Đêm đã khuya khi Tom Joad rẽ vào một con đường địa phương, đi tìm trại Weedpateh. Một vài ánh lửa lấp lánh đây đó trong vùng quê. Phía sau họ, duy chỉ có một vầng sáng ở trên trời, chỉ hướng về Bekersfield. Chiếc xe tải chạy lắc lư, khiến những con mèo săn đêm phải bỏ chạy khỏi mặt đường. Tới một ngã tư, có một dẫy nhà nho nhỏ bằng gỗ sơn trắng.
Mẹ ngồi ngủ trên ghế còn Bố thì đã im lặng từ lâu. Tom nói:
– Con không biết trại ở đâu. Có lẽ phải đợi tảng sáng, gặp ai hỏi mới được.
Tới một chỗ ngã tư đường. Tom dừng lại khi thấy tín hiệu sáng. Một chiếc xe khác tới đỗ bên cạnh xe tải. Tom nhìn qua cửa.
– Ông làm ơn cho biết… ông có biết trại lớn ở đâu không?
– Thẳng phía trước.
Tom cho xe chạy qua đại lộ sang phía bên kia đường, được khoảng trăm mét, anh dừng lại. Gần đường có một hàng rào dây thép và ở giữa có một cánh cổng lưới sắt cho xe chạy vào trong. Cách đấy một quãng có một căn nhà nhỏ cửa sổ còn sáng ánh đèn. Tom cho xe vào cổng, xe camnhông chồm lên rồi rơi xuống rầm rập.
– Mẹ kiếp! – Tom nói – Thế mà con không nhận ra cái ụ đất này.
Một người canh đêm từ hiên đứng lên và tiến lại gần xe. Y tì khuỷu tay vào thành xe.
– Anh đi nhanh quá đấy. – Y nói – Lần sau, hãy đi từ từ.
– Mà lạy Chúa, thế là thế nào vậy.
Người canh đêm bật cười.
– Là thế này! Tại đây lúc nào cũng có một bầy trẻ nô đùa. Bao nhiêu lần đã dặn các tài xế hãy chú ý, bao nhiêu lần họ lại quên. Để các chú vấp phải cái ụ đất kia một phen, chắc các chú chẳng dễ gì sớm quên…
– À ra thế! Tôi hy vọng chưa làm gãy gì. Thế nào, ông có còn chỗ cho chúng tôi không?
– Có một trại bỏ không. Nhà ta bao nhiều người?
Tom đếm ngón tay:
– Có tôi là một. Rồi bố và mẹ, Al và Rosasharn, chú John, rồi Ruthie và Winfleld. Hai đứa này còn bé.
– Thế thì, tôi nghĩ là có thể bố trí được. Anh có gì để cắm trại không?
– Một tấm bạt to và mấy cái giường.
Người gác đêm leo lên bậc xe.
– Anh đi theo hết lối này rồi ta rẽ sang phải. Sẽ tới trạm vệ sinh số bốn.
– Nơi đó là thế nào?
– Có nhà vệ sinh, phòng tắm, bồn rửa mặt.
Mẹ hỏi:
– Có bồn rửa mặt… nước chảy chứ ạ?
– Hẳn rồi.
– Ôi! Tạ ơn Chúa! – Mẹ nói.
Tom đi dọc theo cái lối tăm tối giữa hai dãy lều. Trạm vệ sinh có ánh sáng yếu ớt.
– Anh dừng chỗ này. Ở đấy dễ chịu lắm. Những người ở đây vừa mới dọn đi xong.
Tom dừng xe.
– Kia ư!
– Phải. Và bây giờ, hãy để những người khác bốc dỡ đồ đạc xuống, còn anh theo tôi để đăng ký. Xin mời đi ngủ. ủy ban trại sáng mai sẽ đến gặp nhà ta và thu xếp mọi chuyện.
Hai mắt Tom nheo lại:
– Cảnh sát ư? – Tom hỏi.
– Không có cớm đâu, – người canh vừa nói vừa cười – chúng tôi có cảnh sát riêng. Ở đây, do người của trại cáng đáng. Ta đi.
Al từ trên xe nhảy xuống và lại gần.
– Ta ở lại đây ư?
– Ồ, – Tom đáp – Bố và mày, dỡ đồ xuống. Để tao lại phòng giấy.
– Cố đừng làm ồn quá. Có nhiều người đang ngủ. – Người gác đêm nói.
Tom đi theo y trong đêm tối, bước lên bậc và đi vào một căn phòng nhỏ có một chiếc bàn cũ và một chiếc ghế. Người gác đêm ngồi vào bàn và lấy một tờ khai.
– Họ tên?
– Tom Joad
– Bố anh, ở đây phải không?
– Vâng.
– Tên ông cụ?
– Cũng Tom Joad.
– Từ đâu đến?
– Bang California
– Từ bao giờ? Làm việc gì?
Người canh đêm ngước mắt lên.
– Không phải tôi tò mò đâu. Nhưng chúng tôi phải nắm được những điều đó.
– Tôi hiểu. – Tom nói.
– Còn nữa… các ông có tiền không?
– Chút ít.
– Không phải là người cùng khổ chứ?
– Chúng tôi còn có chút đỉnh. Để làm gì ạ?
– Thế này, chúng tôi thu mỗi tuần một đôla về tiền cắm trại, nhưng các ông có thể trả tiền thuê bằng công việc, như khênh thùng rác, quét dọn trại, tóm lại, những việc đại loại thế.
– Chúng tôi sẽ làm việc, – Tom quyết định.
– Ngày mai anh sẽ gặp uỷ ban trại. Họ sẽ bảo cho anh biết qui chế ở đây như thế nào.
– Mà này, xin ông cho tôi hay… – Tom nói – Thế là thế nào? Trước tiên ủy ban đó là gì vậy?
Người canh đêm thoải mái ngả người trên ghế.
– Làm việc không đến nỗi tồi. Có năm Trạm Vệ sinh mỗi trạm bầu lấy đại biểu vào ủy ban Trung ương. Và chính ủy ban Trung ương đặt ra luật. Khi ủy ban quyết nghị cái gì thì phải nghe theo.
– Mà nếu họ ngoan cố thì sao?
– Ồ lúc đó các anh có thể lật đổ họ. Cũng dễ như lúc bầu họ lên. Họ làm việc đắc lực lắm. Tôi sẽ kể anh nghe họ đã làm gì nhé. Anh có biết những người truyền giáo của dòng Hooverville Roller, cứ bám lấy thiên hạ mà thuyết hươu thuyết vượn và quyên tiền, anh biết chứ? Thế đấy, họ muốn thuyết giáo ở trại đây. Các cụ già thì ngả về họ. Ủy ban Trung ương bèn bắt tay giải quyết. Ủy ban họp lại và quyết định thế này: “Tất cả những người truyền giáo đều có quyền giảng đạo trong trại. Không một ai có quyền quyên tiền trong trại.” Với các cụ già kể cũng hơi buồn, bởi vì từ hôm đó, không hề thấy bóng dáng một nhà truyền giáo nào nữa.
Tom bật cười:
– Ông định nói, những người lãnh đạo trại chỉ là những người… đang cắm trại ở đây?
– Hẳn rồi. Mà chạy việc lắm.
– Còn cảnh sát thì.
– Uỷ ban Trung ương bảo đảm trật tự và định ra quy chế, lại còn ủy ban Phụ nữ nữa. Họ sẽ đến gặp mẹ anh. Họ chăm lo đến trẻ con và các đơn vị sức khoẻ. Nếu mẹ anh không làm việc, bà sẽ trông nom con cái của những bà có việc làm. Họ làm, công việc vá may và có một nữ hộ lý tới, chỉ bảo cho họ. Đại loại một mớ những công việc như vậy
– Thật sự là không có cảnh sát hay sao?
– Cái đó thì tôi bảo đảm. Không có lệnh bắt ai thì cảnh sát không có quyền vào đây.
– Nhưng cứ giả dụ có một thằng cha ba bửa, uống say bét nhè và thèm đánh lộn… thế thì sao?
Người gác đêm đút chiếc bút chì vào trong tập giấy cầm tay.
– Thì thế này, lần đầu tiên, ủy ban nhắc nhở y, lần thứ hai cảnh cáo y nghiêm khắc. Và lần thứ ba tống y ra ngoài.
– Lạy Chúa, có thể thế được sao! Tôi chưa dám tin. Hồi hôm có một toán cảnh sát cùng những thằng khác đầu đội mũ nồi đã đốt trại bên bờ sông.
– Chúng không chõ mũi vào đây đâu. Một số tối, có nhiều người canh gác dọc bờ rào, nhất là tối nào có khiêu vũ.
– Khiêu vũ ư? Lạy Chúa! – Tối thứ bảy nào cũng có khiêu vũ, mà lại tuyệt nhất ở xứ này.
– Ôi! Mẹ kiếp? Đã thế tại sao lại không tổ chức thêm những trại như thế này?
Gương mặt người gác đêm nom rầu rầu:
– Cái đó thì tự anh phải tìm hiểu lấy. Thôi đi ngủ!
– Ngon giấc – Tom nói – Chắc Mẹ tôi sẽ thích chỗ này lắm. Đã lâu lắm rồi bà không được đối xử như con người.
– Ngủ ngon. Cố mà ngủ. Ở đây, người ta hay dậy sớm.
Tom ra về giữa hai dãy lều. Mắt anh quen dần với ánh sáng sao. Anh thấy các lều căng có hàng có lối ngay ngắn và xung quanh không có rác rưởi bẩn thỉu. Lối đi ở giữa được quét dọn và tưới nước. Từ trong lều, vẳng ra tiếng ngáy của những người đang ngủ. Cả trại đều vang tiếng ngáy o o cùng loạt. Tom đi thong thả. Tới chỗ Trạm vệ sinh số bốn, anh ngắm nhìn nó một cách tò mò. Đó là một căn nhà gỗ không sơn, thấp và cất thô sơ. Dưới một chái nhà, thồng rỗng ở hai đầu, có từng dãy bồn rửa mặt. Gần đấy là chiếc xe của gia đình Joad. Bạt đã được căng và bên trong yên lặng. Một bóng người tách ra khỏi bóng xe cam nhông và tới gặp anh.
Mẹ nói khẽ:
– Con đấy hở Tom?
– Vâng.
– Suỵt, cả nhà đang ngủ. Họ mệt rũ
– Mẹ nữa, đáng lý Mẹ cũng phải ngủ rồi.
– Mẹ muốn đợi con. Con nghĩ là có ổn không?
– Tuyệt vời. Con chưa muốn nói gì cho Mẹ biết. Sáng ngày mai Mẹ sẽ biết. Mẹ sẽ thích.
Mẹ thì thầm:
– Nghe nói có nước nóng chứ?
– Vâng, bây giờ mẹ đi ngủ đi. Đã bao nhiêu lâu mẹ không được ngủ.
Mẹ năn nỉ:
– Có điều gì mà con không chịu nói cho hay?
– Không. Mẹ đi ngủ đi.
Đột nhiên bà nũng nịu như thời kỳ còn con gái:
– Mẹ ngủ làm sao được hở con, nếu mẹ cứ phải nghĩ tới những gì con không muốn cho mẹ biết.
– Không, mẹ đừng nghĩ ngợi gì. Sáng mai thật sớm, mẹ phải thay áo khác, rồi mẹ sẽ biết.
– Mẹ không thể ngủ được vì cái bí mật đang treo lơ lửng trên đầu Mẹ.
– Mẹ phải đi ngủ. – Tom cười rất vui vẻ – Nhất định Mẹ phải đi ngủ.
– Con ngủ ngon. – Mẹ nói khe khẽ.
Rồi Mẹ khom mình lách vào trong chiếc lều tối om.
Tom bước qua tấm ván phía sau xe. Anh nằm trên sàn xe, đầu kê trên hai bàn tay đan lại và hai cẳng tay áp sát mang tai. Đêm trở nên mát dịu hơn. Tom cài khuy áo và nằm xuống lại. Trên nền trời sao lấp lánh với ánh sáng đậm và tinh khiết.
Lúc anh tỉnh giấc thì trời hãy còn tối. Tiếng động nhẹ của kim khí đã làm anh chợt tỉnh dậy. Tom lắng tai nghe ngóng, và một lần nữa nghe tiếng sắt va chạm nhau leng leng. Anh cựa quậy chân tay tê cóng và rùng mình vì khí lạnh ban mai. Trại đang còn ngủ yên. Tom ngồi lên nhìn qua thành xe. Ở phía đông, các dãy núi tắm trong một thứ ánh sáng xanh thẫm và trong khi anh đang nhìn, thì ánh sáng yếu ớt của buổi sáng tinh mơ rạng lên sau dẫy núi, các ngọn núi đều nhuốm một màu đỏ nhạt, càng lạnh hơn, xám hơn, sẫm hơn khi ánh sáng càng tỏa lên cao cho tới một vùng ở chân trời phía tây thì hoà lẫn vào bóng đêm. Phía dưới kia, trong thung lũng, đất nhuốm màu xám nhạt của buổi rạng đông. Tiếng kim khí lại nghe lích kích. Tom đưa mắt nhìn về phía dãy lều dài màu xám có phần sáng hơn mầu đất. Gần một chiếc lều, anh thấy một ánh lửa màu vàng cam lọt qua khe hở của một chiếc chảo gang cũ. Một làn khói xám phụt ra trên đầu ống thông khói. Tom nhảy xuống xe và từ từ tiến đến chỗ bếp lò. Anh nom thấy một thiếu phụ đang bận rộn quanh lửa, anh thấy cô ta bế một bé sơ sinh trong vòng cánh tay và đang cho nó bú, đầu đứa bé rúc vào dưới yếm. Người thiếu phụ vẫn bận rộn, quạt lửa, gạt các ống sắt đi để lửa bén thêm, trong lúc đó đứa bé vẫn bú chép chép và bà mẹ khéo léo chuyền nó từ cánh tay này sang cánh tay khác. Đứa bé không làm vướng công việc của bà mẹ trẻ cũng như không cản trở động tác nhanh và duyên dáng của bà. Lửa màu vàng cam liếm ra ngoài các khe hở của bếp lò và chiếu trên mái lều những ánh nhảy múa chập chờn.
Tom lại gần. Anh ngửi thấy mùi mỡ rán và bánh nướng. Ở đây, ánh sáng lan tràn nhanh chóng. Tom tiến lại gần bếp lò và hơ tay sưởi. Người thiếu phụ nhìn anh và gật đầu khiến đôi bím tóc lắc mạnh. – Chào anh. – Cô vừa nói, vừa đảo mỡ trong chảo.
Cửa lều vén lên và một anh thanh niên bước ra theo sau là một người già hơn. Họ mặc áo quần vải trúc bâu xanh, còn mới, hồ còn cứng, có những chiếc khuy đồng bóng loáng. Khuôn mặt họ xương xẩu, rất giống nhau. Người trẻ hơn có chòm râu màu nâu còn người già, thì chòm râu xám. Đầu và mặt họ hãy còn ướt đẫm, nước từ tóc râu chảy xuống, và má của họ bóng loáng. Cả hai cùng dừng lại, bình thản nhìn về phía đông sáng bừng, họ cùng ngáp và nhìn ánh sáng trên các ngọn núi. Tiếp đó họ quay lại và nom thấy Tom:
– Chào anh. – Người nhiều tuổi hơn nói. Gương mặt của ông bình thản, không lộ vẻ thiện cảm hay ác cảm.
– Chào bác, chào anh.
– Chào anh – người trẻ tuổi nói.
Mắt họ đã khô ráo dần. Họ đi lại phía bếp lò để hơ tay.
Người thiếu phụ vẫn tiếp tục công việc. Có một lúc cô đặt đứa bé xuống, lấy dây buộc tóc và khi cô cử động thì hai bím tóc lại giật giật, đung đưa. Cô đặt trên một chiếc hòm to những chiếc đĩa bằng sắt tây, thìa và nĩa. Rồi cô múc thịt rán còn ngập trong mỡ, bỏ vào một đĩa thiếc to, thịt còn kêu lèo xèo trong khi co lại. Cô mở cánh cửa bếp lò, lôi ra một khay vuông đựng những chiếc bánh quy nở phồng.
Mùi bánh nóng toả ra thơm phức và hai người đàn ông hít thật mạnh. Anh thanh niên kêu khe khẽ:
– Lạy Chúa!
Ông già quay về phía Tom:
– Anh ăn sáng chưa?
