã, thế cô ấy đã làm gì?” Những loại khích lệ lời kể như thế là rất tốt, nó giúp mọi thứ được tuôn ra đều đặn và bạn cứ nghe mà không cần phải nói nhiều.

Phản hồi bằng cử chỉ nữa. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể mở. Gật đầu và sử dụng những ánh nhìn đồng tình, đừng có nhìn chằm chằm. Nhìn xa xăm nghĩ ngợi (nhìn vào lòng bàn tay bạn luôn luôn gây cảm giác nhập tâm). Nếu bạn đang ngồi trên ghế, thì vươn tới và nhìn đầy hứng khởi hay nghiêm túc. Nếu đang đứng, thì nhớ đứng thẳng, luôn luôn gật đầu khi nói chuyện, nhìn thật sâu, ngạc nhiên hoặc thích thú, hay bất cứ Thái độ thật sự hữu ích nào của bạn như một câu trả lời trân trọng nhằm gây cảm hứng cho người đang nói.

Trao đi – và – nhận lại

Chăm chỉ thực hành, rồi một cuộc đối thoại dễ dàng và tự nhiên sẽ thành phản xạ của bạn. Có vài điều cần nhớ để hỗ trợ điều này. Đầu tiên, như thông thường, phải có một Thái độ thật sự hữu ích. Phải thích thú với câu chuyện và cho thấy bạn đang rất để tâm. Khích lệ họ nói bằng những phản hồi thành thật. Ráng tìm lấy những sở thích chung, mục đích chung hay trải nhiệm chung, rồi trao đổi với sự nhiệt tình, đầy hiểu biết và thích thú.

Thật vô ích khi lặp đi lặp lại một việc và trông chờ những kết quả khác nhau.

Cùng lúc đó, tự bạn phải tìm cách duy trì cuộc nói chuyện. Nói thật rõ ràng dễ hiểu. Nói chậm thôi sẽ làm bạn thấy tự tin hơn; hài hước một chút. Sẽ rất có ích nếu bạn để ý và cập nhật mọi thông tin về thế giới quanh bạn, ít nhất là những gì nổi bật. Trong một buổi hội thảo, tôi có chuẩn bị một phần cho chủ đề “10 giây giao dịch”. Đó là một cách để bạn nói cho người khác bạn là người thế nào trong vài câu ngắn ngủi.

Hãy là chính mình. Mọi người sẽ thích bạn là chính mình. Càng biết cách thoải mái, điều đó càng đến dễ dàng.

Nói chuyện thật sinh động

Mọi cuộc đối thoại, dù lớn hay nhỏ, là một bức vẽ ngôn từ về những trải nghiệm của bạn với người khác. Càng nói chuyện sinh động bao nhiêu, bức tranh đó càng khiến người ta thấy bạn thú vị bấy nhiêu.

Đây là một mẫu miêu tả tiện lợi để nói về những sự kiện thường ngày: “Chúng tôi xếp hàng dài trên đường dành cho ô tô hơn 20 phút. Tôi chán lắm rồi”.

Một câu như thế chẳng thể nào khiến người ta tưởng tượng. Đừng nói chuyện đơn giản

kiểu đen và trắng thế, hãy nói thật màu sắc. Cho vào trong đối thoại mọi cảm giác bạn có thể có. Miêu tả kỹ xem nó như thế nào, bạn cảm thấy sao… Dưới đây là một ví dụ:

“Đứng lặng im giữa những dòng người thật thích. Mưa đã tạnh, cổ áo tôi thì ẩm ướt. Ánh sáng từ các tòa nhà nhập nhòa, quán bán xúc xích ngay sau chúng tôi đang vang lên…”

Câu trên có ngôn ngữ giàu cảm xúc, và những tưởng tượng của người nghe như được nhân thêm lên.

Nắm chắc những lời khen tặng

Phải biết ban tặng những lời khen một cách nhã nhặn. Làm thật giản dị, nhưng thẳng thắn. Tránh kiểu quá khuôn mẫu hay quá rụt rè. Câu “Cám ơn bạn” là một lời khen tặng chuẩn mực. Rồi, bạn chỉ việc biến tấu nó trong cuộc trò chuyện thôi. Một lời tán dương thích thú nhưng không kém phần lịch thiệp sẽ như thế này:

“Marion, váy may đẹp đấy”

“Cảm ơn nhé, có 6 đô thôi. Mình mua ngay ở cửa hàng Salvation Army ấy mà”.

