Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

CHƯƠNG 26



Nhà Máy Điện
Đọc mơ xong, tôi cho cô thủ thư biết ý định muốn đến nhà máy điện. Cô sầm mặt. “Nhà máy điện ở trong rừng!”, cô nói và xúc những hòn than đỏ hồng vào xô để dập lửa bằng cát.
“Ừ, nhưng ở ngay cửa rừng”, tôi nói. “Ông gác cổng nói là hoàn toàn không có gì nguy hiểm cả.”
“Có trời mà biết ý ông gác cổng nói gì! Nhà máy điện trong rừng, không cần biết ở cửa rừng hay trong rừng, nhưng rừng thì nguy hiểm.”
“Anh không ngại. Anh sẽ đến đó. Anh phải tìm cho được một nhạc cụ.”
Cô thủ thư đã lấy hết than khỏi lò. Cô xúc hộc xỉ ra và vừa đổ vào xô vừa lắc đầu quầy quậy.
“Em sẽ đi cùng”, cô nói.
“Tại sao? Em vẫn sợ rừng cơ mà? Vả lại anh không muốn lôi em vào chỗ nguy hiểm.”
“Em không thể để anh đi một mình được. Hình như anh vẫn chưa hiểu là rừng nguy hiểm đến mức nào!”
Vào một buổi sáng nhiều mây chúng tôi đi dọc bờ sông về hướng Đông. Trời ấm như trong tiết xuân. Lặng gió. Tiếng nước réo cũng không trong trẻo và lạnh, mà trầm đục hơn. Đi được mười lăm phút, tôi cởi găng và khăn cổ ra.
“Như mùa xuân ấy nhỉ?”, tôi nói.
“Vâng. Nhưng trời chỉ ấm được một hôm thôi. Năm nào chẳng thế. Sau đó lại lạnh ngay”, cô đáp.
Chúng tôi bỏ lại sau lưng khu thưa dân cư phía nam cây cầu. Bên phải chỉ thấy đồng ruộng. Đường không còn lát đá cục, chuyển sang đoạn hẹp và lầy lội. Giữa các bờ ruộng, vài rẻo tuyết đóng cứng chạy ngoằn ngoèo trên đồng như những vết cào. Bờ sông bên tay trái chúng tôi viền một hàng dương liễu, cành cây mềm oặt chấm xuống nước. Một con chim nhỏ muốn đậu lên nhưng cành cây bập bềnh đung đưa, rốt cuộc nó bỏ đến một cây khác. Ánh nắng mờ đục và ấm áp. Tôi liên tục ngẩng mặt lên đón hơi ấm dịu dàng ấy. Cô thủ thư đút tay phải vào túi áo măng tô, tay trái vào túi áo tôi. Tay trái tôi cầm một cái hộp, tay phải đút vào túi măng tô của cô. Hộp đựng đồ ăn trưa và quà cho ông quản lý.
Tôi cảm nhận được bàn tay ấm của cô trong túi mình và nghĩ thầm: khi mùa xuân đến, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Nếu tâm hồn tôi qua được mùa đông và bóng còn chịu đựng được thì tôi sẽ giữ được tâm hồn. Bóng đã nói là tôi chỉ phải chiến thắng mùa đông.
Chúng tôi chậm rãi đi ngược dòng chảy và tận hưởng phong cảnh. Suốt buổi không ai nói gì. Không phải là vì chúng tôi không có gì để nói với nhau, mà vì câu chữ trở nên thừa thãi. Vài vệt tuyết trắng còn sót nằm dọc bờ hào, những trái dâu đỏ cặp trong mỏ chim, đám rau mùa đông cứng và mập ngoài ruộng, những vũng nước trong vắt dọc bờ sông – chúng tôi ghi nhớ tất cả những hình ảnh ấy trong khi đi qua. Những gì chúng tôi nhìn thấy đều có vẻ như cố hút lấy hơi ấm mỏng manh đột ngột xuất hiện, cho nó tràn vào từng chân tơ kẽ tóc của mình. Ngay cả bầu trời phủ đầy mây cũng mất đi vẻ nặng nề ngột ngạt. Tôi cảm thấy một sự đầm ấm lạ lùng, tựa như thế giới nhỏ nhoi của chúng tôi đang yên vị trong một bàn tay dịu dàng.
