Tuyệt Thực Đi Về Đâu?
PHỤ LỤC I: ĂN UỐNG THEO NGUYÊN LÝ ÂM – DƯƠNG CỦA GIÁO SƯ OHSAWA
Giáo sư OHSAWA, người Nhật tên thật là Nyoiti Sakura Zawa, sinh ngày 18.10.1893 tại Kyoto (Nhật Bản), ông bẩm sinh bạc nhược, hồi đang còn bé mẹ và 3 em đều lần lượt chết về bệnh lao. Năm 16 tuổi, đến lượt ông mắc bệnh ho lao và ung thư dạ dày, các bệnh viện đều bó tay, sau đến nương náu ở một Thiền viện nhờ ăn uống phải phép mà lành bệnh. Từ đó ông khởi tâm hy sinh cả cuộc đời để nghiên cứu Dịch lý và Đông y, khám phá và truyền bá phương pháp theo nguyên lý Âm Dương có công năng cải tạo sinh lực tăng gia tuổi thọ, chữa lành tất cả mọi bệnh tật gồm cả các bệnh mà người ta thường gọi là nan y như: phong cùi, ung thư, ho lao, suyễn, đau tim, bón, v.v…
Sau một thời gian dài thực nghiệm, ngày nay trên thế giới có rất nhiều người ở hầu hết các nước văn minh đã hưởng ứng và hoan nghênh nhiệt liệt phương pháp dưỡng sinh và điều trị liệu giản dị của Giáo sư OHSAWA. Trong số các môn đồ của người có rất nhiều vị y khoa bác sĩ danh tiếng ở Nhật Bản cũng như ở châu Âu và Mĩ châu.
Giáo sư OHSAWA đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng phương pháp ăn uống theo Dịch lý Âm Dương không phải do ông phát minh mà chính là đã có sẵn trong nền Đông y nguyên thuỷ từ 5.000 năm rồi.
Vì phép trị liệu quá thuần phác, cách ăn uống quá giản dị, lúc ban đầu không mấy ai tin tưởng nhưng dần dần thấy kết quả ra ngoài ước vọng, lúc bấy giờ suy nghĩ kỹ người ta mới thấy rõ sự nhiệm mầu của lý thuyết Âm Dương trong phương pháp OHSAWA.
Theo dịch lý của Đông phương, vạn sự vật trong vũ trụ đều được chia ra 2 nguyên tính tương phản nhau nhưng lại bổ túc cho nhau là Âm và Dương. Hai sức mạnh này có thể ví tương tự như cực Bắc và cực Nam của chiếc la bàn. Cũng như chiếc la bàn giúp cho nhà hàng hải định hướng cuộc hành trình, luật Âm – Dương biết áp dụng sẽ hướng dẫn cuộc đời ta đi vào nẻo hạnh phúc như ý.
Âm xua đuổi Âm, Dương đẩy lùi Dương; Âm quấn quít Dương và Dương hấp dẫn Âm. Nhưng theo Dịch lý thì ta đừng nên có thành kiến có một sự gì, một vật gì tuyệt đối Âm hay tuyệt đối Dương trong cõi đời này. Những gì có nhiều Dương tính hơn Âm tính thì gọi là Dương và trong trường hợp những gì có nhiều Âm tính hơn Dương tính thì gọi là Âm. Thí dụ củ sắn dây có nhiều Dương tính hơn củ khoai mỳ tức là Dương đối củ khoai mỳ nhưng lại ít Dương tính thua củ sâm, có nghĩa là Âm đối với củ sâm.
