Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Chẳng bao lâu sau, tôi cứ phải thường xuyên đi lại giữa Tokyo và New York. Là Phó Chủ tịch điều hành, tôi không thế vắng mặt ở Tokyo quá lâu nhưng là người xây dựng chi nhánh công ty ở Mỹ nên tôi cũng không thể dành quá nhiều thời gian ở Tokyo. Tôi bắt đầu nhận thấy để thiết lập một cơ sở vững chắc cho Sony trên đất Mỹ, tôi cần phải tìm hiểu về nước Mỹ nhiều hơn nữa và dù có khá nhiều bạn tốt ở Mỹ, tôi vẫn cần phải tìm hiểu về lối sống và cách suy nghĩ của người Mỹ. Làm cho thương hiệu của công ty được nhiều người Mỹ biết đến là một việc khó khăn, nhưng làm thế nào hiểu được người Mỹ lại còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng tôi hoàn toàn nhận ra rằng tương lai của tôi và của Sony phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ cũng như vào các công việc kinh doanh quốc tế khác. Gần quá nửa hàng hóa của công ty là để bán trên thị trường nước ngoài, và tôi tin rằng công ty Sony phải tìm cách để trở thành công dân của thế giới và là một công dân tốt ở mỗi quốc gia mà chúng tôi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Chúng tôi cần phải nắm vững mọi thống kê về tình hình thị trường và các số liệu về hàng bán ra.
Tôi quyết định thành lập một công ty lấy tên là Tập đoàn Sony Mỹ (Sony Corporation of America). Khi trở về Tokyo, Ibuka và Kazuo Iwama, người sau này trở thành Chủ tịch, tỏ vẻ hoài nghi về sự cần thiết phải thành lập một công ty ở Mỹ, đấy là chưa nói một số nhân viên và cán bộ quản lý của công ty Sony mà chúng tôi đã tập hợp ở New York cũng tỏ vẻ không đồng tình, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của công việc mà tôi định làm. Hơn nữa, tuy nghi ngại nhưng không ai có lý do rõ ràng buộc chúng tôi không nên làm như vậy. Tôi thuyết phục họ, nếu làm được như thế, Sony sẽ có một mạng lưới bán hàng riêng của mình, sẽ là người phân phối cho mình và phát triển được khả năng marketing của chính mình. Các đồng nghiệp của tôi ở Tokyo đi đến quyết định là giao hẳn cho tôi trọng trách xây dựng công ty mới này vì tôi hiểu rõ thị trường Mỹ nhất. Do đây là một dự án dài hạn nên chúng tôi quyết định sẽ tiến hành khi thời điểm thuận lợi. Nhưng tình hình biến chuyển nhanh chóng nên tôi cũng không phải chờ đợi lâu.
Chúng tôi đã xin phép Bộ Tài chính chuyển cho công ty chúng tôi 500.000 đô la Mỹ để sử dụng cho những công việc sau này, nhưng chúng tôi không biết là bao giờ và liệu có được chấp thuận không. Thật là quá bất ngờ, giấy phép chuyển tiền lại đến đúng lúc chúng tôi dự định thành lập một công ty ở Mỹ. Và nhờ vậy, chúng tôi đã chính thức thành lập tập đoàn Sony tại Mỹ vào tháng Hai năm 1960 với số vốn 500.000 đô la Mỹ. Chỉ 16 tháng sau, chúng tôi quyết định bán 2 triệu cổ phần loại thông thường của công ty Sony tại thị trường Mỹ dưới dạng Tiền thu ký quỹ ở Mỹ (American Depository Receipts). Đó là một kinh nghiệm khá sâu sắc đối với tôi. Mặc dù công ty điện lực Tokyo cũng đã phát hành trái phiếu trên thị trường Mỹ hồi trước chiến tranh, nhưng chúng tôi vẫn là công ty Nhật đầu tiên phát hành cổ phiếu ở Mỹ và sở dĩ chúng tôi làm được như vậy là nhờ hệ thống Tiền thu ký quỹ mới được thực hiện ở đây.
Theo hệ thống này, các cổ phần vốn được giữ lại ở đất nước phát hành còn số tiền thu được do phát hành cổ phiếu được ký gửi tại một tổ chức tài chính của Mỹ và các cổ phiếu đó được quyền mua đi bán lại trên đất Mỹ cũng giống như mọi loại cổ phiếu thông thường phát hành trong nước.
