Cô Gái Chọc Tổ Ong Bầu

CHƯƠNG 11



Thứ Sáu, 13 tháng Năm
Thứ Bảy, 14 tháng Năm
Sáng sớm thứ Sáu khi đi từ tòa báo Millennium đến căn hộ xưa của Salander trên đường Lundagatan, Blomkvist chú ý để chắc chắn là mình không bị theo dõi. Anh phải gặp Idris Ghidi ở Goteborg. Vấn đề là làm sao đi đến đó mà không bị quan sát hay để lại dấu vết. Anh quyết định không đi tàu vì anh không muốn dùng thẻ tín dụng. Thường thường anh mượn xe Berger nhưng nay thì không thể. Anh đã nghĩ hỏi Cortez hoặc nhờ ai đó thuê xe cho anh nhưng như thế cũng có thể để lại dấu vết.
Cuối cùng đã lóe ra giải pháp. Anh rút tiền mặt ở một ATM trên đường Gotgatan. Anh có chìa khóa chiếc Honda màu mận tím của Salander. Từ tháng Ba nó vẫn đỗ ở bên ngoài chung cư của cô. Anh chỉnh ghế, thấy xăng còn nửa bình. Rồi anh lùi xe ra và băng qua Liljeholmsbron đến xa lộ E4.
2 giờ 50 anh đỗ xe ở một phố ngách bên ngoài Avenyn ở Goteborg. Anh ăn trưa muộn ở một quán cà phê lần đầu tiên anh đặt chân đến. 4 giờ 10 anh đi xe điện đến Angered và xuống ở trung tâm thành phố. Mất hai mươi phút để tìm ra địa chỉ nơi Ghidi sống. Bị muộn mất mười phút so với hẹn.
Ghidi mở cửa, bắt tay Blomkvist, mời anh vào gian phòng khách bày biện sơ sài. Ông hơi cà nhắc. Ông mời Blomkvist ngồi vào bàn ở cạnh một tủ bát đĩa trên đó có một chục bức ảnh đóng khung. Blomkvist xem chúng.
– Gia đình tôi, – ông nói.
Giọng ông nằng nặng. Blomkvist ngờ là ông đã không vượt qua nổi cuộc sát hạch ngôn ngữ mà Ðảng Nhân dân Thụy Ðiển yêu cầu.
– Ðây là anh em ông?
– Hai anh tôi ở bên trái đã bị Saddam giết từ những năm 80. Bố tôi đứng giữa đó. Hai chú tôi bị Saddam giết hồi những năm 90. Mẹ tôi chết năm 2000. Ba chị em gái tôi còn sống. Hai người ở Syria. Và em út tôi ở Madrid. – Ghidi rót cà phê Thổ Nhĩ Kỳ.
– Kurdo Baksi gửi lời chào.
– Kurdo nói ông muốn mướn tôi làm một việc, không phải việc tôi đang làm. Tôi cần phải nói ngay là nếu việc phi pháp thì tôi không làm đâu. Tôi không dám dính vào bất cứ việc gì như thế.
– Việc tôi nhờ ông không hề phi pháp gì cả. Nhưng nó không phải việc ông vẫn quen làm. Tôi chỉ nhờ ông làm việc này trong hai tuần. Và mỗi ngày ông làm có một phút. Mỗi tuần tôi sẽ trả cho ông một nghìn krona. Tôi trả cho ông và không báo cáo cơ quan thuế.
– Tôi hiểu. Thế vậy tôi phải làm gì đây?
– Một trong những việc ông làm ở bệnh viện Sahlgrenska – một tuần sáu ngày, nếu tôi hiểu đúng – là lau quét hành lang 11C, chỗ hồi sức chứ gì?
Ghidi gật.
– Việc tôi muốn ông làm là như thế này. – Blomkvist cúi về đằng trước nói rõ kế hoạch của mình.
 
