90 Giây Để Thu Hút Bất Kỳ Ai

4. Ta mến những người giống ta



Người hàng xóm của tôi thích câu cá. Thế nên, hai cậu con trai của anh cũng thích câu cá, và hai cậu trông giống bố như đúc, dáng đi cũng giống bố. Thật đúng là con nhà tông! Còn tôi thì không thích câu cá, và năm đứa trẻ nhà tôi không đứa nào thích việc này, nhưng chúng tôi lại rất có khiếu hài hước. Thật nhẹ cả người! Cô tôi sống ở Scotland làm nghề bác sĩ, và con gái cô cũng vậy. Họ suy nghĩ giống nhau. Còn sự trùng hợp ngẫu nhiên nào không? Anh thợ ống nước ở làng tôi sinh ra trong gia đình có ba thế hệ làm nghề sửa ống nước. Người phụ nữ ở chợ Leiden bán cho tôi một lượng pho mát lớn hôm thứ Tư cũng có mẹ và con gái làm ở đó. Vẻ ngoài họ giống nhau.

Chuyện gì ở đây vậy? Có vài khuôn mẫu nổi bật lên? Sao họ lại giống nhau đến thế? Họ cùng lớn lên với cách cư xử hòa hợp nhau ở nhiều cấp độ, cả thể chất lẫn tinh thần. Họ đồng bộ với nhau.

Kể từ khi mới ba tuổi, cậu con trai nhỏ nhất của người hàng xóm đã tay cầm cần câu rất thiện nghệ giống hệt cha. Cậu ngồi rất chắc chắn giống cha, và khi cậu buông dây câu, cậu nhìn cha chằm chằm để xem cha làm gì: người cha quả quyết nói những câu “tiếp tục”, rồi “cẩn thận chứ” và “không, con làm sai rồi.” Cậu bé học theo cha một cách bản năng rất tự nhiên, cùng với sự chỉ bảo rất tinh tế trong cách biểu đạt và ngôn ngữ cơ thể của người cha, và luôn luôn bằng giọng nói nhẹ nhàng, cổ vũ con cái. Giờ đây cậu bé có thể làm được y như cha cậu vậy.

Sự đồng bộ tự nhiên

Chúng ta học được các kỹ năng sống thông qua những chỉ dẫn và giao thiệp với người khác. Khi chúng ta liên tục bắt được tín hiệu từ cha mẹ, bạn đồng trang lứa, thầy cô giáo, huấn luyện viên, trên truyền hình, và môi trường ta sống, ta sẽ tự động điều chỉnh cách hành xử để khớp với người khác và phù hợp với những phản ứng cảm xúc của họ. Một cách tự nhiên, chúng ta trở nên đồng bộ với người khác ngay từ lúc mới sinh. Những nhịp điệu cơ thể của đứa trẻ đồng bộ với các nhịp điệu của người mẹ. Tính tình của em bé thủa ấu thơ chịu ảnh hưởng từ tính tình của người cha, bé lựa đồ chơi mình thích sao cho theo kịp được với bạn đồng trang lứa, sở thích của các em tuổi teen cũng phải phù hợp với cái gì đó trẻ trung, sở thích của người trưởng thành chịu sự tác động từ người yêu, bạn bè và cộng đồng họ sinh sống.

Theo thời gian, chúng ta tự đồng bộ mình với những gì quanh ta. Chúng ta làm thế mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta phát triển nó, và ta không thể sống thiếu nó. Ta luôn chịu ảnh hưởng từ cách xử sự của người khác; mỗi khoảnh khắc ta ở bên người, ta đều điều chỉnh lại cách hành xử của mình, và họ cũng vậy. Đó gọi là sự đồng bộ. Chúng ta xử lý các tín hiệu một cách vô thức và truyền chúng đến người khác thông qua cảm xúc. Nó giải thích tại sao người ta lại yêu mến, tin tưởng và cảm thấy thoải mái với người giống họ.

Người ta thuê những người giống mình.Người ta mua hàng của những người giống mình. Người ta hẹn hò với những người giống mình .Người ta cho những người giống mình vay tiền. Và nhiều nữa – vô cùng…

Có lẽ bạn từng trải qua việc lần đầu tiên gặp ai đó mà ngay lập tức bạn đã thấy không thể kết giao được với họ. Hay thậm chí bạn có thể lập tức cảm thấy không cảm mến gì con người này. Thế nhưng, đã bao giờ bạn ngừng lại để thắc mắc về chuyện này chưa? Tại sao với người nào đó bạn lại tin tưởng và cảm thấy thoải mái hết sức tự nhiên như vậy? Thử quay lại tuần trước để nghĩ về chuyến phiêu lưu của bạn với những người khác. Nhớ lại cuộc gặp gỡ và hồi tưởng những gì đã qua. Điều gì khiến bạn yêu mến họ? Là cơ hội để bạn chia sẻ mọi thứ ‒ sở thích, thái độ hay những điều cảm động. Những người ăn ý với nhau thường có nhiều điểm chung. Ai chia sẻ các ý tưởng tương đồng, có cùng một gu thưởng thức âm nhạc hoặc ẩm thực, đọc những dạng sách giống nhau, thích các kỳ nghỉ như nhau sẽ ngay lập tức thấy thoải mái khi ở cạnh nhau, hơn là những người không có điểm chung nào.

