Tuyển Tập Arsene Lupin

BA – CỌNG RẠ



Hôm ấy, vào khoảng bốn giờ, vì tôi đã đến gần nên bác Goussot đang đi săn cùng bốn cậu con trai đã vội vàng ra về. Cả năm cha con đều là những người đàn ông thô kệch, cao chân, ngực nở, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió.
Và tất cả năm con người đều có cái đầu nhỏ nằm trên cái cổ to, cái trán thấp, cặp môi mỏng, cái mũi khoằm như mỏ chim với giọng nói cứng nhắc, ít có cảm tình. Xung quanh, người ta e sợ họ. Họ đều hám lợi, xảo quyệt và hơi ác ý.
Đến trước thành cổ vây quanh vùng đất đai Héberville, bác Goussot mở một cái cửa hẹp và to xù khi các con của bác đã đi qua, bác khoá lại, và ném chiếc chìa khoá nặng vào túi. Bác bước sau chúng, dọc theo con đường mòn qua vườn cây ăn quả. Từ chỗ nọ đến chỗ kia có nhiều cây to bị tróc vỏ bởi tiết mùa thu, và những lùm cây lãnh sam, vết tích của khu bắn cũ mà ngày nay trải dài trang trại của bác Goussot.
Một cậu con trai của bác nói:
– Miễn là mẹ đã đốt lên vài khúc củi!
– Chắc thế – người cha nói – Này, cũng có khói rồi.
Người ta thấy ở cuối bãi cỏ, những ngôi nhà phụ và nhà ở chính, rồi qua phía trên, ngôi nhà thờ của làng có gác chuông dường như chọc thủng những đám mây thấp kéo dài trên bầu trời.
– Đã tháo đạn khỏi súng rồi chứ?- bác Goussot hỏi.
Người con cả trả lời:
– Súng của con thì chưa. Con đã nạp một viên đạn để làm váng đầu một con chim cắt… thế rồi.
– Anh lấy làm hãnh diện về sự khéo léo của mình.
Rồi anh nói với các em:
– Hãy nhìn cái cành con trên cao của cây Anh Đào. Anh làm cho nó gãy hẳn cho các em xem.
Trên cành cây ấy có treo một con bù nhìn còn lại từ mùa xuân, nó che những nhánh con không lá bằng đôi cánh tay đưa đi đưa lại rối rít của nó. Anh tì súng vào vai, viên đạn phóng đi.
Con bù nhìn lao xuống với những cử động hài hước, rồi rơi xuống nằm úp sấp cứng nhắc trên cành cây to phía dưới. Đầu nó bằng vải đội một chiếc mũ cao thành vành rộng và hai chân của nó bằng rạ khô đu đưa, qua phải, qua trái, phía trên một nguồn nước chảy vào một cái chậu gỗ gần cây anh đào.
Người ta bật cười. Người cha vỗ tay hoan hô.
– Phát súng cừ đấy, con trai ạ.Vả lại, cái hình nộm buồn cười đó đã bắt đầu trêu chọc bố rồi đấy. Bố không tài nào ngước mắt khỏi bát cơm mỗi khi ăn mà không nhìn cái tên ngu ngốc dó.
Họ bước lên mấy bước nữa. Cách nhà nhiều nhất khoảng hai chục mét, người bố đột nhiên dừng lại và nói:
– Thế nào? Có gì thế nhỉ?
Mấy anh em cũng dừng lại, họ nghe ngóng, một trong số họ thầm thì:
– Cái đó từ trong nhà, ở phía để khăn, vải, quần áo trong.
Và một người khác ấp úng:
– Hình như có tiếng rên…. Và mẹ lại có một mình!
Bỗng nhiên, một tiếng kêu phát ra, kinh khủng. Cả năm người lao đến. Một tiếng kêu nữa dội lên, rồi những tiếng gọi tuyệt vọng.
– Chúng con đây! Chúng con đây! Người con cả chạy lên trước, thốt lên.
Rồi, phải đi vòng để đến cửa, bằng một cái đấm mạnh, anh đã phá được cửa sổ, nhảy vào phòng của bố mẹ. Gian buồng bên cạnh là nơi để khăn vải và quần áo mà mẹ Goussot hầu như lúc nào cũng ở đây.
– Ôi trời! anh nói khi anh nhìn thấy mẹ anh nằm trên sàn ván, mặt đầy máu – Bố ơi! Bố!
– Sao đấy? Bà ấy ở đâu?- Bác Goussot bất thần đến, hét lên… Ôi! mẹ kiếp, có thể thế này được ư?… Ai đã làm gì mẹ nó?
Bà cứng đờ và cánh tay duỗi ra, nói lắp bắp:
– Chạy nhanh lên! về phía này! về phía này!… Tôi chẳng hề gì, mấy vết xước thôi. Nhưng chạy đi, hắn đã cướp tiền!