Theo Đông y cổ truyền, cơ thể con người được xem như là do các thực phẩm biến cải ra và bệnh tật là những hiện tượng mất quân bình xảy ra trong khi biến cải ấy. Con người là kết quả của những gì mình đã ăn thì bệnh tật theo nguyên tắc đều phải được chữa lành bằng cách điều chỉnh lại các món ăn hàng ngày. Chọn một số đồ ăn nhiều Dương tính cho một người ăn trong một thời gian ta có thể thay đổi trạng thái Âm của người ấy và biến người ấy thành một người có nhiều Dương tính. Thông thường người ta mắc bệnh tật là vì quá lạm dụng các thức ăn Âm làm chênh lệch cán cân quân bình Âm Dương của cơ thể, vì vậy Giáo sư OHSAWA thường khuyên chúng ta nên chọn các thức ăn nhiều Dương tính.
Những đặc tính của Âm là: mềm, lạnh, nhẹ, tối, tĩnh, có khuynh hướng ly tâm, bành trướng, đi lên, chứa nhiều nước, sinh tố C, những chất hoá học như potassium (K), ôxy, a-zôt, lưu huỳnh, silic, phốt pho, cal-ci, aluminium, v.v… có màu xanh, chàm, tím có vị chua hay ngọt. Do những đặc tính trên, thực vật tương đối Âm đối với động vật Dương.
Trái lại những đặc tính của Dương là: cứng, nóng, nặng, sáng, đông, có khuynh hướng hướng tâm, thu súc, hạ xuống, chứa ít nước, sinh tố D, K, những chất hoá học như sodium (Na), hydro, cacbon, magnesium, thạch tín, v.v… có màu đỏ, da cam, vàng, lục, có vị mặn hay đắng. So sánh căn cứ theo các đặc tính trên, động vật tương đối Dương so với thực vật Âm.
Trên phương diện sinh lý và tâm lý kể như Âm những người khí chất lãnh đạm, sợ rét, da mát và hơi ướt, sắc mặt xanh, màu da trắng, tóc dịu, lông ít, hay rụng tóc, thịt mềm, hầu lộ, huyết mạch yếu, dương sự kém, chóng mệt trong sự giao hoan, hay bị di tinh, phổi yếu, giọng nói nhỏ, hay trịt mũi, tì vị kém, hay bị đi tả, đầy bụng, không tiêu. Tính tình hay gắt gỏng, do dự, kém trí nhớ, nhát gan, bất mãn, liến thoắng, kém nghị lực, mất quân bình về tinh thần.
Trái lại được xem như dương là những người khí chất huyết tánh, thân thể vạm vỡ, không sợ rét, da nóng, sắc diện tươi tắn, màu da sậm, tóc rậm và đen, phổi tốt, hơi thở mạnh, giọng nói to, tráng dương, ham chuyện sắc dục, tiểu tiện lợi, đại tiện táo, tì vị tốt ăn gì cũng tiêu nhưng không hợp các thức ăn táo – nhiệt, tân tán, kích thích. Tính tình thì hoạt động, cương nghị, can đảm, quả quyết, khoan dung, ưa xã giao, trí nhớ tốt, vui vẻ, quảng đại, sáng suốt, thần kinh và tinh thần vững chãi, nhưng trong trường hợp quá khích lại rất nóng giận.
Sở dĩ con người này thuộc Âm, người kia thuộc Dương là do hai yếu tố chính: phần tiên thiên do di truyền bẩm thụ của ông bà, cha mẹ và phần hậu thiên do các ăn uống của bà mẹ trong thời thai nghén cùng cách bú mớm hàng ngày của họ. Cho nên muốn được khoẻ mạnh, muốn được chữa lành một căn bệnh nào ta chỉ cần ăn những thực phẩm đem lại cho cơ thể sự quân bình Âm Dương thích ứng.
Theo sự khảo cứu của giáo sư OHSAWA thì quân bình Âm Dương của cơ thể một người khoẻ mạnh phải ở trong tỉ lệ Âm Dương bằng 5. Dường như tính chất của thực phẩm có thể định rõ đại khái tuỳ theo lượng potassium so với lượng sodium mà nó chứa. Những thực phẩm thích hợp nhất để giữ cái tỷ lệ ấy phải là trong sự tương ứng K/Na = 5.
