90 Giây Để Thu Hút Bất Kỳ Ai

7. Phát hiện giác quan ưu trội



Để nhận biết giác quan ưu trội của người khác ta cần dựa vào sự trải nghiệm, rồi sử dụng các thông tin để giao thiệp với mọi người – dù là chuyện trò cá nhân, chuyên môn hay giao lưu xã hội – đều giúp bạn có ảnh hưởng sâu sắc với người đối thoại. Chương này sẽ giúp bạn bắt được những tín hiệu của người khác ngay từ đầu mà chính họ không hay biết. Dù là kiểu người Thính giác, Thị giác hay Xúc giác, những tín hiệu mà họ hướng đến chúng ta đều giải thích đặc điểm của họ và giúp ta tận dụng trong quá trình kết giao.

Trong một buổi hội thảo của tôi, có một người phụ nữ trung niên ngồi ở hàng ghế thứ hai đứng lên hỏi một cách chậm rãi: “Anh có cảm thấy khó khăn khi đoán biết giác quan chủ đạo của người khác không?” Người phụ nữ thú vị ấy mặc một chiếc áo len to sụ, rất thoải mái. Cô nghịch ngón tay trong mái tóc lúc nói. Tôi cảm ơn cô về câu hỏi và lập tức yêu cầu cô đừng chuyển động. Thật đúng là một người tốt bụng sẵn có, cô ấy đứng nguyên tại chỗ. “Thưa cô, cô thể lặp lại chính xác câu hỏi vừa rồi không”, tôi đề nghị. “Quý vị đang có mặt trong hội trường hãy quan sát, được chứ?” Cô ấy gật đầu, dừng lại đôi chút rồi lặp lại câu hỏi, kết thúc bằng một cái vuốt tóc. Một tràng cười rộn lên từ phía những người ngồi xung quanh vì họ hiểu ngay điều họ đang chứng kiến. Sau đó cô ấy ngước lên nhìn rồi cũng cười lặng lẽ.

Cô ấy chọn những từ “cảm nhận”, “khó”, “đoán biết”, cách nói chuyện ung dung của cô ấy, chiếc áo khoác thoải mái của cô ấy, hình dáng thanh mảnh của cô và thói quen nghịch tóc đúng là một hình mẫu tiêu biểu. Rõ ràng cô ấy đã bộc lộ đủ những dấu hiệu cho tất cả mọi người thấy sự biểu thị mạnh mẽ về giác quan ưu trội của chính mình.

Bạn không ở đó, nhưng cô ấy dựa vào loại giác quan gì bạn biết đúng không?

Đúng đấy, cô ấy là kiểu người Xúc giác.

Hồ sơ giác quan ưu trội

Mỗi nhóm đều mang những khác biệt tinh tế trong vẻ bề ngoài và nội tâm bên trong. Không thể phân biệt cứng nhắc những sự khác biệt đó. Chúng đơn thuần chỉ là các dấu hiệu. Loại người Thị giác, Thính giác, và Xúc giác có thể xuất hiện theo đủ loại hình dáng kích cỡ. Chúng ta đang nói về con người, những cá nhân độc nhất vô nhị với vô số đức tin và giá trị, quan điểm và tài năng, lời nói và ước mơ. Mỗi người đều khác biệt; nhưng trong tận sâu thẳm, có những tương đồng căn bản giữa mọi người. Thử tìm một người mang một giác quan ưu trội nào đó trong số những loại ta đang nói đến, và gần như chắc chắn người đó sẽ biểu lộ giác quan ưu trội của họ.

Lưu ý nhanh: Những người Thị giác thường nói rất nhanh. Những người Thính giác có tốc độ nói vừa phải. Những người Xúc giác hay nói chậm.

Khi bạn chú tâm đến sự khác biệt giữa ba nhóm Thính giác, Thị giác và Xúc giác, những gì nhỏ nhặt nhất sẽ trở nên rõ ràng hơn với bạn.