Người cha và các con bật lên.
– Hắn đã cướp tiền! – Bác Goussot vừa thét lên, vừa lao đến cửa ra vào mà vợ bác đã chỉ… – Hắn đã cướp tiền! Tên cướp!
Nhưng một sự náo động của tiếng nổ cất lên ở cuối hành lang, qua đó, ba người khác con trai khác đã đến
– Con đã trông thấy hắn! Con đã trông thấy hắn!
– Em cũng vậy! Hắn đã leo lên cầu thang.
– Không, hắn ở kia, hắn đang xuống.
Một sự chạy vội không thể cầm giữ làm rung chuyển sàn gác. Ngay khi đó, bác Goussot đến đầu hành lang, nhác thấy một gã đàn ông. Đứng sát cửa ra vào của tiền sảnh, đang cố mở ra. Nếu hắn mở được là hắn thoát, trốn chạy qua quảng trường của nhà thờ rồi qua các đường hẻm trong làng.
Bị bất ngờ khi đang tìm đường tháo, tên đàn ông cuống cuồng xông vào bác Goussot, ôm lấy bác, xoay tròn để tránh người con trai cả đuổi theo. Hắn chạy dọc hành lang, vào phòng của ông bà Goussot, bước qua cửa sổ bị phá, rồi biến mất.
Những đứa con đuổi theo qua giữa bãi cỏ và vườn cây ăn quả mà bóng đêm đã trùm lên.
– Tên cướp đáng ghét thật – bác Guossot cười khẩy – Không có lối thoát cho hắn. Các bức tường quá cao. Hắn phải cùng đường. Ôi! Tên đểu cáng!
Rồi, vì có hai người đầy tớ ở trong làng về, bác bảo họ chạy theo và đưa cho họ những khẩu súng. Ông nói với họ:
– Nếu tên vô lại đó có về đến gần nhà thì bắn. Không thương hại!
Bác chỉ cho họ nơi cảnh giới, tin chắc rằng cửa song sắt dành cho các loại xe ba gác đi qua thường khoá chặt và đến khi đó bác mới nhớ lại vợ bác có thể cần đến sự trợ giúp.
– Này! Mẹ nó sao rồi?
– Có phải người ta đã bắt được hắn phải không?- bà hỏi ngay.
– Ừ! Mọi người của ta ở trên đó. Các chàng trai chắc là đã bắt được hắn. Tin này đã làm cho bà khoẻ lại và chỉ một ngụm rượu rum là làm cho bà tỉnh lại trí để bà nằm trên giường của bà với sự giúp đỡ của bác Goussot, và kể lại câu chuyện của bà.
Trước đó không lâu, bà vừa châm lửa trong phòng lớn và bình thản đan len bên cửa sổ; trong khi chờ chồng con trở về thì bà nhận thấy có một tiếng kẹt nhỏ trong buồng khăn, áo bên cạnh.
– Chắc là con mèo, ta đã thả ở đấy – bà tự nhủ.
Bà hoàn toàn yên tâm đi đến đó và sửng sốt khi thấy hai cánh cửa tủ đựng quần áo trong đó bà cất tiền bạc đã bị mở toang. Bà vẫn bước lên, chẳng hề ngờ vực gì. Một gã đàn ông đang ở đấy, ẩn mình, quay lưng về phía các tầng giá để khăn vải.
– Nhưng hắn vào được bằng đường nào? Bác Goussot hỏi.
– Đường nào à? Có thể hắn đi qua tiền sảnh, tôi nghĩ thế, vì chúng ta không bao giờ đóng cửa ở đấy.
– Vậy là hắn đã nhảy sổ vào bà?
– Không, chính tôi đã nhảy vào hắn, hắn chỉ muốn trốn chạy thôi.
– Cần phải để cho hắn đi.
– Thế nào? Còn tiền bạc?
– Vậy là hắn ta lấy được à?
– Đúng! Hắn đã lấy được, tôi đã thấy tập giấy bạc trên tay hắn, tên vô lại …Tôi thà bị hắn giết chết… Ôi! Tôi đã phải đánh nhau…
– Hắn không có khí giới gì à?
– Chẳng hơn gì tôi. Ai cũng có ngón tay, móng tay và răng, này xem, hắn đã cắn tôi đấy. Tôi đã kêu lên! Tôi gọi. Nhưng, thế đấy, tôi già rồi… Tôi phải buông hắn ra.
– Bà biết mặt hắn chứ, tên đàn ông ấy?
– Tôi nghĩ đúng là lão Trainard.
