Những Bố Già Châu Á
3. HỌ ĐÃ TRỞ THÀNH BỐ GIÀ NHƯ THẾ NÀO? # 2: LUỒNG TIỀN MẶT CHỦ YẾU
Trung tâm đế chế doanh nghiệp của một bố già hạng trung là một điều khoản ưu đãi và giấy phép loại A để tạo ra sự tăng trưởng của loại hàng hóa độc quyền hay một số hàng hóa chủ yếu. Trong hoàn cảnh như vậy, đây không phải là trường hợp bất thường của nền kinh tế có cấu trúc được chính phủ tạo ra dẫn đến một môi trường, nơi một cartel của các bố già có thể phát triển hoặc sự bị sự cạnh tranh kìm hãm một cách giả tạo. Đây là thực tế cơ bản về việc kinh doanh của các đại gia ở Đông Nam Á. Mỗi bố già mới nổi đều quan tâm đến dòng tiền mặt chủ yếu này, con sông vàng nóng chảy giữ cho ông ta đi qua cả thời gian tốt và xấu, để đảm bảo rằng ngay cả một đế chế doanh nghiệp đồ sộ nhất cũng khó bị lật đổ.
Nguồn gốc của dòng tiền mặt chủ yếu có thể cực kỳ đơn giản. Nửa tá những người giàu nhất ở Hồng Kông và Malaysia phụ thuộc vào nguồn tiền từ độc quyền cờ bạc để mở rộng nguồn vồn cho các tập đoàn kinh doanh của họ. Stanley Hà, người đã có được sự độc quyền ở Ma Cao về tất cả các hình thức cờ bạc từ năm 1961, và đã được gia hạn thêm 15 năm vào năm 1986, nổi tiếng về việc này. Nhưng đứng sau Stanley Hà là Henry Hoắc, người đã tạo được một phần vốn cổ phiếu thường trong Sociedade de Turismo e Diversões de Ma Cao (STDM), công ty tư nhân được thành lập để kinh doanh các trò cờ bạc ở cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha. Hai người này được liên kết lại bởi một người thứ ba là đại gia trong tương lai Trịnh Dụ Đồng, sau cuộc đấu thầu cho dự án vào những năm 1970 đã trở thành trung tâm cờ bạc lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Las Vegas và Atlantic City. Khi Hoắc đã nổi tiếng khắp nơi là một nhà đầu tư bất động sản ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, và Trịnh đã phát triển nên một loạt các công ty niêm yết với cái tên Thế Giới Mới, thu nhập của các sòng bạc đảm bảo sự mở rộng của nó. (Hoắc, người đã giúp Trung Quốc chống chọi với lệnh cấm vận của Liên hợp quốc trong và sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên nên đã có được độc quyền khuynh đảo tiền mặt về nhập khẩu cát từ đại lục vào Hồng Kông trong suốt cuộc bùng nổ về
xây dựng sau chiến tranh.) Việc nắm giữ cổ phần chính xác trong STDM đã không bao giờ được khẳng định, nhưng các giám đốc công ty làm việc nhiều năm đã gợi ý rằng Hà và Hoắc mỗi người nắm giữ 2530% và Trịnh nắm khoảng 10%. Bất chấp cổ phần hạn chế của Trịnh Dụ Đồng, giới tài chính tại Hồng Kông suy đoán rằng cổ phần STDM của ông tạo ra nhiều tiền mặt hơn vị trí nắm quyền kiểm soát các tàu chở hàng buôn bán công khai trong New World Development (Phát triển Thế giới Mới).
Ananda Krishnan, người giàu nhất Malaysia kể từ khi Robert Quách sang Hồng Kông vào thập niên 1970, được xem như một người có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất về bất động sản, viễn thông và truyền thông, người đã xây dựng nên tòa nhà cao nhất thế giới – tòa Tháp Đôi Petronas ở Kuala Lumpur. Trong gần 20 năm, Krishnan đã có thể dựa vào một nguồn cung cấp tiền mặt ổn định từ sự nhượng quyền kinh doanh độc quyền về cá cược trên trường đua ngựa Malaysia. Một tỉ phú khác của Malaysia là Vincent Trần, dựa vào tiền mặt từ việc bán quyền tổ chức các hoạt động cờ bạc do nhà nước kiểm soát trước đây trong thập niên 1980. Năm 1985, Trần mua lại quyền kiểm soát công ty Xổ số Thể thao Malaysia trong công cuộc “tư nhân hóa” mà không hề có sự báo trước nào, cũng chẳng có cuộc đấu thầu công khai nào. Sau độc lập, tỉ phú Lâm Ngô Đồng là người thụ hưởng đầu tiên của loại hình nhượng quyền thương mại cờ bạc tư nhân, phản ánh thói hư tật xấu ở các trang trại thuộc địa cũ. Năm 1969, ông đã có giấy phép gia hạn ba tháng, để sòng bạc hợp pháp duy nhất ở Malaysia được hoạt động. Giấy phép này có hiệu lực từ đó. Đối tác của Lâm là Mohamad Noah Omar, cha vợ của hai đời thủ tướng Malaysia – Abdul Razak (19711976) và Hussein Onn (19761981). Sau đó, tập đoàn Genting của Lâm đa dạng hóa đầu tư vào các đồn điền, bất động sản, phát điện, làm giấy và du lịch biển, nhưng sòng bạc to lớn của nó vẫn tiếp tục sản sinh hầu hết các khoản thu nhập.
Những hàng hóa độc quyền và cartel được chính phủ chấp thuận sớm nhất sau độc lập
ở Đông Nam Á là nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Việc tạo ra các giấy phép này đều nhằm móc túi tầng lớp bố già, và nhằm kiềm chế đầu cơ và bình ổn giá cả cho những mặt hàng thiết yếu. Nhưng cuối cùng, sự kìm hãm cạnh tranh đã sản sinh ra dòng tiền mặt nuôi dưỡng các đại gia trong nhiều thập kỷ. Một trong những người
được hưởng lợi lớn nhất về độc quyền nhập khẩu là Lâm Thiệu Lương của Indonesia. Sau khi Suharto lên nắm quyền vào năm 1965, Lâm đã được cấp giấy phép độc quyền về việc nhập khẩu đinh hương cùng với người anh cùng cha khác mẹ của Suharto là Probosutedjo. Riêng ông được cấp độc quyền sản xuất bột, do đó đã trở thành ông vua mì ăn liền tại một đất nước thích ăn mì ăn liền. Đây là dòng tiền chủ yếu cho phép Lâm kinh doanh tất cả mọi thứ, từ bất động sản đến hàng dệt may và cao su, đến khai thác gỗ và buôn bán sắt thép, xi măng. Trên con đường đó, ông ta luôn có đủ khả năng để mắc những sai lầm đáng kể bất chấp quy mô của các khoản tiền đầu tư phát triển kinh tế mà ông ta đã được tài trợ. Tại Malaysia, Robert Quách là người thụ hưởng đầu tiên các chính sách hạn chế nhập khẩu đường tinh luyện và bột. Ở Indonesia, một nhà kinh doanh hàng hoá độc quyền mềm là chủ yếu, cũng hợp tác với Lâm trong việc kinh doanh đường và bột. Quách vẫn là cổ đông kiểm soát ba trong bốn nhà máy tinh chế đường của Malaysia và được phân bổ phần lớn hạn ngạch mà chính phủ đặt ra cho việc nhập khẩu đường thô. Sự thu xếp này được cho là đúng đắn dựa trên cơ sở Quách đã giữ được giá bột và đường ổn định khi đối mặt với sự biến động của thị trường quốc tế. Nhưng ở Indonesia, cho đến khi độc quyền nhập khẩu đã được bãi bỏ, sau khi Suharto bị hất cẳng năm 1998, một thực tế khác là người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn, và họ đã phải chi trả trong một thị trường tự do. Khi Quách đang tiến hành một cuộc vận động hành lang để được bảo hộ thuế quan toàn bộ và có được giấy phép tinh chế đường ngay sau khi độc lập, hai nhà đồng đầu tư chính của ông là hai đại gia đang nổi khác, Khâu Gia Bành và Quách Lệnh Xán. Không khó để nhận ra sức hấp dẫn của hàng hóa độc quyền.