– Thưa… chưa. Nhưng gia đình tôi hiện đang ở đây kia. Cả nhà chưa ai dậy, cần ngủ lấy lại sức.
– Ồ, vậy thì ngồi ăn với chúng tôi. Còn đủ chán. – Xin tạ ơn Chúa!
– Bác và anh chị tử tế quá, – Tom nói. – Thức ăn thơm thế này, có lẽ tôi không thể từ chối được.
– Đúng là thơm thật chứ, nhỉ? – Anh thanh niên nói – Anh đã ngửi thấy thứ gì ngon như thế này chưa?
Họ lại bên chiếc hòm và ngồi xuống xung quanh.
– Anh làm việc quanh đây? – Anh thanh niên hỏi.
– Chúng tôi có ý định thế. – Tom nói. – Chúng vừa mới tới khi đêm. Chưa có dịp đi quanh vùng xem sao.
– Chúng tôi đã làm việc được mười hai ngày. – Anh thanh niên nói:
Vừa hối hả quanh bếp lò, người thiếu phụ nói:
– Thậm chí hai cha con còn sắm được quần áo mới.
Cả hai người nhìn bộ trúc bâu mới và mỉm cười, có hơi ngượng nghịu. Người thiếu phụ mang tới đĩa thịt áp chảo, bánh bích qui to mầu nâu, một bát nước mỡ và một bình cà phê, rồi tiếp đó cô ngồi xổm gần bên cái hòm. Đứa bép vẫn bú, đầu rúc xuống dưới yếm. Ai nấy cho đầy thức ăn vào đĩa, rưới nước mỡ lên bích quy và cho đường vào cà phê.
Người nhiều tuổi ăn đầy mồm, nhai ngồm ngoàm và nuốt lấy nuốt để.
– Lạy Chúa quyền uy! Ngon quá!
Rồi ông lại nhai đầy mồm.
Anh thanh niên nói:
– Mười hai ngày nay chúng tôi đều ăn ngon. Mười hai ngày không ai phải nhịn một bữa ăn. Chúng tôi có việc làm, lĩnh tiền công và ăn no thì thôi.
Anh lại yên lặng và bỏ thức ăn đầy đĩa, gần như cuồng nhiệt. Họ uống cà phê nóng bỏng, gạt cặn xuống đất rồi lại rót đầy tách.
Bây giờ ánh sáng đã nhuốm màu đỏ nhạt.
Hai cha con ngừng ăn. Họ ngồi ngoảnh về phía đông và ánh hoàng hôn chiếu sáng gương mặt họ. Bóng núi và ánh sáng trên núi phản ánh trong mắt họ. Hai cha con hắt cà phê xuống đất và đứng lên cùng một lúc. Ông già nói:
– Đến lúc phải đi rồi.
Anh thanh niên quay về phía Tom:
– Này anh, chúng tôi đang đặt ống dẫn. Nếu anh muốn đi cùng chúng tôi, có thể họ sẽ thuê anh chúng tôi có thể nói giùm.
– Ôi, bác và anh tử tế quá. Mà tôi còn rất cảm ơn về bữa sáng.
– Rất mừng là có anh, – Người lớn tuổi nói. – Nếu anh ưng thì chúng tôi cố sao anh có việc làm.
– Ôi thế tôi còn muốn thế nào nữa? – Tom nói – xin đợi tôi một chút để kịp báo với gia đình.
Anh vội chạy về lều nhà và cúi xuống nhìn vào bên trong. Trong bóng tối, dưới tấm bạt, anh nom thấy hình thù của những người nằm ngủ. Nhưng có cái gì khẽ động đậy trong đám chăn. Ruthie chui ra, oằn oèo như con rắn, tóc phủ lút mắt, áo nhàu nát. Nó thận trọng bò ra rồi đứng lên. Sau một đêm nghỉ ngơi, mắt nó trong sáng và bình thản chứ không còn vẻ tinh quái nữa. Tom tránh ra xa lều, ra hiệu cho nó đi theo. Lúc anh quay lại nó ngước mắt nhìn anh:
– Trời ơi là trời, em nhớn mau quá đấy. – Anh nói.
Nó quay mặt đi, đột nhiên thấy ngượng.
– Nghe nhé, – Tom nói – Nhất là đừng đánh thức ai, nhưng khi họ dậy, em nói là có lẽ may ra anh tìm được việc làm, và anh đi xem sao, Nói với Mẹ là anh đã ăn với láng giềng rồi. Em hiểu kỹ chứ?
Ruthie gật đầu và quay đi, đôi mắt của nó bây giờ là mắt đứa con gái bé nhỏ. Tom dặn theo:
– Nhớ nhất là đừng đánh thức ai dậy.
Anh vội vã đến gặp các bạn mới. Ruthie rón rén đến Trạm vệ sinh và thò đầu qua cánh cửa hé mở.
Khi Tom tới nơi thì hai người đang đợi anh. Người thiếu phụ trẻ đã lôi một tấm nệm ra ngoài đ ặt đứa bé sơ sinh nằm xuống rồi rửa chén đĩa.
Tom nói:
– Tôi muốn báo cho gia đình biết tôi đi đâu. Họ ngủ chưa dậy. Cả ba người bước dọc lối đi chính, giữa các dãnh lều.
Trại bắt đầu hoạt động trở lại. Phụ nữ nhóm bếp, cắt thịt, ngào bột làm bánh ăn trong ngày. Còn đàn ông thì hối hả quanh các lều và xe hơi. Trời nhuốm màu hồng. Trước văn phòng, một ông già gầy gò đang cẩn thận cào đất, kéo cái bừa cào thành những luống sâu và thẳng.
– Làm việc sớm quá vậy, Bố già? – Anh thanh niên nói khi đi ngang qua.
– Ờ, ờ, Lão phải làm để trừ tiền thuê trại.
– Bố cứ nói thế! – anh thanh niên nói, rồi ngoảnh sang phía Tom – Thứ bảy trước lão say mềm. Hát hỏng suốt đêm trong lều. Ủy ban bắt phải làm lao động.
Bây giờ họ đi trên con đường nhựa, hai bên trồng bồ đào. Mặt trời nhô lên trên dãy núi.
Tom nói:
– Kể cũng ngộ. Cháu đã ăn với bác mà lại không xưng tên, bác cũng không cho cháu biết tên. Cháu là Tom Joad.
Ông già nhìn anh và khẽ cười mỉm.
– Anh ở California chưa lâu phải không?
– Được hai hôm nay.
– Tôi cũng đoán thế. Kỳ cục thật, người ta để mất thói quen xưng tên xưng tuổi. Chả là đông người quá, khiếp đi được. Toàn người là người mà…thế này, tôi là Timothy Wallace,. còn đây là Wilkie, con tôi.
– Rất hãnh diện được làm quen với bác và anh. Nhà ta ở đây đã lâu chưa?
– Mười tháng. – Wilkie đáp – Chúng tôi tới đây đúng sau các trận lụt năm ngoái. Lạy Chúa! Lúc đó sao mà gay go, gay go quá anh ạ! Gần chết đói anh ạ.
Gót giầy của họ nện lộp bộp trên đường nhựa. Một chiếc xe chở đầy người đi qua, ai nấy đều có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, họ bám chặt vào thành xe và nhíu mày, vẻ mơ màng.
– Toán thợ của Công ty Hơi đốt, – Timothy nói – Họ tìm được việc làm tốt lắm.
– Lẽ ra tôi nên đưa xe nhà tôi đi. Tom nói.
– Thôi.
Timothy cúi xuống nhặt một quả bồ đào xanh. Ông lấy ngón tay cái mân mê, rồi ném một con chim đang đậu trên một bờ rào bằng dây thép. Con chim bay vụt lên, trở lại đậu trên cành rào, bình thản rỉa bộ lông đen bóng loáng.
Tom hỏi:
– Thế bác không có xe hơi?
Hai cha con Wallce nín lặng và Tom nhìn họ thấy họ xấu hổ. Wallce nói:
– Chỗ làm cách xa đây có một dặm thôi.
Timothy đáp lại một cách giận dữ:
– Không… không có xe hơi. Bán mất rồi. Cực chẳng đã. Hồi đó không có gì ăn, thiếu thốn đủ vành. Không có cách nào tìm được công ăn việc làm. Tuần lễ nào cũng có những tay đi qua mua xe hơi. Chúng cứ đi bâng quơ như vậy và nếu thấy mình đói, chúng sẽ mua xe của mình. Thấy mình thì chả có thứ gì để nhá, chúng gần như là lấy không. Mà chúng tôi… thì đang đói, đang đói. Nên khi chúng trả mười đôla… – Ông nhổ xuống đường. Wilkie bình tĩnh nói: – Tuần qua, tôi đã đến Bekersfield thấy nó nằm ngay ở một trại Ô tô cũ….ngay chính giữa, có gắn một cái biển ghi bảy mươi lăm đô la.
– Chúng tôi không thể làm khác được, – Timothy nói. – Hoặc giả chúng tôi để họ đánh cắp xe chúng tôi, hoặc chúng tôi đánh cắp thứ gì của họ, chúng tôi chưa đến nỗi phải anh trộm ăn cắp nhưng mẹ kiếp… cũng sắp phải thế thôi.
Tom nói:
– Trước khi bỏ nhà ra đi, người ta nói với chúng tôi ở đây có nhiều việc làm. Tôi đã thấy những tờ quảng cáo yêu cầu công nhân.
– Ờ chúng tôi cũng thấy. Nhưng việc làm thì chả có nhiều đâu. Thêm vào đó tiền công cứ sụt xuống luôn. Phải nghĩ nát óc để cố tìm kiếm miếng ăn, mẹ kiếp! Tôi đã chán ngấy ra rồi.
– Nhưng ngay lúc này, bác có việc làm – Tom nói.
– Đúng thế, nhưng rồi cũng chẳng lâu đâu. Chúng tôi làm công cho một người tử tế. Y có một ấp nhỏ. Cùng làm việc với chúng tôi. Có điều, rồi anh xem, chả lâu gì đâu, mẹ kiếp!
– Nhưng, lạy Chúa, thế tại sao bác lại muốn họ thuê tôi làm? – Tom hỏi – Có tôi thì việc lại càng ít đi. Tôi không hiểu cớ sao bác lại vì tôi mà để chịu cắt cổ.
Timothy lắc lư cái đầu:
– Chẳng biết sao. Có lẽ vì dại dột! Định mỗi người mua một cái mũ. Chắc chắn là không tài nào mua nổi. Kia, chỗ làm ở kia, về bên phải. Công xá khá: lĩnh ba mươi xu một giờ. Ông chủ tử tế lắm, làm cho ông ta dễ chịu lắm.
Họ rời con đường cái và đi xuống một con đường rải sỏi, băng qua một thửa vườn nhỏ, và sau rặng cây họ tới trước một trại nhỏ màu trắng, có một ít cây to có bóng mát và một kho lúa, sau kho lúa là một vườn nho và một cánh đồng bông. Lúc ba người đi qua trước trại, một cánh cổng có lưới sắt mở ra lách cách và một con người thấp, da rám nắng từ các bậc cửa bước xuống. ông đội một cái mũ bằng giấy bồi, vừa bước ngang qua sân vừa xắn tay áo lên. Cặp lông mày rậm và cháy ánh mặt trời,… cau lại, đôi má rám nắng đỏ như tiết bò.
– Chào ông Thomas. – Timothy nói.
– Chào ông, – Tiếng đáp lại cáu kỉnh.
Timothy nói:
– Đây là anh Tom Joad. Tôi nghĩ chẳng hay ông có thể thuê anh ta làm cùng chúng tôi không.
Thomas cau mày nhìn Tom. Rồi ông bật cười, nhưng đôi mày vẫn cau lại.
– Chắc chắn tôi sẽ thuê y. Tôi thuê tất thảy mọi người, nếu cần tôi thuê trăm người. – Chúng tôi nghĩ rằng… – Timothy nói như để xin lỗi.
Thomas cắt ngang:
– Phải, tôi cũng vậy, tôi đã nghĩ… – Đột nhiên ông ngoảnh phắt lại, nhìn thẳng vào họ – Tôi có nhiều điều muốn nói với ông.
– Ngày nào tôi cũng trả công ông ba mươi xu một giờ, đúng không nào?
– Ờ… đúng thế, thưa ông Thomas…. nhưng…
– Và ông làm cho tôi cũng đáng với ba mươi xu – Ông chắp hai bàn tay lai, xiết thật mạnh.
– Chúng tôi cố gắng làm công việc cho tốt. – Timothy nói.
– Đúng, nhưng thế này, từ nay trở đi, các ông chỉ được hai mươi lăm xu một tiếng, lạy Chúa… nhận hay thôi, tuỳ các ông.
Sắc mặt đỏ dừ bèn sầm lại vì tức giận.
Timothy nói:
– Chúng tôi lúc nào cũng cố làm công việc cho tốt. Chính ông cũng nói thế.
– Tôi biết cái đó. Nhưng hình như bây giờ không phải chính tôi đây thuê riêng lấy thợ của tôi.
Ông nuốt nước bọt:
– Ông xem… ông biết tôi có ba mươi acre đất. Ông có nghe nói đến “Hiệp hội các chủ trại” không?
– Có chứ ạ.
– Thì đấy, tôi là hội viên. Tối qua có cuộc họp. Và bây giờ, ông có biết ai đứng đầu “Hiệp hội các Chủ trại” không? Tôi nói ông nghe: Ngân hàng Miền Tây. Chính Ngân hàng làm chủ hầu hết vùng thung lũng, và nó có giấy nợ đối với đất ruộng nào không thuộc sở hữu của nó. Thế là, tối qua, gã đại diện Ngân hàng, hắn nói với tôi thế này:”Hiện nay ông trả công ba mươi xu một tiếng. Tốt nhất là ông cắt giảm xuống hai mươi lăm xu”. “Tôi có thợ của tôi tốt lắm, họ đáng được ba mươi xu’. Tôi trả lời thế. Và hắn nói: “Từ nay, tiền công là hai mươi lăm xu. Nếu ông trả ba mươi xu, ông chỉ gây xáo trộn. À mà này. – Hắn nói – ông có cần vay như thường năm để làm mùa năm sau không đấy?”
Thomas ngừng lại. ông thở hổn hển:
– Ông hiểu chứ? Giá biểu, hai mươi lăm xu, ông có thích hay không cũng thế thôi.
– Chúng tôi làm việc chu đáo – Timothy nói một cách chán nản.
– Ông còn chưa hiểu hay sao? ông chúa Đại Ngân hàng thuê ba ngàn thợ còn tôi thuê ba người. Tôi có những khoản nợ phải trả. Bây giờ, nếu ông thấy có cách nào khác để chúng ta thoát khỏi bế tắc thì, lạy Chúa, tôi sẽ chấp nhận! Tôi hết đường cựa quậy! Timothy lắc đầu:
– Tôi không biết nói với ông làm sao đây.
– Đợi tôi một chút, – Thomas nói rồi chạy vào trong nhà đóng sầm cửa lại. Nhoáng một lát sau, ông ta đã quay lại, tay cầm một tờ báo.
– Ông trông thấy tờ báo này chưa? Chờ tí, tôi đọc cho ông nghe: “Bất bình vì những mưu mô phá rối của bọ Đỏ, dân thành thị đã đốt một trại của thợ làm theo mùa. Đêm hôm trước, một nhóm thanh niên tức giận trước sự khuấy động tiếp diễn trong một trại của bọn thất nghiệp ở địa phương, đã đốt trụi các lều của chúng và cảnh cáo bọn quấy rối là phải rời ngay khỏi quận..
– Nhưng tôi… – Tom nói nhưng rồi anh im bặt. Thomas cẩn thận gập tờ báo bỏ vào túi. Ông ta đã dần lòng tự chủ được. ông nói một cách bình tĩnh:
– Chính Hiệp Hội đã phái những người đó tới. Giờ thì các ông biết chuyện rồi đây. Và nếu không may mà họ biết được là tôi đã hở chuyện ra với các ông, thì sang năm tôi sẽ không có trại để trồng trọt nữa.
– Thật tình tôi chẳng biết nói thế nào. – Timothy nói – Nếu quả có bọn xúi giục thì việc họ tức giận là cũng dễ hiểu.