o O o
 
Công tố viên Ekstrom đánh giá người khách. Ðây là lần thứ ba ông gặp sĩ quan cảnh sát Nystrom. Ông nhìn bộ mặt nhăn nheo với mái tóc ngắn hoa râm. Trong những ngày tiếp theo sau vụ giết Karl Axel Bodin, Nystrom đã gặp ông lần đầu tiên. Tài liệu ông ta đưa ra cho thấy ông ta là người của SIS. Họ đã nói chuyện lâu, nhẹ nhàng.
– Quan trọng là ông hiểu cho điều này: là tôi không hề cố ảnh hưởng đến cách làm việc của ông. Tôi cũng nhấn mạnh rằng dù thế nào đi nữa ông cũng không được lộ ra ngoài cái thông tin mà tôi cho ông, – Nystrom nói.
– Tôi hiểu.
Thực tình Nystrom nói những gì Ekstrom cũng chẳng hiểu hết nhưng ông không muốn hỏi, sợ tỏ ra mình không được thông minh mấy. Ông chỉ hiểu rằng cần phải xử lý hết sức kín đáo thận trọng vụ Karl Axel Bodin bị giết. Ông cũng hiểu Nystrom đến gặp ông đây là không chính thức, tuy các vị phụ trách cao nhất trong Cảnh sát An ninh có tán thành.
– Chuyện này phải bảo đảm tuyệt đối là một vấn đề sống chết, – Nystrom đã nói ngay trong lần gặp đầu. – Chừng nào mà đã dính đến Cảnh sát An ninh thì mọi cái liên quan đến vụ Zalachenko đều là Tối Mật hết. Tôi có thể nói với ông rằng hắn là một tên Nga đào ngũ, cựu nhân viên của Tình báo Quân đội Liên Xô, một vai chính trong lần Nga tấn công chống Tây Âu hồi thập niên 70.
– Blomkvist ở Millennium đã viện dẫn rõ ra điều này.
– Blomkvist khá chính xác trong việc này đấy. Hắn là nhà báo mà tình cờ thế nào lại sục nhằng vào một trong những tổ chức bí mật nhất do Bộ Quốc phòng Thụy Ðiển chỉ đạo.
– Hắn sẽ cho đăng thông tin này.
– Dĩ nhiên. Hắn thay mặt cho giới thông tin đại chúng với mọi thứ lợi thế và hạn chế. Chúng ta sống trong chế độ dân chủ nên tất nhiên chúng ta không thể ảnh hưởng đến những gì báo chí họ viết. Vấn đề ở trường hợp này là Blomkvist chỉ biết có một phần sự thật về Zalachenko, mà những cái hắn nghĩ là hắn biết đúng thì phần lớn lại sai tiệt.
– Tôi hiểu.
– Điều mà Blomkvist không nắm được là nếu để lộ ra sự thật về Zalachenko thì lập tức các thông tín viên và nguồn tin của chúng ta ở Nga sẽ bị người Nga lôi cổ ra hết. Những người đã liều mạng cho nền dân chủ sẽ lâm nguy hay bị giết.
– Nhưng Nga nay cũng là nước dân chủ rồi mà? Tôi muốn nói là nếu là trong thời cộng sản…
– Ảo tưởng mà thôi. Đây là nói những người đã chính thức làm việc do thám ở Liên Xô – không chế độ nào trên thế giới mà lại sẽ ủng hộ điều này, tuy điều này xảy ra đã từ nhiều năm trước rồi. Và một số nguồn tin hiện vẫn còn đang hoạt động.
Chẳng có điệp viên nào như thế tồn tại hết nhưng Ekstrom không biết điều đó. Ông buộc phải tin lời Nystrom. Và ông không thể không cảm thấy phởn rằng mình đã được cung cấp thông tin – bí mật, dĩ nhiên – cái thông tin nằm trong những điều bí mật nhất mà người ta có thể tìm thấy được ở Thụy Điển. Ông hơi ngạc nhiên sao Cảnh sát An ninh Thụy Ðiển lại có thể thâm nhập quân đội Liên Xô đến mức như Nystrom nói và ông hoàn toàn hiểu rằng dĩ nhiên là tuyệt đối không thể bép xép thông tin này.
– Khi tôi được giao nhiệm vụ tiếp xúc ông, Chúng tôi đã kiểm tra kỹ thông tin về ông, – Nystrom nói.
Muốn cám dỗ ai thì luôn phải tính đến việc phát hiện ra chỗ yếu của người đó. Chỗ yếu của công tố viên Ekstrom là ông đinh ninh rằng bản thân ông có tầm quan trọng nào đó. Như bất cứ ai khác, ông thích nghe phỉnh. Với ông thì mánh lới cám dỗ là làm cho ông cảm thấy ông đã được kén chọn đặc biệt.
– Và chúng tôi có thể tự hài lòng rằng lực lượng cảnh sát… Và dĩ nhiên các nhóm của Chính phủ nữa, đều rất kính trọng ông.
Ekstrom nom khoái trá. Các cá nhân giấu tên trong các nhóm của Chính phủ đã rất tin tưởng thì có nghĩa là nếu như Ekstrom chơi ván bài này tử tế, ông sẽ có thể trông vào lòng biết ơn của họ.
– Nói đơn giản thì nhiệm vụ của tôi là cung cấp cho ông những thông tin càng cần thiết, càng bí mật càng hay. Ông chắc cũng hiểu câu chuyện này đã hóa ra phức tạp đến mức khó ngờ như thế nào. Bởi lẽ đang tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ mà chính ông gánh lấy trách nhiệm cao nhất ở đó. Không ai – ngay cả Chính phủ hay Cảnh sát An ninh hay bất cứ chỗ nào khác – có thể can thiệp vào cách ông chỉ đạo cuộc điều tra này. Việc của ông là xác định sự thật và đưa các bên phạm tội ra tòa. Một trong những chức năng chủ yếu ở một đất nước dân chủ là thế mà.
Ekstrom gật đầu.
– Nếu toàn bộ sự thật về Zalachenko lộ ra thì sẽ là một thảm họa quốc gia.
– Vậy đúng ra ông đến là với mục đích gì?
– Thứ nhất, làm cho ông nhận ra tính chất nhạy cảm của tình hình. Tôi không ngờ sau Thế chiến thứ hai, Thụy Ðiển lại rơi vào một tình thế bị phơi phong ra như thế này. Có thể nói ở một mức độ nào đó số phận của Thụy Điển đang nằm trong tay ông.
– Nhưng ai là cấp trên của ông chứ nhỉ?
– Tôi rất tiếc không thể nói tên của bất cứ ai đang làm việc trong vụ này. Nhưng tôi có thể nói tôi nhận chỉ thị của cấp cao nhất.
Chúa lòng lành. Hắn làm việc theo lệnh của Chính phủ. Nhưng hắn không thể nào nói mà không làm bung ra một trận bão lửa chính trị được.
Nystrom trông thấy Ekstrom đã nuốt phải mồi.
– Nhưng việc tôi có thể làm là cung cấp thông tin cho ông. Tôi được trao quyền dựa vào phán xét của tôi mà cho ông xem các tài liệu, trong đó có một số đã được xếp hạng cao nhất ở đất nước này.
– Tôi hiểu.
– Như thế nghĩa là nếu ông muốn hỏi điều gì, có thể là bất cứ điều gì, thì ông nên tìm tôi. Ông không được nói với bất cứ ai ở Cảnh sát An ninh, trừ chỉ với mình tôi. Nhiệm vụ của tôi là dẫn ông đi trong mê cung này, nếu có nguy cơ nổi lên xung đột ở giữa các lợi ích khác nhau thì lúc ấy chúng ta sẽ giúp nhau tìm ra giải pháp.
– Tôi hiểu. Trong trường hợp này tôi nên nói tôi rất biết ơn ông và các bạn đồng nghiệp của ông đang muốn giúp tôi làm công việc này được thuận lợi.
– Chúng tôi muốn quá trình pháp lý cứ đi theo tiến trình của nó dù đây là một tình thế khó khăn.
– Tốt. Tôi bảo đảm với ông là tôi sẽ giữ bí mật tuyệt đối. Dù sao thì đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi nắm thông tin Tối Mật.
– Vâng, cái ấy chúng tôi biết chứ.
Ekstrom đưa ra hơn một chục câu hỏi mà Nystrom ghi lại tỉ mỉ, rồi trả lời hết khả năng cho phép của mình. Trong lần gặp thứ ba này, những câu hỏi Ekstrom đặt ra trước đây đã được trả lời. Trong đó câu quan trọng nhất là: sự thật xung quanh bản báo cáo năm 1991 của Bjorck là gì?