Ở Philippines đã tồn tại truyền thống phân bổ quyền lực chính trị của cơ quan nhà nước, và tư tưởng tự do phóng túng của chính phủ được hình thành từ những năm 1920, dưới sự cai trị của thực dân Mỹ, cho đến khi được kết luận một cách logic dưới thời Ferdinand Marcos. Có những giấy phép độc quyền kinh doanh lớn cho việc nhập khẩu hàng thực phẩm, và cho các giống cây trồng chủ yếu của địa phương là mía và dừa. Eduardo “Danding” Cojuangco là một trong những nhà độc quyền hàng đầu thời Marcos. (Điều này làm chúng ta nhớ lại cái thế giới tinh hoa nhỏ bé bị tiền bạc và quyền lực thống trị ở Đông Nam Á, và Danding cũng xuất thân từ một gia đình có
nhiều đất đai như Cory Aquino, và phong trào “quyền lực thuộc về nhân dân” của ông ta đã lật đổ Marcos vào năm 1986.) Danding, một người yêu thích Marcos, hưởng lợi từ chính sách thuế mới trong sản xuất dừa đã cung cấp vốn liếng để thành lập Ngân hàng Liên hiệp những người trồng dừa. Ông ta được bầu làm chủ tịch ngân hàng, và sau đó đã mua sạch các cơ sở chế biến dừa của Philippines. Dòng tiền mặt về dừa của Danding đã đủ mạnh để mua sạch cả nhiều cơ sở chế biến dừa của các nước bên cạnh. Ông ta trở nên nổi tiếng như Mr Pacman, một nhân vật trong trò chơi video đã ăn hết tất cả mọi thứ gặp trên đường đi. Các công ty độc quyền thời Marcos đã thiết lập nên các tiêu chuẩn mới về quyền lực mà chúng đã trân trọng trao cho họ. Công ty Thuốc lá Fortune của Lucio Trần được miễn giảm thuế và các thủ tục hải quan, được cấp vốn và miễn trừ các thủ tục pháp quy tương đương với sự độc quyền trong nước về sản xuất thuốc lá, đã viết ra một dự thảo luật thuốc lá mới, mà Marcos đã phê chuẩn thành một đạo luật. Trong cùng thời gian đó, Trần cũng bị cáo buộc là đã in giả tem thuế của cơ quan thuế vụ để dán lên các bao thuốc lá. Dòng tiền từ thuốc lá đã đưa đẩy ông vào ngành hóa chất, nông nghiệp, dệt may, rượu bia, bất động sản, khách sạn và ngân hàng. Sau khi Marcos bỏ trốn sang Hawaii năm 1986, Trần viết một bức thư ngỏ cho Tổng thống mới là Cory Aquino, trong đó ông ta quả quyết rằng: “Chúng tôi có thể tự hào khi nói rằng, chúng tôi không bao giờ phụ thuộc vào sự bố thí, sự trợ giúp của chính phủ hay sự bảo hộ độc quyền trong suốt quá trình lịch sử của chúng tôi.”
CARTEL Ở KHẮP MỌI NƠI
Cái thô bỉ của sự độc quyền mà Marcos đã đưa ra, và Suharto có ý định làm cho nó lu mờ, là sự hiện diện của các công ty độc quyền, của những cartel và thị trường có kiểm soát ở Đông Nam Á trở nên phổ biến. Hồng Kông là một trường hợp như vậy, không phải vì nó thường xuyên được bình chọn là một trong những nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Những người Mỹ cánh hữu nghĩ rằng tổ chức Heritage Foundation đã xếp hạng Hồng Kông đứng thứ nhất (và Singapore đứng thứ hai) trong Các chỉ số về tự do kinh tế trong 14 năm qua. Người được Giải thưởng Nobel, nhà kinh tế học Milton Friedman đã tán dương Hồng Kông trong nhiều thập kỷ nay như là một thành trì của thị trường tự do. Chỉ một tuần sau khi vùng lãnh thổ này trở về với chủ quyền của
Trung Quốc vào năm 1997, ông ta lại than vãn: “Phải chăng chỉ còn có Hoa Kỳ là tự do như Hồng Kông thôi.” Sự khẳng định như vậy phản ánh tình trạng của Hồng Kông với tư cách là một hải cảng tự do về thuế quan và trao đổi thương mại quốc tế không cần kiểm soát. Nhưng nền kinh tế trong nước của Hồng Kông, nơi các bố già hoạt động, lại là một câu chuyện khác. Trên thực tế, từ lâu nó đã là sự chắp vá của những cartel.
Nguồn gốc của cartel nằm ở thời kỳ thuộc địa. Cartel đã thống trị thị trường bất động sản của Hồng Kông và là nguồn gốc giàu sang của tất cả tỉ phú Hồng Kông. Chính quyền Anh đã đặt bối cảnh cho thị trường bất động sản bởi vì nó đã chọn để việc kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất đai – toàn bộ đất đai đều được coi là “đất của Nữ hoàng” cho đến khi được bán đi – để sung vào ngân sách của họ. Khi Hồng Kông đã tăng trưởng trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ bán đấu giá đất dự án với giá đắt hơn bao giờ hết: 1 tỷ đôla cho một mảnh đất lớn vào giữa những năm 1990. Bất cứ ai đã mua được đất tại thị trường thứ cấp mà chưa được quy hoạch để xây dựng – diện tích gieo trồng nông nghiệp ở các vùng lãnh thổ mới đều ở trong tầm ngắm của gia đình các đại gia nấp sau Tân Hồng Cơ và Henderson vào những thập niên 1970 và 1980 – đều phải trả một số tiền đặt cọc lớn trước khi có thể bắt đầu xây dựng. Hậu quả là những đối thủ nhỏ và những người không có quan hệ tốt với các ngân hàng lớn của Anh đều bị loại trừ. Một báo cáo năm 1996 của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông do chính phủ ủy quyền đã chỉ ra rằng, giữa năm 1991 và 1994, ba phần tư dự án nhà ở tư nhân mới có 10 nhà đầu tư phát triển cấp vốn, và chỉ 55% số vốn đến từ các nhà đầu tư phát triển lớn nhất. Một xem xét riêng về khả năng sinh ra lợi nhuận cho thấy, chỉ có 13 dự án là dự án phát triển nhà ở. Lợi nhuận là rất bất thường, đặc biệt ở những nơi có lệ phí chuyển đổi được được xác định thông qua người bỏ thầu tư nhân cho những lô đất nông nghiệp lớn. Trong những trường hợp đó, lợi nhuận thấp nhất được Hội đồng các mặt hàng tiêu dùng xác định – theo tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí phát triển ước tính, bao gồm cả đất – là 77%. Lợi nhuận cao nhất là 364%.
Mức độ tập trung cao như vậy vào thị trường bất động sản, ở cấp độ lý thuyết kinh tế,
dẫn đến bắt buộc phải chống cạnh tranh. Những tin đồn về đấu thầu đất cát là một đề tài đàm luận truyền thống ở Hồng Kông. “Những người buôn bán đất cát thường làm giá một chút khi đấu thầu. Sau đó, một người có được nó; và sau đó, ở một tiệc trà, đó chính là nơi họ chia chác”, Ngài William Purves, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng HSBC, đã nhận xét một cách thản nhiên như vậy. Vì vậy, mặc dù thu nhập chảy về như nước và ngân sách được ổn định, chính quyền thực dân (và Ngân hàng HSBC có tầm ảnh hưởng người cho vay thế chấp và là nhà đầu tư phát triển lớn nhất) vẫn chưa hài lòng với sự thu xếp về bất động sản này. Hệ thống này đơn giản và được duy trì ở mức độ thấp. Như một trong số những đại gia về bất động sản bộc lộ: Chủ nghĩa tư bản Anh ở Hồng Kông luôn thích những đại gia thân thiện này.” Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ở Hồng Kông, tuy trả thuế danh nghĩa thấp, nhưng đã tạo ra một số tiền công khố cao nhất trên thế giới, hoặc trả nợ thế chấp nhưng phí quản lý nhà ở tương đương 1315% tiền thuê.
Ở Hồng Kông thời thuộc địa, truyền thống làm việc với một số ít các “đại gia” – về nguồn gốc các đại gia này là các hãng buôn của ngoại kiều người Anh quản lý đủ loại cartel từ điều hòa nhiệt độ cho tới thang máy – phản ánh nhu cầu của những người chuyên quyền ở xứ Đông Nam Á là cần có những người cấp phó phụ trách thương mại tin cậy. Ví dụ thú vị này xảy ra vào những năm 1950 và 1960, khi chính quyền Hồng Kông thương lượng thành công để có được hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp sản xuất của địa phương. Đó là hành vi đáng ngưỡng mộ đối với một chính quyền thực dân vì nó đã chống lại các lợi ích tốt nhất của các nhà sản xuất dệt may nước Anh. Nhưng khi phân phối hạn ngạch, chính phủ lại tỏ ra có một chút không công bằng. Thay vì bán đấu giá quyền xuất khẩu cho nhà thầu trả giá cao nhất hoặc tìm một số công thức khác để xác định các nhà sản xuất hiệu quả nhất, các quan chức quan liêu chỉ đơn giản là cấp những hạn ngạch có giá trị lớn cho các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu lớn nhất. Nhiều hãng sản xuất trong số này được điều hành bởi các ông vua dệt may Thượng Hải trước đây, những người đã chuyển đến Hồng Kông từ năm 1949, và có liên quan mật thiết với việc thiết lập thuộc địa. Sau đó họ đã phát triển một thị trường thứ cấp về hạn ngạch, nhờ đó những người tiếp nhận hạn ngạch miễn phí trở thành các nhà tư bản sống bằng tiền lợi tức do bán
quyền được xuất khẩu.
