Tìm lại cái tôi đã mất
QUẢ CÂN VUI VẺ XÓA BỎ ĐAU KHỔ: SIẾT CHẶT DÂY THỪNG CỦA TƯ TƯỞNG
| TUYỆT ĐỐI KHÔNG NƯƠNG TAY VỚI KẺ NGỤY TRANG
Dưới đáy biển có một loài cá rất giỏi ngụy trang, gọi là cá lưỡi trâu. Loại cá này thân dẹt, hai con mắt nằm cùng một bên cơ thể. Màu sắc bên phần cơ thể này sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi của môi trường xung quanh. Nó có thể ngụy trang thành bãi cát, đá ngầm, thực vật dưới đáy biển. Như thế vừa có lợi cho săn bắt con mồi, đồng thời lại có thể giúp nó tự bảo vệ bản thân. Cá thân bẹt thông qua ngụy trang bằng cách cơ thể hòa vào cảnh vật, để các động vật khác khó mà phân biệt được chúng với môi trường, từ đó dễ dàng đạt được mục đích của mình.
Khả năng ngụy trang của tư duy vô thức của chúng ta không hề thua kém cá lưỡi trâu. Tư tưởng vô thức ngụy trang y hệt những suy nghĩ mà chúng ta đang thật sự mong muốn, hòa lẫn vào trong tư tưởng chân thực của chúng ta, sau đó nói với chúng ta đây chính là suy nghĩ của chính chúng ta, khiến chúng ta khó mà phân biệt được thật giả. Tư duy vô thức khiến cuộc sống của chúng ta rối tinh rối mù, khiến chúng ta vì thế mà trở nên tầm thường. Tư duy vô thức muốn đạt tới mục đích gen, còn mục đích của bản thân chúng là thực hiện cái tôi.
Làm thế nào để phân biệt được kẻ ngụy trang, đồng thời loại bỏ nó?
Đầu tiên, phải xác định rõ chúng ta có thật sự muốn ngăn những tư tưởng lộn xộn ấy bên ngoài cánh cửa trái tim của mình hay không. Bởi vì trừ phi chúng ta thật sự muốn thoát khỏi những tư tưởng khiến bản thân không vui vẻ này, nếu không sẽ không ai giúp được chúng ta.
Thứ hai, khi phát hiện những tư tưởng khoác tấm áo “của tôi”, phải có dũng khí ngăn chúng bên ngoài cánh cửa trái tim. Cự tuyệt tư tưởng vô thức, có lẽ sẽ khiến chúng ta cảm thấy thiếu chút gì đó trong tim.
Bởi vì vứt bỏ những tư tưởng này sẽ khiến chúng ta nảy sinh ảo giác vứt bỏ chính mình.
Khi cảm xúc đến, nếu chúng ta không quát mắng người khác, không phát điên, không phá hoại, không công kích, quả thực là một chuyện rất không vui, thật đúng là đang phải “chịu thiệt thòi”.
Bởi vì quả thực hiện thực quá tàn khốc, nên chỉ khi chúng ta được những tư tưởng này dẫn lối tới độ điên cuồng phi lí, chúng ta mới có thể cảm nhận được bản thân rất có tiềm năng, vẫn rất có tiền đồ.
Bởi vì có những lúc, quả thực cuộc sống của chúng ta rất nhàm chán, suy nghĩ viển vông giống như chúng ta đang véo tay mình, cảm giác này có thể giúp chúng ta chứng thực mình vẫn còn sống.
Thực ra, chính vì chúng ta đắm chìm trong những tư tưởng vô thức này, tìm kiếm những cảm giác hư ảo này mới dẫn tới chúng ta cách cái tôi lí tưởng càng lúc càng xa, cuối cùng không thể nhìn thấy được nữa.