Ngân hàng của chúng tôi và Công ty Chứng khoán Nomura của Nhật Bản mà chúng tôi rất quen biết các giám đốc điều hành ở đó, cũng như Hãng Smith Barney của Mỹ có chủ tịch là ông Burnett Walker đều nghĩ rằng chúng tôi nên tham gia thị trường Mỹ, nên chúng tôi cũng bị lôi cuốn bởi khả năng có thể vay vốn bằng cách bán các cổ phần của công ty tại Mỹ. Chúng tôi thảo luận vấn đề này vào mùa thu năm 1960 ở Tokyo và hãng Smith Barney đồng ý đứng tên làm người đồng bảo hiểm cùng với Công ty Chứng khoán Nomura của Nhật Bản.

Có lẽ đây là công việc phức tạp và khó khăn nhất mà tôi từng làm. Chúng tôi phải tuân thủ các quy định của Luật Thương mại Nhật Bản, các quy tắc của Bộ Tài chính Nhật Bản và của Uỷ ban Mua bán Chứng khoán Mỹ. Tất cả những điều này đều rất mới mẻ, xa lạ và phức tạp. Nhưng may mắn là Thủ tướng Hayato Ikeda rất tán thành ý tưởng này, vì ông là một nhà chính trị có quan điểm quốc tế và đây là hoạt động tự do hóa tiền vốn đầu tiên được tiến hành ở Nhật Bản từ sau cuộc chiến tranh. Thái độ tích cực của Thủ tướng đã có ảnh hưởng quyết định đối với các nhà tài chính bảo thủ trong Bộ Tài chính nên họ đã chấp thuận đề nghị của chúng tôi. Chúng tôi đã tiến hành công việc rất nhanh chóng và thành lập nhóm làm việc khá hiệu quả bao gồm tôi và các nhân viên của công ty Sony, ông Ernest Schwartzenbach thuộc hãng Smith Barney đại diện cho những người đứng ra bảo đảm, ông John Stevenson là giám đốc Công ty Luật Sullivan và Cromwell, và ông Yoshio Terasawa của Công ty Chứng khoán Nomura, người vừa trở lại sau tuần trăng mật vào tháng Hai năm 1961 (và sau này, khi công việc phát triển, ông đã bận rộn đến mức không về gặp người vợ mới cưới suốt 4 tháng tiếp theo).
Chúng tôi đã phải làm việc một cách dò dẫm, phải viết giải trình sơ bộ và gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích phương pháp tiến hành kinh doanh của chúng tôi trên đất Mỹ để làm vừa lòng Uỷ ban Mua bán Chứng khoán Mỹ (SEC). Chúng tôi phải làm rất nhiều việc mới mẻ, ví dụ như phải thay đổi các phương pháp thanh toán cho phù hợp với hệ thống thanh toán hợp nhất đang được sử dụng ở các nước phương Tây và cũng là lần đầu tiên hợp nhất các số liệu kế toán của chúng tôi. Sau khi xem xét cách thức hệ thống này vận hành, tôi đã phải đồng ý khi một đồng nghiệp Mỹ hỏi: “Làm thế nào mà ông có thể thấy rõ tình trạng lành mạnh của công ty ông, nếu ông không hợp nhất các khoản thanh toán?”. Chúng tôi đã cải tiến được rất nhiều nhờ phương pháp hợp nhất thanh toán này và sau kinh nghiệm của chúng tôi, phương pháp hợp nhất đã trở thành phương pháp chuẩn ở Nhật Bản.
Chúng tôi còn phải dịch toàn bộ các hợp đồng của Sony sang tiếng Anh và giải thích chi tiết mọi hoạt động của công ty trên giấy tờ. Điều đầu tiên khiến các luật sư và kế toán viên bối rối là nhiều hợp đồng của công ty đã quy định rõ trong thời gian thực hiện, nếu các điều kiện thay đổi đến mức làm cho bất cứ bên ký kết nào không còn khả năng thực hiện những điều khoản nêu ra thì cả hai bên sẽ cùng ngồi lại thảo luận xem nên giải quyết tình hình mới đó như thế nào. Điều khoản này rất thông dụng trong các hợp đồng ký kết ở Nhật Bản và nhiều công ty còn tiến hành các hoạt động kinh doanh mà không hề ký hợp đồng nào cả. Do vậy nhiều người không hiểu rõ cách thức kinh doanh ở Nhật đã tỏ ra rất lo ngại trước sự việc này. Tôi đoán đây là một sự khác biệt đầu tiên về nhận thức mà chúng tôi gặp phải. Phía Mỹ chắc không thể hiểu nổi liệu chúng tôi có thể ngồi lại với nhau để bàn bạc một cách thẳng thắn được không khi giữa hai bên đang có một sự bất đồng lớn đến như vậy.