Hồng Kông không có luật cạnh tranh và các bố già của nó, gốc Trung Quốc, Anh và quốc tịch khác, chiết phần lệ phí giao thông lớn cho các dịch vụ địa phương. Hải cảng, nơi bận rộn nhất thế giới, có lẽ cũng lại là nguồn gốc của nỗi thất vọng lớn nhất. Phí quản lý đường dây vận chuyển côngtennơ của Hồng Kông là cao nhất thế giới, mặc dù chi phí lao động thấp hơn nhiều so với chi phí lao động ở các nước có GDP bình quân đầu người tương tự. Các công ty sản xuất nhỏ khắp vùng giáp giới với lục địa đang sử dụng cảng Hồng Kông, đã vận động chống lại sự độc quyền về cảng trong nhiều năm, đặc biệt là các chủ tàu hàng, nhưng không thành công. Các cổ đông thống trị các công ty vận hành đường dây chuyên chở côngtennơ, đồng thời là những đại gia lớn nắm giữ bất động sản, gồm có: Hutchison, New World, Tân Hồng Cơ, Jardine’s Hongkong Land và Wharf. Công ty Hutchison của Lý Gia Thành là người lãnh đạo được thừa nhận của nhóm này, hiện kiểm soát 14 trong tổng số 24 vũng đậu tàu. Đây là dòng tiền từ vận hành hải cảng cho phép Lý Gia Thành tiến hành nhiều vụ cá cược lớn về tài suy đoán thị trường bất động sản trong nhiều năm. Các ngân hàng đầu tư tin rằng ông ta đã phá sản trong cuộc đổ vỡ bất động sản vào giữa thập niên 1980, nhưng chỉ đối với thu nhập hải cảng của Hutchison mà thôi.
Những cartel trên thực tế khác ở Hồng Kông bao gồm các siêu thị, nơi công viên kiêm cửa hàng (PARKnSHOP) của Lý Gia Thành và Wellcome của Jardine kiểm soát khoảng 70% việc buôn bán hàng tạp hóa và các cửa hàng thuốc tây, nơi các công ty Watson của Lý và Mannings của Jardine thống trị. Nỗ lực của nhà bán lẻ người Carrefour của Pháp và một doanh nghiệp địa phương mới ra đời và có nhiều vốn liếng là Admart nhằm phá vỡ tình trạng lũng đoạn của các cửa hàng tạp hóa nhiều tỉ đôla trong suốt thập kỷ qua, đã không thành công. Những kẻ chiếm giữ, với cánh tay bất động sản lớn của họ, sở hữu các địa điểm bán lẻ chủ yếu khắp Hồng Kông và làm cho các nhà cung cấp hiểu rõ rằng việc kinh doanh của họ sẽ bị cắt giảm nếu họ làm ăn với các đối thủ cạnh tranh mới. Theo Mark Simon, người đã dập tắt việc kinh doanh của Admart sau khi thua lỗ 120 triệu đôla, xe tải giao hàng của công ty không được phép vào khu dân cư và các tòa nhà văn phòng do Lý Gia Thành kiểm soát. Lý
cũng kiểm soát một nửa độc quyền điện năng của Hồng Kông, nửa khác do China Light and Power của gia đình Kadoorie – một gia đình người Iraq theo đạo Do Thái kiểm soát. Kế hoạch pháp quy của chính phủ liên kết lợi nhuận mà các công ty được phép thực hiện với chi phí vốn, tạo ra một sự khuyến khích đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định với thời gian khấu hao dài. Hậu quả là giá điện hơi cao. Những cartel quan trọng khác bao gồm vận tải hành khách, xăng dầu, bê tông trộn sẵn và các dịch vụ chuyên chở.
Người ta nói rằng, hầu hết mọi doanh nghiệp chính ở Hồng Kông trong đó Lý Gia Thành hoạt động đều có đặc điểm của một cartel bất động sản, hải cảng, điện, xi măng, bê tông, nhựa đường và chuỗi siêu thị bán lẻ. Như Simon Murray, người quản lý công ty Hutchison cho Lý từ năm 1984 đến năm 1993 đã nhận xét: “Hồng Kông là một môi trường của cartel… Nếu chính phủ sắp ban cho anh một sự độc quyền, thì hãy túm chặt lấy nó. Một trong số các thương vụ chính của Murray là tiếp quản Hongkong Electric, là một cartel cũ và một công ty độc quyền hoạt động tại Hồng Kông đã bị xóa bỏ trong những năm gần đây. Cartel này chịu tỉ lệ lãi suất được các ngân hàng ở Hồng Kông áp dụng từ năm 1964 trong suốt hơn ba thập kỷ, có các nhà quản lý họp vào thứ Sáu hàng tuần để thiết lập tỉ giá (chính phủ cũng áp dụng các biện pháp không theo thông lệ để kiềm chế việc du nhập của các ngân hàng nước ngoài, và do đó đã giúp cho ngân hàng HSBC và ngân hàng chị em của nó là Hang Seng (Hằng Sinh) giữ được số cổ phần đặt cọc khoảng 50%). Nhưng cuộc tấn công lớn nhất vào thế độc quyền của Hồng Kông xảy ra là việc bãi bỏ quy định của ngành công nghiệp viễn thông dưới thời thống đốc cuối cùng của Hồng Kông là Chris Patten. Điều thú vị là, nó dẫn tới một cuộc chạy đua điên cuồng của các tập đoàn do các đại gia kiểm soát nhằm chen chân vào kinh doanh viễn thông, hủy diệt lợi nhuận của những kẻ mới đến. Thông điệp hình như là các đại gia chưa bao giờ sử dụng các biện pháp cạnh tranh lành mạnh.
Một trong những hành động thực sự sớm nhất của chính phủ hậu thuộc địa đầu tiên, do đại gia vận tải biển Đổng Kiến Hoa dẫn đầu, đã từ chối lời kêu gọi của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông để cho ra đời một bộ luật cạnh tranh chung. Vị trí này đã
không bị thay đổi lớn dưới thời người kế nhiệm Đổng với tư cách là người điều hành Hồng Kông, một quan chức cực kỳ quan liêu là Donald Tằng, mặc dù nhu cầu phổ biến về kiềm chế cartel vẫn tiếp tục tăng cao. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác Kinh tế Phát triển và Nghị viện châu Âu đã chỉ trích sự thất bại của Hồng Kông vì việc tăng cường tính cạnh tranh trong nền kinh tế quốc nội của nó. Như giáo sư Richard Schmalense, trưởng khoa Quản lý vốn đầu tư của đại học MIT đã nhận xét: “Thực tế là Hồng Kông không có một bộ luật chống cố định giá và hành vi của những cartel về cơ bản là khá kỳ lạ.” Tuy nhiên, bằng cách nào đó, ảnh hưởng của các doanh nghiệp lớn đối với chính phủ vẫn còn là một trường hợp cần xem xét.
Cho đến gần đây, Singapore là nền kinh tế phát triển duy nhất trên thế giới không có luật cạnh tranh. Quốc gia thành bang ở phía nam này đã thông qua Luật cạnh tranh vào năm 2004, bắt đầu thực thi năm 2006. Tuy nhiên, một số lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế quốc nội điện, khí đốt, nước, nước thải, viễn thông, truyền thông, dịch vụ bưu chính, cảng và một số dịch vụ ngân hàng – do các công ty nhà nước kiểm sát được miễn thi hành bộ luật này. Không hề rõ ràng là tính cạnh tranh của địa phương ở Singapore có tự do hơn là ở Hồng Kông hay không. Sự tương phản giữa nền kinh tế hướng ngoại cạnh tranh toàn cầu những nhà sản xuất hàng xuất khẩu – và nền kinh tế quốc nội được nâng niu, chiều chuộng – của các đại gia – rõ ràng là như nhau ở cả hai quốc gia thành bang đó. Ví dụ, ở Hồng Kông và Singapore, các ngân hàng có thể bắt khách hàng bán lẻ và kinh doanh nhỏ xếp hàng chờ một giờ trước khi gán cho họ các khoản phí mà các nền kinh tế phát triển khác không hề biết đến. Các ngân hàng Hồng Kông tính phí cho các chủ cửa hiệu để họ chuyển đổi các doanh nghiệp của mình. Các ngân hàng Singapore độc quyền bán quỹ tín thác công ty đầu tư tạo vốn bằng cách bán cổ phần cho các cá nhân và dùng số tiền đó để đi mua cổ phần của công ty khác và nhân viên thường biết rất ít về những gì họ đang bán. Trải nghiệm của khách hàng không như những gì được mong đợi trước khi bước vào các tòa nhà chọc trời đang thống trị các thành phố.
