Tuyệt Thực Đi Về Đâu?

PHẦN IV: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRONG LÚC THỰC HÀNH PHÉP NHỊN ĂN – I. TRIỆU CHỨNG HỌC TRONG PHÉP NHỊN ĂN



Triệu chứng chủ quan

Người ta thường nghĩ rằng nhịn ăn đôi ba bữa là sinh ra chóng mặt, yếu đuối và đôi khi đau đớn ở bụng trên…

Mạch

Mạch thay đổi rất nhiều trong thời gian nhịn ăn, có thể thình lình mỗi phút đập 120 nhịp hoặc có khi lại xuống còn 40 nhịp. Thông thường mạch tăng lúc bắt đầu nhịn ăn rồi một hai ngày sau thì hạ xuống. Trong những trường hợp kỳ nhịn ăn nhịp mạch sau khi tạm thời tăng lên lại sụt xuống độ 48 hay 40 nhịp như vậy độ một hai hôm rồi trở lên 60 nhịp cho đến khi ăn uống trở lại.

Nhận xét nhiều trường hợp tim yếu qua một thời gian nhịn ăn để trở nên mạnh mẽ, hồi phục nên có thể kết luận một cách chính xác rằng những trạng thái tim đập mạnh, nhanh hay chậm là một quá trình sửa chữa bồi dưỡng có ích lợi cho cơ thể chứ không phải là một sự loạn động của tim do tình trạng suy nhược gây nên do lắm người thường nghĩ lầm. Nhịp tim cực thấp có thể nhận thấy trong những trường hợp mà người bệnh có tình trạng sức khoẻ quá suy nhược đặc biệt nơi những người trước đó thường dùng chất kích thích hoặc hưng phấn. Các chất này một khi thiếu thốn hẳn thường gây ra tình trạng trì trệ các hoạt động của cơ thể mà trước đó hàng ngày vẫn được kích thích.

Nhịp tim đập quá nhanh hay quá chậm đều là tình trạng bất thường chứ không phải định luật thông thường trong thời kỳ nhịn ăn của tất cả mọi người. Nói chung thì nhịp tim đập đều, mạnh và tương quan với hoạt động của cơ thể.

Sự thèm ăn

Trong hôm đầu nhịn ăn thì chưa có gì khó chịu lắm, đến ngày thứ 2 thì sự thèm ăn trở nên khẩn thiết hơn nhưng đến ngày thứ 3 thì sự thèm ăn lại giảm xuống rất nhiều hoặc không còn thèm ăn nữa.

Từ đó cơ thể không còn đòi hỏi thức ăn như trước mà đôi khi còn chán ghét thức ăn cho đến khi sự thèm ăn tự nhiên trở lại.

Smith viết: “Thực phẩm càng kích thích bao nhiêu thì cơ thể càng đòi hỏi bấy nhiêu”. Có nhiều người bệnh than vãn mình cảm thấy đói bụng suốt thời kỳ nhịn ăn. Thật ra cảm giác đó chỉ là những ảo tưởng thuộc về tâm lý hoặc những cảm giác do sự kích thích gây nên.

Theo bác sĩ Guelpa, thức ăn trong dạ dày có công dụng hấp thụ và trung hoà các chất độc trong dạ dày, trong ruột và nó xoa dịu những cảm giác trống trải, rổn rang, bỏng rát, v.v… gây ra do một sự tự đầu độc hữu hiệu mà người ta lầm tưởng là đói bụng.

Người ta có thể làm lắng dịu “cảm giác đói bụng” đó bằng nhiều cách: rửa ruột, uống nước, đắp bụng trên, chà xát trên bụng, v.v… hoặc sẽ tự hết đi không cần phải làm gì cả.

Người ta nghĩ rằng cảm giác đói có thể gây ra do sự co bóp của dạ dày nhưng điểm này không lấy gì làm đúng vì để ý nhận xét rằng người ăn chay nhịn đói giỏi hơn người ăn thịt rất nhiều mặc dầu sự co bóp dạ dày của đôi bên cũng không khác nhau là mấy.