Một câu trả lời đơn giản hơn và tăng giá trị kết giao hơn sẽ như sau: “Bạn thấy thế à? Tuyệt quá, cảm ơn nhé”. Một lời tán dương như thế sẽ được ghi nhận với ánh mắt nụ cười và một giọng nói dễ chịu nữa.

Lời khen tặng sẽ có giá trị nếu nó chân thật. Những lời khen quá mức hay sai lầm sẽ phá hủy lòng tin và gây nguy hại cho mối quan hệ đã được thiết lập. Một câu nịnh đầm, một lời sáo rỗng hay kiểu nói kẻ cả thiếu chân thật thì tương đương với xúc phạm. Nói cách khác, một cử chỉ tán dương chân thành sẽ tăng thêm lòng tự tin và làm tăng mối thân tình hơn với mỗi người.

Nếu nhìn vào những điểm tốt hay thú vị của một người, hay những việc đáng khen, thì một lời khen tặng sẽ rất đích đáng. Tránh dùng mấy từ chung chung kiểu “được lắm”, “tốt đấy”, “tuyệt thật”. “Váy đẹp thật” – ít nhất là thế này. “Màu da trời quá hợp với bạn” – nói thế này sẽ ổn hơn nữa. “Bạn tuyệt thế còn gì” – câu này là tiến bộ thêm. “Bạn trông nổi bật hẳn so với mọi người” – đây chính xác là một lời khen.

Bài tập giai điệu

Hiệu ứng âm thanh

Giọng điệu nói lên cảm xúc của bạn, nghĩa là một giọng nói dễ chịu có thể tác động tích cực đến cách phản ứng của người đối thoại với bạn. Giọng nói dễ chịu được phát ra từ sâu trong cơ thể bạn, tức là âm bụng. Nó rất sâu, vang, và lay động, khác hẳn những giọng điệu đều đều hay những tiếng chói tai.

Để cải thiện giọng nói, hãy tập thở và nói từ bụng. “Thở bằng bụng” sẽ sử dụng toàn bộ buồng phổi, đó là một cách thở rất khỏe khoắn. Hãy thở chậm và từ tốn. Nghĩa là ngược lại với cách thở ngực mà 60% lượng người vẫn thở. Thở bằng ngực gây ra hỗn loạn, bực bội hay hơi thở quá gấp. Rõ ràng là, thở bằng ngực, thì nói từ ngực.

Giờ thì đặt một lòng bàn tay trên ngực và đặt một lòng bàn tay khác trên bụng. Tập thở cho đến khi bàn tay đặt trên ngực không suy chuyển còn bàn tay đặt trên bụng nhịp nhàng theo nhịp thở. Rồi bỏ tay ra, cứ giữ nhịp thở như thế, sau này cũng vậy. Bạn sẽ thấy rằng mỗi khi bực dọc hay hưng phấn, bạn sẽ chuyển sang thở ngực. Hãy chú tâm nhé, lúc đó phải tĩnh tâm lại, thở bằng bụng, bạn sẽ lập tức bình tĩnh trở lại.

Cứ tập luyện như thế với hai bàn tay đặt ở nơi mà giọng bạn phát ra. Bạn hãy thử thay đổi liên tục giọng từ ngực xuống bụng và ngược lại. Giọng nói nên chậm rãi hơn, ấm áp hơn, sâu hơn… Đó chính xác là cách để bạn thiết lập sự kết giao với người khác ngay tức thì, và giành được tình cảm của người đó trong vòng chưa đầy 90 giây.

Lời khen tặng thực sự thường chân thành hơn nhiều so với một lời khen đãi bôi. “Súp tuyệt lắm” không khiến người chủ nhà hay những người nấu thấy được trân trọng bằng: “Ô cứ như vừa có một chút vị thì là thơm mát tỏa ra trong miệng tôi này. Chị thật sự làm được rồi”. Nếu bạn muốn khen một cuộc biểu diễn, thì “Hôm nay anh tuyệt lắm” không thể nào có sức nặng bằng: “Anh đã nắm được hết vấn đề về chăm sóc gia đình mà không đắn đo gì cả. Tôi rất ấn tượng!” Càng chi tiết, lời khen càng có hiệu quả!