Căn cứ trên dịch lý, sinh lý và sinh vật học, Giáo sư OHSAWA khám phá rằng con người là một giống ăn cốc loại (cérealien) chứ không phải là loài ăn thịt mà cũng không phải là loài ăn rau trái nên thực phẩm lý tưởng của con người gồm đại để 80% cốc loại và 20% các rau trái khác xào với muối biển và một ít dầu thảo mộc; cốc loại và rau cỏ không nên trồng bằng phân hoá học và rảy thuốc sát trùng. Cốc loại phải hoàn toàn lứt, nghĩa là chỉ xay bỏ vỏ cứng mà thôi, còn phần trong của hạt lứt phải được giữ nguyên không được giã bớt cám của nó đi.
Đứng về phương diện hoá học, gạo máy thiếu sinh tố B1 thiên nhiên (đa số nằm trong cám và riêng phần phụ của mộng lúa gọi là scutellum đã chiếm hết 2/3 chất thiamine) nên một khi được tiêu hoá cơ thể không thể đốt sạch chất glucit thành C02 + H20 cho nên thứ sót lại là những chất độc gây ra những bệnh ngẫu phát về thần kinh có thể thí nghiệm một cách dễ dàng ở loài động vật, đặc biệt là nơi giống bồ câu (bệnh đa thần kinh viêm). Các bệnh ngẫu phát kia dĩ nhiên sinh ra do ở thực phẩm bản chất thiền nhiên nó vốn vô hại.
Ăn chú trọng nhất là nhai thật kỹ để tiêu hoá một phần lớn cốc loại ngay từ mồm nhờ điều tố ptyaline ở trong nước bọt.
Thức ăn tạo ra cơ thể và cơ thể con người cũng như mọi sinh vật là một cơ cấu biến dịch không ngừng. Từng phút, từng giây, từng sat-na, hằng hà sa số tế bào này diệt đi và những tế bào khác sinh ra thay thế. Tuy sinh diệt, diệt sinh như vậy mà liệu ai nghĩ rằng mình không bao giờ tắm được hai lần cùng một thứ nước trên dòng sông trôi lờ lững.
Ngày nay khoa học áp dụng các chất đồng vị trong địa hạt sinh vật học đã có thể chứng minh rằng các chất prôtêin trong cơ thể chúng ta được hoàn toàn thay thế chỉ trong vòng chừng 1 tháng, còn máu huyết thì được đổi mới hoàn toàn trong vài mươi hôm.
Bác sĩ Alexis Carrel tả sự thay đổi bất tuyệt đó của cơ thể chúng ta bằng một hình ảnh ý nhị: “Con người là một thác nước Niagara, bề ngoài nó có vẻ lúc nào cũng như lúc nào nhưng thật ra thì nước cứ chảy đi và đổi mới mãi không ngừng với một tốc độ kinh hồn: Hơn 1.000.000 lít máu chảy ngang các tế bào của chúng ta mỗi năm. Và bao nhiêu triệu lít dưỡng khí… Chúng ta ăn uống khoảng 60kg đồ ăn và thức uống mỗi tháng. Như vậy là chúng ta tổ hợp cơ thể mình 12 lần trong 1 năm. Thật đúng là một sự hoá thân lại. Một sự biến hoá trong cơ thể như vậy gọi là đại tạ (métabolisme) được chia làm 2 loại tóm tắt như sau: “Cơ thể ta cần thức ăn và khí trời để sống nhưng phải đồng hoá các chất ấy bằng cách tổng hợp thành những sinh chất phù hợp với cơ thể mình. Trạng thái đó gọi là sự diễn biến (anabolisme). Cơ thể muốn bảo tồn cần phải có năng lượng và muốn làm công việc thay thế các tế bào già chết cũng phải cần có năng lượng. Muốn có số năng lượng cần thiết trên, cơ thể phải phá hoại một số sinh chất bằng cách ôxy hoá chúng. Những sinh chất đồng hoá bị cưa xẻ thành những phần tử nhỏ hơn và cuối cùng thành C02 và H20. Trạng thái dưỡng dụng này gọi là thoái biến (catabolisme).