Có nhiều người “xấu máu đói” than vãn xót xa trong dạ dày, bủn rủn trong người, đau bụng, sôi bụng buồn nôn, nhức đầu, choáng váng mặt mày, chân tay rời rã và nhiều cảm giác bệnh hoạn khác mỗi khi đến cơn đói bụng mà không kịp ăn. Những triệu chứng này y hệt những cảm giác của người nghiền á phiện lên cơn mỗi khi thiếu thuốc. Những cảm giác này được tạm thời xoa dịu nếu được ăn uống vào cũng như trường hợp một tách cà phê và do đó người ta suy luận rằng ăn là luôn luôn cần thiết cho sinh lực. Nhưng đó là một sự lầm lớn, nếu người bệnh kiên nhẫn nhịn ăn trong ít hôm thì sự đau khổ kia sẽ biến mất.

Bác sĩ Claunch nói rằng: “Khi người ta đói và người ta cảm thấy thoải mái, khoan khoái, đó là sự đói bụng thật. Còn khi người ta đói mà người ta cảm thấy khó chịu, bị dày vò thì đó chỉ là một sự thèm ăn giả trá. Khi một người bệnh hoạn bỏ một bữa ăn thường nhật thì họ cảm thấy suy nhược đi trước khi thấy đói. Còn một người khoẻ mạnh bỏ đi một bữa ăn hàng ngày thì cảm thấy đói trước khi cảm thấy bị suy nhược.

Sự đó chân thật không có phụ theo một triệu chứng gì khác cả.

Lưỡi và hơi

Trong suốt thời gian nhịn ăn thì phần nhiều lưỡi có bợn nhỏ rồi dần dần giảm bớt, ban đầu ở chung quanh và ở chót lưỡi và rồi chỉ thật sạch sau khi sự thèm ăn tự nhiên trở lại.

Trong thời gian nhịn ăn, hơi thở cũng trở nên nặng mùi và bớt dần khi cơ thể được thanh lọc sạch sẽ hơn và cũng chỉ trở thành sạch sẽ dịu mùi khi sự thèm ăn trở lại. Cơ thể càng nhiều cặn bã, độc tố thì hơi càng nặng mùi và lưỡi càng đóng bợn nhỏ nhiều.

Nhiệt độ

Để ý nhận xét nhiệt độ con người trong thời kỳ nhịn ăn, chúng ta khám phá một loạt hiện tượng nghịch thường vừa lý thú mà cũng vừa bổ ích. Đa số những người mắc bệnh kinh niên nhịn ăn nhiệt độ hầu như giữ mức trung bình thì nói các bệnh cấp tính nhiệt độ lại sụt xuống nhưng lại tăng lên ở những người thường ngày có một nhiệt độ ở dưới mức trung bình.

Khi một người lên cơn sốt nhịn ăn thì nhiệt độ họ không bao giờ lên cao như lúc họ có ăn uống. Điều chắc chắn là nhiệt độ trở lại mức trung bình nếu ta chịu tiếp tục nhịn ăn. Trên thực tế, trong các bệnh cấp tính mà nhiệt độ lên cao, cơn sốt sẽ hạ xuống một ít nếu ta đừng cho người bệnh ăn và cơn sốt rất ít khi tăng lên lại.

Trong các bệnh kinh niên, người nhịn ăn rất ít khi có nhiệt độ dưới mức trung bình. Đó là một chứng cớ hiển nhiên minh xác giá trị của phép nhịn ăn đối với những người bệnh này. Trong trường hợp dù các bệnh nhân kinh niên mà nhiệt độ dưới mức trung bình đi nữa nhưng một khi đã áp dụng phép nhịn ăn thì nhiệt độ cũng sẽ dần dần trở lại mức bình thường một khi sự thèm ăn tự nhiên trở lại.

Ban đầu dù cho bệnh nhân nhiệt độ chỉ ở 34o3 nhưng dần dần nhiệt độ sẽ lên đến 36o8 dù thời gian nhịn có kéo dài đến 40 ngày hay lâu hơn thế nữa. Thật ra thì ban đầu nhiệt độ có chiều hạ xuống nhưng lâu dần nếu người ta cứ tiếp tục nhịn ăn thì nhiệt độ lại tăng lên và đạt đến mức nhiệt độ trung bình.

