Cha Và Con

Chương 21



Hai cha con lại đẩy xe dọc các con phố nhỏ trong thị trấn, băng qua đường ray ở phía đường cái ở ven thị trấn. Đúng lúc đi hết dãy những căn nhà gỗ ảm đạm, anh bất chợt nghe thấy một tiếng rít vèo qua tai, sau đó là tiếng va đập xuống đường và tiếng va chạm vào bức tường của dãy nhà bên kia đường. Anh chộp vội lấy con, nằm úp lên thằng bé và kéo mạnh chiếc xe đẩy về phía mình. Cái xe bị giật lật úp, chăn chiếu tung tóe trên đường. Anh nhìn thấy một người đàn ông phía sau khung cửa sổ tầng trên một ngôi nhà đang giương cung về phía hai cha con. Anh giúi đầu thằng bé xuống, ra sức lấy toàn bộ thân mình che chắn cho con. Một tiếng “phựt” khô khốc. Rồi anh thấy đau nhói ở chân. Anh gầm lên: Thằng khốn. Khốn kiếp. Anh gạt phăng đống chăn sang bên, chộp lấy khẩu súng bắn pháo sáng, đứng phắt dậy, dựa vào xe, giương súng, lên đạn. Thằng bé níu chặt lấy cha. Khi gã đàn ông xuất hiện trở lại bên cửa sổ và giương cung nhắm bắn hai cha con, anh bóp cò. Một tia lửa vụt ra, đi theo đường vòng cung hướng thẳng về phía ô cửa sổ. Ngay sau đó, là tiếng rú đau đớn của gã bắn cung. Anh gỡ tay thằng bé ra, vơ chăn phủ lên con. Con nằm im. Không được cử động và không được nhìn, anh nói. Anh lôi đống chăn ra khỏi cái xe đẩy, lục tìm hộp đạn pháo.

Cái hộp lăn ra, anh vồ vội lấy nó, nạp một quả đạn vào súng, còn lại bỏ hết vào túi áo. Con ở nguyên đây nhé. Anh khẽ khàng nói với thằng bé, tay vỗ nhẹ qua tấm chăn rồi tập tễnh chạy qua đường.

Anh vào nhà kho theo lối cửa sau, súng cầm sát ngang hông. Anh thận trọng đi qua phòng khách và đứng lại dưới chân cầu thang, lắng nghe động tĩnh trên tầng. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ, quan sát chiếc xe đẩy vẫn đang ở ngoài phố, rồi từ từ bước lên cầu thang.

Một người đàn bà đang ngồi trong góc phòng, ôm chặt gã đàn ông xấu số với tấm áo khoác đắp trên mình. Ngay khi trông thấy anh, bà ta cất tiếng chửi rủa. Đạn pháo bắn ra đã làm cháy xém một khoảng sàn nhà. Vẫn còn đó một lớp tro tàn trăn trắng và mùi cháy khen khét. Anh đi về phía cửa sổ, quan sát. Người đàn bà vẫn dõi theo nhất cử nhất động của anh. Bà ta gầy nhẵng, mái tóc xám xổ ra rũ rượi.

Còn ai nữa không?

Bà ta không trả lời. Anh bước qua chỗ họ, tập tễnh đi kiểm tra các phòng. Vết thương ở chân mỗi lúc một ra nhiều máu hơn. Anh có thể cảm thấy chiếc quần sũng máu bám dính vào da thịt. Anh quay lại căn phòng, cất tiếng hỏi người đàn bà: Cái cung đâu rồi?

Tao không có cung tên nào cả.

Nó ở đâu rồi?

Tao không biết.

Bọn chúng để lại mình bà ở đây phải không?

Không có bọn chúng nào ở đây cả. Ở đây chỉ có mình tao.

Anh quay đi, tập tễnh lết xuống cầu thang và ra ngoài theo lối cửa chính. Sau khi kiểm tra kĩ phía sau ngôi nhà, anh trở ra phía đường, đỡ con dậy và chất lại đồ đạc lên xe. Vừa làm vừa thì thào: Đứng sát vào cha. Đứng sát vào cha.

