Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Phần IV. LUÔN DẪN ĐẦU CUỘC CHƠI – Chương 13: Phát triển hoặc chấp nhận chết mòn



Có một quy luật chung trong tự nhiên, đó là vạn vật nếu muốn tồn tại phải liên tục thay đổi và tiến hóa. Chỉ cần ngừng lại là xem như nó bắt đầu sa sút và chết dần chết mòn.

Trong rừng nhiệt đới, để có thể sống sót, cây cối phải không ngừng vươn cao hơn nữa để đón ánh mặt trời. Cây non nào không cạnh tranh nổi với những cây lớn nhanh hơn mọc ở chung quanh sẽ bị che mất ánh sáng và chẳng chóng thì chầy cũng héo tàn.

Trái Đất liên tục chuyển mình và tiến triển qua hàng triệu triệu năm. Để sinh tồn, cây cối cũng như các loài động vật phải thích nghi với khí hậu và điều kiện môi trường biến đổi mỗi ngày. Như Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa đã khẳng định, “giống loài nào tồn tại được không hẳn mạnh nhất hay thông minh nhất, mà do nó dễ thích nghi nhất với các biến đổi để tiếp tục sinh tồn.”

Không ngừng thay đổi hoặc bị tiêu diệt

Quy luật này cũng áp dụng trong thế giới kinh doanh, tài chính, chính trị và các mối quan hệ ngày nay. Nó còn đúng ở quy mô quốc gia, doanh nghiệp và mức độ cá nhân, như bạn và tôi. Bất kỳ thứ gì giữ nguyên hiện trạng quá lâu, thì sẽ không bền vững lâu dài.

Trước khi bước sang thập kỷ 70, Thụy Sĩ là nước dẫn đầu thị trường thế giới trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ đeo tay. Lượng sản phẩm nước này sản xuất và bán ra chiếm 50% tổng số đồng hồ đeo tay trên toàn thế giới. Ngày nay, thị phần của Thụy Sĩ giảm xuống chưa đến 3%. Chuyện gì đã xảy ra? Chính việc phát minh ra những chiếc đồng hồ kỹ thuật số (đồng hồ thạch anh) đã nghiền nát phần lớn ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ cơ của Thụy Sĩ.

Trớ trêu thay, chính một kỹ sư người Thụy Sĩ lại là cha đẻ của chiếc đồng hồ kỹ thuật số (digital). Chàng kỹ sư này đã trình bày ý tưởng của mình cho doanh nghiệp anh đang làm việc, giải thích cặn kẽ rằng anh đã phát minh ra chiếc đồng hồ mang tính cách mạng thể hiện thời gian dưới dạng số và không cần lên dây cót. Tuy nhiên, cấp trên đã chế giễu ý tưởng của anh và nói, “chẳng ma nào bỏ tiền ra mua chiếc đồng hồ không có kim chỉ giờ. Đúng là ngớ ngẩn!” Những người Thụy Sĩ này đã chắc mẩm sẽ không ai quan tâm đến chiếc đồng hồ như vậy, thế nên họ vứt ý tưởng đó qua một bên, thậm chí còn chẳng buồn đăng ký bằng sáng chế.

Vài năm sau đó, người Nhật (hãng Seiko) và người Mỹ (tập đoàn Texas Instruments) phát hiện ra phát minh chưa được đăng ký bằng sáng chế này, thế là họ sao chép ý tưởng và quyết định sản xuất hàng loạt. Chiếc đồng hồ digital trở thành sản phẩm chấn động toàn cầu. Kết quả là doanh thu từ việc kinh doanh đồng hồ đeo tay ở Nhật và Mỹ tăng cao trong khi ngành công nghiệp đồng hồ ở Thụy Sĩ thất thu hàng triệu đô cùng rất nhiều người mất việc. Bài học ở đây quá rõ ràng. Nếu cứ vin vào những niềm tin hạn hẹp rằng mọi việc phải được thực hiện theo một hướng duy nhất thì dần dần ta sẽ trở nên ngoan cố, tự mãn và chống lại sự thay đổi, chẳng mấy chốc ta sẽ thấy mình trắng tay.