THI THOẢNG, CÁC BỐ GIÀ CŨNG SỐNG BẰNG TIỀN LỢI TỨC
Các bố già Đông Nam Á duy trì dòng tiền mặt chủ yếu để có được giấy phép kinh doanh độc quyền hoặc các hàng hóa ưu tiên ở bất cứ nơi nào họ hoạt động. Sự khác biệt cơ bản giữa các địa phương là những quyền lợi này đã được phân phát lại bởi các chính phủ thời kỳ hậu thuộc địa ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Những quyền lợi này – ngoại trừ một số quyền được kinh doanh ngân hàng và bất động sản – được chính phủ tại Singapore nắm giữ, và từng bước chuyển đến Hồng Kông khi các đại gia ở địa phương đã bắt đầu thách thức và tiếp quản các hãng buôn của ngoại kiều người Anh thành lập từ đầu những năm 1970. Tuy nhiên, về cơ bản, ở khắp nơi, người ta đã được chứng kiến một quá trình tiến hóa phản ánh sự cắt bỏ các quyền lợi kinh tế ở thuộc địa một cách nhẫn tâm. Một nhà bình luận giấu tên, trong hồ sơ năm 1991 về Robert Quách – có lẽ là đại gia xuyên quốc gia thành công nhất trong khu vực – đã mô tả một cách ngắn gọn và súc tích: “Robert Quách,” nhà bình luận nói, “đã hiện đại hóa hệ thống hưởng lợi tức ở Đông Nam Á.” Và đó là điều mà các bố già khác cũng làm.
Trên con đường này, các đại gia đã lót tay, “bôi trơn” cho các quan chức rất nhiều. Tác giả đã giả vờ ngạc nhiên khi một trong những tỉ phú hàng đầu, trong một cuộc thảo luận có ghi âm lại ở văn phòng, đã lãnh đạm mô tả việc hối lộ một vị Thủ tướng để có được một giấy phép quan trọng, được gia hạn ngay sau khi một quốc gia được độc lập. Tất nhiên, ông ta luôn ngụ ý rằng hối lộ bằng một khoản cho vay, chỉ đòi lại số tiền không lời lãi gì sau nửa thế kỷ. Một đại gia gốc Trung Quốc làm ăn ở một vài nước Đông Nam Á chỉ trích gay gắt về những gì ông ta coi là văn hóa đút lót của các chính trị gia bản xứ. “Họ luôn túng thiếu,” ông ta nói. “Hãy cho cái miệng luôn háu đói của mình ăn đi. Đó là cách họ suy nghĩ.” Những người như thế ít nhiều bị chỉ trích là đã làm nhiều điều tội lỗi trong cái chế độ thực dân mà ông ta đã tham gia. Ông nói đến “những thói quen bất lịch sự” tại Hồng Kông, các công chức dân sự cao cấp và các giám đốc điều hành Ngân hàng Hồng Kông đang nắm giữ chỗ ngồi riêng tại các trường đua ngựa, và mối quan hệ nồng ấm mà các doanh nghiệp lớn của Anh cùng hưởng thụ với chế độ thực dân. Ví dụ, ông nhớ lại John Bremridge, người đã chuyển từ điều hành doanh nghiệp Swire của Anh sang làm Bộ trưởng tài chính của Hồng Kông. Với cương vị đó, ông ta đã đứng lên trước Hội đồng Lập pháp và công bố vùng
lãnh thổ này sẽ chỉ cấp phép cho một hãng hàng không. Cathay Pacific là hãng hàng không đó, và là một trong những doanh nghiệp chính của Swire. Bremridge rời khỏi chính phủ năm 1986 để trở lại một vị trí tại tổng hành dinh của Swire tại London. Một trường hợp tương tự sau đó là Baroness Lydia Dunn, người đã gia nhập tập đoàn Swire năm 1963, trở thành thành viên cao cấp của Hội đồng điều hành Hồng Kông, và sau đó quay trở lại London làm việc cho Swire.
Ở Hồng Kông và Singapore, quan hệ giữa các doanh nhân và các chính trị gia từ lâu đã được dàn dựng rất cẩn thận để tránh bất kỳ sự xuất hiện nào của sự thông đồng công khai. Ở Hồng Kông, có Hội đồng Lập pháp và Hội đồng Điều hành đại diện cho chính phủ, bất chấp một thực tế là họ được “đóng vào cùng một gói” với các đại diện không được bầu của các doanh nghiệp lớn. Ở Singapore, mối quan hệ giữa giới chính trị cầm quyền và các đại gia được bao bọc cẩn mật hơn. Một mối tương quan có lẽ rõ ràng và có xu hướng quay trở lại thời kỳ thuộc địa, là các gia đình được hưởng ân huệ biểu lộ sự cao quý của họ thông qua các công việc từ thiện tại địa phương, nên mới có Quỹ Shaw (do anh em nhà Shaw thành lập năm 1957) và Quỹ Lee (do gia đình Lý Quang Tiền lập ra năm 1952). Truyền thống này vẫn đang tiếp tục. Các đại gia phát đạt nhờ người Anh, hay người kế vị của họ là Lý Quang Diệu, thường không bận tâm về các hoạt động từ thiện công khai. Kwek Hong Png, trùm buôn lậu cao su và con trai là Kwek Leng Be, do bị từ chối một giấy phép hoạt động ngân hàng tại Singapore nên không ném tiền vào một quỹ nào.
Ở những nơi khác, mối quan hệ doanh nhân – chính trị gia rất thô thiển. Suharto đã sử dụng các quỹ từ thiện – yayasan – do ông ta và gia đình ông ta kiểm soát như là phương tiện để thu hàng tỉ đôla tiền hối lộ. Nhưng trong việc móc nối với một chính trị gia hàng đầu và hối lộ người đó, những toan tính của các bố già muốn sống sót phức tạp hơn nhiều. Có một danh sách dài các đại gia đã trả giá cho việc “đặt tất cả các quả trứng của họ vào một cái giỏ chính trị”. Lâm Thiệu Lương là mục tiêu đầu tiên không thể tránh khỏi của phản ứng chống lại cái mà người Indonesia gọi là “KKN” (“korupsi, kolusi dan nepotisme” “tham nhũng, thông đồng và gia đình trị”) trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Những kẻ phá rối đã thực hiện một chuyến
bay thẳng đến nhà riêng ở bắc Jakarta của ông ta để cướp phá và viết lên cổng dòng chữ “Con chó của Suharto”. Tại Thái Lan, Chin Sophonpanich phải trốn đến Hồng Kông vài năm sau khi cuộc đảo chính năm 1957 của Marshall Sarit, vì sợ rằng sự gần gũi của mình với chế độ đã bị lật đổ sẽ làm cho cuộc sống của mình bị rủi ro. Tại Malaysia, toàn bộ các doanh nhân có sản nghiệp lớn đều bị thiệt hại vì họ đã quá gần gũi với cựu Bộ trưởng tài chính Razaleigh Tengku Hamzah khi ông này thách thức Mahathir để tranh quyền lãnh đạo UMNO vào năm 1987. Hoặc như Anwar Ibrahim khi Mahathir đã quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của một phó thủ tướng một thập kỷ sau đó. Khi một đại gia Malaysia đã được coi là một “thằng nhóc của Anwar” hay “thằng nhóc của Daim” – sau khi Daim Zainuddin làm Bộ trưởng tài chính – thì có dấu hiệu là ông ta bắt đầu một cuộc tụt dốc.
Các bố già thực sự vĩ đại không bao giờ cho phép mình chỉ đứng về một phía trong các cuộc chiến chính trị. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hai người giàu nhất Malaysia là Robert Quách và Ananda Krishnan được coi là bậc thầy trong việc quan hệ với mọi chính trị gia. Mối quan hệ của Quách là không chê vào đâu được một phần là do tuổi tác. Cha ông thường chơi mạt chược với Onn bin Jaafar, một nhà quý tộc và là chủ tịch sáng lập của đảng UMNO, khi Robert Quách đang lớn lên tại bang Johore. Robert đã theo học cùng trường với con trai của Onn bin Jaafar là Hussein Onn, sau này trở thành thủ tướng thứ ba của Malaysia, và cùng học ở đại học Raffles với Abdul Razak, sau này trở thành thủ tướng thứ hai của Malaysia, và cả Harry Lý Quang Diệu nữa. Đó là tất cả, nhưng không thể nói là ông quen biết toàn bộ bộ sậu đang tiến hóa của Malaysia và Singapore sau độc lập. Mặc dù đôi khi có sự căng thẳng trong mối quan hệ với Lý Quang Diệu và Mahathir, Quách không bao giờ đặt mình ở vị trí đến mức bị đe dọa ở những nơi đầu tư của mình tại Singapore, và đáng kể hơn, ông vẫn còn hoạt động độc quyền hàng nhẹ tại Malaysia.
