Bí Mật Của Đàn Ông
Đàn ông cũng thích buôn chuyện
Cũng giống như phụ nữ, các chàng có thể tốn hàng giờ để ngồi tỉ tê, dù là bên bàn nhậu, trong công ty, ngoài quán nước, qua điện thoại hay chat trên internet… và bằng mọi phương tiện khác nhau mà họ có thể có.
Nếu bạn nhìn thấy một nhóm đàn ông tụm năm tụm ba trong giờ nghỉ hay lúc rảnh rỗi thì bạn đừng tin rằng họ đang bàn chuyện dời non lấp bể, hãy coi chừng kẻo bạn cũng sắp trở thành đề tài thú vị của họ đấy.
Đàn ông thường bàn về chuyện gì nhiều nhất?
Thật khó trả lời! Nhưng qua một vài điều tra bỏ túi cho thấy, phụ nữ là đề tài mở đầu, giữa và kết thúc trong cuộc tán gẫu của đấng mày râu. Các chủ đề thường gặp trong câu chuyện của nam giời là bóng đá, thể thao, thông tin và các phương tiện kỹ thuật số mới nhất, các loại ô tô đời mới và tất nhiên không thể thiếu chuyện các đồng nghiệp và chuyện công ty.
Tại sao đàn ông cũng thích buôn chuyện?
Nhu cầu được chia sẻ và được hưởng ứng luôn thường trực trong mỗi con người, bất kể là nam hay nữ. Mà các đề tài tán gẫu thì luôn sẵn có để thoả mãn nhu cầu đó. Một số lý do khác là do ham muốn sở hữu các thông tin giật gân nhất đại loại như cô A ở phòng X mới bỏ chồng, sếp B có bồ nhí… mà chỉ có các “văn phòng thông tin vỉa hè” mới đáp ứng được.
“Buôn chuyện” còn là một cách để các chàng trai giải toả vấn đề căng thẳng, bức xúc trong công việc hàng ngày nữa đấy.
Đàn ông không thể không… nói dối
Trong quá trình chinh phục và thích nghi với cuộc sống, là đàn ông, ai cũng từng một lần nói dối. Có thể đó là sự nói dối đáng ghét, nhưng cũng có thể là một lần nói dối rất dễ thương vì đơn giản đó không phải là sự lường gạt hay dối trá.
Thông thường, người đàn ông sẽ nói nhiều hơn khi ở trong đám đông bè bạn. Trong nhận thức, người đàn ông luôn gắn giá trị của mình trong mối quan hệ với người chung quanh và thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một người đàn ông tỏ vẻ bực bội và “hậm hực” khi thấy mình kém cỏi hơn một người nào đó, dù vẫn biết rằng họ có hơn mình thật.
Chính vì vậy trong cuộc sống, người đàn ông luôn cố tình muốn làm cho người chung quanh chứng thực được giá trị của mình bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức “tự đánh bóng” và “tự giới thiệu”, do đó họ có khuynh hướng nhấn mạnh quá mức ưu thế của mình đến độ cường điệu và ranh giới của sự nói dối có thể bị san bằng. Điều này càng có thể xảy ra hơn khi đối tác lại là một người đẹp hay là người lần đầu mới gặp. Cũng trong vấn đề này, người đàn ông thường không thích thành thật khai báo công việc hoặc nghề nghiệp của mình, nếu họ cho rằng nó không phải là lĩnh vực “thời thượng” hoặc “đáng để tự hào”. Nhiều người “thực thi” kiểu này một cách vô tình khi nghĩ rằng những điều đó chỉ là vô hại.
Đàn ông thường ít làm dáng, nhưng lại quan tâm đến sức mạnh nội lực và thường tìm cách chứng minh hay tạo vẻ quyến rũ, gợi cảm, lãng mạn… của mình nên phóng đại lên một chút. Họ làm điều này cũng rất tự nhiên mà chẳng nghĩ rằng đó là một lần nói dối. Mặt khác, nhiều người có thói quen không “thành khẩn khai báo” về tuổi tác, nhiều trường hợp khai tăng tuổi mình lên đáng kể để được làm anh thiên hạ và chứng minh sự già dặn hoặc chững chạc của mình.
Đàn ông thường tỏ ra quan trọng hóa vấn đề, đề cao cá nhân. Họ cũng muốn khẳng định sự tháo vát và năng lực của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực không phải là ưu thế của mình để được tán dương, nhất là với những người yêu quí như vợ con chẳng hạn. Nhiều người đã giảm đến một nửa giá tiền khi được vợ hỏi về một món hàng hay một vật kỷ niệm nào đó vừa mới mua. Đó là những lần “nói dối dễ thương” có thể ai cũng từng “trải nghiệm”. Người đàn ông cũng có khuynh hướng ém nhẹm bệnh tật của mình, cố tình đẩy nó ra khỏi nhận thức của mình hoặc quên thông báo về tình trạng sức khỏe của mình cho gia đình và người thân.
Tuy nhiên, người đàn ông đôi lúc phải cố tình nói dối vì tính “đa nghi” của vợ hoặc người yêu. Họ thường lảng tránh trả lời hoặc đối diện với những lần “tra hỏi” quá cặn kẽ về những vấn đề nhạy cảm hoặc về quan hệ với bè bạn, về những lần trễ giờ cơm tối.
Khi bị dồn vào thế phải tự vệ, người đàn ông thường chọn phương án nói dối cho mọi chuyện qua đi, khỏi phải giải thích đầu đuôi thêm mệt. Và cũng để đối phó, người đàn ông thường tạo ra những mối quan hệ ảo để sử dụng như là các phương tiện hỗ trợ cho mình trước áp lực của đồng nghiệp hoặc của chính vợ mình. Trong trường hợp này, nói dối trở thành liều thuốc an thần làm cho người đàn ông có cảm giác an toàn khi hùng biện với mọi người.
Ở một khía cạnh khác, người đàn ông nói dối vì… phụ nữ thích nghe nói dối. Điều này có vẻ như vô lý nhưng lại là hợp lý khi các người đẹp thường thích được người khác phái khen tặng mình bằng những lời có cánh. Trước phái đẹp, người đàn ông không muốn sơ hở để làm bộc lộ điểm yếu của mình nên thường rào đón hoặc nói dối để che khuất sự yếu đuối bên trong của chính họ.
Nói dối, nếu đó không phải là sự lừa đảo, không phải là sự lường gạt ở người đàn ông thì không làm mọi người phải cảnh giác và đôi khi nó làm quan hệ giữa mọi người trở nên dễ chịu hơn và cuộc sống có khi êm ả. Tuy nhiên, nếu nói dối trở thành một thói quen không thể thay đổi thì lại đáng trách. Đừng biến sự nói dối thành vũ khí của riêng mình để đạt được thành công hay chiến thắng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.