HIỆP KHÁCH HÀNH
Hồi thứ mười một: Rắp mưu sâu truyền thụ võ công
Tạ Yên Khách thấy chàng thiếu niên ít khi nói chuyện thì không khỏi ngấm ngầm sầu muộn. Lão nghĩ bụng:
Nếu vụ này mình chẳng giải quyết sớm thì mối lo tâm phúc không thể nào cởi mở được.
Một ngày kia có kẻ đối đầu với mình xúi giục gã yêu cầu mình tự phế bỏ võ công, hoặc tự chặt chân tay, để thành người tàn phế thì thật là nguy cho mình. Có thể gã yêu cầu mình chung thân không được rời khỏi núi Ma Thiên Lãnh, thế thì Tạ Yên Khách này sẽ thành một tên tù giam lỏng ở chốn hoang sơn và cuộc đời còn chi hứng thú nữa?
Tuy Tạ Yên Khách là người thông minh, lắm mưu nhiều trí mà nghĩ mãi vẫn không ra kế hoạch gì. Trong lòng lão buồn bực vô cùng.
Một hôm trời đã xế chiều, Tạ Yên Khách hai tay chắp sau lưng lững thững thả bước trong một khu rừng rậm. Lão chợt thấy chàng thiếu niên đang đứng tựa lưng vào một khối đá, vẻ mặt tươi cười hớn hở nhìn vật gì trên tảng đá.
Tạ Yên Khách chú ý nhìn kỹ lại thì ra đó là mười tám pho tượng nhỏ xíu mà Đại Bi lão nhân đã cho chàng.
Chàng thiếu niên để mỗi pho tượng một chỗ. Có lúc chàng bày những pho tượng này thành đội ngũ, có lúc bày thành trận thế đánh nhau. Chàng nhìn ngắm ra chiều thích thú lắm.
Tạ Yên Khách nhờ có cặp mắt tinh nhuệ nên ngó thấy cả những tượng đất này trên mình vẽ đầy chấm đen và những đường chỉ đỏ. Lão liền tiến gần lại mấy bước để nhìn kỹ thì quả nhiên đúng như điều lão đã dự đoán. Những chấm đen là các đại huyệt trong người, còn những đường chỉ đỏ là kinh mạch về đường lối vận nội công.
Tạ Yên Khách lẩm bẩm:
Ngày trước Đại Bi lão nhân đã cùng ta tỷ thí ở trên núi Bắc mang thì lão chỉ có chưởng pháp mãnh liệt và phép cầm nã thần tốc biến ảo phi thường. Cuộc tỷ đấu kéo dài chừng một giờ rồi sau lão bị thua nửa chiêu vì môn “Nát Hạc công” của ta. Lão đành rút lui không đấu nữa. Võ công lão tuy cao thâm, nhưng chỉ sở trường về môn ngoại gia công phu. Vậy những tượng đất vẽ hình nội công trong thân thể này có ra chăng nữa cũng chỉ nông cạn chẳng bỏ làm trò cười cho những tay nội gia thâm hậu mà thôi.
Lão cầm lấy một hình nhân đưa lên coi thì thấy người này có vẻ những huyệt đạo
Dũng Toàn, Nhiên Cốc, Chiếu Hải, Đại Khoát, Thủy Toàn, Thái Chung, Phục Lựu, Giao Tín từ dưới chân ngược lên đến bụng. Còn phần trên là những huyệt Hoành Cốt, Thái Hách, Khí Huyệt, Tứ Mãn, Trung Chú, Manh Du, Thương Khúc tụ cả vào huyệt Liêm Toàn ở dưới lưỡi.
Lão biết ngay đó là họa đồ “Túc Thiếu Âm Thận kinh”.
Tạ Yên Khách coi đến đường chỉ đỏ chạy từ bàn chân lên đến cổ họng, lão nghĩ thầm:
Đây tuy là phép luyện nội theo chính phái. Các môn phái lớn đều dùng phương pháp tương tự để luyện từ lúc nhập môn, chẳng có chi là đặc biệt.