Khi giảng bài, tôi viết lên tấm bảng đen to dòng chữ:

TÔI MẾN BẠN!

Rồi tôi thêm vào hai chữ cái giữa từ thứ nhất và thứ hai, câu trên kia đọc thành:

TÔI GIỐNG BẠN!

Thực tế là chúng ta quý mến những người giống ta. Ta thấy thoải mái với người nào quen thuộc với ta (bạn nghĩ từ “quen thuộc” đến từ đâu?) Hãy xem các bằng hữu thân thiết nhất của bạn. Lý do để các bạn duy trì tình bằng hữu thân thiết ấy là vì các bạn có chung quan điểm, thậm chí cả cách thức làm mọi thứ. Chắc chắn là bạn sẽ thấy nhiều điểm khác biệt và tranh cãi về nó, nhưng cốt yếu là các bạn vẫn tương đồng nhau.

Những người có chung sở thích thường kết giao với nhau hết sức tự nhiên. Việc bạn chia sẻ sở thích đua mô tô với các chàng trai trong công ty có thể là nền tảng để bạn kết giao với họ. Hay bạn đưa bé nhà bạn đi chơi công viên mỗi chiều và gặp những mẹ khác cũng đưa bé nhà họ đi chơi, điều này cũng là một cơ sở để kết giao. Người ta thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nên rất đơn giản, người ta cảm thấy thoải mái bên cạnh những người giống họ.

Cùng chia sẻ niềm tin, phong cách, khiếu thẩm mỹ và hoàn cảnh sẽ góp phần vào việc kết giao. Có lẽ bạn cảm thấy thoải mái với những người diễn đạt lưu loát, trôi chảy, hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi những người nói năng nhẹ nhàng, từ tốn. Có thể bạn thích kết giao với những người cởi mở chia sẻ cảm xúc hay những người thẳng thắn, không nói năng õng ẹo. Khi thiết lập kết giao hữu ý, bạn sẽ gặp những người có cùng phong cách sống giống bạn.

Nghệ thuật của sự đồng bộ

Nhưng sao ta lại phải chờ đợi sự kết giao xảy đến tự nhiên? Sao không chủ động làm thế ngay khi gặp nhau? Sao không đầu tư 90 giây đầu tiên để thiết lập kết giao hữu ý?

Hãy nhìn quanh bất kỳ nhà hàng, quán café, trung tâm thương mại hay nơi công cộng nào để xem những người “đang kết giao” và những người không. Những ai đang giao tế với nhau ngồi theo kiểu giống nhau. Chú ý xem họ có khuynh hướng đổ về phía trước ra sao. Chú ý xem chân tay họ đặt ở vị trí nào. Những điều trên trong giao tế được đồng bộ hóa gần như các vũ công vậy: một người nhấc tách café lên, người kia theo sau; một người ngả về sau, người kia làm tương tự; một người nói năng nhẹ nhàng, người kia cũng nhẹ nhàng nói năng. Vũ điệu tiếp tục: vị trí cơ thể, nhịp điệu, giọng điệu. Giờ hãy tìm những người rõ ràng là bên nhau nhưng không đồng bộ được với nhau, và quan sát sự khác biệt. Cặp đôi hay nhóm đó nên hành động thế nào để có được kết quả tốt hơn?

Gần đây tôi có nói chuyện tại một thính phòng ở Luân Đôn, và ở đó, tại dãy ghế thứ 10, tôi nhìn thấy một cặp đôi rất đẹp. Họ ăn mặc đẹp không chê vào đâu được, có sự chọn lựa kỹ càng về chi tiết và màu sắc. Khi nhìn họ, tôi thấy họ ngồi trong tư thế y hệt nhau, nghiêng về bên phải, tay khoanh lại. Đoạn, như thể đáp lại dấu hiệu đã sắp đặt từ trước, cả hai người cùng chuyển trọng tâm vào cánh tay gần nhất của người kia, giống như những vận động viên bơi lội ăn khớp với nhau, gật đầu và cùng mỉm cười. Họ tán đồng mọi điều tôi nói. Sau đó, tôi có gặp gỡ họ và biết được họ đã kết hôn 47 năm rồi; họ mạnh khỏe, hạnh phúc, và hoàn toàn hòa hợp với nhau.

