Kinh Doanh Như Một Cuộc Chơi

ĐỂ LÀM VIỆC TỐT HƠN



Hãy nghỉ ngơi xả láng!

Vào tháng 7, khi tôi đang viết đến phần này của cuốn sách, nhiều người, đặc biệt là ở Bắc bán cầu, đã đang đi nghỉ hoặc chuẩn bị đi nghỉ. Đây là thời điểm trong năm mà nhiều người làm kinh doanh thấy thật khó để tắt điện thoại và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Quả thật là khó: ngày nay, kinh doanh mang tính toàn cầu và có nhịp độ rất nhanh, bạn có thể nhận được e-mail, tin nhắn, hay các cuộc điện thoại vào bất cứ lúc nào, 24/7, từ đồng nghiệp cũng như khách hàng, tức là người ta đòi hỏi bạn phải luôn chú ý đếnnhững phát triển mới nhất tại công ty bạn. Trong môi trường này, các quyết định thường được đưa ra quá nhanh bởi những con người đã mệt mỏi đến mức không thể lựa chọn sáng suốt – một tình huống mà qua thời gian sẽ cản trở sự phát triển của một công ty cùng khả năng thành công của nó.

Khi tôi gặp những nhóm đồng nghiệp hoặc các doanh nhân, thỉnh thoảng tôi có hỏi họ rằng nếu có cơ hội thì họ sẽ sắp xếp giờ làm việc của mình khác đi như thế nào. Liệu họ có muốn chia sẻ công việc, nghỉ nhiều hơn hay làm việc linh hoạt hơn không?

Phần lớn mọi người cảm thấy miễn cưỡng để nói lên quan điểm của mình, dù cho tình huống là gì, vì họ sợ sếp của mình sẽ nghĩ họ lười biếng hoặc thiếu động lực. Mặc dù nhiều người rất muốn thay đổi lịch làm việc của họ, nhưng cứ năm giám đốc thì chỉ có một giám đốc tự động đưa ra thông tin đó. Nếu tôi kiên quyết hỏi thì hóa ra là hơn một nửa nhóm muốn công ty của họ linh động hơn về giờ giấc làm việc.

Giải quyết vấn đề này là một việc quan trọng, dù cho bạn đang thành lập một doanh nghiệp mới hay điều hành một doanh nghiệp cũ, vì giữ cho nhân viên luôn hài lòng và giàu động lực là chìa khóa đối với thành công của công ty. Theo kinh nghiệm của tôi cũng như của tập đoàn chúng tôi trong nhiều năm thì việc cho phép bản thân nghỉ ngơi và đảm bảo rằng nhân viên hoặc đồng nghiệp của bạn cũng có khả năng làm tương tự – sẽ tốt hơn nếu họ theo đuổi sở thích riêng của bản thân – sẽ giúp bạn giữ chân được những thành viên giá trị nhất. Họ cũng sẽ sáng tạo và đổi mới hơn, từ đó tạo ra kết quả tốt hơn.

Hãy thử hỏi những nhân viên quan trọng của bạn xem cách tốt nhất bạn có thể giúp họ theo đuổi mục tiêu ở công sở cũng như ở nhà là gì. Có thể đó là thay đổi giờ giấc tuần làm việc hoặc một việc gì đó mang tính triệt để như cấm nhắn tin vào cuối tuần kể cả khi có việc khẩn cấp. Bạn có thể tin là vợ hoặc chồng của họ cũng sẽ thích điều đó!

Một vài người có thể thích chia sẻ công việc, một lựa chọn thay thế khác sẽ giúp bạn giữ chân những nhân viên lớn tuổi giàu kinh nghiệm hoặc những người không thể làm việc toàn thời gian – ví dụ như những người có con nhỏ hay phải chăm sóc người già trong gia đình hoặc người thân bị ốm. Giải pháp này có thể tạo ra công ăn việc làm vì có nhiều nhân viên toàn thời gian tình nguyện giảm giờ làm nếu có cơ hội, và nhiều người thất nghiệp đủ năng lực sẵn sàng làm bán thời gian nếu được.