Nếu chúng ta cảm thấy do dự khi cự tuyệt những tư tưởng ngụy trang này, vậy thì khi bắt được chúng, chúng ta khó tránh khỏi sẽ nương tay. Chỉ khi thái độ của chúng ta kiên quyết, ý chí của chúng ta mới phối hợp với hành động của chúng ta để ngăn chặn chúng. Điều đó giống như chúng ta lầm tưởng rằng viên đạn đang rơi trong không trung là ngôi sao băng đẹp đẽ mà không ý thức được tính phá hoại của nó. Chúng ta sẽ không có hành động ngăn chặn mà để mặc cho nó hạ cánh xuống tư tưởng của chúng ta. Khi ý thức được hậu quả nghiêm trọng thì mọi sự đã rồi. Chúng ta sẽ trở nên đau khổ, lo lắng, bất an.
Tư tưởng vô thức ngụy trang tới mức giống hệt tư tưởng chân thực, nhưng nó sẽ mang tới cho chúng ta rất nhiều phiền não và đau khổ. Những tư tưởng vô thức này xuất hiện nhiều lần trước mặt chúng ta, khiến một ngày ba bữa cơm chúng ta khó mà nuốt được, ban ngày thì hoảng hốt, không chú ý, buổi tối thì trằn trọc, khó mà ngủ được. Khi chúng ta nảy sinh cảm giác rối bời, bất an, thì chính là lúc chúng đang làm loạn. Lúc ấy, chúng ta phải loại bỏ chúng ra khỏi đầu mình một cách triệt để, không chút thương tình.
| QUYỀN LỰA CHỌN NẰM TRONG TAY CHÚNG TA
Trước tiên, hãy cùng làm một trắc nghiệm nhỏ. Ví dụ, trước mặt bạn là một bãi cỏ, trên bãi cỏ có một con vật. Bạn muốn nó sẽ là con gì? Là bò, dê, ngựa hay là động vật khác? Bạn cho rằng nó có màu gì? Màu trắng, màu đen, màu nâu, hay màu khác? Nó đang làm gì? Đang ăn cỏ, đang chạy, lăn lộn hay làm gì khác?
Có người nói một chú ngựa trắng đang phi nước đại; có người nói một con bò vàng đang ăn cỏ; còn có người nói là một con chim cánh cụt màu xanh đang đọc sách ở đó.
Cho dù con vật tưởng tượng của chúng ta là gì thì người đưa những cảnh tượng ấy vào đầu chúng ta không phải cha mẹ chúng ta, không phải bạn bè chúng ta, cũng không phải người khác, mà là chính chúng ta. Chỉ có bản thân chúng ta có thể khiến những suy nghĩ này chui vào đầu chúng ta, vì thế quyền lực khiến bộ não nghĩ cái gì nằm ở chính chúng ta.
Hầu hết suy nghĩ của con người giống như các loại hàng hóa được cho vào xe đẩy siêu thị, nhất định là chúng thỏa mãn một nhu cầu nào đó của chúng ta. Những tư tưởng bị chúng ta bỏ vào đầu theo thói quen cũng là thỏa mãn nhu cầu nào đó của chúng ta. Nhu cầu này chính là niềm vui giả tạo mà bộ não tự mua vui.
Thông qua tìm hiểu niềm vui giả tạo ở phần trước, chúng ta đã hoàn toàn nhìn rõ bộ mặt của nó. Bây giờ những khuôn sáo mà gen sắp đặt vì muốn khống chế chúng ta có thể được gỡ bỏ hay không phục thuộc vào việc chúng ta có muốn bước ra khỏi hạn chế của gen hay không. Nếu muốn bước ra, vậy thì điều đầu tiên chúng ta phải làm chính là chấm dứt sự tán đồng với tư duy vô thức từ trước tới nay, nắm rõ tư tưởng của mình, tránh bị nó làm cho chạy đôn chạy đáo. Nếu không muốn bước ra, cuộc sống tương lai của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục giống như bây giờ, sẽ không có gì khởi sắc, bởi vì chúng ta không mong chờ nó có gì khởi sắc.