Thomas nói:
– Từ lâu, tôi đã thấy được tại sao có chuyện này. Bao giờ cũng vậy, trước khi cắt giảm tiền công là người ta lại nói đến bọn xúi giục đó. Không trật được. Biết làm thế nào được? Tôi đã sa vào bẫy của họ rồi. Tôi bị kẹt. Lạy Chúa! Bây giờ, ông quyết định thế nào? Hai mươi lăm xu chứ?
Timothy nhìn xuống đất:
– Tôi xin làm.
– Tôi cũng vậy.
Tom nói:
– Hình như tôi đang chui vào cái gì đó. Tôi cũng xin làm. Tôi cần có việc làm.
Thomas rút ở túi sau ra một chiếc khăn tay kẻ ô vuông, lau miệng và cằm:
– Tình trạng này, tôi không biết nó còn kéo dài mãi đến bao giờ. Ôi không biết ông làm thế nào để nuôi cả một gia đình với công sá như lúc này.
– Hễ còn việc làm thì còn có thể được. – Wilkie nói – Chỉ khi nào không có việc…
Thomas xem đồng hồ.
– Thôi, ta làm đi. Và lại đào rãnh. Ô! Mặc kệ! Tôi sẽ nói tất tật với các ông. Cả ba ông, ở trong trại của chính phủ, phải không?
Timothy đớ người:
– Vâng, thưa ông.
– Và tối thứ bẩy, các ông có khiêu vũ?
Wilkie mỉm cười:
– Cái đó thì có.
– Vậy thì, tối thứ bẩy tới, phải cẩn thận.
Bất thình lình Timothy đứng thẳng người lên, lại gần Thomas.
– Ông định nói gì vậy? Tôi là thành viên ủy ban Trung ương. Tôi phải biết.
Thomas có vẻ lo lắng:
– Nhất là đừng để ai biết là tôi đã nói với ông.
– Về chuyện gì vậy? – Timothy nói một cách cương quyết.
– Chuyện thế này, Hiệp hội không thích các trại của chính phủ. Cảnh sát không thể phái người tới đó được. Những người ở trong trại, tôi nghe nói tự bảo đảm lấy trật tự ở đấy và không thể bắt một ai mà không có giấy tầm nã. Vậy giả dụ có một trận ẩu đả lớn và có thể có súng nổ nữa… Lúc đó một toán cảnh sát sẽ xông vào can thiệp đuổi sạch tất cả ra khỏi trại.
Timothy thay đổi hẳn. ông nhô thẳng vai, mắt lạnh lùng:
– Ông nói thế là thế nào?
– Nhất là ông đừng kể với ai là tôi nói, – Thomas dặn lại, vẻ bứt rứt – Tối thứ bẩy tới sẽ có một cuộc ẩu đả trong trại. Và cảnh sát sẽ có mặt ở đây sẵn sàng để xông vào.
Tom hỏi:
– Nhưng, lạy Chúa! Sao lại thế? Những người ở trại có làm hại ai đâu.
– Tôi sẽ nói ông biết tại sao. Thế này, những người trong trại bắt đầu quen được đối xử như những con người. Khi họ trở lại các trại khác, họ không để người ta muốn làm gì họ, tuỳ ý.
Một lần nữa, ông lại thấm mồ hôi mặt.
– Thôi, bây giờ ta đi làm, Lạy Chúa, quý hồ tôi không mất trại của tôi vì đã dại dột nói toẹt ra. Nhưng biết sao được, tôi quí mến các ông mà!
Timothy tiến lên đứng đối diện với ông ta và chìa ra một bàn tay xương xẩu rắn rỏi và Thomas xiết chặt bàn tay đó.
– Không một ai biết là ông đã báo cho chúng tôi. Chúng tôi xin cảm ơn ông. Sẽ không có ẩu đả.
– Đi làm việc thôi. – Thomas nói. – Mà hai mươi lăm xu nhé.
– Chúng tôi xin nhận, cứ coi như là do ông định.
Thomas bỏ đi về phía nhà.
– Trong chốc lát tôi sẽ trở lại, – ông ta nói – cứ làm đi. – Rồi cánh cửa đóng sầm lại sau lưng ông ta.
Cả ba người đi qua trước nhà kho nhỏ quét vôi rồi đi dọc theo bờ cánh đồng. Họ đến trước một cái hào dài, miệng rất hẹp trên đó nằm lăn lóc các đoạn ống xi măng.
– Công trường của chúng ta đây – Wilkie nói. Ông bố mở cửa kho, trao cho họ hai chiếc cuốc và một cái xẻng. ông nói với Tom: – Người đẹp của anh đây.
Tom cầm cuốc nhấc lên và kêu tướng:
– Ôi! Cha mẹ ơi! Cầm cái cuốc sao mà thú vị thế này.
– Hãy đợi cho tới mười một giờ đã, – Wilkie nói. Lúc đó anh sẽ thấy thú vị đến thế nào.
Họ đi tới đầu hào. Tom cởi áo ngoài, ném lên bờ, trật mũ ra và bước xuống. Rồi anh nhỏ nước bọt xoa tay, chiếc cuốc vung lên rơi xuống lấp loáng ánh thép. Tom khẽ hầm hừ. Chiếc cuốc vung lên hạ xuống; mỗi lúc chiếc cuốc bổ sâu vào đất làm đất rã ra từng mảng thì anh lại lầm bầm.
– Bố này., – Wilkie nói – Bố xem, chúng ta có một anh thợ đất lành nghề số một đấy. Chắc anh chàng này với cái cuốc nhỏ kia, đẹp đôi đấy chứ bố nhỉ?
Tom nói:
– Học cuốc đất bao nhiêu lâu (hà!). Hàng năm hàng năm chứ chơi đâu (hà!). Đúng thế đấy, bác à (hà!).
Đất lở vụn ra trước mặt anh. Mặt trời lấp lánh qua những lùm cây ăn quả, tô vàng lên màu xanh lá cây nho. Đã đào dài sáu bộ, Tom bước tránh ra thấm thấm mồ hôi trán. Wilkie thay phiên cho anh. Chiếc xẻng giơ lên, hạ xuống, đất hất đi, đống đất ở bờ càng ùn lên cao và kéo dài thêm.
– Tôi có nghe nói đến ủy ban Trung ương – Tom nói – Thế ra bác ở trong đó à?
– Hẳn rồi, – Timothy nói – Một trách nhiệm. Trách nhiệm với tất cả mọi người. Chúng tôi làm hết sức mình. Mà mọi người ở trại cũng đều làm hết sức mình. Có điều, tôi mong sao bọn trại chủ lớn kia không gây tai hoạ cho chúng ta như vậy. Được thế thì phúc biết mấy.
Tom lại nhảy xuống hào. Wilkie nhường chỗ cho anh. Tom nói:
– Vậy còn cái chuyện ẩu đả (hà) ở buổi khiêu vũ mà ông ta nói vừa rồi (hà!) họ muốn kiếm chuyện gì vậy (hà)?
Timothy theo sau Wilkie, và chiếc xẻng của Timothy san đáy hào cho phẳng để dễ đặt ống dẫn. Ông nói:
– Có vẻ như chúng quyết đuổi chúng ta đi. Chúng sợ chúng ta tổ chức lại. Mà chúng sợ thì kể ra cũng có lý. Trại của chúng ta là một tổ chức không hơn không kém. Mọi người tự cai quản lấy nhau. Chúng tôi có một dàn nhạc dây hay nhất trong vùng, lại có một số tiền nhỏ ký gửi ở cửa hàng để bán chịu cho những ai bị túng bấn. Năm đô la; người ta có quyền mua tới năm đô la thức ăn. Trại bảo hiểm cho họ. Chúng tôi không hề có chuyện rắc rối với luật pháp. Tôi cho rằng chính cái đó khiến những tay đại điền chủ đều sợ. Họ không thể bắt chúng ta bỏ tù được – thế là họ phát hoảng. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể tự cai quản lấy nhau thì chúng ta cũng có thể làm những chuyện khác.
Tom bước ra khỏi hào, lau mồ hôi đang chảy xuống mắt.
– Bác đã nghe báo chí nói gì về những kẻ xúi giục ở trên đó, ở Bekersfield, chứ?
– Rồi, – Wilkie đáp, – Lúc nào họ chả nói thế.
– Thế này! Tôi đã ở đấy. Chằng có kẻ nào xúi giục hết. Nghĩa là bọn đỏ, như họ nói ấy mà, mà thử hỏi, bọn đỏ là bọn thế nào vậy?
Timothy san phẳng một ụ đất nhỏ trong đáy hào. Những sợi râu bạc của ông lởm chởm óng ánh dưới ánh mặt trời.
– Có ối kẻ muốn biết bọn đỏ là thế nào, – ông bắt đầu cười. – Một người trong bọn chúng tôi đã khám phá ra điều đó – bằng những nhát xẻng ông san phẳng cẩn thận đống đất – Chuyện thế này: một lão tên là Hines, có khoảng đâu mười lăm ngàn mẫu đào và nho và một xưởng làm đồ hộp, một máy ép nho. Lão ta luôn mồm kêu về “bọn đỏ khốn kiếp” đó. Lão nói: “Cái bọn đỏ khốn kiếp, chúng sẽ đưa cả xứ này đến chỗ bại vong”, lại thế này: “Phải tống cổ bọn đỏ đi, cái bọn đồ chó đẻ ấy mà”. Có một anh chàng vừa mới đặt chân tới miền Tây đang đứng đó nghe được, và anh ta bèn gãi đầu gãi tai hỏi: “Thưa ông Hines, tôi tới đây chưa được bao lâu, tôi không được biết, thế cái bọn đỏ ấy ra là bọn nào vậy? ” Lão Hines nói với anh ta như vầy: “Thằng đó là bất cứ thằng con nhà điếm nào đòi ba mươi xu một giờ trong lúc người ta trả cho hắn mười lăm xu!” Thế là anh chàng kia lại có vẻ suy nghĩ một chút, gái đầu gãi tai rồi nói: “Nhưng lạy Chúa! Thưa ông Hines, tôi thì chả phải con nhà điếm nhà điếc gì cả, nhưng nếu như thế là đỏ thì tôi đây, tôi cũng muốn ba mươi xu một giờ. Tất cả mọi người đều muốn thế. Mẹ kiếp, người ta đều là đỏ tất tật, ông Hines ạ”
Timothy đẩy cái xẻng trên đáy hào, và mỗi khi lưỡi thép xúc qua, đất cứng lại bóng lên.
Tom cười phá:
– Đã thế tôi cũng là đỏ.
Chiếc cuốc của anh vạch một đường cong trong không khí rồi bổ xuống. Đất nứt bị chẻ ra. Mồ hôi chảy như suối trên trán, dọc sống mũi và lấp lánh phía sau gáy anh.
– Mẹ kiếp, – anh nói – cuốc là một dụng cụ tốt (hà!) nếu mình không gây gổ với nó (hà!)- chỉ cần đồng tâm cùng nhau mần việc (hà!).
Kẻ phía trước, người phía sau, ba người làm việc liền tay, con hào dài thêm từng tấc từng tấc một, mặt trời mỗi lúc lên cao và mỗi lúc càng toả khí nóng xuống họ…
Sau khi Tom đã rời nó, còn Ruthie vẫn còn đứng im một lúc để nhìn vào Trạm Vệ sinh. Không có thằng Winfielđ ở đấy để nó loè, nó thấy cũng không có đủ can đảm. Nó đặt bàn chân không lên nền ximăng, rồi rụt chân lại. Cách đây không xa, có một phụ nữ ở lều đi ra và đang chuẩn bị nhóm lửa trong một cái lò dã chiến. Ruthie đi vài bước về phía đó, nhưng không sao có thể rứt khỏi Trạm Vệ sinh. Nó bò vào tới cửa lều nhà nó và nhìn vào trong. Một bên thì chú John nằm dài dưới đất, miệng há hốc sùi rớt dãi, cổ họng để thoát ra những tiếng ngáy và tiếng khè khè. Al nằm ở bên đối diện, tay vất lên mắt. Mẹ và Bố đắp một cái mền phủ lên đầu để che ánh sáng. Rosasharn và Winfield nằm gần cửa vào, sau đó là chỗ nằm bỏ trống của Ruthie, phía sau Winfield. Nó ngồi xổm xuống và đôi mắt dán vào đám tóc rối bù của thằng em. Thằng này chợt tỉnh dậy, mở mắt thao láo và nó nhìn con chị với vẻ nghiêm trang. Ruthie đưa một ngón tay lên môi và bàn tay kia ra hiệu cho thằng em đi theo. Winfield đảo mắt nhìn về phía Rosasharn; cô nằm ngủ miệng hé mở, đôi má hồng áp gần sát mặt thằng bé. Winfiela nâng nhẹ chăn lên và luồn ra. Nó rón rén bò ra khỏi lều và đến với Ruthie, hỏi thì thầm:
– Mày dậy lâu chưa?
Đề phòng một cách quá đáng, Ruthie lôi thằng em ra một chỗ và lúc đoán chừng không ai nghe thấy được, con chị mới đáp:
– Tao chả ngủ nghê gì. Cả đêm tao chả nằm tí nào.
– Không phải. Đồ nói điêu, dơ lắm.
– Được rồi nhé! Tao là con nói điêu, đừng hòng tao kể cho mày nghe chuyện gì đã xảy ra. Tao không nói cho mày biết tại sao người ấy lại bị giết bằng con dao nhọn, và có một con gấu đến bắt đứa bé như thế nào.
– Làm gì có gấu, – Winfiela nói và đã nao núng. Nó lấy tay vuốt tóc và xóc lại chiếc quần yếm.
– Đúng… đúng, làm gì có gấu, – Ruthie nói một cách châm biếm – Mà cũng là gì có những vật trăng trắng như cái đĩa vẽ trong các cuốn mẫu hàng.
Winfield nhìn con chị với vẻ nghiêm trang, chỉ về phía Trạm Vệ sinh và hỏi.
– Ở trong kia à?
– Ờ, tao là đứa nói điêu bẩn thỉu mà. Tao chả dại gì mà đi kể với mày.
– Ta vào trong ấy xem đi.
– Tao đã vào trong đó rồi – Tao đã ngồi lên đó.
Lại còn đái lên đó nữa kia.
– Không, mày chưa bao giờ vào đấy.
Chúng đi đến Trạm Vệ sinh, và lúc này Ruthie không thấy sợ nữa. Nó bạo dạn dẫn đường vào ngôi nhà. Ở một bên căn phòng lớn, có một dãy buồng cầu tiêu, mỗi buồng có cửa riêng biệt. Men sứ trắng bong. Ở phía tường đối diện có những chậu rửa mặt trong khi ở tường thứ ba có bốn buồng tắm có vòi sen. Ruthie bảo:
– Kia là những cầu tiêu. Tao đã thấy trong quyển mẫu hàng.
Hai đứa lại gần một trong các buồng cầu tiêu. Để tỏ ra ta đây bạo dạn, Ruthie vén váy ngồi xuống.
– Tao đã bảo là tao đã tới đây rồi. – Nó nói, và như để chứng tỏ điều đó, nghe có tiếng nước chảy lanh tanh trong hố tiêu, Winfield lúng túng. Tay hắn nắm giệt cái đòn bẩy xối nước. Nước chảy ào ào Ruthie nhảy bật lên và chạy ra xa. Nó và Winfield đứng ở giữa căn phòng và nhìn vào buồng cầu tiêu. Nước vẫn xả xuống hố.
– Tại mày, – Ruthie nói – Mày làm vỡ nó, tao thấy.
– Đời nào. Thế là không đời nào.
– Tao thấy mà. Có cái gì đẹp đem chỉ cho mày là mày phá ngay, không tin được.
Winfield xịu mặt xuống. Nó ngước nhìn Ruthie và nước mắt đầy tròng. Cằm nó run run. Và ngay liền đó. Ruthie thấy hối hận: – Đừng lo. Tao không mách đâu. Chúng mình cứ coi như nó đã hỏng từ trước rồi. Cứ nói là chúng mình chưa hề vào đây.
Nói vậy rồi nó đẩy thằng em đi ra.
Mặt trời bây giờ đã ló ra 1 trên các ngọn núi, chiếu sáng xuống các mái tôn của năm Trạm Vệ sinh, chiếu sáng xuống các dãy lều xám và xuống các lối đi nằm giữa các dãy lều đã được quét dọn sạch sẽ. Trại đang thức dậy. Lửa cháy trong các bếp lò dã ngoại làm bằng thùng xăng cũ và bằng các mảnh kim khí. Không khí đượm mùi khói. Cửa rèm được vén lên và người qua lại trên các lối đi. Đứng trước cửa lều nhà mình, bà mẹ đảo mắt nhìn. Bà nom thấy tụi trẻ con và đi lại phía chúng.
