Linh Hồn Của Tiền
NHỮNG “ÁN CHUNG THÂN” HẠN CHẾ KHẢ NĂNG CỦA CHÚNG TA
Trong bất cứ nền văn hóa nào, truyện thần thoại luôn mang theo những bài học đạo đức, và câu chuyện thần thoại về sự thiếu thốn đã để lại những niềm tin truyền từ đời này sang đời khác, những “án chung thân” mà chúng ta coi là trí tuệ dân gian hay sự thật cá nhân. Khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường khuyên các cháu: “Hãy cưới người có nhiều tiền rồi tình yêu sẽ đến sau”. Chúng tôi thường bật cười khi bà nói vậy, còn bà sẽ cười và nháy mắt, nhưng thật sự bà tin như vậy. Đó cũng là điều bà đã làm. Khi bà kết hôn vào khoảng năm 1900, bà đã cưới người đàn ông giàu có nhất đến với bà, và sau đó học cách yêu ông. Bà muốn truyền lại lời khuyên này cho chúng tôi. Mặc dù chúng tôi cười khi nghe bà nói, những lời ấy vẫn ghim lại trong tâm trí chúng tôi. Tất cả các cháu gái của bà về sau đều phải cố gắng để thoát khỏi những niềm tin ấy trong cuộc đời nếu muốn tự do lựa chọn người yêu qua những phẩm chất đẹp đẽ hơn số tiền mặt của các chàng.
Trong ám ảnh và ngộ nhận về sự thiếu thốn, mỗi người đều phải vật lộn với án chung thân của mình với tiền. Đôi khi nó hiện lên trước chúng ta qua những lời khuyên giản dị: Đừng tiêu lạm vào tiền vốn. Nếu phải bận tâm đến giá cả, ắt hẳn bạn sẽ không thể chi trả được. Tiền không phải là đồ vật. Nói chuyện về tiền là không lịch sự. Đôi khi người ta cần phải tiêu tiền vốn thật ý nghĩa; coi giá cả là vấn đề nguyên tắc ngay cả khi bạn có thừa để trả; thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề tiền bạc thay vì mơ hồ hay quá thận trọng.
Những bản án chung thân khác thuộc về cá nhân, do chính cá nhân tạo ra, và được thể hiện qua cả những hành vi ý thức và vô thức liên quan đến tiền. Trong thời kỳ đầu của sự nghiệp làm chuyên gia gây quỹ, tôi hầu như làm việc trên cơ sở tự nguyện, và chỉ thấy thoải mái khi đi xin tiền cho người khác. Trong cuộc sống riêng, tôi bằng lòng với việc để chồng cáng đáng gánh nặng tài chính, giải phóng cho tôi khỏi trách nhiệm khó khăn đó. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi nhận ra những bài học bất ngờ cùng những bản án chung thân tôi đang tạo ra và hạn chế cuộc sống của chính mình. Đó là tôi không thể mong kiếm sống được bằng công việc của mình, và tôi không phải là một thành viên đúng nghĩa, trách nhiệm và hữu ích trong đời sống vật chất của gia đình mình. Tôi sẽ vẫn cống hiến thời gian và sức lực của mình không toan tính, tôi cũng vẫn đặt niềm tin vào chồng tôi trong vấn đề tài chính, nhưng tôi cũng đã cởi mở hơn, và học cách trải nghiệm sự hài lòng khi kiếm tiền và quản lý tiền bạc có trách nhiệm hơn. Đó thật sự là một mốc trưởng thành đối với tôi, một bước tiến gần hơn đến mối quan hệ trung thực hơn với tiền.
Có thể bạn cũng thấy những bản án chung thân đó có phần nào quen thuộc. Có thể bạn đã phải làm việc vì tiền trong gần hết cuộc đời, nhưng vẫn do dự khi đề nghị tăng lương dù bạn biết mình hoàn toàn xứng đáng. Có thể bạn đã bằng lòng với công việc không triển vọng thay vì dành thời gian và sức lực tìm kiếm một công việc mới hoặc học tập để làm công việc khác. Có thể bạn được một khoản thừa kế, và bạn cảm thấy có quyền đối với tài sản gia đình, hoặc có thể bạn thấy tội lỗi. Có thể bạn tránh tính toán sổ séc hoặc trả các hóa đơn bởi vì sự thật rành rành của những con số đó nói lên những điều bạn không muốn nghe. Có thể bạn ngại khẳng định mình về tiền bạc trong một mối quan hệ, bởi vì bạn sợ những hậu quả có thể xảy ra; có thể những nỗi sợ về tài chính hoàn toàn ngăn cản bạn khẳng định mình.
Hầu hết các bản án chung thân gắn với tiền là sản phẩm của thứ ngôn ngữ hạn hẹp của sự thiếu thốn trong nền văn hóa của chúng ta. Trong lối nói đó, từ “thành công” ám chỉ một người kiếm được rất nhiều tiền. Một doanh nhân thành đạt đơn giản là một người biết kiếm tiền. Đánh giá đó không hề tính đến chất lượng sản phẩm, nơi làm việc, thù lao cho công nhân, phong cách quản lý, hay hoạt động hỗ trợ và đóng góp cho cộng đồng của công ty. Trong ngôn ngữ của sự thiếu thốn, những doanh nhân có thể tạo ra lợi nhuận lớn nhờ bóc lột hay phát triển kinh doanh không bền vững vẫn được coi là “thành công” hơn những người như giáo viên hay công chức nhà nước, những người thu nhập ít hơn nhưng đã làm việc để biến cộng đồng của chúng ta thành một nơi văn minh, đầy quan tâm và thương yêu để sống và làm việc.
Từ “giàu có” ban đầu có nguồn gốc từ từ “hạnh phúc”, ám chỉ cả những khoản tiền lớn và cuộc sống dồi dào, mãn nguyện. Trái lại, có quá nhiều tiền thường tạo điều kiện cho lòng tự cao và sự cô lập ngăn cản người ta tiếp cận với sự giàu có thật sự khi họ kết nối và giao tiếp với nhau.
Nghèo và cái nghèo mô tả những hoàn cảnh và môi trường kinh tế, nhưng những từ này lại thường xuyên được sử dụng để hạ thấp nhân phẩm và tiềm năng của những người có ít tiền.
Bản án “nghệ sĩ chết đói” khiến chúng ta chấp nhận sự thật rằng óc sáng tạo bị đánh giá thấp trong xã hội. Nó có ý nói rằng những người kiếm sống bằng khả năng sáng tạo được trả lương rất thấp, và những người khác được quyền bóc lột hay lừa đảo tiền bạc của họ và đánh giá thấp họ về mặt con người.
Những bản án chung thân gắn với sự thiếu thốn như vậy chỉ là sản phẩm của thứ ngôn ngữ đã gắn chặt vào suy nghĩ của chúng ta. Khi đó, chúng củng cố những ngộ nhận về sự thiếu thốn và trao cho tiền bạc sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Thông điệp của các phương tiện truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, của bố mẹ, ông bà, của bạn bè tràn ngập cuộc sống của chúng ta, gắn chặt và bắt rễ sâu vào tâm trí chúng ta, khiến ta tin rằng không có đủ, bạn phải giành lấy cho mình, càng nhiều càng tốt, và bạn buộc phải tham dự trò chơi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.