Nay bá chủ, mai thất thủ

Trên thương trường thế giới ngày nay, thị trường, đối thủ cạnh tranh và cả công nghệ thay đổi đến mức chóng mặt. Một công ty hôm nay đang làm mưa làm gió chỉ vài năm nữa thôi có thể bị lãng quên. Để không bị soán ngôi, các doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi, cải tiến với vận tốc ánh sáng.

“Nếu doanh nghiệp không thay đổi kịp với môi trường bên ngoài, xem như là họ chết chắc.”
Jack Welch, CEO huyền thoại của tập đoàn General Electric
Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng khắp hành tinh cũng không ngoại lệ. Nhắc đến Motorola, người ta từng nghĩ ngay đến điện thoại di động. Thật vậy, Motorala là hãng phát minh ra điện thoại di động vào khoảng những năm cuối thập kỷ 80, thống lĩnh thị trường điện thoại di động với hơn 80% thị phần. Nhưng ngày nay (theo số liệu thống kê năm 2011), thị phần ấy tụt xuống dưới mức 9,5% và hậu quả là họ thất thu hàng trăm triệu đô mỗi năm.

Một lần nữa, Motorola chết vì cứ bám víu vào những thứ đã lỗi thời. Ban đầu, điện thoại di động sử dụng công nghệ analog – công nghệ mà Mo- torola chiếm ưu thế vượt trội. Vài năm sau, vào những năm 90, công nghệ digital bắt đầu xuất hiện. Công nghệ mới này không chỉ cho phép người dùng đàm thoại mà còn xem và gửi tin nhắn, hình ảnh, nhạc, video bằng điện thoại di động.

Motorola phạm phải một sai lầm chết người khi “trung thành” với công nghệ analog và không chuyển đổi sang công nghệ digital. Sai lầm này đã giúp Nokia nhảy vào thị trường béo bở và kinh doanh nhãn hiệu điện thoại di động mới có thể chụp hình, nghe nhạc và gửi tin nhắn. Đến khi Motorola thức tỉnh và quyết định đi theo công nghệ digital thì đã quá muộn. Điện thoại của Nokia lúc này bán đắt như tôm tươi và họ đẩy Motorola ra khỏi ngôi vị dẫn đầu bằng 35% thị phần vào năm 2000. Trong khi Nokia lên như diều gặp gió thì Motorola ngày một lụi tàn.

Rồi đến lượt Nokia ngủ quên trên chiến thắng. Kể từ năm 2003, thị phần của Nokia giảm từ 35% xuống còn 25% (năm 2011). Lý do? Người tiêu dùng trên thế giới chuyển sang các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Research In Motion (Blackberry), Microsoft, LG, Samsung, và mới đây nhất là điện thoại iPhone của hãng Apple.

Trong lúc Nokia vẫn tiếp tục cho ra lò hàng trăm điện thoại di động digital thì các doanh nghiệp như Apple bắt đầu giới thiệu một thế hệ điện thoại thông minh mới kết hợp giữa điện thoại, máy nghe nhạc, máy vi tính, máy chụp hình kèm vô số ứng dụng có thể tải trực tuyến.

Người dùng không còn hứng thú với những chiếc điện thoại đơn thuần nữa. Cái họ muốn chính là một thiết bị liên lạc – một món “đồ chơi” thông minh mà người ta cần gì nó cũng đáp ứng. Lần này khi Nokia “rục rịch” thay đổi thì rất nhiều thị phần của hãng đã rơi vào tay Research in Motion, Apple và Samsung. Khi tôi viết quyển sách này là lúc Apple vừa tung ra ứng dụng iCloud– một công nghệ cho phép người dùng lưu trữ và đồng bộ hóa dữ liệu giữa các thiết bị vi tính trực tuyến của họ. Ứng dụng này sẽ khiến máy vi tính để bàn truyền thống và ổ cứng trôi vào dĩ vãng.