Chúng tôi cũng thấy vài con thú lang thang tìm thức ăn trên đồng cỏ khô quắt. Một quầng trắng đục phủ lên lớp lông vàng óng của chúng, nay đã dài và rậm hơn nhiều so với hồi mùa thu. Mặc dù vậy có thể nhận rõ những con thú đã gầy đi nhiều. Xương gáy chúng gồ lên như cụm lò xo của một chiếc sofa cũ, đầu chỉ còn da bọc xương, da má chảy xệ. Mắt chúng đã hết long lanh, xương khớp gối đã lồi ra tròn xoe. Chỉ chiếc sừng trắng mọc giữa trán là không thay đổi, nó vẫn oai hùng chĩa thẳng lên trời như mọi khi.
Những con thú đi thành từng nhóm ba, bốn con trên bờ ruộng, tìm từ bụi cây này sang bụi cây khác. Nhưng những trái cây hay lá xanh non khả dĩ làm thức ăn thì nay hầu như không còn nữa. Trên những cành cây cao chỉ còn vài trái cây, song chúng không với tới được. Chúng đành uổng công tìm dưới đó những trái rụng hoặc buồn bã nhìn lên những con chim đang mổ trái cây.
“Tại sao chúng không ăn những thứ còn sót trên đồng?”, tôi hỏi cô thủ thư.
“Vì đó là hành động vi phạm quy định. Em cũng không rõ tại sao”, cô nói. “Không bao giờ chúng chạm vào những thứ dành cho người. Trừ khi mình cho chúng ăn thì đương nhiên chúng sẽ ăn, nhưng bình thường thì không bao giờ!”
Mấy con quỳ xuống một vũng nước bên bờ sông và uống. Ngay cả khi chúng tôi lại gần vẫn không con nào ngẩng đầu lên, tất cả tiếp tục uống. Những chiếc sừng trắng của chúng phản chiếu rõ rệt trên mặt nước, trông như những cái xương bạc phếch nằm dưới đáy sông.
Gần nửa tiếng sau chúng tôi đến một con đường nhỏ ở bên phải ngay sau Cầu Đông mà ông gác cổng có nhắc đến. Bình thường ra có lẽ chúng tôi cũng không phát hiện ra nó khi đi ngang qua vì nó quá nhỏ và hẹp. Ở đây đã hết ruộng, hai mép đường mọc đầy cỏ cao ngút. Đồng cỏ như vạch biên giữa Rừng Đông và ruộng.
Chúng tôi lần theo đường mòn này để qua đồng cỏ. Thoạt tiên đường hơi chếch lên, sau đó ngày càng dốc, và cỏ cũng thưa dần. Dần dần nó thành một vách đá. Có thể gọi là vách đá thì hơi quá, vì chúng tôi không phải trèo núi, ở đó người ta đã đẽo những bậc thang tử tế. Đá sa thạch tương đối mềm, cạnh các bậc thang đã mòn nhẵn. Khoảng mười phút sau chúng tôi lên đến đỉnh. Nhìn chung, ngọn đồi này thấp hơn một chút so với Đồi Tây là nơi tôi đang ở.
Sườn phía nam của quả đồi khác hẳn sườn phía bắc. Ở đây đồi dốc thoai thoải, đồng cỏ rộng và khô cằn. Phía xa, Rừng Đông thẫm màu trải rộng như mặt biển lặng.
Ở điểm cao nhất chúng tôi ngồi xuống một lát để lấy hơi và ngắm phong cảnh. Nhìn từ hướng đông, thành phố tạo ra một ấn tượng khác hẳn. Dòng sông chảy thẳng đến kỳ lạ, giống như một con kênh đào. Không thấy một bãi cát bồi duy nhất nào. Nước trôi theo một đường thẳng như kẻ chỉ. Phía bên bờ đối diện là bắt đầu khu đầm lầy phía bắc. Phía bên phải, Rừng Đông chen vào phong cảnh như một vật thể lạ bị dòng sông cắt ngang. Bên bờ bên này, phía tay trái là những thửa ruộng mà chúng tôi vừa đi dọc theo. Tịnh không thấy một dấu vết cư trú của con người, thậm chí Cầu Đông cũng có vẻ trơ trọi và trống vắng. Căng mắt lên nhìn mới thấy khu công nhân và tháp đồng hồ, chúng tạo một ấn tượng nghi hoặc như ảo ảnh trên sa mạc mênh mông.