Hai cha con dừng chân tại một nhà kho ở cuối thị trấn. Anh đẩy cái xe vào một căn phòng phía sau, đóng cửa lại và chặn cái xe chỗ lối ra vào. Xong, anh lấy đèn dầu và can xăng ra châm đèn, đặt xuống sàn nhà rồi mở khóa thắt và cởi chiếc quần đẫm máu ra. Thằng bé lặng im theo dõi. Mũi tên đã rạch một vết dài chừng ba centimet ngay trên đầu gối. Vết thương vẫn đang chảy máu. Toàn bộ phần đùi bên trên tím tái, trắng bệch. Có thể thấy rõ là vết thương khá sâu. Anh ngẩng lên nhìn thằng bé và nói: Con xem hộp sơ cứu ở đâu?

Thằng bé không nhúc nhích.

Lấy hộp đồ sơ cứu đi. Đừng có ngồi ì ra như thế.

Thằng bé bật dậy, đi ra phía cái xe và bắt đầu lục lọi dưới tấm vải nhựa và đống chăn. Nó cầm hộp đồ lại, đưa cho anh. Anh cầm lấy cái hộp, đặt nó xuống sàn tháo khóa, mở hộp. Lẳng lặng không nói một lời. Anh với tay vặn đèn cho sáng hơn rồi mới quay sang bảo thằng bé: Mang cho cha chai nước. Thằng bé lật đật đi lấy nước. Anh mở nắp chai, đổ nước rửa vết thương rồi lấy tay khép miệng vết thương lại trong khi tay kia lau sạch máu. Anh tẩm thuốc sát trùng vào miếng gạc, rồi dùng răng xé túi ni-lông đựng kim khâu và chỉ y tế ra. Ngồi tại chỗ, giơ kim lại gần đèn, anh xâu chỉ. Xong, anh lấy một cái kẹp trong hộp sơ cứu ra, kẹp kim vào đó và bắt đầu khâu vết thương. Anh làm rất nhanh và trên khuôn mặt không biểu lộ một chút đau đớn nào. Thằng bé vẫn gò lưng, ngồi bên cạnh nhìn cha.

Anh ngước nhìn con rồi lại cúi xuống khâu tiếp. Con không phải nhìn đâu, anh nói.

Vết thương không sao chứ ạ?

Ừ. Không sao.

Có đau không ạ?

Có. Đau chứ con.

Anh thắt chỉ sát vết khâu, rồi dùng kéo cắt. Xong xuôi, anh nhìn con. Nãy giờ nó vẫn theo dõi anh một cách tỉ mỉ.

Cha xin lỗi vì đã quát con.

Thằng bé ngẩng lên.

Không sao ạ.

Vậy mình cho qua nhé.

Vâng ạ.

Trời đang mưa. Gió mạnh đập vào cánh cửa kính sau nhà. Anh đứng bên cửa, lặng lẽ quan sát. Một nửa bến tàu đã sập, ngập sâu trong biển nước. Xa xa, thấp thoáng những chỏm màu xam xám của những khoang thuyền đánh cá. Không một chuyển động. Tất cả mọi vật, mọi thứ có thể chuyển động đều đã bị cuốn đi. Vết thương ở chân anh giật liên hồi vì đau nhức.

Anh tháo băng, rửa vết thương. Phần thịt quanh vết thương sưng phồng lên, trắng bợt. Chỗ vết khâu thì thâm đen lại. Anh băng lại vết thương, rồi kéo chiếc quần sậm màu máu khô lên.

Hai cha con ngồi trong phòng cả ngày, giữa đống hộp ngổn ngang. Con phải nói chuyện với cha chứ, anh nói.

Con vẫn đang nói đây ạ.

Con chắc không?

Thì lúc này con đang nói đây ạ.

Con có muốn cha kể chuyện cho con không.

Không ạ.

Tại sao không?

Thằng bé nhìn anh rồi quay đi.

Tại sao không?

Những câu chuyện cha kể đều không có thật.

Những câu chuyện đó không nhất thiết phải có thật. Vì chúng chỉ là những câu chuyện thôi mà.