Doanh nghiệp bất tiến tất thoái

Cứ mỗi đầu năm, CEO của công ty tôi và tôi ngồi lại với nhau vạch ra chỉ tiêu cho các giám đốc bộ phận để phát triển doanh thu và gia tăng lợi nhuận tối thiểu 20%. Những mục tiêu tăng trưởng này sau đó sẽ được truyền đạt đến từng thành viên trong công ty tại Singapore. Mọi người sẽ có động lực làm việc để vượt chỉ tiêu so với năm trước.

Lần nọ, một nhân viên mới tò mò hỏi tôi, “sao anh cứ nhất mực phải tăng doanh thu và lợi nhuận mỗi năm? Sao anh không bằng lòng với khoản lợi nhuận mà công ty đang đạt được? Chúng ta đã và đang là công ty đào tạo hàng đầu, vậy sao ta không duy trì thành tích ấy là được?”

Nhiều người không hiểu một điều rằng khi đã tạo dựng công ty thì nó phải phát triển liên tục từ năm này sang năm khác. Nếu giậm chân tại chỗ, nó sẽ suy tàn. Doanh nghiệp thành công được là nhờ những con người khao khát thành công và hướng tới thành quả trong công việc. Những người thành công sẽ chỉ gắn bó với doanh nghiệp nào họ nhìn thấy triển vọng thăng tiến và tăng lương qua thời gian.

Cách duy nhất để tôi có thể trả cho nhân viên mức lương cao hơn mỗi năm và mang lại cho họ cơ hội thăng tiến trong công việc là công ty phải ngày càng bành trướng và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Thời điểm doanh nghiệp tôi còn chưa bằng ai và chỉ hoạt động ở Singapore, chúng tôi có duy nhất một giám đốc điều hành và hai người nữa đạt mức thu nhập sáu chữ số bằng đô Singapore. Còn bây giờ khi công ty tôi vươn ra sáu quốc gia với hơn mười công ty con, tôi tuyển thêm được năm giám đốc điều hành và bổ nhiệm nhiều giám đốc bộ phận. Và đương nhiên càng có thêm người đạt mức lương mơ ước. Có thêm lợi nhuận cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao thương hiệu công ty cũng như mở rộng chương trình đào tạo.

Nếu công ty tôi ngừng tăng trưởng, tôi không thể tăng lương cho nhân viên và họ cũng chẳng có cơ hội nào để thăng tiến. Rồi chẳng bao lâu, tất cả những người có năng lực sẽ đi tìm miền đất hứa khác. Khi nhân tài ra đi, doanh nghiệp của bạn cầm chắc cái chết. Thế nên chuyện doanh nghiệp “trước sau như cũ” là điều không thể. Hoặc bạn phải trèo lên đỉnh, hoặc bạn sẽ rơi xuống đáy. Bạn không thể đứng yên.

Thậm chí số tiền mà bạn đang có cũng không duy trì mãi một trạng thái. Nếu bạn có 10.000 đô và bỏ ống heo thì giá trị của nó vẫn thay đổi. Mười năm sau, 10.000 đô đó chỉ còn đáng giá 6.000 đô do lạm phát. Tiền không được đầu tư để sinh lợi thì tự nó sẽ giảm giá trị theo thời gian. Không gì có thể giữ nguyên giá trị nếu ở mãi một chỗ.

Muốn nắm giữ và giữ vững vị trí dẫn đầu, bạn phải liên tục thay đổi và phát triển
Bạn muốn trở thành người đi đầu trong lĩnh vực của mình và giữ vững thành công qua thời gian? Vậy bạn cũng phải liên tục thay đổi và bắt nhịp với cái mới.

Có hai dạng người: nhà lãnh đạo và người thừa hành. Người thừa hành thích giữ nguyên hiện trạng. Một khi tìm ra cách giải quyết vấn đề, họ chỉ dùng cách duy nhất đó mà thôi. Họ thích những gì có thể dự đoán được và ghét thử nghiệm các ý tưởng mới mẻ. Họ tin rằng “cái gì chưa hư thì không việc gì phải thay”. Họ không thích thay đổi bất cứ điều gì một khi họ cảm thấy mình đã thành công vào thời điểm đó.