Krishnan vượt trội hơn. Trong những thập niên 1960 và 1970, ông là một đối tác kinh doanh thân tình và là bạn của Razaleigh, và đã tư vấn cho vị Bộ trưởng tài chính này về tạo dựng doanh nghiệp Petronas, một công ty dầu lửa cấp quốc gia, và quốc hữu hóa các mỏ thiếc. Khi Mahathir trở thành Thủ tướng vào năm 1981, Krishnan tiếp tục
có được sự ưu đãi, được chỉ định là Giám đốc Ngân hàng trung ương năm 1982 và Giám đốc Petronas năm 1984. Khi quan hệ giữa Razaleigh và Mahathir xấu đi, Krishnan vẫn giữ mối thân tình với từng người, đi nghỉ với cả hai người và tìm kiếm con cái của Mahathir khi họ ra nước ngoài. Các đại gia khác thân cận với Razaleigh, như Khâu Gia Bành, tìm được cách thoát ra khỏi chiến tranh lạnh sau thất bại của những người bảo trợ mình trong cuộc bầu cử UMNO năm 1987, nhưng không được như Krishnan. Ông ta đã bao quát mọi góc độ. Khi các cuộc hòa giải giữa Razaleigh và Mahathir có kết quả vào năm 1996, một cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại nhà riêng của Krishnan.
Có rất ít bố già châu Á chơi được với các chính trị gia. Phi vụ xây dựng tòa Tháp đôi Petronas cao 88 tầng, được coi là tòa nhà chọc trời tại Kuala Lumpur, làm cho Krishnan nổi tiếng nhất với tư cách là một bậc thầy về nghệ thuật thao túng lịch thiệp. Người này đã ghim chặt dòng tiền mặt chủ yếu của mình vào sự độc quyền về cá cược đua ngựa ở Malaysia, sau đó chọn được một khu đất rộng 39 hécta của Selangor Turf Club tại trung tâm thành phố Kuala Lumpur cho một dự án bất động sản khổng lồ. Ông đến gặp kiến trúc sư người Mỹ gốc Áchentina là César Pelli và chuyển lời rằng, Mahathir rất mê những tòa nhà cao nhất thế giới, tương xứng với Tầm nhìn năm 2020 của Thủ tướng, để làm cho Malaysia trở thành một nước phát triển vào năm đó, với thiết kế tổng hợp các yếu tố của kiến trúc Hồi giáo. Mahathir đã rao bán, và chỉ chừa lại một văn phòng riêng hình bể cá cảnh trên đỉnh một ngọn tháp. Theo các tài liệu lưu trữ về việc đăng ký các công ty, Krishnan đã có được lô đất dự án trị giá tổng cộng 378 triệu ringgit Malaysia. Nhưng các nhà định giá tư nhân ngay lập tức tính ra lô đất này có giá trị thực tế trên 1 tỷ tiền Malaysia (khoảng 385 triệu đôla Mỹ tại thời điểm đó). Krishnan có thể vay vốn đối với sự định giá độc lập, và với sự hỗ trợ của Mahathir, đầu tư vào Petronas với tư cách là một nhà đầu tư bằng tiền mặt và là người thuê chủ lực. Kết quả cuối cùng là bố già này có được 48% trong một dự án bất động sản đã được cấp vốn 1,3 tỉ tiền Malaysia mà chẳng cần sử dụng tiền riêng của mình. Sau đó, ông gọi thầu các công ty xây dựng của Nhật Bản và Hàn Quốc để dựng lên một tượng đài cho Malaysia.
Krishnan lặp lại trò bịp bợm này trong lĩnh vực truyền thông và viễn thông, cố gắng làm thỏa mãn sự ngẫu hứng của Mahathir về phát triển một ngành công nghiệp truyền thông châu Á. Được hỗ trợ bằng sự trợ giá của chính phủ, ông đã đưa những vệ tinh đầu tiên của Malaysia vào quỹ đạo. Ông đã thành lập các công ty sản xuất phần mềm để tạo ra ngôn ngữ lập trình hoàn toàn bằng tiếng Mã Lai mà không có ảnh hưởng “của phương Tây”. Nhưng pha trộn với những công nghệ cao đó, việc làm ăn hoàn toàn lành mạnh về mặt đạo đức và các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận lớn. Krishnan cũng có được giấy phép độc quyền làm cho ông ta trở thành một đối thủ cực kỳ xuất sắc trong ngành điện thoại di động. Ông mua vét hết thị trường truyền hình qua vệ tinh thực sự sinh lời – cung cấp các chương trình bằng tiếng Trung Quốc nhập khẩu về, bằng cách này hay cách khác, cho cư dân gốc Trung Quốc đang sống ở Malaysia. Và ông đã được đầu tư thêm tiền mặt từ các công ty của chính phủ. Cơ quan đầu tư của nhà nước là Khazanah Nasional đã đầu tư 260 triệu đôla để chiếm 15% số vốn của doanh nghiệp truyền hình qua vệ tinh của ông ta. Giống như các bố già khác, ông đã mua lại bất kỳ công nghệ và chương trình nào mà ông muốn theo phương thức chìa khóa trao tay.
NGÔI NHÀ THỰC SỰ CỦA MỐI QUAN HỆ
Từ “guanxi” trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là một sự kết nối hoặc một mối quan hệ, được sử dụng rất nhiều ở châu Á như là chữ viết tắt cho vai trò mà một cá nhân quan hệ với những người nắm giữ cuộc chơi quyền lực chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Từ này ngụ ý rằng tiền hối lộ có thể được chi trả và chấp nhận. Đối với người Trung Quốc, thuật ngữ này bị lạm dụng hơi nhiều, không phải vì
ở Trung Quốc ít có tham nhũng. Thay vào đó, vì diện tích lãnh thổ và sự phức tạp đáng tranh cãi của Trung Quốc, một khái niệm đơn giản đã được đề xuất, đó là tìm đúng người, lót tay cho người đó và kết thúc thương vụ. Các nhà ngoại thương không hiểu điều này sẽ mất rất nhiều thời gian ở Bắc Kinh để nịnh nọt các chính trị gia ở trung ương, những người thường không có quyền lực để ban phát sự nhượng quyền kinh doanh và các thương vụ mà họ muốn. Ở Đông Nam Á thì khác. Người ta rất thích thế giới quan hệ như nó vốn có. Một thương vụ sẽ được thực hiện bởi một
Suharto, một Marcos hoặc một Mahathir. Do đó, theo đuổi một mối quan hệ tốt với những người như vậy là một lựa chọn hợp lý của doanh nghiệp (Lý Quang Diệu, mà tính liêm khiết của ông ta cũng bị đặt dấu hỏi, phát hiện ra sự tương phản với Trung Quốc là chi phí của những người nộp thuế ở Singapore là đáng kể. Khi chính phủ của ông đã đầu tư hàng tỉ đôla vào việc xây dựng một khu công nghiệp lớn ở Tô Châu, Trung Quốc, bất chấp mối quan hệ không thể sánh kịp của Lý ở Bắc Kinh, chính quyền địa phương đã chống lại các dự án của Singapore, hối hả phát triển một khu công nghiệp khác nhằm thay thế nó, và đã nhanh chóng làm nó suy yếu.)
Đó là di sản của thời thuộc địa và sự ly khai truyền thống giữa các tầng lớp tinh hoa chính trị bản xứ (định kiến quý tộc và định kiến chống kinh doanh) và tầng lớp làm kinh tế đến từ nước ngoài. Nó bảo đảm rằng Đông Nam Á là ngôi nhà thực sự của các thương gia làm ăn dựa trên các mối quan hệ. Các bố già chính là những người khoản đãi, người làm trò tiêu khiển và người tặng quà cáp có trình độ cao cấp. Khi các nhà lãnh đạo chính trị hoặc gia đình của họ đi du lịch nước ngoài thì nhà riêng, khách sạn và nhân viên của các đại gia là để cho họ tùy ý sử dụng. Ananda Krishnan là một huyền thoại khi rất chú trọng đến cuộc sống riêng tư của các chính trị gia và con cái họ, nên đã duy trì một máy bay phản lực tư nhân, một du thuyền lớn và nhà cửa ở Thụy Sĩ, Úc và London. Ngoài ra còn không thiếu các chức giám đốc được trả thù lao hẳn hoi dành cho những người cần sự vui vẻ. Ví dụ, tại Malaysia, đó là điều bình thường vì các gia đình có chân trong đảng đảng cầm quyền UMNO và những người thuộc các gia đình hoàng gia đều được thưởng bằng cổ phần và các chức giám đốc. Vua sòng bạc Lâm Ngô Đồng chăm sóc các cổ đông Mã Lai của ông ta rất chu đáo bởi cờ bạc là một lời nguyền, một điều cấm kỵ của đạo Hồi. Hầu như tất cả các cổ đông lớn trong bộ máy của ông ta đều được bổ nhiệm vào các vị trí trong công ty. Nhưng Lâm không thể che giấu sự phụ thuộc của mình vào các mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng cảnh sát Malaysia đầy quyền lực. Các sĩ quan nghỉ hưu chiếm nhiều việc làm ở sòng bạc khổng lồ của ông, trong khi đó các ghế giám đốc và giám đốc điều hành của Genting, công ty chính của ông ta, đã có một vị tướng nguyên là tổng thanh tra và một vị tướng khác nguyên là phó tổng thanh tra của lực lượng cảnh sát quốc gia. Đại gia Quách Lệnh Xán đã sử dụng thành viên của hoàng gia Malaysia, một người anh em rể
của Mahathir, con cái và anh chị em của các cựu thủ tướng và bộ trưởng làm giám đốc. Đôi khi, sự đầu tư dài hạn vào những cá nhân có quan hệ với những người có thế lực cũng đền đáp lại các đại gia. Khi Mahathir bất ngờ nhường bước cho Abdullah Badawi hồi tháng 11 năm 2003, Robert Quách đã đẩy một giám đốc lên địa vị lãnh đạo, Lâm Chí Hoa, người đã xây dựng quan hệ với Badawi kể từ khi họ cùng học ở Đại học Malaya. Khi những doanh nhân khác cố gắng thách thức sự độc quyền về đường mía của Quách ở Malaysia dưới chế độ mới, chính quyền đã dứt khoát từ chối những lời kêu gọi cải cách.
