Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản
2.
Khi còn ở trường trung học, lần đầu tiên tôi đọc về phương pháp ghi âm bằng từ trong tờ tạp chí Vô tuyến và Những thí nghiệm. Vào thời điểm đó, rất ít người ở Nhật có máy hát chạy điện, loại máy quay đĩa hát chất lượng tồi bằng nhựa hoặc nhôm với các kim đọc bằng thép chỉ tạo ra những âm thanh rất tồi và chóng làm mòn đĩa hát. Nhưng sau đó hãng NHK – Công ty phát thanh Nhật Bản đã nhập từ Đức về một máy ghi âm có băng thép. Đây là một thiết kế hoàn toàn mới, sử dụng một thứ bằng kim loại làm phương tiện ghi âm và cho ra âm thanh có độ trung thực cao hơn nhiều so với máy chạy điện kiểu mới nhãn hiệu Victor của chúng tôi.
Cùng thời gian ấy, tôi được thông báo là tiến sĩ Kenzo Nagai của Trường đại học Tohoku đã chế tạo được máy ghi âm qua dây. Tôi bị lôi cuốn bởi ý tưởng tự mình ghi tiếng nói của mình và quyết định tự chế tạo một máy ghi âm qua dây. Lúc đó, thực ra tôi chưa có đầy đủ kiến thức để chế tạo một chiếc máy như ý muốn, nhưng do sự nhiệt tình và tính năng động của tuổi thanh niên, tôi đã đi ra phố mua một số dây đàn piano và bắt tay ngay vào công việc. Thử thách đầu tiên và cũng là hóc búa nhất đối với tôi đó là phải thiết kế và chế tạo một đầu ghi âm. Tôi đã bỏ ra gần một năm để làm việc đó, thử nghiệm hết loại này đến loại khác nhưng lần nào cũng thất bại. Sau đó, tôi đã hiểu được tại sao thất bại, đó là khe đầu ghi, tức là điểm giao tiếp để âm thanh chuyển sang dây dưới hình thức một tín hiệu điện tử, điểm giao tiếp này có khe hở quá rộng và do đó tín hiệu bị ngắt quãng. Tôi còn không hiểu gì về tầm quan trọng dòng điện biến thiên mà tiến sĩ Nagai đã hoàn chỉnh cũng như cách chế tạo loại máy này. Các sách và tạp chí tôi đã đọc trong thời kỳ ấy không đề cập gì điều này và hơn nữa, sự hiểu biết của tôi còn quá nông cạn. Vì không hiểu các nguyên tắc cơ bản và đơn giản cũng như những giải pháp thực tiễn, nên tôi cứ tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm. Những thất bại liên tục khiến tôi rất thất vọng, nhưng tôi không hề nản chí.
Khi học năm cuối của trường trung học, tôi xin phép cha mẹ và các thầy giáo thi vào ngành khoa học trường Đại học thứ Tám. Ở Nhật Bản vào thời gian đó, chương trình giáo dục của trường học rất tiên tiến và các trường đại học đã có những bộ môn mà ở Mỹ người ta dạy từ hai năm đầu của trường đại học. Quyết định của tôi lúc đó đã làm cho mọi người rất kinh ngạc vì mặc dù tôi giỏi khoa học và toán nhưng điểm tổng kết của tôi lại khá tồi. Cha mẹ và thầy giáo nhắc tôi là muốn thi vào ngành khoa học, tôi sẽ phải qua những kỳ thi gay go về các môn học mà tôi đã sao nhãng. Tôi hiểu điều đó nhưng tôi đã quyết tâm. Và như vậy, tôi đã trở thành một ronin. Ngày xưa, một samurai khi không còn chủ hoặc đã mất thái ấp của mình thì được gọi là ronin. Một học sinh khi đã đi lệch hướng, phải tự dành thời gian học thêm để thi tiếp sau khi đã tốt nghiệp cũng được gọi là ronin. Ngay cả vào thời bây giờ cũng vậy. Suốt một năm trời, tôi đã phải bỏ rất nhiều công sức vào những môn học còn yếu kém và miệt mài học tập. Tôi đã mời gia sư kèm riêng môn tiếng Anh, toán cao cấp, văn học kinh điển Trung Hoa và Nhật Bản. Có thể nói là suốt năm đó tôi không làm gì khác là học tập và học tập. Và tôi đã làm được điều tôi mong ước.
Tôi muốn nói rằng vì những nỗ lực to lớn trong năm đó, tôi đã vượt lên đứng đầu lớp, nhưng không phải như vậy. Tuy nhiên tôi được vinh dự khác là người tốt nghiệp trung học loại thấp nhất được nhận vào khoa Khoa học trường đại học Thứ Tám. Cho đến lúc bấy giờ chưa có một học sinh nào xếp hạng thứ 180 trong lớp lại được nhận vào khoa Khoa học nhưng tôi đã thành công vì đã học hành chăm chỉ suốt một năm và luôn nung nấu quyết tâm vào khoa đó.
Việc học ở trường trung học thật ra cũng không suôn sẻ cho lắm. Tôi thấy giáo trình của khoa Khoa học cũng đầy rẫy những môn học tẻ ngắt, như khoáng vật và thực vật và nhiều môn khác. Tôi cảm thấy thật phí thời gian. Nhưng may thay đến năm thứ ba, chúng tôi được chọn chuyên ngành và tôi đã lựa chọn môn vật lý, môn học tôi luôn luôn được điểm tối đa. Vì rất say mê môn vật lý nên tôi đã thần tượng hóa các giảng viên môn học này.
Mặc dù tôi rất lạc quan và đầy nhiệt tình, nhưng năm 1940 đã báo trước cho thấy là tương lai còn khá mờ mịt. Thế giới đang trong cơn biến động. Ở châu Âu, Pháp đã đầu hàng quân đội Đức, còn nước Anh đang bị những phi đội máy bay của Đức ném bom tàn phá và chính Winston Churchill, thủ tướng Anh, đã phải nói cho dân chúng biết là trước mắt họ, không có gì khác là “máu, nước mắt và khổ cực”. Nhật Bản cũng đang sa lầy vào chiến tranh nhưng tin tức trong nước bị cơ quan kiểm duyệt cắt xén thông tin đã xoa dịu tình hình. Học sinh, sinh viên, như chúng tôi ít để ý đến tình hình chính trị cả quốc tế lẫn trong nước. Còn giới quân phiệt Nhật đang kiểm soát đất nước đã tuyên bố thi hành luật tổng động viên năm 1938. Đúng vào lúc tôi vào đại học thì Nhật Bản đã thống trị châu Á. Trong nước, các đảng phái chính trị cũ đều bị giải thể.