Ngược lại, nhà lãnh đạo luôn muốn thách thức hiện trạng. Họ thích học hỏi và thử nghiệm những ý tưởng mới lạ. Họ tin mọi việc đều có cách giải quyết tốt hơn phương pháp hiện tại. Thế nên mỗi ngày họ đều tập trung tìm cách làm hay hơn. Nếu hôm nay họ làm những việc y hệt một năm về trước thì không thể chấp nhận được. Họ biết chắc rằng để giữ vững thành công, họ phải liên tục đổi mới.

Nhà lãnh đạo không ngừng tạo ra những bước cải tiến nho nhỏ để khiến mọi thứ ngày càng tốt đẹp hơn. “Kaizen” (không ngừng đổi mới) chính là quan điểm đã giúp Nhật Bản đi từ chỗ bị chiến tranh tàn phá trở thành một cường quốc kinh tế trong suốt những năm 1960 đến 1980. Người Nhật biết các ý tưởng và chiến lược đã giúp họ có được ngày hôm nay sẽ không thể giúp họ đứng mãi trên bục vinh quang. Ngày mai là một chuyện hoàn toàn khác, do đó họ phải liên tục thay đổi tư duy.

Nếu bạn không tự làm mình lỗi thời, người khác sẽ thay bạn làm điều đó!
Trong lĩnh vực công nghệ và máy tính, các công ty thi nhau tung ra những phiên bản phần mềm và phần cứng được cập nhật mỗi ngày. Sau khi mua iPhone 1, bạn nhận ra iPhone 5 tiện dụng hơn nhiều mà giá cả cũng ngang ngửa. Và cứ mỗi tháng, bạn có thể tải các phiên bản phần mềm cập nhật về máy. Ban đầu là phiên bản 2.0, 2.1, 2.2, 2.3 rồi đến phiên bản 3.0 được ra mắt. Mỗi phiên bản mới xuất hiện sẽ khiến các phiên bản trước nó trở nên lỗi thời.

Các doanh nghiệp không ngừng cải tiến sản phẩm bởi họ biết nếu họ không tự làm cho sản phẩm của mình lỗi thời thì những doanh nghiệp khác sẽ thay họ làm điều đó. Nhiều người không nhận thấy điều này cũng đúng trong cuộc sống cá nhân và công việc.

“Nếu không liên tục tự làm mình lỗi thời, người khác sẽ thay bạn làm điều đó.”

Adam Khoo
Chúng ta cũng vậy. Nếu không ngừng trau dồi kiến thức, tăng cường kỹ năng để tự làm mới mình mỗi năm, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. Nếu bạn khăng khăng giữ phong cách làm việc của thế kỷ 20, bạn sẽ bị doanh nghiệp thay thế bằng những tài năng mới với đầy đủ các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp và không biết liên tục cải tiến doanh nghiệp, chẳng mấy chốc bạn sẽ bị các đối thủ cạnh tranh qua mặt trong quá trình nâng cấp dịch vụ.

Hãy nghĩ xem bạn có phấn đấu để tiến bộ từng ngày không, có cập nhật phiên bản 3.0 không hay vẫn ì ạch với phiên bản 1.0? Bạn có tạo ra thêm giá trị bằng những ý tưởng sáng tạo, kiến thức phong phú và kỹ năng đa dạng không? Bạn khiến sếp cảm thấy muốn tăng lương hay duy trì mức lương hiện tại cho bạn? Bạn có thường xuyên cải thiện dịch vụ để khách hàng trung thành với bạn không?

Nếu có thể mua phần mềm phiên bản 3.0 với số tiền tương đương, dĩ nhiên bạn sẽ không bao giờ quay lại phiên bản 1.0, đúng chứ? Tương tự, công ty của bạn chắc chắn sẽ thích tuyển một nhân viên được trang bị đầy đủ kỹ năng thế kỷ 21 hơn là những ai mắc kẹt ở thế kỷ 20.