Có lẽ chúng ta không thể khống chế điểm khởi đầu của tư duy vô thức, nhưng chúng ta tuyệt đối có thể khống chế sự tiếp diễn của nó. Chúng ta ghìm chặt sợi dây cương tư tưởng chính là để ngăn chặn sự tiếp diễn của tư duy vô thức. Khi tìm kiếm được hình hài ban đầu của niềm vui giả tạo, cần nhanh chóng cắt đứt nó, bởi vì điều khiến cảm xúc của chúng ta rơi vào đường cùng là sự tán đồng và buông thả của chúng ta với tư tưởng của mình.
Ví dụ lúc chúng ta lái xe, phát hiện chiếc xe trước mặt đi rất chậm, nó cách chiếc xe phía trước một quãng khá xa, cứ bị chiếc xe bên cạnh chen vào, lúc ấy tư tưởng của chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? “Người này cũng thật ngốc! Rốt cuộc có biết lái xe không vậy?” Mặc dù đây chỉ là một suy nghĩ tiêu cực nhưng nó sẽ châm ngòi cho tâm trạng tức giận của chúng ta. Khi những tư tưởng tiêu cực vô thức này mới xuất hiện, nếu chúng ta không kịp thời bắt được và cắt đứt nó, vậy thì hành vi tiếp theo của chúng ta phần lớn sẽ là ấn còi, hoặc là đuổi theo lườm cho tên lái xe mấy cái, thậm chí chửi bậy.
Chỉ có kịp thời cắt đứt sự tiếp diễn của tư duy vô thức, hành vi của chúng ta mới có thể chuyển sang một hướng khác. “Chắc cô ta mới học lái? Lúc mình mới lái xe cũng như vậy! Mình có thể đi sang làn xe khác, vì sao cứ phải ở sau cô ta nhỉ?” Phản ứng tư tưởng như thế sẽ làm giảm bớt tỉ lệ tâm trạng tức giận của chúng ta bị châm ngòi.
| MÌNH ĐANG LÀM GÌ?
Chúng ta muốn siết chặt sợi dây thừng của tư tưởng, thì phải học cách đối thoại với chính mình. Chúng ta có thể dùng cách nói chuyện với bản thân để phá vỡ trạng thái vô thức, để bản thân quay về trạng thái có ý thức. Tự đối thoại có thể dẫn dắt chúng ta nhìn rõ bản thân và hiện thực, đồng thời khiến chúng ta đưa ra quyết định mà bản thân muốn.
Sở dĩ chúng ta phải nói chuyện với mình chứ không phải nói chuyện với người khác, chủ yếu là vì nói chuyện với bản thân chính là đang tiến hành thúc đẩy bản thân, là hành động có tính tự chủ nhất định, là biểu hiện của tự trưởng thành. Niềm vui nằm trong mỗi chúng ta chứ không ở bất cứ nơi nào bên ngoài, vì thế chúng ta phải dựa vào bản thân để nhận thức bản thân, dựa vào bản thân để thay đổi bản thân.
Để có thể nhanh chóng cắt đứt sự tiếp diễn của tư duy vô thức, đầu tiên chúng ta phải học cách nghi ngờ. Chúng ta phải nghi ngờ những chuyện mà bản thân đã tin tưởng, nghi ngờ những chuyện mà từ trước tới nay mình tán đồng, thậm chí nghi ngờ bất kì việc gì xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta có thể thầm hỏi mình: “Mình đang làm cái gì?” Để bản thân tỉnh ngộ trong sự tán đồng với sự vật.
“Mình đang làm gì?” Câu hỏi này giống như tiếng chuông báo thức buổi sáng, gọi chúng ta bừng tỉnh từ trong giấc mộng; cũng giống như cảm giác bừng tỉnh khi bị dội nước lạnh từ đầu xuống chân. Tác dụng của nó là cắt đứt sự tiếp diễn của tư duy vô thức, khiến chúng ta không không tiếp tục chìm sâu vào giấc ngủ.