Giả sử bạn đã có kinh nghiệm mua một chiếc ô tô mới. Cứ cho là một chiếc Prius thời thượng nhỏ màu xanh dương nhé. Rất đặc biệt? Cũng thường thôi. Đột nhiên những chiếc Prius xanh xuất hiện khắp nơi. Chỉ khi nào bạn chú tâm đến nó thật nhiều, bạn mới bắt đầu thấy nó ở mọi chỗ. Đương nhiên, những chiếc Prius vẫn như vậy thôi, nhưng trước đó nó chưa làm bạn hứng thú.

Khi bạn cố gắng để phân biệt ai đó với những người khác, sự thể tương tự cũng xảy ra. Những điểm khác biệt sẽ tự vén lộ chúng trước mắt bạn. Và thế đấy, chúng có ở khắp mọi nơi.

Tặng phẩm từ TV

Chương trình đối thoại trên TV là một nơi rất tốt để thẩm tra tài năng truy tìm dấu hiệu loại giác quan ưu trội của người khác. Trong các chương trình truyền hình cũ, mọi người ăn mặc quá diêm dúa, thường không thuận cho những bài luyện dưới đây. Tốt nhất là chọn những cuộc phỏng vấn Charlie Rose hay Larry King, hoặc các cuộc phỏng vấn địa phương, vì ở đó người ta ứng xử đúng là mình.

Bạn hãy vặn nhỏ âm lượng TV xuống, cố xem xét những biểu hiện bề ngoài, chuyển động của tay, của mắt và quần áo – xem người đó thuộc kiểu Thính giác, Thị giác hay Xúc giác. Sau đó lại vặn âm lượng to lên và lắng nghe lời nói của họ, nghe tốc độ nói và âm điệu của giọng nói.

Tương tự, hãy thử thực hiện với các cuộc phỏng vấn trên đài. Nhớ chú tâm nghe các từ. Chương trình nói chuyện trên radio là một mỏ vàng thông tin về loại giác quan ưu trội. Đặc biệt bạn có thể thực hành khi đang tắc đường.

Cứ thử nhé, chậm rãi và vui vẻ.

Kiểu người Thị giác

Người Thị giác quan tâm đặc biệt đến hình thức bên ngoài. Họ luôn cần thấy bằng chứng hay chứng cớ trước khi thực sự làm gì đó nghiêm túc. Đối với những người Thị giác, họ nghĩ bằng hình ảnh và khi nói thường đung đưa tay xung quanh, đôi lúc còn đề cập đến những hình ảnh đó trong lúc nói chuyện. Những hình ảnh xuất hiện rất nhanh trong đầu họ, nên họ cũng suy tư rất mạch lạc; điều này giúp họ trở thành những người nhanh miệng hơn hẳn. Đôi khi họ lại nói giọng đều đều buồn tẻ. Những người Thị giác kiếm tìm mặt đúng và sai khi họ nói. Khi chọn quần áo, họ rất khó tính và rất tốn công để có được một bộ đồ ưng ý, họ cũng cố khiến cho mình được vây bọc trong những đồ tốt nhất. Một cách dễ thấy nhất, bởi họ chú tâm tới vẻ bề ngoài, nên điều cốt yếu là họ giữ mình sao cho được gọn gàng sạch sẽ. Khi đứng hay ngồi, cả thân mình và đầu họ thường xuyên thẳng.

Những người Thị giác làm việc rất tự tin, họ quyết định nhanh chóng mà vẫn tuân theo đúng các thủ tục. Họ luôn muốn có quyền được làm theo ý mình vì họ luôn có xu hướng nghĩ một việc gì đó nên thế này hay thế kia. Rất nhiều – nhưng không phải tất cả – các nghệ sĩ thuộc kiểu Thị giác.