Rồi lão lẩm bẩm:
Phải rồi! Đại Bi lão nhân suốt đời chỉ rèn luyện ngoại công. Khi đến tuổi tráng niên tuy lão lăn lộn trên giang hồ mà rút cục kỹ thuật cũng chẳng có gì bằng người. Không hiểu lão đi đâu lấy được 18 cái tượng đất này đem về? Chắc là lão muốn kiêm luyện cả hai đường nội ngoại. Nhưng nếu lão tình như vậy thì thật lầm to, vì việc luyện nội công vào hàng thượng thặng đâu phải chuyện một sớm một chiều mà xong. Huống chi, lão đã tuổi ngoài 40 thì cái phần nội công này có đem xuống âm phủ rèn luyện mới đủ thời gian thành tựu.
Nghĩ tới đây, bất giác lão nổi lên tràng một cười ha hả.
Chàng thiếu niên thấy Tạ Yên Khách ngó tượng đất của mình rồi vui cười ra chiều thích thú thì chàng cũng cười nói:
Lão bá ơi! Lão bá coi những hình tượng này cũng có đủ râu ria thì tất nhiên không phải là trẻ nít nữa, thế mà lại chẳng mặc quần áo chi hết thật là buồn cười lão bá nhỉ? Tạ Yên Khách cũng làm bộ ngây ngô vừa cười vừa nói cho xuôi chuyện:
Phải đấy! Thế thì tức cười thật!
Tạ Yên Khách tiếp tục coi đến những pho tượng khác thì thấy 18 cái hình tượng đất này, cái thì họa “Thủ Thái Âm Phế Kinh”, cái thì vẽ “Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh”, cái thì “Túc Dương Minh Vị Kinh”, hay “Túc Thái Âm Tỳ kinh”, hoặc “Thủ Thiếu Âm Tâm kinh”, “Thủ Thái Dương Tiểu Trường Kinh”, “Túc Thái Dương Hàng Quang kinh”, “Túc Thiếu Âm Thận kinh”, “Thủ Quyết kinh”, “Tâm Bao kinh”, “Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu kinh”, “Túc Thiếu Dương Đởm kinh”, “Túc Quyết Âm Can kinh”. Đó là chính kinh về 12 mạch.
Ngoài ra còn có 6 hình tượng thì vẽ Nhâm mạch, Đốc mạch, Âm duy, Dương duy, Âm lục mạch và Dương lục mạch.
Trong kỳ kinh bát mạch thì chỗ phức tạp khó hiểu nhất là hai đường Xung mạch và Đối mạch đi tới Khuyết như.
Tạ Yên Khách xem rồi bụng bảo dạ:
Đại Bi lão nhân coi những cái này là bảo bối giấu ở trong mình nhưng hãy còn khiếm khuyết chưa đủ. Nếu muốn học nội công đến bực thượng thặng thì những cái nông cạn khiếm khuyết này đã ăn thua gì? Chỉ cần một gã đệ tử tầm thường thuộc
phái nội gia chỉ bảo mấy ngày là hiểu rõ ngay. Nhưng, hỡi ơi!Lão là một bậc tiền bối anh hùng nổi tiếng võ lâm khi nào lại hạ mình đi cầu người chỉ điểm?
Tạ Yên Khách nhớ lại ngày cùng Đại Bi lão nhân tỷ đấu tuyệt kỹ, tuy lão có thắng
được nửa chiêu, nhưng cái thắng đó chẳng qua vì mạo hiểm, may mắn mà được.
Trong vòng một giờ tỷ đấu kịch liệt, lão cũng bị vây 7, 8 lần lâm vào tình trạng cực kỳ
nguy hiểm. Tính mạng tựa hồ một sợi mành treo nặng ngàn cân. Mấy lần lão đều miễn
cưỡng thoat khỏi bàn tay Đại Bi lão nhân chụp tới. Bây giờ lão nhớ lại cũng còn thấy
sợ mướt mồ hôi.
Lão lại nghĩ:
May mà Đại Bi lão nhân không có căn bản ghê gớm về nội công. Giả tỷ hồi còn thiếu niên mà lão luyện về nội công thì chỉ đấu trong vòng nửa giờ là mình đã bị lão hất xuống vực thẳm rồi. Ha ha! Lão chết là hay lắm! Hay lắm!