Khi chúng ta muốn tìm cái cớ cho thói nghiện thuốc lá của mình; khi chúng ta cho rằng vì bị hạn chế về mặt tài chính nên mình không thể làm được việc gì đó; khi chúng ta vẫn không thể từ bỏ công việc đã nhàm chán, nếm trải việc mình muốn làm… hãy hỏi bản thân đang làm gì. Chúng ta phải cắt đứt sự tán đồng với những cái cớ và lí do của tư duy vô thức, không được tiếp tục bị tư duy vô thức “gây tê”, tránh để hành vi của chúng ta tiếp tục theo tư duy vô thức giống như trước đây.
Khi chúng ta dùng câu hỏi “mình đang làm cái gì?” để tự vấn, trái tim chúng ta có câu trả lời đáp lại hay không không quan trọng. Bởi vì trong khoảnh khắc chúng ta nghi ngờ, tư duy vô thức bị gián đoạn, không tiếp diễn trôi chảy như trước đây, như thế là chúng ta đã đạt được mục đích cắt đứt tư duy vô thức. Sau khi tư duy vô thức dừng lại, chúng ta có thể nhận thức được đó có phải là phản ứng thật sự mà bản thân muốn đưa ra hay không, chúng ta cũng quay về với trạng thái có ý thức.
Chỉ cần chúng ta cố gắng cắt đứt sự tiếp diễn của tư duy vô thức thì có thể phá vỡ sự tán đồng đối với nó, cũng là thực hiện được phần lớn việc nhận thức rõ cái tôi và hiện thực.
| TẤT CẢ ĐỀU CHÂN THỰC SAO?
Sau khi chúng ta tỉnh giấc từ trong vô thức, rất dễ lạc lối về tư tưởng. Con người dùng tư tưởng làm chiếc ô bảo vệ sinh mệnh, là vì tư tưởng là công cụ khiến chúng ta gặp núi mở đường, gặp nước xây cầu, tìm thấy hi vọng từ trong ngõ cụt. Nhưng đồng thời tư tưởng cũng trở thành xiềng xích của rất nhiều người, khiến họ suốt ngày lo lắng, lừa mình lừa người, tự hạn chế bản thân, đắm chìm trong thế giới hư ảo của mình, không nhìn rõ tất cả mọi chuyện. Rất nhiều suy nghĩ nhìn thì lí tính và chặt chẽ, nhưng thực tế đều chịu sự trói buộc của kinh nghiệm cảm nhận trước đây, đồng thời mang màu sắc tình cảm chủ quan, cảm tính.
Đắm chìm trong tư tưởng của bản thân sẽ khiến chúng ta quen với việc dùng con mắt trước đây để nhìn hiện tại. Như thế nhận thức của chúng ta với sự vật hiện thực sẽ chịu sự trói buộc của kinh nghiệm cảm nhận, từ đó gây ra sai lệch. Như thế kinh nghiệm cảm nhận sẽ trở thành trở ngại khi chúng ta đối mặt với hiện tại, cảm nhận hiện tại.
Chỉ cần là suy nghĩ cá nhân, đánh giá của chúng ta về sự vật sẽ đều mang màu sắc tình cảm chủ quan. Chúng ta thường nhìn nhận việc mình muốn làm một cách lạc quan quá mức, trong khi đó lại nhìn nhận việc mình không muốn làm một cách tiêu cực quá mức. Một khi tư tưởng của chúng ta xuất hiện một khuynh hướng nào đó, chúng ta sẽ có những hành động để kiểm chứng tính chính xác của nó. Từ đó hành vi của chúng ta cũng sẽ bị hạn chế theo khuynh hướng ấy. Vì thế, chỉ cần là những suy nghĩ cá nhân về hiện thực thì sẽ có sai lệch nhất định. Nếu coi trạng thái vô thức là đang nằm mơ, thì đắm chìm trong tư tưởng của chính mình lại chính là việc tự lừa mình lừa người.
Để thoát khỏi sự trói buộc của tư tưởng, khi chúng ta nói chuyện với bản thân, hãy thầm hỏi: “Tất cả đều là sự thực sao?” Mục đích tự nói chuyện với bản thân là để bản thân bước ra khỏi sự vây khốn của tư tưởng, nhìn rõ dáng vẻ hiện thực.