Madonna là một ví dụ điển hình về người có thể đứng vững trên đỉnh cao sự nghiệp bằng cách luôn tạo ra những hình ảnh tươi mới cho bản thân. Phần lớn các ngôi sao nhạc pop chỉ làm mưa làm gió trong khoảng trên dưới một thập niên. Vậy mà Madonna, ở tuổi 52 và sau hơn 30 năm kể từ khi cô trở thành biểu tượng của dòng nhạc Pop ở thập niên 80, cô vẫn liên tục làm khán giả sửng sốt và tỏa sáng ở ngôi vị dẫn đầu.

Bí quyết của cô là không ngừng và liên tục đổi mới. Không chỉ khoác chiếc áo mới cho âm nhạc mà cô còn đổi cả diện mạo và cách sống của mình trong suốt nhiều năm. Đúng là “gừng càng già càng cay”!

Vào những năm 80 khi mới nổi, Madonna thường xuất hiện với cái đầu xù và chiếc quần bó sát hợp thời. Và kể từ đó, cứ khoảng độ một thập niên, cô lại điều chỉnh cách ăn mặc theo từng giai đoạn. Madonna cũng không quên làm mới âm nhạc của mình bằng cách thêm vào những ca khúc đậm chất Tây Ban Nha và những bài nhạc vũ trường mới nhất. Thậm chí khi đang tận hưởng thành công rực rỡ, cô vẫn tiếp tục rèn luyện để trở thành diễn viên, vũ công, nhà sản xuất băng đĩa, nhà sản xuất phim, tác giả viết sách và nhà từ thiện.

Thành công từ những thay đổi nhỏ theo thời gian

Bạn có muốn một cuộc sống sung túc hơn người? Nếu có, bạn cần hiểu rằng sự viên mãn không thể một sớm một chiều mà có. Để thành công trọn vẹn, bạn không chỉ cần tạo ra sự khác biệt to lớn mà còn cần đến những bước cải tiến nho nhỏ một cách thường xuyên.

Đã bao giờ bạn tự hỏi bằng cách nào mà người ta có thể đứng nói trước đám đông một cách lôi cuốn, thành công trong đầu tư, các mối quan hệ, mua bán, kinh doanh? Đó luôn là kết quả của nỗ lực không ngừng rèn luyện để khẳng định tài năng trong lĩnh vực chuyên môn. Ở chương trước, bạn đã biết chúng ta cần ít nhất 10.000 giờ luyện tập để trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó.

Tôi tự tin rằng mình là một diễn giả vượt trội có khả năng làm chủ bất kỳ đám đông nào trong suốt hàng giờ liền. Thành quả ấy có được là nhờ quá trình tôi phấn đấu rèn luyện trong 15 năm qua. Trong thời gian đó, tôi đã thực hiện hơn 5.700 buổi nói chuyện. Vài chủ đề trong số đó tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần một năm. Chẳng hạn tôi đã diễn thuyết tổng cộng hơn 155 lần chủ đề “Những Mô Thức Thành Công”.

Dù thường xuyên phải lặp lại một số đề tài, nhưng tôi vẫn tuân thủ quy tắc là những lần nói chuyện sau phải hấp dẫn và hiệu quả hơn lần trước. Tôi luôn tìm cách nói sao cho ngày một thú vị hơn, lôi cuốn hơn và tạo tác động lớn hơn đến khán thính giả. Việc làm này không chỉ giúp tôi cảm thấy không nhàm chán khi cứ phải trình bày mãi một chủ đề mà còn khiến tôi hào hứng trong việc thử nghiệm những phương pháp tiếp cận mới. Chưa hết, nó còn tránh tình trạng đối thủ cạnh tranh sao chép nội dung bài nói chuyện của tôi. Trước khi họ kịp bắt chước những gì tôi làm thì tôi đã cải tiến từ đời nào và rốt cuộc tôi luôn bỏ xa đối thủ. Đây chính là bí quyết giúp tôi tỏa sáng trong vai trò diễn giả chuyên nghiệp.