Đứng trước tình hình bị Mỹ và các lực lượng đồng minh bóp nghẹt về kinh tế và đe dọa phong tỏa các con đường vận tải nguyên liệu và dầu lửa tới Nhật, chính phủ Nhật đã đi đến quyết định là phải tiến hành chiến tranh chống Mỹ nếu cần thiết để duy trì sự tồn tại của nước Nhật và đảm bảo cho Nhật Bản tiếp tục kiểm soát các nước đang bị cưỡng ép gia nhập vào cái gọi là Khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Nhiều sự kiện quan trọng đang diễn ra trong lịch sử của đất nước nhưng thật tình mà nói lúc đó tôi chỉ quan tâm đến vật lý mà thôi.
Một trong những nhà giáo được tôi quý mến nhất ở trường trung học là thầy Gakujun Hattori. Thầy rất tốt với tôi và đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của tôi sau này. Tôi học giỏi vật lý và thầy Hattori, khi theo dõi những tiến bộ của tôi trong học tập đã tỏ ra rất hài lòng trước những kết quả tôi đã thu lượm được. Và hơn nữa thầy tỏ ra đồng tình với ý định của tôi là tiếp tục theo đuổi ngành vật lý sau khi tốt nghiệp. Đó là lúc phải có những suy nghĩ về tiếp tục học lên bậc đại học, tôi đã trình bày những suy tư của mình với thầy. Lúc đó tôi biết rõ là khoa vật lý trường đại học Hoàng gia Osaka có những nhà nghiên cứu nổi tiếng như giáo sư Hidetsugu Yagi, người đã sáng chế ra ăngten Yagi rất quan trọng trong việc phát triển ngành rada hiện đại. Ở khoa này còn có giáo sư K. Okabe, người đã sáng chế ra máy từ tính macnetron, một thiết bị dùng để phát năng lượng tần số vi ba.
Một hôm, giáo sư Hattori nói với tôi: “Này Morita, thầy có một người bạn học khi còn ở trường đại học Tokyo hiện đang dạy ở Osaka, tên là Tsunesaburo Asada. Ông là nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực vật lý ứng dụng. Nếu đó là lĩnh vực em muốn theo đuổi thì giáo sư Asada chính là người em cần gặp đó, em nên tới thăm thầy ấy vào dịp nghỉ hè. Thầy có thể thu xếp việc này cho em”. Đó là một dịp may mắn đối với tôi và tôi chớp ngay lấy cơ hội. Trong dịp nghỉ hè năm đó, tôi vội vã đi ngay Osaka và tìm đến nhà giáo sư Asada.
Thú thật rằng tôi đã mến giáo sư ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt tại phòng làm việc bừa bộn của ông. Giáo sư là một người thấp lùn mập, ánh mắt lấp lánh và giọng nói đặc sệt người vùng Osaka. Ông thích nghe và kể chuyện vui. Mặc dù là một bậc thầy nhưng ông không hề tỏ ra mình là một giáo sư nổi tiếng. Ông là một người rất đáng quý ở Nhật Bản, một đất nước mà người thầy rất được tôn trọng, ngưỡng mộ và các nhà giáo thường rất quan tâm đến điều này. Giáo sư Asada hình như ít chú ý đến địa vị cao quý của mình. Qua câu chuyện trao đổi, chúng tôi đã thấy rất tâm đầu ý hợp. Chính việc gặp gỡ con người tuyệt vời đó mà tôi đã quyết định ở lại Osaka để tiến hành học tập nghiên cứu chứ không phải là đến trường đại học nổi tiếng Tokyo hay Kyoto – hai trường có khoa vật lý rất tốt với những giáo sư nổi tiếng trong nước nhưng lại quá cổ lỗ và giáo điều- hoặc ít nhất lúc bấy giờ tôi đã có ý nghĩ như vậy.
Giáo sư Asada dẫn tôi đi xem phòng thí nghiệm của ông và chúng tôi đã nói chuyện với nhau khá nhiều trong ngày hôm đó. Ông đã kiểm tra trình độ của tôi qua câu chuyện trao đổi giữa hai bên vì ông muốn biết tôi hiểu biết đến đâu, đã tiến hành những thí nghiệm như thế nào, đã chế tạo được những gì và còn đang chú ý quan tâm đến những vấn đề nào khác nữa. Sau đó, ông cũng nói cho tôi biết những công việc mà ông đang tiến hành và điều đó đã cuốn hút tôi. Giáo sư Asada tỏ ra rất say mê khoa học ứng dụng, và trong những việc ông đang quan tâm giải quyết có vấn đề về truyền âm thanh điện thoại bằng chùm ánh sáng thông qua việc sử dụng đèn thuỷ ngân có áp suất cao. Ông có thể chứng minh là các chùm ánh sáng dù có cường độ cao đến đâu cũng có thể bị điều tiết bởi tần số âm thanh. Tôi rất muốn làm việc với nhà khoa học xuất sắc đầy tự tin và hết sức cởi mở, vui tính này.
Về mặt vật lý hiện đại, trường Đại học Hoàng gia Osaka đã trở thành một địa chỉ lý tưởng đối với sinh viên và những người muốn tiến hành thí nghiệm nghiêm túc. Đó là bộ môn khoa học mới nhất của bất kỳ trường đại học nào, và hơn nữa nó còn được trang bị những phương tiện tối tân nhất. Vì trường đại học này mới được xây dựng, cho nên các giáo sư giảng dạy ở đây còn trẻ và không bị những tư tưởng thủ cựu ràng buộc.
Cha tôi tỏ ra hết sức thất vọng vì tôi đã không theo học ngành kinh tế mà lại lựa chọn khoa học. Theo quan điểm của ông, ngay cả nếu tôi đã xin theo học khoa học, có lẽ tôi đã phải học môn hóa nông vì nó có thể giúp tôi làm tốt công việc kinh doanh rượu bia, một nghề truyền thống của gia đình, nhưng tôi lại xin theo học vật lý, môn cơ bản nhất của khoa học. Tôi muốn biết cơ chế hoạt động của các vật thể. Cha tôi không tìm cách buộc tôi phải thay đổi chí hướng nhưng chắc chắn ông vẫn hy vọng tôi đảm nhận vị trí của mình trong công ty khi cần thiết. Ông tin rằng vật lý chỉ là một sở thích của tôi. Chính tôi đôi khi cũng e ngại rằng niềm tin của ông là đúng.
