Phong Thủy Thực Dụng

9. Nghệ thuật ăn tối



Trong chương này:

• Cải thiện luồng khí trong phòng ăn

• Tạo bầu không khí yên tĩnh trong bữa ăn

• Bữa ăn gia đình có phong thủy tốt

Trong các nền văn hóa cổ, việc mọi người cùng ngồi ăn với nhau, dù là với gia đình hay người lạ, là một cách xây dựng những mối liên kết tin cậy. Ngày nay, mọi người thường cùng tham dự tiệc đứng hoặc tổ chức bữa ăn ngoài trời là cách tiếp nối truyền thống này.

Tuy nhiên, trong không gian gia đình, chúng ta thường không duy trì tốt lễ nghi quan trọng này. Ngày nay, phòng ăn thường là một trong những căn phòng lôi thôi nhất trong nhà; hoặc đó là một không gian trang trọng ít khi sử dụng đến, hoặc được dùng với mục đích khác. Kế hoạch làm việc bận rộn và đa ngành nghề có thể khiến các gia đình gần như không thể thường xuyên cùng ngồi ăn với nhau. Theo quan điểm phong thủy, chúng ta đang đánh mất một cơ hội có lợi từ lĩnh vực quan trọng và thiêng liêng trong cuộc sống. Chương này trình bày một số cách hóa giải vấn đề đó.

Tạo khí tốt trong phòng ăn

Không phải mọi nhà đều có phòng ăn trang trọng, nhưng nếu nhà bạn có phòng ăn, hãy sử dụng thường xuyên. Nhiều phòng ăn trang bị đồ đạc rất đẹp (đôi khi rất đắt tiền) chỉ được sử dụng vào ngày lễ hay các dịp đặc biệt khác. Điều đó có nghĩa là phần lớn thời gian căn phòng đẹp đẽ này không được sử dụng. Khi một phòng ít được sử dụng, năng lượng trong không gian đó sẽ yếu, dù nó có hấp dẫn, ánh sáng tốt hay thông thoáng đến mức nào.

Vì thế, khi nghĩ đến phong thủy, chúng ta thường tập trung vào các đồ vật hữu hình mà chúng ta bổ sung vào hay lấy ra khỏi một không gian, và quên rằng sinh khí của sự hiện diện và hoạt động của chúng ta cũng là một nhân tố quan trọng. Cách tốt nhất để tăng năng lượng trong phòng ăn là sử dụng căn phòng đúng mục đích ít nhất vài lần một tuần.

Đến giờ ăn, bạn chỉ việc ngồi vào bàn ăn – điều đó có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế, phải bước thêm bao nhiêu bước nữa thì đến phòng ăn? Nếu phòng ăn không bừa bộn, gần như không cần một chút nỗ lực nào để ngồi vào bàn ăn bữa tối – một trong những thời điểm dễ chịu và thư giãn nhất trong ngày.

Sự bừa bộn trong phòng ăn

Một phòng ăn chật hẹp có thể tạo cảm giác căng thẳng trong quan hệ gia đình và cản trở việc tiêu hóa tốt. Quá nhiều đồ đạc nặng, tối, cũ kỹ– nhất là khi bị nhồi nhét vào một không gian quá nhỏ – cũng tạo ra cảm giác nặng nề, u ám và ngăn cản luồng khí. Các hộp và túi đựng đồ vật gây bừa bộn cũng có tác động tương tự. Sự bừa bộn càng để lâu, năng lượng càng bị mắc kẹt.

Dọn dẹp phòng ăn là bước quan trọng đầu tiên để cải thiện phong thủy của không gian này. Nếu bạn gặp phải vấn đề bừa bộn nghiêm trọng trong phòng ăn, hãy ưu tiên hàng đầu cho việc dọn bàn ăn (và giữ sạch bàn ăn). Sau đó, bạn có thể chuyển sang dọn dẹp ngăn kéo tủ bát đĩa và giải quyết đống hộp trong góc.

Luồng khí

Luồng khí trong phòng ăn nên nhẹ, không phải là lờ đờ. Phòng ăn có hai cửa ra vào để khí lưu thông là rất tốt, nhưng nếu cửa ở hai bức tường đối diện nằm thẳng nhau, khí sẽ lưu chuyển qua phòng ăn quá nhanh. Quả bóng pha lê có cạnh hay đèn chùm bằng pha lê treo ở giữa bàn ăn sẽ giúp cân bằng khí trong phòng, đồng thời giúp những người bừa bãi trong ăn uống có thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe hơn.

Gương cũng giúp cải thiện luồng khí trong phòng ăn. Hãy đảm bảo là gương phản chiếu đồ vật hấp dẫn: một món đồ đẹp, cảnh đẹp bên ngoài cửa sổ, bức tranh hay tác phẩm nghệ thuật.