Kiểu người Thính giác

Kiểu người Thính giác luôn phản ứng rất có cảm xúc đối với âm thanh. Họ thích những từ nói ra và yêu trò chuyện – nhưng mọi thứ phải hợp với ý thích của họ và thu hút được họ. Họ có giọng rất ngọt, đầy giai điệu, nhạy cảm, thuyết phục và đầy tính biểu tả. Họ thường đảo mắt khi nói chuyện và cử chỉ thì ít hơn mẫu Thị giác; nhưng khi cử động, họ cử động từ bên này sang bên kia giống như ánh mắt họ vậy. Nhắc đến ăn mặc, họ cho rằng họ ăn mặc đúng mốt. Họ thường muốn biểu lộ một điều gì đó qua quần áo, và đôi khi lại không làm thế. Nói rõ ra, họ ở giữa mẫu người Thị giác gọn gàng và mẫu người Xúc giác thoải mái.

Những người Thính giác đều nói năng trôi chảy. Rất nhiều phát thanh viên, giáo viên, luật sư, thẩm phán hay nhà văn thuộc mẫu người Thính giác.

Kiểu người Xúc giác

Với kiểu người nhạy cảm này, mọi thứ phải vuông thành sắc cạnh, cấu tạo hoàn chỉnh và gây được cảm giác ổn thỏa để tiếp tục duy trì. Họ nói nhỏ hơn, trôi chảy và cử chỉ dễ chịu. Có lúc họ nói quá chậm và quá lằng nhằng đến nỗi có thể khiến hai kiểu người còn lại phải thốt lên, “Làm ơn, vì Chúa, nói thẳng ra đi”. Đa phần họ thế đấy.

Đó là vì họ mất thời gian để đưa cảm nhận vào từ ngữ, như thế là rất lâu so với việc chuyển tải hình ảnh hay âm thanh vào từ ngữ. Khi nói, người Xúc giác hay nhìn xuống, hoặc nhìn thẳng tùy theo cảm nhận của họ. Họ yêu thích cách cảm nhận mọi thứ. Họ thích quần áo giản dị và nhã nhặn. Những người để kiểu tóc che mặt thường là mẫu người Xúc giác. Họ có thể làm những nghề này: thợ hàn, thợ điện, người bán thảm, nhà phân phối sản phẩm và nghệ nhân, dược sĩ hay người kinh doanh thực phẩm.

Có hai loại người Xúc giác: một loại là các vận động viên, các vũ công, những người làm dịch vụ khẩn cấp và tiểu thương, vốn là những mẫu đặc biệt thích hợp cho những người thích tiếp xúc và sự tiếp xúc có tính tối cao với họ; một nhóm khác là những người nhạy cảm, thoải mái, thực tế, hảo tâm – loại này chiếm đa số trong nhóm người Xúc giác.

Thúc đẩy thêm nữa

Kỹ năng đơn giản này thực sự rất hữu dụng đối với việc xác định giác quan ưu trội của người khác. Hãy bắt đầu với những câu hỏi kép vô hại: “Bạn sống ở thành thị hay vùng ngoại ô?”, rồi hỏi ngay một câu sau đó: “Bạn có thoải mái với cuộc sống đó không?”

Nếu họ nói có, thì hỏi: “Bạn thích gì nhất ở đó?” (nếu người ta trả lời không, thì bạn sẽ hỏi: “Bạn không thích gì ở đó?”)

Khi đã có nguyên cớ rồi, hãy thúc đẩy thêm nữa. Mở rộng những câu trả lời kiểu như: “À, vì nó thật yên bình” sẽ có thể giúp thêm những câu hỏi tiếp như: “Còn gì nữa không?” Cố để không bị dừng lại nhé. Tiếp tục mạch câu hỏi cho đến khi đủ những dấu hiệu để nắm bắt xem đó là kiểu người nào.

Đẹp đôi và không hợp

Bạn biết chắc mình có nhiều cơ hội để xây dựng tình yêu với một người cũng như bạn. Nhưng đó có phải là một ý tưởng hay không? Có và không. Nếu bạn muốn chung sống với ai đó giống như bạn, thì có. Nhưng nếu bạn muốn một mối tình đầy sôi nổi và nhiều màu sắc?

Người ta thường hỏi tôi rằng liệu có bao giờ tồn tại, dù là trong những câu cách ngôn cổ xưa, về sự trái ngược thu hút lẫn nhau? Có, chắc chắn là có. Nhưng như thế nào?

Và người ta thu hút nhau vì điều gì? Thì không.