Vâng, nhưng trong câu chuyện chúng ta luôn giúp đỡ người khác. Còn sự thật là chúng ta không giúp ai cả.

Vậy sao con không kể cho cha nghe một câu chuyện nhỉ?

Con không muốn.

Được thôi.

Con chẳng có chuyện gì để kể cả.

Con có thể kể chuyện của con.

Cha đã biết hết mọi chuyện về con rồi. Lúc nào mà cha chẳng ở cạnh con.

Có những chuyện nếu con không nói ra thì cha không biết.

Ý cha là những chuyện kiểu như những giấc mơ ạ?

Ừ, những giấc mơ. Hay chỉ đơn giản là những đều con nghĩ.

Vâng, nhưng chuyện thì phải kết thúc có hậu đúng không ạ?

Không nhất thiết phải vậy.

Cha luôn kể những câu chuyện kết thúc có hậu còn gì.

Thế con không có một câu chuyện nào vui sao?

Những câu chuyện của con giống đời thật hơn.

Chuyện cha kể không giống với đời thật à?

Không, chuyện của cha không thật tí nào.

Anh nhìn con.

Cuộc sống thật tệ thế sao con?

Cha nghĩ thế nào ạ?

À, cha nghĩ mình vẫn ở đây. Có rất nhiều điều tệ hại đã xảy ra, nhưng giờ cha con mình vẫn ngồi đây đấy thôi.

Vâng.

Con không thấy thật kỳ diệu sao?

Cũng bình thường ạ.

Hai cha con kéo một cái bàn ra sát cửa sổ và trải chăn lên đó. Thằng bé lúc này đang nằm sấp trên bàn, nhìn ra ngoài vịnh, còn anh ngồi đó với cái chân bị thương duỗi thẳng ra. Hai khẩu súng và hai hộp đạn pháo đặt trên tấm chăn, ở gữa hai cha con. Im lặng một hồi, anh lại cất tiếng: Cha vẫn nghĩ việc mình còn sống là một điều tốt đẹp. Nó phải được tính là một câu chuyện rất có hậu đấy chứ.

Được ạ. Con chỉ muốn yên tĩnh một lát thôi.

Thế còn những giấc mơ? Trước, con vẫn hay kể cho cha nghe về những giấc mơ của con.

Con không muốn nói chuyện gì cả.

Được rồi.

Dù sao, con cũng chẳng có một giấc mơ đẹp nào cả. Chỉ toàn là những việc không hay đang diễn ra. Cha đã có lần nói là không sao cả, vì những giấc mơ đẹp không phải là điềm lành.

Có lẽ vẫy, cha không rõ lắm.

Khi cha thức giấc và ho, cha ra ngoài, đi dọc theo con đường hoặc ra một chỗ nào đó, con vẫn có thể nghe thấy cha ho sù sụ.

Cha xin lỗi.

Có lần, con nghe thấy tiếng cha khóc.

Cha biết.

Vì thế, nếu con không nên khóc thì cha cũng nên như vậy.

Ừ.

Cha không cần phải nói như vậy.

Tại sao.

Vì con biết cha đang đau lắm.

Không đến mức vậy đâu con.

Người đàn ông đó đã cố tình giết mình phải không cha?

Ừ.

Cha đã giết ông ta à?

Không.

Có thật không ạ?

Thật.

Vậy là được rồi.

Thế là tốt rồi chứ con?

Vâng ạ.

Cha tưởng con không muốn nói chuyện.

Không đâu ạ.