– Cái lão sống lang thang trên đường phố phải không? Ơ! Tất nhiên, đúng rồi – người chủ trại kêu lên. Đúng là lão Trainard… Theo tôi, cũng dễ nhận ra thôi… Thảo nào đã ba hôm nay lão cứ lượn quanh nhà. À! Lão già! Lão đã ngửi thấy mùi tiền! Ôi! Lão Trainard, người ta sẽ đùa giỡn lão như vậy đấy! Một trận đòn hạng nhất trước tiên sau đó người ta mới xét xử… Bà nói xem, mẹ nó, bây giờ bà có dậy được không? Đi gọi hàng xóm, nhờ họ chạy đến trại sen đầm… Này, cậu bé thư lại có một chiếc xe đạp đấy… Lão Trainard chết tiệt, cứ chạy trốn đi! Ồ! Lão còn đôi giò so với tuổi tác của lão. Một kẻ láu lỉnh thực sự!
Bác ôm bụng cười, vui thích về sự phiêu lưu. Phải liều lĩnh làm gì? Không có một sức mạnh nào có thể làm cho lão đầu đường xó chợ thoát được mà không nhận một hình phạt cương quyết xứng đáng với lão và không bị giải đến nhà giam của thành phố.
Người chủ trại xách súng, gặp hai người đầy tới.
– Không có gì mới chứ?
– Không, bác Goussot ạ.
Thế thì không chậm trễ được. Nếu không, quỉ tha ma bắt hắn qua những bức tường…
Thỉnh thoảng người ta nghe tiếng gọi từ xa của bốn anh em. Dĩ nhiên lão già chống cự khéo léo hơn người ta tưởng. Nhưng với những chàng trai hoạt bát như anh em nhà Goussot thì…
Tuy nhiên, một trong bọn họ trở lại, khá nản lòng và không hề giấu diếm ý kiến của mình:
– Bây giờ khỏi phải khăng khăng làm gì. Trời đã tối mịt. Lão già sẽ phải suy sụp trong một cái hang nào đấy. Chúng ta sẽ tính vào ngày mai.
– Ngày mai! Nhưng mày điên rồi hay sao, con trai – bác Goussot phản đối.
Đến lượt người con cả cũng tỏ ra mệt mỏi và có cùng ý kiến như người em, tại sao không chờ đến ngày hôm sau, vì tên cướp đang ở trong khu trại như ở giữa bốn bức tường của nhà giam?
– Này, tao đến đấy – bác Goussto kêu lên. Châm cho tao cái đèn lồng!
Nhưng lúc này ba người lính sen đầm đến và các chàng trai trong làng cũng đổ đến; họ chạy đến theo tin mới nhận dược.
Người hạ sĩ của đội sen đầm là một người đàn ông làm việc có phương pháp. Trước tiên ông để cho người ta kể hết toàn bộ câu chuyện, từng chi tiết, rồi ông suy nghĩ, hỏi riêng rẽ từng người anh em, rồi trù tính sau mỗi lời khai của nhân chứng. Khi ông được báo cho biết là người sống lang thang trốn ở trong khu trại mà người ta đã mất hút nhiều lần và lão đã biến mất thực sự quanh vùng phụ cận của một nơi mà người ta gọi là “Ụ đất Bẫy Quạ”, ông lại suy nghĩ, rồi kết luận:
– Tôi nhất là phải chờ, trong sự lỉnh kỉnh của cuộc truy tìm vào ban đêm, lão Trainard có thể luồn giữa chúng ta.., Và, xin chào tạm biệt.
Người chủ trại nhún vai rồi thuận theo, và cáu gắt về những lý lẽ của người hạ sĩ. Viên hạ sĩ tổ chức việc giám sát, phân công các anh em của nhà Goussot và các chàng trai trong làng dưới sự điều hành của người trong đội sen đầm của ông, ông tin rằng các kẻ hở đã được bịt kín và đặt đại bản doanh của mình tại phòng ăn mà bác Goussot và ông gật gù trước một bình rượu cũ.
Đêm yên tĩnh, cứ hai giờ, người hạ sĩ lại đi tuần và cho thay gác. Không có một lần báo động nào. Lão Trainard không động đậy trong cái hang của lão.
Đến sáng tinh mơ, cuộc sục sạo bắt đầu.
Nó kéo dài suốt bốn giờ.
Từ bốn giờ sáng, năm héc-ta khu trại được xem xét, lục soát không sót một chỗ nào, hai chục người rải ra mọi hướng, dùng cây khua khắp các bụi rậm, giẫm đạp lên từng bụi cỏ, dò xét kỹ càng từng hốc cây, lật từng đống lá khô. Nhưng lão Trainard vẫn bặt vô âm tín.
– Ôi! Gay go thật – Bác Goussot kêu lên.
– Không hiểu ra làm sao nữa – viên hạ sĩ đáp lại.