Tạ Yên Khách toan trở gót bước đi nhưng đột nhiên lão sực nhớ ra điều gì, bụng bảo dạ:
Thằng lỏi này đang xem ngắm tượng đất ra chiều say sưa. Sao mình không nhân cơ hội này chỉ điểm cho gã môn nội công theo hình tượng rồi dẫn dụ gã đi đến chỗ tẩu hỏa nhập ma làm cho nội lực xông vào trái tim mà chết! Ngày trước mình có lời thề quyết không dùng sức, dù chỉ là đụng chạm một ngón tay, để hại người đã trao Huyền Thiết lệnh cho mình. Nhưng đây là vì gã luyện nội công mà chết, chứ đâu phải mình giết gã? Vậy mình có lập tâm làm cho gã uổng mạng cũng không trái với lời thề dùng sức để hại gã. Phải, phải! Mình cứ làm như thế là được.
Tuy Tạ Yên Khách làm việc gì cũng chỉ theo ý mình, nhưng lão đã nói một lời tất thực hành cho đúng, vì lão rất trọng chữ tín. Còn về nhân nghĩa đạo đức trong con mắt lão không đáng một đồng.
Tạ Yên Khách liền nhắc lấy tượng hình nhân vẽ công phu “Túc Thiếu Âm Thận kinh” giơ lên nói:
Tiểu nhai nhi! Mi có biết những điểm đen và chỉ đỏ này là cái gì không?
Chàng thiếu niên ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
– Đây là người đất mắc bịnh.
Tạ Yên Khách rất lấy làm kỳ. Lão cười thầm hỏi:
Đã là tượng đất sao còn mắc bịnh? Chàng thiếu niên đáp:
Năm ngoái cháu bị bịnh, khắp người nổi vết đỏ lên. Tạ Yên Khách bật cười nói:
Đó là mi phát ban. Còn đây là tượng đất mà người ta vẽ vào chứ có phải lên ban đâu? Những điểm này là bí quyết về võ công. Mi hãy coi đây. Ta cõng mi bay lên núi để mi biết võ công là thế nào? Nó hay đến đâu?
Lão nói tới đây, vì muốn cho chàng thiêu niên kiên tâm học võ, liền điểm chân xuống
đất cho người vọt thẳng lên đánh vù một cái. Lão đã nhảy lên ngọn cây tùng. Lão điểm chân trái vào một cành cây để mượn đà rồi lại nhảy vọt cao nữa trông tựa hồ làn khói bốc lên. Đoạn lão từ từ hạ mình xuống cành cây. Lão hạ mình xuống rồi lại vọt lên ba lần như vậy thì vừa gặp lúc hai con chim sẻ bay ngang.
Tạ Yên Khách muốn khoe tài liền vươn hai tay ra chộp lấy hai con sẻ rồi từ từ hạ xuống.
Chàng thiếu niên thích quá vỗ tay cười nói:
– Lão bá giỏi thiệt! Giỏi thiệt!
Tạ Yên Khách xoè hai bàn tay ra. Hai co sẻ vỗ cánh muốn bay đi. Nhưng nó chỉ vỗ cánh chứ bay lên không được vì trong lòng bàn tay Tạ Yên Khách đã có một luồng nội lực hút lấy giữ lại. Chàng thiếu niên thấy hai bàn tay lão xoè ra bằng bặn mà cánh chim đập mãi vẫn không bay lên khỏi bàn tay lão được, chàng thích quá reo lên: – Hay quá, hay quá!
Tạ Yên Khách cười nói:
– Mi lại đây thử coi!
Lão nói rồi đặt hai con sẻ vào lòng bàn tay thiếu niên.
Chàng thiếu niên nắm chặt lấy nó không dám xoè bàn tay ra.
Tạ Yên Khách cười nói:
Những nét vẽ trên tượng đất này là phép luyện công đó. Mi đã liều mạng để giúp Đại Bi lão nhân, lão cảm ơn mi lắm mới cho mi những đồ này. Mi đừng tưởng đó là đồ chơi, nó quý báu vô cùng! Mi chỉ cần học được theo hình vẽ trong tượng này thì có xòe bàn tay ra con sẻ cũng không bay lên được.
Chàng thiếu niên nói:
Trò này hay lắm! Cháu muốn luyện tập nhưng luyện tập làm sao?
Miệng chàng nói vậy rồi xoè hai bàn tay. Nhưng lòng bàn tay chàng không có nội lực phát ra giữ lấy, nên hai con sẻ chỉ vỗ cánh một cái rồi bay vù đi mất.