– Ðây là một vấn đề nghiêm trọng, – Nystrom làm ra bộ như mình có liên quan đến vấn đề. – Vì bản báo cáo này đang nổi lên như một vấn đề rắc rối, cho nên chúng tôi đã có một nhóm phân tích làm việc gần như suốt ngày đêm để phát hiện chính xác xem đã xảy ra việc gì. Nay chúng tôi đã đến chỗ sắp rút ra được kết luận. Những kết luận phiền toái nhất.
– Tôi hình dung ra rõ được. Báo cáo này cáo buộc Cảnh sát An ninh và bác sĩ tâm thần Peter Teleborian đã bắt tay nhau để đưa Lisbeth Salander vào bệnh viện tâm thần.
– Giá mà chỉ có như thế thôi, – Nystrom hơi mỉm cười nói.
– Tôi không hiểu.
– Nếu tất cả chỉ có như vậy thì chuyện đã đơn giản. Một vụ giết người đã xảy ra và dẫn tới khởi tố. Chỗ khó là bản báo cáo này không giống với các báo cáo khác ở trong hồ sơ của chúng tôi.
Nystrom lấy một cặp hồ sơ xanh mở ra:
– Cái tôi đang có đây là bản báo cáo chính tay Bjorck viết năm 1991. Đây cũng là bản gốc của thư từ giữa ông ta với Teleborian. Hai bản không khớp nhau.
– Xin giải thích.
– Điều kinh khủng là Bjorck đã tự treo cổ chết. Có lẽ vì sợ các trò lệch lạc tính dục của mình bị lộ ra. Tờ tạp chí của Blomkvist đang có ý bêu ông ấy. Điều này làm ông ấy thất vọng ghê gớm đến nỗi phải tự kết liễu đời mình.
– À…
– Bản báo cáo là nói về chuyện Lisbeth Salander mưu sát bố, Alexander Zalachenko bằng một quả bom xăng. Ba mươi trang đầu của bản báo cáo mà Blomkvist tìm thấy thì khớp với bản gốc. Thật ra thì các trang này không có gì đáng nói cả. Phải đến trang ba mươi ba, khi Bjorck rút ra kết luận và nêu ý kiến xử lý thì chỗ khác nhau mới nổi lên.
– Khác nhau ra sao?
– Trong bản gốc Bjorck đưa ra năm ý kiến đã được lập luận vững chắc. Chúng tôi không cần phải giấu sự thật là họ muốn bôi xấu vụ Zalachenko ở trên truyền thông đại chúng và v.v. Bjorck đề nghị cho Zalachenko, ông ta bị bỏng rất nặng, hồi phục sức khỏe ở nước ngoài. Và những việc tương tự. Ông ấy cũng đề nghị nên trông nom chữa chạy tối đa về tâm thần cho Salander.
– Tôi rõ…
– Vấn đề là một số câu chữ đã bị sửa đổi rất tinh vi. Ở trang ba mươi tư, có một đoạn Bjorck gợi ý nên coi Salander là người mắc bệnh tâm thần để nếu có ai đó hỏi đến Zalachenko thì họ sẽ không mấy tin vào lời cô ấy nữa.
– Và trong bản gốc thì không có đề nghị này.
– Chính xác. Không hề có đề nghị nào thuộc loại này ở trong báo cáo của chính Bjork viết. Không nói đến các cái khác, chỉ riêng về luật thôi thì đề nghị này đã là vi phạm rồi. Ông ấy nhiệt tình nêu ra ý kiến rằng rõ ràng là cô gái cần được chữa chạy và nên cho cô gái hưởng như vậy. Trong bản của Blomkvist, thì ý kiến này đã xoay chuyển thành ra một âm mưu.
– Tôi có thể đọc bản gốc được không?
– Chắc chắn rồi. Khi đi tôi đã mang nó theo mà. Trước khi ông đọc, xin cho tôi hướng chú ý của ông vào chỗ phụ lục, ở đấy là thư từ tiếp theo giữa Bjorck và Teleborian. Nó gần như hoàn toàn bị làm mạo. Ở đây không hề là chuyện sửa chữa tinh vi mà là chuyện giả mạo trắng trợn.
– Giả mạo?
– Tôi nghĩ chỉ có gọi như thế thì mới thỏa đáng. Bản gốc cho thấy Peter Teleborian được tòa án quận giao việc khám nghiệm pháp y về tâm thần của Lisbeth Salander. Chẳng có gì lạ lùng ở đây sất. Salander mười hai tuổi và cố giết bố – chuyện đến thế mà lại không dẫn tới một báo cáo tâm thần thì mới là kỳ quái quá chứ.
– Ðúng vậy.
– Tôi cho rằng nếu là công tố viên thì chắc chắn ông sẽ yêu cầu phải điều tra cả về hai mặt xã hội lẫn tâm thần.
– Dĩ nhiên rồi.
– Bất chấp Teleborian là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng chuyên điều trị cho thiếu nhi và làm việc trong ngành pháp y. Ðược trao nhiệm vụ, ông ấy đã làm một cuộc điều tra thông thường và đi tới kết luận rằng cô gái bị bệnh tâm thần. Tôi không phải nói lại các thuật ngữ y học của họ.
– Không, không mà…
– Teleborian viết kết luận này vào một báo cáo rồi gửi cho Bjorck. Bản báo cáo sau đã được đưa cho tòa án quận, tòa án quận bèn quyết định Salander phải được trông nom chữa chạy ở bệnh viện Thánh Stefan. Bản của Blomkvist thiếu hẳn toàn bộ cuộc điều tra do Teleborian tiến hành. Mà thay vào đó là cuộc trao đổi giữa Bjorck và Teleborian, trong đó Bjorck đã bảo Teleborian làm giả một cuộc khám nghiệm tâm lý.
– Và ông gọi cái trò giả mạo đó là sáng tạo ư?
– Chuyện đâu phải thế.
– Nhưng ai lại muốn bày ra cái trò này?
Nystrom đặt bản báo cáo xuống, cau mày:
– Ðến đây mới là trung tâm của vấn đề.
– Vậy câu trả lời là…?
– Chúng tôi không biết. Ðó là điều mà nhóm phân tích của chúng tôi đang căng ra để trả lời.
– Liệu Blomkvist có thể khuấy lên được cái gì không?
Nystrom cười to:
– Chúng tôi lúc đầu cũng nghĩ như thế. Nhưng nay thì không. Chúng tôi nghiêng về quan điểm cho rằng việc giả mạo này đã được làm từ trước lâu rồi, có lẽ ít nhiều cùng lúc Bjork viết bản báo cáo gốc. Và như thế thì sẽ dẫn đến một hay hai kết luận không hay. Bất cứ ai làm trò giả mạo này đều phải là cực kỳ am hiểu các nguồn tin. Bất cứ ai làm chuyện này đều phải sờ được vào cái máy chữ mà Bjorck dùng.
– Ông muốn nói…
– Chúng tôi không biết Bjorck viết bản báo cáo ở đâu. Có thể ở nhà hay văn phòng ông ta hay ở một chỗ nào khác. Chúng tôi hình dung ra hai khả năng. Hoặc người làm giả báo cáo là một người nào đó ở bệnh viện tâm thần hay ở bộ phận pháp y, một người mà vì lý do nào đó muốn Teleborian bị dính vào một vụ tai tiếng. Hoặc là một người thuộc Cảnh sát An ninh, làm vụ giả mạo này vì một mục đích hoàn toàn khác.
– Vì lý do nào được cơ chứ nhỉ?
– Chuyện này xảy ra năm 1991. Có thể có một điệp viên Nga nằm trong SIS đã vớ được tung tích Zalachenko. Hiện chúng tôi đang xem xét một số lượng lớn hồ sơ nhân sự cũ.
– Nhưng nếu KGB tìm ra… thì đã phải rò rỉ ra từ nhiều năm trước rồi chứ.
– Ông nói đúng. Nhưng chớ quên khi ấy là lúc Liên Xô đang sụp đổ và KGB giải thể. Chúng tôi không biết có chuyện gì lôi thôi không. Có thể là một trận đánh đã lên kế hoạch nhưng rồi bị treo. KGB là bậc thầy về làm của giả và phao tin thất thiệt.
– Nhưng cớ gì KGB mà lại muốn cấy chuyện giả này vào?
– Chuyện này chúng tôi không biết nốt. Nhưng mục đích rõ nhất là muốn cho Chính phủ Thụy Ðiển dính phải một vụ tai tiếng.
Ekstrom mím môi lại.
– Vậy như ông nói đây thì bệnh án của Salander là đúng?
– Ô vâng mà. Nói kiểu nôm na thì Salander điên trăm phần trăm. Không nghi ngờ gì ở chỗ này cả. Quyết định đưa cô ấy vào bệnh viện tâm thần là tuyệt đối đúng.
 