Phòng ăn là một ngoại lệ đối với nguyên tắc phong thủy cho rằng ở giữa mỗi phòng phải có khoảng trống. Ở hình vẽ dưới đây, bàn ăn chiếm vị trí trung tâm, tất cả các phía (nếu có thể) có khoảng trống đều nhau, có nhiều chỗ để mọi người ngồi xuống và đứng lên.

Đèn chùm và chiếc gương to làm tăng khí của phòng ăn.

Gương phản chiếu những thứ trên bàn ăn, về thị giác nó nhân đôi thức ăn; về ý nghĩa tượng trưng, nó nhân đôi tiền bạc. Hãy nhớ rằng, nếu bàn ăn chất đầy những thứ bừa bộn và các đề án dang dở, gương cũng sẽ tăng gấp đôi sự bừa bộn và khối lượng công việc phải làm.

Nếu gia đình bạn có thể cùng nhau ngồi ăn (dù là ở phòng ăn hay nơi khác), nhưng các cuộc trò chuyện thường tập trung vào quá khứ chứ không phải là các vấn đề hiện tại, hãy dọn tất cả đồ vật cũ ra khỏi phòng ăn hay khu vực ăn uống. Các hộp đựng giấy và ảnh cũ sẽ góp phần lưu giữ năng lượng của phòng này trong quá khứ. Loại bỏ chúng sẽ khuyến khích các thành viên trong gia đình bàn luận về những việc đang xảy ra trong cuộc sống của họ tại thời điểm này. Nếu bạn muốn lưu giữ một vài đồ vật quý hay chân dung của tổ tiên trong phòng ăn, hãy để chúng tập trung ở cung Gia đình của phòng ăn, không phân tán khắp phòng.

Ăn uống trong yên tĩnh

Phòng ăn phải yên tĩnh và thanh bình. Các tông màu đất ấm áp, dễ chịu, như màu vàng dịu, màu quả đào và màu be là các màu phù hợp cho phòng ăn. Màn cửa làm dịu khí khó chịu của những mành nhỏ, còn tấm thảm dày bổ sung kết cấu êm dịu giúp hút tiếng động và giữ cho bầu không khí trong căn phòng yên tĩnh.

Nếu không có phòng ăn trang trọng, hãy làm những gì có thể để tạo cho khu vực ăn uống của bạn càng riêng biệt và yên tĩnh càng tốt.

Mách nước

Bố trí ánh sáng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra không khí ăn uống tốt. Sử dụng nến, bóng đèn tốn ít điện năng hay dùng công tắc chỉnh độ sáng của đèn để hạ bớt mức năng lượng một chút, nhất là vào cuối một ngày bề bộn công chuyện.

Nếu bữa tối thường tạo cảm giác vội vàng hoặc áp lực về thời gian trong ngày xen vào giờ ăn, hãy cố gắng chuyển tất cả đồng hồ và quyển lịch ra khỏi phòng ăn sao cho khi ngồi vào bàn ăn bạn không thể nhìn thấy chúng. Điều này sẽ giúp bạn không vội vàng và có được trải nghiệm yên tĩnh hơn trong bữa ăn.

Tắt tivi ít nhất một tuần một lần và cho phép bản thân thưởng thức bữa ăn mà không bị cái gì làm phân tán sự chú ý ngoài việc trò chuyện với gia đình. Tắt điện thoại di động khi ăn ở nhà hàng là cách cư xử tốt; vậy tại sao không áp dụng nguyên tắc này ở nhà? Coi giờ ăn là khoảng thời gian đặc biệt để thư giãn và nuôi dưỡng là một phương pháp thực hành phong thủy tốt và giúp ích cho cả tâm trạng lẫn việc tiêu hóa thức ăn.

Bàn ăn theo phong thủy

Trong phong thủy, bàn ăn hình bầu dục được ưa thích hơn, vì dạng tròn giúp khí lưu chuyển trong phòng êm hơn. Khi không sử dụng bàn ăn, hãy giữ lại ba (hoặc hơn) chiếc ghế ở bàn. Nếu muốn lôi cuốn những người bạn mới hoặc khách đến nhà, việc có ít nhất nhiều hơn một chiếc ghế ở bàn ăn so với số người trong nhà sẽ tạo ra không gian tích cực để mở rộng nhóm bạn.

Chủ nhà luôn nên ngồi ở vị trí chỉ huy, ở đầu bàn, cách xa cửa chính vào phòng ăn nhất. Khi vị trí quan trọng này để trống, hoặc thường có trẻ em ngồi ở đó, uy quyền của bố mẹ trong gia đình có thể bị suy yếu.