Tuy nhiên, gần như các chức giám đốc, việc phân phát các cổ phần miễn phí hay có giá ưu đãi và lót tay trực tiếp đều được tính là chi phí trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần có đặc ân về chính trị và những người có quyền lực mong đợi được thưởng công cho việc đầu tư của riêng họ vào ápphe chính trị. Như một thư ký chính trị của Badawi nhận xét về hệ thống quyền lực ở Malaysia: “Sự tham nhũng đã trở thành một định kiến, không hơn không kém. Trong khi hệ thống quyền lực ở Đông Nam Á là tham nhũng, nó có hiệu quả hơn những hệ thống có liên quan đến các xã hội mà ở đó những người nắm giữ quyền lực cũng tìm cách bóc lột các doanh nghiệp. Đông Nam
Á không thể so sánh với kleptocracies -“những quan chức kẻ cướp” đã hủy hoại nhiều quốc gia ở châu Phi. Trong hầu hết các trường hợp, các chính trị gia ở Đông Nam Á bán các nguồn tài nguyên của công và quyền làm kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân và không can thiệp vào việc điều hành doanh nghiệp. Khi những kẻ bạo chúa châu Á cư xử giống như “những quan chức kẻ cướp” ở châu Phi – khi tình trạng được phép làm bất cứ điều gì mình ham muốn của những đứa con nhà Suharto tăng lên đến mức không thể kiểm soát được trong thập kỷ mà ông ta cầm quyền – thì kết quả cũng tương tự.
Trạng thái bình thường của việc trả tiền cho giới chính trị trong khu vực dần dần dẫn đến việc phải trả nhiều khoản chi phí không mong muốn. Hồi ức của một tỉ phú nói về việc hối lộ một thủ tướng, đã trích dẫn ở trên, vang vọng trong lời mô tả của một người con trai của Chin Sophonpanich về quá trình chi trả cho các chính trị gia và các ông tướng Thái “hào hoa phong nhã”. Đây không phải là một từ mà một người ngoài
cuộc tự nhiên có được, mà nó được sử dụng bởi con trai một đại gia lớn ở Thái Lan, không hề có sự mỉa mai, châm biếm. Đã lâu trước khi Thaksin Shinawatra trở thành Thủ tướng Thái Lan, các sử gia Thái và các tác giả Pasuk Phongpaichit và Chris Baker đã hỏi ông ta về mức tiền lót tay tiêu chuẩn cho những dự án có liên quan đến chính phủ ở đất nước này. Ông trả lời một cách lập lờ rằng 10% là mức bình thường, nhưng con số này có lẽ phải cao hơn 35% đối với những dự án rất lớn. Cũng theo cách đó, các doanh nhân đã nói cái giá chính thức của khoản chi phí có thể trả cho công việc kinh doanh dưới chế độ Suharto ở Indonesia. Vợ ông ta, bà Tien, thường được giới kinh doanh gọi là Madame Tien Per Cent (Quý bà Phần trăm). Sudarpo Sastrosatomo, chủ công ty vận tải biển lớn nhất của Indonesia, gọi các quỹ mà Suharto được sử dụng để thu tiền lót tay là một “hệ thống thuế song song”.
Các quốc gia Đông Nam Á tập trung hóa, với cấu trúc xã hội dựa trên giai cấp, làm cho khu vực này trở thành thủ đô châu Á của các mối quan hệ. Đáng chú ý là John McBeth, một phóng viên lão thành của Tạp chí Kinh tế Viễn đông tại Indonesia, khi khảo sát các danh nhân hàng đầu của quốc gia này đã cho rằng họ đã đi sai đường ở thời kỳ giữa độc lập và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, mặc dù không chỉ rõ ra là Sukarno hoặc Suharto đã kéo dài các truyền thống phong kiến. Roeslan Abdulgani, một danh nhân chính trị đáng kính từ khi khai sinh nước cộng hòa này và là một Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Sukarno, đã than vãn: “Các tầng lớp trên trong xã hội này chỉ tìm kiếm đồ cống nạp”. Tại Indonesia và Malaysia, thói quen bán sự nhượng quyền và giấy phép kinh doanh đã chuyển tiếp sang thời kỳ độc lập mà không hề bị gián đoạn. Dưới thời thực dân Hà Lan, tầng lớp quý tộc priyayi của Indonesia đã luôn luôn có tiền đầu tư, tài sản và quyền lực để bán. Vẫn còn có nhiều nơi ở Malaysia, phần lớn trong số đó không phải là thuộc địa chính thức của người Anh, đất đai và nhiều quyền lợi có giá trị kinh tế khác lọt vào tay các gia đình hoàng gia. Ví dụ, các thương vụ bất động sản lớn của Robert Quách thời kỳ đầu không dựa trên các giao dịch với người Anh, mà với gia đình hoàng gia Johore. Khi chế độ thuộc địa đã qua đi, ngoài được nhượng quyền kinh doanh, tầng lớp tinh hoa chính trị ở địa phương lại còn có thêm các khoản tiền đầu tư kinh tế trong tay. Tại Thái Lan, đã có sự tiếp nối liền mạch của thông lệ cấp tiền đầu tư kéo dài từ cuộc cách mạng năm 1932 – cuộc
cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế. Tất cả những gì đã xảy ra là một phần chiến lợi phẩm được chuyển sang giới quan chức quan liêu và các tướng lĩnh quân đội. Ở Philippines, việc đút lót, hối lộ một hệ thống chính trị có vẻ bề ngoài dân chủ là một công việc đang diễn ra dưới sự cai trị của thực dân Mỹ, vì Washington dần dần chuyển giao quyền lực sang Manila. Nạn tham nhũng đã hoàn toàn được hoàn thiện sau khi độc lập. Tham nhũng chính trị thô thiển không phải theo cùng một trật tự ở Singapore và Hồng Kông mặc dù cả hai thành phố này văn hóa cầm tiền hối lộ đã phổ biến rộng rãi cho đến thập niên 1970, – vì khả năng thu hút vốn của cả khu vực có xu hướng dồn về hai thành phố tương đối “sạch” và “ổn định” này so với các vùng sâu vùng xa của chúng. Tuy nhiên, số lượng các vụ thông đồng giữa doanh nghiệp tư nhân và chính quyền ở cả hai thành phố này không nơi nào chịu kém nơi nào. Đó là điều mà ai cũng có thể mường tượng được.
QUAN HỆ KHÔNG TẠO NÊN MỘT MẠNG LƯỚI TRE
Các mối quan hệ có tầm đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, vì chúng mang lại hiệu quả. Nhưng trong khi các đại gia tích cực giao du để mong muốn có được các mối quan hệ với các chính trị gia, một câu chuyện thần thoại đáng kể về cách thức mà các bố già làm việc với nhau đã được dựng nên. Đây là câu chuyện thần thoại về “mạng lưới tre,”được cho là tồn tại giữa các đại gia gốc Trung Quốc, tạo nên một “mạng lưới hợp tác toàn vùng”, là duy nhất, độc đáo đối với văn hóa của họ. Bằng chứng được đưa ra là một thực tế rằng, các bố già Trung Quốc thường cùng nhau đầu tư, đó là điều không thể phủ nhận. Các tạp chí kinh doanh châu Á và một số bộ sách mang tính học thuật thường xuyên minh họa bằng đồ thị về việc cùng đầu tư của họ. Tuy nhiên, lý thuyết “mạng lưới tre” là sai lầm. Thực tế, các đại gia thường buộc phải cùng nhau đầu tư vì bản chất của môi trường trong đó họ hoạt động. Các nền kinh tế dựa trên giấy phép yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các đối tác có ảnh hưởng chính trị; những cartel cũng cần hợp tác. Các đối tác sẽ thường là người có gốc Trung Quốc do vai trò kinh tế ưu việt của những người Trung Quốc nhập cư trong khu vực. Nhưng các đại gia Trung Quốc cũng cùng đầu tư và hợp tác với các đối tác không phải người Trung Quốc. Hầu như tất cả bọn họ đều hoạt động thông qua liên doanh với các công
ty đa quốc gia để có được công nghệ và kỹ năng quản lý. Họ cũng làm việc với các bố già có nguồn gốc dân tộc khác. Mạng lưới tre vừa đơn giản thái quá vừa lãng mạn hóa thái quá. Trong kỷ nguyên di cư hàng loạt của thế hệ thứ nhất, người Trung Quốc thuộc giai cấp công nhân dựa vào những mạng lưới được xác định theo phương ngữ chắc chắn như một rặng tre. Các bố già theo chủ nghĩa quốc tế đã chưa bao giờ ở trong tình trạng như vậy. Họ hợp tác ở nơi họ phải hợp tác, nhưng hầu hết thời gian họ dùng để cạnh tranh rõ ràng nhất là cạnh tranh để có được các đặc ân chính trị. Sát cánh bên nhau bất kể họ là ai, nên câu lạc bộ hỗ trợ lẫn nhau đã gợi lên khái niệm về một mạng lưới tre.