Các phản ứng trên được xúc tác nhờ các điều tố (enzyme) trong bộ tiêu hoá và trong toàn cơ thể chúng ta.
Nhìn thấy sự biến hoá trên, ta hiểu được bí quyết vì đâu ăn uống bậy bạ thì đau ốm, mau già, sắc đẹp chóng tàn phai và ăn uống theo thuật trường sinh của giáo sư OHSAWA lại chữa lành được tật bệnh, làm cho trẻ trung và sống lâu.
Âm Dương là cội gốc của cây sinh mạng, khí huyết ví như cành lá, mà như ai ai cũng thấy rằng thức ăn làm ra khí huyết, vậy biết lựa chọn thức ăn đúng quân bình Âm Dương cho cơ thể tức là biết cải tạo phẩm chất của khí huyết mình tức là biết vun tưới gốc rễ cho Âm Dương sung túc và quân bình thì cành lá tự nhiên tốt đẹp xinh tươi vậy.
Phê bình phép ăn uống theo nguyên lý Âm – Dương của giáo sư OHSAWA, bác sĩ Parodi đã viết: “Chính nhờ Giáo sư OHSAWA nên tôi nắm được những cương yếu mà tôi tin rằng xác thật nhất về bệnh tật, sức khoẻ, dinh dưỡng và tôi vẫn mãi nhớ ơn ông về những cương yếu ấy”.
Tôi không bao giờ nghe một trong những buổi nói chuyện của ông mà không rút ra được vài nguyên tắc hoặc giáo lý đối với tôi có vẻ đặc sắc.
Những chiêm nghiệm trên bản thân và nơi các người bệnh đã thuyết phục tôi về sự lợi ích lớn lao của phép tiết thực trường sinh và những nguyên lý xây đắp nền tảng cho phép tiết thực trường sinh ấy”.
1. TÓM LƯỢC CÁCH ĂN THEO NGUYÊN LÝ ÂM DƯƠNG CỦA GIÁO
SƯ OHSAWA
Đại để thức ăn gồm từ 70% đến 90% cốc loại lứt và từ 30% đến 10% rau củ.
Cốc loại
Gạo, nếp, bo bo, kê, hắc mạch, dùng thứ nào cũng được nhưng gạo lứt là thực phẩm quí hơn cả vì tỷ lệ K/Na của nó là 4/5 gần như tuyệt hảo đối với con người. Nấu cơm gạo lứt thì phải đổ nhiều nước hơn khi ta nấu cơm gạo máy; lúc cơm cạn cũng để trên bếp than lâu hơn cho cơm đủ chín vì gạo lứt cứng hơn nên lâu chín hơn. Khi cơm sôi, đổ thêm 1 muỗng cà phê muối biển sống để khi nhai nước bọt ra nhiều hơn. Không nhai cơm được có thể nấu cháo mà ăn cũng rất tốt. Gạo đỏ nhiều dương tính hơn gạo trắng.
Rau đậu
1. Khô: mỗi ngày có thể ăn thêm một nắm đậu đỏ, đậu đen hay hạt sen (ăn cả vỏ cứng) nấu chín. Có thể nấu chung với cơm.
Không nên ăn bất cứ một thứ đậu nào khác.
2. Các thứ rau củ khác: những thứ nên dùng là cà rốt, củ cải, củ sen, bí đỏ, hành, tỏi tây, hoa lơ, lá bồ công anh, rau cúc, rau diếp mỡ, rau diếp quắn, rau cải soong, rau khoai lang, mướp đắng.
Tuyệt đối kiêng dùng: cà chua, cà quả, cà dái dê, khoai tây, măng tre, giá, dưa chuột.