Mục tiêu của chúng tôi là khám phá cấu trúc của sự đồng bộ và sửa đổi nó để ứng dụng vào các kiểu người khác nhau mà ta gặp. Chìa khóa để thiết lập mối quan hệ là học cách để trở nên đồng bộ với điều mà Giáo sư Mehrabian gọi là ba chữ “V” trong giao tiếp – thị giác, thính giác và lời nói – để kết nối với người khác bằng cách trở nên càng giống họ càng tốt. Nhưng chẳng phải điều này nghĩa là tôi trở nên giả dối hay không thành thật à?

Không phải. Bạn làm mọi thứ hết sức tự nhiên. Bạn xem thấy cảnh ai đó ngã từ trên cây xuống và bạn nao núng. Nhìn thấy một đô vật bị thụi vào bụng thì bạn nhăn mặt. Ai đó mỉm cười với bạn, bạn cảm thấy một sự thúc giục cần đáp lại nụ cười; ai đó vừa nói vừa ngáp thì bạn cũng lại làm giống thế; người nào khóc, bạn cũng rớt nước mắt theo. Một cách vô thức, ta có sự đồng bộ miên viễn với nhau.

Đồng bộ là cách để thích nghi với người khác. Và mong bạn nhớ là, chúng ta chỉ đang nói đến việc kết giao thành công trong vẻn vẹn một phút rưỡi. Bạn không cần phải thay đổi hoàn toàn cá tính của mình. Tất cả những gì bạn cần là để mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên nếu bạn có nhiều thời gian. Lý tưởng ở đây không phải là bắt chước nguyên si động tác, giọng điệu và lời nói của người khác, mà là làm như bạn vẫn làm với bạn bè của mình vậy.

Thông thường, khi bạn đi du lịch đến một đất nước xa lạ, tóc bạn sẽ khô xơ hơn hoặc nhịp điệu sinh học của bạn không thích nghi được ngay với bên ngoài. Lúc đó, bạn cần trở thành người thích ứng tốt để giúp mọi thứ hoạt động trở lại như bình thường. Chuyện này cũng tương tự như khi bạn kết giao với người khác. Giống như mái tóc khô xơ và nhịp sinh học thay đổi, bạn cần biết cách thích nghi. Vì thế, hãy nghĩ về sự đồng bộ như một phương kế thích ứng cho phép bạn kết giao nhanh chóng và thuận lợi. Đồng bộ là cách để người khác cởi mở, thoải mái và hạnh phúc khi bên bạn. Bạn làm điều họ làm; bạn trở nên giống họ cho đến khi họ nghĩ: Tôi không biết gì về người này, nhưng ở người ấy có gì đó mà tôi rất thích!

Hãy nghĩ về sự đồng bộ giống như việc chèo thuyền trong đội đua. Trên trường đua, người ta có cùng vận tốc, cùng hướng nhìn, cùng nhịp chèo, cùng một kiểu thở, tâm trạng và điểm nhìn giống nhau. Khi người khác chèo, bạn cũng chèo.

Vào một đêm tối cách đây vài năm, tôi ngồi trong căn nhà gỗ của câu lạc bộ trượt tuyết, chờ hai cậu nhóc nhỏ tuổi nhà tôi chơi xong ván trượt đêm. Bất ngờ, một người hàng xóm làm luật sư tiến lại phía tôi. Anh luôn có kiểu “gật đầu” rất lịch thiệp với gia đình tôi. Khi tôi trông thấy anh tiến lại, tôi tự nhủ trong thâm tâm rằng hãy thử hành động đồng bộ với anh ấy xem sao. Tôi đặt ra kết quả mà tôi muốn (xin bạn nhớ cho, hãy biết mình muốn gì) và tôi sẽ tiếp tục đồng bộ với anh ấy cho đến khi cử chỉ điệu bộ của anh cho thấy anh sẵn sàng kết bạn với tôi. Tôi điềm tĩnh đứng đó và anh nhận ra tôi. Chúng tôi gặp nhau ở giữa phòng trong một căn phòng rất rộng.

“Chào anh,” anh mỉm cười nói khi bắt tay tôi.

Cũng với giọng điệu và dáng đứng như anh, tôi lặp lại: “Chào anh!”

Anh đặt một tay lên hông, tay kia chỉ ra cửa sổ căn nhà, “Tôi đang chờ bọn trẻ chơi cho xong!”

“Tôi cũng vậy,” tôi nói, bắt chước điệu bộ của anh. “Tôi đang chờ bọn trẻ nhà tôi.”

Tôi đã đồng bộ với anh ấy trong vòng chưa đầy 30 giây, với một cuộc chuyện trò vu vơ. Rồi bất ngờ anh thốt ra: “Anh biết gì không? Thực sự chúng tôi chưa biết hết nhà anh. Sao anh không đến dùng cơm với chúng tôi tối nay?”