– Tao đang lo không biết chúng mày đi đâu.
– Chúng con đi xem các nơi.
– Thế anh Tom đi đâu? Mày có thấy anh nó đâu không?
Ruthie làm ra vẻ quan trọng.
– Có, Mẹ ạ. Anh Tom anh ấy đánh thức con dậy và bảo con nói với Mẹ – Nó ngừng nói để mẹ chú ý đến sự quan trọng của nó.
– Thế anh ấy nói gì?
– Anh ấy bảo dặn với mẹ – Nó lại ngừng nói và chờ Winfield phải thán phục nó.
Mẹ giơ tay lên định cốc vào đầu Ruthie: “Dặn gì?”
– Anh ấy tìm được việc làm. – Ruthie đáp – Anh ấy đi làm.
Nó lo lắng nhìn bàn tay của Mẹ, bàn tay đó hạ xuống, nắm lấy Ruthie, ghì chặt lấy vai nó, rồi lại buông ra.
Ruthie lúng túng nhìn xuống đất, và nói lảng sang chuyện khác. – Có nhà vệ sinh ở chỗ kia. – Nó nói. – Trắng toát nhé.
– Chúng mày đã vào đấy ư?
– Con với thằng Winfield – Nó nói và mách lẻo – Thằng Winfield đánh vỡ mặt một hố tiêu.
Winfield đỏ mặt, nhìn Ruthie trừng trừng.
– Nó đái vào trong đó. – Nó nói một cách hằn học.
Mẹ thấy lo lắng:
– Bây giờ chúng mày lại còn giở trò gì nữa? Nói tao coi. Bà lôi hai đứa tới cửa và đi vào trong.
– Nào, chúng mày giở trò gì nào.
Ruthie lấy ngón tay, chỉ:
– Có tiếng xì xì… rào rào. Bây giờ hết rồi.
– Nói tao biết chúng mày đã làm gì?
Winfield miễn cưỡng đi tới hố vệ sinh.
– Con không kéo mạnh, Con chỉ nắm lấy cái này và…
Nước chảy xuống tồ tồ. Nó chạy ra xa Mẹ ngả đầu ra sau cười ngất, còn hai đứa nhìn Mẹ phật ý. Mẹ nói:
– Người ta dội nước như thế đấy. Trước đây mẹ đã thấy rồi. Khi nào đi ngoài xong thì kéo như thế.
Thấy mình dốt nát, hai đứa trẻ xấu hổ quá chừng. Chúng ra ngoài lều và đi tới nhìn xem một gia đình đông người đang ăn sáng bên cạnh lối đi rộng rãi.
Mẹ nhìn theo chúng đi ra ngoài rồi nhìn khắp gian phòng. Bà đi tới chỗ hố vệ sinh và ngó vào trong. Bà bước lại chỗ chậu rửa và đưa ngón tay miết trên sứ trắng. Bà khẽ mở vòi cho nước chảy để ngón tay vào tia nước, và rụt tay lại khi thấy nóng. Bà nhìn cái chậu rửa một lúc và rồi, đậy cái nút ở chậu, bà mở vòi nước lạnh, pha nước âm ấm rửa tay rồi rửa mặt. Bà đang nhúng ngón tay vào nước và chải lên tóc thì bỗng nghe tiếng chân dẫm trên nền ximăng phía sau bà. Bà vội quay phắt lại. Một người đàn ông đứng tuổi đang đứng nhìn bà với vẻ sửng sốt khó chịu. Ông ta nói gắt gỏng; – Sao bà lại vào đây?
Bà nuốt nước bọt, cảm thấy nước chảy từ cằm và thấm qua áo.
– Tôi không biết, – bà nói để biện bạch – Tôi tưởng cái này là để cho mọi người sử dụng.
Người đứng tuổi nhíu lông mày, nghiêm khắc nói:
– Đây là chỗ của đàn ông, – ông ta đi ra cửa và chỉ một cái biển có đề: Đàn ông. – Biển đây này. Rõ ràng thế. Bà không thấy, sao?
– Không, – bà nói, có vẻ xấu hổ – Tôi không hề thấy. Vậy có chỗ nào tôi có thể đến rửa được?
Người đàn ông hết giận, nói dịu dàng hơn:
– Bà vừa mới đến?
– Nửa đêm hôm qua!
– Vậy bà chưa nói chuyện gì với ủy ban ư?
– Ủy ban nào?
– Ở ủy ban phụ nữ.
– Thưa, chưa.
Ông nói một cách hãnh diện:
– Ủy ban sắp tới thăm bà và thu xếp chỗ ở. Chúng tôi săn sóc đến những người mới tới. Bây giờ nếu bà cần một phòng rửa mặt của phụ nữ, bà hãy đến đầu nhà bên kia. Bà cứ tự nhiên như ở nhà.
Mẹ vẫn băn khoăn.
– Ông nói một ủy ban Phụ nữ tới lều chúng tôi sao?
– Sắp thôi, tôi nghĩ thế, – ông ta gật đầu.
– Cảm ơn ông, – Mẹ nói rồi vội vã đi ra và chưa về đến lều đã gọi – Bố nó, chú John, dậy thôi! Al nữa. Dậy và rửa ráy đi.
Những con mắt còn ngái ngủ bừng mở ra nhìn Mẹ ở bên ngoài.
– Ai nấy dậy ngay. Rửa mặt và chải đầu nhanh. – bà giục
Chú John nom xanh xao và như ốm, ở chỗ cằm chú có một vệt thâm tím.
Bố hỏi: “Có chuyện gì vậy?” – Ủy ban. – Mẹ đáp to tiếng – Một ủy ban phụ nữ sắp đến thăm chúng ta. Dậy ngay đi, và rửa ráy nhanh lên. Chúng ta thì nằm ngủ ngáy thoả thuê, còn thằng Tom lại đã đi tìm việc làm. Dậy thôi.
Tuy còn ngái ngủ, họ cũng ra khỏi lều. Chú John hơi lảo đảo và mặt chú nom đau khổ. Mẹ nói như ra lệnh.
– Đến rửa mặt ở nhà đàng kia kìa. Chúng ta phải ăn sáng và sẵn sàng khi ủy ban đến.
Bà bước tới một chồng củi đã chẻ nhỏ ở đống củi dự trữ của trại. Bà nhóm lửa và đặt nồi lên.
– Cháo ngô, – bà thầm nghĩ – Cháo ngô với ít nước mỡ, kể cũng nhanh thôi. Phải nhanh tay mới được.
Cứ thế bà nói một mình trong khi Ruthie và Winfield đứng bên, tỏ vẻ rất ngạc nhiên.
Khói bếp lửa nấu ăn sáng bốc lên khắp trại và tiếng nói chuyện râm ran khắp nơi.
Rosasharn đầu tóc rối bù và mắt ngái ngủ chưa ra khỏi lều. Mẹ đang bốc từng nắm bột ngô bèn quay lại. Bà nhìn quần áo bẩn thỉu nhăn nhúm của cô gái, tóc xoăn rối bời của cô. Bà nói một cách sôi nổi.
– Con phải đi rửa ráy cho sạch sẽ. Lên chỗ kia mà rửa. Áo con, mẹ giặt sạch rồi đấy, thay đi.Cũng chải tóc đi với.
Rosasharn nói một cách buồn bã:
– Con mong Connie trở về. Không có Connie con chẳng thiết làm gì.
Mẹ xoay hẳn người về phía con gái. Bột ngô vàng bắn đầy tay và cổ tay bà. Bà nói nghiêm khắc:
– Rosasharn con phải đứng đắn lên. Nhăn nhó như thế là đủ rồi đấy. Sắp có ủy ban Phụ nữ tới nhà ta. Lúc họ tới đây, họ không chê cười nhà ta được.
– Nhưng con thấy không được khoẻ.
Bà tiến lại chỗ con gái, xoè hai bàn tay dính đầy bột ra, nói: – Này con, có những lúc mà ta cảm thấy điều gì thì cũng hãy giữ lấy trong bụng.
– Con sắp nôn mửa rồi đây này, – cô gái rên rỉ.
– Được, đi nôn mửa đi. Cố nhiên là con sẽ nôn mửa. Ai ai cũng thế. Cho xong đi rồi rửa ráy cho sạch, rửa cả chân cẳng rồi xỏ giầy vào. – Bà quay lại với công việc – Và chải tóc cho gọn ghẽ vào.
Một chảo mỡ sôi xèo xèo trên lửa và mỗi lần bà lấy thìa đổ bột ngô vào thì mỡ bắn ra và kêu lách tách. Với một cái xoong khác, bà nhào bột với mỡ, cho nước với muối vào và trộn đều. Cà phê bắt đầu sôi ở trong bình, mùi cà phê bốc thơm lừng.
Bố từ trạm Vệ sinh lững thững đi về, và Mẹ nhìn Bố với vẻ chỉ trích. Bố hỏi:
– Mẹ mày nói là thằng Tom đã có việc làm?
– Đúng vậy ông ạ! Nó đi trước khi chúng ta dậy.
Bây giờ ông hãy tìm trong hòm kia, lấy một chiếc quần và một chiếc sơ mi sạch. Mà, Bố nó ạ, tôi bận quá chừng. ông dẫn Ruthie và Winfield đi tắm rửa cho chúng. Có nước nóng đấy. Ông làm được chứ, kỳ tai kỳ cổ cho chúng cẩn thận. Phải cho chúng sạch tinh tươm.
– Chưa bao giờ tôi thấy mẹ mày tất tả như vậy.
Mẹ nói:
– Đây là lúc gia đình mình phải tỏ ra tề chỉnh. Đi đường thì không có dịp nào, nhưng bây giờ thì có thể được. Ông vất quần áo bẩn của ông vào trong lều, lát nữa tôi giặt.
Bố đi vào bên trong lều, và một lát sau, ông đi ra với bộ quần áo xanh nhạt, sạch sẽ và chiếc sơ mi. Rồi ông dẫn hai đứa bé tiu nghỉu và ngạc nhiên, đến nhà tắm.
Mẹ gọi với theo:
– Kỳ cọ cho chúng thật sạch đấy.
Chú John đến trước cửa ngăn buồng dành cho đàn ông, vào ngồi trên hố tiêu một lúc rất lâu, hai tay ôm lấy cái đầu đau như dần. Mẹ đã nấu xong một xoong bột ngô và đang đổ từng muỗng bột nhào vào mỡ để làm một mẻ thứ hai thì một bóng người hiện ra in lên nền đất bên cạnh bà. Bà liếc nhìn thấy một người đàn ông mặc toàn đồ trắng đứng sau bà – một người có khuôn mặt rám nắng, nhiều nếp nhăn, với đôi mắt vui tươi, người khẳng khiu như que củi. Quần áo trắng sạch bong của ông bị sờn ở các mép. Ông ấy mỉm cười:
– Chào bà.
Bà nhìn quần áo trắng của ông, mặt nghiêm lại vì mối ngờ vực:
– Vâng. – Bà nói
Rawley nói:
– Đêm qua, lúc nhà ta đến thì tôi đang ngủ. – May mà chúng tôi có chỗ dành cho nhà bà. – Tiếng ông ta ấm áp.
Bà đáp lại một cách giản dị:
– Ở đây tốt lắm. Nhất là có phòng rửa ráy, tắm giặt.
– Bà hãy đợi xem lúc các bà ấy đi giặt áo. Chả mấy nữa. Chưa bao giờ bà thấy ầm ĩ như vậy. Chả khác họp mít tinh. Bà Joad này, bà có biết hôm qua họ làm gì không? Họ có một buổi đồng ca. Vừa hát thánh ca vừa vò quần áo suốt buổi. Nghe rất vui, bà ạ.
Mối ngờ vực biến mất trên khuôn mặt bà mẹ.
– Chắc phải là hay lắm. Ông là chủ ở đây?
– Không. – ông ta nói – Dân chúng ở đây miễn cho tôi mọi công việc. Họ trông nom trại được sạch sẽ, ngăn nắp, họ làm hết thảy mọi việc. Tôi chưa hề trông thấy những người như thế. Họ may quần áo trong phòng họp, làm các đồ chơi cho trẻ con. Chưa bao giờ trông thấy những con người như thế.
Mẹ liếc nhìn cái áo bẩn của mình.
– Chúng tôi ăn mặc còn lôi thôi lắm. Đi đường trường thì không thể giữ cho sạch sẽ được.
– Tôi biết chứ, bà yên tâm. – ông ta đánh hơi – Này bà, có phải là cà phê của bà thơm đến thế không?
Mẹ mỉm cười:
– Có đúng là thơm không ạ? Người ngoài thì bao giờ cũng thấy thơm. – Rồi bà nói với giọng kiêu hãnh – Chúng tôi lấy làm hân hạnh được mời ông dùng bữa sáng với chúng tôi.
Ông ta lại bên bếp lửa, ngồi xổm xuống, và cuối cùng thì chút ngờ vực nào còn sót lại cũng tiêu tan. Bà nói:
– Chúng tôi lấy làm hãnh diện được ông nhận lời. Chúng tôi không có gì sang trọng, nhưng xin lấy lòng thành thực mời ông.
Ông khách cười hở cả lợi.
– Tôi đã ăn sáng rồi. Nhưng chắc chắn là nếu bà cho một tách cà phê kia thì tôi không dám từ chối. Thơm đến thế.
– Ồ, ồ xin mời ông.
– Bà cứ thong thả.
Mẹ lấy bình cà phê rót đầy một tách, và nói:
– Chúng tôi chưa kiếm được đường. Có thể hôm nay mới mua được. Nếu ông quen dùng đường thì uống thế này không ngon.
– Tôi không bao giờ dùng đường. Nó làm hỏng vị ngon của cà phê.
– Tôi thì tôi chỉ dùng ít thôi. – Mẹ nói và đột nhiên nhìn ông ta một cách chăm chú, tự hỏi làm sao mà ông ta chóng thân mật đến thế. Bà dò xét nguyên cớ trên gương mặt ông ta, nhưng chẳng thấy gì ngoài tình thân ái. Rồi bà nhìn đến các gấu áo sờn rách và bà yên tâm.
Ông ta nhấm nháp cà phê.
– Tôi nghĩ rằng sáng nay các bà ấy sẽ tới đây thăm bà.
– Chúng tôi còn luộm thuộm lắm. Giá các bà ấy khoan hẵng đến, để chúng tôi có thì giờ rửa ráy thì hay.
– Ồ, cái đó thì họ biết quá rồi. Lúc mới tới đây họ cũng thế thôi. Bà đừng băn khoăn làm gì. Trong trại này, ủy ban họ tốt lắm vì họ biết thông cảm với mọi người.
Ông cạn tách cà phê và đứng lên:
– Thôi, tôi phải đi thăm nơi khác. Thế này nhé, nếu bà thấy cần gì, mời bà tới văn phòng. Lúc nào tôi cũng có mặt ở đấy. Cà phê ngon lắm. Xin cảm ơn bà.
Ông đặt chiếc tách lên thùng cùng với những tách khác, vẫy vẫy tay và đi ra giữa các dãy lều. Và Mẹ nghe ông ta chuyện trò với những người khác khi qua trước cửa lều của họ.
Mẹ gục đầu xuống và cố nén tiếng khóc thổn thức muốn bật ra.
Bố trở về dẫn theo hai đứa trẻ con rơm rớm nước mắt vì bị kỳ cọ đau, nhưng sạch sẽ tinh tươm. Bố nói.
– Nhìn đây, nhẹ bớt hai lần da và một lớp ghét.
Gần như phải đét cho chúng chúng mới chịu đứng yên.
Mẹ ngắm chúng như để đánh giá:
– Nom chúng xinh lắm. Ông ăn đi, có cháo ngô và nước xốt đấy. Chúng ta còn phải dọn đẹp trong ngoài cho được sạch sẽ ngăn nắp.
Bố múc cháo vào đĩa cho tụi trẻ và cho mình.
– Không biết thằng Tom tìm được việc ở đâu?
– Tôi không rõ.
– Thôi, nó tìm được thì chúng ta cũng tìm được.
Al chạy về lều, nom có vẻ kích động. Hắn nói.