Không nên dùng: Đậu đũa, đậu ván, măng tây mướp ngọt, ac-ti-sô, dưa gang, củ đậu, giá, nấm, củ cải đường, ớt trái, tiêu…
3. Các thức ăn huyết nhục: Cá, thịt, tôm, cua, mực, sò, hến, v.v… chỉ nên ăn ít, còn trong lúc chữa bệnh thì không nên ăn.
4. Sữa và các phó sản: bơ, tô mát, sữa chua, có thể dùng chút ít khi lành; sữa dê nhiều Dương tính là tốt hơn cả. Còn khi đau thì không nên dùng.
5. Trái cây: Lành mạnh thì có thể ăn chút ít những loại trái cây như pomme, táo, dâu tây, trái trứng gà, lựu, na. Đang có bệnh thì không được ăn.
6. Đường: Lành mạnh thì thỉnh thoảng ăn chút đường đen chế tạo theo phương pháp cổ truyền như đường đen ở Quảng Ngãi.
7. Gia vị: các loại tiêu, ớt, dấm, gừng, cà ri, quế, bột ngọt (mì chính), tàu vị yếu đều không nên dùng.
Nên dùng nước tương lâu năm, tương đặc, chao kho, chút ít tỏi, ngò. Gia vị chính có thể nói rằng đó là muối biển.
8. Dầu: Không được dùng bơ cây, margarin. Nên dùng dầu mè (vừng), dầu lạc nguyên chất. Không được lọc bằng các chất hoá học. Đừng ăn dầu sống chưa khử.
Thức uống
Uống ít chừng nào tốt chừng ấy, uống nóng và không bỏ đường. Không bao giờ nên vừa ăn vừa uống, tránh đừng uống các loại nước trái cây, rượu nho, rượu đế, nước đá lạnh…
Nên uống nước chè già (chè bancha), nước lá vối, nước gạo rang, nước đậu đỏ hoặc đậu đen rang, nước các thứ lá diếp quắn, lá sen, lá cúc, lá bồ công anh, lá ngải cứu phơi khô.
Ta nên uống ít để mỗi ngày 24 giờ chỉ đi tiểu độ 2 hoặc 3 lần. Nếu nhai kỹ trong lúc ăn thì tự nhiên ta thấy ít khát nước trong ngày nhờ số lượng nước bọt đã chứa một số nước khá nhiều rồi, uống vừa phải thì không bao giờ thân thể và tay chân rịn mồ hôi.
Trong 5-7 hôm đầu người ta thấy khó chịu vì uống ít nước nhưng nên cố nhẫn nại dần dần quen đi và người ta không còn thấy thèm nước nữa. Nhờ uống ít và ăn đủ lượng muối, sức khoẻ trở nên dẻo dai và người ta không bao giờ bị trúng nắng lúc làm ngoài trời.
2. NHỮNG PHẢN ỨNG CÓ THỂ XẢY RA LÚC MỚI BẮT ĐẦU ÁP DỤNG
PHƯƠNG PHÁP OHSAWA
Trong lúc mới đầu áp dụng phương pháp OHSAWA thỉnh thoảng cũng có người gặp những phản ứng của cơ thể. Đa số những người bị phản ứng mạnh trong lúc ăn uống theo nguyên lý Âm Dương đều là những người thường ngày cơ thể bị đầu độc do các thứ kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, thuốc phiện, cocaine, các chất hoá học hoặc các gia vị và nhiều đường, thịt mỡ, v.v… Vì sự thiếu thốn đột ngột các chất kích thích hàng ngày, người ăn uống theo phương pháp OHSAWA cũng bị những biến chứng gần giống như lúc người ta mới nhịn ăn. Phản ứng những ngày đầu càng mạnh thì kết quả tốt đẹp càng sớm thu hoạch, bệnh càng chóng lành. Cứ kiên nhẫn tiếp tục ăn uống rồi các phản ứng giảm dần cho đến khi biến mất hẳn cùng với bệnh tật của mình.