Tạ Yên Khách lại nổi lên tràng cười ha hả. Hai con chim rời khỏi lòng bàn tay chàng thiếu niên lên cao chừng bốn năm thước, đột nhiên cụp cánh lại rồi nhào xuống đúng lòng bàn tay chàng thiếu không nhúc nhích được nữa. Chúng chết cả rồi.
Tạ Yên Khách kinh hãi vô cùng. Đột nhiên lão thu tiếng cười lại. Tay trái lão xoay đi nắm lấy huyệt mạch chàng thiếu niên. Lão chỉ một ngón tay trái vào mặt chàng quát hỏi:
– Mi là đồ đệ lão tặc Đinh Bất Tứ phải không? Nói mau đi!
Lúc Tạ Yên Khách đang sừng sộ nói đến năm chữ “lão tặc Đinh Bất Tứ” thì tự nhiên âm thanh run lên, vì lão thấy chàng thiếu niên dùng hư kình mà đánh chết được hai con chim thì lão nghĩ ngay đến tà công “Hàn Ý miên chưởng” rất âm độc và nó là môn thần công độc đáo của Đinh Bất Tứ. Ngay bào huynh của lão là Đinh Bất Tam cũng không hiểu môn này.
Chàng thiếu niên đã phát huy công phu đó thuần thục như vậy thì ít ra là phải có mười năm công lực và nhất định chàng là truyền nhân chính thống của lão họ Đinh.
Tạ Yên Khách vốn biết Đinh Bất Tứ bản lãnh cao cường lại lắm mưu nhiều trí. Những hành động của hắn thật là xuất quỷ nhập thần mà tâm địa cực kỳ hiểm độc. Hắn mang ngoại hiệu là “Nhất nhật bất qua tứ” thế là mỗi ngày hắn có thể giết hơn bào huynh hắn một người. Lão cho là chàng thiếu niên này đã được Đinh Bất Tứ truyền cho môn “Hàn Ý miên chưởng” đã đến chỗ tinh vi. Như vậy chàng tất không phải hạng đồ đệ thông thường của lão Đinh.
Tạ Yên Khách nghĩ tới đây rồi lẩm bẩm một mình:
Gã thiếu niên này giao Huyền Thiết lệnh lại cho mình, hiển nhiên hoàn toàn theo dự tính của Đinh Bất Tứ, vì thế mà bất luận thứ gì gã cũng không mở miệng xin mình. Hẳn gã còn đợi đến lúc tối hậu mới đưa đề nghị ra. Không chừng hiện nay Đinh Bất Tứ cũng quanh quẩn ở vùng Ma Thiên Lãnh này.
Tạ Yên Khách nghĩ quẩn lo quanh rồi đột nhiên biến sắc, đảo cặp mắt hoang mang nhìn ra bốn phía. Tuy lão chẳng thấy trên đỉnh núi mình ở có gì khác lạ mà trong thâm tâm đã tự nêu ra rất nhiều câu hỏi:
Mấy bữa nay mình ăn nhiều món của gã thiếu niên nấu nướng, chẳng hiểu gã có hạ độc không?
Nếu Đinh Bất Tứ muốn hạ thủ hại mình thì hắn sẽ dùng phương sách gì?
Gã thiếu niên này vâng lệnh lão họ Đinh đến đây sẽ yêu cầu mình làm điều gì? Chàng thiếu niên bị Tạ Yên Khách nắm chặt cổ tay khác nào bị lồng vào cái sắt và mỗi lúc một thu chặt lại.
Chàng đau quá la lên:
Cái gì? Đinh Bất Tứ? Cháu không biết úi chao!
Tạ Yên Khách chụp lấy cổ tay chàng giữa lúc lão nóng nảy hồ đồ. Bây giờ lão thấy chàng thiếu niên la lên liền giật mình tỉnh táo lại, lão nghĩ thầm:
Nếu lão Đinh Bất Tứ ở gần đâu đây mà thấy mình uy hiếp một thằng nhỏ thì thật là mất mặt với hắn.
Lão vội buông tay chàng ra cất tiếng dõng dạc hỏi:
Ma Thiên Lãnh này rất ít khi được cao nhân giá lâm. Đinh Bất Tứ đã đến đây, sao còn chưa xuất hiện?