Vì sao có những người không bao giờ thành công

Khó khăn đối với đa số mọi người nằm ở chỗ họ không hành động kiên định để cải thiện cuộc sống về mặt thể chất, cá nhân, tài chính, sự nghiệp cũng như đời sống xã hội mà chỉ chăm chăm lo nghĩ những gì đang khiến họ bận lòng rối trí, rồi cố giải quyết chúng cho bằng được. Một khi vướng mắc ấy được giải quyết tương đối ổn thỏa, họ chuyển hướng tập trung vào chuyện khác. Chỉ khi vấn đề lại xảy ra thì họ mới xử lý tiếp.

Trong một khóa học “Những Mô Thức Thành Công”, tôi hỏi một học viên rằng anh thấy cần cải thiện điều gì trong cuộc sống. Anh cho hay công việc kinh doanh của mình đang tiến triển tốt đẹp, nhưng mối quan hệ giữa anh và vợ thì vô cùng tồi tệ. Anh nói, “giờ đây tôi phải dốc sức cứu vãn hôn nhân. Tôi đã theo đuổi và quá coi trọng sự nghiệp đến nỗi chẳng ngó ngàng gì đến những mong muốn của vợ”.

Vấn đề là nếu bây giờ anh chỉ tập trung lo giải quyết hôn nhân đang ngấp nghé trên bờ vực thẳm mà đình trệ công việc thì sự nghiệp của anh rồi sẽ rơi vào bế tắc.

Nên nhớ rằng để cân bằng thành quả trong mọi mặt cuộc sống, chúng ta phải gây dựng đều đặn những lĩnh vực quan trọng đối với ta. Mỗi ngày đến văn phòng, ta phải nghĩ cách làm việc sao cho hiệu quả hơn. Mỗi tối bước chân về nhà, ta phải vun đắp các mối quan hệ bền vững và tươi mới. Cuộc sống không thể mỹ mãn nếu ta cứ dồn hết nhiệt tâm và nỗ lực vào một việc nào đó trong vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng… rồi tiếp tục chuyển sang chuyện khác. Mọi thứ cần phải kiên định!

Bốn bí quyết để luôn đổi mới

Sau đây là bốn bí quyết giúp bạn cải thiện bản thân mỗi ngày.

1) Luôn cởi mở
Hãy giữ cho đầu óc cởi mở để sẵn sàng đón nhận những phương pháp mới mẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc của ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ chính là lối tư duy thủ cựu rằng đồng hồ phải có kim chỉ giờ. Lối suy nghĩ hạn hẹp này đã ngăn trở họ theo đuổi những ý tưởng khác lạ.

Không bao giờ cho phép bản thân mình mắc kẹt với niềm tin rằng sự việc chỉ có một hướng giải quyết duy nhất. Tư duy đó chắc chắn sẽ giới hạn năng lực cách tân và thay đổi của bạn. Luôn sẵn sàng đối mặt với những điều không ai ngờ đến.

Tôi từng cho rằng những người trẻ tuổi hơn tôi mới tìm đến đăng ký khóa học và thoải mái tiếp thu những gì tôi truyền đạt. Thế nên có một dạo, cách nghĩ thiển cận đó đã khiến tôi e dè khi dấn thân vào lĩnh vực đào tạo. Cuối cùng khi tôi dẹp bỏ niềm tin giới hạn đó sang một bên, sự nghiệp (và công việc kinh doanh) của tôi tăng trưởng lên gấp 10 lần!

Và bạn cần tránh câu, “tôi biết…” bởi nó sẽ dập tắt mọi ham muốn học hỏi và khám phá những chân trời mới. Chẳng hạn, nếu tôi hỏi bạn có biết gì về “đầu tư” hay không và bạn trả lời, “tôi biết” thì ngay lập tức tâm trí bạn sẽ đóng cửa không chịu nạp thông tin mới nữa. Một khi cho rằng “ly nước” của mình đã đầy thì không ai đổ thêm nước vào ly được. Để giữ cho ngọn lửa đam mê học hỏi cháy mãi, tôi luôn tự nhủ, “đến giờ mình chỉ biết…” Suy nghĩ đó cho phép tôi sẵn sàng tiếp thu mọi thứ mới mẻ diễn ra hàng ngày.
2) Quyết tâm thực hiện những cải tiến kiên trì, vững chắc

Khi đã sẵn sàng đón nhận cái mới, bạn phải liên tục thực hiện những cải tiến vững chắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay.

