Anna Karenina (Tập 1)
Phần 4 – Chương 09 (Hết)
21
Betxi chưa kịp rời phòng khách thì đã chạm trán ở bậc cửa với Xtepan Arcaditr từ cửa hàng Elixêep tới, chả là hiệu này vừa nhận được sò tươi.
– A! Quận chúa! Thật là một cuộc gặp gỡ thú vị! Tôi vừa ghé qua nhà bà chị!
– Một cuộc gặp gỡ nhanh chóng, vì tôi phải đi đây, – Betxi mỉm cười nói và xỏ tay vào găng.
– Trước khi đeo găng, cho phép tôi được hôn tay bà chị đã. Trong việc trở lại lề lối cổ, không gì làm tôi vừa ý hơn là cái lệ hôn tay đàn bà, – ông hôn tay Betxi. – Bao giờ ta sẽ gặp nhau?
– Ông không xứng đáng được thế đâu, – Betxi mỉm cười trả lời.
– Trái hẳn đấy, vì bây giờ tôi trở thành con người đứng đắn nhất thế giới rồi. Không những tôi thu xếp xong chuyện gia đình mình mà cả chuyện gia đình người khác nữa kia, – ông nói với một vẻ đầy ý nghĩa.
– À! Thế thì tôi rất mừng! – Betxi đáp, hiểu ngay là ông nói về Anna. Bà ta quay lại phòng khách và kéo Oblonxki vào một góc. Ông ta sẽ làm chị ấy chết mất, – bà khẽ nói, vẻ quan trọng. – Không thể thế được, không thể được…
– Tôi rất sung sướng thấy bà chị nghĩ vậy, – Xtepan Arcaditr lắc đầu thương hại. – Chính vì chuyện đó mà tôi đến Peterburg.
– Cả thành phố đều bàn tán chuyện ấy, – bà ta nói. – Thật là một hoàn cảnh éo le. Chị ấy cứ mòn mỏi dần. Ông ta không hiểu đó là một người đàn bà không biết đùa giỡn với tình cảm. Trong hai điều phải chọn lấy một: hoặc giả ông ta phải kiên quyết lái chị ấy theo ý mình hoặc giả ly dị quách đi. Còn như thế này thì chị ấy chết mất.
– Phải… phải… chính là như vậy… – Oblonxki thở dài nói. – Chính vì chuyện ấy mà tôi đến đây. Nghĩa là không phải chỉ đơn thuần vì chuyện đó… Người ta vừa bổ nhiệm tôi làm quan thị vệ, nên cần đến cảm ơn những vị có thẩm quyền. Nhưng điều chủ yếu là để dàn xếp việc này.
– Cầu Chúa phù hộ cho ông, – Betxi nói.
Sau khi tiễn quận chúa Betxi ra đến phòng chờ, hôn tay bà lần cuối phía trên chiếc găng, ở chỗ có mạch đập và nói năng cợt nhả đến nỗi bà ta không biết nên cười hay nên giận, Xtepan Arcaditr liền đến buồng em gái. Ông thấy nàng đang giàn giụa nước mắt. Một cách tự nhiên như không, Xtepan Arcaditr chuyển từ thái độ vui nhộn sang giọng điệu thương cảm, xúc động một cách thơ mộng cho hợp với tâm trạng em gái hơn. Ông hỏi thăm sức khỏe em gái và sáng nay nàng ra sao.
– Rất, rất kém. Cả ngày, cả sáng nay, cả những ngày đã qua và sẽ tới, – nàng nói.