Nhưng khi tôi vào học trường đại học Hoàng gia Osaka thì chiến tranh nổ ra. Phòng thí nghiệm của giáo sư Asada bị buộc phải làm công tác nghiên cứu cho hải quân. Tôi vẫn tiếp tục làm các cuộc thí nghiệm và bỏ nhiều buổi học ở trường để có thêm thì giờ dành cho phòng thí nghiệm. Tôi cảm thấy rằng hầu hết các giáo sư trong vai trò giảng viên thì đều buồn tẻ như nhau. Vì họ thường bao giờ cũng viết sách và cho in, nên tôi thấy lúc nào cũng có thể biết được những điều họ giảng nếu việc đọc sách của họ. Vì hay bỏ học ở trường nên tôi dành được nhiều thời gian để làm việc ở phòng thí nghiệm hơn các sinh viên khác cùng lớp. Giáo sư Asada giúp tôi ngày càng nhiều nên chẳng bao lâu, tôi đã đủ khả năng giúp lại ông trong việc giải quyết một vài công việc nhỏ cho hải quân, chủ yếu là môn điện tử vì nó gần gũi với môn vật lý hơn là làm việc với các mạch điện và điện cơ.
Tại trường đại học, giáo sư Asada được coi như một chuyên gia về vật lý ứng dụng và có nhiều tờ báo đã đề nghị ông trả lời những câu hỏi về các vấn đề khoa học do độc giả đề ra. Ông cũng đã viết ở mục tin tức hàng tuần những bài báo nói về những phát triển mới nhất về mặt nghiên cứu – kỹ thuật, tất nhiên là những loạt thông tin không cần phải giữ bí mật. Độc giả nhiều tờ báo đã viết thư cho ông để nhờ giải đáp một số câu hỏi của họ về khoa học, do đó mục tin tức này đã trở nên rất sinh động và được mọi người ưa thích.
Tôi thường giúp giáo sư Asada trong công tác nghiên cứu và khi ông bận tôi cũng thay ông viết ở mục tin tức khoa học này. Tôi nhớ lại có một lần viết ở mục này tôi đã thảo luận về lý thuyết năng lượng nguyên tử và đã phát biểu ý kiến “nếu năng lượng nguyên tử được quan tâm đúng mức thì người ta có thể chế tạo ra một loại vũ khí có sức công phá rất mạnh”. Thời bấy giờ, ý nghĩ về năng lượng nguyên tử hoặc vũ khí nguyên tử hình như còn quá xa vời với mọi người. Ở Nhật Bản thời đó đã có hai cyclotron và công nghệ tạo ra một phản ứng nguyên tử được diễn ra với tốc độ rất chậm chạp. Theo như sự hiểu biết của tôi, nền kỹ thuật Nhật mới chỉ có thể tách được một vài miligram uran 235 trong một ngày. Tôi tính với tốc độ như vậy, ít nhất cũng phải mất đến 20 năm mới có thể tích trữ được đủ chất này để chế tạo một quả bom. Tất nhiên, lúc đó tôi cũng chẳng biết là khoa học ở Mỹ và Đức đã tiến tới đâu trên lĩnh vực này, và cũng chẳng một ai ở Nhật biết về công trình nghiên cứu Manhattan.
Vài công trình của tiến sĩ Asada là nghiên cứu cho Hải quân Hoàng gia Nhật và tôi đã trợ giúp ông. Trong công việc, tôi đã gặp gỡ với một số sĩ quan Hải quân của Trung tâm Công nghệ Hàng không, trung tâm này đặt ở Yokosuka gần Yokohama. Tôi sắp tốt nghiệp và chưa được phân công công tác thì một hôm một sĩ quan bảo tôi rằng sau khi tốt nghiệp vật lý tôi có thể xin làm việc ngắn hạn và trở thành sĩ quan kỹ thuật nếu qua một cuộc sát hạch. Tôi không mặn mà lắm với ý tưởng trở thành sĩ quan Hải quân và nghĩ tốt hơn chỉ làm tình nguyện để được lựa chọn nhiệm vụ chứ không để bị phân công vào quân đội hay Hải quân. Một hôm, một đại uý sĩ quan khác đến phòng thí nghiệm nói cho tôi biết có một khả năng khác. Hải quân có chương trình thực tập cho sinh viên đại học. Sinh viên năm thứ hai có thể nộp đơn tình nguyện và khi được chấp nhận, họ sẽ trở thành người của Hải quân. Mặc dù việc sẽ phải phục vụ suốt đời cho Hải quân khiến tôi e ngại bởi tôi không muốn mình là một sĩ quan Hải quân chuyên nghiệp, nhưng tôi lại rất quan tâm đến chương trình này. Viên sĩ quan nói những người có kiến thức vật lý được đào tạo ngắn hạn sẽ được giao nhiệm vụ điều khiển những rada sắp được lắp trên tàu chiến.
Nhưng điều ấy có nghĩa là tôi sẽ phải hoạt động trong chiến tranh và phải bỏ dở việc học hành, chưa nói đến có khi còn bị mất mạng. Tôi đứng trước hai lựa chọn: hoặc nộp đơn xin phục vụ tạm thời trên tàu, hoặc đăng ký phục vụ cả đời trong Hải quân và tiếp tục việc học tập.
Viên sĩ quan đề nghị tôi dự một cuộc sát hạch, xin học bổng và làm việc lâu dài cho Hải quân để có thể tiếp tục công việc tại phòng thí nghiệm rồi lấy bằng. Anh ta nói rằng không muốn thấy những nhà nghiên cứu tận tuỵ như tôi bị cử ra biển, và rằng sau khi được nhận vào khóa học này tôi chỉ phải trải qua một đợt huấn luyện cơ bản rồi lại có thể tiếp tục công việc ở trung tâm nghiên cứu. “Đó là cách an toàn nhất cho cậu đấy. Như thế cậu có thể tiếp tục nghiên cứu và chúng tôi vẫn sẽ sử dụng được cậu”, viên sĩ quan nói.
Tôi không phải suy nghĩ lâu về vấn đề này và quyết định rằng thà làm việc suốt đời cho hải quân còn hơn nhận khả năng rủi ro. Tôi xin đi thi và đã đỗ. Hải quân cấp cho tôi 30 yen mỗi tháng và tôi được đeo phù hiệu mỏ neo vàng ở cổ áo. Vì thế, tôi trở thành sĩ quan hải quân, được giao nhiệm vụ tiếp tục làm công tác nghiên cứu vật lý ở trường đại học. Nhưng thời gian đó cũng chẳng được là bao. Khi tôi lên đến năm thứ ba, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt hơn. Những sinh viên khoa vật lý chúng tôi cũng như tất cả mọi người trong cả nước đều phải theo mệnh lệnh của quân đội. Đầu năm 1945, tôi bị điều sang làm việc tại ban Kỹ thuật Hàng không đóng tại Yokosuka.
Đó là điều tôi không hề mong đợi. Người ta đưa tôi vào ở trong một căn nhà tập thể của công nhân. Ngay sáng sớm hôm sau tôi bị buộc phải cùng với những công nhân khác làm việc trong nhà máy. Tôi được đưa cho một cái giũa và phải làm việc trong xưởng máy. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải giũa thép như một kẻ nô lệ trong xưởng. Chỉ mới sau có vài ngày mà tôi tưởng có thể phát điên lên được nếu không thoát khỏi cái công việc khổ sai này. Không chỉ sinh viên khoa học như tôi mà trên khắp nước Nhật, tất cả các sinh viên đều phải rời trường học, trong khi công nhân phải gác lại những công việc chưa cấp thiết lắm để phục vụ cho các nhu cầu chiến tranh.
