Linh Hồn Của Tiền

“LUẬT RỪNG” ĐÍCH THỰC: CÂN BẰNG GIỮA HỢP TÁC VÀ CẠNH TRANH



Các nhà lý luận khoa học và lý thuyết kinh tế của thế kỷ XIX đã dựng nên một hình ảnh thế giới tự nhiên đầy khắc nghiệt. Họ đã mô tả sự cạnh tranh về thức ăn và các tài nguyên khác là điều tất yếu và là động lực thúc đẩy, qua đó Thiên nhiên ở trạng thái cân bằng, đồng thời cho phép chỉ một số loài thích nghi nhất được tồn tại. Nhà kinh tế chính trị Thomas Malthus đã cho rằng nạn đói kém, bệnh dịch, tình trạng nghèo khó và chiến tranh là những tai ương thần bí được tạo ra để kiểm soát sự bùng nổ dân số. Charles Darwin thậm chí còn cho rằng “chỉ kẻ thích nghi nhất mới tồn tại,” và cạnh tranh để có được những nguồn tài nguyên khan hiếm là nền tảng cho sự tiến hóa của các loài. Ngược lại, với mô hình cho rằng Thiên nhiên về bản chất là cạnh tranh khốc liệt, tàn bạo, những nghiên cứu gần đây đã soi sáng vai trò đặc biệt quan trọng của sự hợp tác, tương hỗ, cộng sinh trong thế giới tự nhiên – và một bức tranh chân thực hơn về cuộc sống.

Chỉ cần nhìn qua tổng sản lượng lương thực và dân số thế giới cũng đủ cho chúng ta biết rằng có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng có những yếu tố khác khiến cho một bộ phận dân cư được cung cấp thừa mứa trong khi một bộ phận khác thì lại suy dinh dưỡng và chết vì thiếu ăn. Những nạn đói kinh niên không phải là “giải pháp của Tự nhiên” nhằm giới hạn dân số hay cải thiện một giống loài nào cả. Trên thực tế, vấn đề nằm ở lỗ hổng trong các bộ máy chính phủ, chính trị và các hệ thống kinh tế do chính chúng ta gây dựng nên nhiều hơn là ở Thiên nhiên.

Ý kiến cho rằng sự thiếu thốn và cạnh tranh là con đường tất yếu của tự nhiên đã không còn được chấp nhận mặc nhiên nữa. Nhà sinh học tiến hóa có uy tín Elisabet Sahtouris nhận xét rằng Thiên nhiên nuôi nấng sự hợp tác và tương hỗ. Bà ấy nói cạnh tranh quả thực có tồn tại trong Thiên nhiên, nhưng nó cũng có những hạn chế của mình, và luật sinh tồn thật sự cuối cùng lại là sự hợp tác.

Thiên nhiên tự thể hiện mình qua sự cân bằng và tính mục đích. Thiên nhiên nảy nở trong sự đầy đủ. Một con sư tử chỉ kiếm đủ lượng mồi mà nó cần, không hơn. Một con sư tử khoẻ mạnh không thả sức tàn sát bừa bãi. Nó chỉ muốn và kiếm vừa đủ. Các loài động thực vật khác nhau cùng chung sống, mỗi loài mang lại một điều thiết yếu tạo nên một môi trường cân bằng để duy trì sự sống cho muôn loài. Sahtouris và những người khác cũng nhận xét rằng đối nghịch với xu hướng cạnh tranh mà luận điểm “chỉ kẻ thích nghi nhất mới tồn tại” đưa đến cách mô tả xác thực hơn có thể là “chỉ kẻ biết hợp tác mới tồn tại”. Theo kinh nghiệm của tôi, sự thực này đã được chứng minh hùng hồn trong các khu rừng nhiệt đới, nơi mà qua mỗi bước bạn lại khám phá ra được mối liên hệ qua lại tinh tế và phong phú giữa tất cả các loài.

Nhà môi trường học đã quá cố Donella (Dana) Meadows, người bạn và cũng là người đồng nghiệp mà tôi đã cùng làm việc trong Dự án Xóa đói trong hơn 20 năm, trong cuốn The Limits to Growth (Những Giới hạn cho sự Phát triển) và trong các tác phẩm khác, đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho cách hiểu sáng tỏ hơn về thế giới tự nhiên này. Qua các tác phẩm cũng như lối sống của cô, cô đã đưa đến cái nhìn tỉ mỉ về sự “đầy đủ” – một điều thật sự tồn tại và đã giúp cho sự sống có thể nảy nở trên hành tinh này.