– Chỗ kia mới tuyệt – hắn vừa ăn vừa rót cà phê – Có một thằng cha ở đằng kia, gã làm thế nào. Bố Mẹ có biết không? Gã đang làm một chiếc xe lăn, đứng ở phía sau dãy lều kia, có đủ giường, bếp lò và các thứ. Gã ăn ở luôn trong đó. Lạy Chúa! Sống thế mới là sống chứ! Dừng lại chỗ nào thì chỗ ấy là nhà.
Mẹ nói:
– Tao thì tao thích một căn nhà nhỏ. Khi nào xem ra có thể được là tao muốn có ngay.
Bố nói:
– Al ạ, ăn xong thì tao, mày và chú John đánh xe đi tìm việc làm.
– Hẳn rồi, – Al nói – Nếu có việc làm thì con thích làm trong một xưởng sửa chữa xe hơi. Con thích nhất là thế. Con sẽ sắm một chiếc Ford cũ. Con sơn xe màu vàng rồi.. lái xe đi dạo phố. Vừa nãy con nom thấy một cô gái đi trên đường cái. Con cũng nháy mắt với cô nàng. Trời, đẹp ơi là đẹp.
Bố nghiêm khắc nói:
– Tốt hơn là mày hãy tìm được việc làm rồi Hẵng nghĩ đến trò chim chuột 2.
Chú John ở nhà vệ sinh ra và lê bước đi tới. Mẹ chau mày.
– Chú không rửa mặt, – bà nói nhưng khi trông thấy chú nom ốm yếu, buồn thảm, bà nói tiếp – Chú vào trong lều mà nằm nghỉ. Chú không được khoẻ
– Không, – chú John vừa nói vừa lắc đầu – Tôi phạm tội lỗi, tôi phải gánh lấy trừng phạt.
Chú ngồi xổm xuống, vẻ thất vọng, và tự tay rót một tách cà phê.
Mẹ ăn bột ngô còn lại trong xoong, vừa ăn vừa nói một cách bâng quơ:
– Ông quản trị trại có tới đây, ông ấy nán lại uống một tách cà phê.
Bố thong thả ngước mắt lên:
– Thế à? Ông ấy muốn gì mà đến sớm vậy?
– Ông ấy đi qua, tạt vào thăm. Ông ta ngồi lại uống một tách cà phê. Ông ta nói là không mấy khi được uống cà phê ngon.
– Nhưng ông ấy muốn gì? – Bố lại hỏi
– Chả muốn gì cả. Chỉ đến xem chúng ta xoay xở ra làm sao.
– Tôi không tin, – Bố nói – Chắc hẳn hắn đến đánh hơi để chõ mũi vào công việc người khác.
– Không phải thế, – Mẹ giận dữ kêu lên – Tôi cũng như ai cũng biết ngay được kẻ nào chõ mũi vào việc của người khác chứ!
Bố lắc lắc cái ly và đổ cặn cà phê xuống đất.
– Bố mày đừng đổ bẩn như thế, – Mẹ nói – ở đây sạch sẽ lắm.
– Mẹ mày phải trông chừng, đừng có sạch sẽ quá để đến nỗi người ta không sống được trong đó – Bố nói với vẻ đố kỵ – Nhanh lên Al. Còn đi tìm việc làm chứ.
Al lấy tay chùi mép nói: “Con xong rồi”
Bố quay về phía chú John:
– Chú đi không?
– Có, tôi cũng đi.
– Nom chú không được khoẻ lắm.
– Tôi không khoẻ lắm, nhưng tôi cứ đi.
Al trèo lên xe:
– Con phải cho xăng xuống đã, – rồi hắn rồ máy. Bố và chú John bước lên ngồi bên hắn và chiếc xe chạy ra khỏi trại.
Mẹ nhìn theo họ. Rồi bà lấy một cái xô đi về phía ngăn buồng giặt giũ ở Trạm Vệ Sinh. Bà lấy nước nóng đầy xô mang về trại. Bà đang rửa chén đĩa thì Rosasharn trở về.
– Mẹ để phần thức ăn cho con trên đĩa ấy. – Nói xong bà nhìn kỹ con gái. Tóc cô còn nhỏ giọt, chải mượt, da dẻ sáng sủa, hồng hào. Cô đã mặc chiếc áo dài xanh in hoa trắng nhỏ, đi đôi giày gót cao của hồi mới cưới. Thấy mẹ nhìn mình chằm chằm, cô đỏ mặt:
– Con tắm rồi đấy! – Cô nói.
Rosasharn nói với tiếng khàn khàn:
– Con đang ở trong đó thì có một bà đi vào tắm.Mẹ có biết người ta làm thế nào không? Người ta vào một cái như cái chuồng vặn quả nắm và thế là nước chảy ào ào xuống người – nước nóng hay nước lạnh là tuỳ thích… thế là con cũng làm như vậy
– Mẹ cũng sẽ đi tắm. Dọn dẹp xong đây là đi ngay. Con chỉ cho mẹ nhé.
– Ngày nào rồi con cũng tắm, – cô gái nói – Cái bà ấy, bà trông thấy con, biết là con có nghén, Mẹ có biết bà ấy nói thế nào không? Nói là tuần nào cũng có một nữ y tá đến. Con sẽ phải tới gặp cô ta chỉ bảo cách thức làm sao cho đứa hài nhi được khoẻ mạnh. Bà ấy nói là mọi bà ở đây đều làm thế cả. Rồi con cũng làm thế – cô trở nên sôi nổi – Và mẹ có biết không? Tuần lễ trước có một hài nhi ra đời, thế là cả trại tổ chức liên hoan, rồi kẻ cho quần áo, tã lót, người cho quà cáp, lại cả một cái xe trẻ con bằng liễu gai. Xe không mới, nhưng người ta sơn một lớp sơn hồng và thế là nó cứ như mới ấy. Rồi họ lại làm lễ rửa tội cho đứa trẻ, có cả bánh ngọt nữa. Ôi, lạy Chúa!
Cô ngừng lại, thở nặng nề.
Mẹ nói:
– Sáng danh Chúa, chúng ta lại như trở về với anh em họ hàng hồi trước. Mẹ đi tắm đây.
– Ôi, đẹp lắm Mẹ ạ – cô nói.
Mẹ lau những đĩa sắt tây, chồng lên nhau và nói:
– Chúng ta là gia đình họ Joad. Chúng ta chưa bao giờ phải cầu cạnh ai. Cụ cố đẻ ra Nội đã tham gia cánh mạng. Chúng ta là những tá điền cho tới ngày mắc công mắc nợ. Rồi tiếp đó có bọn người khác tới thì hình như chúng quất roi vào mẹ, vào tất cả nhà. Rồi đến tên cảnh sát ở Needles. Hắn làm Mẹ thay đổi, khiến Mẹ cảm thấy mình hèn hạ, thấy xấu hổ. Giờ thì không xấu hổ nữa. Những người trong trại này là người của chúng ta – là người thân của chúng ta. Còn cái ông quản trị kia, ông ta tới đây, ngồi uống cà phê. chuyện trò nào là “bà Joad” thế này, nào là “bà Joad” thế kia, lại nào là “bà ăn ở thế nào, thưa bà Joad” – Mẹ ngừng lại và thở dài – Thế đấy, mẹ thấy như mình trở lại làm người.
Mẹ chồng cái đĩa cuối cùng lên, rồi đi vào lều, sục tay vào hòm quần áo lấy ra đôi giày và chiếc áo sạch. Mẹ cũng tìm thấy một hộp con bằng giấy đựng một đôi hoa tai. Lúc đi ngang qua Rosasharn Mẹ nói: “Nếu các bà ấy đến, con nói là Mẹ sẽ về ngay”. Rồi bà đi khuất quanh sau Trạm Vệ sinh.
Rosasharn nặng nề ngồi xuống một cái thùng và nhìn đôi giày mua ngày cưới: đôi giày da đan xinh xắn với cái nơ bướm đen. Cô lấy ngón tay lau mũi giầy rồi chùi ngón tay vào phía trong chiếc váy. Khi cô cúi xuống thì cả thân hình ép vào cái bụng đã to. Cô lại ngồi thẳng lên, lấy ngón tay mâm mê bụng, và vừa làm như vậy cô vừa như mỉm cười kín đáo.
Có một người đàn bà to bè bè, chắc nịch, đi dọc con đường chính về phía chỗ tắm giặt, tay xách một cái thùng đựng đầy quần áo bẩn. Mặt bà ta rám nắng, mắt đen, sôi nổi. Phía ngoài chiếc áo dài vải bông kẻ, bà khoác một cái tạp dề bằng vải bố, chân đi giầy oxford đàn ông, màu nâu. Bà ta thấy Rosasharn đang xoa vuốt bụng, và bắt gặp cả cái nụ cười chúm chím trên môi cô.
– Thế đấy? – Bà kêu lên và cười vui vẻ – Theo ý cô thì bao giờ nằm nơi?
Rosasharn mặt đỏ dừ cúi xuống nhìn đất rồi lại hé nhìn lên và đôi mắt đen sáng của người phụ nữ, bà ta tỏ ý hiểu.
– Cháu không biết – cô lúng búng đáp.
Người đàn bà đặt cái thùng xuống đất, nói:
– Cô đã to bụng rồi đấy – tiếng bà quang quác như gà mái đẻ – Cô thích trai hay gái?
– Cháu không biết- Có lẽ là trai. Chắc chắn trai.
– Cô vừa mới vào trại này, phải không?
– Đêm qua, rất khuya.
– Ở lại đây chứ?
– Cháu không biết. Nếu có thể kiếm được việc gì làm chắc là chúng cháu ở lại.
Một bóng mờ lướt qua khuôn mặt người đàn bà lạ và đôi mắt đen bé nhỏ trở nên dữ tợn.
– Nếu tìm được việc làm. Tất cả chúng ta đều nói như nhau.
– Anh tôi đã tìm được việc làm sáng hôm nay rồi.
– Thế ư? Có thể may mắn cho cô đấy. Cô phải coi chừng số may. Không thể tin vào sự may mắn được – bà ta sán lại gần – Vận may chỉ có một mà thôi. Không có nhiều hơn đâu. Cô phải ăn ở cho ngoan. Mụ ta nói một cách dữ dội – “Phải cho ngoan. Nếu cô chuốc lấy tội lỗi, tất nhiên là cô phải trông chừng đến đứa bé trong bụng cô ấy”. Mụ ngồi xổm trước mặt cô – “Trong cái trại này đã xảy ra nhiều chuyện tai tiếng” – mụ nói một cách ảm đạm – “Tối thứ bảy nào họ cũng khiêu vũ, nhưng không phải là điệu vũ bình thường, không. Họ ghì chặt lấy nhau, uốn éo quấn quýt với nhau. Tôi thấy mà!”
Rosasharn nói một cách dè dặt:
– Cháu thích khiêu vũ, vũ hội ô vuông – Rồi cô nói thêm một cách thẳng thắn – Cháu không nhảy điệu nào khác.
Mụ đàn bà da rám nắng lắc đầu một cách phiền muộn:
– Tốt thôi, một số người cũng như cô. Mà Chúa sẽ không bỏ qua chuyện này đâu, không. Cô đừng có nghĩ là Chúa bỏ qua.
– Không đâu, thưa bà, – cô gái nhỏ nhẹ đáp lại.
Mụ thò bàn tay rám nắng, da nhăn nheo, sờ lên đầu gối Rosasharn, và cô gái thấy ngần ngại.
Mụ ta nói:
– Bây giờ để tôi phải báo cho cô biết. Những con chiên lành của Chúa chỉ còn một ít thôi. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, khi dàn nhạc nổi lên đáng lẽ phải hát những bài hát thánh ca như xưa thì, trời ạ, họ lại múa may, múa may quay cuồng. Tôi đã trông thấy họ. Tôi không bao giờ tới gần, cũng không để cho người nhà tôi đến gần. Họ xoắn xuýt lấy nhau ghì chặt lấy nhau. Thế đấy. – Mụ ta ngừng lại để cho có vẻ quan trọng và rồi nói trong tiếng thì thầm khàn khàn – Họ còn chơi tệ hơn. Họ diễn kịch.
Mụ ta né ra sau một chút, vênh vênh cái đầu lên chờ xem thái độ của Rosasharn trước một sự tiết lộ như vậy.
– Có diễn viên ạ? – Cô gái nói một cách kinh sợ.
– Không đâu ạ! – Mụ ta bùng lên – Đâu có diễn viên diễn viếc nhà nghề gì. Chỉ là người như chúng ta. Người trong trại chúng ta. Mà lại là tụi trẻ con, chả biết kịch cọt là cái gì, bị họ đòi làm những việc không phải của chúng. Tôi chẳng đến gần, nhưng tôi nghe người ta kể lại. Ôi! Ma quỉ đã hiện hình trong trại này.
Rosasharn trố mắt, há mồm, lắng nghe.
– Có lần ở nhà trường nhân lễ giáng sinh, chúng cháu đã diễn kịch về đức chúa Jesus.
– Thế này, tôi không nói cái đó tốt hay xấu. Có những người tử tế nghĩ rằng diễn kịch về Thiên chúa là tốt. Nhưng tôi không nói chuyện đó, mà đây không phải là kịch của Chúa Jesus hài đồng, chỉ là chuyện tội lỗi, bịp bợm, trò ma quỉ mà thôi. Cũng đi khệnh khạng, cũng điệu bộ, cũng ba hoa làm ra vẻ ta đây ghê lắm. Rồi lại nhảy nhót, còn ôm ghì lấy nhau xoắn xuýt lấy nhau…
Rosasharn thở dài.
– Mà không phải chỉ một ít người như thế đâu nhé! – Mụ nói tiếp – Họ nhiều đến nỗi bây giờ những con chiên lành của Chúa, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Mà cô đừng có nghĩ rằng các bọn tội lỗi đó đánh lừa được Chúa. Ô đừng có hòng! Chúa đang ghi trên bảng từng tội lỗi một của chúng, rồi Chúa gạch ngang ở dưới, cộng lại từng tội một với nhau. Chúa có mắt, và tôi cũng có mắt. Chúa đã phát hiện ra hai đứa trong bọn chúng, đã hun khói chúng. Rosasharn thở hổn hển: “Thật ư?”
Tiếng nói của mụ đàn bà da rám nắng mãnh liệt thêm.
– Tôi đã thấy điều đó. Một đứa con gái cũng có mang, hệt như cô. Cũng diễn kịch, cũng múa xoắn xuýt nhau. Và rồi – tiếng nói của mụ trở nên lạnh lẽo ghê rợn – hắn gầy rốc đi, còn da bọc xương và khi sinh ra thì đứa bé đã chết.
– Ối trời! – Cô gái tái nhợt đi
– Chết và máu lênh láng. Cố nhiên không ai nói chuyện với nó nữa, nó phải bỏ trại trốn đi. Không thể dạy bày cho kẻ khác phạm tội mà mình lại không mắc tội được. Đời nào. Có đứa khác cũng làm như vậy, nó cũng gầy rộc đi, và cô biết thế nào không? Một đêm kia nó bỏ đi, được hai ngày thì quay lại nói rằng phải thăm viếng bà con. Nhưng, không thấy có đứa con nữa. Cô có biết thế nào không? Tôi ngờ chính tay quản trị trại đã dẫn nó đi để trút bỏ đứa hài nhi. Lão ta không tin có chuyện tội lỗi. Chính lão ta nói với tôi. Lão ta nói, tội lỗi là cái đói, thêm nữa, tội lỗi là cái rét. Chính lão ta nói với tôi, không thấy Chúa có dính dáng gì đến những chuyện đó. Lão ta nói, những đứa con gái ấy gầy đi chỉ vì đã không có đủ ăn. Thế là, tôi chỉnh cho lão một trận – mụ ta đứng thẳng lên, lùi lại một bước, mắt mụ ta long sòng sọc, mụ xỉa ngón tay cứng nhắc vào sát mặt Rosasharn – Tôi bảo: “Xéo đi!”. Tôi văng vào mặt lão: “Ta biết có quỷ dữ đang hoành hành trong trại này. Giờ thì ta biết ai là con quỷ đó. Cút đi, đồ quỷ Xa tăng”. Thế rồi, lạy Chúa, lão bỏ đi. Vừa đi vừa run, mà lén lén nữa nhé. Lão nói: “Xin bà, xin bà đừng làm cho người khác phải khổ sở”. Tôi nói: “Khổ, khổ cái gì? Thế linh hồn của họ thì sao? Thế những đứa hài nhi bị chết, những người mẹ tội lỗi vì cái trò kịch cọt, thì sao?”. Lão đứng nhìn, nhăn nhở nhe răng như kẻ ốm và bỏ đi. Lão biết, lão đang đụng phải một chứng nhân thật sự của Chúa. Tôi nói: “Tôi đang giúp chúa Jesus trông nom trại này cho được yên ổn. Còn ông với những kẻ tội lỗi khác, sẽ không thoát khỏi đâu” – Mụ xách lấy thùng quần áo bẩn. – Tôi đã báo cho cô biết, cô hãy cẩn thận. Hãy chú ý đến đứa hài nhi tội nghiệp trong bụng cô và hãy tránh đừng để mắc tội lỗi.