– Quả vậy, không thể nào giải thích nổi. Bởi vì cuối cùng chỉ riêng có vài lùm cây thắng và cây phù danh mà người ta cũng đã đập kỹ; tất cả cây cối đều trơ trụi. Không còn một công trình, một ngôi lán, không còn một đụn đống nào là có thể dùng cho việc ẩn trốn.
Còn về bức tường, sự xem xét cẩn thận, cho thấy rằng chính viên hạ sĩ phải thừa nhận việc leo lên thực tế là không thể được.
Đến chiều, người ta bắt đầu những cuộc dò xét, nghiên cứu với sự có mặt của quan dự thẩm và quan biện lý. Những kết quả không thu được gì cả. Hơn nữa, việc này tỏ ra cho các quan viên thấy là đáng ngờ. Các vị đã biểu lộ tâm trạng bực bội và không thể không nói:
– Bác Goussot, bác có chắc rằng bác và các con của bác không có ảo tưởng đấy chứ.
Goussot mặt đỏ gay vì tức giận, bác nói:
– Nhưng vợ tôi có phải có ảo tưởng không, khi lão đầu đường xó chợ đã xiết chặt cổ họng của bà ấy.
– Các ngài hãy xem những dấu vết thì biết!
– Được rồi, vậy thì tên vô lại ở đâu?
– Ở đây! Giữa bốn bức tường này.
– Được! Vậy thì bác tìm đi. Đối với chúng tôi, chúng tôi bỏ cuộc đấy. Thật rõ ràng là nếu có một người nào trốn trong chỗ bị vây quanh của khu trại này thì nhất định chúng tôi đã tìm được.
– Này, tôi xin nói với các ông là – bác Goussot nói tướng lên – Không thể nói rằng, người ta đã cướp của tôi sáu nghìn phơ-răng mà tôi để yên. Đúng, sáu nghìn! Chúng tôi đã bán đi ba con bò cái và vụ thu hoạch lúa mì, và cả táo nữa mới có được đấy. Sáu tờ một nghìn mà tôi cất vào trong hòm. Này! tôi thề với chúa là cái đó tôi đã để trong túi áo.
– Càng tốt, tôi mong cho bác làm được – quan dự thẩm nói cùng ra về với quan biện lý và những người lính sen đầm.
Những người xóm giềng cũng đi nốt và hơi giễu cợt. Cho đến hết buổi chiều không còn lại ai, chỉ còn lại những chàng trai nhà Goussot và những người đầy tớ của trang trại.
Ngay lập tức, bác Goussot giải thích các kế hoạch của bác. Ban ngày thì tìm kiếm, ban đêm thì giám sát không ngừng, không để lơi một phút nào; việc ấy tiếp diễn và cứ tiếp diễn như vậy. Vì sao à? Lão Trainarde là một con người như những người khác. Mà đã là con người thì phải ăn, phải uống.
Bác Goussot nói:
– Cùng lắm thì lão ấy có thể có vài mẩu bánh mì trong túi hay nhặt được vài rễ cây trong đêm. Nhưng còn uống thì lão chẳng làm gì được. Chỉ có độc một nguồn nước, dù có tinh quái đến đâu, lão dám đến gần đấy à?
Tối nay, chính bác Goussot gác ngay gần nguồn nước. Ba giờ sau, đứa con cả của bác thay cho bác.
Những đứa em khác và đầy tớ ngủ trong nhà, mỗi người đến phiên phải thức, nến, đèn lúc nào cũng thắp sáng để khỏi bất ngờ.
Mười lăm đêm liên tục, bác Goussot thực hiện đúng như thế. Và mười lăm ngày liền trong khi hai người đàn ông và bà mẹ Goussot canh gác thì năm người khác kiểm tra khu đất rào kín của trang trại Héberville.
Sau hai tuần lễ đó, chẳng phát hiện ra gì cả.
Người chủ trại không ngớt điên giận.
Ông cho mời một cựu thanh tra sở an ninh ở thành phố lân cận đến.
Viên thanh tra ở tại nhà ông suốt một tuần lễ. Ông không tìm thấy lão Trainard ở đâu mà cũng chẳng thấy một dấu hiệu nào có thể ló ra hy vọng là tìm thấy lão đầu đường, xó chợ ấy.
– Thật gay go, bác Goussot nhắc lại – Hắn ở đây, tên vô lại! Với vấn đề hắn vẫn còn ở đây thì…
Đứng trên thềm cửa, bác liên mồm thoá mạ kẻ thù.
– Đồ ngu, mày muốn chết rũ ở trong cái lỗ của mày hơn là khạc tiền ra chứ? Vậy mày cứ chết đi, đồ đểu giả!
Và mẹ Goussot đến lượt cũng kêu lên, giọng the thé:
– Nhà tù, mày không sợ à? Hãy buông tha những tờ giấy bạc ra cho tao thì mày mới có thể chuồn đi được,
Nhưng lão Trainard không rỉ ra một lời nào, còn người chồng và người vợ hò hét hết hơi cũng chỉ vô hiệu.