Yoshiko Kamei, người sau này trở thành vợ tôi, cũng phải rời ghế nhà trường đến làm việc tại một nhà máy. Tại đây, cô phải làm các bộ phận bằng gỗ cho bộ cánh của một loại máy bay huấn luyện tên là Chuồn chuồn Đỏ. Vì thế cho đến bây giờ, vợ tôi vẫn sử dụng đồ mộc khá thành thạo. Khi nhà máy chế tạo máy bay này bị đánh bom, cô được đưa đến làm việc trong một nhà máy chuyên may quần áo bệnh viện cho binh lính bị thương. Sau đó, vợ tôi lại được chuyển đến một nhà máy in, nơi chuyên in những giấy tờ quân sự để dùng cho những vùng bị Nhật chiếm đóng ở châu Á. Những giai đoạn sau của chiến tranh, hầu hết các trường học chỉ học một ngày trong tuần, thậm chí, một số trường hoàn toàn đóng cửa. Số thanh niên ở nhà đi học rất ít vì khi đó sức mạnh quân sự của Nhật Bản bị dàn trải rất nhiều nơi. Cho đến tận năm 1951, Yoshiko và tôi mới gặp mặt và cưới nhau cũng vào năm đó.
Sau một vài tuần làm công việc cực nhọc ở nhà máy, chắc có ai đó nhận thấy tôi được giao một công việc không thích hợp, bởi đột nhiên, tôi được chuyển đến làm việc tại phòng thí nghiệm quang học. Nhờ vậy, tôi bắt đầu có cảm nhận là được quay trở về với đúng thế giới của mình. Cùng làm việc ở phòng thí nghiệm này có một vài sĩ quan và công nhân đã tốt nghiệp trường nhiếp ảnh, nhưng tôi là sinh viên đại học duy nhất chuyên về vật lý, cho nên họ giao cho tôi kiêm tất cả những vấn đề kỹ thuật nan giải. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tìm ra phương pháp để các tấm ảnh không bị hỏng, vì thông thường ảnh chụp ở đây hay có những vết xước lởm chởm do trường tĩnh điện phát sinh ra trong không khí khô. Để nghiên cứu vấn đề này, tôi cần phải đến một phòng thí nghiệm được trang bị các dụng cụ, máy móc và phương tiện hiện đại. Tôi nghĩ ra một cách, đó là lấy cớ trực tiếp là người của Hải quân, tôi đến gặp một giáo sư nổi tiếng của Viện Nghiên cứu Hóa – Lý ở Tokyo, ngài Jiro Tsuji, để xin phép ông được sử dụng phòng thí nghiệm của viện. Ông đã giúp đỡ tôi rất tận tình.
Sau đó, tôi xin đơn vị nơi tôi làm việc cho phép đi Tokyo hàng ngày để tiến hành cuộc nghiên cứu. Những lý do tôi đưa ra để xin phép được đi Tokyo chắc hẳn có sức thuyết phục cao, nên cấp trên đồng ý ngay. Thời đó, các chuyến tàu khứ hồi từ Yokohama đến Tokyo thường rất chậm và đông khách, cho nên tôi phải mất cả tiếng đồng hồ cho việc đi lại và hơn nữa còn rất mệt nhọc vì phải chen chúc. Vì thế tôi chuyển đến nhà của một bạn học thân quen từ hồi còn ở tiểu học, anh ta bị gọi đi làm nghĩa vụ quân sự ở Hải quân khi đang là sinh viên khoa luật học trường Đại học Tokyo. Hàng ngày, tôi tới Viện nghiên cứu còn thứ Bảy, tôi về ký túc xá của công nhân và ở trọ nhà anh vào ngày Chủ nhật. Tôi đang học cách trở thành một sĩ quan khôn ngoan biết cách học hỏi và tận dụng thời gian cho việc mình cần.
Nhưng tôi không lẩn tránh công việc và đang tìm cách để không xuất hiện những vết xước tĩnh điện. Tôi hiểu rất rõ là các máy ảnh dùng trên máy bay thường sử dụng những cuộn phim cỡ lớn và như thế không thể tránh được việc những tia tĩnh điện trên gây vệt trên phim ảnh và do đó làm hỏng các tấm ảnh chụp. Qua nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật và làm các cuộc thử nghiệm về mặt này, tôi đã tìm ra bản chất vấn đề. Tôi vào phòng tối nơi có khá nhiều phim và tìm cách tạo ra những tia lửa điện trong phòng thí nghiệm. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã gần đạt được mục đích tái diễn hiện tượng tia lửa điện trong phòng thí nghiệm. Trong bản báo cáo đầu tiên, tôi nói rõ là tuy tôi đã đạt được một số kết quả trong việc tạo ra hiện tượng tia tĩnh điện trong phòng thí nghiệm, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra các vệt tĩnh điện trên phim ảnh và làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Nhưng tôi sẽ có thể sẽ thực hiện được thí nghiệm này vì khoa Quang học ở đây không có đủ các phương tiện cần thiết cho việc nghiên cứu. Tất nhiên, nơi thích hợp nhất và có các thiết bị tốt nhất để tiếp tục nghiên cứu là phòng thí nghiệm của Giáo sư Asada.
Để giúp cho cấp trên có thể quyết định dễ dàng hơn, tôi nói thêm là tôi không xin các khoản tiền chi phí đi lại. Vì phòng thí nghiệm của giáo sư Asada ở ngay trong đại học cũ của tôi nên tôi có thể ở đó miễn phí. Tất cả những gì tôi cần là được họ cho phép nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này. Sự đầu tư duy nhất của họ vào công trình nghiên cứu này chỉ là một số lượng lớn phim vì phim ảnh thời đó khá hiếm, không được bày bán rộng rãi nên tôi không thể tìm được ở nơi nào khác. Sự đồng ý của cấp trên rất có ý nghĩa đối với tôi và tôi hy vọng mình sẽ hoàn thành công việc ở phòng thí nghiệm có thiết bị tiên tiến này. Đúng như tôi hy vọng, chẳng những tôi hoàn thành công việc mà tôi còn dùng bản báo cáo kết quả chính thức cho Hải quân làm luận án chính thức của mình.