o O o
 
– Nhà vệ sinh? – Nghe Eriksson nói mà ngỡ như cô nghĩ Cortez đang muốn lởm cô.
– Thì nhà vệ sinh mà, – Cortez nhắc lại.
– Anh muốn viết một bài về nhà vệ sinh cho Millennium hử?
Eriksson không nhịn được cười. Khi Cortez lững lờ đến dự cuộc họp hôm thứ Sáu, Eriksson đã trông thấy cái vẻ hào hứng không giấu nổi của anh, cô cũng nhận ra ngay tất cả các dấu hiệu của một anh phóng viên đang ấp ủ một bài viết.
– Nói rõ ra xem nào.
– Thực ra thì là khá đơn giản thôi, – Cortez nói. – Ngành công nghiệp lớn nhất ở Thụy Ðiển là xây dựng. Ngành này thực tế không thể có chân rết hợp tác ở nước ngoài, dù cho tập đoàn Xây dựng Skanska đã mở văn phòng ở London và dăm ba nơi. Muốn gì thì gì, nhà cửa cứ là phải xây dựng ở Thụy Ðiển.
– Cái đó thì có gì là mới đâu.
– Ðúng, nhưng cái mới là khi đụng đến chuyện cạnh tranh và hiệu quả thì công nghiệp xây dựng đi trước tất cả các công nghiệp khác của Thụy Ðiển tới vài năm ánh sáng. Nếu Volvo làm xe hơi cũng theo cách ấy, thì mẫu mới nhất sẽ có giá khoảng một, thậm chí hai triệu krona. Với phần lớn các ngành công nghiệp thì giảm chi phí luôn là thách thức thường trực. Với ngành xây dựng lại ngược hẳn. Giá mỗi mét vuông tiếp tục tăng. Nhà nước trợ cấp cho giá xe bằng tiền thuế của dân chỉ cốt để cho người mua còn có thể sờ được vào giá.
– Ở đấy có chuyện để viết ư?
– Khoan. Chuyện này phức tạp. Hãy nói đến bánh hamburger, đường biểu diễn giá của nó vẫn giữ y nguyên từ thập niên 70 – cho nên một Mac Bự 1 giá chỉ chừng 150 krona hay hơn. Tôi không muốn đoán với cả khoai tây chiên và Cola Cola thì giá sẽ là bao nhiêu, nhưng lương tôi ở Millennium là không thể kham nổi chuyện này. Bao nhiêu người ở cái bàn này sẽ đến McDonald’s mua một hamburger giá 100 krona?
Không ai nói năng gì.
– Có thể hiểu được. Nhưng khi hét cho thuê đặc biệt vài mét khối thép miếng ở Gashaga trên đường Lidingo, thì tập đoàn xây dựng NCC lại đòi từ 10.000 đến 12.000 krona một tháng cho một căn hộ lắp ghép từ ba khối thép miếng. Bao nhiêu người trong các bạn có thể trả được món tiền như thế?
– Tôi là chịu đấy, – Nilsson nói.
– Vâng, dĩ nhiên là chịu chứ. Nhưng bạn đã sống trong một căn hộ một phòng ngủ ở gần Danvikstull mà bố bạn mua cho bạn hai chục năm trước, và nếu phải bán nó thì chắc bạn thu về được một triệu rưỡi krona. Nhưng hai mươi năm lịch sử thì có nghĩa lý gì với người muốn rời ngôi nhà gia đình đi? Người ta không thể cho phép làm thế. Vậy nên người ta cho thuê lại rồi cho thuê lại nữa, hoặc là người ta sống ở nhà với mẹ cho tới ngày về hưu.
– Vậy sao nhà vệ sinh lại nhảy vào chuyện này? – Malm nói.
– Tôi đang nói đến chỗ ấy đây. Vấn đề là tại sao các căn hộ lại đắt chết người đến thế? Vì các dân đầu nậu bán chung cư ấy không biết cách đặt giá. Nói đơn giản thế này, một người mở mang kinh doanh gọi công ty xây dựng Skanska hỏi giá nhà là bao nhiêu. Skanska tính toán, trả lời lại rằng giá khoảng 500 triệu krona. Có nghĩa là chi phí của mỗi mét vuông sẽ là x krona và nếu bạn muốn dọn đến đó thì nó sẽ có giá 10.000 krona một tháng. Nhưng khác với thí dụ McDonald’s ở chỗ là bạn thực sự không được lựa chọn – bạn phải có một chỗ nào để mà sống chứ. Nên bạn phải trả cái tỉ lệ hiện hành.
– Henry thân mến ơi… Xin đi vào đề cho.
– Thì vấn đề là thế đấy. Tại sao cần trả 10.000 krona một tháng để sống trong cái đống rác hạng bét ở Hammarbyhamnen? Vì các công ty xây dựng không thiết quái gì giữ cho giá nhà ở mức thấp. Muốn gì thì người mua cũng phải trả tiền thôi mà. Một trong những chi phí lớn là vật liệu xây dựng. Buôn bán vật liệu xây dựng lại qua tay các nhà buôn sỉ tự đặt ra giá. Vì thực sự không có cạnh tranh, nên giá bán lẻ một bồn tắm ở Thụy Ðiển là 5.000 krona; trong khi ở Ðức cũng bồn tắm ấy của cùng nhà chế tạo ấy bán lẻ có 2.000 krona. Không giải thích thỏa mãn nổi chỗ khác nhau này vì không có chi phí gia tăng.
Quanh bản có tiếng lầm rầm sốt ruột.
– Các bạn có thể đọc thấy nhiều điều về chuyện này trong một bản báo cáo của Phái đoàn Chi phí xây dựng của Chính phủ, đoàn này hoạt động cho tới cuối thập niên 90. Từ đấy không xảy ra nhiều điều gì. Không ai nói với các công ty xây dựng về các cái giá phi lý. Người mua hớn hở trả tiền cho cái mà người ta bảo là giá, cuối cùng thì gánh nặng chi phí rơi vào người thuê nhà hay người đóng thuế.
– Henry, đang nói nhà vệ sinh cơ mà?
– Từ khi có báo cáo của Phái đoàn chi phí xây dựng thì đã có một ít thay đổi ở địa phương và trước hết ở ngoài Stockholm. Các khách hàng đã chán ngấy những khoản chi phí xây dựng đắt đỏ. Một thí dụ là Karlskrona Homes, nhờ tự mua lấy vật liệu, họ đã xây được nhà rẻ hơn bất cứ ai. Svensk Hamid cũng tham gia cuộc chơi đó. Họ nghĩ giá vật liệu xây dựng là phi lý, nên họ cố làm cho các công ty mua được sản phẩm chất lượng tốt như nhau mà giá lại không đắt bằng. Việc này đã dẫn đến một xung đột nho nhỏ ở Chợ phiên xây dựng tại Alvsjo năm ngoái. Svensk Handel đã đưa một người Thái Lan đến, người này bán 500 krona một cái bồn tắm.
– Rồi thì xảy ra chuyện gì?
– Người cạnh tranh gần gũi nhất của ông này là một nhóm bán sỉ Thụy Ðiển tên là Liên doanh Vitavara, bán các nhà vệ sinh xịn của Thụy Điển với giá 1.700 krona một cái. Những khách hàng khôn ngoan ở thành phố bắt đầu gãi đầu nghĩ tại sao mình lại xì ra 1.700 krona trong khi chỉ với 500 đã mua được một cái tương tự của Thái.
– Chắc chất lượng tốt hơn, – Karim nói.
– Không, hoàn toàn như nhau.
– Hàng Thái, – Malm nói. – Nghe là đã thấy lao động trẻ con và các thứ đại loại thế rồi. Có thế mới nói tại sao mà rẻ được chứ.
– Không phải thế, – Cortez nói. – Lao động trẻ con ở Thái Lan chủ yếu là ở các ngành dệt và hàng lưu niệm. Dĩ nhiên cả ngành tính dục trẻ con. Liên Hiệp Quốc đã để mắt đến lao động trẻ con và tôi đã kiểm tra công ty này. Họ là một đơn vị sản xuất có uy tín, hoạt động trên quy mô lớn, hiện đại, làm ra các thiết bị và đồ dùng về dẫn nước.
– Ðược… nhưng chúng ta đang nói đến các nước có giá nhân công thấp và như thế thì anh sẽ có cơ viết một bài đề nghị công nghiệp Thụy Ðiển nên để cho công nghiệp Thái vượt qua đầu. Thải công nhân Thụy Ðiển, đóng cửa nhà máy nội địa lại, nhập các thứ của Thái. Liên hiệp công đoàn sẽ chẳng cho anh một điểm nào đâu.
Cortez nở một nụ cười. Anh ngả người ra ghế, vẻ thú vị với bản thân đến mức nom hề.
– Cũng lại không, – anh nói. – Đoán xem Liên doanh Vitavara làm các nhà vệ sinh ở đâu để bán với giá 1.700 krona đây?
Im lặng buông xuống gian phòng.
– Ở Việt Nam, – Cortez nói.
– Lại đùa dai, – Eriksson nói.
– Họ làm ở đấy ít nhất cũng đã mười năm rồi. Công nhân Thụy Ðiển đã bị gạt ra khỏi cuộc đua từ những năm 90 rồi cơ.
– Ô, quỷ quái thật!
– Ðến đây mới là điều tôi muốn nói. Nếu bạn nhập trực tiếp của nhà máy Việt Nam thì giá cỡ chừng 390 krona. Nghĩ xem, về chuyện giá cả khác nhau giữa Thái và Việt Nam thì các bạn giải thích được như thế nào đây?
– Ðừng bảo tôi là…
– Ô vâng. Liên doanh Vitavara ký một hợp đồng phụ với một nhóm công nghiệp Fong Soo. Nhóm này nằm trong danh sách của Liên Hiệp Quốc về các công ty thuê lao động trẻ con, ít nhất thì cũng đã nằm ở trên danh sách điều tra từ năm 2001. Nhưng phần lớn công nhân là phạm nhân.
Eriksson cười phá lên.
– Thế thì nhất. Thực sự là nhất. Tôi chắc khi trưởng thành lên anh sẽ là nhà báo. Anh làm sao có được bài báo đã sẵn sàng và nhanh như thế?
– Hai tuần. Tớ có nhiều thứ về thương mại quốc tế để kiểm tra. Lúc này chúng ta đang cần một cha phản diện cho bài báo. Cho nên tớ đang đi xem đứa nào sở hữu cái Liên doanh Vitavara kia.
– Rồi chúng ta có thể cho nó vào số tháng Sáu chứ?
– Không thành vấn đề.
 