Chúng tôi sắp xếp một cuộc hẹn ngay tại đây. Tôi gần như đọc được điều gì đã diễn ra trong tâm trí anh. Anh ấy nghĩ: Có gì đó ở người này mà mình rất thích, nhưng mình không chắc là gì. Rõ ràng, nếu anh ấy cảm thấy tôi đang bắt chước anh, thì anh sẽ không bao giờ phát ra lời mời đó.

Tôi đã tiếp cận anh với Thái độ sôi nổi thực sự hữu ích, thậm chí dù tôi có đang gắng để trở nên đồng bộ với anh đi nữa, tôi vẫn có được sự gần gũi bề ngoài. Tôi đứng trước mặt anh, ngay lập tức bị xúc động trước tất cả cử chỉ điệu bộ của anh, và rồi tôi làm các cử chỉ điệu bộ và nét mặt tương tự anh vậy. Ngữ điệu và tốc độ nói của anh khá dễ bắt chước. Và tôi cũng dùng những từ ngữ tương tự. Nghe có vẻ phức tạp hơn bình thường. Toàn bộ điều này vẻn vẹn diễn ra trong vòng vài giây. Thực sự rất vui và tốt đẹp. Tôi còn muốn biết về anh nhiều hơn, và đây dường như là một cơ hội hoàn hảo. Tôi chắc rằng lúc đó cả hai chúng tôi đều trải nghiệm những xúc cảm mà chỉ con người trao đến được với nhau – xúc cảm khi người ta bước vào một quan hệ mới. Hoàn toàn không gì trong thế giới này thú vị và bổ ích bằng sự kết nối và phát triển một mối quan hệ có thể đem đến tình bạn mới mẻ hay một mối quan hệ mới.

Vậy còn những người khó chịu thì sao?

Kẻ ức hiếp

Ông Szabo, chủ nhân chuỗi siêu thị lớn, được biết đến nhiều trong giới thương mại với kiểu dọa dẫm của mình. Một ngày nọ, ông cho triệu tập ba nhà điều hành sản xuất của ba nhãn hàng đạt tiêu chuẩn quốc gia và có tính cạnh tranh đến gặp ông tại một đại lý. Ông dẫn họ tới lối đi giữa có bày bán sản phẩm của họ và bắt đầu rầy la họ vì ông thấy đáng hổ thẹn về diện mạo sản phẩm. Khi ông khoát tay, chỉ ra điểm sai, giọng ông lúc thăng lúc trầm, thỉnh thoảng ông ngừng lại, nhìn chằm chằm vào từng người và thậm chí còn dùng ngón tay thọc mạnh vào vai Paul – một người trong số họ. Kết thúc tràng diễn văn dài đả kích, hai người đàn ông bị hăm dọa gật đầu và bịa ra lý do để chống lại những gì ông Szabo nói.

Kể từ lúc ông Szabo bắt đầu nạt nộ quát tháo, Paul trở nên đồng bộ dần với tính khí và điệu bộ của ông. Đến lúc anh trả lời người chủ nhân giận dữ, anh gần như giống ông Szabo – nhưng theo cách hoàn toàn lịch sự. Anh dùng cử chỉ tay, giọng điệu, cách ngắt quãng và thái độ tương tự, và thậm chí anh còn chọc tay vào vai ông khi anh nói: “Ông hoàn toàn đúng.”

Khi họ nói tới nói lui một hai phút, Paul bắt đầu hành xử êm dịu đi, ông Szabo cũng làm theo. Họ kết thúc cuộc nói chuyện, ông Szabo quàng tay lên vai Paul và dẫn anh tới cuối lối đi giữa. Tại đây ông tóm lấy trưởng cửa hàng và nói với anh ta: “Hãy giúp đỡ khi anh này cần.”

Paul đã gia nhập thành công vào thế giới của ông Szabo và rất nhanh chóng, đầy khéo léo và rất lễ độ, đạt được kết quả như mong muốn.

Người ta thường hỏi tôi sẽ làm gì khi gặp một người cố thủ: miệng mím chặt, tay khoanh lại hoặc nhét chặt tay vào túi áo. Hoặc cách tốt nhất để giao tế với những người xấu hổ, hay kêu ca hoặc kiêu căng hoặc hùng hổ quá mức. Tôi viết cuốn sách này không nhằm mục đích đưa ra những chỉ dẫn chi tiết để giải quyết với những người khó chịu, nhưng dưới đây là vài gợi ý bạn nên tham khảo.

Nguyên tắc thứ nhất khi gặp một người khó chịu là tự hỏi mình câu: “Tôi có thực sự cần phải giao du với người này không?” Nếu câu trả lời là không, thì hãy để mặc anh ta hoặc cô ta lại. Nếu câu trả lời là có, hãy tự hỏi bạn muốn gì. Bạn muốn có kết quả ra sao? Đừng để tâm nhiều quá đến điều bạn không muốn. (Bạn còn nhớ KFC chứ? Không thì hãy đọc lại.)

