Linh Hồn Của Tiền

Chương 7: HỢP TÁC TẠO RA THỊNH VƯỢNG



Chẳng hề tồn tại cái chúng ta hay gọi là người giàu và kẻ nghèo. Tất cả chúng ta đều là những người giàu có và tài sản của chúng ta rất đa dạng. Nhờ có sự nhiệm màu của quá trình hợp tác, chúng ta trở thành những đối tác bình đẳng; chúng ta tạo ra sự vẹn toàn và đầy đủ cho tất cả mọi người.

Đó là một buổi tối thứ Sáu. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi sau suốt cả ngày phải dự một cuộc họp. Tôi đang trên đường từ Sausalito về San Francisco thì đột nhiên chiếc phanh xe bị hỏng sau khi vừa chạy qua cây cầu Cổng Vàng quá lên được vài dãy phố. Tôi đành phải đánh xe vào trạm xăng gần nhất. Người nhân viên ở đó không thể chữa được chiếc phanh, nên đã phải chỉ đường cho tôi đến trạm sửa ôtô gần đó. Tôi lái xe chầm chậm dọc theo con phố một đoạn ngắn, trong khi chiếc phanh vẫn hỏng, và khi nhìn thấy trạm sửa xe đó, tôi đã biết mình không gặp may. Lúc đó đã là hơn 7 giờ tối, tất cả các cửa đều đóng và đèn bên trong đều đã tắt, duy chỉ có một tia sáng mờ nhạt lọt qua khe cửa sổ của gara. Tuyệt vọng, tôi vẫn cố tiến lại và ghé mắt nhìn qua khe cửa, hy vọng tìm được một người thợ sửa xe sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng không, tôi thấy một bữa tiệc, với khoảng 30-40 người tham dự, đang diễn ra bên trong đó. Mọi thiết bị máy móc đều được dồn vào phía tường, tạo ra một khoảng trống ở phía giữa, nơi họ đặt một chiếc đàn pianô lớn và kiểu cách trên nền ximăng xám xịt, bên cạnh những đèn đóm và vật dụng trang trí cho buổi tiệc. Bữa tiệc đang rất huyên náo, trong khi chiếc pianô thì chỉ nằm đó im lìm. Tôi mạnh dạn bước vào, và gặp ngay Rico, người chủ gara sửa chữa này, trên tay đang cầm một ly sâmbanh. Tôi hỏi ông ta xem liệu có ai trong số họ có thể giúp tôi chăng. Tôi đã nài nỉ ông rằng tôi sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cũng được nếu có ai đó sửa xe hộ tôi để giúp tôi có thể về nhà.

Rico cười và nói: “Không thể được đâu, buổi tiệc tùng của chúng tôi đang đến hồi cao trào.” Nhưng sau đó ông nói đùa: “Chiếc đàn pianô của chúng tôi để đó mà chẳng có ai chơi cả, nếu cô có thể chơi được nó thì chúng tôi sẽ sửa xe cho cô.” Tất cả mọi người đều cười ồ lên, nhưng tôi đã chơi cho họ nghe thật. Tôi đã chơi trong suốt gần một tiếng đồng hồ, và do đó một người thợ đã sửa chiếc phanh giúp tôi ngay giữa đám đông hát hò, nhảy múa và cười nói huyên náo này. Chữa xong, họ cho phép tôi lên đường về nhà, và quyết không nhận số tiền tôi gửi, trong khi vẫn mải mê chúc tụng cho tình bạn mới nảy nở giữa chúng tôi. Tôi lái xe về nhà an toàn – tôi không còn mệt mỏi và kiệt sức nữa mà ngược lại, rất hồ hởi và phấn chấn. Tôi đã xuất hiện và mang lại chính xác thứ mà họ cần, và họ cũng mang đến chính xác thứ tôi cần. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi ngập tràn niềm vui của duyên số và sự mãn nguyện rằng chúng tôi hoàn toàn có thể giúp đỡ lẫn nhau.

Hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là những việc hết sức tự nhiên.Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống, sự cạnh tranh và nỗi lo sợ thiếu thốn thường không cho chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những phương thức để cùng chung sống như thế này. Trong một thế giới theo kiểu bạn-hoặc-tôi, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau chẳng có chỗ đứng. Ngược lại, thế giới bạn-và-tôi thì có tràn ngập những người bạn, những đối tác, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Trong thế giới đó, những nguồn lực của chúng ta không chỉ là đủ, mà thậm chí còn là vô hạn. Khi chúng ta tỉnh táo nhìn nhận cuộc sống thường nhật dưới lăng kính sẻ chia và giúp đỡ này, chúng ta sẽ còn khám phá ra được những phép nhiệm màu và sự thịnh vượng đang lẩn khuất đó đây chờ đợi chúng ta.

Những mối liên hệ dựa trên quan điểm thiếu thốn – rằng hiện ta chưa có đủ, rằng càng nhiều càng tốt, hay đó là điều tất yếu – cho dù có lúc tỏ ra bền chắc đến đâu đi chăng nữa, thì tự thân nó cũng đã chứa đựng vô vàn hạn chế. Dựa trên một nền tảng thiếu thực tế, chúng chỉ làm thu hẹp cơ hội tồn tại và phát triển của chúng ta mà thôi. Những loại liên kết thật sự bảo vệ và giúp chúng ta trụ vững đều bắt rễ từ sự đầy đủ, đa dạng, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta đạt đến sự đầy đủ và thịnh vượng bền vững khi chúng ta coi nguồn lực của mình như một dòng nước cần phải chia sẻ cùng mọi người, khi chúng ta tập trung hết sức vào việc tạo ra sự khác biệt với tất cả những gì chúng ta có, và khi chúng ta hợp tác với những người khác theo những cách sẽ khiến cho trải nghiệm đó được vươn sâu và mở rộng thêm.

Tiệc “potluck”, dùng chung xe cộ, cùng tụ tập vui chơi, lao động – những hoạt động chia sẻ với mọi người như thế này sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú và ý nghĩa hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra, và hơn hẳn những gì tiền bạc sẽ hoặc có thể mang lại. Hợp tác đảm bảo cho chúng ta sự viên mãn đầy đủ. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua các mối liên hệ bén rễ vào sự đầy đủ: tính đa dạng, sáng tạo, nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của tất cả mọi thành viên đều được coi trọng như nhau, và cho phép chúng ta có thể chiêm nghiệm bản thân như những thành viên tích cực tham gia vào một quá trình hiệu quả và mang lại lợi ích. Sự hợp tác trở thành một vòng tuần hoàn mà qua đó, mọi nỗ lực, mọi sự tập trung, và các nguồn lực của sự đầy đủ được lưu chuyển và liên tục được làm mới. Sự thật nền tảng của sự hợp tác đó là chúng ta luôn có đủ và phải tìm cách tận dụng và kết hợp mọi thứ lại với nhau khôn ngoan.

Hãy thử nhớ lại một mối cộng tác hiệu quả mà bạn đã từng tham gia, và cách thức mà việc giải quyết các vấn đề đã làm bạn nhận thức được rõ hơn về bản thân, đánh giá cao và tôn trọng các đối tác của bạn hơn. Hãy nghĩ đến sự phóng khoáng và cởi mở mà bạn và các đối tác của bạn cần có để có thể làm được như vậy. Hãy nghĩ đến cảm giác mãn nguyện mà các kết quả đạt được đã mang lại một cách tổng thể, và những trải nghiệm về sự giàu có thật sự do những thành quả mang lại.

Quá trình hỗ trợ lẫn nhau giúp chúng ta nhận ra những món quà tặng độc nhất mà mỗi người trong số chúng ta mang lại. Nó cũng giống như hơi thở của chúng ta – chúng ta không lấy nhiều hơn chúng ta thật sự cần. Chúng ta thở ra đúng một lượng cần phải thở ra. Như thế là vừa đủ, chính xác và hợp lý. Thừa nhận, giúp đỡ và làm cho nhau tỏa sáng trong những mối quan hệ tương hỗ chính là khai phá ra những kho tàng to lớn và giàu có mà chúng ta có thể coi là nghiễm nhiên. Một mối quan hệ tương hỗ hội tụ đầy đủ cả niềm vui và sự tương trợ lẫn nhau: tôi luôn ở bên bạn và bạn cũng luôn ở bên cạnh tôi.

