Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào
CHƯƠNG 16: VỘI VÃ
Bất chấp những cuộc giải cứu và biện pháp kích thích của Bass và Plankton, nền kinh tế Usonia tiếp tục suy thoái trong thời gian mọi người tháo chạy khỏi việc kinh doanh lều. Thật lạ lùng khi chẳng còn ai quan tâm tới việc mua thêm những căn lều mới nữa. Thay vì chi tiêu số cá nhận được trong gói kích thích, một số người lại chọn cách tiết kiệm chúng. Khi chi tiêu ngưng trệ, các công ty sản xuất xe kéo gần như đứng trên bờ vực phá sản. Hut Depot, công ty chuyên bán dụng cụ sửa chữa lều, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến sự bất mãn của công chúng ngày càng tăng cao.
Cuộc bầu cử kế tiếp có tầm quan trọng cốt yếu. Ứng cử viên cho chức chủ tịch Nghị viện, ông Barry Ocuda, quy lỗi cho nhóm của Bass về việc thiếu năng lực khi đối mặt với những tình hình khẩn cấp ở mức quốc gia. ông chỉ trích các biện pháp của Bass chỉ mang tính nửa vời, hời hợt. Tranh cử với khẩu hiệu “cải tổ và thay đổi triệt để”, Ocuda cam kết Chính phủ sẽ nỗ lực nhiều hơn để thay đổi tình hình kinh tế của hòn đảo.
Sau khi trúng cử, Ngài tân Chủ tịch Nghị viện trẻ trung bắt tay vào việc, ông ta cải tổ các chính sách của Bass bằng cách… tăng quy mô của chúng lên gấp ba lần!!! ông ta thiết kế ra những chương trình mới để đẩy những đồng tiền giấy mới in ra của Ngân hàng Dự trữ Cá vào nền kinh tế.
Ocuda cũng nâng mức hỗ trợ của Chính phủ cho những người mua lều: đầu tiên chỉ trợ cấp cho những người lần đầu mua lều, sau đó áp dụng cả cho những người kinh doanh lều. Và một lần nữa, ông ta giảm lãi suất các khoản cho vay của Finnie và Fishy.
Đồng thời, nhận thấy số học viên tại các trường dạy trượt nước sụt giảm thê thảm, ông ta cũng tăng mức trợ cấp trực tiếp cho các trường này, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các khoản vay học tập.
Ông ta chấp thuận việc xây dựng một hải đăng mới ở Shady Swamp. Khi các kỹ sư nói rằng thực sự chưa cần có thiết bị này cho lắm, Ocuda nhắc họ nhớ rằng chỉ riêng các công việc do dự án xây dựng này tạo ra cũng sẽ là một cú hích cho nền kinh tế!
Ocuda cũng đặt nhiều niềm tin vào việc triển khai những nguồn năng lượng thay thế. Ông ta lập luận “Xã hội chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào sức kéo của lừa. Theo tôi, loài lạc đà không bướu có lẽ phù hợp hơn với khí hậu và địa hình của đảo. Chúng ăn ít cỏ hơn, mà lại vững vàng khỏe mạnh hơn, sinh sản nhiều hơn lũ lừa. Hơn nữa, phân lạc đà cũng… có mùi dễ chịu hơn!”.
Ocuda lập nên một kế hoạch tổng thể gồm nhiều bước để cải tổ và chuyển đổi nền kinh tế cũ.
Một là, ông ta thúc đẩy việc áp dụng cơ sở hạ tầng dựa trên sức kéo của lạc đà qua những gói kích thích chi tiêu khổng lồ. Để đạt mục đích này, ông kêu gọi một chương trình chăn nuôi lạc đà quyết liệt, do Nhà nước thực hiện, ông cũng ra lệnh cho các nhà sản xuất xe kéo (hiện nay đã do Nghị viện tiếp quản và điều hành trực tiếp) phải thiết kế lại và điều chỉnh kích cỡ xe sao cho vừa với lạc đà. Rồi ông ta cũng cho nâng mặt đường dành cho xe kéo, phủ lên trên một lóp đất phù hợp hơn với chân lạc đà!