Khi bạn mong chờ tháng sau công ty tăng lương cho mình, hãy hỏi bản thân: “Tất cả đều là sự thực sao?” Bạn sẽ phát hiện tăng lương chỉ là suy nghĩ lạc quan của mình, cho dù bản thân làm việc rất nỗ lực, công ty nên tăng lương cho mình, nhưng có lẽ người khác cũng nỗ lực như vậy, vì thế tăng lương chỉ là sự mong đợi của bản thân chứ không phải sự thực.
Khi người bán hàng nói bộ quần áo mà bạn mặc thử rất hợp với bạn, hãy hỏi mình: “Đó là sự thực sao?” Sở dĩ người bán hàng nói như vậy là vì cô ta muốn thổi bùng ảo tưởng tươi đẹp của bạn về chiếc áo này, từ đó khiến bạn đưa ra quyết định mua áo. Lúc ấy, nhất định bạn phải nghĩ xem có bao nhiêu bộ quần áo mà mình đã mua sau khi nghe lời khen của người bán hàng nhưng đến bây giờ vẫn treo trong tủ quần áo chưa mặc lần nào? Như thế, bạn sẽ có thể phân biệt được bạn đang ở trong tư tưởng của mình hay đang ở trong hiện thực, nhìn nhận chiếc áo này một cách khách quan.
Chỉ cần những tư tưởng này vẫn điều khiển chúng ta, chúng ta sẽ mất đi cơ hội nhìn rõ bộ mặt thật của sự vật. Hãy thử hỏi tất cả những thứ mình nghĩ có phải là chân thực không, hay là cảm giác chúng ta tìm kiếm niềm vui giả tạo. Sự tự vấn này có thể thúc đẩy chúng ta chấm dứt sự tán đồng với tư tưởng của mình, bước ra khỏi sự vây khốn của tư tưởng, quay trở về với thế giới hiện thực.
| ĐÂY LÀ ĐIỀU MÌNH THẬT SỰ MONG MUỐN SAO?
Để ghìm giữ được sợi dây cương của tư tưởng, chỉ nhìn rõ hiện thực là không đủ, chúng ta còn cần phải thấu hiểu chân tướng bên trong con người mình, hiểu mối quan hệ giữa hiện thực bên ngoài và bộ mặt bên trong, biết được bản thân thật sự mong muốn điều gì. Hãy tự giúp bản thân nhìn rõ bản thân, trả lại cái tôi đích thực, để chúng ta có thể vui vẻ làm cái tôi thật sự, dám tự hỏi bản thân: “Đây là điều mình thật sự mong muốn sao?”
Khi bạn thích một người, hãy hỏi mình: “Đây là điều mình thật sự mong muốn sao? Mình thật lòng thích người này, hay nên thích người này?”
Khi bạn kiên quyết làm một công việc, hãy hỏi mình: “Đây là điều mình thật sự muốn làm sao? Vì nó là công việc được xã hội trọng vọng, hay vì bản thân thấy có ích?”
✳✳✳
Câu hỏi đơn giản này có thể khiến chúng ta nhìn rõ mong muốn thực sự của mình, để chúng ta hiểu đó có phải là cảm nhận chân thực của bản thân hay không, có phải là trải nghiệm của bản thân không. Nếu không phải thì chúng đến từ đâu? Thử hồi tưởng lại một chút, cha mẹ chúng ta hoặc là những người thân thiết với chúng ta, có ai có quan niệm như thế này không.
Nếu chúng ta phát hiện có một số quan niệm hay suy nghĩ không phải đến từ trải nghiệm của chính bản thân mà là từ thế giới bên ngoài hoặc từ người khác, vậy thì phần lớn những quan niệm này là sự khống chế của người khác đối với chúng ta.