Hãy nói lời cảm ơn bằng sự thân thiện, cử chỉ cởi mở, nhìn thẳng vào người ta và nói một cách rõ ràng rành mạch, khuyến khích đúng cách và nhớ để thời gian cho người kia trả lời.

Đừng mắc bẫy

Đọc danh sách “đừng làm” dưới đây. Nếu bạn mắc phải, tức là đã đánh mất Thái độ

Thực sự Hữu ích, cũng có nghĩa là đã nhầm lẫn mà chọn một thái độ vô ích:

Đừng chen ngang, và đừng chẹn lời của người khác, dù đang phấn khích hay sốt ruột đến đâu.

Nhớ lời khuyên của Dale Carnegie nhé, đừng phàn nàn, đừng kết tội hay chỉ trích.

Cố gắng đừng trả lời bằng một từ duy nhất, như thế sẽ làm hỏng cuộc trò chuyện và khiến mối quan hệ thành ra nặng nề. Những ai điều khiển cuộc nói chuyện thường có xu hướng làm hỏng bét mối quan hệ vì không tạo điền kiện để những điểm chung được xuất hiện. Họ thường thất bại vì thô lỗ hoặc nhàm chán.

Vừa nói chuyện vừa ngó chỗ khác thì đúng là quá đáng. Nếu bạn có lỡ như thế, thì lo mà xin lỗi ngay lập tức. Nói chuyện kiểu đấy không những bất lịch sự, mà nói đúng ra là khá thô lỗ.

Cuối cùng, kiểm tra hơi thở và vệ sinh nhé. Không được sai phạm trong chuyện này. Thở hồng hộc, hơi thở hôi và rau còn mắc trong kẽ răng có thể không sao trong đôi mắt tình nhân, nhưng lại chẳng khiến bạn tốt đẹp gì trong một bữa tiệc văn phòng đâu.

Khiến mình đáng nhớ

Hãy thử nghĩ điều này: bạn gặp một người lạ, tạo được ấn tượng thú vị, thiết lập mối quan hệ nhưng rồi hai tuần sau người ta cũng không nhớ nổi bạn là ai. Nếu như thế, khác nào bạn viết một truyện kinh dị trong máy tính rồi quên bẵng mất mình đã để file truyện đó ở đâu. Cần có gì đó để mọi người nhớ đến bạn, hẳn thế. Tâm trí họ sẽ thích thú khi nghĩ về bạn.

Giáo sư Mehrabian đã công bố một nghiên cứu đáng tin cho thấy giao tiếp trực diện chiếm khoảng 55% cách chúng ta dùng để kết thân, 38% qua âm thanh và 7% là bằng từ ngữ. Các nghiên cứu khác cho thấy những gì người ta nhìn thấy có ảnh hưởng gấp ba lần những gì họ nghe được.

Tự hỏi mình xem: làm thế nào để mình nổi bật hơn người khác? Liệu có mẫu người hay kiểu cách nào thích hợp mà tôi có thể theo hoặc tự tạo cho mình không? Những điều dưới đây có thể giúp bạn tạo được hình ảnh riêng cho mình: một bông hoa tươi cài trên áo, một cặp kính sang trọng đắt tiền, những bộ vest đẹp đẽ, một đôi giày hoàn hảo, chiếc nơ bướm, hay đôi guốc da cam của Mario Batali, mái tóc của Julianne Moore hay điệu cười của Goldie Hawn.

Tôi có một người bạn làm việc trong dây chuyền siêu thị quốc gia về máy tính và máy thu phát. “Tôi thường mất đến nửa tiếng giải thích các đặc tính của sản phẩm”, cô ấy nói, “sau đó khách hàng đi tiếp nhưng họ sẽ nghĩ về những gì tôi nói. Họ sẽ quay lại vào một ngày khác, đến chỗ người bán hàng đầu tiên mà họ thấy rồi mua.

Ấn tượng lâu dài

Jill và Robin, hai quý bà trung niên, ngồi đối diện nhau trong một bàn ăn tại tiệm ăn Pháp. Họ ăn trưa được một lúc thì có một nhóm người đến ngồi ăn ngay bàn bên cạnh. Một phụ nữ trẻ trong nhóm đó nhận ra Jill và vui mừng chạy sang bàn hai người đang ngồi. Cô ấy là một trong những sinh viên cũ của Jill từ vài năm trước.