– Anh thấy hình như cô cứ buồn phiền mãi. Phải hoạt động lên, phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Anh biết chuyện ấy thật khổ tâm, nhưng…
– Người ta bảo có những phụ nữ đã yêu ai thì yêu cả đến thói xấu của người ấy, – nàng mở đầu đột ngột. – Còn lão ta, thì em ghét cả đến cái đức hạnh của lão. Em không thể sống với lão được. Chỉ nhìn thấy lão thôi, cũng đủ lộn ruột rồi. Em không thể, không thể sống chung một nhà với lão. Em phải làm gì đây? Trước kia đã khổ sở rồi và em nghĩ không thể nào khổ sở hơn nữa, nhưng hồi đó, em không hình dung được cái tình trạng kinh khủng hiện nay em đang phải chịu đựng. Liệu anh có tin em không: trong khi biết rằng đó là một người tốt, ưu tú, rằng em chẳng bằng cái đầu móng tay ông ta, thế mà em vẫn không thể không ghét ông ấy. Chính vì ông ta cao thượng mà em ghét. Em chỉ còn cách là…
Nàng định nói: chết, nhưng Xtepan Arcaditr không để nàng nói hết.
– Cô đang ốm, và bực bội trong người đấy, – ông bảo nàng: – cô phóng đại ra thôi. Chuyện này chẳng có gì ghê gớm đâu.
Xtepan Arcaditr mỉm cười. Vào địa vị ông, đứng trước nỗi tuyệt vọng như thế, hẳn không ai dám mỉm cười (làm thế thật lỗ mãng), nhưng nụ cười của ông xiết bao đôn hậu và âu yếm (một vẻ âu yếm gần như đàn bà) đến nỗi nó không làm mếch lòng mà còn xoa dịu và khiến ta bình tâm lại. Những lời dịu dàng và vỗ về cùng nụ cười của ông tác động như liều thuốc an thần chế bằng dầu hạnh nhân. Bản thân Anna phút chốc cũng cảm thấy tác dụng của cái đó.
– Không, anh Xtiva ạ, – nàng nói. – Đời em thế là bỏ đi, bỏ đi rồi! Còn tệ hại hơn thế nữa kia. Đời em chưa đến lúc bỏ đi, em chưa thể nói là tất cả đã kết thúc; trái lại, em cảm thấy tất cả chưa kết thúc. Em như một sợi dây căng thẳng sẽ phải đứt. Nhưng chuyện này chưa kết thúc… và rồi nó sẽ kết thúc bi thảm!
– Ta có thể thả chùng sợi dây từng tí một. Không có tình thế nào mà không có lối thoát.
– Em suy nghĩ mãi rồi. Chỉ có một lối thoát… Một lần nữa, thấy cái nhìn khiếp sợ của nàng, ông lại hiểu trong tâm trí nàng, con đường thoát duy nhất là chết và ông không để nàng nói nốt.
– Không hẳn thế cô ạ, – ông nói. – Cô không thể nhìn hoàn cảnh của cô rõ như anh đâu. Cô cho phép anh nói thật ý kiến của anh với cô nhé, – ông lại khôn khéo mỉm cười ngọt ngào. – Anh xin bắt đầu từ đầu: cô đã lấy một người hơn cô những hai mươi tuổi. Cô lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu. Ta hãy coi đó là một sai lầm.
– Một sai lầm ghê gớm! – Anna nói.
– Nhưng, anh nhắc lại điều này với cô, đó là việc đã rồi. Tiếp đó, chẳng may cho cô, có thể nói vậy, cô đi yêu một người khác. Đó là một điều bất hạnh; nhưng đó cũng là việc đã rồi. Chồng cô thừa nhận việc đó và tha thứ cho cô. – Sau mỗi câu, ông đều dừng lại xem em gái có phản đối không, nhưng nàng không trả lời gì cả. – Thế đó. Bây giờ, vấn đề là thế này: cô có thể tiếp tục chung sống với chồng không? Cô có mong thế không? Ông ta có mong thế không?
– Em chẳng biết, chẳng biết gì hết.
– Chính cô vừa nói cô không thể chịu đựng được ông ta kia mà.
– Không, em không nói thế. Em rút lui những điều vừa nói. Em không biết và không hiểu gì về chuyện ấy cả.
– Này, để anh…
– Anh không hiểu được đâu. Em cảm thấy mình đang đâm đầu xuống vực thẳm mà không có quyền và không đủ sức tự cứu mình.
– Không sao cả, ta sẽ làm chậm bớt đà rơi và sẽ đỡ được cô. – Anh hiểu cô không dám phát biểu những tình cảm, ước muốn của cô.