Đầu tiên, tôi muốn nói rằng cuốn sách này dạy bạn cách thiết lập một mối quan hệ và khiến người khác cảm mến bạn. Nếu sự giao tế và cảm mến dẫn tới tình bạn và tình yêu, điều đó tùy thuộc vào bạn. Tôi thích, quan tâm và tin tưởng nhiều người, nhưng nhiều người trong số họ không phải là bạn bè tôi, và chắc chắn họ không thể là người yêu tôi. Yêu thương ai đó phức tạp hơn nhiều. Để viết cuốn sách Để được yêu mãi mãi, chúng tôi đã hỏi gần 2000 người sau 20 năm vẫn còn rung động với bạn đời của mình. Chúng tôi đã tìm được một mô hình đơn giản. Tôi chọn cụm từ “Đối nghịch tương hợp” vì những cặp đôi bền vững nhất đều là sự kết hợp của “đồng dạng hút nhau”, vì họ thực sự giống nhau, và “trái chiều hút nhau”, vì mối quan hệ đó sẽ rất thú vị. Một số phần của “sự đối nghịch” có thể thấy ở kiểu mẫu giác quan ưu trội. Dưới góc độ này, tất cả mọi người đều hoàn toàn đối nghịch nhau.

Hãy nhớ lại bài trắc nghiệm ở chương 6, và kết quả cho thấy bạn thuộc loại nào. Chẳng hạn của tôi: xếp theo thứ tự thì nổi bật nhất là Thính giác – rồi Thị giác và cuối cùng là Xúc giác. Loại đối nghịch hoàn toàn với tôi sẽ là Xúc giác (đối lại Thính giác) – Thị giác (đối lại Thị giác) – Thính giác (đối lại Xúc giác). Theo sơ đồ sau:

Sự đối lập trên cùng giữa Thính giác và Xúc giác dẫn đến niềm say mê và nhiều sắc thái. Điều đó cũng tương tự trong sự đối lập thứ hai giữa Thị giác với Thị giác. Mối quan hệ bền vững khi có sự liên kết cùng nhân tố, một sự chia sẻ vô thức với nhau, giống như cùng bước sóng vậy. Và mối quan hệ này được giữ gìn chính từ sự đối lập giữa Thính giác và Xúc giác như giác quan ưu trội của mỗi người.

Theo như tôi thấy, khi hai người “có điểm chung ở giữa” và chia sẻ được giác quan ưu trội trung tâm, thì dù là Thị giác, Thính giác hay Xúc giác, mối liên kết giữa họ cũng sẽ vượt qua thời gian khắc nghiệt và thắp lửa mãi mãi. Dù đồng điệu được giác quan ưu trội nào, đầu tiên, thứ hai hay thứ ba, thì điều đó cũng sẽ làm mối quan hệ thêm đẹp đẽ và bền chặt.

Ám hiệu bằng lời

Không có quy tắc nào cố định ở đây cả, trừ phi người bạn gặp định vén lộ mình qua từ ngữ mà họ dùng. Lắng nghe ngôn từ và ghi nhớ nó để dùng cho mỗi khi bạn muốn thiết lập mối quan hệ.

Ngôn ngữ Thị giác

Người thị giác có khuynh hướng thích các từ “hình ảnh” và phép ẩn dụ – “nếu ta nhìn rõ hơn”, “khác nhau như đêm với ngày” – có thể là một dấu hiệu tốt để thấy người mà bạn nói chuyện chủ yếu dựa vào cảm giác thị giác.