Hai là, Ocuda đưa ra chương trình Đổi Xe Kéo, theo đó khuyến khích người dân đổi xe lừa kéo lấy những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu hơn do lạc đà kéo. Đây đúng là tin tốt lành cho các công ty xe kéo của Sinopia, vốn chỉ sản xuất các cỗ xe cỡ nhỏ hơn.
KIỂM TRA THỰC TẾ
Với nhiều người, tác động tích cực của các chương trình như Shady Swamp và Đổi Xe Kéo nói trên là đương nhiên. Rất dễ dàng để nhận thấy những ý tưởng này thúc đẩy việc bán hàng và tạo công ăn việc làm cho người dân ra sao.
Nhưng cũng tương tự như với các chương trình cho vay mua lều được Nghị viện tài trợ, còn lâu mới chắc chắn được những khoản chi tiêu này là việc sử dụng tốt nhất các nguồn lực của đảo. Thực tế thì không có hoạt động nào trong số này làm tăng năng lực sản xuất của đảo.
Ngay cả những việc làm bị mất đi hay không được tạo ra do sự dịch chuyển các nguồn tư bản và lao động vào những hoạt động mà Nghị viện cho là đủ quan trọng để tài trợ thì cũng không hoàn toàn rõ ràng hay đương nhiên.
Thông qua phương thức “thử và sai”, các lực lượng thị trường lẽ ra đã quyết định cách sử dụng tốt nhất với các nguồn vốn đầu tư còn lại. Các doanh nghiệp không nắm bắt được thời cơ thị trường sẽ thua lỗ, nhà đầu tư sẽ quay đi. Các doanh nghiệp nắm được cơ hội sẽ thu được lợi nhuận, thu hút thêm được vốn và tăng trưởng tốt.
Có lẽ các nỗ lực chi tiêu sẽ hiệu quả hơn nếu hướng về việc làm lưới, các thiết bị đánh cá, hay xuồng. Dự án thành công nhất sẽ là dự án cho người ta cái họ cần vào đúng lúc họ cần. Nhưng khi cơ chế thị trường không được sử dụng, mọi người đành phải đặt lòng tin vào một nhóm nhỏ lãnh đạo đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến toàn bộ hòn đảo.
Khi Ocuda và đồng minh của ông ta trong Nghị viện là Nan ShallowSea chuẩn bị tung ra hàng chồng giấy bạc mới, họ đã bỏ qua một chi tiết nhỏ: Usonia đã hoàn toàn hết cá! Nguồn tài trợ cho các khoản chi tiêu mà họ đã hoạch định sẽ phải đến từ nước ngoài.
Người Usonia đã có thể tiêu dùng nhiều hơn những gì họ làm ra chẳng qua là do người nước ngoài sẵn lòng đổi hàng hóa của họ lấy những tờ tiền giấy! Trên thực tế, các lựa chọn vào lúc này của họ là rất đơn giản:
1. Tiêu dùng ít đi và dùng khoản tiết kiệm để hoàn trả các món nợ
2. Sản xuất nhiều hơn và dùng lượng hàng hóa dôi dư để hoàn trả nợ
3. Tiếp tục vay mượn để duy trì mức độ tiêu dùng hiện tại
Hai lựa chọn trước đều kéo theo những hậu quả không vui vẻ gì cho người Usonia. Họ phải làm nhiều hơn hay ăn ít đi, hoặc cả hai! Lựa chọn thứ 3 hoàn toàn nhờ vào người nước ngoài. Không có gì lạ khi các nghị sỹ dũng cảm chọn cách… đưa hậu quả ra nước ngoài! Làm như vậy, họ hy vọng rằng việc chi tiêu mới sẽ phục hồi nền kinh tế tại đảo.