Một loạt các câu tự hỏi, tự trả lời như vậy sẽ làm lung lay những quan niệm mà chúng ta vốn không chút hoài nghi. Chúng ta sẽ phát hiện rất nhiều khi, bản thân vì bị đè nén bởi áp lực bên ngoài mà đưa ra những hành động trái với mong muốn của mình. Chỉ có tìm thấy cảm nhận và sự lí giải chân thực của bản thân, chúng ta mới vén màn sương mù, tìm thấy cái tôi thật sự, mới biết được bản thân thật sự mong muốn điều gì.
Tất cả những gì chúng ta làm không nên chỉ là để thỏa mãn nhu cầu của người khác mà nên xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Đến tận hôm nay chúng ta vẫn không có gì thay đổi, chính là vì chúng ta lạc lối trong quá nhiều nhu cầu, không thể phân biệt được nhu cầu thật sự của mình. Chúng ta có thể thông qua hỏi bản thân “Đây là thứ mình thật sự mong muốn sao?” để tìm thấy nhu cầu chân thực của mình.
| MÌNH ĐANG ĐỢI ĐIỀU GÌ?
Sau khi hiểu điều mà bản thân thật sự mong muốn là gì thì làm thế nào để thực hiện những điều ấy? Những thứ chúng ta muốn, không ở trong tư tưởng của chúng ta, cũng không ở trong quá khứ hay tương lai. Chúng ở ngay hiện tại. Hãy hỏi bản thân: “Mình đang đợi cái gì?” và dùng toàn bộ tâm trí để cảm nhận hiện tại.
Chúng ta mất quá nhiều tinh thần sức lực để siết chặt dây cương của con ngựa hoang tư tưởng, để phát hiện cái tôi chân thực, đồng thời thuyết phục bản thân cảm nhận hiện tại. Thực ra cho dù chúng ta đi sâu tìm hiểu thế giới cái tôi như thế nào thì cũng đều chỉ có một mục đích, đó chính là đi ra khỏi thế giới riêng của mình, cảm nhận toàn bộ những sự vật mà bản thân phải đối mặt, trải nghiệm sự trưởng thành của sinh mệnh trong từng phút. Nếu không, thế giới tư tưởng của chúng ta dù có lung linh, rực rỡ như thế nào cũng chỉ là một giấc mơ.
Đáp án của tất cả những câu hỏi liên quan đến cuộc đời, không nằm trong đầu chúng ta, cũng không nằm ở chỗ người khác mà nằm dưới chân chúng ta khi chúng ta bước đi. Chỉ khi chúng ta bước chân đi thì mới tạo thành con đường. Mỗi bước đi của chúng ta, cho dù là thành công hay thất bại, đều là đang thôi thúc bản thân tới gần mục tiêu hơn một chút. Con đường đi tới thành công ở dưới chân chúng ta, cuộc đời sau mỗi bước chân mới là cuộc đời chân thực của chúng ta.
Khi chúng ta ngừng trải nghiệm sự trưởng thành của sinh mệnh, sinh mệnh của chúng ta còn ý nghĩa gì nữa? Hãy nhìn sự thay đổi của mình trong những năm gần đây, nếu bản thân bây giờ so với bản thân của năm năm trước hoặc mười năm trước không có quá nhiều khác biệt, vậy thì chúng ta đang đợi cái gì? Đợi năm năm nữa hoặc mười năm nữa sao? Trong thế giới tư tưởng, mọi thứ đều có thể lược bỏ, nhưng trong thế giới hiện thực, mọi thứ cần chúng ta trực tiếp đối mặt. Tất cả đều cần một quá trình cảm nhận.