Những ngày thảm hại trôi qua, mẹ Goussot không ngủ nữa, hoàn toàn run lên vì tức giận. Những đứa con trai trở nên càu nhàu, khà khịa và họ không rời khẩu súng, không có ý nghĩ nào hết ngoài việc phải giết chết con người đầu đường xó chợ.
Trong làng người ta chỉ có nói đến chuyện ấy và việc của nhà Goussot trước tiên là chuyện địa phương nhưng đã nhanh chóng rùm beng trên các mặt báo. Từ thủ phủ, thủ đô có nhiều nhà báo đến nhưng bác Goussot đã đuổi khéo bằng những lời ngu ngốc:
– Chuyện ai thuộc nhà nấy – bác nói – các ông xen vào làm gì cho rắc rối. Tôi có những chuyện của tôi, không nên dòm ngó cho rách việc.
– Tuy nhiên bác Goussot…
– Để cho tôi yên.
Rồi bác đóng sập cửa lại trước mũi của họ.
Đã bốn tuần nay lão Trainard trốn giữa những bức tường của khu tập thể Hérville. Những người nhà Goussot kiên trì tìm kiếm bằng bao niềm tin với một hi vọng ngàv này sang ngày khác để được nhẹ bớt sự tiếc nuối vì mất mát, và họ đã vấp phải những trở ngại bí ẩn đã làm nản lòng những cố gắng. Và ý nghĩ không tìm lại dược tiền đã bắt đầu ám ảnh họ.
Thế rồi vào khoảng mười giờ, một chiếc xe ôtô chạy qua bãi rộng trong làng với tốc độ nhanh đã dừng lại ngay bởi một sự cố hỏng hóc.
Sau khi kiểm tra, người thợ máy tuyên bố rằng việc sửa chữa đòi hỏi mất một thời gian. Người chủ xe quyết định cho xe chờ ở quán cơm đế ăn sáng.
Đấy là một quí ông còn trẻ, đáng yêu, tóc cắt ngắn, có khuôn mặt thiện cảm, đã nhanh chóng bắt chuyện với những người quán ăn.
Dĩ nhiên người ta kể cho ông câu chuyện của những người họ nhà Goussot. Quí ông này không biết câu chuyện khi đi qua đây, nhưng ông tỏ ra rất quan tâm. Ông làm cho người ta giải thích cặn kẽ mọi chi tiết, đưa ra những lý lẽ, những giả thuyết với nhiều người ăn cùng bàn, rồi cuối cùng ông kêu lên:
– Ô hay! Điều ấy chắc không đến nỗi phức tạp cho lắm. Tôi hơi quen với những loại việc như thế. Và nếu tôi có mặt tại chỗ…
– Dễ thôi – người chủ quán nói – tôi quen bác Goussot…Bác ấy không từ chối đâu.
Những sự thương lượng xảy ra ngắn gọn, Bác Goussot đang ở trong một tình trạng tinh thần mà bác phản đối sự can thiệp thô bạo của những người khác. Dù thế nào đi nữa bác cũng không do dự.
Vậy là quí ông ấy đến.
Quí ông thanh toán tiền bữa ăn rồi ra lệnh cho người thợ máy chạy thử xe trên con đường lớn ngay khi xe đã sửa chữa xong.
– Tôi cần phải đi trong một giờ rưỡi – ông nói – không thể lâu hơn – hãy sẵn sàng.
Rồi ông đi đến nhà bác Goussot.
Ở trang trại, ông ít nói. Bác Goussot dù sao cũng tiếp tục hi vọng cải thiện thêm được tình hình, bác dẫn người khách lạ đi dọc theo những bức tường đến tận khuôn cửa nhỏ của cánh đồng, đưa chìa khoá ra mở cửa và thuật lại tỉ mỉ những cuộc tìm kiếm đã được tiến hành.
Chuyện kỳ cục: Người lạ, sao chẳng nói năng gì, dường như không lắng nghe nhiều, ông ấy nhìn, hoàn toàn thành thực và với đôi mắt khá lơ đãng. Khi cuộc đi vòng kết thúc, bác Goussot lo âu nói:
– Thế nào?
– Sao?
– Ông biết à?
Người lạ vẫn im lặng một lát nữa, rồi tuyên bố:
– Không, không biết gì cả.
– Tất nhiên – người trại trưởng giơ tay lên trời nói… ông biết không? Tất cả là thế. Đó là bề ngoài. Ông có muốn tôi nói với ông không? Này, lão Trainard dù sao cũng chết trong chỗ tận cùng của cái hang của lão. Ông hiểu không? Chính tôi nói với ông đấy.