Nghỉ một lát rồi chúng tôi đi xuống chân đồi, về hướng rừng. Ngay trước bìa rừng là một cái đầm nông có thể nhìn thấy đáy. Giữa đầm nhô lên phần thân màu xương bạc thếch vì sương gió của một cái cây khổng lồ đã chết. Một đôi chim đậu trên đó nhìn chòng chọc về phía chúng tôi. Tuyết đóng cứng đến nỗi chúng tôi không để lại dấu chân trên đó. Mùa đông lê thê đã làm không khí trong rừng thay đổi hoàn toàn. Không còn côn trùng, không có tiếng chim líu lo. Chỉ có những cây khổng lồ vươn cành lên phía bầu trời phủ mây xám chì, chúng hút sinh lực từ lòng đất sâu là nơi cái lạnh băng giá không ngấm tới.
Chúng tôi theo con đường này vào rừng. Đột nhiên có một âm thanh kỳ lạ vọng đến, giống như tiếng gió rì rào trong rừng. Nhưng trời lặng gió, ít nhất thì cũng không có dấu hiệu nào của gió, vả lại âm thanh này cũng quá đơn điệu chứ không trầm bổng như tiếng gió. Tiếng động ấy to dần và rõ dần khi chúng tôi đi sâu vào rừng. Cả hai chúng tôi đều không thể nhận ra đó là gì. Cô thủ thư cũng mới tới đây lần đầu.
Một cây sồi già hiện ra, sau đó là một bãi trống trước một ngôi nhà. Chắc đây là nhà máy điện – tuy rằng chẳng có dấu hiệu đặc biệt nào cho thấy nó là nhà máy điện. Đúng thế, trông nó như một nhà kho lớn thì đúng hơn. Không thấy máy móc gì, thậm chí cũng chẳng có đường dây cao thế. Có vẻ như tiếng động kỳ lạ phát sinh ra trong ngôi nhà gạch thô sơ này. Cửa vào là hai cánh sắt nặng nề, phía trên cùng mặt tiền là một hàng cửa sổ nhỏ. Con đường dẫn tới bãi trống và chấm dứt ở đó.
“Chắc đây là nhà máy điện”, tôi nói.
Hình như cửa khóa, ít nhất thì nó cũng không nhúc nhích chút nào, kể cả khi hai chúng tôi hợp sức đẩy.
Chúng tôi quyết định đi một vòng quanh. Ngôi nhà chạy sâu về phía sau. Chiều dài tường bao lớn hơn bề rộng mặt tiền gấp bội và phía trên cùng cũng có một hàng cửa sổ nhỏ tuôn ra tiếng động kỳ lạ. Song chúng tôi không tìm thấy thêm cửa ra vào nào, chỉ có một bức tường gạch cao và phẳng lì.
Thoạt trông, bức tường giống như tường thành, nhưng lại gần mới thấy nó thô ráp và rất kém chất lượng. Sờ vào thấy gồ ghề và đây đó gạch đã bị lở ra.
Mặt lưng ngôi nhà nối với một nhà ở bình thường xây bằng gạch, to như trạm canh. Nó có cửa vào và cửa sổ bình thường được che kín bằng bao đựng lúa thay cho màn cửa, ống khói trên mái ám muội đen. Ít nhất thì cũng có hơi người! Tôi gõ ba lần vào cửa gỗ, sau đó lập lại hai lần nữa, nhưng không có ai đáp. Cửa khóa.
“Đầu kia còn một cửa nữa vào nhà máy điện”, cô thủ thư nói và nắm tay tôi. Tôi nhìn theo hướng cô chỉ – đúng thế, ở một góc tường hậu nhà máy điện có một cánh cửa sắt mở toang.