Hai ngày sau, họ lại tiếp tục lên đường. Anh đi tập tễnh sau xe đẩy, thằng bé đi sát bên cha cho đến khi ra khỏi ngoại ô thị trấn. Con đường chạy theo bờ biển rộng nhuốm màu tro bụi. Gió cuốn để lại trên bờ cát những đụn dài cản bước hai cha con. Họ phải dùng một tấm ván để súc cát sang bên lấy lối đi. Khi ra đến bờ biển, hai cha con ngồi tránh gió sau những đụn cát và xem lại bản đồ. Chiếc đèn dầu vẫn là bạn đồng hành của hai cha con suốt chặng đường đi. Họ đun nước, pha trà và cuộn mình trong chăn ngồi giữa cái rét căm căm. Phía xa bờ là đống ván chắn bão của một con tàu cũ kĩ. Những tấm ván có tay quay ngập chìm trong cát. Những thân tàu bằng sát màu tím hoa cà có lẽ được nung trong một lò nung nào đó ở Cadiz hoặc Bristol, rồi được tán đều trên một cái đe nhọ nhem. Trông chúng đủ bền để có thể tồn tại trên bờ biển này suốt ba trăm năm. Ngày hôm sau, hai cha con đi ngang qua một khu nghỉ mát đổi nát, hoan tàn. Từ đây, hai cha con đi xuyên qua một rừng thông về phía đường cái. Lá thông nằm phủ kín mặt đất đen xì và gió xào xạc qua những tán cây âm u.

Khoảng trưa, anh ngồi bệt xuống đường, chỗ sáng nhật và bắt đầu cắt chỉ vết thương ở chân.

Xong xuôi, anh cất kéo lại vào hộp sơ cứu và lấy cái kẹp ra, rút từng sợi chỉ đen nhỏ ra khỏi da thịt; ngón tay trỏ của anh ấn chặt xuống để rút chỉ bớt đau. Thằng bé vẫn ngồi bên cạnh, theo dõi từng cử động của cha. Mỗ lần một sợi chỉ được rút, máu lại ứa ra. Sau khi đã rút hết chỉ, anh cất kẹp và bắng vết thương lại bằng băng gạc. Xong xuôi, anh kéo quần lên và đưa hộp đồ cho thằng bé cất đi.

Đau lắm phải không cha?

Ừ.

Cha đúng là rất dũng cảm phải không?

Chỉ bình thường thôi con ạ.

Thế điều dũng cảm nhất mà cha đã từng làm là gì?

Anh khạc một ít đờm toàn máu xuống đất. Là thức dậy vào sáng nay, anh nói.

Thật ạ?

Không. Đừng tin cha. Thôi nào, mình đi thôi.

Đến chiều tối, hai cha con đến một thành phố biển âm u khác. Nơi đây cũng có những tòa nhà đứng xiêu vẹo trong màn sương khói lờ mờ. Anh cho rằng lớp vỏ bên ngoài những tòa nhà đã luồng khí nóng bỏng làm cho mếm oặt đi nên các tòa nhà mới trở nên xiêu vẹo như thế.

Những tấm kính cửa sổ bị nung nóng đế chảy ra, giờ đã đông cứng lại trên tường trông như lớp kem bánh ga-tô vậy. Họ lại đi. Thỉnh thoảng, trong đêm, anh chợt bừng tỉnh khỏi một giấc mơ về một thế giới dịu dàng đầy tình người, ngập tràn trong những giai điệu đáng yêu của những chú chim và của ánh mặt trời rực rỡ để lại đối diện với màn đêm thăm thẳm và những mảnh vụn lạnh lẽo của thế giới này.

Anh gục đầu lên cánh tay đang đẩy chiếc xe, ho sù sụ. Có máu. Anh đưa tay quệt đi nhưng máu trong miệng vẫn chảy ra. Này hai cha con buộc phải dừng lại tìm chỗ nghĩ. Thằng bé im lặng nhìn cha. Trong một thế giới khác đang tồn tại, thằng bé có thể bắt đầu loại bỏ anh khỏi cuộc đời nó. Nhưng nó cũng có cuộc đời nào đâu. Đêm nay, thằng bé vẫn thức và đang lắng nghe xem anh có thở không.