Trọn một ngày, từ sớm đến chiều, bạn hãy tập trung vào những từ và cụm từ Thị giác qua lời mọi người nói. Chú ý cho tới khi thấy họ thể hiện ra bên ngoài ba từ thị giác thật rõ rệt. Danh sách những từ tượng hình dưới đây sẽ giúp bạn có được sự nhìn nhận và tập trung vào những gì bạn quan sát ở những người ghi nhận thế giới qua đôi mắt của họ. Sau đó thử trình bày xem bạn có thể sử dụng những từ đó như thế nào. Cố hết sức trong khi nói chuyện với người khác “để nói chuyện có màu sắc” bằng cách tạo ra những bức tranh hình ảnh – ngôn từ. Miêu tả những gì bạn trải qua một cách sinh động đến mức những người khác có thể “thấy” chúng:

Các từ thính giác

Những người Thính giác thường sử dụng các từ và cụm từ thính giác khi trò chuyện. Hãy biết cách mở rộng câu chuyện để lắng nghe họ cho đến khi bạn thu thập đủ thông tin về kiểu giác quan ưa thích của họ. Hãy mở rộng đôi tai để hiểu những người nhìn và cảm nhận thế giới bằng cách nghe. Bạn sẽ nhận được một thông điệp rõ ràng và âm vang.

Các từ Xúc giác

Các từ sau đây đều là những từ mà kiểu người Xúc giác hay dùng. Hãy chú ý hết các từ cho đến khi hiểu được cách mà chúng diễn ra. Hãy vượt qua mọi rào cản chướng ngại. Xây dựng một nền tảng vững chắc để từ đó liên hệ với mọi người. Sử dụng một cách chính xác và linh động các từ này, chúng có thể tác động tới người Xúc giác, nhớ rằng chính sự nhạy cảm của họ đã giúp bạn.

Dấu hiệu Mắt

Qua nhiều năm, tôi đã để ý ngày càng nhiều các tạp chí thời trang phủ đầy những mẫu thiết kế từ nhiều quốc gia đến mức tôi không nhớ hết nổi, và các mẫu này thường được giới thiệu lần đầu không phải bằng tiếng Anh. Khi tất cả những gì bạn có thể ngắm nghía là khuôn mặt, cổ hay vai (và đương nhiên còn những những thiết kế tóc tài năng đến ngoạn mục, những nhà trang điểm và tạo mẫu), bạn sớm thấy rằng, bên cạnh những phụ đề chạy ngang dọc, đa phần những “lời nói bóng gió” được đưa ra từ những ảnh nhìn gần như thế đến từ sự biểu hiện trên khuôn mặt ‒ từ đôi mắt tới cái miệng. Khi bạn muốn một cô người mẫu cười, bạn sẽ không bảo cô ta cười. Bạn làm cô ta cười.

Để bắt đầu với chuyển động mắt, có vài từ khóa luôn có nghĩa trong mọi ngôn ngữ. Khi bạn muốn mẫu của bạn nhìn lên một hướng, chỉ cần nói “Hãy mơ mộng”. Những từ như “bí mật” hay “điện thoại” sẽ khiến đôi mắt liếc ra đằng trước đôi tai; và, “buồn bã”, “lãng mạn” hay “suy tư” thường sẽ hướng mắt sang trái hoặc phải.

Một lần nữa, những người sáng lập NLP đã quan sát các hiện tượng di chuyển của mắt và chuyển mã sang một hệ hình đáng chú ý. Trên cơ sở những tìm tòi của họ, chúng ta có thể suy xét về nhãn cầu theo sáu cách khởi động khác nhau liên quan đến sáu trạng thái khác nhau, trên đó có thể đưa ra những thông tin khác nhau – mỗi vị trí mắt ngầm chỉ một cảm giác, đôi khi là ghi nhớ, đôi khi là đưa ra câu trả lời.

Nếu bạn hỏi một người về màu sắc của cái áo mà anh ta thích nhất, bạn sẽ thấy anh ta nhìn ra hướng trái của mình như thể đang đưa ra hình ảnh về chiếc áo trước khi trả lời. Hỏi một người phụ nữ xem cô ta thích loại lụa gì, và rất có khả năng cô ta sẽ nhìn xuống bên phải như để ghi nhớ xem vải lụa trong tâm trí cô ta ra sao. Nói cách khác, khi hỏi một điều gì đó, mọi người thường phải nhìn ra đâu đó để đưa ra câu trải lời. Lý do thật đơn giản: họ đang truy cập vào cảm giác của họ.