Khi đồng bộ được với “con người khó chịu” đó, điều cốt yếu là bạn làm thế theo cách không hăm dọa. Một khi bạn làm cho cơ thể và giọng điệu của mình phù hợp với họ, bạn có thể bắt đầu “dẫn dắt” họ khỏi sự khó chịu. Buông nhẹ bàn tay, thả lỏng đôi vai và thử xem họ có làm theo giống bạn không; nếu họ không, hãy quay lại vị trí ban đầu trong vài phút và gắng làm lại.

Nói chuyện với người hay mắc cỡ: thử tìm xem họ thích gì. Đồng bộ với các động tác cơ thể và giọng điệu họ, rồi chậm rãi hỏi họ nhiều câu hỏi đóng-mở (xem chương sau) cho đến khi bạn nhận được chút nhiệt tình le lói. Nắm bắt thái độ của họ, rồi từng bước một hướng họ vượt thoát khỏi nỗi ngại ngùng; nếu chưa làm được, bạn hãy quay lại từ đầu và đồng bộ dần với họ từng chút một. Bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của việc này đấy.

Khi nào tôi nên bắt đầu đồng bộ?

Cố gắng đừng để dăm ba giây đầu tiên trôi qua trước khi bắt đầu. Hãy ghi nhớ các bước sau: Cởi mở (Thái độ thực sự hữu ích và sử dụng ngôn ngữ cơ thể mở) – Quan tâm (tập trung vào người đó) – Nhìn (trước hết là tiếp xúc mắt) – Tươi cười (trước hết là nở nụ cười tươi) – Nói “Xin chào!” (giới thiệu về bản thân) – Tựa người (Biểu thị sự quan tâm khi bạn bắt đầu đồng bộ với người ấy).

Khi bạn và người khác có thêm điểm chung và thu hẹp được khoảng cách giữa hai người, mọi chuyện dần trở nên tốt đẹp. Và đó là cách nhanh nhất để có được sự đồng bộ với người khác – nói cách khác, ta đã tiếp nhận thái độ, toàn bộ ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu nói tương đồng nhau.

Đồng bộ hóa thái độ

Đồng bộ về thái độ – hay sự phù hợp đa diện, một cách nói nghe cho khoa học – bao gồm việc xác định vị thế và cách thức của thái độ. Nó cũng thường là sự giúp đỡ, như khi bạn “cùng hội cùng thuyền” với một người bạn bị thử thách, hay việc cha mẹ bạn gắn với các vấn đề trường lớp của con cái, hoặc bạn chia sẻ niềm vui với người bạn đời. Khi con người cùng nhau giải quyết các vấn đề, họ sẽ thường xuyên đồng bộ buông ra tiếng thở dài thất vọng hay hét lên vui sướng.

Hãy nắm bắt cảm xúc của người khác. Đồng bộ với các chuyển động của họ, kiểu thở và cách bộc lộ như thể bạn có sự “gắn bó sâu sắc” với họ. Điều chỉnh toàn bộ tính khí lựa theo giọng nói của họ.

Đồng bộ ngôn ngữ cơ thể

Hẳn bạn cũng biết, ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55% hiệu quả trong giao tiếp. Điểm nổi bật nhất, dễ dàng và bổ ích nhất là đồng bộ cách làm của bạn trong khi giao tiếp. Nếu bạn không có gì ngoài cuốn sách này, thì sau khi đọc và học được khả năng đồng bộ với ngôn ngữ cơ thể của người khác, bạn sẽ thấy mình tiến rất xa so với trước kia.

Làm cho mọi thứ đến tự nhiên

Dave đang tìm một món quà kỷ niệm tặng vợ. Anh rút gọn xuống còn hai ý tưởng. Hoặc là gọi một cuộc điện thoại từ rất sớm chúc mừng vợ, hoặc là treo một bức tranh trong phòng ăn.

Từ chỗ đậu xe khu trung tâm thương mại, rất tiện lợi để Dave vào quầy hàng bán đồ điện tử đầu tiên. Thật may mắn vì bây giờ là giữa sáng nên cửa hàng không đông lắm. Dave tiến đến quầy thu ngân, nhân viên bán hàng vận bộ vest bóng loáng gật đầu và mỉm cười với anh. Đến lúc này mọi việc đều ổn. Khi người bán hàng bắt đầu giải thích điểm khác nhau giữa các mẫu sản phẩm mới nhất, anh ta nhấc chân phải lên, đặt xuống một cái ghế đẩu thấp tịt bên cạnh. Rồi anh ta nghiêng đầu gối phải xuống một cách chắc chắn và tiếp tục giải thích. Bất ngờ Dave không thể kiên nhẫn đứng nghe người bán hàng giới thiệu thêm nữa. Không phải vì anh thiếu hứng thú, mà bởi cách đặt chân của người đàn ông đó hoàn toàn không đồng bộ với cử chỉ điệu bộ của anh ta, nó khiến anh cảm thấy không thoải mái.