Mỗi ngày vẫn trôi qua. Không biết đã bao lâu, bao năm tháng rồi. Hai cha con đã lang thang khắp các bang trên đất nước này; đã thấy những hàng xe nối đuôi nhau, vụn nát, cháy đen và hoen gỉ. Vành xe vẫn dính chặt những cái lốp đã chảy ra. Người chết cháy bị co rút lại, nhỏ như một đứa trẻ, ngồi dựng đứng trên những tấm ghế xe chỉ còn trơ lò xo. Hai cha con vẫn đi, lần mò trong cái thế giới chết chóc, tang thương này. Thật chẳng khác gì số phận của những chú chuột nhắt đang chạy nháo nhác dưới bánh xe. Những đêm dài câm lặng, chết chóc ngày một trở nên u ám và lạnh lẽo và câm lặng hơn… Rét thấu xương… Hai cha con hầu như chẳng nói với nhau một lời. Anh ho không dứt và thằng bé phải chứng kiến cảnh anh rạp người xuống đường ho, ho ra máu, nhếch nhác, rách rưới và vô vọng. Thường thì bây giờ thằng bé đi trước, rồi dừng lại, ngó lại phía sau, chờ anh trong khi anh tì vào cái xe đẩy, ho rũ rượi. Những lúc như thế, anh lại ngước nhìn con, hai hốc mắt sâu hoắm như thấy trước một tương lai dành cho thằng bé. Một tương lai mà chính anh cũng không hình dung nổi.

Con đường này dẫn họ qua một đầm lầy đã khô cạn. Ở đây, những tảng băng hình ống nhô lên khỏi mặt đầm trong như nhũ đá trong hang động vậy. Bên đường còn sót lại tàn tro của một đống lửa. Có một con dê dài đắp bằng xi măng qua cái đầm. Cái đầm lầy tang tóc.

Những thân cây chết khô bên dòng nước đục ngầu, rêu phong bao phủ. Anh đứng tựa người vào bờ đê thô ráp. Có lẽ, ít nhất giữa những đống đổ nát của thế giới này, người ta vẫn có thể tìm thấy chút gì nguyên vẹn còn sót lại. Trên cát, đại dương, trên các dãy núi. Tất cả đều mang một vẻ đau đau buồn, hoang tàn và ảm đạm trong cái lạnh lẽo đến vô cùng. Không gian như thẳm sâu hơn trong cái tĩnh lặng đến rợn người.

Hai cha con đã xuất phát từ những con đường trải đầy thông khô, đã băng qua những đồng cỏ trơ trụi, cằn cỗi của mỗi miền quê. Những ngôi nhà đổ, những cuộn dây điện rối tung, loằng ngằn lăn lóc trên những con đường tan nát, không còn nguyên vẹn. Một mớ hỗn độn khiên cha con anh phải rất vất vả mới có thể lôi được chiếc xe đẩy qua. Cuối cùng, họ ngồi bệt bên vệ đường, nhìn chăm chăm vào vật cảnh phía trước mặt. Những mái nhà cong vênh. Những thân cây khô quắp, trơ trụi… Và một con thuyền chơ vơ trên nền trời u ám, chạng vạng tít tắp đằng xa.

Hai cha con lục lọi trong đống đổ nát. Sau cùng, anh cũng tìm được một cái túi làm bằng vải bạt, có thể đeo được và một cái va li nhỏ cho thằng bé. Họ sắp xếp đồ đạc, nhét hết chăn, tấm vải nhựa và số đồ ăn còn lại vào ba lô và cái túi vải, rồi lại lên đường, bỏ lại cái xe đẩy trơ trọi đằng sau. Hai cha con trèo qua những đống đổ nát. Chầm chậm từng bước. Anh phải dừng lại để nghỉ lấy sức. Bên đường có một băng ghế sô-pha, đệm ghế phồng lên vì ngấm nước. Anh ngồi lên đó, gập mình xuống ho sù sụ. Miếng vải đã thấm đầy máu. Mệt mỏi và chậm chạp, anh mang nó lại một rãnh nước giũ sạch. Xong, anh vắt khô miếng vải và lại đứng lặng nhìn con đường. Từng hơi thở là từng làn khói mỏng. Vậy là mùa đông đến rồi. Anh quay lại nhìn con. Thằng bé tội nghiệp đứng bên chiếc vali trông như mọt đứa trẻ mồ côi đang đứng đợi một chuyến xe buýt vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.