Nói xong mụ bỏ đi, bước chân dài và đường bệ, đôi mắt sáng ngời đạo đức.
Rosasharn nhìn theo mụ, rồi gục xuống, hai tay ôm lấy đầu cô khóc thút thít. Một giọng nói êm dịu cất lên ở cạnh cô. Cô ngước mắt, xấu hổ. Đó là ông quản lý mặc đồ trắng, người bé nhỏ.
– Cô đừng lo buồn, – ông nói – Đừng lo buồn.
– Nhưng cháu đã làm điều đó – Cô khóc, nước mắt dàn giụa – Cháu đã khiêu vũ kiểu ôm chặt người. Cháu không nói với bà điều đó. Cháu đã nhảy như vậy với Connie ở Sallisaw.
– Đừng lo.
– Bà ta nói cháu sẽ sẩy thai.
– Tôi biết bà ta đang làm gì…
Chú để mắt theo dõi bà ta. Bà tốt bụng, nhưng lại làm khổ người khác.
Rosasharn khụt khịt trong nước mắt:
– Bà ta có biết hai cô gái đã mất con trong cái trại này.
Ông quản lý trại ngồi xổm xuống trước mặt cô.
– Này, – ông nói – Cô nghe tôi. Tôi cũng biết các cô đó. Chẳng qua họ đói quá và mệt quá, làm việc quá vất vả lại đi xe bị xóc nhiều. Họ bị ốm. Lỗi không phải ở họ.
– Nhưng bà ta nói…
– Đừng lo. Cái bà kia thích sinh chuyện rắc rối.
– Nhưng bà ta nói ông là quỉ dữ.
– Bà ấy nói, tôi biết chứ. Chỉ vì tôi không muốn để bà làm khổ người khác, – ông khẽ vỗ vai cô – Cô đừng lo phiền. Mụ ta không biết gì đâu.
Nói xong, ông bước nhanh ra ngoài.
Rosasharn nhìn theo ông ta, đôi vai gầy gò của ông rung lên theo bước chân đi. Cô đang còn chăm chú nhìn con người mảnh khảnh kia thì mẹ trở về, sạch sẽ và hồng hào; tóc còn ướt chải kỹ thắt lại một búi ở sau gáy. Mẹ mặc chiếc áo vải hoa, đi đôi giầy cũ đã nứt và đeo đôi hoa tai nhỏ.
– Mẹ tắm rồi, – Mẹ nói – Mẹ đứng dưới vòi vặn cho nước ấm chảy xuống khắp người, chảy ào ào như suối. Có một bà nói là ngày nào cũng có thể tắm thoả thích. Mà các bà ở uỷ ban ấy đã tới chưa?
– Ờ… ờ!
– Con cứ ngồi yên đây không thu xếp dọn dẹp gì cả! – Bà vừa nói vừa xếp lại các chén đĩa bằng sắt tây – Ta phải cho nó tươm tất một tí, thôi, cựa quậy lên nào! Lấy cái bao tải lau nhà đi.
Bà thu nhặt các đồ vặt, bỏ các xoong nồi vào trong thùng và bưng thùng vào lều – Xếp dọn lại giường đệm cho ngắn nắp. Mẹ nói con biết mẹ thấy không có thứ nước nào tốt hơn nước ở trong kia.
Rosasharn làm theo lời mẹ một cách lờ phờ.
– Mẹ liệu xem Connie hôm nay có trở về không?
– Có thể mà cũng không có thể. Mẹ biết sao được.
– Mẹ có chắc là anh ấy biết tìm chỗ chúng ta không?
– Chắc.
– Mẹ ạ… mà Mẹ có nghĩ là.. họ sẽ có thể giết anh ấy khi họ đốt trại không?
– Không đâu – Mẹ nói một cách tin chắc – Khi nào nó muốn thì nó có thể chuồn đi, nhanh như thỏ, ranh như cáo ấy chứ.
– Con muốn anh ấy trở về.
– Nó trở về khi nào nó muốn trở về.
– Mẹ ơi!
– Mẹ muốn con hãy bắt tay vào công việc đi.
– Mẹ ơi, theo Mẹ thì khiêu vũ và diễn kịch có phải là tội lỗi khiến bị sẩy thai không?
Mẹ ngừng công việc và chống tay vào hông: “Bây giờ con lại ăn nói gì thế? Con có đóng kịch đâu?
– Thế này, có một số người đóng kịch, và một người con gái đã sẩy thai, tựa như một phán xét của Chúa.
Mẹ chằm chằm nhìn cô:
– Ai nói với con như thế?
– Một bà vừa qua đây. Và cái ông mặc đồ trắng, ông ấy cũng ghé qua và ông ấy nói nguyên do không phải như thế.
Mẹ chau mày. Bà nói:
– Rosasharn, con đừng tự dày vò nữa. Con chỉ làm thế để mà khóc thôi. Mẹ không hiểu con có chuyện gì. Gia đình ta không có ai lại như vậy. Chúng ta bình tĩnh chịu đựng những gì xẩy ra, không khóc lóc kêu than. Mẹ cam đoan chính thằng Connie đã nhồi nhét vào đầu óc con những ý nghĩ đó vì nó cứ nghĩ đến những chuyện quá to tát.
– Và… – Bà nói một cách nghiêm khắc – Rosasharn ạ, con chỉ là một người trong trăm ngàn người khác. Con nên giữ đúng phận mình. Mẹ biết có những kẻ cứ phóng đại tội lỗi của mình lên đến nỗi tưởng rằng họ chỉ là cái vỏ đậu tầm thường dưới con mắt của Chúa.
– Nhưng, Mẹ…
– Thôi! Hãy im đi, và làm công việc đi. Con không quá lớn lao gì, mà cũng không quá tầm thường để khiến Chúa phải lo nghĩ. Và nếu con không chịu thôi day dứt mình như vậy thì mẹ đánh đòn bây giờ. Bà đang quét tro than trong bếp lò và quét gờ lò thì nom thấy ủy ban đang đi tới.
– Nhanh tay lên, – Mẹ nói – Các bà ấy đang tới kia rồi. Nào nhanh lên, sao cho mẹ có thể lấy làm hãnh diện được.
Bà không nhìn ra cửa nữa, nhưng bà biết ủy ban đang lại gần.
Không nghi ngờ gì nữa, đúng là ủy ban phụ nữ: Bà ăn mặc những quần áo sang trọng nhất của họ, một bà gầy gò, tóc vàng hoe buông dài xuống, đeo kính gọng thép; một bà béo mập tóc xoắn lốm đốm hoa râm với một cái miệng chúm chím; và một bà hộ pháp, chân to, mông to, ngực đồ sộ, vai u thịt bắp như con ngựa kéo xe, có vẻ quyền uy và tự tin, ủy ban tiến lại với vẻ đàng hoàng trịnh trọng.
Mẹ cố ý quay lưng về họ khi họ tới. Họ dừng lại và đứng thành hàng. Bà người to béo nói giọng như lệnh vỡ:
– Chào bà Joad, bà có được mạnh khoẻ không?
Mẹ xoay phắt lại như thể bị bất ngờ.
– Ấy chết… Thưa vâng, vâng. Sao các bà biết tên tôi?
– Chúng tôi trong ủy ban Phụ nữ, – bà to béo nói – ủy ban Phụ nữ trạm số Bốn. Tên bà có ghi ở văn phòng.
Mẹ bối rối:
– Chúng tôi chưa được chỉnh tề, tươm tất lắm. Tôi lấy làm hãnh diện được các bà đến thăm. Xin các bà ngồi chơi để tôi pha cà phê.
Cái bà to béo nói:
– Bà Jessie, hãy giới thiệu tên chúng ta đi. Giới thiệu tên chúng ta với bà Joad. Chủ tịch Jessie!
Jessie nói trịnh trọng:
– Xin giới thiệu với bà Joad. Đây là bà Annie Littlefield và bà Ella Summers, còn tôi là Jessie Bullitt!
– Tôi lấy làm hãnh diện được quen biết các bà. – Mẹ nói – Các bà không ngồi chút ư? Mà cũng chưa có gì để ngồi – Mẹ nói thêm – nhưng tôi xin pha cà phê để các bà dùng.
– Ôi không, – Annie nói – Xin bà cứ.tự nhiên cho. Chúng tôi chỉ tới đây tham gia và xem nhà ta thế nào, cố gắng sao cho bà cảm thấy như ở nhà.
Jessie Bullitt nói có vẻ nghiêm khắc:
– Annie, xin bà nhớ chờ cho, tôi mới là chủ tịch.
– Ồ! Nhớ chứ, nhớ chứ, nhưng tuần sau tôi đã là chủ tịch.
– Đúng, vậy thì bà hãy đợi tuần sau. Bà Joad ạ, mỗi tuần chúng tôi thay đổi Chủ tịch một lần. – Bà ta giải thích cho Mẹ hay.
– Các bà không dùng với tôi một ly cà phê sao?
– Không, xin cám ơn, – Jessie đảm đương lấy trách nhiệm chủ tịch – chúng tôi trước hết chỉ cho bà biết, thế nào là Trạm Vệ Sinh. Và sau đó nếu bà muốn chúng tôi xin đăng tên bà vào Câu lạc bộ Phụ nữ và giao cho bà một nhiệm vụ. Dĩ nhiên bà không bó buộc phải gia nhập.
– Gia nhập hội… có tốn tiền lắm không?
– Không tốn kém gì hết, chỉ phải cáng đáng công việc thôi. Và bà đã được người ta biết đến, bà có thể được bầu vào ủy ban này…
Annie cắt ngang.
– Bà Jessie đây thuộc ủy ban Toàn trại. Đó là một nhân vật cao cấp của uỷ ban.
Jessie mỉm cười kiêu hãnh.
– Tôi được toàn thể nhất trí bầu – bà ta nói – này bà Joad, tôi nghĩ đã đến lúc chúng tôi phải nói với bà về hoạt động của trại.
– Đây là Rosasharn, con gái tôi.
– Chào cô, – cả ba đồng thanh nói.
– Tôi hỏi là cô cũng gia nhập nữa.
Bà Jessie to lớn cất tiếng nói, dáng điệu của bà ta đầy vẻ trịnh trọng và ân cần, lời bà nói đã được luyện trước.
– Bà Joad, bà đừng nghĩ là chúng tôi xen vào công việc của bà. Trại đây chúng tôi có nhiều cơ sở phục vụ mọi người. Chúng tôi có nội quy do chúng tôi đặt ra. Bây giờ chúng ta đi thăm Trạm Vệ Sinh. Ở đây ai cũng có quyền sử dụng, ai nấy cũng phải trông nom cho thật sạch sẽ.
Họ đi tới khu nhà bị dỡ mái ở đó có một dãy hai mươi cái bồn giặt. Tám bồn đang có người giặt, các phụ nữ cúi khom khom xuống, vò quần áo, quần áo vắt rồi được bỏ chồng đống lên nền xi măng sạch.
Jessie nói:
– Bây giờ thì bà có thể giặt giũ ở đây bất cứ lúc nào bà muốn. Điều duy nhất là phải giữ gìn cho sạch sẽ.
Những phụ nữ đang giặt ngẩng lên nhìn họ chăm chú, Jessie nói to:
– Đây là bà Joad và cô Rosasharn. Họ tới ở đây.
Họ đồng thanh chào Mẹ. Mẹ khẽ cúi chào với vẻ mặt buồn buồn và nói:
– Rất hân hạnh được gặp các bà.
Jessie dẫn cả toán vào thăm khu vệ sinh và phòng tắm.
– Tôi đã tới đây, lại còn tắm nữa – Mẹ nói.
– Đây là phòng vệ sinh và phòng tắm – Jessie nói – Qui chế đều như nhau, là phải giữ gìn sạch sẽ. Mỗi tuần lễ, có một ủy ban mới phụ trách quét dọn mỗi ngày một lần. Có thể bà cũng trong uỷ ban đó. Bà phải mang xà phòng của mình đến.
– Tôi cần phải đi kiếm xà phòng. – Mẹ nói – Hiện nay chúng tôi hết sạch.
Giọng của bà Jessie trở nên trịnh trọng:
– Bà đã vào nhà vệ sinh này chưa? – Bà ta nói và chỉ các phòng vệ sinh.
– Thưa bà, sáng nay tôi đã vào.
Jessie thở dài ‘Thế thì tốt”
Ella Summers nói: “Đúng tuần lễ trước…”
Jessie cắt ngang một cách nghiêm khắc:
– Bà Summers, Bà để tôi kể lại
Ella nhượng bộ:
– Ờ đúng thế.
Jessie nói:
– Tuần trước, lúc bà là Chủ tịch, bà đã nói tất tật rồi. Bà làm ơn, tuần này bà cố gắng đừng nói nữa.
– Thôi, bà hãy kể người đàn bà kia đã làm gì.
– Thế này, – Jessie nói – công việc của ủy ban không phải là tiết lộ chuyện khác, vậy nên tôi không nói rõ tên ai cả. Cái bà ấy tới đây tuần trước, ủy ban chưa kịp dặn dò gì thì bà ấy đã vào đây, bà ấy dúng luôn cái quần của chồng bà ta vào hố vệ sinh và nói: “Chậu gì mà thấp quá, lại bé nữa. Cúi gãy cả lưng. Sao họ không để cao nó lên?”.
Ủy ban mỉm cười với những nụ cười bề trên.
Ella xen vào:
– Bà ta nói: “Không thể bỏ tất thảy quần áo vào cùng một lúc được…”
Nhưng bà ta lúng túng trước cái lườm nghiêm khắc của Jessie. Jessie nói:
– Chúng tôi khó xử nhất là vấn đề giấy vệ sinh. Nội quy đã định là không ai được lấy một tờ mang ra ngoài – bà tặc lưỡi – Toàn trại phải đóng tiền để mua giấy vệ sinh – bà nín lặng một lát và thú nhận – Trại số 4 dùng nhiều hơn bất cứ trại nào khác, một số người nào đó đánh cắp giấy. Chuyện được đưa ra ở cuộc họp toàn thể phụ nữ. “Phía Nhà vệ sinh Phụ nữ. Trạm Bốn dùng quá nhiều giấy”. Nói thế ngay giữa cuộc họp!
Mẹ nín thở theo dõi câu chuyện:
– Ăn cắp… để làm gì?
– Thế này, – Jessie nói – trước đó chúng tôi đã làm phiền rồi. Lần vừa rồi, có ba đứa con gái nhỏ ngồi trong lấy giấy cắt hình người. Chúng tôi bắt được quả tang. Nhưng lần này thì không biết ai, vì vừa để cuộn giấy vào là mất biến ngay. Giữa cuộc họp, vấn đề được đưa ra bàn. Một bà già đề nghị buộc cái chuông nhỏ để khi nào cuộn giấy quay thì chuông reo. Làm như vậy có thể tính được mỗi người đã dùng bao nhiêu. – Bà ta lắc đầu – Tôi chả biết ra làm sao nữa và khó chịu cả tuần. Chắc phải có người nào đó ăn cắp giấy vệ sinh ở Trại Bốn.
Từ ô cửa có tiếng nói rên rỉ:
– Bà Bullitt.
Tất cả uỷ ban quay lại.
– Bà Jessie, tôi đã nghe bà nói… Một người đàn bà mặt đỏ gay, mồ hôi đầm đìa đứng chờ ở cửa, bà ta nói:
– Bà Jessie, ở cuộc họp tôi không thể đứng lên nói. Đúng là không thể được. Tôi sợ người ta cười hay thế nào đó.
Bà nói chuyện gì vậy? Jessie tiến lại.