KIỂM TRA THỰC TẾ
Nhưng, xin hãy nhớ rằng nền kinh tế không thể tăng trưởng vì người dân chi tiêu, ngược lại mới đúng: người dân chi tiêu vì kinh tế tăng trưởng. Các nghị sỹ và những người tư vẫn cho họ không nhận ra sự thật này. Cùng lúc đó, những đồng tiền mới in tạo ra ảo giác về sự thịnh vượng.
Những người thất nghiệp biết rằng việc làm tại Sinopia đang được tạo ra nhanh như chúng đang được mất đi tại quê nhà Usonia của họ. Điều này là do Sinopia mua vào lượng tiền giấy của Usonia, khiến tiền Usonia tăng giá, còn các sản phẩm của Sinopia ngày càng rẻ đi và làm cho mọi người không thể nào mà không mua chúng! Do đó, Ocuda và ShallowSea công khai vận động người Sinopia giảm bớt khối lượng tiền Usonia mua vào, giúp cho tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá giảm giá trị và sản phẩm của Usonia cạnh tranh hơn.
Tất nhiên, chẳng ai biết làm sao mà Sinopia có thể làm hai việc cùng lúc: vừa cung cấp lượng cá cần thiết để tài trợ cho chương trình chi tiêu của Ocuda, lại vừa giảm lượng giấy bạc của Ngân hàng Dự trữ Cá – phương tiện của quá trình tài trợ đó. Chẳng có ai buồn đặt câu hỏi này ra cả! Ngay cả khi chuẩn bị vay mượn nhiều hơn bao giờ hết, các nghị sỹ của chúng ta vẫn quên rằng khi mình đi vay thì cần phải có ai đó… cho vay!
Sinopia thức tỉnh
Bên kia đại dương, người Sinopia không nhiệt tình lắm trước kế hoạch của Nghị viện Usonia. Mọi việc bắt đầu hơi rắc rối khi người lao động lờ mờ biết được họ sẽ phải cung cấp thêm bao nhiêu con cá nữa để lấy về những đồng tiền giấy Usonia.
Đa số dân Sinopia bực tức trước thực tế “làm nhiều mà hưởng ít”. Do Chính phủ nơi đây không cung cấp mạng lưới an sinh xã hội tốt như tại Usonia, người dân nói chung để dành rất nhiều tiền phòng khi tuổi già đến, không còn lao động được. Mọi người đều chăm chỉ làm việc, chẳng ai mua lừa chứ đừng nói tới việc tậu xe kéo, cũng rất ít người dám đi chơi trượt nước. Có đi thì họ cũng đi theo nhóm, 4-5 người thuê một chiếc ván trượt để cùng chơi!
Vua Sinopia cũng bắt đầu bớt nhiệt tình với tình trạng này, ông ta đặc biệt lo âu trước kế hoạch chi tiêu chóng mặt của Ocuda. Các nhà tư vấn của ông ta, đa số từng là “môn đệ” của Ally Greenfin, bắt đầu lo ngại rằng đống tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá mà họ đang giữ sẽ mất giá trị nếu họ ngưng mua vào loại tiền này. Và nếu điều đó xảy ra, người Usonia sẽ không còn mua các sản phẩm của Sinopia nữa.
Họ lập luận rằng nếu không có lượng cầu khổng lồ từ Usonia, các nhà máy xuất khẩu của Sinopia sẽ phải đóng cửa, gây ra thất nghiệp, bất mãn xã hội và thậm chí là các cuộc biểu tình phản đối, điều vẫn bị cấm xưa nay ở đảo quốc này. Lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vị vua Sinopia đành giữ nguyên hiện trạng và hy vọng sẽ có một giải pháp nào đó.
Một ngày nọ, trong khi nhà vua đang trầm ngâm suy nghĩ, còn hội đồng tư vấn kinh tế thì đang bận đi nghiên cứu, một người nông dân lẻn vào cung điện gặp ông ta.