Dưới đây là một câu chuyện hoàn toàn khác tại triển lãm mỹ thuật. Dave dừng lại trước một bức tranh khiến anh thích thú và muốn áp dụng thế đứng suy tưởng đó cho mình: trọng lượng đặt vào một chân, hai cánh tay gập lại, một bàn tay đặt trên cằm, ngón tay đặt trên môi. Sau chừng một phút, anh biết có người đứng gần anh và nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng cất lên: “Bức tranh rất đẹp, phải không anh?”

“Vâng, rất đẹp chị ạ,” Dave đáp bằng giọng trầm ngâm.

“Nếu anh cần tôi giúp gì thì cứ nói nhé,” người thiếu nữ đáp. Cô rời sang góc khác của phòng triển lãm.

Trong vòng năm phút, Dave đã mua bức họa. Dường như việc này đến rất tự nhiên.

Dave thấy thoải mái khi nhìn bức họa. Người thiếu nữ thoáng qua bên anh, dùng ngôn ngữ cơ thể như anh và có một thái độ tương tự anh vậy. Cô đã kết nối với anh một cách hoàn hảo mà chừng như chẳng cần nỗ lực đồng bộ gì: tác dụng đến từ 55% ngôn ngữ cơ thể, 38% giọng nói và 7% là ngôn từ – ba chữ “V”.

Đồng bộ hóa ngôn ngữ cơ thể có thể rơi vào hai nhóm sau: trùng khớp, nghĩa là hành động giống hệt người khác (chẳng hạn, nàng cử động tay trái, mình cũng cử động tay trái), và phản chiếu, nghĩa là chuyển động như thể bạn đang nhìn ai đó chuyển động trong gương (chẳng hạn, chàng cử động tay trái, thì mình cử động tay phải).

Có thể bạn đang nghĩ thế này: Nhưng chẳng phải người khác sẽ chú ý đến việc tôi đang lặp lại hành động của họ à? Thực sự thì, họ không để ý đến đâu, trừ phi việc lặp lại cứ rành rành ra đấy. Nhớ là, chuyển động của bạn cần phải khôn khéo và tôn trọng người khác. Nếu người ta chọc chọc ngón tay vào tai họ, mà bạn cũng làm theo như thế, thì thưa vâng, chắc chắn là họ sẽ để ý đến bạn ngay đấy. Nhưng khi một người biết đặt trọng tâm vào cuộc trò chuyện, họ sẽ không bắt sóng được những bắt chước khéo léo của bạn đâu.

Điệu bộ riêng: rất dễ dàng và tự nhiên để đồng bộ với những chuyển động bàn tay và cánh tay của người khác. Vài người nhấc vai lên khi họ nói; vài người vẫy vẫy cánh tay khi họ tự nói về mình. Hãy làm bất kỳ điều gì họ làm. Nếu bạn thấy ban đầu không thoải mái lắm, bạn hãy cứ làm, đến khi nào bạn thành một người đồng bộ thành thạo. Có một thực tế là việc bạn chú ý đến những kiểu điệu bộ khác nhau chính là một bước quan trọng để giành được sự cảm mến của người khác chỉ trong vòng chưa đầy 90 giây.

Điệu bộ cơ thể: Tất cả điệu bộ đều nói lên thái độ của cơ thể. Nó cho thấy người ta giới thiệu về họ thế nào, và nó là người chỉ dẫn tốt để ta hiểu trạng thái cảm xúc của người khác. Đó là lý do vì sao thi thoảng ta xem nó như việc “tiếp nhận điệu bộ.” Khi bạn có thể tiếp nhận chính xác điệu bộ của ai đó, bạn sẽ có những suy niệm hợp lý về cảm giác của họ.

Toàn bộ chuyển động cơ thể: Dù cho đó là một cuộc phỏng vấn xin việc hay một cuộc trò chuyện với Hội đồng quản trị, hãy quan sát toàn bộ chuyển động cơ thể của họ, rồi bắt chước điệu bộ họ một cách lịch thiệp theo một trong hai cách trên. Nếu anh ta khoanh chân, hãy khoanh chân; nếu anh ta tựa người vào cây dương cầm sang trọng, hãy tựa người. Nếu cô ấy ngồi sang một bên của chiếc ghế dài, hãy ngồi thế; nếu cô ấy đứng, tay đặt trên hông, hãy làm thế. Những chuyển động cơ thể như nghiêng người, đi lại, và xoay người rất dễ dàng đồng bộ được.