o O o
 
Thanh tra Bublanski nghe công tố viên Ekstrom, không để lộ một vẻ gì ra ngoài. Cuộc họp đã kéo đài bốn mươi phút, Bublanski cảm thấy hết sức dữ dội muốn vồ ngay lấy quyển Pháp luật của Vương quốc Thụy Ðiển để ở mép bàn Ekstrom rồi đập nó vào ngay giữa mặt ông công tố viên. Ông biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông làm theo xung động đó. Chắc chắn các báo buổi chiều sẽ giật tít và ông thì có lẽ sẽ bị buộc tội hành hung. Ông gạt cái ý nghĩ đó đi. Tất cả vấn đề của con người đã được xã hội hóa là không để cho kiểu xung động này nó lôi đi, bất kể đối phương có thể xử sự hung hăng với mình như thế nào. Và dĩ nhiên thường là một ai đó đã chịu thua cái xung động này nên sau đó thanh tra Bublanski mới được vời đến.
– Tôi thấy là chúng ta đã tán thành, – Ekstrom nói.
– Không, chúng tôi không tán thành, – Bublanski nói, đứng lên. – Nhưng ông là người lãnh đạo cuộc điều tra sơ bộ.
Ông lầm rầm một mình khi rẽ xuôi hành lang về văn phòng mình, trên đường đi ông gọi Andersson và Modig. Họ là những người đồng sự duy nhất mà ông có trong tay chiều hôm ấy, đáng tiếc là Holmberg đã chọn nghỉ hai tuần.
– Văn phòng tôi, – Bublanski nói. – Mang cà phê đến.
Sau khi đã ngồi đâu đấy, Bublanski xem các ghi chép về cuộc họp với Ekstrom.
– Như tình hình cho thấy, người cầm đầu cuộc điều tra sơ bộ đã chụp hết lên Lisbeth Salander những lời buộc tội liên quan đến các vụ án mạng mà trước đây vì chúng cô ấy đã bị săn lùng. Như chúng ta biết thì cô ấy không còn là đối tượng của cuộc điều tra sơ bộ nữa.
– Dù sao thì cũng có thể coi như là một tiến bộ, – Modig nói.
Andersson như thường lệ không nói gì.
– Tôi không chắc là như thế đâu, – Bublanski nói. – Salander vẫn bị nghi là hành hung người dính dáng đến các sự kiện ở Stallarholmen và Gosseberga. Nhưng chúng ta không còn liên quan gì đến các cuộc điều tra ấy nữa rồi. Chúng ta phải tập trung tìm Niedermann và xử lý các ngôi mộ tại Nykvarn. Mặt khác, nay đã rõ là Ekstrom sẽ khởi tố Salander. Vụ án đã được chuyển giao cho Stockholm, và vì mục đích này người ta đã xếp đặt một cuộc điều tra mới hoàn toàn.
– Ô, thật thế ư? – Modig nói.
– Thế cô nghĩ ai sẽ điều tra Salander đây? – Bublanski nói.
– Tôi e là trường hợp xấu nhất.
– Hans Faste đã trở về làm việc, hắn sẽ giúp việc Ekstrom.
– Không hay rồi. Faste hết sức không hợp với việc điều tra bất cứ chuyện gì liên quan đến Salander.
– Tôi biết thế. Nhưng cái lý của Ekstrom lại vững. Faste đã nghỉ ốm ừ… hừm… khi hắn đột quỵ hồi tháng Tư, và chuyện này sẽ là vụ hoàn chỉnh, đơn giản để cho hắn tập trung vào.
Im lặng.
– Tóm lại là chiều hôm nay chúng ta sẽ phải đưa hết cho Ekstrom tư liệu của chúng ta về Salander.
– Còn về Gunnar Bjorck và Sapo trong báo cáo năm 1991…?
– Thì cũng sẽ do Faste và Ekstrom nắm.
– Tôi không thích kiểu này, – Modig nói.
– Tôi cũng thế. Nhưng Ekstrom là sếp và ông ta được cánh quan liêu ở tận trên cao ủng hộ. Tóm lại, việc chúng ta vẫn cứ là tìm tên giết người. Curt, tình hình sao rồi nào?
Andersson lắc đầu.
– Niedermann như đã biến mất vào lòng đất. Tôi phải thừa nhận rằng ngần ấy năm trong lực lượng cảnh sát, tôi chưa thấy chuyện nào như thế này bao giờ. Chúng ta chả có tí manh mối nào, cũng chả có người mách tin nào biết hắn hoặc biết có khả năng hắn đang ở đâu.
– Nghe ám muội đấy, – Modig nói. – Nhưng hắn đang bị truy lùng vì giết một cảnh sát ở Gosseberga, vì hành hung một sĩ quan cảnh sát khác, vì có âm mưu giết Salander, và vì bắt cóc có tình tiết nghiêm trọng và tấn công nữ y tá nha khoa Anita Kaspersson, cũng như về hai vụ giết Svensson và Johansson. Trường hợp nào cũng có bằng chứng pháp y rõ ràng.
– Ít ra cũng có giúp được chút nào. Vụ viên thủ quỹ của Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo sao nhỉ?
– Viktor Goransson, tên anh ta là thế, và cô bạn gái Lina Nygren. Dấu vân tay và ADN ở xác Goransson. Niedermann đánh hai người này, chắc các khớp ngón tay hắn phải tóe máu ra ghê gớm lắm.
– Có gì mới ở Câu lạc bộ ấy không?
– Lundin bị tạm giam chờ tòa xử về tội bắt cóc Miriam Wu, do đó Nieminen quản vai Chủ tịch Câu lạc bộ. Xì xào rằng Nieminen sẽ tặng một giải thưởng lớn cho ai cung cấp được thông tin về manh mối của Niedermann.
– Nếu tất cả thế giới ngầm đều đang tìm hắn thì điều đó lại làm cho cái việc chưa tìm thấy hắn càng lạ lùng hơn. Xe của Goransson thì thế nào?
– Vì tìm thấy xe của Kaspersson ở nhà Goransson nên chúng ta chắc là Niedermann đã đổi xe. Nhưng chúng ta không có tung tích gì về chiếc xe mà hắn lấy đi.
– Vậy thì chúng ta phải tự hỏi, một, Niederman vẫn còn ẩn náu tại một nơi nào đó ở Thụy Điển chăng?; hai, nếu là thế, thì ở với ai?; ba, hay là hắn đã ra nước ngoài? Chúng ta nghĩ thế nào?
– Chả có dấu hiệu gì để cho chúng ta nói hắn đã ra nước ngoài, nhưng có vẻ chính việc bỏ ra nước ngoài mới là đường đi logic nhất của hắn.
– Nếu đã đi, thì hắn vùi cái xe ở đâu?
Modig và Andersson lắc đầu. Cứ mười lần thì chín lần khi đến cái đoạn tìm kiếm một cá thể đặc biệt thì công việc của cảnh sát lại bớt phức tạp đi. Ðây là việc cần đặt ra một chuỗi các câu hỏi logic. Những cô bạn gái của hắn là ai? Những ai đã ở tù với hắn? Các bạn gái của hắn sống ở đâu? Hắn uống rượu với những ai? Lần cuối cùng hắn dùng di động ở chỗ nào? Xe hắn ở đâu? Nói chung giải đáp hết chuỗi câu hỏi thì tìm ra kẻ chạy trốn.
Vấn đề với Niedermann là hắn không có cả bạn trai lẫn bạn gái, không có di động đăng ký và chưa từng bị tù bao giờ.
Các câu hỏi tập trung vào việc tìm chiếc xe của Goransson mà họ cho là Niedermann đã lấy dùng. Họ đã chờ chiếc xe quay lại sau vài ngày, chắc là ở một bãi đỗ xe nào đó ở Stockholm. Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào về nó hết.
– Nếu đã ra nước ngoài thì hắn có thể ở đâu đây?
– Là công dân Đức thì rõ ràng việc đầu tiên của hắn là đến Ðức.
– Hắn hình như không tiếp xúc gì cả với các bạn cũ ở Hamburg.
Andersson vẫy vẫy tay.
– Nếu kế hoạch của hắn là đi Ðức… thì sao hắn lại đi Stockholm? Phải chăng hắn đi đằng Malmo và qua cầu tới Copenhagen, hay bằng một chuyến phà?
– Tôi biết. Thanh tra Erlander ở Goteborg đã tập trung tìm kiếm theo cái hướng ấy từ ngày đầu tiên. Cảnh sát Ðan Mạch đã được thông báo về chiếc xe của Goransson và chúng ta biết chắc chắn rằng hắn không đi phà.
– Nhưng hắn có thể lái tới Stockholm rồi tới Svavelsjo, rồi hắn giết viên thủ quỹ của Câu lạc bộ và – chúng ta có thể giả dụ – phới đi với một khoản tiền chưa biết rõ. Bước sắp tới của hắn sẽ là gì?
– Hắn phải ra khỏi Thụy Ðiển, Bublanski nói. – Việc rõ nhất là đáp một chuyến phà qua biển Baltic. Nhưng Goransson và cô bạn gái đã bị giết khuya hôm 9 thảng Tư. Có thể Niedermann đáp chuyến phà sáng hôm sau. Sau khi hai người này chết chừng mười sáu tiếng, chúng ta đã báo động và phát đi một lệnh tìm chiếc xe từ đấy.
– Nếu hắn đi phà thì xe của Goransson phải đỗ ở một trong các bến phà, – Modig nói.
– Có thể chúng ta không tìm ra được chiếc xe vì Niedermann đi qua Haparanda ở phía Bắc để ra khỏi nước? Một đường vòng rộng ôm quanh vịnh Bothnia nhưng trong mười sáu tiếng hắn đã có thể ở Phần Lan rồi.
– Chắc rồi, nhưng ngay sau đó thì hắn đã phải bỏ chiếc xe ở lại Phần Lan rồi chứ, và như thế thì bây giờ đã tìm được thấy nó.
Họ ngồi im lặng. Cuối cùng Bublanski đứng lên đi đến bên cửa sổ.
– Hắn có thể đã tìm được một chỗ ẩn náu, hắn đang nằm im ở đấy, một nhà nghỉ mùa hè hay…
– Tôi nghĩ không phải là nhà nghỉ mùa hè. Vào hồi này trong năm chủ các căn nhà đều đến kiểm tra nhà cửa của họ.
– Và hắn sẽ không dại đến bất cứ chỗ nào có liên quan đến Câu lạc bộ xe máy Svavelsjo đâu. Hắn kỵ nhất là gặp những người này.
– Cũng phải trừ đi cả cái thế giới ngầm nữa… Có cô bạn gái nào mà chúng ta không biết không?
Họ có thể suy luận nhưng họ không có sự kiện.
 
o O o
 
Khi Andersson đi rồi, Modig trở lại văn phòng Bublanski, gõ cửa. Ông vẫy vào.
– Ông có cho tôi được một hai phút không? – Chị hỏi.
– Chuyện gì thế?
– Salander. Tôi không thích Faste và Ekstrom dây vào vụ này và phiên tòa. Ông đã đọc báo cáo của Bjorck. Năm 1991, Salander bị xúc phạm theo một cách đi ngược lại pháp luật và Ekstrom biết điều đó. Cái trò quỷ gì đang diễn ra đây?
Bublanski bỏ kính lão ra đút vào túi ngực.
– Tôi không biết.
– Ông không biết gì hết cả ư?
– Ekstrom nói báo cáo của Bjorck và thư từ với Teleborian là giả.
– Ba láp. Nếu giả thì khi chúng ta điệu hắn đến, hắn đã nói rồi chứ.
– Ekstrom nói Bjorck không nói ra vì đó là tài liệu Tối Mật. Tôi bị chính vì ra tay sớm và gọi hắn đến.
– Tôi bắt đầu thấy cần phải hết sức đề phòng Ekstrom rồi đấy.
– Ông ta bị tứ phía ép.
– Không phải là cớ để bào chữa.
– Không phải một mình chúng ta có chân lý, Sonja. Ekstrom nói ông ấy nhận được bằng chứng nói rằng đó là của giả mạo – rằng không có bản báo cáo thật với con số thủ tục kia. Ông ấy cũng nói bản báo cáo giả là bản làm giỏi, nội dung của nó là một thứ pha trộn thông minh giữa sự thật và bịa đặt.
– Chỗ nào thật, chỗ nào bịa, tôi cần biết như thế, – Modig nói.
– Nhìn chung thì câu chuyện khá là chính xác. Zalachenko là bố Salander, hắn là một tên khốn nạn đã đánh mẹ cô ta. Vấn đề này thì quen thuộc thôi – bà mẹ không muốn kêu ca kiện cáo cho nên chuyện ấy cứ diễn ra trong nhiều năm. Bjorck được phân công tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra khi Salander toan giết lão bố. Hắn thư cho Teleborian – nhưng bức thư mà chúng ta đã thấy thì lại là giả mạo. Teleborian làm một xét nghiệm tâm lý thông thường cho Salander và kết luận cô gái không ổn định tâm thần. Một công tố viên quyết định không đẩy vụ án đi xa nữa. Cô gái cần được trông nom chữa chạy và rồi được đưa vào bệnh viện Thánh Stefan.
– Nếu là giả mạo thì ai làm và vì sao lại làm?
Bublanski nhún vai.
– Như tôi biết, Ekstrom sắp đòi phải đánh giá Salander lại một lần nữa thật cẩn thận.
– Tôi không chấp nhận được chuyện này.
– Cũng chả phải việc của chúng ta nữa rồi.
– Và Faste đã thay thế chúng ta. Jan, tôi sẽ tìm giới báo chí nếu bọn khốn này hành hạ Salander một lần nữa.
– Không, Sonja. Cô không nên thế. Thứ nhất, chúng ta không còn mó được vào bản báo cáo nữa, cho nên cô không có cách nào mà yểm hộ cho các tuyên bố của mình đâu. Cô sẽ bị coi là mắc bệnh tâm thần phân lập và sự nghiệp của cô đi đứt.
– Tôi vẫn còn bản báo cáo, – Modig hạ giọng nói. – Tôi đã sao cho Curt một bản, nhưng trước khi Tổng công tố viên thu về các bản khác, tôi vẫn chưa đưa cho Curt được vì không có dịp.
– Cô mà xì bản ấy ra thì không những bị sa thải mà còn bị kết tội là đã có việc làm sai trái nghiêm trọng.
Modig ngồi im một lúc nhìn cấp trên.
– Sonja, đừng làm thế. Hứa với tôi đi.
– Không, Jan. Tôi không thể hứa điều đó. Có một cái gì đó rất chướng trong toàn bộ câu chuyện.
– Cô nói đúng. Có chướng thật. Nhưng vì chúng ta không biết kẻ thù là ai cho nên cô chớ mà làm gì trong lúc này.
Modig nghiêng đầu về một bên.
– Ông sẽ làm một cái gì chứ?
– Tôi sẽ không nói chuyện đó với cô. Hãy tin tôi. Tối thứ Sáu rồi. Nghỉ đi, về nhà. Và… không hề có câu chuyện trao đổi này bao giờ nhé.
 