Mối quan hệ giữa Lâm Thiệu Lương của Indonesia và Robert Quách của Malaysia, hai đại gia nổi tiếng nhất trong khu vực trong hơn nửa thế kỷ qua, là một minh họa điển hình. Quách là người trội hơn, được che chở bằng giấy phép độc quyền kinh doanh hàng nông phẩm bao gồm đường và bột tại Malaysia từ cuối những năm 1950. Khi ông muốn chuyển một nhà máy chế biến đường lớn sang Indonesia, rất tự nhiên là ông muốn có một mô hình tương tự tại nước này. Ảnh hưởng của Lâm với Suharto là không có đối thủ, và Suharto đã làm cho việc kinh doanh đường trở thành độc quyền của giới quân sự, điều hành nhiều doanh nghiệp thông qua Lâm. Quách cũng khuyến khích Lâm tiến hành cuộc vận động hành lang với Suharto để có độc quyền nhập khẩu lúa mì, xay bột, được chia phần với giới quân sự. Quách và Lâm đã trở thành những người cùng đầu tư buôn lúa mì và đường, trồng mía đường trong suốt ba thập kỷ. Những người này thường xuyên được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông là các liên minh theo mạng lưới quan trọng. Gia đình họ đều ở các thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, chỉ cách nhau có bốn mươi kilômét. Trong thực tế, Lâm và Quách đã là các đối tác trong một cuộc hôn nhân buộc phải thuận theo, giống như vô số đại gia khác. Khoảng giữa thập niên 1990, Quách bán hết Bogosari, doanh nghiệp độc quyền về nhập khẩu lúa mì và xay bột ở Indonesia, vì tin rằng Lâm và giới quân sự đã gian lận với ông, chia chác lợi nhuận không công bằng. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nhấn chìm đế chế của Lâm, Quách đã trả đũa lại cùng với nhiều “bạn bè” khác của Lâm” – bằng cách từ chối không cho ông này vay tiền. Như Philip Purnama, một giám đốc điều hành cao cấp hợp tác với Anthny, con trai Lâm, để
cố gắng xây dựng một doanh nghiệp gia đình, đã nhận xét: “Trong suốt cuộc khủng hoảng, khi Anthony cần tiền, cái gọi là mạng lưới này đã đòi anh ta trả 70% lãi suất.”
Bản chất thực sự của việc hợp tác giữa các đại gia đã trở nên rõ ràng hơn với tác giả nhờ một cuộc gặp gỡ vào bữa ăn sáng với một trong những người giàu nhất châu Á. Có lẽ vì một bữa tiệc thú vị đến bất ngờ của bố già tối hôm trước – ông ta đã chỉ ngủ có năm giờ đồng hồ vì đại gia này không bị bảo vệ như các tỉ phú khác trong cuộc thảo luận với một người mà ông được những người ngoài cuộc cho biết là đặc biệt thân tín. Ông khởi nghiệp với một người mà ông đã cùng đầu tư trong nửa thế kỷ, người mà ông cho là “rất thô kệch”, “rất thật thà” và gọi sự cải đạo sang Kitô giáo của ông ta chẳng khác gì một nỗ lực để lấy lòng người da trắng. Một đối tác kinh doanh lâu dài khác của ông là “một kẻ bất lương”, một người chỉ biết nghiền ngẫm sách vở khi liên doanh. Ông cho biết, có lần ông đã sáng tác ra một câu chuyện thương tâm về việc đã thua lỗ 100 triệu đôla trong một thương vụ vận tải biển để vay tiền của một gã trùm là bạn bè để chi trả hợp lý hơn cho một liên doanh; ông đã nhận được 5 triệu đôla cho vay, nhưng sau đó ông nhận ra nó đã được khấu trừ vào cổ tức kỳ tới của ông. Một đối tác kinh doanh lâu năm khác đã bị mắng nhiếc về chủng tộc vì những thiếu sót có thể hiểu được của nhóm phương ngữ của Trung Quốc được coi là “một mafia” và cũng bị lên án vì tính dâm dật của mình. Điều này ít nhất là tử tế hơn những nhận xét dành cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các tỉ phú. Một người là “kẻ giết người có khuôn mặt trẻ thơ”. Người khác là “một con rắn hổ mang”, gần đây đã gửi một hộp sôcôla cho con trai của một bố già. Ông này khuyên người kế vị của mình, đầu tiên hãy cho chó ăn thử đã, nếu con vật vẫn còn sống sau một vài giờ thì “hãy thử cho con chó cái một tí đã”.
Simon Murray, người được Lý Gia Thành tuyển dụng để điều hành Hutchison sau khi đại gia đầu bảng của Hồng Kông mua được một doanh nghiệp nguyên là của một ngoại kiều người Anh, nhớ lại con đường lòng vòng của mình khi cố gắng tìm hiểu về mối quan hệ của các bố già. Không lâu sau khi được bổ nhiệm, Murray nhận được lời mời từ Trịnh Dụ Đồng, tỉ phú đứng đầu tập đoàn New World, đến gặp ông ta để trò chuyện. Vì Trịnh và Lý đã nổi tiếng là bạn chơi gôn và đánh bài nên điều này có vẻ
hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, khi Murray nói cho Lý biết về cuộc tiếp xúc với Trịnh, ông ta tỏ ra rất ngạc nhiên bởi hành động này. Ông nhớ lại là Lý đã lạnh lùng cảnh báo: “Phải thật cẩn thận với bọn này. Hầu hết họ đều thông minh như chúng ta.” Murray nhận xét: “Họ chỉ là bạn bè của nhau trên lý thuyết.”
Nhìn theo cách khác, bản chất thực sự của mối quan hệ giữa các đại gia được thể hiện trong các kết quả, khi họ đã cố gắng để chủ động hợp tác với tư cách là các nhóm trong kinh doanh. Điều này giống như sự hợp tác thụ động cần thiết để duy trì một cartel hoặc chia chác một khoản vốn đầu tư. Một ví dụ nổi tiếng tại Malaysia là việc thành lập MultiPurpose Holdings (MPH) dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Malaysia Trung Quốc (MCA) chính đảng của người Mã Lai gốc Trung Quốc, vào giữa những năm 1970. MPH là một phương tiện đầu tư tập thể hứa hẹn bảo vệ lợi ích thương mại của người Trung Quốc trong các chương trình hành động được khẳng định là vì Mã Lai của chính phủ. Mặc dù công ty thu hút khoảng 30.000 nhà đầu tư, chủ yếu là người Trung Quốc, một vài đại gia sẽ có một việc gì đó để làm nhưng họ thích tìm nơi chốn của riêng họ, làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo chính phủ. Những doanh nhân nổi bật tham gia MPH đã không nhìn thấy một thảm họa. Vào những năm 1980, tập đoàn này đã công bố thiệt hại lớn nhất trong lịch sử các công ty của Malaysia, và giám đốc điều hành của nó, Tan Koon Swan – nguyên là quản lý cấp cao tại Genting của Lâm Ngô Đồng đã bị phạt tù ở cả Singapore và Malaysia vì tội gian lận. Ông ta đã tuồn quỹ của MPH vào một công ty riêng của mình. Một câu chuyện ít kịch tính hơn nhưng tương tự về sự thất bại trong hợp tác của các đại gia là việc thành lập ở Hồng Kông một tập đoàn tập trung vào Trung Quốc vào đầu những năm 1990, trong đó Lý Gia Thành, Stanley Hà, gia đình Riady của Indonesia và Hội đồng phát triển thương mại Singapore là các đối tác. Tập đoàn The New China Hong Kong chính xác không nhận được lợi lộc gì, vì những người hậu thuẫn quyền thế của nó không muốn và không thể làm việc cùng nhau.