Các quản lý cấp cao có thể khó chấp nhận việc những đồng nghiệp của họ chia sẻ công việc vì sợ sẽ không theo dõi được các tiến bộ trong lĩnh vực của họ và bỏ lỡ những điều quan trọng. Nhưng hiếm có công việc nào không thể được chia sẻ giữa hai người hoặc hơn. Thực ra, những nỗi sợ này phản ánh thực tế rằng nhiều nhà điều hành đang phải chịu quá nhiều gánh nặng, rằng các công ty thường giao quá nhiều trách nhiệm lên một người duy nhất. Nhờ cho phép chia sẻ công việc – chuyển giao khối lượng công việc tốt hơn – các công ty có thể bảo đảm rằng kiến thức cũng như kinh nghiệm sẽ lan rộng hơn, và các quyết định sẽ được đưa ra bởi những người có vị trí tốt nhất để làm vậy. Câu nói “hai cái đầu tốt hơn một cái đầu” cũng được cho là rất hữu ích trong thực tế!

Một việc quan trọng không kém là xem xét kỹ lưỡng chính sách của công ty về những ngày quốc lễ và những ngày nghỉ được hưởng lương. Đáng buồn là ở một vài quốc gia, cụ thể là ở Mỹ, các công ty không cho phép nhân viên có đủ thời gian để xả hơi và lấy lại sức. Ở đó, thông thường, họ chỉ được nghỉ phép 10 ngày có lương – một điều hoàn toàn vô giá trị và không hề đủ; thái độ khiến nhân viên không muốn đi nghỉ này chỉ có tác dụng kích thích sự bất mãn và tình trạng vắng mặt hàng loạt. Ở châu Âu, phần lớn các công ty có ý thức tốt hơn về điều gì phù hợp và có lợi cho cả nhân viên cũng như công ty.

Hãy nhớ rằng, sự hào phóng của bạn sẽ được đền đáp! Luôn có khoảng trống để điều tiết nhu cầu của nhân viên. Nếu có ít tiền do bạn đang điều hành một công ty khởi nghiệp hoặc công ty đang ở trong giai đoạn đầu, bạn có thể cho nhân viên nghỉ nhiều hơn để bù lại mức lương thấp. Trong các công ty lớn hơn, mạnh hơn, những nhân viên làm việc lâu năm nên được lựa chọn nghỉ phép hoặc nghỉ không lương – bất cứ điều gì cần thiết để lấy lại sức lực. Và không phải 20 năm 1 lần!

Cuối cùng, khi đã thành lập được một đội đáng tin cậy, đừng sợ để mọi người được thỉnh thoảng làm việc từ nhà. Nhiều người thấy rằng họ làm việc năng suất hơn khi không còn phải di chuyển và có thể tập trung vào một dự án nhờ sự yên tĩnh ở nhà. Tôi rất may mắn vì gần như sáng nào cũng có thể bơi quanh đảo Necker; nhờ giảm thời gian di chuyển đến công ty, bạn có thể dùng thời gian đó để đến phòng tập hoặc đơn giản là chiều chuộng bản thân bằng một ly cappuccino và đọc báo trong 15 phút tại quán cà phê ưa thích của mình.

Việc thúc giục nhân viên (và chính bản thân bạn) đi nghỉ định kỳ đồng thời dành thời gian cho gia đình và những sở thích khác nghe có vẻngược đời trong thế giới đang phát triển quá nhanh này, nhưng hãy cố coi đó là một bài tập để bảo vệ công ty. Khi duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên, bạn đang bảo vệ tài sản lớn nhất của công ty mình – con người. Nếu vẽ ra các nhu cầu của họ và tìm giải pháp, bạn sẽ thấy mình được đền đáp rất lớn thông qua sức sáng tạo, năng lượng, lòng nhiệt thành, khả năng làm việc nhóm của họ – và cuối cùng là thành công trong kinh doanh.

Giờ hãy rời góc làm việc quen thuộc của mình và đi một vòng, nói chuyện với một vài đồng nghiệp và hỏi rằng “Nếu ngay bây giờ bạn được làm một việc khác thì việc đó là gì?” Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.