– Em không mong muốn, không mong muốn gì hết… trừ một điều là tất cả chuyện này kết thúc đi.
– Nhưng ông ta cũng thấy điều đó và biết thế. Cô tưởng ông ta không đau khổ bằng cô ư? Cô day dứt, ông ta cũng day dứt, như vậy rồi sẽ đi đến đâu? Chẳng gì việc ly dị cũng giải quyết được mọi chuyện, – Xtepan Arcaditr phải cố gắng mới nói ra được câu này… Đó là ý chính của ông và ông nhìn em gái, vẻ quan trọng. Nàng không trả lời gì cả và lắc lắc cái đầu tóc ngắn, tỏ vẻ không đồng ý. Nhưng trên bộ mặt bỗng nhiên sáng ngời vẻ đẹp thuở xưa của nàng, ông thấy rõ sở dĩ nàng khước từ giải pháp đó, chỉ vì nhìn thấy ở đó một hạnh phúc không sao thực hiện được.
– Tôi thương hại các người quá! Giá thu xếp được chuyện này thì tôi sung sướng biết bao! – Xtepan Arcaditr nói, lần này thì mỉm cười mạnh dạn hơn. – Cô đừng nói gì hết! Cầu Chúa cho phép tôi nói lên điều tôi cảm thấy. Tôi đến gặp ông ta đây.
Anna chẳng nói chẳng rằng nhìn ông bằng đôi mắt long lanh và tư lự.
22
Xtepan Arcaditr bước vào căn phòng Alecxei Alecxandrovitr với bộ mặt hơi trang trọng thường có khi ngồi vào ghế chánh án ở tòa án. Alecxei Alecxandrovitr chắp tay sau lưng, đang đi lại trong phòng và nghĩ đến chính điều vừa đây là đầu đề câu chuyện giữa hai anh em Oblonxki.
– Tôi không làm phiền chú chứ? – Xtepan Arcaditr nói; vừa trông thấy em rể, đột nhiên ông đâm bối rối khác thường. Để che đậy sự lúng túng, ông móc túi lấy cái hộp đựng thuốc lá có kiểu nắp đặc biệt vừa mới mua và sau khi ngửi mùi, rút một điếu.
– Không. Anh cần việc gì chăng? – Xtepan Arcaditr miễn cưỡng trả lời.
– Phải, tôi muốn… tôi cần… tôi cần nói chuyện với chú, – Xtepan Arcaditr nói và ngạc nhiên thấy mình đâm rụt rè, một điều chưa từng xẩy đến với ông. Cảm giác đó thật đột ngột và kỳ lạ đến nỗi Xtepan Arcaditr không nhận ra đó là tiếng nói lương tâm báo cho biết điều ông định làm là xấu xa. Xtepan Arcaditr gắng tự chủ và dẹp được nỗi rụt rè.
– Tôi mong chú không nghi ngờ gì về lòng tôi yêu mến em gái cũng như lòng ái mộ chân thành và trân trọng của tôi đối với chú, – ông đỏ mặt nói.
Alecxei Alecxandrovitr dừng lại và không trả lời, nhưng cái vẻ mặt nạn nhân cam phận của ông khiến Xtepan Arcaditr ngạc nhiên.
– Tôi muốn nói với chú về chuyện em gái tôi và về hoàn cảnh cả hai vợ chồng chú, – Xtepan Arcaditr nói, vẫn chưa lấy lại được tự tin.
Alecxei Alecxandrovitr mỉm cười rầu rĩ, nhìn anh vợ, và không trả lời, đến gần bàn giấy cầm bức thư mới bắt đầu viết và chìa cho Xtepan Arcaditr xem.
– Không lúc nào tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Đây là những điều tôi mới bắt đầu viết vì tôi nghĩ có thể phát biểu đầy đủ hơn trong thư và sự có mặt của mình chỉ làm cô ta bực dọc, – ông nói với anh vợ.
Xtepan Arcaditr cầm bức thư, vừa ngạc nhiên vừa bối rối nhìn đôi mắt ủ ê đang đăm đăm dán vào ông và bắt đầu đọc.
“Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi làm cô khổ sở. Mặc dầu cái điều xác thực đó làm tôi rất đau đớn, tôi vẫn thấy quả đúng là như vậy và không thể khác được. Tôi không kết tội cô và lạy Chúa chứng giám, sau khi nhìn thấy cô trong cơn đau đớn, thâm tâm tôi đã quyết định quên hết những điều đã xảy ra giữa chúng ta và bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi không hối tiếc và sẽ không bao giờ hối tiếc việc đã làm; tôi đã muốn điều hay cho cô, cho tâm hồn cô, và bây giờ tôi thấy không đạt kết quả. Cô hãy tự mình nói cho tôi biết cái gì có thể đem lại hạnh phúc thật sự và thanh thản tâm hồn cho cô. Tôi tin ở ý chí và tinh thần công bằng của cô.” Xtepan Arcaditr trả lại bức thư cho Carenin và tiếp tục nhìn ông ta vẫn với vẻ bối rối lúc đầu, không biết nói gì. Im lặng đè lên cả hai người nặng nề đến nỗi đôi môi Xtepan Arcaditr bỗng run lên bần bật, trong khi ông vẫn lặng thinh không rời mắt khỏi bộ mặt Carenin.
– Đó là những điều tôi muốn nói với cô ta, – Alecxei Alecxandrovitr nói, mặt ngoảnh đi.
– Phải, phải… – Xtepan Arcaditr nói; ông không đủ sức trả lời, trong khi nước mắt dâng lên chẹn lấy cổ họng. – Phải, phải… tôi hiểu chú, – cuối cùng ông lắp bắp nói.
– Tôi muốn biết cô ta muốn gì, – Alecxei Alecxandrovitr nói.
– Tôi e chính cô ấy cũng không hiểu nổi hoàn cảnh mình. Cô ấy không biết nhận định thế nào, – Xtepan Arcaditr trấn tĩnh lại và nói.
– Cô ấy bị ngợp, chìm ngợp thật sự vì lòng cao thượng của chú. Nếu được đọc bức thư này, cô ấy sẽ không đủ sức nói gì hết và chỉ còn biết rạp đầu xuống thấp hơn nữa mà thôi.
– Phải, nhưng trong trường hợp này, biết làm thế nào?… Phân tỏ thế nào… làm sao biết được cô ta muốn gì?
– Nếu chú cho phép tôi bày tỏ ý kiến thì tôi nghĩ chỉ có chú mới có quyền vạch ra những biện pháp mà chú thấy cần thiết để chấm dứt tình trạng này.
– Như thế là anh cho rằng cần phải chấm dứt à? – Alecxei Alecxandrovitr ngắt lời. – Nhưng chấm dứt thế nào? – ông nói thêm, tay khua khua trước mặt một cách khác thường; – tôi chẳng thấy có lối thoát nào cả.
– Mọi hoàn cảnh đều có lối thoát, – Xtepan Arcaditr nói, đồng thời đứng dậy và hoạt bát hẳn lên. – Đã có thời kỳ chú định ly dị… Nếu bây giờ chú chắc chắn rằng vợ chồng chú không thể đem lại hạnh phúc cho nhau.
– Hạnh phúc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cứ cho rằng tôi chấp nhận tất cả, tôi không yêu cầu gì hết. Anh thấy có lối thoát nào cho hoàn cảnh chúng tôi?
– Chú có muốn nghe ý kiến tôi không? – Xtepan Arcaditr nói, vẫn với nụ cười ngọt ngào xoa dịu ông đã dùng để nói chuyện với Anna. Nụ cười hồn hậu ấy có sức thuyết phục đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr bất giác ý thức được chỗ yếu của mình và đành nhượng bộ, sẵn sàng tin những điều Xtepan Arcaditr sắp nói. – Cô ấy sẽ chẳng bao giờ bộc bạch nỗi lòng ra đâu. Nhưng có lẽ điều cô ấy mong muốn, là cắt đứt quan hệ với chú và quên mọi kỉ niệm dính líu đến quan hệ đó. Theo tôi, cần lập quan hệ mới giữa cô chú. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách trả lại tự do cho cả đôi bên.