Nếu đã nhịn ăn để lập lại quân bình Âm Dương cho cơ thể rồi sau đó ăn uống theo nguyên lý Âm Dương thì tuyệt đối không bao giờ xảy ra các phản ứng trong lúc ăn uống như những trường hợp nói trên.
3. BẢY CÁCH ĂN UỐNG THEO TỶ LỆ QUÂN BÌNH ÂM/DƯƠNG = 5/1 CỦA
PHƯƠNG PHÁP OHSAWA
Giáo sư OHSAWA đã thành lập phép ăn uống trường sinh của ông trên nền tảng dịch lý Âm Dương trên khoa sinh vật học, sinh lý học, sinh hoá học. Ông đã nghiên cứu phần tinh tuý của Y học Trung Hoa, đối chiếu với Y học Nhật Bản, Ấn Độ và Tây y, khảo cứu đến phép dinh dưỡng của các dân tộc ở khắp Âu, Á, Mỹ, Phi, rút kinh nghiệm trong hơn 40 năm chữa bệnh khắp thế giới để lập ra 7 cách ăn uống có thể đem lại sức khoẻ và hạnh phúc cho đời sống của con người nếu người ta biết cách sử dụng thức ăn cho đúng với luật Âm Dương của nền triết lý Đông phương. Đó là một nền triết lý về vũ trụ định luật học, sinh vật học và sinh lý học. Nhưng dù không rành về lý thuyết, bạn cũng có thể chọn 1 trong 7 cách ăn uống sau đây và theo đúng lời chỉ dẫn về thuật trường sinh để đem lại sức khoẻ và hạnh phúc cho mình.
Từ cách ăn số 4 đến cách ăn số 7 là cách ăn của người ăn cốc loại (céréalien).
Nếu như bạn thay thế thịt cá bằng rau trái (số 2 đến số 1) bạn sẽ thành người ăn thảo mộc (végétarien).
Nếu như không thấy sức khoẻ tăng lên như ý muốn thì bạn hãy thử ăn cách cao hơn. Cách ăn số 7 là cách ăn dễ nhất và khôn ngoan nhất. Trước hết hãy thử ăn theo cách giản dị nhất trong 10 hôm và theo đúng những lời chỉ dẫn sau đây:
1. Không được ăn uống các thứ gì do kỹ nghệ sản xuất như: đường, nước ngọt, đồ ăn nhuộm hoá học, nước đá lạnh, trứng không có trống, những thức ăn uống đóng hộp hoặc đóng chai.
2. Sức khỏe tăng dần với sự am hiểu luật Âm Dương, bạn có thể ăn theo những cách dưới một cách thận trọng nếu như bạn muốn ăn hoặc ăn ẩu thử cho biết tuỳ ý.
Tuy thế bạn có thể tiếp tục ăn trong thời gian lâu chừng nào thì ăn mà không có hại gì cả từ cách số 3 trở lên đến cách số 7. Nếu bạn không thấy khá hơn thì bạn thử ăn theo cách số 7 trong một hoặc hai tuần, hoặc hàng tháng, hàng năm càng tốt.
3. Đừng ăn rau trái trồng bằng phân hoá học hoặc rẩy sát trùng.
4. Đừng ăn những thức ăn ở các nơi xa đưa lại nhất là đồ hộp. Cốc loại và rau cỏ tốt hơn hết chỉ nên ăn thứ trồng trọt ở địa phương, không cách xa chỗ mình ở quá 50km (theo nguyên tắc “thân thổ bất nhị”, có nghĩa là “người và đất rau cỏ không lìa nhau”).
5. Đừng ăn rau cỏ trái mùa.
6. Tuyệt đối tránh những thức ăn cực Âm như khoai tây, khoai lang, măng tre, cà chua, cà dê, cà quả. Phương ngôn ta có câu: “Một miếng cà là ba chén thuốc”.
7. Đừng ăn các chất gia vị hoá học, chỉ nên ăn muối biển thiên nhiên.