Cấp trên hoàn toàn tán thành đề nghị của tôi và còn cấp cho tôi rất nhiều phim mà tôi chất nặng trong ba-lô khi quay trở về trường đại học cũ. Vì thế, suốt vài tháng trời, trong khi những người khác phải vật lộn bên ngoài thì tôi được đến ở tại căn phòng cũ mà gia đình tôi đã thuê cho tôi khi còn là sinh viên trường đại học này và tiếp tục nhận được những lời chỉ dẫn rất quý báu của Giáo sư Asada. Hàng tuần, tôi chỉ phải gửi một bản báo cáo về tiến độ nghiên cứu. Đây cũng là một dịp tốt cho tôi được tiến hành việc nghiên cứu với tốc độ tùy ý và tiếp tục được giáo sư Asada truyền cho những kiến thức cần thiết.
40 năm sau đó, năm 1985, tôi dự một cuộc họp mặt của những chuyên viên, nhân viên phòng thí nghiệm quang học. Ở đó tôi có phát biểu ý kiến thú nhận động cơ của tôi khi đề nghị xin đến nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của giáo sư Asada. Tôi thành thật xin lỗi tất cả các thành viên của phòng thí nghiệm quang học về những sự phiền phức đã gây cho họ vì một hành động ích kỷ, cá nhân của tôi. Tất cả những người có mặt tại cuộc họp đều vỗ tay hoan nghênh sự thành thật này của tôi. Sau đó, chính vị sĩ quan cấp trên của tôi đã đứng dậy và nói ông cũng có một thú nhận cần phải nói cho mọi người rõ. Ông nói là ngày tôi đi Osaka với một số phim ảnh, ông có báo cáo sự việc đó cho đô đốc hải quân là cấp trên của ông thì “Đô đốc rất tức giận. Ông ta đã trách cứ tôi rất nặng nề và nói việc tôi làm là chưa có tiền lệ trong hải quân”. Ông bị buộc phải đi ngay Osaka để bắt tôi quay trở về. Sáng hôm sau, ông đến trước vị đô đốc hải quân để báo cáo là đã sẵn sàng đi đưa tôi về thì vị đô đốc hải quân lại thay đổi ý kiến. Nhờ vậy, tôi vẫn được phép tiếp tục nghiên cứu ở Osaka. Trong suốt 40 năm, tôi hoàn toàn không biết sự việc này và những điều phiền phức đã gây ra cho cấp trên trực tiếp của tôi và bây giờ khi đã biết chuyện đó, tôi thành thực xin lỗi một lần nữa. Tất cả chúng tôi đều cười to về câu chuyện quá khứ đầy thú vị này.
Khi tốt nghiệp đại học, tôi đương nhiên trở thành một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp và điều đó có nghĩa là tôi phải qua một khóa huấn luyện quân sự. Vì vậy, tôi bị chuyển tới một đơn vị hải quân đóng ở căn cứ Hamamatsu, gần thành phố Nagova, nơi tôi phải theo một lớp huấn luyện sĩ quan 4 tháng. Tôi thấy việc theo khóa học này khá khó khăn nhưng thực ra, việc học tập này lại rất có ích cho sức khỏe của tôi.
Vào thời kỳ đó, chỉ những sinh viên theo ngành khoa học như tôi mới có thể được tạm hoãn quân địch. Em ruột tôi là Kazuaki lúc đó đang là sinh viên khoa kinh tế tại Trường đại học Waseda không được hoãn nghĩa vụ quân sự, nên bị đưa vào hải quân và theo lớp huấn luyện các phi công hải quân lái các máy bay ném bom loại hai động cơ. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn ở Căn cứ Không quân Toyohashi, còn em tôi ở Căn cứ Không quân Toyohashi thuộc hải quân cũng ở gần đó. Hàng ngày, Kazuaki bay tập ngay trên trại lính của tôi. Cũng thật may là em tôi được trao nhiệm vụ lái máy bay ném bom hai động cơ thuộc đơn vị oanh tạc đêm, một loại máy bay đòi hỏi phải có sự huấn luyện kĩ càng và mất nhiều thời gian cho nên em tôi chưa tốt nghiệp khóa huấn luyện này thì chiến tranh đã kết thúc. Mấy người bạn cùng lớp nó theo các khóa huấn luyện ngắn hơn đã phải lái các máy bay cảm tử và không bao giờ trở về.
Em trai Masaaki của tôi khi đó còn đang học trung học. Và lúc này, Quân đội đang kêu gọi và khuyến khích thanh niên Nhật Bản tình nguyện nhập ngũ. Cả lớp em trai tôi đã đăng ký tham gia quân đội, cho dù lúc đó chúng mới có 14, 15 tuổi, vì lúc bấy giờ ở Nhật Bản, khí thế ra quân rất sôi sục, thậm chí nếu thanh thiếu niên nào không muốn tình nguyện nhập ngũ thì cậu ta cũng sẽ bị chỉ trích, phê bình. Bố mẹ tôi rất bàng hoàng, và không muốn cho em tôi nhập ngũ sớm, nhưng em tôi cứ nhất quyết đòi đi. Tôi không thể quên được những giọt nước mắt của mẹ tôi khi em tôi lên đường ra trận. Tôi tiễn em tôi lên tàu mà cũng không thể cầm được nước mắt. Em tôi được đào tạo để trở thành phi công cho lực lượng hải quân, và cũng thật may là em tôi mới tham gia khóa huấn luyện chưa được bao lâu thì chiến tranh kết thúc. Như thế, đã có những lúc cả ba anh em chúng tôi bay trên các máy bay hải quân. Trong quá trình đào tạo, tôi cũng đã tham gia nhiều chuyến bay đêm trong vai một hành khách để thử nghiệm các thiết bị mà chúng tôi đang sử dụng nhằm mục đích chế tạo loại vũ khí tìm nhiệt, và các bạn đồng nghiệp đã dạy tôi cách lái máy bay, tất nhiên là không chính thức. Có giai đoạn khi cả ba anh em tôi đều tham gia các chuyến bay, mẹ tôi đã rất lo sợ và không còn hy vọng là chúng tôi sẽ sống sót trở về sau chiến tranh. May thay, cả ba chúng tôi đều bình yên vô sự.