Điều nghiêm trọng hơn nữa dưới con mắt của những người đứng ra bảo đảm là phương pháp tài chính của chúng tôi theo hệ thống truyền thống của Nhật Bản đối với các khoản vay ngắn hạn. Thông thường ở Nhật Bản các công ty hoạt động trên cơ sở nhiều khoản tiền vay ngắn hạn có thời gian đáo hạn là 90 ngày. Có người hỏi chúng tôi “Tại sao các ông lại có thể tiến hành kinh doanh trên cơ sở quá nhiều các khoản vay ngắn hạn như vậy? Nếu ngân hàng đòi thanh toán, các ông sẽ không thể kinh doanh nổi”. Chúng tôi đã giải thích cho họ biết là ngân hàng sẽ không đòi trả các khoản tiền vay đó, và đây cũng là cách vay tiền với lãi suất thấp nhất. Cách thức này cho phép các công ty Nhật trở nên rất linh hoạt, có thể thanh toán các khoản vay nếu không cần vay thêm hoặc có thể tiếp tục lại vay thêm một thời hạn nữa nếu vẫn có nhu cầu. Các ngân hàng theo dõi sát các công ty mà họ hỗ trợ và luôn luôn thận trọng trong việc cho các công ty vay tiền lần đầu tiên. Nhưng các đồng nghiệp người Mỹ của chúng tôi lại muốn thấy những giấy tờ của các ngân hàng đảm bảo họ sẵn sàng cho đáo hạn các khoản vay tiền. Tôi giải thích là có một sự tin cậy lẫn nhau giữa các ngân hàng và công ty, nhưng các đồng nghiệp Mỹ lại muốn là sự tin cậy đó cần phải được thể hiện trên giấy tờ. Cuối cùng, họ cũng hiểu ra và chấp nhận cách thức kinh doanh của chúng tôi còn chúng tôi cũng học được nhiều điều bổ ích.
Sau ba tháng làm việc suốt ngày đêm, khi nghĩ rằng mọi công việc đã được giải quyết xong đối với phía Tokyô, chúng tôi liền lên đường sang Mỹ để hoàn tất mọi chi tiết còn lại trước khi tiến hành việc đăng ký chính thức. Thị trường giao dịch chứng khoán Tokyo đóng cửa vào lúc 3 giờ chiều, tức là vào 2 giờ sáng ở New York. Chúng tôi luôn luôn phải theo dõi sát thị trường chứng khoán Tokyo vì nếu giá chứng khoán biến động quá nhiều, chúng tôi có thể sẽ gặp khó khăn khi trao đổi với Uỷ ban Mua bán Chứng khoán Mỹ. Vì thế, đêm nào chúng tôi cũng làm việc đến 2 giờ sáng ở Công ty Chứng khoán Nomura tại New York, nơi chúng tôi có thể liên lạc với Tokyo để kiểm tra giá trị trường cổ phiếu. Sau đó, tôi đi tàu điện ngầm về khách sạn trong khu 56 Đông, đối diện Câu lạc bộ Gaslight. Đêm nào cũng khoảng 2 giờ rưỡi sáng, tôi mới về đến nhà, mệt bã người, cửa ngoài đã đóng và tôi phải bấm chuông gọi người phục vụ. Tôi phải làm như vậy nhiều tuần lễ đến mức người gác cửa phải kinh ngạc với sức chịu đựng của tôi và anh ta nhìn tôi khi tôi lê bước trở về. Cuối cùng, một đêm, anh ta vừa cười vừa nói với tôi: “Tôi không hiểu ông lấy đâu ra sức mà đêm nào cũng ở Câu lạc bộ Gaslight đến tận 2 giờ rưỡi sáng?”