o O o
 
Niklas Adamsson, người bảo vệ của Securitas đang nghiên cứu tài liệu vì ba tuần nữa anh sẽ phải đi thi. 1h 30 chiều thứ Bảy, anh nghe thấy tiếng bàn chải đang quay tròn của cỗ máy đánh bóng sàn ì ì chạy, rồi anh trông thấy một người nhập cư nước da thẫm màu chân đi cà nhắc. Ông này luôn gật đầu chào lễ độ nhưng không bao giờ cười dù anh có nói một cái gì đó hài hước. Adamsson nhìn ông ta lấy một chai nước ra xịt lên mặt quầy tiếp tân hai lần rồi lau bằng giẻ. Rồi ông cầm cây lau nhà lùa vào các góc của khu vực tiếp tân, nơi bàn chải của máy đánh bóng sàn không với tới được. Anh bảo vệ lại chúi mũi vào đọc tiếp quyển sách về kinh tế quốc gia.
Người lau chùi sàn phải mất mười phút để đi qua chỗ Adamsson đến hết hành lang. Hai người gật đầu với nhau. Adamsson đứng lên cho người này lau sạch quanh chỗ ghế anh ngồi ở bên ngoài gian buồng Salander. Gác ở ngoài gian buồng, anh gần như ngày ngày nhìn thấy nhưng không thể nhớ tên ông ta – một cái tên nước ngoài – nhưng Adamsson thấy không cần xem giấy tờ của ông. Vì một lẽ, gã đen này không được phép lau dọn trong buồng Salander – sáng sáng đã có hai phụ nữ lau dọn rồi – ngoài ra, anh không cảm thấy cái người cà nhắc này là một thứ đe dọa gì cả.
Khi đã lau dọn hành lang xong, ông ta mở cửa buồng ở bên cạnh buồng Salander. Adamsson liếc theo ông ta nhưng không thấy có gì khác với thông lệ thường ngày. Các dụng cụ lau dọn cất trong đó. Trong vòng năm phút tiếp theo, ông ta đổ xô, rửa sạch các bàn chải và chất lên chiếc xe con con các túi nhựa dùng để lót sọt rác. Cuối cùng ông ta đưa chiếc xe con vào trong cái góc nhỏ kín đáo.
 
o O o
 
Ghidi biết người canh gác ở hành lang. Ðó là một thanh niên tóc vàng thường hai, ba ngày một tuần đến đây làm việc, đọc sách. Người gác là sinh viên làm thêm việc ngoài giờ. Anh ta biết vùng xung quanh đây đại khái như thuộc lòng bàn tay mình.
Ghidi nghĩ không hiểu Adamsson sẽ làm gì nếu như có ai thực sự đi vào buồng của cô gái Salander.
Ông cũng nghĩ Blomkvist thật ra là định làm gì đây. Ông đã đọc trên báo về tay nhà báo kỳ cục này và ông đã liên hệ tới người phụ nữ ở hành lang C11, ông tưởng sẽ được nhờ đem trộm một thứ gì đó vào cho cô gái. Nhưng ông không được vào buồng cô ta, thậm chí chưa cả nom thấy người. Ông đã dự đoán mọi thứ nhưng không phải là thứ này.
Ông không thấy nhiệm vụ của ông có gì là phi pháp. Qua khe nứt ở cửa ra vào, ông nhìn Adamsson đang tiếp tục đọc sách. Ông kiểm tra không thấy có ai khác ở hành lang. Ông thò tay vào túi áo khoác lấy ra chiếc di động Sony Ericsson Z600. Ghidi đã xem trong quảng cáo, nó đáng giá khoảng 3.500 krona và có đủ các tính năng mới nhất.
Ông lấy ở trong túi ra một chiếc tua vít, kiễng chân vặn tháo ba chiếc ốc vít ở cái nắp tròn tròn màu trắng của lỗ thông gió trên tường gian buồng Salander. Ông đẩy chiếc di động vào trong lỗ thông gió cho đến khi hết chỗ đẩy nữa, đúng như Blomkvist đã dặn. Rồi ông vặn lại ốc vít vào cái nắp.
Ông làm mất bốn mươi lăm giây. Mai sẽ nhanh hơn. Ông được dặn hôm sau thì lấy chiếc di động xuống, thay pin rồi đặt nó trở lại vào trong lỗ thông hơi. Pin cũ ông mang về nhà, nạp điện cho nó suốt đêm.
Ghidi phải làm tất cả chỉ có thế.
Nhưng chuyện này sẽ không giúp được gì cho Salander. Ông nghĩ rằng tường ở bên phía cô cũng có một nắp vặn ốc vít tương tự. Cô sẽ không thể mó được đến chiếc di động, trừ phi có một chiếc tua vít và một cái thang.
– Tôi biết thế, – Blomkvist nói. – Nhưng cô ấy không cần với tới chiếc di động.
Ghidi cứ làm việc này hàng ngày cho đến khi Blomkvist bảo ông không cần nữa.
Vì việc này, Ghidi đã được trả công mỗi tuần một nghìn krona. Và khi xong việc ông lại có thể giữ lấy chiếc di động.
Dĩ nhiên ông biết Blomkvist đang có một công việc gì hay lắm nhưng ông không thể tìm ra đó là chuyện gì. Ðặt vào lỗ thông gió trong gian buồng cất đồ dùng lau chùi vệ sinh một chiếc điện thoại di động mở máy nhưng không kết nối, việc này điên rồ hết mức. Ghidi không tưởng tượng ra nổi là nó để dùng làm cái gì. Nếu muốn có cách liên lạc với người bệnh, thì Blomkvist tốt nhất là chỉ cần hối lộ các cô y tá và nhờ tuồn lậu chiếc di động vào cho Salander mà thôi.
Phần ông, ông không phản đối làm giúp Blomkvist ơn huệ này – một ơn huệ đáng giá 1.000 krona một tuần. Tốt nhất là ông không hỏi han gì hết.
 