Chờ đợi, ngắm nhìn trong thế giới tư tưởng của mình, chỉ là đang tiêu hao, lãng phí, bỏ qua cuộc đời của mình. Bất cứ hành vi nào không thể đi sâu cảm nhận và trải nghiệm cuộc đời đều là đang chờ đợi kết thúc.
| KHÔNG CÓ CHUYỆN MỘT BƯỚC THÀNH CÔNG
Thủ môn trên sân bóng là người giữ vai trò rất đặc biệt, Yashin, Kahn, Buffon…đều là những thủ môn vĩ đại trong lịch sử bóng đá thế giới. Trọng trách của thủ môn chính là ngăn bóng ngoài cầu môn. Sở dĩ những thủ môn vĩ đại này có thể chặn bóng của đối phương ở bên ngoài cầu môn hết lần này đến lần khác là vì họ đã trải qua vô số lần thất bại khi để bóng lao vào khung thành của mình, đã luyện được bản lĩnh làm thế nào để ngăn bóng bên ngoài cầu môn.
Quan trọng là, cho dù bao nhiêu lần họ để bóng lọt lưới nhưng không hề từ bỏ nỗ lực ngăn quả bóng tiếp theo. Chủ động từ bỏ và cố gắng ngăn cản thất bại là hai chuyện khác nhau. Khi thủ môn chủ động từ bỏ việc ngăn quả bóng tiếp theo, cũng chính là từ bỏ trọng trách của mình. Sức mạnh và sự giúp đỡ mà người khác hoặc bên ngoài cho họ đối với họ đều sẽ không có tác dụng gì. Tư tưởng của chúng ta cũng cần chúng ta phải bảo vệ. Chỉ cần chúng ta vẫn đang nỗ lực thì thất bại sẽ không còn đáng sợ, ít ra chúng ta sẽ không trốn chạy trọng trách của mình. Điều đáng sợ là chúng ta giao nộp bản thân một cách vô trách nhiệm, để mặc cho bản thân bị tư tưởng cuốn trôi đi.
Có câu: “Băng dày ba tấc đâu phải do lạnh một ngày”. Bất kỳ thói quen nào cũng không thể ngày một ngày hai mà thành, nó là kết quả của quá trình tích lũy lâu dài, là tác phẩm mà chúng ta cố chấp dùng thời gian để điêu khắc mà thành.
Hãy thử nghĩ tới quá trình hình thành những thói quen xấu ấy. Người không rời được điếu thuốc lúc mới bắt đầu hút thuốc chẳng phải cũng bị ho sặc sụa sao? Nhưng anh ta không vì thế mà ngừng hút thuốc. Người mới bắt đầu uống rượu, có phải cũng cảm thấy rượu khiến người ta khó nuốt? Nhưng về sau họ dần dần biến thành sâu rượu. Chúng ta muốn hình thành một thói quen tư duy, cũng cần một quá trình như thế.
Có lẽ bạn sẽ cho rằng thành tựu vĩ đại chẳng liên quan gì đến cuộc sống hiện tại. Thực ra, một lái xe ưu tú và một nhà nghệ thuật hay nhà khoa học ưu tú, ý chí mà họ đã bỏ ra để biến công việc bình thường trở thành ưu tú là như nhau, con đường tư duy giải quyết vấn đề cũng giống nhau.
Nếu tài xế không thử sức nhiều lần thì sẽ không tìm thấy tuyến đường cách điểm đến gần nhất, đi lại thuận tiện nhất. Nếu nghệ sĩ dương cầm không kiên trì luyện tập, không có những khi ấn sai phím đàn thì sẽ không thể nắm được vị trí của từng phím đàn một cách chuẩn xác, thuần thục, cũng không thể nắm được độ mạnh nhẹ cho từng phím, cũng không thể chơi được bản nhạc với giai điệu mượt mà. Chuỗi thất bại nhìn thì có vẻ không có chút giá trị nào nhưng chính là con đường đưa chúng ta tới thành công.
Trên thế giới này, không có chuyện một bước có thể với tới thành công. Cái gọi là đường tắt chỉ tồn tại trong tim chúng ta, tất cả mọi việc đều là một quá trình – quá trình cảm nhận. Khiến bản thân có được thành công và niềm vui thật sự cũng là một quá trình. Chỉ có siết chặt sợi dây cương của tư tưởng trong tay mình, chúng ta mới có thể tránh được việc tiêu hao cuộc đời của mình một cách vô ích.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.