8. Cấm uống cà phê, rượu, hút thuốc, nói chung là cấm dùng các loại có độc chất kích thích, hưng phấn. Không nên uống các thứ trà có nhuộm màu hoá học dễ gây ra bệnh ung thư. Chỉ nên uống chè già thiên nhiên không pha chế.
9. Hầu hết các thức ăn động vật (gồm cả bơ, phomat, sữa) như gà, heo, bò (ở Âu Mỹ) đều được sản xuất và nuôi dưỡng bằng các chất hoá học. Nhưng phần nhiều chim chóc giữa trời, cá tươi và sò, hến thì khỏi cái nạn nhiễm các chất hoá học.
10. Tuyệt đối đình chỉ việc dùng mọi thứ thuốc men hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khác ngoài các bữa ăn trong thời gian ăn uống để chữa bệnh theo phương pháp OHSAWA.
11. Phải nhai thật kỹ, nhai cho đến lúc nào có cảm tưởng cơm đã biến thành sữa là được. Muốn mau lành bệnh chừng nào phải nhai nhiều chừng ấy. Mỗi búng cơm phải nhai ít là 100 lần. Thánh Gandhi thường dặn các môn đồ: “Các con phải nhai các thức uống và uống các thức ăn”.
12. Uống nước ít lại để mỗi ngày chỉ đi tiểu 2 lần (đàn ông) hoặc 3 lần (đàn bà) là vừa.
Hồi trung tuần tháng 5-1965, trong dịp đến Huế giảng dạy Dịch lý Âm Dương trong phép ăn uống, giáo sư OHSAWA có vạch một thực đơn hàng ngày thích nghi cho sức khoẻ dân chúng Việt Nam xứ nóng của chúng ta như sau:
Cơm 60%
Rau cỏ 30%
Trái cây 10%
Để sớm thu hoạch những kết quả mỹ mãn trong lúc ban đầu mới áp dụng phương pháp ăn uống theo nguyên lý Âm Dương của Giáo sư OHSAWA, chúng ta nên lưu ý chiêm nghiệm những nhận xét tỉ mỉ và những kinh nghiệm của bác sĩ Pierre Parodi đã đăng trong Nguyệt san “Joie de vivre” số 22 tháng 12 năm 1960 về cách ăn uống theo phương pháp OHSAWA như sau:
I. NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG PHÉP ĂN UỐNG THEO PHƯƠNG PHÁP OHSAWA
– Nấu nhiều quá, nên nhớ mỗi người chỉ dùng nhiều nhất là 2 muỗng xúp dầu thôi.
– Ăn nhiều quá mà không nhai kỹ nên càng khát nước.
– Ăn nhiều rau sống quá: chỉ ăn độ 2 muỗng xúp mỗi bữa ăn, nên xem đó như đồ gia vị. Luôn luôn giữ tỷ lệ 70%-90% cốc loại nguyên chất.
– Nấu đồ ăn cho vào nhiều nước quá. Thường thường cốc loại phải nấu cho hơi khô (nhưng thật chín) để nhai cho ngon miệng.
– Vì có vài thứ rau sống được phép ăn, người ta ăn nhiều quá. Ví dụ: ăn luôn một đĩa to xà lách cresson hay bồ công anh mà đáng lẽ ra thì vài ba lá là đủ.
– Vì muốn chóng lành bệnh, ban đầu người ta cố rán nhịn uống nước quá đáng, sau đó thình lình phá giới bằng cách uống hàng lít nước và ăn từng cân trái cây, rất nguy hiểm (dễ bị phù thũng như chơi).
– Người ta lành bệnh mau không phải vì cố rán quá độ mà thời gian là cần thiết:
… hai tháng rất nghiêm nhặt,… hai năm chú ý thận trọng và đừng ra ngoài lề lối quá… nhưng chỉ sau 10 năm người ta mới có thể muốn làm gì thì làm…
Đối với người già và trẻ con, sự giảm nước phải nới hơn. Họ có thể ăn thêm một ít trái cây, mật ong và thức ăn làm bằng sữa và dùng ít muối hơn. Khi nào cần tăng thêm lượng muối thì phải ăn dưới hình thức trộn lẫn vừng (mè) với muối, và sau đây là cách làm:
– Mua vừng (mè) nguyên vỏ, bỏ vào trách, đun lửa liu riu khuấy cho đều tay, rang vừa chín thì thôi.