Carrington thuật lại nhiều trường hợp mà nhiệt độ người bệnh hạ xuống dưới mức trung bình nếu người ta ăn uống nhưng lại lên được mức trung bình trong lúc nhịn ăn. Cho nên có nhiều trường hợp vì dứt ngang quá sớm sự nhịn ăn mà nhiệt độ bị hạ một cách đột ngột.

Vì vậy cũng chớ lấy làm lạ rằng nhiệt độ thấp đôi khi chính là do ăn uống quá độ gây ra một sự suy giảm sinh lực vì thói quen ăn uống quá nhiều.

Thỉnh thoảng có trường hợp sau một thời gian dài giữ mức nhiệt độ trung bình bỗng thình lình nhiệt độ sụt xuống, ta nên để ý xem để đề phòng trường hợp cơ thể đi từ giai đoạn nhịn ăn qua giai đoạn đói ăn do sự suy kiệt các chất dự trữ trong người. Trong trường hợp đó ta cho dừng sự nhịn ăn và sưởi ấm cho người bệnh bằng hơi ấm hoặc bình nước nóng thì chẳng hề có hậu quả tai hại gì cho người bệnh cả.

Có người đưa ý kiến rằng hiện tượng nhiệt độ người bệnh từ chỗ sốt trở lại mức trung bình cũng như từ chỗ lạnh tăng lên mức trung bình là giới hạn ta nên ngưng lại sự nhịn ăn vì đó là một minh chứng rằng nhịn ăn là một quá trình thiên nhiên đưa con người từ chỗ mất quân bình đến chỗ quân bình cho sức khoẻ.

Cảm giác lạnh rét run

Mặc dù nhiệt độ của người nhịn ăn giữ mức trung bình trong thời gian nhịn ăn hay là có tăng lên đi nữa, người nhịn ăn thông thường vẫn cảm thấy lạnh lẽo dưới một khí hậu mà thường ngày họ cho là dễ chịu. Cảm giác lạnh đó vẫn có thể cảm thấy mặc dù nhiệt độ trong người cao hơn mức trung bình, có nghĩa là sốt nhẹ. Cảm giác lạnh này có lẽ do sự tuần hoàn của máu ở ngoài da giảm bớt, nói một cách khác là một sự thiếu máu ở ngoài da.

Sốt vì đói

Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là nơi những người ăn uống nhiều thường xảy ra cơn sốt vì đói lúc mới bắt đầu nhịn ăn. Đó là một sự tăng nhiệt độ chút ít có thể kéo dài từ một ngày hoặc nhiều ngày. Đây là một triệu chứng có tính cách chữa bệnh, cải tạo sức khỏe con người.

Giấc ngủ

Thông thường thì người nhịn ăn không mấy khi ngủ quá 3-4 giờ trong 24 giờ và điều này thường gây cho người ta sự lo ngại. Sau đây là 3 nguyên nhân chính của sự mất ngủ đó:

1. Sự căng thẳng thần kinh.

2. Máu tuần hoàn không được điều hoà nên đôi bàn chân thường bị lạnh nên khó ngủ. Dùng một bình nước nóng áp vào chân là có thể bổ khuyết được điểm này.

3. Người nhịn ăn không cần phải ngủ nhiều. Một khi cơ thể được khoẻ khoắn và tinh thần thoải mái người ta có thể ngủ bất luận nhiều hay ít tuỳ theo nhu cầu của cơ thể.

Horace Fletcher có nhận xét rằng mỗi khi ông ta ăn lại thì ông không cần phải ngủ nhiều. Người ăn ít là người rất tỉnh ngủ. Người nhịn ăn ít ngủ thường cảm thấy trằn trọc và đêm dài nhưng lại không mảy may mệt nhọc hay bất an do sự thiếu ngủ. Tuy họ than vãn không hề chợp mắt nhưng thật ra họ ngủ rất nhiều mà không ngờ tới. Nhịn ăn cũng là phương thuốc hay để chữa lành bệnh mất ngủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.