o O o
 
Jonasson chậm chân lại khi thấy một người cầm cặp đứng tựa vào cổng sắt khu tập thể nhà ông trên đường Hagagatan. Nom ông ta có phần quen quen.
– Bác sĩ Jonasson? – Ông ta nói.
– Vâng?
– Rất xin lỗi đã làm phiền ông trên đường trước khi ông vào nhà thế này. Chỉ là vì tôi cần nói chuyện với ông nhưng lại không muốn theo ông ngay từ chỗ ông làm việc.
– Về chuyện gì và ông là ai?
– Tôi là Blomkvist, Mikael Blomkvist. Tôi là nhà báo, làm việc ở Millennium. Chuyện thì là về Salander.
– Ô, bây giờ thì tôi nhận ra ông. Ông là người đã gọi các nhân viên y tế phụ giúp. Có phải ông đã cuốn băng dính vải lên các vết thương của cô ấy không?
– Vâng.
– Một việc làm thông minh. Nhưng tôi không bàn chuyện bệnh nhân của tôi với nhà báo. Ông sẽ phải nói với bộ phận tiếp tân ở bệnh viện Sahlgrenska như mọi người.
– Ông hiểu lầm tôi. Tôi không xin thông tin và tôi ở đây hoàn toàn với tư cách cá nhân. Ông không phải nói một lời nào hay cho tôi một thông tin nào. Ngược lại hoàn toàn: tôi muốn cho ông một vài thông tin.
Jonasson cau mày.
– Xin hãy nghe rõ giúp tôi, – Blomkvist nói. – Tôi không có đi loăng quăng ở giữa đường giữa phố để gặp các bác sĩ phẫu thuật nhưng tôi muốn nói với ông một chuyện rất quan trọng. Tôi có thể mời ông cà phê được không?
– Hãy cho tôi biết là về chuyện gì.
– Chuyện này là về tương lai và hạnh phúc của Salander. Tôi là một người bạn.
Jonasson nghĩ nếu không phải Blomkvist mà là một ai khác thì ông đã từ chối. Nhưng Blomkvist là một người tồn tại trong con mắt công chúng và Jonasson không thể hình dung đây lại là một kiểu hành động vớ vẩn của anh được.
– Tôi không có tư cách gì để được phỏng vấn và tôi cũng không nói đến bệnh nhân của tôi.
– Tôi hoàn toàn hiểu được như thế, – Blomkvist nói.
Jonasson đi cùng Blomkvist đến một quán cà phê gần đấy.
– Vậy tất cả chuyện này là về cái gì đây? – Ông nói khi họ đã có cà phê.
– Trước hết, tôi sẽ không dẫn lời ông hay nhắc đến tên ông trong bất cứ những gì tôi viết. Và chừng nào tôi còn liên quan thì cuộc chuyện trò này là coi như không hề có. Chuyện đã nói ra như thế rồi thì tôi đến gặp ông ở đây là để xin ông một đặc ân. Nhưng tôi cần nói rõ lý do để cho ông có thể quyết định là ông bằng lòng hay không.
– Nghe kiểu này là tôi không thích rồi đây.
– Mọi sự tôi xin ông nghe kỹ tôi nói đã. Việc của ông là trông nom đến sức khỏe thể chất và tinh thần của Lisbeth. Là một người bạn thì việc của tôi cũng là làm như vậy. Tôi không mầy mò gắp viên đạn từ trong đầu cô ấy ra được, nhưng tôi có khả năng khác cũng rất quan trọng cho sự yên vui của cô ấy.
– Là như thế nào?
– Là một nhà báo điều tra, tôi đã tìm ra sự thật về những chuyện xảy ra với cô ấy.
– OK.
– Tôi có thể nói với ông những nét lớn về các chuyện đó rồi ông tự rút ra kết luận.
– Được.
– Tôi cũng nên nói rằng Annika Giannini, luật sư của Lisbeth – tôi nghĩ chắc ông đã có gặp – là em gái tôi và tôi là người trả tiền thuê cô ấy bảo vệ Lisbeth.
– Tôi hiểu.
– Rõ ràng tôi không thể hỏi xin Annika ơn huệ này. Cô ấy không bàn với tôi về Lisbeth. Cô ấy phải giữ bí mật các cuộc chuyện trò giữa Lisbeth và cô ấy. Tôi nghĩ ông đã đọc báo nói về Lisbeth.
Jonasson gật đầu.
– Cô ấy bị mô tả là mắc bệnh tâm thần, giết người hàng loạt và bị đồng tính ái nữ. Tất cả đều là vớ vẩn. Lisbeth Salander không bị tâm thần. Cô ấy cũng lành mạnh như ông và như tôi đây. Còn tính dục của cô ấy thì không phải là chuyện của ai hết.
– Nếu tôi hiểu đúng câu chuyện thì người ta đang định xem xét lại vụ này. Bây giờ đang lùng tìm một người Ðức có dính líu đến các vụ giết người.
– Như tôi biết thì Niedermann là một tên giết người không có một chút ý thức lương tri. Nhưng Lisbeth có nhiều kẻ thù. Những kẻ thù lớn và xấu xa. Một số ở trong Cảnh sát An ninh.
Jonasson ngạc nhiên nhìn Blomkvist.
– Năm mười hai tuổi, Lisbeth bị đưa vào một bệnh viện tâm thần của trẻ con ở Uppsala. Vì sao? Vì cô ấy đã khuấy tung lên một bí mật mà Sapo phải cố đậy kín lại bằng mọi giá. Bố cô ấy, Alexander Zalachenko – còn gọi là Karl Axel Bodin, người bị giết trong bệnh viện – là một gián điệp Liên Xô chạy trốn, một di vật của chiến tranh lạnh. Hắn cũng đã đánh đập mẹ Lisbeth trong hàng năm trời. Mười hai tuổi, Lisbeth đã đánh lại, ném một quả bom xăng vào hắn ta lúc hắn đang ngồi trên xe. Vì thế mà cô ấy đã bị nhốt lại.
– Tôi không hiểu. Nếu cô ấy định giết bố thì chắc chắn là có lý do chính đáng để đưa cô ấy vào nơi điều trị tâm lý rồi chứ.
– Chuyện tôi nói – mà tôi sẽ cho đăng lên báo – là Sapo biết Zalachenko chuyên môn đánh vợ, biết điều đó đã khiến cho Lisbeth làm những việc điên rồ kia nhưng họ chọn lấy ngả bảo vệ Zalachenko vì hắn là một nguồn thông tin có giá trị. Cho nên họ đã làm ra một chẩn đoán giả để bảo đảm giam giữ được Lisbeth.
Jonasson nom ngờ vực đến nỗi Blomkvist bật cười.
– Tôi có thể cung cấp tài liệu minh chứng cho từng chi tiết. Tôi đang viết một bài đầy đủ hết để đăng cho kịp trùng với phiên tòa xử Lisbeth. Xin hãy tin tôi – nó sắp gây chấn động. Xin ông hãy nhớ ở trong đầu rằng Lisbeth tấn công bố là vì những trận đòn đã khiến mẹ cô ấy phải nằm hết quãng đời còn lại của bà trong bệnh viện.
– OK. Ông cứ nói đi.
– Tôi sẽ vạch trần hai bác sĩ tay sai của Sapo đã từng đem chôn vùi Lisbeth vào bệnh viện tâm thần. Tôi sẽ bêu họ lên trước công luận. Một trong số đó là một người có tên tuổi và được kính trọng. Nhưng như tôi đã nói, tôi có đầy đủ bằng chứng.
– Nếu bác sĩ mà lại dính vào một chuyện như thế thì đó là vết nhơ của toàn ngành y.
– Tôi không tin cả tập thể lại cũng phạm tội. Đây chỉ liên quan trực tiếp đến những người dính líu. Với Sapo cũng thế. Tôi tin là có những người giỏi làm việc cho Sapo. Ðây là chuyện một nhóm nhỏ những kẻ nuôi âm mưu. Năm Lisbeth mười tám tuổi, chúng lại toan bắt cô ấy vào bệnh viện lần nữa. Lần này chúng thất bại, thay vì bị nhốt ở bệnh viện, cô ấy chịu chế độ giám hộ. Bất cứ lúc nào, ra tòa chúng cũng đều cố hết sức ném những thứ dơ bẩn lên cô ấy. Tôi – đúng hơn, em gái tôi – sẽ chiến đấu để cô ấy được trắng án, để phải bãi bỏ bản tuyên bố hiện vẫn tồn tại về việc cô ấy bất lực, không thể tự quản trước pháp luật.
– Tôi hiểu.
– Nhưng cô ấy cần đạn dược. Cho nên đây là hậu thuẫn cho cái chiến thuật này. Tôi chắc cũng cần nói rằng trong tất cả chuyện này, trong lực lượng cảnh sát đã có một số cá nhân thực sự đứng về phía cô ấy. Nhưng ông công tố viên đưa ra những lời buộc tội cô ấy thì không. Tóm lại, Lisbeth cần được giúp đỡ trước khi mở phiên tòa.
– Nhưng tôi không phải là luật sư.
– Vâng. Nhưng ông là bác sĩ của Lisbeth và ông được gặp cô ấy.
Jonasson nheo mắt lại.
– Ðiều tôi đang muốn nhờ ông thì không được đạo đức và có thể còn không hợp pháp nữa.
– Thế ư?
– Nhưng về luân thường thì đây là việc đúng cần phải làm. Các quyền lợi của cô ấy chiếu theo Hiến pháp đã bị chính những người có nghĩa vụ bảo vệ cô ấy vi phạm. Tôi xin đưa ra thí dụ. Lisbeth không được phép tiếp khách, lại không được đọc báo hay giao tiếp với thế giới bên ngoài. Công tố viên còn triệt để đến mức cấm cả luật sư của cô ấy lộ ra điều gì. Annika đã tuân theo quy định. Nhưng chính bản thân công tố viên lại là nguồn đầu tiên để rò rỉ tin tức ra cho các phóng viên viết đủ các thứ cặn bã về Lisbeth.
– Thật như thế sao?
– Thí dụ chuyện này. – Blomkvist đưa ra một tờ báo chiều từ tuần trước. – Một nguồn tin trong điều tra nói rằng Lisbeth non Campos mentis, thiểu năng tâm thần, thế là báo chí ùa theo suy đoán về trạng thái tâm thần kinh của cô ấy.
– Tôi có đọc bài báo. Nói bậy nói bạ.
– Vậy ông không nghĩ là cô ấy điên.
– Tôi không bình luận chuyện ấy. Nhưng tôi biết không hề có chuyện đánh giá tâm lý của cô ấy. Theo đó thì bài báo là nói bậy.
– Tôi có thể đưa ông xem một chương và đoạn chứng tỏ người lộ ra tin này là một sĩ quan cảnh sát tên là Hans Faste. Hắn ta làm việc cho công tố viên Ekstrom.
– Ô.
– Ekstrom đang tìm cách cho tòa xử kín để bên ngoài không biết hoặc không thể đánh giá các bằng chứng chống lại Lisbeth. Nhưng điều tồi tệ hơn là… Vì bị công tố viên cách li, Lisbeth đã không thể làm công việc nghiên cứu tìm kiếm những điều cô ấy cần để chuẩn bị tự bào chữa.
– Nhưng việc này chẳng phải là luật sư của cô ấy phải làm hay sao?
– Như chắc ông đến nay cũng đã biết Lisbeth là một người khác thường. Cô ấy có những bí mật mà tình cờ tôi biết nhưng tôi không thể tiết lộ ra với em gái tôi. Nhưng Lisbeth thì nên được lựa chọn là dùng nó hay không dùng nó ở các phiên tòa.
– Tôi hiểu.
– Và để làm việc đó, cô ấy cần cái này.
Blomkvist để chiếc máy tính cầm tay Palm Tungsten T3 và bộ sạc điện của Salander lên bàn ở giữa hai người.
– Ðây là thứ quan trọng nhất trong kho vũ khí của Lisbeth – Cô ấy cần có nó.
Jonasson ngờ vực nhìn chiếc Palm.
– Sao không đưa cho bà luật sư?
– Vì chỉ có mình Lisbeth biết cách tìm ra bằng chứng.
Jonasson ngồi một lúc, vẫn chưa đụng đến chiếc máy tính.
– Ông cho tôi nói một hai điều về bác sĩ Peter Teleborian, – Blomkvist nói, lấy một tập hồ sơ ở trong cặp ra.
 