Là một nhà hoạt động xã hội và gây quỹ cho các hoạt động lấy sự đầy đủ làm nền tảng, và luôn cố gắng sống theo phương châm đó, gần như mọi ngày tôi đều nhìn thấy sức mạnh của sự hợp tác xóa bỏ những khoảng cách về độ tuổi, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, dân tộc và kinh tế – xã hội thường xuyên chia rẽ chúng ta. Ta có thể nhận thấy rõ lợi ích của sự hợp tác trong những câu chuyện về sự hồi phục đáng nể, như của vùng Sylhet ở Bangladesh, hay của những người phụ nữ cùng góp sức đào giếng ở một ngôi làng tại Senegal, hoặc của rất nhiều người khác nữa, khi mà những cuộc vật lộn thường trực dai dẳng đã được biến thành những thành công vang dội. Những chiến thắng âm thầm hơn, đôi lúc là trong câm lặng, cũng đã diễn ra trong thâm tâm những người ngày ngày phải vật lộn với cái nghèo hay với một cuộc sống vật chất xa hoa. Trong những hoàn cảnh đó, sự hợp tác đã dẫn đến tự khám phá, phát triển cá nhân, đến sự tự hồi phục, và một trải nghiệm về sự đầy đủ mà trước đây không thể vươn tới, một niềm hạnh phúc mà tiền bạc không thể mang lại. Trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, sự hợp tác giải phóng chúng ta khỏi cuộc đuổi bắt vô tận để có được nhiều tài sản hơn, để cảm thấy mình có đầy đủ, và sự hợp tác này trở thành một cơ hội để tạo ra sự khác biệt bằng những gì chúng ta có. Nó đặt tiền bạc vào đúng vị trí của mình, chỉ giống như một trong nhiều loại nguồn lực có giá mà chúng ta có thể đóng góp khi cần. Hơn nữa, nó giúp cho tiền bạc được lưu thông, để dù tiền bạc của chúng ta chảy thành sông, thành suối hay chỉ là những mạch nước nhỏ, thì chúng cũng đều có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho nhiều người nhất – trong đó có cả chính chúng ta!

TRACY: CHIA SẺ NGUỒN LỰC VÀ SỰ GIÀU CÓ

Một trong những người bạn thân thiết và đáng yêu nhất của tôi là một người phụ nữ tên là Tracy. Chị đã phải trải qua rất nhiều sóng gió trong đời, tuy vậy, chị luôn có chính xác những thứ chị cần cho bản thân và cho những đứa con của mình. Trong mọi lúc, chị đều tìm thấy sự giàu có và màu nhiệm của sự hợp tác, và tôi vẫn luôn cảm động trước những nguyên tắc về sự đầy đủ mà chị luôn theo đuổi.

Tracy có hai đứa con và sống trong một khu dân cư nhỏ miền Bắc California. Chị đã ly dị chồng từ cuối những năm 1980. Khi người chồng ra đi, Tracy nghĩ rằng cuộc sống của chị vậy là đã chấm hết. Chị có rất ít tiền, không có chồng, và có hai đứa con nhỏ cùng với một trái tim tan nát.

Ẩn sâu trong lòng, Tracy luôn thầm mong được sống trong các nền văn hóa khác. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, chị quyết định dọn đến một nơi nào đó, thật xa để có thể ổn định tâm trí, để suy nghĩ cởi mở hơn về tương lai của mình và những đứa con. Chị đã tham gia làm một số việc cho Dự án Xóa đói ở Nhật Bản và đã kết thân được với một đồng nghiệp sống ở đó. Anh tên là Hiroshi Ohuchi, một giáo sư người Nhật giảng dạy tại Đại học Tamagawa. Hiroshi và vợ là người Mỹ của mình tên là Janet đã có ba đứa con: một đứa mười hai tuổi, một đứa mười và một đứa lên tám; con gái của Tracey là Sage lúc đó lên bảy, còn con trai Sebastian của chị lên năm.