Đứng trước cửa sắt, tai chúng tôi ù đặc vì tiếng ồn kỳ lạ. Bên trong ngôi nhà tối hơn tôi tưởng. Chúng tôi khum tay che ánh sáng bên ngoài để quen mắt với bóng tối và nhòm vào trong, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì cả. Không có ánh sáng – một nhà máy điện không có lấy một bóng đèn thì tương đối lạ. Trên trần nhà có ánh sáng trời mờ mờ xuyên qua các ô cửa nhỏ. Chỉ có tiếng động kỳ lạ dâng lên, tựa như mình nó là chủ ngôi nhà.
Chúng tôi gọi. Hình như không có ai nghe tiếng cả, vì vậy tôi đi qua cửa, bỏ kính râm xuống và đợi đến khi mắt làm quen với bóng tối. Cô thủ thư dừng chân sau tôi vài bước, dường như cô không muốn vào sâu trong nhà. Tiếng động và bóng tối làm cô sợ.
Do bóng tối không có gì lạ đối với mắt tôi nên tôi chẳng mất nhiều thì giờ để phát hiện ra một người đàn ông đứng giữa phòng. Đó là một người đàn ông gầy guộc, nhỏ thó. Trước mặt anh ta là một cột sắt có đường kính chừng ba, bốn thước vươn thẳng đến tận trần nhà. Anh ta đang chăm chú nhìn nó. Ngoài chiếc cột này, trong nhà trống trơn như một phòng tập cưỡi ngựa, không có máy móc hay kỹ thuật nào cả. Sàn nhà lát cùng một loại gạch như tường bao. Toàn bộ ngôi nhà trông như một cái lò nướng bánh mì khổng lồ.
Tôi để cô thủ thư đứng một mình ở cửa và bước vào nhà. Khi tôi đi được nửa quãng đường từ cửa đến cột sắt, có vẻ như người đàn ông nhận thấy tôi lại gần. Anh ta chỉ ngoảnh đầu về phía tôi – người anh vẫn im phăng phắc – và nhìn tôi chằm chằm. Người đàn ông còn trẻ, có lẽ kém tôi vài tuổi. Dáng người anh ta hoàn toàn trái ngược với ông gác cổng. Tay chân, gáy và cổ hom hem, mặt nhợt nhạt, da trơn nhẵn không thoáng một sợi râu, hàng tóc trên vầng trán cao lui tít về phía sau. Quần áo sạch sẽ và chỉnh tề.
“Xin chào”, tôi nói.
Anh ta vẫn nhìn tôi chằm chằm, môi mím chặt và chỉ khẽ gật đầu.
“Tôi có quấy rầy anh không?”, tôi hỏi. Để át tiếng động chói tai tôi buộc phải gào lên.
Người đàn ông chỉ lắc đầu, ra hiệu là tôi không quấy rầy anh ta và lấy tay chỉ vào ô cửa kính to bằng tấm bưu thiếp trên cột sắt – có lẽ là dấu hiệu bảo tôi nhìn vào đó. Tôi chăm chú nhìn vào và nhận ra ô cửa nhỏ đó là một phần của cánh cửa trên cột sắt được cài then bằng một thanh sắt. Sau cánh cửa là một vật giống hình cái quạt khổng lồ gắn song song với nền nhà, nó đang quay với tốc độ chóng mặt, tựa như trong đó có một động cơ hàng ngàn mã lực. Rõ ràng nó sử dụng sức gió – chẳng rõ từ đâu đến – để chuyển động và qua đó sinh điện.
“Phong điện?”, tôi hỏi.
Người đàn ông gật đầu. Rồi anh ta khoác tay dẫn tôi trở lại cửa ra vào. Anh ta thấp hơn tôi nửa đầu. Như hai người bạn thân, chúng tôi nhịp bước cùng đi đến cửa, nơi cô thủ thư đứng đợi. Người đàn ông cũng khẽ gật đầu chào cô như vừa chào tôi ban nãy.
“Chào anh”, cô đáp.
“Xin chào”, lần này anh ta đáp lời.