Nghiêng đầu và gật đầu. Có những chuyển động rất dễ dàng để đồng bộ. Các nhiếp ảnh gia thời trang biết rằng hầu hết “cảm giác” về bức chụp toàn cảnh dở tệ bắt nguồn từ “sự ám chỉ” của hành động nghiêng đầu và gật đầu. Chắc chắn, khuôn mặt là rất quan trọng, nhưng góc mặt mới truyền tải thông điệp. Hãy chú ý đến chúng thật sít sao. Phần lớn các bác sĩ và chuyên gia trị liệu đều thấy rằng người ta đồng bộ được với cái nghiêng đầu và gật đầu mà không bận tâm nghĩ ngợi gì. Cử chỉ đó ngầm ý: “Tôi đang nghe anh nói đây. Tôi hiểu những gì anh nói và tôi cũng cảm thấy y như anh vậy.”

Nét mặt. Cùng với cái nghiêng đầu và gật đầu, nét mặt cũng biểu thị sự đồng tình và thông hiểu. Chúng đến rất tự nhiên. Khi chàng cười với bạn, tự nhiên bạn cũng cười đáp lại. Khi nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên, bạn cũng hãy làm thế với nàng. Nhìn quanh bữa tiệc mà bạn tham dự, chú ý đến việc người khác kết giao thế nào. Thật là dễ dàng, tự nhiên và chắc chắn có hiệu quả để chiếm được lòng yêu mến của người khác chỉ trong vòng 90 giây. Bạn cũng có thể làm điều đó qua ánh mắt. Có thể nhìn thoáng qua, hay trực diện, hoặc làm duyên; bất kể là làm gì, hãy cứ nắm bắt và gửi tới người đối diện điệu bộ tương tự với họ, nhưng thật khéo léo nhé.

Nhịp thở. Chú ý đến hơi thở. Bạn thở nhanh hay chậm? Bạn thở khoang ngực hay thở bụng? Bạn có thể biết được kiểu thở của người khác bằng cách quan sát nhịp chuyển động của vai họ. Đồng bộ hóa với nhịp thở của người khác mang lại cho họ cảm giác dễ chịu và thoải mái.

Bài tập đồng bộ

Trong và ngoài sự đồng bộ hóa

Trong bài tập này, bạn cần thêm hai người hỗ trợ: A và B. A là người đầu tiên thực hiện các hành động; B là người đồng bộ với hành động của người A. Bạn đóng vai trò người điều khiển.

Ngồi, đứng, hay đi lại, cả A và B cứ làm điều gì họ muốn. A chuyển động một bước, B làm theo. Sau khoảng một phút, bảo họ phá vỡ sự đồng bộ đi. Lúc này, B cố ý không sao chép với những chuyển động của A. Rồi sau đó, chỉ dẫn cho B đồng bộ lại với A. Rồi, lại bảo họ phá vỡ sự đồng bộ. Cuối cùng, hãy cho họ thực hiện đồng bộ trước khi kết thúc.

Giờ hãy chuyển vai trò cho A và B. Cứ thế luân phiên nhau trong bài tập. So sánh những ghi chép cuối mỗi lượt. Bạn sẽ nhận thấy những điều kiểu thế này: “Khi tôi phá vỡ sự đồng bộ, giống như thể có một bức tường rất lớn chắn giữa chúng tôi”, hay “Khi chúng tôi ngừng việc đồng bộ hóa lại, mức độ tin tưởng của chúng tôi tụt hẳn xuống.”

Bạn cũng có thể thử tự làm điều này. Đồng bộ hóa với ai đó trong vòng vài ba phút, rồi cố ý phá vỡ tính đồng bộ trong một phút trước khi lại tiếp tục đồng bộ. Cứ làm như vậy và chú ý đến sự khác nhau; bạn sẽ thấy được rõ ràng.

Dẫn dắt

Khi ngồi nói chuyện với một người bạn, một trong hai bạn hãy khoanh một chân lại, và người kia cứ làm giống thế mà không nghĩ ngợi gì. Tức là, một trong hai bạn sẽ làm theo chỉ dẫn của người kia với đảm bảo hai người đang giao tế với nhau.

Khi bạn nhanh chóng đồng bộ được với người khác, bạn có thể kiểm nghiệm xem mối quan hệ của bạn tiến triển đến đâu. Sau chừng bốn phút, bất chấp những gì đã xảy ra trước đó và người khác không để ý đến việc bạn đang làm, hãy làm một chuyển động tinh vi không liên quan đến sự đồng bộ của bạn – tựa người hoặc khoanh tay, và có lẽ là nghiêng đầu. Nếu người khác làm theo bạn, bạn đã đồng bộ và kết giao được với họ, và giờ đây họ vô thức làm theo sự dẫn dắt của bạn. Nếu bạn nghiêng đầu, họ cũng nghiêng đầu theo. Nếu bạn khoanh chân, họ cũng khoanh chân theo. Thay đổi điều bạn đang làm – một cử động, sửa đổi ngữ điệu – rồi quan sát xem người kia làm có giống không. Điều này giúp bạn biết được bạn và người kia có giao thiệp được với nhau không. Nếu người đó không làm theo bạn, hãy làm lại các bước cho đến khi nào bạn thành công.