“Tâu bệ hạ, xin tha cho sự đường đột của hạ thần, song hạ thần nghe nói rằng bệ hạ đang lo âu về lũ cá. Hạ thần có thể giúp bệ hạ được!”.
“Đó là những vấn đề lớn, liên quan đến thương mại, tiết kiệm, đầu tư và kế hoạch.
Nhà ngươi biết gì về chúng?”, vị vua gầm lên.
“Hạ thần biết rất ít”, người nông dân thú nhận. “Nhưng trong làng của hạ thần, dân làng chỉ sản xuất những chiếc bát bằng gỗ để đem xuất khẩu, đổi lấy những tờ tiền giấy, thứ mà mọi người dành dụm cho tương lai. Chúng thần hy vọng sẽ dùng tiền để mua thứ gì đó, nhưng hiện nay thì chẳng có gì. Khi đem bán những chiếc bát mà mình làm ra, hạ thần tự hỏi sao mình không thể có chúng, mà hiện nay vẫn phải ăn cá để trên nền nhà, vô cùng mất vệ sinh! Sao chúng ta không thể tự làm ra bát gỗ để dùng, như vậy cuộc sống không phải sẽ tốt hơn sao?”.
“Không được”, nhà vua nói – “Dân chúng sẽ chết đói nếu không có xuất khẩu. Còn có cách nào khác để điều hành nền kinh tế đâu?”.
“Tâu bệ hạ, như thần đã nói, chúng ta chuyên nghề làm chén bát. Dưới sự cai trị anh minh của bệ hạ, dân ta cũng đánh bắt cá ngày một nhiều hơn. Do đó, cái chúng ta cần là những người dân trong nước đồng ý trao đổi cá lấy chén bát. Mọi năng suất của chúng ta đều được giữ lại trong nước, người dân sẽ có nhiều chén bát hơn, mà cũng có nhiều cá hơn để bỏ vào những chén bát đó!”.
Nhà vua lúng túng: “Nhưng hượm đã, dân Usonia giàu có hơn chúng ta nhiều. Làm sao chúng ta có thể trả nhiều tiền hơn họ khi mua những sản phẩm này? Họ có thể mua với giá cao hơn, họ có tiền của Ngân hàng Dự trữ Cá”.
“Xin bệ hạ tha tội, nhưng thần không hiểu tại sao chúng ta lại cần những đồng tiền của họ! Chúng có giá trị chẳng qua chỉ vì các sản phẩm của chúng ta, tức là cá và chén bát. Chúng ta làm ra sản phẩm, tức là chúng ta đủ khả năng tiêu thụ chúng. Chỉ cần dừng ngay việc bán sản phẩm miễn phí này lại mà thôi”.
Lập luận đơn giản của người nông dân khiến nhà vua bị ấn tượng và sau đó quyết định thay đổi chính sách. Từ nay Sinopia không bán hàng để lấy tiền giấy nữa, mà chỉ trao đổi hàng hóa để lấy cá thật mà thôi!
Tuy nhiên, nhà vua cũng không thoải mái lắm với đề xuất thay đổi triệt để như người nông dân đề xuất, nên ông ta áp dụng một lộ trình từ tốn hơn. Nói gì thì nói, bản thân nhà vua đã có quá nhiều ly tách chén bát, mà chẳng có cái nào trong số đó làm bằng gỗ cả!
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Sau vài quý có tình hình thống kê GDP tích cực hơn, các nhà kinh tế hồ hởi cho rằng Đại Suy thoái đã qua. Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp hơn 10% và tỷ lệ “lao động dôi dư do thiếu công ăn việc làm” (những người đã từ bỏ hy vọng kiếm được việc làm, hay chỉ làm bán thời gian) hơn 17%, nhiều người Mỹ hẳn sẽ ngạc nhiên khi nghe những tin tốt lành.