– Thế này, tất cả nhà tôi… có thể… cả nhà tôi. Nhưng bà Jessie ạ, không phải chúng tôi ăn cắp đâu.
Jessie tiến về phía người đàn bà, và mồ hôi toát thành từng giọt trên trán kẻ thú tội đang bối rối.
– Chúng tôi không thể nào làm khác được. – Bà ta nói.
– Nào, bà đang định nói gì thì nói nốt đi, – Jessie nói – trạm đây mang tiếng xấu vì chuyện giấy vệ sinh đấy.
– Suốt cả tuần, bà Jessie ạ, chúng tôi không thể nào đừng được. Bà cũng biết tôi có năm cháu gái.
– Thế chúng lấy giấy để làm gì?
– Chỉ dùng giấy để đi ngoài thôi. Thật đấy, chỉ để đi ngoài thôi.
– Chúng nó không có quyền lấy nhiều – bốn năm tờ là đủ. Chuyện gì mà chúng lại làm thế?
Kẻ thú tội nói nhỏ mà như kêu be be:
– Đi tướt. Cả năm đứa bị. Chúng tôi hết tiền. Chúng phải ăn những quả nho xanh. Cả năm đứa đều đi tướt kinh khủng. Cứ cách mười phút lại đi. Chỉ tại thế chứ chúng có ăn cắp đâu.
Jessie thở dài.
– Đáng lẽ bà phải nói ra. Bà phải nói ra. Bây giờ, vì bà không nói mà Trại Bốn mang tiếng xấu. Ai cũng có thể mắc bệnh đi tướt.
Tiếng nói của bà kia thêm rên rỉ.
– Tôi không thể ngăn chúng đừng ăn nho xanh. Và thế là bệnh mỗi lúc một nặng thêm.
Ella Summers:
– Phải trợ cấp. Bà ta phải được trợ cấp.
– Ella Summers, – Jessie nói. – Tôi nói với bà một lần cuối, bà không phải là Chủ tịch. Nói thế xong bà ta quay lại phía người đàn bà mặt đỏ au.
– Bà Joyce, bà không có tiền ư?
Bà Joyce xấu hổ cúi đầu nhìn xuống.
– Không, nhưng một lúc nào đó chúng tôi có thể có làm việc.
– Bây giờ bà hãy ngẩng đầu lên, – Jessie nói – Chuyện đó chẳng phải tội phạm. Bà hãy đến hiệu tạp hoá và mua ít thức thực phẩm phụ. Trại có thể mua chịu ở đây hai mươi đôla. Bà mua lấy năm đôla chứ. Rồi bà sẽ trả sau cho ủy ban Trung ương khi tìm được việc làm. Joyce này, bà đã biết điều đó – bà ta nói một cách nghiêm khắc – Vậy làm sao bà lại để cho các con bà phải đói?
– Chúng tôi chưa bao giờ xin của bố thí – Bà Joyce đáp.
– Đây không phải là của bố thí, mà bà cũng đã biết thế rồi, – Jessie cáu – Đã nói đi nói lại nhiều lần rồi. Trong trại này không có chuyện bố thí. Chúng tôi không muốn làm thế. Bây giờ bà hãy đi ngay và mua một ít thực phẩm, rồi bà mang hoá đơn về cho tôi.
Bà Joyce rụt rè nói:
– Nhưng nếu nhỡ ra thì chúng tôi không trả được thì sao? Vì đã lâu chúng tôi không có việc làm.
– Khi nào có, bà sẽ trả. Mà nếu không trả được thì đó không phải là việc của chúng tôi, mà cũng không phải việc của bà. Có một người trước kia cũng thế bỏ đi và hai tháng sau gửi tiền về trả. Bà không có quyền để con cái bà đói ở trong trại này.
– Vâng, thưa bà – Bà Joyce nói vẻ sợ sệt.
– Bà hãy mua cho tụi nó một ít phomat, ăn phomat sẽ khỏi đi tướt.
– Thưa bà vâng. – Nói xong bà Joyce chạy vụt ra cửa.
Jessie có vẻ cáu giận quay về phía ủy ban.
– Bà ta không có quyền được ương ngạnh như thế. Không có quyền gì hết.
Annie Littlefield nói:
– Bà ta ở đây chưa lâu. Có thể bà ta không biết. Có thể bà ta đã có lần nhận của bố thí. Bà Jessie, bà đừng có tìm cách bắt tôi ngậm miệng. Tôi có quyền nói – bà ta quay về phía bà Mẹ – Nếu một lúc nào đó, một người xin bố thí nó sẽ gây nên một vết bỏng không thể lành được. Đây không phải của bố thí, nhưng nếu đã nhận nó, người ta không thể quên được. Tôi dám chắc rằng bà Jessie chưa bao giờ phải chịu qua cảnh đó.
– Quả là chưa, Jessie nói.
– Ấy thế mà tôi đã trải qua rồi. – Annie nói – Mùa đông năm ngoái, cả nhà tôi, bố nó, và bọn trẻ con suýt chết đói. Trời mưa tầm tã… Có người mách với chúng tôi đi tìm tổ chức cứu tế – Mắt bà trở nên dữ tợn – Lúc đó chúng tôi đói, nên họ bắt chúng tôi phải luồn cúi để kiếm miếng ăn. Họ lấy mất nhân phẩm cua chúng tôi. Tôi căm thù họ. Có thể bà Joyce cũng đã xin bố thí. Có thể bà ta không biết đây không phải chuyện bố thí. Ở trại này không có chuyện bố thí. Bà Joad ạ, ở trại này, chúng tôi không cho phép bất cứ ai tự đề cao mình bằng cách cho bố thí, không cho phép người nào cho người khác bất cứ gì. Họ có thể tặng cho trại, rồi trại đem phân phối. Chúng tôi không muốn có chuyện bố thí. – Tiếng bà dữ tợn, gay gắt – Tôi căm ghét. Tôi chưa thấy ông ấy nhà tôi chịu khuất phục bao giờ, ấy thế mà bọn người ở Sở Cứu tế kia, đã khiến nhà tôi phải chịu quị lạy.
Jessie gật đầu, nói nhẹ nhàng:
– Tôi hiểu, tôi hiểu. Bây giờ chúng ta hãy đưa bà Joad đi quanh đây cho biết tình hình.
Mẹ nói:
– Được thế thì hay quá.
– Chúng ta lại phòng may quần áo, – Annie gợi ý – ở đây có hai máy để vá may quần áo. Chắc bà sẽ thích làm việc ở chỗ đó.
Khi uỷ ban tạt vào thăm mẹ chúng. Ruthie và Winfield kín đáo biến đi rất nhanh.
– Sao chúng mình không đi theo nghe ngóng họ nói chuyện? – Winfield hỏi.
Ruthie túm chặt lấy cánh tay thằng em, nói:
– Không. Tại mấy con điếm đó mà tao với mày phải tắm rửa. Tao không đi với bọn chúng nữa.
Winfield nói:
– Mày đã mách tao làm hỏng nhà vệ sinh. Tao mách lại, mày gọi các bà ấy là con nhà điếm.
Khuôn mặt Ruthie thoáng lộ chút bóng sợ hãi:
– Đừng mách, – nó nói – tao có mách mày đâu mà. Mắt tao thấy rõ là mày đâu có làm hỏng.
– Chỉ khéo nói dối.
Ruthie nói: “Ta đi xem một vòng”.
Chúng đi dọc theo dãy lều, liếc nhìn vào mỗi căn lều, nom bộ ngớ ngẩn, ngượng ngùng. Ở đầu trại, trên một vạt đất bằng phẳng có một sân chơi cầu. Độ sáu đứa trẻ con đang chơi một cách thật sự. Một người đàn bà già ngồi trên chiếc ghế dài trước lều và trông coi chúng chơi. Ruthie và Winfield nhảy xông vào sân.
– Chúng tao chơi với! – Ruthie kêu to.
Bọn trẻ con ngẩng nhìn lên. Một đứa con gái tóc bím nói:
– Ấy, không được. Chờ ván sau.
Ruthie tiến vào sâu với vẻ hăm doạ:
– Tao cứ chơi.
Con bé tóc bím giữ chặt lấy vồ, Ruthie nhảy xổ vào tát con bé, đẩy nó ra, giằng lấy vồ và nói với giọng đắc thắng:
– Tao đã bảo tao cứ chơi mà.
Người đàn bà đứng tuổi đứng lên và đi vào sân. Ruthie quắc mắt dữ tợn, tay vẫn nắm chặt cái vồ. Bà kia nói:
– Cho nó chơi với. Cũng như tuần trước các cháu đã nhường cho Ralph chơi.
Bọn trẻ con đặt vồ xuống đất và lặng lẽ đứng túm tụm lại phía ngoài sân, và cứ thế đứng xa nhìn vào với đôi mắt hờ hững. Ruthie nhìn chúng lảng xa, rồi lấy vồ đập một quả cầu, chạy đuổi theo bảo Winfield.
– Lại đây Winfield. Cầm lấy một cái vồ, chơi đi.
Nhưng rồi nó ngạc nhiên đứng nhìn. Winfield đã đứng nhập vào lũ trẻ và cũng đứng nhìn nó một cách thờ ơ. Như để khiêu khích, nó lại đập quả cầu, làm tung bụi lên. Nó làm như ta đây đang chơi thoả thuê. Còn bọn trẻ vẫn đứng nhìn Ruthie xếp hai quả cầu trước mặt rồi đập cả hai cùng một lúc, nó xoay lưng lại bọn trẻ con, rồi quay lại phía chúng. Đột nhiên nó bước lại chỗ bọn trẻ con với chiếc vồ trong tay và nói:
– Chúng mày lại chơi đi.
Lúc nó tới gần, bọn trẻ lặng lẽ lùi lại. Nó nhìn chúng chằm chằm rồi vất vồ, vừa chạy về nhà vừa khóc. Bọn trẻ con lại vào sân chơi.
Con bé tóc bím nói với Winfield:
– Mày có thể chơi ván sau.
Người đàn bà trông coi chúng bèn răn bảo:
– Khi nó đã quay lại muốn tỏ ra biết điều thì để nó chơi với chứ? Mày cũng chẳng ra làm sao, Amy ạ.
Trò chơi lại tiếp tục, trong khi trong lều nhà Joad, Ruthie khóc nức nở.
Chiếc xe tải chạy dọc theo những con đường đẹp đẽ, hai bên có những vườn trồng cây với những quả đào đang bắt đầu ửng chín, những vườn nho với những chùm quả xanh nhạt, xe đi qua dưới những hàng cây bồ đào cành toả ra quá nửa phía trên đường đi, mỗi cổng ra vào, Al cho xe chạy chậm lại, và ở mỗi cổng đều có treo biển: “Không thuê nhân công. Cấm vào”.
Al nói:
– Bố này, khi những trái cây này chín thì bắt buộc phải thuê người làm. Thế mà, cái xứ này buồn cười thật! Chưa có ai đến xin việc nhưng họ đã nói là không mướn người- Al cho xe chạy từ từ.
– Ta có thể vào chỗ nào đó hỏi xem họ có biết ở đâu thuê người làm không. Có thể cứ hỏi xem.
Một người đàn ông mặc quần yếm xanh, sơ mi xanh đi ở rìa đường. Al cho xe đi cạnh ông ta và hỏi:
– Này ông, ông có biết ở đâu có việc làm không?
Người đàn ông dừng lại nhe răng cười, để lộ cái lợi khuyết hai răng cửa.
– Không. – Y nói – Ông có tìm được không? Tôi đi cả tuần này rồi mà. Không tìm đâu ra việc làm.
– Ở trong trại chính phủ ư? – Al hỏi
– Phải!
– Vậy ông lên đây. Ngồi phía sau xe, chúng ta cùng đi xem sao. Người đàn ông leo qua thành xe và ngồi phịch xuống.
Bố nói:
– Tao không linh cảm là sẽ tìm được việc làm. Tuy vậy, vẫn phải cứ tìm. Nhưng, khổ một nỗi là không biết tìm ở chỗ nào.
– Lẽ ra phải hỏi người trong trại, – Al nói – Chú John, chú thấy trong người thế nào?
– Tao thấy đau, đau khắp người, mà thế cũng đáng đời cho tao. Đáng lẽ tao phải bỏ đi để tránh mang lại sự trừng phạt cho chính người nhà của tao.
Bố đặt tay lên đầu gối chú John:
– Chú nghe tôi. – Bố nói – Đừng bỏ đi đâu hết. Dọc đường chúng ta đã bỏ mất bao nhiêu người máu mủ – ông Nội, bà Nội thì chết, Noah và Connie bỏ đi… còn ông mục sư thì vào nhà pha.
– Tôi vẫn có linh cảm chúng ta sẽ còn gặp lại ông mục sư đó – chú John nói.
Al lấy ngón tay mân mê núm cần số. Hắn nói:
– Chú có khoẻ gì đâu mà linh với cảm! Cháu ngấy lắm rồi. Ta hãy trở về bàn bạc và tìm xem chỗ nào có việc gì đó mà làm. Chứ làm thế này có khác gì săn chồn hôi dưới nước – Hắn dừng xe, cúi ra ngoài cửa xe, hét với về phía sau – Này! Nghe đây! Cánh ta quay về trại, cố hỏi xem ở đâu có công việc gì không. Cứ đốt phí xăng như thế này thì vô lý quá.
Người đàn ông ló đầu ra ngoài thành xe và nói:
– Rất hợp ý tôi. Chân cẳng tôi muốn long khớp ra rồi, thậm chí cũng chưa được miếng gì mà gặm.
Al quay vòng xe giữa đường và lái xe trở lại.
Bố nói:
– Mẹ mày chắc bực mình lắm đấy, nhất là khi thằng Tom kiếm được việc dễ dàng đến thế.
– Có thể anh ấy chưa có việc đâu, – Al nói – Chẳng qua anh ấy cũng đang đi tìm như chúng ta. Con muốn sao được làm trong một xưởng sửa chữa xe. Học chóng thôi mà con lại thích việc đó.
Bố làu bàu và họ lặng lẽ chạy xe trở về trại.
Khi uỷ ban đã đi rồi, Mẹ ngồi xuống một cái thùng đối diện với lều nhà Joad, và như chưa hết bàng hoàng, bà nhìn Rosasharn:
– Này, con, đã bao nhiêu năm chưa bao giờ mẹ thấy phấn khởi thế này. Các bà ấy tử tế quá nhỉ?
– Con sẽ làm việc ở nhà trẻ, – cô nói – Các bà ấy bảo con thế mà. Con có thể biết ra cách săn sóc trẻ sơ sinh như thế nào, làm dần rồi sẽ biết.
Mẹ gật đầu với vẻ kinh ngạc.
– Đàn ông ai cũng có công ăn việc làm thì đẹp biết mấy nhỉ? – Bà nói – Có việc làm, và kiếm được ít tiền, thế là đẹp, phải không? – Đôi mắt bà thơ thẩn nhìn ra khoảng không – Đàn ông đi làm, còn chúng ta thì làm ở đây, với tất cả mọi người tử tế khác. Việc đầu tiên của mẹ trước mắt, là sắm một cái bếp lò nho nhỏ, nhưng thật xinh. Chẳng đắt là bao. Rồi sau đó, phải có một cái lều, khá rộng, và cũng có thể mua những đệm lò xo cũ trải giường. Rồi chúng ta chỉ dùng cái lều này để làm nơi ngồi ăn. Rồi tối thứ bẩy, chúng ta xem khiêu vũ. Và nếu muốn, có thể mời khách tới chơi. Mẹ ước ao có được vài người bạn, mời họ đến nhà cho vui. Có thể là đàn ông họ có quen biết ai đó để mời chăng.
Rosasharn nhìn ra đường và nói:
– Kia! Cái bà đã nói là con sẽ mất đứa bé…
– Thôi, đừng nhắc đến nữa, – Mẹ mắng át.
– Con thấy bà ta, – cô nói khẽ – Bà ta đang sắp vào đây. Đúng rồi, bà ta đang tới. Mẹ ơi, đừng để bà ta..
. Mẹ quay lại và nhìn con người đang tới gần.
– Chào bà, – người đàn bà nói – Tôi là Sandry. Lisabeth Sandry. Sáng nay tôi đã gặp cháu.
– Chào bà, – Mẹ nói.
– Bà có được sung sướng trong lòng Chúa không?
– Cũng khá.
– Bà đã được xoá sạch tội chưa?
– Đã sạch tội, – khuôn mặt mẹ có vẻ căng và chờ đợi.
