Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

Khởi động cuộc hành trình



Chuyến tàu của chúng tôi sẽ khởi hành lúc 10 giờ 15 phút vào đêm thứ Sáu. Bây C giờ, cả thằng Mal và tôi đều không biết phải lang thang đi đâu. Chúng tôi đến ga 5 phút trước khi tàu khởi hành và phải chật vật để tìm ra nơi tàu đi Tirupur xuất phát. Khi còn đang loay hoay ở trên cầu thì chúng tôi được một người ở đó cho biết đoàn tàu đi Tirupur đang chạy ngay dưới chân hai đứa.

Khốn kiếp!

Đúng là chẳng khác gì cảnh cuối trong DDLJ, ngoại trừ việc cả hai chúng tôi đều bị con tàu bỏ lại và đang chạy bán sống bán chết để đuổi theo nó. Thằng Mal quẳng hành lý của chúng tôi lên một khoang tàu rồi nhảy lên khoang bên cạnh. Tôi cũng nhảy theo lên khoang kế bên. Và cuối cùng, chúng tôi cũng tìm thấy ghế của mình, nhưng kìa, đã có người đặt mông lên đó mất rồi. Ấy thế mà số phận còn chưa thôi giáng thêm một cú đòn xuống đầu hai thằng tôi đây, vé của chúng tôi không được chấp nhận! Giờ thì vui rồi nhé, hai bọn tôi sẽ được đứng suốt cuộc hành trình dài cả 10 tiếng đồng hồ.

Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy người soát vé, lão Sivamani, và giở bài “năn nỉ ỉ ôi” cầu xin ông ta hết nước hết cái.

“Thưa ông, vé ngồi của chúng tôi không được chấp nhận. Ông có thể làm ơn làm cách nào không?”

Và ông ta liền nở một nụ cười xảo quyệt thật vừa vặn với nỗi lo sợ của chúng tôi. “Không còn chỗ đâu. Cứ đứng đi. Hehe…”

Không có tiền hối lộ thì còn lâu mới làm yên lòng con quái vật râu ria xồm xoàm ấy được. Đừng hòng mơ đến chuyện lão cho chúng tôi một chỗ ngồi nhé, thậm chí lão còn cố tình khoe ra cái vẻ hể hả đến phát bệnh của lão. Thế quái nào mà cả đời tôi lúc nào cũng gặp vận đen với vé tàu và chẳng hiểu sao lại luôn chạm mặt với mấy con quỷ đội lốt người, lúc nào cũng thích thú khi làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn, như lão Sivamani đây.

Khi đến được Tirupur, toàn thân chúng tôi đều ê ẩm. Một nỗi đau có thể sờ mó được, thật đấy!

Tirupur gợi cho tôi nhớ tới một thị trấn ma trong bộ phim Jab We Met. Đường phố vắng tanh không bóng người, khách sạn tồi tàn bẩn thỉu và khung cảnh thì ảm đạm toàn tập. Chúng tôi “hạ cánh” tại một khách sạn xập xệ đầy vẻ ám muội, với tay nhân viên lễ tân lúc nào cũng khịt khịt mũi vẻ bực dọc. Nói cho cùng thì hầu bao của bọn tôi cũng chẳng mấy rủng rỉnh để đáp vào mấy nơi sang trọng nọ kia. Sau khi nhanh chóng sốc lại tinh thần, chúng tôi đi đến gặp “nhà sản xuất”.

Việc gặp được Purshottam, nhà sản xuất của chúng tôi, có thể nói là chuyện tốt đẹp nhất cho đến giây phút này. Xưởng của anh ấy khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp và rõ rành rành không chối cãi được là anh ấy đã hợp tác làm ăn với những thương hiệu “khủng” tầm cỡ quốc tế. Anh ấy với gia đình thằng Mal là bạn hữu, và đó là lý do anh đồng ý gặp mặt chúng tôi.