Vặn nhỏ tiếng TV xuống trong suốt thời gian phỏng vấn và xem xem đôi mắt của vị khách phỏng vấn nhìn ra đâu suốt thời gian trả lời những câu hỏi của người phỏng vấn.

Trước khi đọc thêm nữa, bạn hãy đi hỏi một ai đó. Không cần soạn ra ý định gì nhiều, cứ nhìn thẳng vào mắt họ và hỏi một câu vô hại, kiểu: “Bạn thích điều gì nhất trong kỳ nghỉ vừa qua?” (hoặc sinh nhật hay công việc). Nhìn vào mắt họ như đang chiếu tướng để thu nhận thông tin. Bạn sẽ có được ý niệm rất chuẩn xác về việc họ đã phục hồi và truy nhập các thông tin, hình ảnh, thanh âm hay cảm giác ra sao. Những phản ứng nhất quán hướng tới một loại cảm giác cũng là dấu hiệu cho giác quan ưu trội của họ.

Người nào khi trả lời mà nhìn lên trái hoặc phải thường đưa ra những câu trả lời hình ảnh. Nếu họ nhìn ngang sang trái hoặc phải thẳng theo hướng mắt, rất có thể họ sẽ đưa ra những thông tin âm thanh. Nếu họ nhìn xuống bên trái, họ đang cố gắng truy nhập vào cảm giác của họ, và nếu họ nhìn xuống bên phải, họ đang tự đối thoại với chính mình.

Một chi tiết có giá trị khác cần để tâm ở đây là, khi ta nhìn về bên trái, ta đang nhớ lại thông tin; còn khi nhìn về bên phải, tức là ta đang tạo ra câu trả lời.

Nhớ rằng, khi nói chuyện với ai đó, sẽ có nhiều hoạt động tinh thần cùng xảy ra một lúc. Chẳng hạn như câu hỏi sau với một phụ nữ trẻ: “Cô đã xem bộ phim mới nhất của Bruce Wills chưa?” “Vâng tôi xem rồi”, cô ấy đáp, trong đầu cô đang tái hiện lại hình ảnh bộ phim và cô bắt đầu nhớ lại. Nhưng cùng lúc đó cô lại tự đối thoại: “Một gã chán ngắt. Liệu mình có phán xét nhanh quá không nhỉ? Không, hắn đúng là nhạt nhẽo thật. Làm thế nào để tống cổ hắn đi nhỉ?” Ngay sau đó, anh chàng kia lại hỏi: “Tối thứ Bảy này cô có muốn ra ngoài cùng tôi không?” Cô ta vội vàng nói xin lỗi, và không quên càu nhàu một chút, “Tiếc thật, tôi không đi được, tôi phải, à, làm xong một báo cáo vào sáng thứ Hai, đó là hạn chót rồi”. Mắt cô ta giữ đúng tầm mắt, ánh nhìn sang phía khác, vì cô ta đang tạo ra một hình ảnh trong mình: đang ngồi trước bàn làm việc gõ laptop.

Bài tập nắm bắt sở thích

Chốt não

Thử yêu cầu một người bạn trả lời những câu hỏi dưới đây mà không di chuyển mắt.

Bảo anh ta nhìn thẳng vào bạn mọi lúc và giữ cho nhãn cầu đứng yên hết mức có thể.

Bắt đầu hỏi câu thứ nhất:

“Bạn có thích ngôi nhà (căn hộ hay gì cũng được) mà bạn đang sống không?”

Tùy theo người đó trả lời có hay không, hỏi thêm câu dưới đây:

“Hãy kể thật nhanh 6 điều bạn thích (hoặc không thích) về nơi bạn sống.”

Dù bạn của bạn có bị lúng túng hoàn toàn hay phải tự đấu tranh để nghĩ ra câu trả lời thì cũng như nhau thôi. Bạn sẽ thấy khi không chuyển động mắt, mọi sự để ý, nghe ngóng hay cảm nhận đều không thể xảy ra. Anh ta sẽ giống như một con thỏ đờ người ra trước ánh sáng rọi của đèn pha ô tô.