Người khách lạ mất bình tĩnh, tuyên bố:
– Chỉ một điểm làm cho tôi quan tâm. Người đầu đường xó chợ chung qui vẫn tự do, ban đêm có thể sống nhì nhằng, gặp gì ăn nấy. Nhưng làm thế nào lão có thể uống được?
– Không thể!- người chủ trại kêu lên – Không thể uống! Chỉ có nguồn nước này, và đêm nào chúng tôi cũng canh gác.
– Đấy là một nguồn nước. Nó chảy ra đâu?
– Chính chỗ này.
– Có một áp lực đủ để nước chỉ dâng lên trong chậu phải không?
– Đúng.
– Thế nước, nó sẽ chảy đi đâu khi nó ra khỏi chậu?
– Vào cái ông mà ông thấy đấy, nó đi ngầm dưới đất và dẫn nước về tận nhà phục vụ cho nhà bếp. Vậy không có cách nào để uống vì chúng tôi ở đấy và nguồn nước chỉ cách nhà hai mươi mét.
– Đã bốn tuần nay, không mưa phải không?
– Không lần nào cả; tôi đã nói với ông rồi.
Người lạ đến gần nguồn nước và xem xét. Cái chậu được làm bằng mấy mảnh ván ghép lại trên mặt đất để nước sạch chảy vào.
– Nước trong này không sâu quá ba mươi cen-ti-mét phải không?- người lạ nói.
Để đo mực nước, ông nhặt một cọng rạ trên cỏ cắm vào trong chậu. Nhưng trong khi cúi xuống đo, bỗng nhiên ông dừng lại và nhìn ra xung quanh.
– Ô! Lạ chưa – ông nói và bật ra một tiếng cười và nhào đến cái chậu như một người nằm rạp xuống giữa những tấm ván chật hẹp ấy.
Và bà mẹ Goussot khẩn khoản.
– Sao, ông đã thấy lão rồi à? Lão ở đâu?
– Trong này không có, và dưới đó cũng không – người lạ trả lời.
Ông đi về phía ngôi nhà; và sát phía sau ông là người chủ trang trại. Rồi người vợ chủ trang trại và bốn đứa con người chủ quán cũng có ở đấy cùng với những người của quán ăn, theo dõi sự đi đi lại lại của người lạ. Rồi mọi sự im lặng chờ đợi sự phát hiện lạ lùng…
– Đúng như tôi đã nghĩ – ông nói với vẻ vui thích – lão già ấy phải uống nước và chỉ có nguồn nước này…
– Nào, nào- bác Goussot càu nhàu – chúng tôi đã hiểu rõ điều đó.
– Ban đêm cơ.
– Chúng tôi hiểu điều đó và đã chú ý xem bởi vì chúng tôi ở cạnh đây.
– Lão kia cũng thế.
– Thế lão đã uống nước ở trong chậu?
– Đúng.
– Như thế nào?
– Từ xa.
– Bằng cái gì?
– Bằng cái này.
Và rồi người lạ chỉ cọng rạ mà ông đã nhặt được.
– Này! Đây là cọng rạ của người dùng nó để uống. Các ông để ý chiều dài khác thường của nó. Thực tế nó gồm ba cọng nối đầu nhau. Chính như vậy mà tôi đã để ý ngay, nghĩ đến sự lắp ráp của ba cọng rạ này. Chứng cứ đã hiển nhiên.
Người lạ nhấc một khẩu súng các-bin ở giá ra.
– Súng nạp đạn rồi chứ? ông hỏi.
– Vâng – người trẻ nhất trong bốn anh em đáp – tôi đùa với những con chim sẻ đấy. Đó là vụn chì.
– Tuyệt vời. Vài hạt nhét vào trong đằng sau là được.
Bất thình lình, mặt ông trở nên nghiêm khắc. Ông nắm cánh tay người chủ trại, nhấn mạnh bằng một giọng khẩn thiết:
– Này bác Goussot, tôi không phải là cảnh sát, và, tôi không muốn là không trả một giá nào để giải thoát cho con quỷ khốn khổ này. Bốn tuần lễ đói khát và khiếp sợ, thế là đủ. Vậy bác sẽ thề với tôi, bác và các con của bác, chúng ta sẽ đưa chìa khóa cánh đồng cho lão mà không làm gì hại cho lão.
– Lão phải trả lại tiền.
– Đồng ý, thế là thề rồi phải không?
– Xin thề.
Người lạ lại đứng ở trên bậc cửa của lối vào vườn cây ăn quả. Ông nhanh chóng tì súng lên vai, hướng lên không về phía cây anh đào phía trên nguồn nước. Viên đạn phóng ra, một tiếng kêu khản giọng bật lên ở dưới và con bù nhìn mà người ta nhìn thấy một tháng rưỡi trên cành cây lớn, lao đến sát đất để rồi đứng dậy ngay, ba chân bốn cẳng tháo chạy.