Tracey viết thư cho Janet và Hiroshi để kể cho họ về sự tuyệt vọng của mình sau cuộc ly hôn, và khát vọng đến một nơi nào đó khác để có thể suy nghĩ cẩn trọng về tình hình của bản thân. Janet đã ngay lập tức mời chị cùng các con đến nhà mình trong đợt nghỉ đông. Gia đình Ohuchi sống biệt lập dưới chân núi Phú Sĩ, không dùng tới tivi và tự dạy học cho các con của mình tại nhà. Gia đình Ohuchi đã mở rộng vòng tay chào đón Tracy và hai đứa con của chị, và nhiệt tình giúp họ hòa nhập vào với nếp sống của mình. Năm đứa trẻ nhanh chóng kết thân với nhau.

Trong suốt kỳ nghỉ đó, mỗi một ngày mới đều mang lại những niềm vui lẫn tiếng cười cho tình bạn của họ, cũng như sự trân trọng đối với những món quà của nhau. Tracey có biệt tài tổ chức gia đình, chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn vui vẻ, và tạo ra những khoảnh khắc thư giãn tận hưởng cho cả nhà. Đến cuối kỳ nghỉ đông, đến lúc mà Tracey và hai đứa con lẽ ra sẽ quay về Mỹ như đã dự định, một khả năng mới chợt mở ra. Với cuộc sống gia đình hạnh phúc trước đây đã lui vào dĩ vãng, Tracey nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao chúng tôi lại phải quay trở lại Mỹ” và Janet đã đáp lại ngay: “Chẳng ai nói là chị phải trở về cả… chúng tôi rất muốn chị và các cháu ở lại!” Từ chính giây phút mừng vui đó, một món quà mà bây giờ ai trong số bọn họ cũng gọi là một “món quà mười bốn tháng” đã xuất hiện – một món quà của trách nhiệm, tình bạn và tình cảm gia đình dành cho cả hai bên.

Tracey, trước đây từng là giáo viên, ở nhà chăm sóc và dạy học cho cả năm đứa trẻ, nấu nướng và đóng góp các ý tưởng sáng tạo để duy trì nền nếp gia đình, tổ chức các hoạt động giải trí cho cả ba người lớn và năm đứa trẻ con. Đồng thời, chị cũng làm việc bán thời gian cho Dự án Xóa đói, cùng tụng kinh niệm Phật với Hiroshi, hát các bài dân ca cổ với Janet và bọn trẻ. Dần dần chị đã có thể tự chữa lành vết thương lòng của mình trong môi trường đầy tình thương yêu của gia đình Ohuchi.

Nhà Ohuchi đã mang lại hơi ấm, sự thoải mái và niềm vui mà Tracy và các con chị cần đến sau khi gia đình họ tan vỡ. Trong khi đó, gia đình Ohuchi cũng phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo của cô con gái nhỏ của mình. Nhờ sự có mặt hàng ngày của Tracey và các con chị, và cả trong đám tang của cô gái nhỏ, nỗi đau của gia đình Ohuchi như được vơi đi phần nào và có thể vượt qua được. Tất cả mọi người đều có được chính xác thứ họ cần, bằng cách cùng hỗ trợ lẫn nhau và mở rộng tấm lòng cho nhau, họ đã tìm thấy một môi trường đầy đủ, viên mãn. Nhà Ohuchi cảm thấy hạnh phúc khi có thể chia sẻ căn nhà và cuộc sống gia đình với những người bạn của họ. Tracey thì tìm được thời gian và địa điểm lý tưởng để hồi phục tinh thần, đồng thời để cùng viết một cuốn sách với cô con gái, và làm những công việc có ích cùng Dự án Xóa đói. Năm đứa trẻ trong gia đình ghép này được lớn lên trong một môi trường phong phú và ý nghĩa hơn nhiều so với khi chúng sống riêng biệt ở hai gia đình.