Các mối quan hệ, như nhà đầu tư các khách sạn sang trọng Adrian Zecha nhận xét, là rất quan trọng ở Đông Nam Á vì các xã hội này được tầng lớp tinh hoa điều khiển một cách quá đáng. “Khi bạn là một nhà đầu tư phát triển,” ông nói, “nếu người lập kế
hoạch đã từng học cùng với bạn thì bạn mới có cơ hội.” Thực tế là, một số nhỏ cơ sở giáo dục, thường có nguồn gốc thuộc địa, là những nơi khởi nguồn chung của tầng lớp tinh hoa ở Hồng Kông, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn tầm quan trọng của mối quan hệ với khái niệm các mạng lưới hợp tác. Thế giới kinh doanh ở châu Á là một thế giới cấu xé lẫn nhau, trong đó các bố già luôn khao khát cạnh tranh để có được sự bảo trợ chính trị khan hiếm. Điều này gợi ra một định nghĩa, các đại gia là một loại người có vẻ bề ngoài cực kỳ duyên dáng, luôn theo chủ nghĩa cá nhân và nhiều khi thực dụng đến nhẫn tâm.
TIỀN MẶT LÀ CHỦ YẾU, LIÊN KẾT THEO CHIỀU DỌC, ĐẦU TƯ ĐA DẠNG HÓA NGẪU NHIÊN
Không phải mạng lưới tre làm cho các bố già châu Á giàu thêm; mà dòng tiền mặt chủ yếu bắt nguồn từ các thị trường không có tự do làm cho họ giàu thêm. Dòng tiền mặt cũng là chiếc mặt nạ cực tốt để giấu giếm sự thất bại của nhiều doanh nghiệp. Ngay sau khi người giàu nhất khu vực là Lý Gia Thành có được lợi ích thống trị của mình trong cartel hải cảng của Hồng Kông, dòng tiền mặt bất tận của nó đã giải cứu ông. Những năm 19821983, suy thoái kinh tế toàn cầu kết hợp với cuộc khủng hoảng chính trị tại địa phương, khi các cuộc đàm phán để Hồng Kông trở lại với chủ quyền của Trung Quốc bắt đầu. Thị trường bất động sản đã tụt dốc tự do, và thu nhập tại công ty bất động sản Cheung Kong của Lý cũng thế. Tệ hơn nữa, Lý bị nhiều tin đồn là lỗ nặng trong công ty tư nhân thực hiện mua bán bất động sản mà ông bảo đảm có mức lãi tối thiểu. Không thành vấn đề. Trong Tháng Ba năm 1984, Hutchison, một doanh nghiệp vốn là của người Anh, mà nhờ nó nên lợi nhuận về hải cảng của Lý vẫn giữ được, đã đổ ra một số tiền mặt từ khoản cổ tức 256 triệu đôla, và phần lớn số tiền đã đến với Lý. (Cổ tức chỉ được trả cho cổ phần ưu đãi trong đó Lý sở hữu rất nhiều – chứ không phải cổ phiếu thường). Ông đã được giải cứu. Mặc dù Lý thường xuyên được báo chí Hồng Kông gọi là “siêu nhân”, sự nghiệp đầu tư của ông có nhiều thương vụ không gặp thời, và lợi nhuận thu được phải trải qua một thời gian quằn quại mới kết trái. Đầu thập niên 1990, ông tuyên bố thiệt hại đáng kể vì đầu tư điện thoại di động và nhắn tin quá sớm ở Anh, Úc và các nước châu Á khác. Sau đó, ông
đã có một khoản lợi nhuận trời cho rất lớn với Orange ở cuối những năm 1990, trước khi chìm đắm trong điện thoại 3G vẫn còn nóng bỏng với số tiền lớn chưa từng có. Việc chuyển sang công ty dầu lửa Husky của Canada năm 1987, và tăng tiếp vốn ở đó, dẫn đến nhiều năm thua lỗ và giảm giá trị tài sản. Qua tất cả các khoản đầu tư này, dòng tiền mặt chủ yếu từ các cảng, bán lẻ, năng lượng điện và những cartel ở Hồng Kông khác đã bảo hiểm cho sự mở rộng của Lý. Kinh nghiệm của một trong những nhà đầu tư thành công nhất ở Đông Nam Á này là một hướng dẫn tốt giúp các đối thủ cạnh tranh không phải lênh đênh chìm nổi.
Dòng tiền mặt chủ yếu là chính sách bảo hiểm của một bố già. Nó cũng khuyến khích hai đặc điểm tiêu biểu khác, thường là chung cho các doanh nghiệp của các đại gia. Việc đầu tiên là liên kết theo chiều dọc, các hoạt động bao quanh một mặt hàng độc quyền hay thị trường nhánh. Khi Henry Hoắc có được độc quyền nhập khẩu cát của Trung Quốc đại lục vào Hồng Kông vào những năm 1950, ông mua ngay các xà lan để vận chuyển và lập các nhà kho để trữ cát. Nhiều nhà độc quyền còn đi xa hơn thế. Trở lại ví dụ về đường mía đã thảo luận trước đây, Robert Quách có các công ty trồng mía, tinh chế đường, đóng gói, bán đường, tiếp thị cho đường, cũng như các tàu thủy chuyên chở đường. Vì Quách có độc quyền còn thời hạn trong phân phối tại Malaysia, nên có một sự cám dỗ tự nhiên khiến ông đầu tư vào các hoạt động có liên quan. Liên kết theo chiều dọc cũng hấp dẫn vì nó giúp cho các đại gia tự do làm theo ý mình, tính toán xem đầu tư bao nhiêu, lỗ lãi bao nhiêu tại mỗi giai đoạn cụ thể của một doanh nghiệp. Ví dụ, chi phí chuyên chở hàng có thể được tăng lên để chuyển số tiền kiếm được vào vận tải biển xa bờ, một hoạt động được miễn thuế. Tại Hồng Kông, các gia đình có công ty bất động sản được niêm yết công khai hoạt động trong một cartel hiệu quả đều có công ty xây dựng riêng. Điều này, về lý thuyết, tạo ra một cơ chế hoàn hảo để bòn rút lợi nhuận từ các doanh nghiệp đầu tư phát triển được niêm yết. Theo luật của Hồng Kông, các công ty xây dựng tư nhân không phải công bố các tài khoản.
Tác động thứ hai của dòng tiền mặt có từ các công ty độc quyền là một cái gì đó phản trực giác. Bên cạnh các doanh nghiệp được cartel hóa và liên kết theo chiều dọc để tạo
ra phần lớn tiền mặt của mình, các bố già thường thích đầu tư đa dạng hóa ngẫu nhiên. Hầu như tất cả bọn họ đều điều hành một tập đoàn. Đó là điều hoàn toàn bình thường đối với một đại gia đầu bảng để kiểm soát ba hoặc bốn trăm công ty tư nhân và đưa hai mươi công ty vào niêm yết. Một phần, điều này phản ánh trạng thái tâm lý của môi trường hoạt động dựa trên việc cấp phép trong đó sự cạnh tranh được giới hạn bởi nhà nước, và do đó bất kỳ cơ hội kinh doanh mới nào cũng phải chộp lấy. Như chúng ta sẽ thấy trong Chương 4, cũng có ảnh hưởng tương đối yếu của các cổ đông thiểu số, những người thích tập trung đầu tư vào các công ty đại chúng có thu nhập tối đa. Và cần có động lực để sở hữu nhiều tài sản khác nhau, có nhiều quyền hạn khác nhau, trong trường hợp xu thế chính trị ở chính quốc của một bố già diễn biến theo những chiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, còn hơn thế, đa dạng hóa đầu tư là sản phẩm của việc có được tiền mặt và vay được vốn tín dụng quá dễ dàng. Như những nơi khác trên thế giới, các đại gia ở Đông Nam Á đang nghiêng về đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác nhau vì họ có nhiều tiền mặt. Điều này đúng với mọi người thuộc mọi dân tộc. Đại gia người Trung Quốc của Malaysia là Quách Lệnh Xán, với 19 công ty niêm yết trong các hoạt động từ ngân hàng và máy điều hòa nhiệt độ cho đến sản xuất đồ bán dẫn và bất động sản, không khác nhiều về chủng tộc so với đại gia người Tamil là Ananda Krishnan, người đang nhúng tay vào phim hoạt hình trên truyền hình, viễn thông, phát điện, giải trí, thăm dò dầu khí và bất động sản. Và cũng không xa rời thế giới đó, gia đình người Anh là Swire cũng tham gia vào điều hành các doanh nghiệp kinh doanh hàng không độc quyền, vận tải biển, bán lẻ, đồ uống nhẹ và được xếp ở một vị trí đáng kính nể, ở hàng thứ hai trong những cartel bất động sản ở Hồng Kông. Rốt cục, chính sự độc quyền đã khuyến khích các nhà độc quyền rải tiền của họ ra khắp nơi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.