Sau những cái ôm và lời nói thắm thiết, Jill giới thiệu bạn ăn trưa của mình: “Robin, đây là Edwina, một trong những học sinh tuyệt vời nhất của tôi từ những ngày ở Stratford. Tôi sẽ không thể quên nổi – em ấy có cách tổ chức cuộc sống và công việc rất đặc biệt. Mọi thứ đều có vị trí của nó và được sắp đặt có trật tự trên bàn làm việc. Đôi lúc Edwina khiến tôi phát điên, nhưng tôi thật sự ấn tượng với cách sống tỉ mỉ đó”.

“Rất vui được gặp em”, Robin nói, rồi nắm lấy tay của Edwina.

“Edwina, thế bây giờ em làm gì?”, Jill hỏi

Edwina lần lượt kể cho Jill nghe về công việc của cô ấy, vốn là cộng tác viên của một show diễn truyền hình ở địa phương, rồi nói thêm: “Chỉ có vài bạn ở trường mình đang sống ở đây cô ạ. Cô có nhớ Suzanne Sparks không?”

“Không, cô không nhớ. Cô không hình dung ra mặt bạn ấy được”. Jill nói, rồi nheo mắt cố nhìn trong bức ảnh chụp lớp.

“Cô có nhớ một người thường đến lớp với một bộ vest điên khùng bằng da không?”

“A đương nhiên rồi”. Jill quay sang nói với Robin, chỉ vào tấm ảnh, “Suzanne là một họa sĩ khủng khiếp. Chắc là em ấy nói được cả tiếng Tây Ban Nha và Đức. Edwina này, Suzzane vẫn để mái tóc bờm xờm đỏ hoe đấy chứ?”

“Không cô ạ. Giờ tóc bạn ấy dài và vàng hoe, bạn ấy đang là giám đốc chương trình của em. Cô nhớ Toni chứ? Bạn ấy cũng đang ở đài truyền hình”.

“Toni đâu nhỉ?” Jill hỏi.

“Toni March. Bạn ấy lúc nào cũng thân thiện, giờ thì sống ở Malton”. Jill không nhớ nổi về Toni. Edwina bèn nói, “Bạn ấy chăm chỉ lắm”.

“Chán thật, cô không nhớ ra nổi. Còn ai nữa hả em?”

“Greg Cuddy, anh chàng này đang là quản lý bán hàng của bọn em cô ạ.”

“Ôi, không phải là Greg mũi to đấy chứ?” Jill lắc lắc đầu như thể không tin nổi. “Greg Cuddy là một cậu nhóc nóng nảy. Nó hay chở mẹ đi nhặt nhạnh những thứ linh tinh. Nếu cô nhớ không nhầm, có đợt nó đã làm một trang web trên mạng nhỉ. Đó là một trang thư tin tức đúng không…”

Jill bảo Edwina sang bàn mình ăn trưa, và lại cùng hồi tưởng tiếp.

Điểm mấu chốt của câu chuyện này là, Jill rất dễ nhớ và gọi tên các học trò cũ của mình trong ký ức nếu có một hình ảnh về học trò đó. Thường thì người ta sẽ nổi bật trong đám đông nếu có một cái gì đó để nhớ, một cách gì đó khiến người khác nghĩ về họ như là điểm tách biệt so với đám đông.

Vấn đề không phải là việc họ có card của tôi hay tôi đã dành nhiều thời gian cho họ; cơ hội để họ quay lại chỗ tôi rất mong manh. Vì thế tôi tìm cách khiến họ ghi nhớ tôi. Bởi tôi đến từ Newfoundland, tôi nói với khách hàng hãy đề nghị “Newfie” khi họ quay lại hoặc gọi điện đến cửa hàng.” Ở Canada, “Newfie” là mục tiêu của những trò đùa ngốc nghếch, định kiến, nhưng cô bạn tôi dùng hình ảnh đó để giúp cho cô ấy có một tên gọi đáng nhớ.

Tìm ra một cái gì đó khiến bạn khác biệt so với mọi người. Đó chính là những gì khiến người khác nhớ đến bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.