Mọi người sững sờ, và nhiều tiếng thốt kêu lên. Những người con trai của chủ nhà nhanh chóng lao đến để bắt kẻ chạy trốn vụng về trong quần áo tả tơi, và yếu đuối vì thiếu ăn. Nhưng người lạ đã che chở cho lão chống lại sự giận dữ.
– Không được đụng vào! Người đàn ông này thuộc về tôi! Tôi cấm không được ai đụng tới…
– Tôi không quá xử nặng lão, phải không lão Trainad?
Đứng trên đôi cẳng chân bằng da bọc trong những mảnh vải rách bươm, đôi tay và toàn thân cũng vậy; cái đầu bằng vải bó chặt, lão già đầu đường xó chợ có vẻ bề ngoài cứng đơ của một cái giá chiêu mẫu, thật buồn cười làm cho những người có mặt không khỏi phì cười.
Người lạ gỡ vải bọc đầu cho lão; người ta nhận thấy một khuôn mặt đầy râu màu xám rồi bung chõe ra tứ phía với đôi gò má cạp xương, lấp lánh đôi tròng mắt thao láo, bệnh hoạn.
Những tiếng cười lại vang lên:
– Tiền! Những tờ giấy bạc! – Người chủ trại ra lệnh.
Người lạ bảo ông lùi ra một chút
– Một chút nữa… người ta sẽ trả lại cho bác, phải không, lão Trainard?
Rồi, trong khi dùng con dao con của mình cắt những lạt buộc rơm và vải, ông nói đùa:
– Ông lão khốn khổ, như thế này ông có bịt được mắt ai không? Nhưng làm thế nào mà lão thành công được trong việc này? Lão phải cực kì khéo léo, hay nói đúng hơn là lão đã sợ hãi đến kinh khủng!… Vậy là, thế đấy, đêm đầu tiên, lão đã lợi dụng được sự sơ hở của mọi người để chui vào trong thứ quần áo thải này phải không? Khôn ngoan. Một con bù nhìn; làm sao người ta có thể có ý nghĩ là?… Người ta thường ngày quen nhìn nó ở trên cây! Nhưng ông già khốn khổ ơi, điều này làm cho lão khổ sở! Nằm sấp! Cẳng chân và cánh tay thõng xuống! Suốt ngày như thế! Tư thế buồn cười, gò bó! Với thao tác như thế nào để liều có một cử động, hả. Sợ hãi mấy khi lão ngủ! Và, cần phải ăn! cần phải uống! Rồi lão nghe tiếng động của người canh gác! Và lão đoán được cái họng súng của anh ta, một gương mặt non choẹt, đang sẵn sàng nhả đạn, chỉ cách lão một mét! Nhưng cái may mắn nhất cho lão, lão xem, đó là cái cọng rạ của lão. Đúng thế, khi người ta nghĩ rằng không được gây ra tiếng động, không được để lộ ra cử chỉ nào, có thể nói như vậy, lão đã phải nhổ những cọng rạ trong quần áo bù nhìn của lão, ghép thật khéo léo cái nọ vào đuôi cái kia, rồi đưa cái thiết bị ấy đến tận cái chậu và mút từng giọt, từng giọt nước sạch, ngon lành, ngon lành… Đúng là phải hét lên khâm phục… Hoan hô, lão Trainard!
Rồi ông lại nói trong kẽ răng:
– Nhưng, lão bốc mùi hôi quá, lão già ạ. Đã hơn tháng nay lão không tắm, phải không con người bẩn thỉu? Thế nhưng lão có rất nhiều nước! Này các vị khác, tôi chuyền cho các bạn nhé! Còn tôi, tôi cũng sẽ đi rửa tay đây.
Bác Goussot và các con của bác cũng chiếm ngay cái mồi mà người ta để lại cho họ.
– Nào, nhanh lên, đưa tiền đây.
Lão đầu đường xó chợ đã mụ người nhưng còn đủ sức để ra vẻ ngơ ngác.
– Lão làm ra vẻ ngờ nghệch ư? Người chủ trại càu nhàu – Sáu tờ giấy bạc… đưa đây.
– Sa..ao?… Người ta muốn gì ở tô..ôi… – lão Trainard ấp úng.
– Tiền… và ngay lập tức…
– Tiền nào?
– Những tờ giấy bạc!
– Những tờ giấy bạc đâu?
– Aa! Mày lại bắt đầu làm tao bực mình rồi đấy. Ta bảo này, các chàng trai…
Người ta hất ngã lão già. Người ta giật những mảnh giẻ quần áo của lão. Người ta tìm. Người ta lục soát.
– Chẳng có gì cả.
– Thằng kẻ cướp – bác Goussot hét lên. Mày đã dùng tiền làm gì?