Mỗi gia đình mang lại những gì họ có vào thời điểm đó: nhà Ohuchi có sự ổn định, một nguồn thu nhập đều đặn, cùng với một căn nhà ấm cúng và rộng rãi đủ cho cả đại gia đình. Tracy và các con chị mang lại sức sống, tiếng cười và sự sáng tạo, tất cả thống nhất trên một nền tảng tinh thần và kỷ luật. Cả hai gia đình đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn nhất về tình cảm trong cuộc đời, và họ đã tìm thấy tình yêu và sức mạnh trong nhau.

Khi Tracy và các con chị cuối cùng cũng trở về Mỹ, chị đã kể lại cho một vài người bạn về niềm hạnh phúc và những lợi ích của việc sống chung trong một đại gia đình mang lại.Và họ, cùng với hai đứa con của mình quyết định sẽ thử cùng chung sống dưới một mái nhà như vậy. Họ cùng nhau tìm được một căn nhà – một nơi đáng yêu mà cả hai gia đình đều không thể tự mình mua nổi – ở một địa điểm gần những trường học tốt và nhiều sân chơi ngoài trời cho bọn trẻ. Do cặp vợ chồng người bạn đi làm bên ngoài, Tracey muốn có một công việc cho phép chị có thể trở về nhà sau giờ tan trường của bốn đứa trẻ lúc đó còn đang học tiểu học. Tracy khám phá ra rằng mình có biệt tài phỏng vấn và viết lách, vì vậy chị đã bắt đầu công việc viết lách tự do, chuyên viết lại chuyện đời của các cụ già cho gia đình họ. Công việc diễn ra thuận lợi, và hai gia đình đã chung sống thuận hòa với nhau trong suốt 11 năm. Tracy giờ đã có thể tự kiếm sống bằng công việc mình ưa thích, trong khi các con chị được giáo dục chu đáo và được hưởng một môi trường ấm áp, hạnh phúc của đại gia đình. Mặc dù thu nhập của Tracy không phải loại cao so với mặt bằng xã hội Mỹ (khoảng 35 nghìn đô-la một năm), chị và các con không hề thiếu thốn một thứ gì.

Hành trình bắt đầu bằng nỗi tuyệt vọng của Tracy trước sự sụp đổ của cuộc hôn nhân, cùng nỗi sợ hãi của chị về tiền bạc và về khả năng chu cấp cho các con, cuối cùng đã trở thành một con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc, được sẻ chia cùng bạn bè và gia đình thân thích. Đến lượt các bạn của chị, họ cảm thấy may mắn khi có cơ hội được chia sẻ cuộc sống của mình với Tracy và các con của chị.

Tracy sống trong bối cảnh của sự đầy đủ. Từ đó, chị đủ vững vàng về tâm lý để vừa trở nên rộng lượng – đóng góp mọi thứ trong khả năng của mình mà không sợ bị mất đi – và vừa âm thầm tin tưởng vào sự đáp trả của mọi người xung quanh. Chị đã kể cho tôi rằng chị đã đi theo lời khuyên của Mẹ Têrêsa: “hãy làm việc như thể tất cả mọi thứ đang trông chờ vào công việc đó, và hãy để những thứ còn lại cho Chúa trời định đoạt.” Chính Tracey là một nguồn cảm hứng vô tận, bởi chị đã giúp chính mình và các con có được một tâm lý độc đáo về sự “đầy đủ” mà giờ đây đã trở nên quá xa lạ đối với nền văn hóa của chúng ta. Chính từ đó, có đủ và thật sự đủ, chị đã được gặt hái thành quả của sự hợp tác – phép nhiệm màu của sự tương trợ lẫn nhau. Những đứa con chị được phát triển lành mạnh trên nền tảng những món quà của chính mình, và nhất định sẽ sử dụng những món quà đó để thay đổi thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.