Tôi có dạy cho các tình nguyện viên chăm sóc những người đang phải vật lộn chiến đấu với căn bệnh ung thư cách giao tiếp với người bệnh. Điều đầu tiên tôi muốn họ ráng sức là hòa hợp nhịp thở với người bệnh. Khi nói, hãy nói lúc người bệnh đang thở ra, điều này sẽ giúp người bệnh trấn tĩnh và thanh thản trở lại.

Nhịp điệu. Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho bất kỳ cái gì có nhịp điệu. Nếu nàng khẽ đập đập bàn chân, bạn hãy gõ nhẹ cây bút chì; nếu chàng gật đầu, hãy vỗ nhẹ bắp đùi. Trong tình huống thích hợp cùng sự ứng dụng đúng đắn, điều này có tác dụng còn hơn cả mong đợi của bạn nữa. Còn nếu không làm được, âm thanh tiếp theo bạn nghe thấy có thể là tiếng cửa đóng sầm – hoặc tệ hơn nữa. Hãy khôn ngoan và thận trọng.

Đồng bộ hóa tiếng nói

Tiếng nói chiếm tới 38% sức tác động trong giao tiếp trực diện. Nó cho thấy người ta cảm thấy gì; hay nói cách khác, chính là thái độ của người đó. Người nào bối rối sẽ nói giọng nghe bối rối, người nào hiếu kỳ sẽ nói giọng tỏ vẻ hiếu kỳ. Bạn có thể học được cách đồng bộ hóa những tiếng nói này.

Giọng nói. Chú ý đến những cảm xúc mà giọng nói mang lại. Nắm bắt những cảm xúc này, rồi nói bằng giọng điệu tương tự thế.

Âm lượng. Người ta nói giọng quá to hay quá nhỏ? Giá trị của việc đồng bộ hóa âm lượng không phải là việc bạn có thể làm giống người khác, mà hơn thế, còn là việc có những điều sẽ xảy ra nếu bạn không làm thế. Nếu bạn vốn dĩ đã nói to và giọng nói dễ bị kích động, thì khi gặp một người nói năng nhỏ nhẹ và dè dặt, chắc chắn họ sẽ cảm thấy không dễ chịu như khi chuyện trò với những người có cùng giọng điệu như họ. Ngược lại, những người “ăn sóng nói gió”, nhiệt tình, vui vẻ chắc chắn sẽ tìm được nhiều điểm chung với người có tính cách hồ hởi, cởi mở.

Tốc độ nói. Người này nói liến thoắng hay chậm rãi? Người nào trầm tư, nói năng chậm rãi có thể trở nên hoàn toàn bối rối hoặc lúng túng trước những người hoạt ngôn, cũng như những người nói chậm có thể khiến người tư duy linh hoạt xao lãng hoặc phát chán lên. Hãy nói cùng một tốc độ với người khác để có được cảm giác như thể hai người đang bước đi cùng một tốc lực.

Cường độ. Giọng nói của họ có lên bổng xuống trầm không? Cường độ tiếng nói có thể giúp người khác thay đổi được tâm trạng. Khi bạn cao giọng lên, bạn trở nên hứng khởi hơn. Khi thấp giọng xuống, bạn bình tĩnh hơn, hoàn toàn thích hợp cho việc tâm tình.

Từ ngữ. Có một miền đất còn có tác động lớn hơn nhiều mà chúng ta có thể đồng bộ hóa, đó là việc sử dụng từ ngữ yêu thích của người khác. Chúng ta sẽ nắm rõ điều này trong chương 7.

Việc đồng bộ hóa cho phép bạn gắn bó sâu sắc với người khác và hiểu rõ hơn về nguồn gốc của họ. Thực hành đồng bộ hóa trong mọi hoạt động của mình, khi bạn đi phỏng vấn, tại bến xe bus, chơi với bọn trẻ, bình tĩnh trước một khách hàng khó tính, hay nói chuyện với nhân viên giao dịch ngân hàng, với thầy dạy yoga, người phục vụ quán rượu. Điều này cũng không ngoại lệ khi bạn giao thiệp với người bạn đời của mình. Hãy luyện tập cho đến khi bạn thành thục mà không cần gắng sức gì nữa – đến khi nào chuyện đó đến một cách tự nhiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.