Các nhà thôi miên biết rằng nếu họ có thể bắt bạn dừng chuyển động nhãn cầu, thì bạn cũng không thể suy nghĩ. Sự trầm tư cũng tương tự vậy. Cứ nhìn chằm chằm vào một điểm khi mắt đang mở; hoặc chú ý vào một chỗ nào đó thôi, trán chẳng hạn, khi nhắm mắt lại. Cứ như thế, bạn sẽ loại bỏ được những cuộc đối thoại nội tâm và đánh mất mọi cảm giác thời gian.

Bạn thấy rối? Hãy nhìn hình dưới đây:

Để tránh mọi sự nhầm lẫn, hãy hình dung sơ đồ trên được dán ngay trên trán người đối diện với bạn. Đừng để tâm bên trái của họ là bên phải của bạn; cứ từ tốn nhìn sơ đồ trên như thể bạn đang nhìn mặt họ. (Nói chung thì, cái nhìn trực diện áp dụng được cho những người thuận tay phải, họ chiếm đến 90% dân số).

Thật bất ngờ, những cử chỉ bạn quan sát được không giống như cách mà nhãn cầu của bạn chuyển động khi bạn nhìn quanh căn phòng hay nhìn ngang một khoảng không gian – chúng vốn độc lập hoàn toàn với nhu cầu nhìn. Sự chuyển động của nhãn cầu đi kèm hai giả định: 1) đưa mắt nhìn khắp nơi xem chuyện gì đang diễn ra; 2) khởi động kênh trí nhớ giác quan.

Kỳ nghỉ khó khăn của Ingrid

Vào sinh nhật lần thứ 40 của mình, Ingrid quyết định tự thưởng cho mình một chuyến du lịch trọn gói đến Bồ Đào Nha. Khi đang thẩn thơ trong cõi ký ức thời thơ ấu, Ingrid chợt nhận ra cô chưa từng để tâm đến hãng du lịch nào trước đó. Rồi, Ingrid chạy ngay đến chỗ Sheldon, để thông báo về dự định thú vị của mình.

“Tôi vừa nhận ra tôi cần phải có một chuyến đi xa. Phải nuông chiều mình một thời gian mới được!”, vừa nói Ingrid vừa ngồi xuống đối diện Sheldon. Cô chỉnh trang nếp váy cho thắng thớm qua đầu gối, giọng lắng lại: “Tôi thực sự cần được thoát khỏi công việc.” Một chút thở dài, Ingrid khẽ bắt chéo hai chân, nghiêng người và lắc đầu nhè nhẹ: “Công việc căng thẳng đang ăn mòn tôi”.

Sheldon thực sự hài lòng. Một cuộc làm ăn rõ ràng đang ở ngay đây, trước mặt anh. Anh ngả lưng, sải rộng cánh tay, rồi vỗ tay tán thưởng: “A ha, tốt lắm, đang có một chuyến đi trong mơ cho cô đây. Một chuyến đi cực kỳ nhé”. Anh ta giúi vào tay Ingrid tờ rơi quảng cáo in hình hàng cọ và trời xanh, rồi không để Ingrid cất lời, Shaldon nói tiếp: “Sao? Tuyệt chứ? Hãy nhìn bãi biển xanh ngắt màu lam này? Những ngôi làng xinh xắn với mái ngói đỏ? Nằm duỗi dài trên bãi cát chứ, hử?” Ngay lập tức như để kiểm chứng sự tuyệt diệu ấy, Sheldon phóng mắt lim dim tưởng tượng.

Ingrid ngồi lại ghế, lòng bất chợt trống rỗng. Không hiểu vì đâu, mặc dù những bức hình tuyệt đẹp từ tờ rơi quảng cáo với lời mời gọi không thể hấp dẫn hơn của Sheldon, đất nước Bồ Đào Nha thốt nhiên chưa bao giờ xa hơn thế, với Ingrid!

Vậy vấn đề ở đây là gì?