Mặc dù người ta tuyên truyền rất nhiều về việc các nước phương Tây liên kết chống Nhật, nhưng cuộc chiến tranh với Mỹ thực sự là một thảm họa và làm cho nhiều người Nhật Bản ngạc nhiên và sốc. Hồi bé, cố nhiên tôi không biết gì về những sự kiện chính trị diễn ra trong suốt những năm 1920 và đầu những năm 1930, nhưng từ năm 1934, tức là khi tôi mười ba tuổi, chúng tôi được huấn luyện quân sự khoảng 2 giờ mỗi tuần. Trong suốt những năm đó, chúng tôi được tuyên truyền rằng Liên Xô mới là kẻ thù đáng gờm, và có thể sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Liên Xô. Người ta dạy chúng tôi rằng chủ nghĩa Cộng sản vô cùng nguy hiểm, và lý do Nhật Bản đánh chiếm Mãn Châu cũng là để tạo đường biên giới và khu đệm chống Cộng và bảo vệ nước Nhật.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phát xít và một số sĩ quan quân đội trẻ tuổi đã gây ra nhiều vụ rắc rối khá nghiêm trọng cho Nhật Bản cả ở trong và ngoài nước, điều này khiến những người như cha tôi cảm thấy rất lo lắng về tương lai. Năm 1932, một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng với 42 sĩ quan trẻ đã tấn công những người thuộc nhóm được gọi là “giai cấp có nhiều đặc quyền đặc lợi”, ám sát Bộ trưởng Tài chính Junnosuke Inoue và ông Baron Takuma Dan, một doanh nhân nổi tiếng, ông chủ của tập đoàn Mitsui khổng lồ. Sau đó, vào ngày 15 tháng Năm, họ ám sát Thủ tướng Tsuyoshi Inukai và tấn công nhà riêng của viên Tổng chưởng lý và văn phòng giao dịch của một số công ty cổ phần lớn. Họ cũng tấn công ngân hàng Nippon và Mitsubishi.
Những người thuộc tầng lớp chúng tôi rất kinh hoàng trước những sự kiện xảy ra. Mặc dù mục đích của những cuộc nổi loạn là nhằm thiết lập chủ nghĩa phát xít trên đất nước Nhật Bản, nhưng những sự kiện này lại làm cho những người theo chủ nghĩa bảo thủ liên tưởng đến một âm mưu của chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1936, sự kiện ngày 26 tháng Hai nổi tiếng đã xảy ra: một nhóm sĩ quan nổi loạn đóng chiếm dinh thự Thủ tướng, trụ sở Bộ chiến tranh và ám sát cựu Thủ tướng Makoto Saito lúc đó đang giữ chức Tổng chưởng lý, là vị tướng phụ trách giáo dục quân sự và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính. Họ còn làm cho một Quan thị thần bị thương. Những hành động đó làm cho Hoàng đế Nhật Bản nổi giận. Người ra lệnh cho quân đội đè bẹp những kẻ phiến loạn, và 15 sĩ quan cùng rất nhiều dân thường là bè đảng của chúng đã bị xử tử.
Mặc dù cuộc phiến loạn thất bại nhưng càng ngày chúng tôi càng thấy rõ các chính khách và doanh nhân thuộc tầng lớp trên luôn bị đe dọa tấn công. Đất nước đang trong tình trạng kinh tế nghèo nàn, các sĩ quan quân đội theo chủ nghĩa phát xít dù lầm đường lạc lối nhưng lại dành được cảm tình của nhiều người. Người Nhật Bản vốn có truyền thống dành cảm tình cho những người dám đấu tranh chống lại những thế lực mạnh hơn mình bội phần, cho dù lý tưởng và lòng nhiệt tình của họ được đặt không đúng chỗ. Rất nhiều vị anh hùng dân gian Nhật Bản là những người đã chịu chết khi đang nỗ lực để giành được một điều không tưởng. Từ giữa những năm 1930, quân đội ngày càng tăng cường kiểm soát đối với nền chính trị trong nước và những kẻ theo chủ nghĩa phát xít bắt đầu áp đặt chính sách của chúng. Trong bầu không khí như vậy thật khó cho những ai muốn nói lên sự thật. Ngay cả ở Nghị viện, chính phủ Nhật Bản, rất ít nghị sĩ có đủ can đảm chống đối giới quân phiệt và nếu có ai dám như vậy thì lập tức sẽ bị loại trừ, họ sẽ không còn cơ hội thứ hai để phát biểu nữa. Và như thế, chủ nghĩa quân phiệt đã thắng thế.
Cứ mỗi khi cha tôi và các bạn của ông có dịp gặp nhau thì họ lại bàn luận về những hiểm nguy có thể sẽ xảy ra. Họ là doanh nhân và họ có quan điểm tự do hơn những người theo chủ nghĩa phát xít, nhưng họ không thể làm gì khác ngoài việc giữ thái độ im lặng nơi công cộng.
Lúc này thanh thiếu niên thường chỉ biết những gì họ được dậy ở trường học, và hầu như mọi tin tức đều phiến diện, một chiều. Người ta tán dương cuộc chiến xâm lược Trung Quốc của quân đội Nhật Bản. Nhiều người đã nghe những tin đồn về các cuộc tấn công vào các thành phố của Trung Quốc, về những gì đang diễn ra ở Nam Kinh, và tôi chắc rằng cha tôi biết nhiều hơn những gì ông nói, nhưng những người trẻ tuổi lại không chú ý gì đến những sự kiện đã xảy ra. Tôi biết rằng quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng xấu đi, nhưng tôi không hề nghĩ rằng sẽ nổ ra cuộc chiến tranh giữa hai nước.
Tôi có một cái radio có gắn thêm một chiếc đồng hồ hẹn giờ và sử dụng nó để báo thức vào 6 giờ sáng hàng ngày. Tôi nhớ rất rõ buổi sáng ngày 8 tháng Mười Hai năm 1941, lúc đó ở Mỹ vẫn còn là ngày 7 tháng Mười Hai, khi chiếc radio của tôi tự động bật lên, tôi nghe thấy thông báo Quân đội Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng. Tôi đã thực sự sửng sốt. Tin này khiến cho tất cả mọi người trong gia đình tôi bàng hoàng, lúc đó tôi đã nghĩ rằng đây là một điều vô cùng mạo hiểm. Tôi lớn lên với niềm tin rằng các nước phương Tây phát triển hơn hẳn các nước phương Đông về mặt kỹ thuật. Ví dụ, thời bấy giờ, người ta chỉ có thể mua các đèn chân không bằng kim loại ở Mỹ, chứ ở Nhật thì chưa sản xuất được loại đèn đó. Tôi đã mua một số đèn RCA để làm thí nghiệm. Hiểu rõ về trình độ khoa học công nghệ của Mỹ thông qua phim ảnh cũng như qua các sản phẩm sản xuất tại Mỹ như ôtô, máy quay đĩa và qua người bác của tôi, tôi hết sức lo lắng về việc làm này của quân đội Nhật Bản.