Con người nghèo khổ, già nua, dường như còn mụ mẫm hơn, vẫn tinh quái, lão không chịu thừa nhận, tiếp tục rên rỉ:
– Người ta muốn gì ở tôi?…Tiền à? Tôi chỉ có ba xu trong người…
Nhưng đôi mắt giương to, lão không ngừng nhìn quần áo của lão, dường như lão không hiểu người ta nói gì.
Cơn thịnh nộ của những người nhà Goussot không nén được nữa. Người ta đánh lão nhừ tử mà không hiểu như vậy sẽ đi đến đâu. Nhưng người chủ trại tin là lão già đã cất giấu tiền trước khi chui vào bù nhìn.
– Ở đâu? Mày đã để đâu, tên vô lại? Hãy nói đi, mày đã để ở xó nào trong vườn cây ăn quả?
– Tiền à?- người sống lang thang nhắc lại bằng một vẻ ngốc nghếch.
– Đúng, tiền mà mày có lẽ đã chôn ở đâu đó…À! nếu tao không tìm thấy thì sự tính toán của mày không đem lại gì tốt cho mày đâu… Có nhiều nhân chứng, phải không?… Tất cả các vị đây. Thế rồi, cả quí ông đây nữa.
Bác Goussot quay trở lại để chất vấn người lạ có lẽ đang ở phía nguồn nước cách ba mươi hay bốn mươi bước về bên trái. Và bác hoàn toàn ngạc nhiên là không trông thấy ông ở đấy.
– Có phải ông ấy đã đi rồi phải không?.- bác hỏi.
Một người nào đó trả lời:
– Không… không… ông ấy đã châm một điếu thuốc lá và ông ấy đã đi vào vườn cây ăn quả, ông ấy đi dạo.
– Ô! Càng tốt – bác Goussot nói. Đây là người tìm lại cho chúng ta những tờ giấy bạc cũng như đã tìm được người đàn ông ăn cướp.
– Nếu không…một giọng nói cất lên.
– Nếu không… – con muốn nói gì? Người chủ trại hỏi – con muốn có ý kiến gì? – Nói đi…Sao?
Nhưng đột nhiên bác dừng lại; từ một sự nghi ngờ bác hỏi dồn, rồi một phút im lặng. Một ý nghĩ cũng được đặt ra cho những người nông dân. Việc người lạ đến Hébervill, sự hỏng xe ôtô, cách hỏi thăm những người ở quán ăn và việc cho đánh xe đến khu trại; toàn bộ sự việc đó không phải là được chuẩn bị trước hay sao; một mánh khoé trộm cắp, đã biết được câu chuyện qua báo chí đã đến tại chỗ để giải quyết sự việc chăng?
– Quá thô bạo – người chủ quán nói – ông ấy đã lục soát, lấy tiền trong túi của lão Trainard dưới con mắt của chúng ta.
– Không phải thế – bác Goussot ấp úng…
– Chúng tôi đã thấy ông ấy đi ra qua đó… về phía ngôi nhà. Nhưng ông đi dạo trong vườn cây ăn quả.
Bà mẹ Goussot hoàn toàn suy yếu đã nói vu vơ:
– Cái cửa nhỏ ở cuối… chỗ kia mà…
– Chìa khoá không khi nào rời khỏi tôi cơ mà.
– Nhưng ông đã để cho ông ấy trông thấy.
– Đúng. Nhưng tôi đã lấy lại… Này, nó đây…
Ông thọc tay vào túi và thét lên một tiếng kêu.
– Ồ! Mẹ kiếp nó không còn ở đây nữa…
– Hắn đã đánh cắp của tôi…
Ngay sau đấy bác lao đi, theo sau đó là các con của bác và những người nông dân.
Đến nửa đường người ta nhận ra tiếng hú của xe ôtô. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là chiếc ôtô của người lạ đã báo trước cho người lái xe của mình là chờ ông ở lối ra phía xa ấy.
Khi những người Goussot đến cửa, họ nhìn thấy trên cánh cửa gỗ đã mọt có hai từ viết bằng gạch non:
“Arsene Lupin”
Mặc dù kiên trì và tức giận nhưng cha con nhà Goussot cũng không thể nào chứng minh được là lão Trainard đã lấy trộm tiền. Quả nhiên hai mươi người phải chứng nhận rằng, chung quy người ta không tìm thấy gì trên người lão. Lão đã thoát khỏi sau mấy tháng ngồi tù.
Lão không hối tiếc gì cả. Từ khi được phóng thích lão được bí mật báo tin rằng: Cứ ba tháng một đúng ngày đã định, giờ đã định, dưới một mốc được ấn định trên con đường cũng đã định sẵn, bác sẽ thấy ở đó ba đồng louis vàng.
Đối với lão Trainard đấy là cả một kho báu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.