Cho dù bạn đang làm việc, dành thời gian cho gia đình hay tập thể dục, hãy tự đặt ra hai câu hỏi:

a. “Có phải mình đang làm việc này theo cách y hệt như trước đây?”

b. “Làm thế nào để làm việc này tốt hơn?”

Hai câu hỏi trên sẽ giúp bạn tập trung tâm trí vào việc tìm cách cải tiến mọi thứ, từng chút một. Nó sẽ là động lực thúc đẩy bạn nâng cao chuẩn mực của chính mình.

Để bắt đầu quá trình này, hãy dành ra vài phút viết xuống một phương pháp cụ thể mà bạn có thể áp dụng để cải tiến từng lĩnh vực cuộc sống.

a) Sự nghiệp hoặc công việc kinh doanh:

Bạn làm gì để nâng cao hiệu suất làm việc hay điều hành công ty?

b) Quản lý tài chính cá nhân:

Làm thế nào để bạn cải thiện cách quản lý, chi tiêu hay đầu tư tiền bạc?

c) Sức khỏe:

Bạn làm sao để tăng cường chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và năng lượng cho mình?

d) Mối quan hệ:

Bạn làm gì để cải thiện mối quan hệ với bạn bè và người thân? Làm cách nào để bạn giao tiếp hiệu quả hơn hoặc biết trân trọng họ hơn?

Sau khi hoàn tất, hãy bắt tay vào hành động ngay để gặt hái thành quả. Lặp lại quy trình này mỗi tháng và cải tiến từng bước chút một, cùng với thời gian bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.
3) Thường xuyên nâng cấp bản thân
Để nuôi dưỡng những ý tưởng mới và nguồn cảm hứng, bạn phải thường xuyên trau dồi kiến thức và thông tin mới cho não bộ. Hãy đầu tư ít nhất 5% thu nhập mỗi năm của bạn vào các khoá học, hội thảo chuyên đề và sách phát triển bản thân. Mỗi ngày hãy dành ít nhất 10% thời gian để đọc sách báo hoặc những trang web giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Cá nhân tôi không ngừng tìm đọc những bài viết liên quan đến nghê thuật giao tiếp, lãnh đạo, kinh doanh, quản lý tài chính, nuôi dạy con, các mối quan hệ, v.v… Việc bổ sung những ý tưởng mới giúp tôi dễ dàng tìm ra những phương pháp tốt hơn cho mọi việc. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về điều này ở chương sau.
4) Dám phạm sai lầm

Điều khiến nhiều người ngần ngại không dám thay đổi chính là nỗi sợ thất bại, sợ bước ra khỏi môi trường an toàn trước nay của mình. Bạn không thể để những điều này cản bước chân mình.

Trong quá trình thay đổi, chắc chắn bạn sẽ vấp phải sai lầm. Sẽ có những lúc mọi việc không như bạn mong đợi. Tuy nhiên, những người thành công không xem đó là thất bại, mà đơn thuần là những bài học kinh nghiệm giúp họ từng bước tìm ra cách làm đúng đắn. Hãy nhớ, khi bạn hành động, bạn tự tạo cho mình cơ hội gặt hái thành quả mới. Không hành động nghĩa là không có gì hết. Vì vậy hãy dũng cảm đón nhận rủi ro bởi việc tránh né rủi ro chính là rủi ro lớn nhất.
“Tất cả những gì bạn muốn đều nằm ngoài vùng an toàn của bạn.”

Robert Allen, tác giả của những đầu sách bán chạy nhất thế giới
Cuối cùng, hãy thoát khỏi những gì quen thuộc và trải nghiệm cái mới. Đây chính là bí quyết phát triển bản thân. Tại thời điểm bạn vươn đến một tầm cao mới cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn sẽ không bao giờ quay lại trạng thái trước đó nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.