Nhưng chỉ một vài tuần sau cuộc tấn công Trân Châu cảng, báo chí Nhật Bản lại đăng một loạt tin tức về các chiến thắng của quân đội Nhật, như sự kiện đánh đắm hai chiến hạm trọng yếu của Anh là Hoàng tử xứ Wales và Repulse vốn được coi là bất khả chiến bại, hay sự kiện chiếm đóng Philippines và Hồng kông, quân đội Nhật Bản đã giành được tất cả những chiến công này trong tháng Mười Hai năm 1941; và tôi bắt đầu có suy nghĩ rằng, có thể Nhật Bản mạnh hơn rất nhiều so với tôi thường nghĩ. Một khi chiến tranh xảy ra, toàn thể nhân dân, trong đó có cha mẹ tôi, cho rằng không thể làm gì khác ngoài việc đóng góp cho cuộc chiến của đất nước. Trên báo chí tràn ngập những thông tin về áp lực mà Mỹ đòi hỏi Nhật Bản, về các đạo luật nhập cảnh thể hiện sự phân biệt đối xử với người Nhật, về yêu cầu quân đội Nhật phải rút khỏi Trung Quốc và Mãn Châu, nơi mà Nhật Bản định dùng làm vùng đệm để chống Cộng. Chúng tôi còn nghe được những lời tuyên truyền rầm rộ rằng Cộng sản là mối nguy cơ và là sự đe dọa đối với Nhật Bản, và chỉ có những người theo chủ nghĩa phát xít mới có thể bảo vệ chúng tôi khỏi chủ nghĩa Cộng sản mà thôi.
Chính phủ bị giới quân sự chi phối này khi thực hiện một việc gì đều lấy danh nghĩa đó là mệnh lệnh của Hoàng đế, và họ bắt cả người lớn và trẻ em làm những việc tưởng như không thể thực hiện được. Một ông hiệu trưởng trường trung học chỉ vì đọc nhầm Huấn lệnh của Hoàng đế mà phải tự sát để chuộc lỗi. Cảnh sát và cả cảnh sát đặc biệt được cài đặt khắp mọi nơi trên đất nước để bắt bớ tất cả những ai mà họ dù chỉ có một chút nghi ngờ là chưa bày tỏ đủ mức lòng trung thành, sự phục tùng và tôn kính. Những người điều khiển xe điện khi chạy qua trước cửa Hoàng cung ở Tokyo phải thông báo trước để hành khách chuẩn bị cúi chào. Học sinh phải cúi đầu thành kính trước những bàn thờ nhỏ Shinto đựng Thánh chỉ của Hoàng đế. Đó là biện pháp mà giới quân sự áp dụng để bắt toàn dân phải khuất phục, và tất cả mọi người như cha mẹ tôi và tôi đều phải làm như vậy. Người ta chỉ có thể chôn chặt ý kiến bất đồng trong đáy lòng, vì sẽ rất khó khăn và nguy hiểm nếu họ thổ lộ ra ngoài.
Những người chống đối bị đưa vào các trại cải giáo đặc biệt, và nếu còn tiếp tục chống đối, họ sẽ phải làm các công việc chân tay nặng nhọc nhất. Tất cả những người cánh tả và Cộng sản đều bị bắt giữ, giam cầm.
Sau khi học xong lớp huấn luyện quân sự 4 tháng, tôi được phong hàm trung uý và được lệnh quay trở về làm việc tại phòng thí nghiệm quang học ở Yokosuka. Tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ giám sát một đơn vị đặc biệt đã được di tản về nông thôn chuyên chế tạo vũ khí được điều khiển bằng nhiệt và các loại súng có tầm ngắm đêm. Chúng tôi đóng quân tại một ngôi nhà lớn đã cũ ở vùng nông thôn Zushi, một thị trấn nhỏ ở phía nam Kamakura, trông ra vịnh Sagami. Đơn vị chúng tôi do một đại uý điều khiển, ngoài ra còn một số sĩ quan cao cấp khác cộng thêm hai hay ba trung uý như tôi và một vài thiếu uý nữa. Một trung uý được cử làm sĩ quan thường trực phụ trách công tác tổng hợp, người đó chính là tôi. Nếu làm việc trên một hạm tàu, lẽ ra tôi thực hiện nhiệm vụ của một sĩ quan điều hành trên bong tàu. Ở đây, tôi phải trông coi mọi việc dù là nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người, kể cả việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho toàn đơn vị. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy rất thích khung cảnh xung quanh ngôi nhà vùng nông thôn này. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc phương Tây, mặt trước được ốp xtuco và có một khu vườn nhỏ. Trước đây, các hãng phim thường đến đây quay phim khi họ cần một phong cảnh phương Tây trong phim. Ngôi nhà nằm ngay dưới chân một vách đá nhô ra bên bãi biển. Tôi ở tại một phòng trong khách sạn Nagisa ngay gần ngôi nhà, khách sạn này cũng do Hải quân trưng thu làm nơi cư trú cho sĩ quan. Sáng sáng đi làm, tôi chỉ việc thả bộ theo bờ biển là tới nơi làm việc. Tôi thấy nơi này thật lạ kì, vì đôi khi nó thật thanh bình như bất cứ
khu nghỉ mát nào trên thế giới, đồng thời, nó lại nằm trên đường bay về của các máy bay ném bom hạng nặng B-29 của Mỹ sau khi đã đánh phá Tokyo, Kawasaki và Yokohama hầu như hàng ngày bằng các loại bom cháy và bom nổ hạng nặng.
Mặc dù còn trẻ, nhưng do đã được đào tạo nhiều kỹ năng quản lý ngay từ khi còn ở gia đình nên tôi có đầy đủ khả năng để trông nom toàn đơn vị. Lúc đó đơn vị tôi bị thiếu lương thực, cho nên chúng tôi đã phải tìm mọi phương kế để có thể kiếm đủ thức ăn cho mọi người. Một thiếu uý dưới quyền tôi đã tìm cách làm quen với một chủ hiệu bán cá ở Zushi, ông này thường xuyên có mặt tại bãi biển nơi chúng tôi đóng quân. Thời bấy giờ, mỗi lính hải quân được phân phối một chút rượu sake, chúng tôi đã đánh đổi chút rượu hiếm hoi đó lấy cá tươi cải thiện cho bữa ăn của anh em. Thế nhưng số cá này vẫn quá ít so với nhu cầu ăn uống của những người lính trẻ, vì vậy tôi lại nghĩ ra một cách khác. Tôi viết thư cho gia đình, gửi qua bưu điện quân sự đề nghị bố mẹ gửi cho chúng tôi một thùng xì dầu và bột đậu tương với dòng ghi chú “Dùng cho hải quân” trên thùng. Lúc bấy giờ những thứ này rất hiếm. Công ty Morita khi đó chuyên chế biến bột đậu tương đã khử nước để dùng cho quân đội và các sản phẩm có cồn dùng cho hải quân (người Nhật có thể chỉ cần tồn tại bằng xúp đậu tương mà thôi). Người ta có thể thấy việc gửi những thùng hàng như vậy là không bình thường. Tôi cũng cảm thấy làm như vậy có vẻ hơi “nghịch ngợm”, và việc này vi phạm quy chế Hải quân, nhưng chúng tôi buộc phải làm như vậy vì lợi ích của đơn vị, và nếu việc đó bị phát giác, tôi tin rằng tôi có đủ lý lẽ để biện minh cho hành động của mình. Khi các thùng hàng được chuyển tới nơi, chúng tôi cất giấu kỹ dưới tầng hầm của ngôi nhà, và mỗi khi có cá tươi chúng tôi lại mang đi đổi. Bằng cách này, đơn vị nhỏ bé của chúng tôi đã sống tương đối no đủ và hạnh phúc mặc dù lúc này, tình hình đất nước nói chung hết sức khó khăn.