– Mặt khác rang muối biển cho mất nước đi rồi giã thật nhỏ.
– Trộn lẫn nhau, bốn phần vừng, một phần muối bột.
– Bỏ vừng vào cối, giã cùng với muối.
– Bỏ vào lọ đậy thật kín.
Người ta ăn lẫn với ít đồ ăn trong bữa cơm từ 1 đến 10 muỗng cà phê một ngày (3 muỗng cà phê mỗi ngày là vừa).
II. VÀI SỰ BẮT BẺ THÔNG THƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÉP ĂN UỐNG NÀY
1. Thiếu chất prôtêin súc vật: những chất prôtêin thảo mộc cũng đầy đủ các acitminê của cốc loại và rau đậu (đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh) đủ để bổ túc.
Vài thứ thảo mộc có một giá trị để bổ khuyết, các cốc loại còn tốt hơn thịt và sữa, thí dụ như khô dầu mè và hướng quỳ (công trình khảo cứu của bà Rondoin) chỉ có prôtein của trứng là hơn nó thôi.
Những thức ăn bổ khuyết cốc loại là những thức ăn đem lại cho cơ thể những chất mà cốc loại không có.
2. Thiếu sinh tố C: những khảo cứu mới đây của Nhật và Anh đã chứng minh rằng trong cám cốc loại có chất “nguyên sinh tố C”, có thể chịu nóng trên 150o và từ chất đó cơ thể có thể hoá hợp thành sinh tố C.
Lại nữa, mỗi bữa ăn hàng ngày có chút ít rau mùi hoặc rau diếp, chẳng những nhiều sinh tố C hơn cam và cà chua, v.v… mà còn được nhiều sinh tố A nữa.
Những sinh tố D thì ở trong mộng lúa nguyên chất, dầu olive, dầu lạc.
Chú ý: Đừng ăn thêm mộng lúa mì nữa, đã đầy đủ trong cốc loại nguyên chất rồi.
Sau hết là sinh tố trong nhóm F do các acit béo không bão hoà của dầu thảo mộc. Các acit béo đó cũng đặc biệt giúp sự biến hoá chất Cholesterol trong cơ thể. Những thứ dầu đáng tin cậy về phương diện đó là dầu mè, dầu olive, dầu hướng quỳ, dầu lạc. Trong phạm vi này dùng mỡ súc vật hoặc macgarin thì có hại – khảo cứu của bà Rondoin công bố năm 1957 trong “Kỷ yếu của Viện Vệ sinh thực phẩm”.
3. Sự uống ít làm nhọc thận: Thật ra thì trái lại. Chúng ta thử nhắc nhở lại những kết quả tuyệt diệu của phép nhịn ăn khô của Volhard trong bệnh thận viêm cấp khuếch tán (người Đức đi đến mức 7 và 10 ngày phép ăn thật khô).
Lại nữa, thận có một khả năng bài tiết chất NaCl (muối ăn) trên khả năng mà người ta thường tưởng (khảo cứu của những người Đức ở Buckenwali do bác sĩ Bayle tường trình trong “Croix gammé contre Caducée”. Volhard đã được chỉ định làm vị giám định ở toà án Nuremberg và tường trình kết quả của những công trình khảo cứu đó).
Nhiều người có thể bài tiết 30gr và nhiều hơn nữa chất NaCl trong 1 lít nước tiểu.
Nay với thực phẩm cốc loại cho dù có ăn một ngày 4-5 thìa muối vừng đi nữa thì cũng chưa quá 10gr đến 15gr NaCl là một việc rất thường.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.