Khi mọi việc xong xuôi, chúng tôi mệt đến không đứng vững được nữa.
Nhưng cuối cùng, đã đến lúc chúng tôi phải quyết định giá cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải nắm được giá cuối cùng khi Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo đóng cửa, vào lúc 3 giờ chiều, tức là 2 giờ sáng ở New York, và phải được sự chấp thuận của những người đứng ra bảo đảm, tức là ông Ernie Schwartzenbach, ghi giá vào bảng thông báo và cho in ấn ngay lập tức. Sau đó, một luật sư phải mang quyết định đó đến Washington ngay trên chuyến tàu 6 giờ sáng để kịp thời thông báo cho SEC biết vào lúc 9 giờ sáng. Sau khi đã hoàn thành mọi thủ tục và được sự đồng ý của SEC, viên luật sư đó phải gọi về New York để kịp thời tung các cổ phiếu ra thị trường. Nhưng vào ngày cuối cùng, khi trời đã tối, Ernie Schwartzenbach đã gục xuống vì kiệt sức. Bây giờ, chỉ còn phải quyết định giá cả, và mọi thủ tục đã làm xong, ông muốn về nhà nghỉ ngơi chút ít nên nói: “Khi nào có giá chính thức thì gọi cho tôi biết. Tôi có thể đồng ý từ nhà chứ không việc gì cứ phải chờ loanh quanh ở đây”.
Ý kiến đó nghe có vẻ hợp lý. Thế là Schwartzenbach đi về nhà, trèo lên ghế sofa và ngủ thiếp với máy điện thoại bên cạnh. Khi chúng tôi quay máy gọi, ông ngủ say tới mức không nghe thấy gì. Chúng tôi gọi liên tiếp, nhưng vẫn không có ai trả lời. Thời gian không còn nên Nomura, Tokyo và tôi đều đã đồng ý về giá phát ra, tôi vẫn nhớ là 17,50 đô la một phiếu Tiền thu ký quỹ Mỹ ADR, gồm mười cổ phần. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải có sự chấp thuận của Schwartzenbach. Chuông điện thoại cứ reo, còn ông vẫn ngủ trong phòng khách của mình tại Great Neck, chúng tôi cứ luôn nhìn đồng hồ và nghĩ xem cần phải làm gì. Sau đó, một trợ lý của Ernie là Sam Hartwell nghĩ ra một giải pháp. Schwartzenbach là thị trưởng vùng Great Neck, nên chúng tôi sẽ gọi đồn cảnh sát Great Neck và nhờ xe tuần tra đến tận nhà đánh thức ông. Chúng tôi cho đó là một ý kiến hay nhưng tình cờ là chỉ một tuần trước đó, một vài tay quậy cũng đã quấy rối thị trưởng nên viên cảnh sát trưởng quyết định giám sát chặt chẽ mọi cuộc điện thoại. Thế là khi Hartwell gọi đồn cảnh sát này, viên cảnh sát lạnh nhạt đáp lại. Chúng tôi phải giải thích mãi, cuối cùng họ mới nghe ra và phái một người đến đánh thức thị trưởng.
Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi khi mọi chuyện cũng xong, nhưng cuối cùng tôi hết sức vui mừng vì thu được 4 triệu đô la trong đợt bán cổ phiếu đầu tiên ở Mỹ. Chưa bao giờ tôi cầm trong tay một ngân phiếu lớn đến thế. Khi trở về nhà, hầu như tôi không bò nổi ra khỏi giường trong gần 2 tuần lễ. Về sau, chúng tôi đã xuất bản một cuốn sách rất chi tiết làm cẩm nang cho những công ty Nhật muốn phát hành cổ phiếu trên thị trường Mỹ và cuốn sách này rất được ưa chuộng. Khi Shwartzenbach rút khỏi công ty Smith Barney năm 1966 để về nghỉ hưu, tôi chộp ngay cơ hội đề nghị ông giữ chức chủ tịch Công ty Sony tại Mỹ thay cho tôi vì lúc đó, tôi lên giữ chức Chủ tịch Công ty Sony. Hiểu rõ chẳng kém gì tôi hoạt động của công ty Sony qua việc phát hành cổ phiếu ở Mỹ nên ông đã giữ chức vụ này cho đến khi qua đời vào năm 1968.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.