Đối lập những giả định kinh tế với những quy luật hiển nhiên đó của Thiên nhiên, cô đã từng viết: trong khi các định luật kinh tế học thúc đẩy các điều kiện của sự thiếu thốn bằng một giả định rằng chúng ta phải tiêu thụ, sản xuất, cạnh tranh và thống trị ngày càng nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa. Thiên nhiên khi ở trạng thái cân bằng thì cho phép sự cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại; sự tạo thành, sản xuất và tiêu thụ trong một lịch trình nhất định thể hiện tương ứng các chu kỳ sinh ra, lớn lên và chết đi của tự nhiên. Cô viết:

Kinh tế học nói rằng: Hãy cạnh tranh. Chỉ bằng cách đặt mình trước một đối thủ xứng tầm, bạn mới có thể trở nên hiệu quả. Phần thưởng cho việc cạnh tranh thành công là sự phát triển. Bạn sẽ nuốt gọn các đối thủ khác, lần lượt từng người một, và nhờ đó, bạn sẽ càng tích luỹ thêm được nhiều nguồn lực để tiếp tục quá trình bành trướng đó.

Tự nhiên nói rằng: cạnh tranh ư, cũng được, nhưng bạn phải biết giới hạn sự cạnh tranh của mình ở đâu. Đừng trở thành kẻ hủy diệt. Hãy chỉ lấy đi những gì bạn cần. Hãy để lại cho các đối thủ của mình những gì đủ để sống. Nếu có thể, hãy hợp tác thay vì cạnh tranh. Hãy kết hợp, xây dựng nên những nền tảng vững chắc cho những giống loài nhỏ bé hơn xuất hiện. Hãy chia sẻ nguồn thức ăn và lãnh thổ với nhau. Một số những điều tuyệt vời nảy sinh ra từ cạnh tranh, số khác thì lại nảy ra từ sự hợp tác. Bạn không phải đang sống trong một cuộc chiến, mà là một cộng đồng.

Nếu chúng ta sẵn sàng cởi mở hơn và đánh giá lại những cách nhìn nhận trước đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng thiên nhiên dạy cho ta rất nhiều bài học khác nữa, giúp ta trở nên sáng suốt hơn và biết cách cư xử trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây đã nói phản ứng “chiến đấu hay rút chạy” trước một mối đe dọa hoặc trước nỗi sợ nào đó mà đã từ lâu được coi là phản ứng tự nhiên của con người, thì chỉ là đặc trưng của nam giới mà thôi. Phản ứng đặc trưng của nữ giới đối với một mối đe dọa đó là liên kết và hợp tác với những người khác. Dựa trên một loạt những khám phá khoa học đã được chứng minh, chúng ta bắt đầu nhận ra sự thật lớn lao hơn này của thế giới tự nhiên. Cạnh tranh và xung đột là một bộ phận cấu thành không thể phủ nhận của giới Tự nhiên, nhưng lại không chiếm phần nổi trội theo như lý giải của những người biện minh rằng sự tham lam và bạo tàn của con người là những hiện tượng tự nhiên. Đó là một quan niệm sai lầm, hoặc có thể là một sự lợi dụng, khi viện dẫn tự nhiên ra làm ẩn dụ hay kiểu mẫu cho các hành vi của con người trong khi chỉ tập trung vào duy nhất một khía cạnh của nó – sự cạnh tranh và hung bạo – nhằm định hình ra một thế giới chỉ có những kẻ thắng cuộc hay thua cuộc, và để cho rằng đó là điều tự nhiên.

Tất nhiên thế giới Tự nhiên cũng bao hàm cả những xung đột – một số động vật hoang dã sẽ chiến đấu đến chết để giành sự thống trị, để giành quyền giao phối, thức ăn và lãnh thổ. Nhưng thậm chí ngay trong cộng đồng các loài vật, đó cũng chỉ là một trong số vô vàn các hành vi, mà rất nhiều trong số đó được đặc trưng bởi sự săn sóc, khám phá, hay chia sẻ những thông tin liên quan đến nguồn thức ăn, nước uống hoặc kẻ thù.

Thế giới tự nhiên không hề tách biệt khỏi chúng ta, chúng ta là một phần, và mang trọn vẹn tất cả những sự phức tạp của tự nhiên. Là một phần của giới tự nhiên, chúng ta có thể chấp nhận rằng sự sợ hãi và các hành vi hung bạo là tự nhiên, nhưng chỉ là những hành vi quá khích nhất trong bối cảnh rộng lớn hơn của một mối quan hệ hợp tác, cộng sinh đảm bảo cho sự sống nảy nở. Vì vậy, việc chúng ta lấy cảm hứng từ những hành vi hoặc hình ảnh hướng sinh đó là hoàn toàn hợp lý – thậm chí còn hơn cả vậy – bởi chính những loại quan hệ đó, những phẩm chất hành vi đó đem lại những ví dụ tuyệt vời nhất để xây dựng nên một mối quan hệ tích cực với tiền bạc, để duy trì sự tồn tại của loài người, và vì một tương lai bền vững hơn cho Trái đất của chúng ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.