– Ly dị… – Alecxei Alecxandrovitr nói, vẻ kinh tởm.
– Phải, tôi nghĩ rằng ly dị… đúng thế đấy, ly dị, – Xtepan Arcaditr đỏ mặt nhắc lại. – Đó là giải pháp tốt nhất về mọi phương diện đối với mọi cặp vợ chồng ở vào hoàn cảnh như cô chú. Biết làm thế nào, khi mà vợ chồng đã nhận thấy không thể sống chung được nữa? Chuyện đó xảy ra là thường.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài đánh thượt và nhắm mắt lại.
– Ở đây, chỉ có một điều cần xét kĩ: một trong hai vợ chồng có muốn tái giá không? Nếu không, thì rất giản đơn, – Xtepan Arcaditr nói, mỗi lúc một bớt lúng túng. Alecxei Alecxandrovitr, nét mặt nhăn nhúm vì xúc động, lẩm bẩm một mình và không trả lời gì cả. Tất cả những điều Xtepan Arcaditr thấy đơn giản đến thế, ông đều suy nghĩ hàng ngàn lần rồi. Và tất cả, đối với ông, chẳng những không đơn giản đến thế, mà còn hoàn toàn không thể thực hiện. Giờ đây, khi đã biết những điều kiện ly hôn, ông thấy không thể chấp nhận được việc đó, vì ý thức phẩm cách của bản thân và lòng sùng đạo không cho phép ông viện ra một chuyện ngoại tình giả định và nhất là thừa nhận để người vợ mà ông yêu và đã tha thứ, cam chịu cái nhục bị bắt quả tang. Sau rốt, ông gạt bỏ chuyện ly dị vì những cớ khác còn quan trọng hơn nữa. Con trai ông sẽ ra sao? Không thể tính chuyện để nó ở với mẹ được. Một khi đã ly dị, nàng sẽ có một gia đình bất hợp pháp, trong đó địa vị thằng bé sẽ mong manh và việc giáo dục nó rất có thể sẽ hỏng bét. Giữ nó lại ư? Ông biết về phía ông như vậy là báo thù và ông không muốn làm thế. Nhưng ngoài những cái đó ra, sở dĩ Alecxei Alecxandrovitr không thể ly dị được, trước nhất vì nếu ưng thuận như vậy, chính là ông tán thành đẩy Anna đến chỗ chết. Ông vẫn khắc sâu trong lòng lập luận của Daria Alecxandrovna: khi đặt vấn đề ly dị, ông chỉ nghĩ đến mình chứ không nghĩ là làm thế sẽ đưa Anna đến chỗ chết. Giờ đây, theo cách nhìn của mình, ông hiểu lời nói đó cùng việc tha thứ cho vợ, tình cảm quyến luyến với hai đứa trẻ chỉ là một. Ông nghĩ, đồng ý ly dị, trả lại tự do cho Anna, tức là tước bỏ mối dây liên lạc cuối cùng gắn bó ông với cuộc đời: những đứa trẻ ông yêu, tức là tước bỏ của Anna mất chỗ bấu víu cuối cùng trên con đường thiện và đẩy nàng đến chỗ chết. Một khi ly dị, nàng sẽ ăn ở với Vronxki và mối liên hệ đó sẽ vẫn là trọng tội và bất hợp pháp bởi vì, theo luật của Giáo hội, một người đàn bà không thể kết hôn chừng nào chồng còn sống. Cô ta sẽ lấy Vronxki và trong vòng một hai năm, hoặc hắn sẽ bỏ cô ta, hoặc cô ta lại dan díu với người khác, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm. Nếu đồng ý ly dị, mình sẽ chịu trách nhiệm về sự sa đọa của cô ta. Ông đã suy nghĩ về mọi điều đó hàng trăm lần và tin chắc việc ly dị chẳng những không giản đơn như anh vợ mình nói mà thậm chí còn không thể chấp nhận được. Cho nên, ông không tin một lời nào của Xtepan Arcaditr, ông có hàng ngàn lý lẽ để bác bỏ mỗi câu nói đó, nhưng ông vẫn lắng nghe và cảm thấy cái sức mạnh thô bạo và mãnh liệt chi phối đời ông buộc ông phải phục tùng, nó đang lên tiếng qua miệng anh vợ.