o O o
 
Armansky rời văn phòng đi bộ đến nhà thờ Do Thái của giáo đoàn Soder trên đường Thánh Paulsgatan đúng sau 8 giờ tối thứ Bảy. Ông gõ cửa, tự giới thiệu và được chính ông giáo sĩ mời vào.
– Tôi được hẹn đến đây gặp một người tôi quen, – Armansky nói.
– Ngay tầng trên kia. Tôi chỉ lối cho ông.
Giáo sĩ cho ông một mũ ni kippa, Armansky ngập ngừng đội nó lên đầu. Ðược một gia đình Hồi giáo nuôi lớn, ông cảm thấy đội nó có hơi tí rồ rồ.
Bublanski cũng đã đội một chiếc.
– Chào, Dragan. Cảm ơn đã đến. Tôi đã mượn giáo sĩ một buồng để chúng ta có thể nói chuyện yên tĩnh.
Armansky ngồi xuống trước mặt Bublanski.
– Cần phải bí mật đến thế này, chắc là ông có lý do chính đáng đây.
– Tôi sẽ nói ngay điều này ra: tôi biết ông là bạn của Salander.
Armansky gật.
– Tôi cần được biết ông và Blomkvist đã bố trí những gì để giúp Salander.
– Tại sao chúng tôi lại bố trí một cái gì chứ nhỉ?
– Vì công tố viên Ekstrom từng có đến chục lần hỏi tôi là ông ở An ninh Milton đã thực sự biết đến đâu về cuộc điều tra Salander. Ðây không phải là một câu hỏi vô tư – ông ấy lo ngại rằng ông sẽ cho bung ra một cái gì đó có thể dẫn đến những xung động… ở trong giới báo chí.
– Tôi hiểu.
– Và nếu Ekstrom lo lắng, đó là vì ông ấy biết hay nghĩ rằng ông đang ủ một cái gì đó cho lên men. Hay ít nhất ông ấy cũng đã nói với một ai đó đang có những mối nghi ngờ.
– Một ai đó?
– Dragan, chúng ta miễn chơi ú tim đi. Ông biết hồi đầu những năm 90 Salander là nạn nhân của một vụ bất công và tôi sợ rằng phiên tòa này mở ra lại sẽ kê cho cô ấy cái đơn thuốc của ngày ấy mất.
– Ông là một sĩ quan cảnh sát ở một nước dân chủ. Nếu ông có thông tin có tầm tác động đến thế thì ông nên hành động đi chứ.
Bublanski gật đầu.
– Tôi đang nghĩ phải làm như thế. Vấn đề là làm như thế nào.
– Nói xem ông muốn biết những gì nào.
– Tôi muốn biết việc ông và Blomkvist đang làm. Tôi cho rằng hai ông không có ngồi mà vặn ngón tay chơi đâu.
– Chuyện này phức tạp. Sao tôi biết là tôi có thể tin ông?
– Có một bản báo cáo từ 1991 mà Blomkvist đã phát hiện ra…
– Tôi biết chuyện ấy.
– Tôi không còn được tiếp cận bản báo cáo ấy nữa.
– Tôi cũng vậy. Các bản sao mà Blomkvist và em gái – nay là luật sư của Salander – có thì đều biến mất cả hai.
– Biến mất?
– Bản của Blomkvist bị lấy trộm trong một lần nhà anh ấy bị đột nhập, còn bản của Giannini thì bị đánh cắp khi chị ấy bị bóp cổ từ sau lưng rồi bị đấm ngã xuống đất ở Goteborg. Tất cả xảy ra trong cùng cái hôm Zalachenko bị giết.
Bublanski không nói một lúc lâu.
– Sao chúng tôi không nghe thấy gì về chuyện ấy nhỉ?
– Blomkvist nói như thế này: chỉ có đúng một dịp thích hợp để đăng lên báo một chuyện, nhưng những dịp lầm lỡ thì là một con số vô tận.
– Nhưng hai ông… anh ấy sẽ đăng lên chứ?
Armansky gật đầu cụt lủn.
– Tấn công bỉ ổi ở Goteborg còn ở Stockholm thì lén lút vào nhà. Trong cùng một ngày, – Bublanski nói. – Như thế cho thấy kẻ thù của chúng ta tổ chức giỏi.
– Tôi cũng nên nhắc đến việc điện thoại của Giannini bị nghe trộm.
– Một loạt tội ác.
– Vấn đề là tội ác của ai?
– Tôi đang nghĩ đến điều này. Nhiều phần hơn cả là Sapo – hủy bỏ bản báo cáo của Bjorck thì họ có lợi. Nhưng Dragan… chúng ta đang nói đến Cảnh sát An ninh Thụy Ðiển, một cơ quan của Chính phủ. Tôi không tin rằng việc này lại được Sapo đồng ý. Thậm chí không tin là Sapo có đủ tay nghề để làm nổi chuyện như thế này.
– Tôi cũng khó tiêu hóa nổi điều đó. Chưa nói một ai đó nữa vào bệnh viện thổi tung mất đầu của Zalachenko đi. Và cùng lúc, Gunnar Bjorck, tác giả bản báo cáo, tự treo cổ chết.
– Vậy ông nghĩ là có một bàn tay đơn độc ở đằng sau tất cả chuyện này sao? Tôi biết thanh tra Erlander, ông ta đã điều tra ở Goteborg. Ông ấy nói không có gì cho thấy nguyên nhân cái chết lại không phải là hành vi xung động của một người ốm yếu. Và chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng nhà của Bjorck. Mọi sự đều chỉ ra rằng đây là tự sát.
– Gullberg, bảy mươi tám tuổi, bị ung thư, mới vừa điều trị bệnh trầm cảm. Chuyên gia mổ xẻ của chúng tôi, Johan Fraklund đang tìm hiểu lý lịch của ông ta.
– Và rồi sao?
– Ông ta thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Karlskrona hồi những năm 40, học luật, và cuối cùng làm cố vấn thuế khóa. Có một văn phòng ở Stockholm trong ba chục năm: mờ nhạt, khách tư nhân… Có thể là bất cứ ai. Về hưu năm 1991. Chuyển về thành phố quê hương Laholm năm 1994. Không có gì đáng nói, trừ…
– Trừ gì ạ?
– Trừ một hai chi tiết đáng ngạc nhiên, Fraklund không tìm được ở bất cứ đâu ra một quy chiếu nào liên quan tới Gullberg. Không có báo chí hay báo kinh doanh nào nhắc tới ông ta, và cũng không có tài liệu nào cho biết khách hàng của ông ta là ai. Tựa như ông ta không hề thực sự tồn tại trong thế giới muôn nghề này.
– Ông đang nói gì đây?
– Sapo rõ ràng là đầu mối liên kết. Zalachenko là một kẻ đào tẩu Liên Xô. Ngoài Sapo ra còn ai nữa gánh trách nhiệm với hắn? Tiếp theo là vấn đề chiến lược hợp tác để đem giam Salander vào một cơ sở. Bây giờ thì chúng ta có ăn trộm tại nhà, bóp cổ, và nghe trộm điện thoại. Cá nhân tôi không nghĩ Sapo đứng đằng sau vụ này. Blomkvist gọi họ là “Câu lạc bộ Zalachenko”, một nhóm nhỏ những kẻ gây chiến tạm ngủ yên đang ẩn náu trong một hành lang tăm tối nào đó ở Sapo.
– Vậy chúng ta nên làm gì? – Bublanski nói.
Chú thích
1 Tức bánh hamburger cửa hàng Mc Donald’s.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.