Thực tế thì cuộc Đại Suy Thoái đã khởi động công việc đau đớn nhưng chưa hoàn thành của việc tái cân bằng nền kinh tế. Năm 2009, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia tăng lần đầu tiên sau nhiều năm, thâm hụt thương mại bắt đầu co lại sau khi tăng chóng mặt trong suốt thập kỷ. Nhưng các chương trình kích cầu của chính quyền Bush rồi Obama đã làm ngừng quá trình đó. Việc tạo ra những khoản nợ lớn hơn bao giờ hết đã ngăn chúng ta quay lại với các tiêu chuẩn sống tương xứng với năng suất của nền kinh tế.
Nhưng đến một thời điểm trong tương lai gần, có thể là vài năm tới, chúng ta sẽ gặp rắc rối với nợ nần. Cho đến nay chúng ta vẫn né tránh được mọi thứ tệ hại, hay những viên đạn. Không may là do thâm hụt ngân sách hàng năm ngày càng tăng, cũng như khả năng phá sản của hệ thống An sinh Xã hội và Chăm sóc sức khoẻ Medicare (một phần do sự dịch chuyển nhân khẩu của những người thuộc thế hệ ra đời sau Thế chiến
II nay đến tuổi về hưu), những viên đạn sẽ hướng thẳng vào chúng ta với tốc độ cao hơn, với tần suất nhiều hơn!
Washington không thể hiện bất cứ sự sẵn sàng nào để giải quyết vấn đề này. Việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ chưa từng được xem xét, chứ đừng nói tới việc thực hiện. Khi mới nhậm chức, Tổng thống Obama từng khá màu mè khi thực hiện việc “soi từng dòng” trong chi tiêu ngân sách liên bang lên tới 3.000 tỷ USD để tìm ra “những khoản chi lãng phí”. Rốt cuộc quá trình này giúp tiết kiệm được một khoản nhỏ nhoi là 17 tỷ USD, tức là chưa tới 0,5% ngân sách! Ngay cả những người đề xuất khoản cắt giảm này cũng nhận được hàng tràng phản đối từ cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Nếu Chính phủ không vận dụng những nguyên tắc tài chính, thì các chủ nợ của chúng ta, lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, sẽ làm điều đó với nước Mỹ. Tuy có rất nhiều cách để áp dụng chế tài tài chính, song cách đơn giản nhất sẽ là những chủ nợ này sẽ thôi không mua những khoản nợ của Mỹ nữa.
Cho đến nay thì những chủ nợ của Mỹ đang rơi vào cái bẫy như những người Sinopia trong câu chuyện của chúng ta. Nhưng một khi nhận ra việc tiếp tục cho vay với một con nợ mất khả năng chi trả chỉ là một sự lãng phí nguồn lực thì chắc chắn những nước này sẽ thay đổi. Khi đó họ sẽ tái tập trung năng suất vào nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, những người nay có cơ hội hưởng thụ thực sự thành quả lao động của mình.
Hiện nay, bất chấp những lời than phiền và những kêu gọi cải cách tiền tệ quốc tế, những chủ nợ này vẫn tiếp tục cho (Mỹ) vay. Nhưng điều đó không thể kéo dài mãi mãi.
Với hơn 50% nợ Chính phủ của chúng ta được bán cho các Chính phủ nước ngoài, ai có thể bù đắp được khi các quốc gia này không mua nợ của Mỹ nữa (tức là mua trái phiếu Chính phủ Mỹ – ND). Nguồn tiết kiệm trong nước quá nhỏ, nên chỉ riêng dân Mỹ sẽ không thể gánh nổi cục nợ đó!
Đến ngày đó, chúng ta chỉ có hai lựa chọn: tuyên bố mất khả năng trả nợ hay chấp nhận lạm phát. Cả hai đều làm giảm mức sống của người dân qua việc mất sức mua và lãi suất tăng cao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.