– Vấn đề duy nhất là cần biết chú bằng lòng ly dị với điều kiện như thế nào. Cô ấy không mong muốn gì hết, không dám yêu cầu gì hết và hoàn toàn tin ở lòng độ lượng của chú.
“Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Tại sao lại có các thứ chuyện như thế này?”, Alecxei Alecxandrovitr tự hỏi, tưởng tượng đến những chi tiết của một chuyện ngoại định giả định trong đó người chồng nhận lỗi về phần mình, và với cử chỉ giống như Vronxki bữa nọ, ông đưa tay lên che mặt.
– Chú bị xúc động. Tôi hiểu, nhưng nếu chú suy nghĩ…
“Hãy chìa mà trái cho kẻ nào tát vào má phải của anh và hãy đưa nốt sơ mi cho kẻ lấy áo choàng của anh”, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm.
– Phải, phải! – ông kêu lên, giọng the thé, – tôi xin nhận lấy phần nhục nhã, thậm chí tôi xin từ bỏ con trai tôi, anh muốn làm thế nào tùy ý. Và, quay đi phía khác để anh vợ không nhìn thấy mặt mình, ông ngồi xuống một chiếc ghế tựa cạnh cửa sổ. Ông xót xa, tủi hổ, nhưng nỗi xót xa, tủi hổ đó lại pha lẫn niềm vui và xúc động trước tầm cao cả của thái độ cam chịu ông đã chọn.
Xtepan Arcaditr cảm động. Ông nín lặng.
– Alecxei Alecxandrovitr, chú hãy tin ở tôi, cô ấy sẽ đánh giá đúng tâm hồn cao thượng của chú, – ông nói. – Có lẽ đó là ý Chúa, – ông nói thêm; nói rồi, ông mới thấy thế là ngớ ngẩn và phải cố gắng lắm mới nhịn được cười về sự ngờ nghệch của mình.
Alecxei Alecxandrovitr định trả lời, nhưng nước mắt làm ông nghẹn ngào không nói được.
– Nỗi bất hạnh này là thiên mệnh, đành phải chịu vậy thôi. Tôi coi bất hạnh này như một việc đã rồi, và cố gắng giúp đỡ cả hai cô chú, – Xtepan Arcaditr nói. Khi Xtepan Arcaditr ra khỏi phòng giấy em rể, ông thấy động lòng thương hai, nhưng mặc dầu thế vẫn lấy làm mãn nguyện đã hoàn thành tốt đẹp công việc vì ông tin chắc Alecxei Alecxandrovitr sẽ giữ lời. Cộng với cảm giác thỏa mãn ấy còn có thêm cái ý về một trò chơi chữ ông định đem đố vợ và các bạn thân: “Một đại nguyên soái khác với tôi ở điểm nào? Hay nói cho đúng: Một đại nguyên soái giống tôi ở điểm nào? Mình phải nghĩ cho ra câu này mới được”, ông mỉm cười tự nhủ.
23
Vết thương của Vronxki khá nguy hiểm, tuy không trúng tim. Trong bao ngày, chàng ngắc ngoải dở sống dở chết. Khi chàng đủ sức nói được lần đầu, chỉ có bà chị dâu Varya ở trong buồng.
– Chị Varya, – chàng nói và nghiêm trang nhìn bà ta, – tôi bị thương là do vô ý. Tôi xin chị đừng bao giờ nhắc đến chuyện đó và chị cứ giải thích như thế với mọi người. Thật lố bịch quá. – Varya không đáp cúi xuống và ngắm nhìn chàng với một nụ cười rạng rỡ. Cặp mắt Vronxki thôi không có vẻ sốt nữa mà sáng long lanh, nghiêm nghị.
– Đội ơn Chúa! – bà ta nói. – Chú không đau nữa chứ?