Bạn đoán ra rồi đúng không? Ingrid cảm nhận thế giới bằng cảm giác. Hãy để ý lời cô ấy mà xem: cô ấy “cảm thấy” rằng, cô muốn “nuông chiều” bản thân, muốn “giải thoát” khỏi “áp lực” lẫn “căng thẳng” trong công việc. Lời nói, âm sắc và cử chỉ đều như mông lung. Ta có thể xác định rằng, Ingrid là người sống thiên về cảm nhận.

Nếu như Sheldon nhìn ra được điểm ấy chắc chắn anh ta sẽ ngay lập tức trở thành một quý ngài mang cô ấy tới cõi miền của lòng tin tưởng, an toàn và phần nào ấm êm. Anh ta lẽ ra có thể nói thế này: “Tốt rồi, Ingrid. Tâm trạng khi phải chịu áp lực thật là kinh khủng, và tôi có một chỗ cho cô ngay đây. Cát ở đó thì mềm và ướt, và, ôi, những con sóng cuốn trùm đầu sẽ ôm trọn lấy cô. Và những chiếc giường, ôi những chiếc giường vô cùng êm ái trong những ngôi làng nhỏ, chúng tuyệt vời biết bao! Đừng lo nhé, tôi đã tự mình kiểm chứng hết rồi!” Nếu nói thế, chắc Ingrid sẽ muốn ở lỳ Bồ Đào Nhau cả ¼ thập kỷ mất.

Sheldon lẽ ra nên tuân theo bốn bước kết nối khách hàng cơ bản sau đây: 1) chuẩn bị một Thái độ thực sự hữu ích để dẫn dắt Ingrid đi theo đúng chủ ý của mình; 2) đồng bộ với ngôn ngữ cơ thể lẫn ngữ điệu nói của Ingrid suốt cuộc trò chuyện; 3) đặt câu hỏi và tỏ thái độ lắng nghe đối với cô; 4) đem đến cho cô một cảm giác không còn gì tốt hơn được nữa.

Bức tranh tổng thể

Những hàm ý qua lời nói hay qua hình ảnh trong chương này là điều trọng yếu nếu bạn muốn kết giao với người khác và thiết lập sự kết giao hữu ý. Khi bạn đã biết cách phân biệt một cách đầy đủ giữa “Nhóm” và “Loại”, bạn sẽ có năng lực kết nối từ chính loại – nhóm của người đó, là nhóm Thị giác, Thính giác hay Xúc giác.

Phát triển khả năng nhận diện giác quan ưu trội của người khác chính là việc quan tâm thực sự tới họ. Riêng việc này cũng giúp bạn trở thành một người biết lắng nghe hơn.

Theo đó bạn sẽ không còn phải mất quá nhiều thời gian để tìm cách khớp nối giữa vẻ bề ngoài với sở thích tính cách của họ nữa.

Tiếp đây, bạn sẽ thấy bốn bài tập giúp bạn khái quát lại những điều chúng ta vừa nhắc đến. Bạn có thể photo lại những trang đó hoặc viết trực tiếp vào sách. Hãy cố gắng nhớ lại và viết thật đầy đủ trước khi xem lại các chương.

Những người Thính giác sẽ muốn nói về cách thức thực hiện của họ thông qua các bài tập và tự tìm ra câu trả lời. Những người Thị giác muốn các câu trả lời được định hình thật rõ ràng trong đầu. Tuy nhiên, vẫn phải viết chúng ra. Việc viết câu trả lời cho phép bạn sử dụng được cả ba giác quan. Và ngay lập tức, thông tin sẽ nhập luôn vào trí não và ăn vào phản xạ của bạn.

Sau khi đã vét cạn trí nhớ mình, đừng đợi thêm nữa, hãy lật nhanh lại các trang trước để bổ sung thành những câu trả lời hoàn hảo.

Những “dấu hiệu” nhận biết giác quan ưu trội có tính tổng quát, đương nhiên rồi. Khi những điểm tổng quát đó hướng đến cùng một hướng, thì về căn bản, bạn có thể biết được người kia vốn thuộc loại người nào, họ tiếp nhận thế giới chủ yếu theo cách nào. Đó là một công cụ hữu hiệu để tạo dựng mối quan hệ và kết nối với mọi người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.