Anh dẫn chúng tôi ra sau nhà, nơi tiếng gió bớt ồn hơn. Chúng tôi ngồi trên những gốc cây được chừa lại sau khi đốn rừng.
“Xin lỗi anh chị, tôi không nói to được”, viên quản lý nói như thanh minh. “Anh chị từ thành phố đến phải không?”
Tôi xác nhận.
“Như anh chị đã thấy”, người đàn ông trẻ nói, “thành phố được cấp điện từ năng lượng gió. Người ta tận dụng luồng gió thổi lên từ lòng đất qua một lỗ khổng lồ.” Người đàn ông đăm đăm nhìn xuống nền đất dưới chân mình một hồi. “Cứ ba ngày lại một lần có gió. Ở dưới nền này có gió và nước dịch chuyển giữa vô số hang động. Tôi chăm sóc phần kỹ thuật. Ví dụ như khi lặng gió thì tôi khóa quạt lại hoặc tra dầu mỡ. Và tôi chú ý không để các cần gạt bị đóng băng. Dòng điện tạo ra được dẫn qua đường cáp ngầm vào thành phố.”
Viên quản lý đưa mắt nhìn ra cánh đồng nằm giữa những hàng cây cao. Đất đã cày xới kỹ nhưng chưa trồng gì. “Cứ mỗi khi rảnh rỗi tôi lại đốn một ít cây để lấy đất canh tác. Không có gì đáng kể. Vì tôi có một mình thôi. Tôi chừa lại những cây thật lớn và chỉ chọn những diện tích có thể tự mình đảm đương được. Tôi rất thích tự tay làm được cái gì đó. Vào mùa xuân thậm chí có thể trồng rau. Anh chị đến đây để tham quan à?”
“Vâng, đại khái như vậy.”
“Người ở thành phố nói chung không để ý đến chỗ này”, viên quản lý nói. “Không ai vào rừng làm gì, tất nhiên trừ người tiếp phẩm. Tuần nào ông ấy cũng đem cho tôi đồ ăn và những thứ cần thiết khác.”
“Anh sống một mình ở đây lâu chưa?”
“Lâu lắm rồi. Tôi thuộc lòng từng chi tiết máy. Chỉ cần lắng nghe là tôi biết nó chạy ra sao. Tựa như ngày nào tôi cũng trò chuyện với nó. Khi người ta làm việc đó lâu năm như tôi thì sẽ thông thạo. Máy chạy tốt thì tôi cũng khỏe. Tôi cũng thông thạo các âm thanh của rừng. Nó có nhiều giọng khác nhau, cứ như một sinh thể vậy.”
“Anh sống hoàn toàn một mình trong rừng không thấy khó chịu sao?”
“Tôi chẳng thấy có gì khó khăn hơn cuộc sống ở một nơi khác”, anh ta trả lời. “Rừng đã có sẵn, và tôi sống ở đây. Chấm hết. Phải có ai đó trông coi máy móc chứ. Ngoài ra, nhà máy điện ở ngay bìa rừng, còn đi sâu hơn vào đó thì tôi cũng không thạo.”
“Ngoài anh ra không có ai sống trong rừng nữa à?”, cô thủ thư hỏi.
Viên quản lý ngẫm nghĩ một chút và khẽ gật đầu mấy lần liền. “Có chứ. Ở tận trong rừng còn có một số người nữa sống, tôi biết. Họ đào than, phá rừng làm rẫy. Nhưng tôi chỉ mới gặp mặt vài người thôi, và cũng không nói chuyện với họ quá một câu. Vì họ không chấp nhận tôi. Đối với họ thì rừng là quê hương, còn tôi chỉ là người cư trú ở đây, đó là lý do. Ở sâu trong rừng nghe nói còn nhiều người nữa, đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi không đi sâu vào rừng, còn họ thì hầu như không bao giờ ra đến đây.”
“Đã bao giờ anh thấy một người phụ nữ?”, cô hỏi. “Độ khoảng trên dưới ba mươi tuổi?”
Viên quản lý lắc đầu. “Không, chưa bao giờ tôi thấy phụ nữ. Toàn đàn ông thôi.”
Tôi nhìn cô, nhưng cô không hỏi gì thêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.