– Hơi đau ở đây, – chàng chỉ vào ngực.
– Vậy để tôi thay băng cho. – Không nói một lời, chàng nghiến chặt đôi lưỡng quyền rộng, nhìn chị dâu trong khi bà thay băng. Khi bà làm xong, chàng bảo:
– Tôi không mê sảng đâu; xin chị giúp tôi làm thế nào cho người ta đừng nhắc đến chuyện đó và đừng nói tôi định tự tử.
– Không ai nói thế đâu. Nhưng tôi mong về sau chú đừng vô ý bị thương nữa, – bà ta nói, mỉm cười dò hỏi.
– Chắc là không, nhưng giá mà… – Chàng mỉm cười u uất. Mặc dầu lời nói và nụ cười đó làm Varya rất lo sợ, khi chỗ viêm đã khỏi và Vronxki bắt đầu bình phục, chàng cảm thấy trút hẳn được một phần thống khổ. Bằng cái hành động nọ, có thể nói chàng đã rửa được nỗi hổ thẹn và nhục nhã. Bây giờ, chàng có thể thản nhiên nghĩ đến Alecxei Alecxandrovitr. Chàng công nhận tấm lòng cao thượng của ông ta nhưng chẳng hề cảm thấy phẩm giá mình vì thế mà bị hạ thấp. Hơn nữa, chàng đã trở về nếp cũ. Chàng thấy có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người không hổ thẹn và có thể sống, trở lại những thói quen. Cái mà chàng không thể dứt khỏi trái tim, mặc dầu thường xuyên đấu tranh với tình cảm ấy, đó là nỗi luyến tiếc đến tuyệt vọng vì vĩnh viễn mất Anna. Giờ đây, khi đã chuộc lỗi trước mặt ông chồng, chàng kiên quyết đoạn tuyệt và không bao giờ xen vào giữa Anna đang ăn năn hối lỗi và ông ta nữa; nhưng chàng không thể dứt khỏi trái tim nỗi tiếc thương mối tình đã mất, không thể xóa mờ trong tâm trí những giờ phút đầy hạnh phúc từng chung hưởng với nàng, mà hồi đó chàng đã đánh giá quá thấp nhưng bây giờ mới thấm thía hết vị dịu ngọt với một niềm hoài nhớ khôn nguôi. Xerpukhovxkoe chạy cho chàng một chức vụ Tasken và Vronxki nhận ngay không do dự. Nhưng giờ phút lên đường càng gần, sự hy sinh vì cái mà chàng tưởng là bổn phận, lại càng nặng nề hơn. Vết thương đã thành sẹo và chàng bắt đầu ra khỏi nhà để chuẩn bị khởi hành. “Gặp lại nàng một lần nữa, rồi sau đó, tự chôn vùi mình đi, chết đi!”, chàng nghĩ thầm và trong một buổi đi từ biệt bạn bè, chàng thổ lộ mong ước đó với Betxi. Bà này lập tức đi sứ đến nhà Anna và mang về cho chàng lời từ chối.
“Càng tốt, Vronxki thầm nghĩ khi được tin đó. Sự nhu nhược đó có thể làm mình mất nốt chút nghị lực cuối cùng.”
Sáng sau, Betxi thân hành đến nhà và báo cho chàng biết bà đã nghe Oblonxki chính thức bảo đảm rằng Alecxei Alecxandrovitr đồng ý ly dị và do đó, Vronxki có thể gặp Anna.
Quên cả tiễn Betxi, thậm chí không cần hỏi bao giờ có thể gặp nàng và chồng Anna hiện đang ở dâu, Vronxki gạt phắt tất cả quyết định của mình, đi ngay đến nhà Carenin. Chàng lao như gió lên cầu thang, không nhìn gì hết và thoăn thoắt bước, hết sức tự kiềm chế để khỏi chạy, chàng vào buồng Anna. Không hề nghĩ ngợi, cũng chẳng buồn nhìn xem có phải nàng chỉ ngồi một mình trong buồng hay không, chàng ôm ghì nàng trong tay và hôn khắp lên mặt, lên tay, lên cổ nàng. Anna đã chuẩn bị gặp lại chàng và suy nghĩ về những điều sẽ nói, nhưng nàng không kịp thốt nên lời; sự cuồng nhiệt của Vronxki cuốn băng nàng đi. Nàng muốn kìm bớt cho cả chàng lẫn bản thân mình bình tĩnh lại, nhưng quá muộn rồi. Niềm say mê của Vronxki đã lan sang nàng. Môi nàng run bắn lên đến nỗi hồi lâu, nàng không nói được lời nào.