– Ô, thế thì tôi lấy làm mừng. Ở đây, bọn người tội lỗi bướng bỉnh đáng sợ. Bà đã tới một nơi ghê gớm, khắp mọi chỗ đều đầy rẫy tội lỗi. Toàn những bọn tội lỗi, tội lỗi đến mức một con chiên lành của Chúa khó có thể chịu đựng nổi. Xung quanh chúng ta đâu đâu cũng có bọn người tội lỗi.
Mẹ hơi đỏ mặt, mím chặt môi.
– Tôi thấy hình như ở đây toàn người tử tế, – bà nói cộc lốc.
Mụ Sandry nhìn trừng trừng:
– Tử tế! – Mụ kêu lên – Những bọn khiêu vũ nhẩy nhót ôm ghì lấy nhau mà bà bảo là tử tế, hở? Tôi nói cho bà biết, ở cái trại này thì bà có cơ bị mất linh hồn. Tối qua, tôi đã tới dự cuộc họp ở Weedpatch. Bà có biết ông mục sư nói gì không? Ông ấy nói: “Tội lỗi đang ở trong trại này. Người nghèo đang cố làm như người giàu. Đáng lẽ phải quì gối khóc than rên rỉ thì họ lại khiêu vũ, ôm riết lấy nhau”. Ông ta nói thế đấy – “Mọi kẻ ở tại đây đều là những kẻ tội lỗi đen tối”. Tôi nói cho bà biết, ai mà được nghe ông ta nói thì thấy khoan khoái dễ chịu lắm. Và chúng tôi biết, chúng tôi cứ bình yên vô sự, vì chúng tôi không khiêu vũ.
Mặt Mẹ đỏ bừng bừng, Bà từ từ đứng lên nhìn thẳng vào mụ Sandry.
– Bà đi đi, – Mẹ nói. – Bà đi ra ngay, đừng để tôi mắc tội lỗi khi phải nói thẳng là bà nên đi tới đâu. Đi đi mà than khóc rên rỉ.
Mụ Sandry há hốc miệng. Mụ lùi lại mấy bước và rồi lại trở nên hung dữ.
– Thiết nghĩ bà là người công giáo đấy chứ?
– Chúng tôi vẫn là công giáo.
– Không, đâu phải thế. Các người là những kẻ tội lỗi sẽ bị thiêu trong hoả ngục. Tất thảy các người. Rồi tôi cũng sẽ nêu việc này ra cuộc họp nữa. Tôi thấy linh hồn đen tối của bà cháy trong hoả ngục. Tôi cũng thấy cái đứa hài nhi vô tội trong bụng con gái bà, bị cháy thiêu.
Rosasharn bật ra một tiếng khóc rên rỉ. Mẹ cúi xuống nhặt một que củi.
– Cút đi. – Mẹ nói lạnh lùng – Đừng có bao giờ quay lại đây. Cái ngữ nhà bà, tôi cũng đã thấy trước rồi. Phải làm khổ được những người khác, các người mới thấy thích thú sao?
Mẹ vừa nói vừa tiến lại mụ Sandry.
Mụ Sandry bỏ đi nhưng thoáng chốc, đột nhiên mụ ngả đầu ra sau và gào rú. Mắt trợn trạo, tay mụ buông xõng xuống cánh sườn, và một tia nước bọt đặc quánh sùi ra ở góc mép. Mụ vẫn gào, vẫn rú, tiếng gào rú dài của những con vật. Từ các lều, đàn ông và đàn bà chạy ra, tới đứng gần mụ, lặng lẽ và sợ hãi. Dần dần, hai đầu gối của mụ khuỵu xuống và tiếng rú chìm xuống thành tiếng rên rỉ rùng rợn. Mụ ngã nghiêng, chân tay co giật. Đôi mắt trắng dã, mở to.
Một người đàn ông khẽ nói:
– Quỉ ám. Mụ ta bị quỷ ám.
Mẹ đứng cúi mắt nhìn cái hình thù đang co giật. Ông quản trị bé người tình cờ đi qua. Ông nhìn xuống người phụ nữ:
– Trầm trọng lắm, – ông nói – Có ai giúp đưa giùm mụ ta về lều được không?
Đám người lặng lẽ lảng ra và bỏ đi.
Hai người đàn ông cúi xuống nâng người đàn bà dậy, một người xốc nách, một người nắm lấy chân. Họ khiêng mụ về lều và đám người từ từ đi theo sau. Rosasharn chui vào dưới tấm bạt, nằm xuống và vùi đầu trong chăn.
Ông quản trị nhìn thấy bà mẹ rồi nhìn chiếc gậy bà cầm ở tay. Ông mỉm cười đầy vẻ mệt mỏi.
– Bà đã đánh mụ hay sao?
Mẹ vẫn nhìn theo đám người đang ra về, Bà chậm rãi lắc đầu.
– Không… nhưng suýt nữa tôi đánh. Ngày hôm nay đã hai lần mụ ta tới giày vò con gái tôi.
– Cố nhịn đừng đánh mụ. Mụ ta không được khoẻ. Chỉ là mụ không được khoẻ thôi. – Và ông khẽ nói thêm – Tôi muốn mụ và cả gia đình mụ đi nơi khác. Riêng một mình mụ đã gây bao nhiêu phiền phức, cả trại có hợp sức lại mà làm thế cũng không bằng.
Mẹ tự chủ được.
– Nếu mụ trở lại, có thể tôi lại đánh mụ. Tôi không dám nói chắc. Tôi không thể cho mụ ta cứ làm khổ con gái tôi.
– Bà đừng lo chuyện đó, bà Joad ạ. Bà không trông thấy mụ ta nữa đâu. Mụ ta nghĩ bà là một người tội lỗi rồi.
– Vâng, tôi cũng là người có tội. – Mẹ nói.
– Hẳn như thế. Ai cũng có tội nhưng không phải như mụ ta hiểu. Mụ ta không được khoẻ, bà Joad.
Mẹ nhìn ông với vẻ viết ơn, và bà gọi to:
– Con nghe rồi chứ, Rosasharn? Mụ ta không khỏe. Mụ loạn trí.
Nhưng cô gái không nhấc đầu lên. Mẹ nói:
– Tôi xin báo trước với ông đây, thưa ông. Nếu mụ ta còn quay lại, thì chẳng biết thế nào. Có lẽ tôi sẽ đánh mụ ta.
Ông ta cười gượng.
– Tôi biết tâm trạng của bà. Nhưng cố đừng đánh mụ ta. Tôi chỉ mong có thế, cố đừng đánh mụ.
Rồi ông thong thả đi về phía lều mà mụ Sandry được khiêng tới. Mẹ đi vào lều và ngồi xuống bên cạnh Rosasharn.
– Ngẩng mặt lên xem nào! – Bà nói. Nhưng cô gái vẫn không cựa quậy. Mẹ nhẹ nhàng lật cái chăn đang trùm mặt con gái. Bà nói:
– Cái mụ kia bị mất trí. Con chớ có tin bất cứ những gì mụ nói, xằng bậy cả.
Rosasharn thì thầm với vẻ kinh hãi.
– Lúc mụ ta nói đến chuyện thiêu cháy, con cảm thấy như bị thiêu cháy thật.
– Mụ ta nói vớ vẩn – Mẹ nói.
– Con mệt quá chừng, – cô gái thì thầm – Con mệt vì chuyện đã xảy ra. Con buồn ngủ, muốn ngủ lắm.
– Thế thì con ngủ đi. Ở đây tốt lắm. Con có thể ngủ yên.
– Nhưng mụ ấy có thể trở lại.
– Mụ không thể trở lại đâu. – Mẹ nói. – Mẹ sẽ ngồi ngay ở ngoài, không thể cho mụ trở lại. Giờ thì nghỉ đi vì con sắp có việc làm chỗ nhà nuôi trẻ, chỉ nay mai thôi.
Mẹ cố gắng đứng lên và đến chỗ ở ngay cửa ra vào. Bà ngồi trên một cái thùng. Khuỷu tay tì lên đầu gối. Bàn tay ngửa ra đỡ lấy cằm. Bà trông thấy sự hoạt động của trại, nghe tiếng ồn ào của trẻ con, tiếng búa nện trên vòng sắt, nhưng mắt vẫn nhìn ra phía trước.
Bố đi bộ trở về, thấy Mẹ ở đây, bèn đến ngồi gần mẹ. Mẹ thong thả nhìn ông với vẻ dò xét.
– Có tìm được việc làm không?
– Không, – Bố nói với vẻ ngượng ngập – Chúng tôi đang cố tìm.
– Thằng Al và chú John, với chiếc xe đâu rồi?
– Al đang mượn mấy thứ dụng cụ để sửa xe. Người ta bắt phải sửa tại chỗ, không cho đem về.
Mẹ buồn rầu nói:
– Chỗ này tốt quá. Chúng ta có thể sống sung sướng ở đây một thời gian.
– Nếu như kiếm được công ăn việc làm.
– Phải! Nếu như kiếm được công ăn việc làm.
Bố thấy Mẹ rầu rầu, nên chăm chú nhìn mẹ:
– Vậy mẹ nó còn buồn bã về cái nỗi gì nữa? Nếu ở đây tốt thế này thì cớ sao mẹ nó lại buồn?
Bà nhìn ông chằm chằm rồi thong thả nhắm mắt lại:
– Buồn cười quá đi mất! Suốt bao ngày đi đường lặn lội ngồi chết vào nhau trên xe, tôi không hề nghĩ ngợi gì. Và bây giờ, những người ở đây tử tế với mình quá, ân cần với mình hết sức… thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến, bố nó có biết là gì không? Tôi ôn lại trong tâm trí tất cả những nỗi buồn đau, nhớ lại cái đêm ông Nội mất, nhớ lại lúc chôn cất ông. Nhưng từ đó đường trường bao nhiêu gian nan vất vả, ngồi trên xe, bị lắc lư, bị lèn chặt, nên tôi chưa thấy thấm thía. Nhưng khi đã vượt qua và tới được đây, thì sự tình lại đau xót hơn. Bà Nội mất… Noah bỏ đi như thế… bỏ đi cắm cúi dọc bờ sông như thế… Đó là những mẩu chuyện lẻ tẻ rời rạc trong những chuỗi dài các chuyện cay đắng, và giờ đây chúng kéo nhau trở về trong tâm trí tôi, hàng đàn hàng lũ. Bà Nội sống nghèo khổ và bị chôn vùi như người nghèo khổ. Nghĩ đến mà đứt ruột, như dao cắt. Rồi thằng Noah lùi lũi bỏ đi, dọc bờ sông. Nó không biết đó là đâu, không biết được, mà chúng ta cũng không biết. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được nó sống hay chết. Không bao giờ biết được. Thằng Connie len lén trốn đi. Bao nhiêu ý nghĩ trước đây không đọng lâu trong đầu tôi thì bây giờ chúng lũ lượt kéo về. Ấy thế mà lẽ ra tôi nên bằng lòng với một nơi ở tốt như thế này mới phải.
Bố nhìn miệng Mẹ trong khi Mẹ nói. Mắt mẹ nhắm, mẹ nói tiếp:
– Tôi có thể nhớ lại những ngọn núi nó như thế nào, nhọn hoắt như những cái răng nhô ra bờ sông mà Noah đã đi qua. Tôi có thể nhớ lại những gốc rạ trên mặt đất đã phải đào lên cho Bà Nội nằm xuống. Tôi có thể hồi tưởng lại cái mặt thớt ở nhà với một cái lông dính trên đó, hằn ngang hằn dọc những vết chặt cắt, đen kịt máu gà máu vịt.
Tiếng của Bố cất lên rập theo giọng của Mẹ.
– Hôm nay tôi trông thấy những con vịt trời từng đàn dầy đông đặc bay rất cao thẳng về phương nam. Trông chúng đến là ngon mắt. Tôi cũng trông thấy những con sáo đậu trên bờ rào, – Mẹ mở mắt nhìn Bố, Bố nói tiếp – tôi trông thấy một cơn gió xoay, nom như một người đang quay tít qua cánh đồng… Về những con vịt trời bay, bay vút thẳng xuống phương nam.
Mẹ mỉm cười:
– Bố nó còn nhớ không? Có nhớ lúc ở nhà ta thường nói gì không? Nói “Mùa đông đến sớm” lúc thấy vịt trời bay. Bao giờ chúng ta cũng nói như vậy. Đúng mùa đúng tiết thì nó đến. Nhưng chúng ta vẫn nói: “Mùa đông đến sớm”. Tôi tự hỏi, nói thế là có ý nghĩa gì?
– Tôi thấy chim sáo đậu trên dây thép. Đậu sát vào nhau. Và đàn bồ câu. Không có gì im lìm như chim câu đậu trên hàng rào, cả những lúc hai con đậu bên nhau. Và cái cơn gió xoáy kia, như một con người to cao, vừa nhảy múa quay tròn ngang qua cánh đồng. Nom bao giờ cũng giống như bọn trẻ nhỏ, tuy to cao như người lớn.
– Mong sao tôi không nghĩ đến nhà cửa. – Mẹ nói – Chúng ta không có nhà cửa nữa. Thà quên đi cho rồi. Và thằng Noah…
– Nó không hề có đầu óc minh mẫn, tôi muốn nói là… do lỗi tại tôi.
– Tôi đã bảo rồi, bố nó không bao giờ được nói thế. Đáng lẽ, nó đã không thể sống được.
– Nhưng tôi cũng nên biết cho rõ thêm.
– Thôi, đừng nói nữa, – Mẹ nói – Thằng Noah lạ lùng lắm. Có lẽ nó thấy sung sướng được ở bên sông. Có lẽ thế mà hoá hay. Chúng ta không được phép buồn phiền. Đây là chỗ rất tốt, có thể bố nó sẽ sớm tìm được việc làm. Bố chỉ lên trời:
– Trông kìa… lại thêm những con vịt – một đàn lớn. Mà Mẹ nó này, “Mùa đông đến sớm”
Mẹ cười:
– Có những cái người ta làm chẳng biết tại sao.
– Chú John kia rồi. Lại đây ngồi, chú John.
Chú John đến với họ. Chú ngồi xổm trước Mẹ.
– Không ở đâu tìm được việc làm, – Chú nói – Chạy khắp nơi, rạc cả cẳng. Này, Al muốn gặp bác đấy, nó bảo phải mua một lốp mới, vỏ cũ đã lòi vải ra ngoài.
Bố đứng lên:
– Hy vọng là nó mua được rẻ. Chúng ta chẳng còn bao nhiêu tiền. Al đâu?
– Dưới kia, tới ngã tư gần đây thì rẽ sang phải. Nó nói không mua lốp mới thì sẽ bị nổ hư mất xăm.
Bố thong thả bước đi, mắt theo dõi đàn vịt trời bay thành hình chữ V khổng lồ.
Chú John nhặt một hòn cuội dưới đất, để nó rơi xuống rồi lại nhặt lên. Chú nói mà không nhìn bà mẹ.
– Không có việc gì cả.
– Tại ta chưa đi tìm khắp nơi.
– Chưa, nhưng đâu đâu cũng treo biển báo không cần người làm.
– Đã vậy thì chắc Tom đã có việc làm nên chưa thấy nó về.
Chú John nêu ý kiến:
– Có thể nó cũng bỏ đi như Connie, như Noah.
Mẹ bỗng nhìn xoáy vào chú, nhưng rồi đôi mắt bà dịu lại:
– Có những điều mà người ta biết, có những chuyện mà người ta nắm chắc. Tom đã có việc làm, tối nay nó sẽ về. Đúng như thế – bà nở nụ cười thoả mãn – Thằng ấy nó ngoan đến thế! Tốt, hiền thảo đến thế!
Các xe hơi và xe cam nhông bắt đầu đi vào trại và đàn ông tụ tập cạnh Trạm Vệ Sinh. Ai nấy đều cầm áo ngoài sơmi ở tay.
Mẹ như chợt tỉnh:
– Chú John, chú hãy đi tìm anh và đến hiệu tạp phẩm. Mua cho tôi đậu, đường, một miếng thịt rán và càrốt. Nói với anh mua cái gì ngon ngon, gì cũng được, nhưng phải ngon cho buổi tối nay. Tối nay, ta phải có cái gì đó ăn ngon.
Chú thích
1. Nguyên văn: hôn các ngọn núi.
2. Nguyên văn: Trò mèo đực (tom-catting)