Tôi trực thuộc một nhóm dự án đặc biệt bao gồm nhiều nhà nghiên cứu thuộc quân đội, hải quân và khu vực dân sự. Nhóm chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu về các thiết bị tìm nhiệt. Chúng tôi hạ quyết tâm hoàn thành công trình nghiên cứu này bằng bất cứ giá nào và tự đề ra phải mạnh dạn và độc đáo trong suy nghĩ. Một trong những đại diện của khu vực dân sự làm việc trong nhóm chúng tôi là một kỹ sư điện tử tài năng, lúc bấy giờ ông cũng đang lãnh đạo một công ty điện tử tư nhân. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi sau này. Masaru Ibuka lớn hơn tôi 13 tuổi, nhưng ông đã nhanh chóng trở thành một người bạn gần gũi của tôi, một người đồng nghiệp, một đối tác và sau này là một đồng sáng lập viên của Tập đoàn Sony.
Là thành viên nhóm nghiên cứu này thực sự là một vấn đề điên đầu đối với tôi. Tôi còn trẻ và hiếu thắng. Tuy nhiên, tôi cũng dần làm quen với sự chỉ đạo của cấp trên. Chúng tôi phải lao vào một công trình nghiên cứu mà xem ra nó có vẻ “đi trước thời đại”. Nhóm nhỏ của chúng tôi cùng nhau nghiên cứu hết ngày này qua ngày khác, và thời gian đã giúp chúng tôi ngày càng hiểu rõ lẫn nhau, thế nhưng thực tình mà nói, chúng tôi chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc nghiên cứu về phương tiện tìm nhiệt. (Phải nhiều năm sau chiến tranh, tên lửa Sidewinder của Mỹ, loại vũ khí mà khi đó chúng tôi đang nghiên cứu chế tạo mới ra đời). Tôi chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, nhưng trong những buổi thảo luận, tôi phải đối mặt với nhiều giáo sư và sĩ quan quân đội nổi tiếng, họ thường nhoài người qua bàn và hỏi tôi: “Xin đại diện hải quân cho biết ý kiến về vấn đề này?”. Tôi cố làm ra vẻ nghiêm túc trả lời: “Vâng, thưa các ngài, theo quan điểm của hải quân, tôi thấy…”. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy rất biết ơn sự dạy dỗ chu đáo của cha tôi.
Ông Ibuka đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho hoạt động của nhóm. Tại Công ty Thiết bị Đo lường Nhật Bản của ông, ông đã chế tạo ra một loại máy khuyếch đại dùng để gắn vào một thiết bị phát hiện tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu 30 mét dưới mặt nước bằng cách đo những nhiễu loạn của dòng từ tính trên mặt đất. Thiết bị này được treo vào máy bay, và bộ phận chủ yếu của nó chính là máy khuyếch đại do Ibuka sáng chế ra. Thiết bị này mạnh đến nỗi nó có thể phát hiện và khuyếch đại một tần số rất nhỏ, từ một hoặc hai chu kỳ/1 giây cho đến khoảng 600 chu kỳ/1 giây, tức là thời điểm rất dễ nhận thấy. Tôi đã đọc một tài liệu nói rằng khi thử nghiệm thiết bị này, người ta phát hiện 26 tàu ngầm đang hoạt động xung quanh Formosa. Nhưng thật đáng tiếc, khi loại thiết bị thăm dò tàu ngầm này được thử nghiệm thành công thì không còn đủ máy bay để gắn các thiết bị đó, vì lúc này Nhật Bản đang mất dần quyền kiểm soát không phận do quân đội Mỹ đã kéo gần tới các đảo chính của Nhật Bản và dùng bộ binh tấn công quần đảo ở phía Nam và dùng không quân hàng ngày ném bom bắn phá các nhà máy sản xuất máy bay của Nhật Bản.
Càng ngày Mỹ càng tăng cường ném bom xuống thủ đô Tokyo cũng như các vùng quân sự và công nghiệp của thành phố Kawasaki và Yokohama ở phía bắc bán đảo Miura nơi chúng tôi đóng quân. Mỗi khi máy bay Mỹ chuẩn bị ném bom, còi báo động gầm rú quanh khu vực chúng tôi ở, và mặc dù chưa bị ném bom lần nào nhưng chúng tôi đã luôn phải trong tình trạng báo động. Có vẻ như là bom khó có thể rơi trúng nơi đóng quân của chúng tôi vì ngôi nhà nằm ngay dưới một vách đá nhô ra biển, hơn nữa, suy cho cùng thì chẳng ai muốn ném bom chúng tôi. Chúng tôi không phải là một đơn vị quân sự tác chiến, và tôi chắc rằng người Mỹ cũng không biết có sự tồn tại của một đơn vị như vậy. Suy nghĩ này xem ra không thấm nhuần tư tưởng quân sự, nhưng cũng hợp logic. Vì vậy nên tôi đã nói với mọi người những gì tôi nghĩ.
Tôi trình bày một cách đơn giản: “Theo điều lệ của hải quân, chúng ta phải đứng dậy khi nghe thấy còi báo động, mặc quân phục và sẵn sàng bơm nước chữa cháy. Nhưng có vẻ như khu vực này rất ít khả năng bị oanh tạc, nên tôi sẽ không đánh thức mọi người dậy ngay cả khi có còi báo động”. Họ có vẻ rất thích thú với điều này. Tôi cũng cảnh báo họ “Nhưng mặt khác, nếu như bom rơi xuống đây thì chúng ta đành bó tay. Mọi sự coi như kết thúc”. Các đồng nghiệp chấp nhận lý lẽ của tôi một cách thoải mái. Và để chứng tỏ cho mọi người biết là tôi nói nghiêm chỉnh, tôi chuyển ra khỏi khách sạn đến sống tại một căn buồng trên tầng hai của ngôi nhà. Đó hoàn toàn không phải là một hành động dũng cảm. Tôi nhận định rằng không có khả năng Mỹ sẽ ném bom vào một địa điểm như thế này. Cuối cùng, chúng tôi cũng không tiến hành được một nghiên cứu thật sự quan trọng nào, nhưng thà cứ ngủ kỹ suốt đêm còn hơn là phải vùng dậy mỗi khi có còi báo động để cả ngày hôm sau lử đử vì thiếu ngủ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.