– Phải, anh đã chinh phục em, em là của anh, – cuối cùng nàng nói và ép chặt đôi bàn tay người yêu vào ngực.
– Cần phải như thế, – chàng nói. – Sẽ còn như thế chừng nào chúng ta còn sống. Bây giờ, anh mới hiểu rõ điều đó.
– Đúng thế, – nàng nói, mặt mỗi lúc một tái đi và quàng tay ôm đầu Vronxki. – Tuy nhiên vẫn có cái gì ghê sợ trong chuyện này, sau những việc đã xảy ra.
– Tất cả những cái đó sẽ qua đi, tất cả những cái đó sẽ qua đi thôi, chúng ta sắp sửa sung sướng biết bao! Mối tình chúng ta nếu có thể lớn lên, thì sẽ lớn lên chính vì chứa đựng một cái gì ghê sợ, – chàng vừa ngẩng đầu và mỉm cười, để lộ hàm răng đều đặn. Nàng không thể không mỉm cười đáp lại… không phải đáp lại lời nói mà là đôi mắt đắm đuối của chàng. Nàng cầm tay chàng đặt lên đôi má lạnh toát và mớ tóc cắt ngắn của mình.
– Anh không nhận ra em với bộ tóc cắt ngắn này nữa đấy! Em đẹp ra nhiều lắm! Đúng như một chú bé! Nhưng em xanh quá!
– Vâng, em còn yếu lắm, – nàng mỉm cười nói. Và môi lại run lên.
– Chúng ta sẽ sang Ý, em sẽ bình phục, – chàng nói.
– Liệu chúng mình có thể sống như vợ chồng, chỉ có hai đứa với nhau không? – nàng nói và nhìn thẳng vào mắt chàng.
– Thản hoặc có khác đi thì mới là điều đáng ngạc nhiên.
– Anh Xtiva bảo ông ta đồng ý tất cả, nhưng em không thể nhận sự độ lượng của ông ta, – nàng vừa nói vừa nhìn vào khoảng trống, vẻ tư lự. – Em không muốn ly dị, bây giờ chuyện đó đối với em không quan trọng. Nhưng không biết ông ta quyết định thế nào về chuyện Xergei. – Chàng không hiểu sao trong phút đầu gặp lại nhau, nàng đã có thể nghĩ đến con trai và chuyện ly dị. Mọi chuyện đó chẳng vô bổ lắm sao?
– Đừng nói chuyện đó, đừng nghĩ đến nó nữa, – chàng vừa nói vừa cầm tay nàng lật đi lật lại cố khiến nàng chú ý, nhưng nàng vẫn nhìn đi chỗ khác.
– Chao! Tại sao tôi không chết đi cho rồi? Giá cứ thế lại tốt hơn, – nàng nói và nước mắt lặng lẽ chảy dọc hai bên má; tuy nhiên, nàng vẫn cố mỉm cười để khỏi làm chàng buồn.
Giá như trước kia, Vronxki chắc không đời nào trốn tránh cái nhiệm vụ hấp dẫn và nguy hiểm ở Tasken, coi thế là nhục nhã và không thể chấp nhận được. Nhưng bây giờ, chàng chối phăng không hề nghĩ ngợi lấy một phút, và, thấy cấp trên không hài lòng về sự từ chối ấy, chàng lập tức xin thoái ngũ. Một tháng sau, Alecxei Alecxandrovitr ở lại nhà một mình với con trai, trong khi Anna cùng đi với Vronxki ra nước ngoài, đồng thời từ chối không chịu ly dị.
*
Hết Tập I
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.