Đối với những người thường ăn tối một mình, vài tối đổi chỗ một lần sẽ giúp giữ cho năng lượng quanh bàn ăn cân bằng. Nếu bạn còn độc thân và đang tìm bạn đời, hãy kê lại bàn ăn hai tối một lần, bổ sung màu hồng vào hệ thống màu sắc trong phòng ăn, bày nến, tác phẩm nghệ thuật và các đồ vật khác quanh phòng ăn theo từng cặp để hỗ trợ các mối quan hệ lãng mạn. Khi bạn mời một người đặc biệt đến nhà ăn tối, hãy ngồi kề nhau chứ không ngồi đối diện để khuyến khích cuộc trò chuyện thân mật.

Cảnh báo!

Nếu ai đó trong gia đình có sức khỏe kém, hãy giữ cho người đó không bị sát khí xung chiếu khi ngồi ăn.

Các nguồn sát khí phổ biến trong phòng ăn bao gồm tất cả các đồ vật “khả nghi” thông thường: quạt trần, xà rầm lộ, mũi tên bí mật từ các góc nhọn hay khí vào phòng qua cửa ra vào và nhằm vào lưng ghế.

Nhiều phòng ăn có lối vào đi qua cổng tò vò ngỏ và không có cánh cửa. Có thể hóa giải kiểu phòng ăn có cửa ngỏ như thế này bằng cách treo một (hoặc hơn) quả cầu pha lê có cạnh ở lối vào, hoặc đặt bình phong gấp lại được ở trước phòng trong các bữa ăn.

Hãy cảnh giác với bất cứ sát khí nào có thể ảnh hưởng đến một vài chỗ ngồi trong phòng ăn.

Hãy hưởng thụ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống

Thỉnh thoảng nên sử dụng khăn trải bàn đẹp và đồ bạc tốt, nhờ thế bạn có thể được hưởng khí tốt của chúng vào lúc này thay vì luôn cất giữ để dành cho tương lai. Lên kế hoạch một bữa ăn đặc biệt cùng người bạn đời hoặc gia đình mỗi tháng một tối (hoặc thường xuyên hơn, nếu có thể). Việc làm cho bữa ăn này trở thành sự kiện đều đặn khiến những người thân yêu của bạn ngày càng trở nên đặc biệt đối với bạn. Bạn có thể mời thành viên của gia đình khác ngồi vào vị trí chỉ huy trong mỗi bữa ăn đặc biệt và để người đó chọn thực đơn.

Mách nước

Sử dụng khăn trải bàn ở bàn ăn để thúc đẩy sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình.

Khi sắp bàn cho bữa tối của gia đình, hãy kiểm tra để đảm bảo là bạn đã đưa vào đủ các đồ vật và/hoặc màu sắc tượng trưng cho cả năm yếu tố trong ngũ hành. Khi tất cả yếu tố này cùng được đưa vào một chỗ, chúng tạo ra sự cân bằng và hài hòa khắp căn phòng. Một số đồ bạn có thể sử dụng:

• Kim: đồ dẹt, chân nến bằng bạc.

• Thủy: trong cốc uống nước, bình rượu hay lọ hoa; khăn trải bàn, khăn ăn hay bộ đồ ăn màu xanh da trời.

• Mộc: hoa tươi; khăn trải bàn hay khăn ăn màu xanh lá cây.

• Hỏa: nến; khăn trải bàn, khăn ăn hay bộ đồ ăn màu đỏ; hoa màu đỏ.

• Thổ: đĩa sứ; bình gốm; khăn trải bàn, khăn ăn hay bộ đồ ăn màu vàng.

Dành một chút thời gian trước khi bữa ăn bắt đầu để cảm tạ vì sự phong phú trên bàn ăn và cảm ơn gia đình, bạn bè – những người ăn tối cùng bạn. Cầu nguyện trước bữa ăn – dưới bất cứ dạng nào mà bạn chọn – sẽ khiến phòng ăn tràn đầy khí lành của tình yêu và sự cảm kích.

Điều tối thiểu cần biết

• Đèn chùm bằng pha lê hay quả cầu pha lê có cạnh treo phía trên bàn ăn giúp cân bằng khí trong phòng và khuyến khích thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe.

• Lựa chọn màu sắc và hình ảnh tạo không khí yên tĩnh trong phòng ăn.

• Đồng hồ và lịch trong phòng ăn có thể tạo nên cảm giác vội vã hoặc căng thẳng trong bữa ăn.

• Chọn cách sắp xếp chỗ ngồi giúp hỗ trợ uy quyền của cha mẹ và khuyến khích trò chuyện thân mật.

• Tránh ngồi ăn ở vị trí bị sát khí xung chiếu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.