Một lời khuyên dành cho bất kỳ doanh nhân trẻ nào đến Tirupur, việc tìm một nhà sản xuất tại đây dễ như ăn kẹo. Nhưng để tìm đến đúng người thì quả thật khó như nhai đá vậy. Thị trấn này đầy rẫy những kẻ buôn bán bịp và thật may mắn làm sao, chúng tôi đã tìm thấy đúng người. Nếu đã lên sẵn một kế hoạch hành động thì việc còn lại của các cậu là “đánh hơi” thật kỹ trong trường hợp gặp gỡ bất kỳ nhà sản xuất nào ở Tirupur.

May phước, Purshottam cũng trạc tuổi chúng tôi. Anh đã tiếp quản công việc từ cha mình và, quan trọng hơn, anh ấy hiểu được ý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi giải thích cho anh toàn bộ kế hoạch kinh doanh của mình và việc làm cách nào để mở rộng nó. Anh chàng lúc đầu chẳng lấy gì làm ấn tượng với ý tưởng ấy nhưng lại tỏ ra thích thú với sự hào hứng của chúng tôi. Và chốt lại là anh đồng ý bắt tay hợp tác. Thỏa thuận cuối cùng là thế này, anh ấy sẽ làm miễn phí vài mẫu áo cho chúng tôi với điều kiện chúng tôi ký với anh một đơn hàng lớn. Nếu thất bại, chúng tôi sẽ phải chi trả − không chỉ cho số mẫu áo đó, mà còn cho cả tiền vải lên tới 4 lakh. Và giờ thì chúng tôi đang đứng bên miệng vực với một quyết định trọng đại ra trò đấy. Nếu gật đầu cái rụp và nói “Vâng”, chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất 4 lakh (số tiền mà rõ ràng chúng tôi không có), còn nếu nói “Không”, thì chỉ còn nước quay trở về với cái máng lợn mà thôi.

Cuộc gặp lần này thật khác một trời một vực với cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi ở quán Noon Wines. Phun ra một ý tưởng hay ho, “chém gió” nọ kia về nó và vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp thật dễ như trở bàn tay. Nhưng đây mới thực sự là khoảnh khắc quyết định hô “biến” những điều trong mơ thành hiện thực. Đó là giây phút đánh dấu việc cậu có thể không còn là một thằng nhãi ranh vắt mũi chưa sạch hay một doanh nhân trong mơ nữa.
Tôi không nghĩ chúng tôi thực sự lường hết được mọi chuyện. Tiếng “ĐỒNG Ý” cùng bật khỏi miệng chúng tôi chỉ sau chưa đầy 30 giây. “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI”, các cậu còn nhớ chứ? Chúng tôi nhất định phải biến ý tưởng này thành hiện thực, dầu cho điều đó đồng nghĩa với việc phải nai lưng làm việc tại xưởng của Purshottam để trả nợ, thì chúng tôi vẫn cứ làm.

Trên đường trở về nhà, hai thằng chúng tôi phấn chấn như thể đang đứng trên đỉnh của thế giới vậy. Thế nên việc tự thưởng cho mình một bữa thịnh soạn và đắm mình trong men bia cũng chẳng phải chuyện gì quá ghê gớm. Cái công ty nho nhỏ của chúng tôi cuối cũng cũng đang được nhào nặn thành một hình hài nào đó. Giờ đây, khi đã có mẫu áo và một nhà sản xuất oách xà lách, chúng tôi bắt đầu xoay vần đủ kiểu hòng tìm cho ra một cái tên cho cục cưng của mình. “Lemontee” và “Backbenchers” thì sao nhỉ? Backbenchers có vẻ làm ưng lòng chúng tôi hơn. Nó trẻ trung, “xấc xược” và quan trọng hơn cả, nó đại diện cho con người của chúng tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi về tới Bangalore. Giờ thì tên công ty cũng đã có, còn mẫu áo sẽ được chuyển đến trong vòng một tuần. Cuối cùng, cái ý tưởng nhỏ bé được nhen nhóm ở Noon Wines cũng không đến nỗi bị đắp chiếu, con đường đi đến hiện thực còn có dấu hiệu khả quan nữa là khác. Ít nhất là cho đến thời điểm này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.