Lão gọi luôn mấy câu thanh âm truyền đi rất xa vang dội cả một khu sơn cốc. Câu sau cùng “Sao không xuất hiện?”, bốn mặt âm ỉ dội lại không ngớt. Rồi chỉ nghe thấy gió núi rít lên từng cơn vù vù, tuyệt không có tiếng người đáp lại.
Tạ Yên Khách lượm hai con sẻ chết lên đặt vào tay thấy mát lạnh. Lão phát huy một chút nhiệt lực trong người ra lòng bàn tay truyền vào trong bụng con sẻ thì nghe thấy tiếng róc rách. Hiển nhiên trong phủ tạng nó đã có một bộ phận nhỏ hàn khí đóng thành băng.
Lão lẩm bẩm:
Xem chừng môn “Hàn Ý miên chưởng” của thằng lỏi này mới tới được ba bốn thành công lực. Giả tỷ chính lão Đinh Bất Tứ phát huy âm hàn thì con sẻ này đến lông lá cũng phải kết lại thành băng.
Tạ Yên Khách nghĩ vậy thì trong lòng rất kinh hãi, nhưng lão quay đầu lại ra chiều niềm nỡ hỏi chàng thiếu niên bằng một giọng ôn hòa khác hẳn ngày thường:
Này chú em! hành tung của chú đã bại lộ rồi đó. Bây giờ chú còn giả vờ cũng bằng vô dụng. Ta hỏi câu này chú nói thật nhé.
Chàng thiếu niên thấy lão ra chiều vui vẻ cũng cười đáp:
Lão bá muốn hỏi cháu điều chi?
Đinh Bất Tứ với chú là người thân thích thế nào? Chàng thiếu niên vẫn ngớ ngẩn hỏi lại:
-Lão bá bảo sao? Đinh Bất Tứ là ai? Cháu không biết đâu
Tạ Yên Khách dường như đã biết trước là chàng không chịu nói thiệt và đã nghĩ sẵn cách đối phó.
Lão nghe chàng đáp như vậy liền nói ngay:
Được lắm! Chú không chịu thừa nhận lão thì chú chỉ thóa mạ lão một câu “Thằng giặc già Đinh Bất Tứ” cho ta nghe thử.
Chàng thiếu niên hỏi lại:
Lão bá bảo cháu thóa mạ người ta, nhưng người ta có làm gì cháu đâu thì thóa mạ sao được? Tạ Yên Khách thấy chàng thiếu niên vẻ mặt vẫn thản nhiên, không ra chiều ngượng ngịu hay bối rối về câu hỏi đột ngột của mình thì lại càng tức giận và cho chàng là người khéo giả vờ. Lão mắng thầm:
Thằng lỏi này quả nhiên không chịu thóa mạ. Hừ! Đã thế thì ta chỉ giơ tay lên đánh mi một chưởng cho rồi đời. Dù thằng cha Đinh Bất Tứ có ghê gớm đến đâu thì Tạ mỗ này há sợ gì hắn?
Nhưng sau lão lại nghĩ rằng:
Đinh Bất Tứ đã biết rõ mình không phải hạng nói lời rồi lại ăn lời. Mình đã phát thệ không đụng đến người nào trao Huyền Thiết lệnh, dù chỉ dùng sức một ngón tay, nên lão mới yên tâm cho thằng lỏi này theo mình lên núi mà không nghi ngại gì.
Nguyên giữa Đinh Bất Tứ và Tạ Yên Khách chưa từng quen biết nhau bao giờ mà cũng không có mối thù oán gì từ đời trước. Hai bên chỉ nghe tiếng nhau mà chưa từng gặp mặt. Nhưng Tạ Yên Khách nghĩ đến mình ở vào tình thế mà Đinh Bất Tứ đã liệu trước thì không khỏi ớn lạnh xương sống.
Lão lẩm bẩm:
Hắn lắm mưu nhiều kế mà mình thành người thụ động thì tất bị hắn chơi một vố cay đây!
Lão băn khoăn lại cất tiếng hỏi:
Công phu “Hàn Ý miên chưởng” của chú đã luyện được đến mức khá cao. Chú phải luyện mất mấy năm mới được như vậy?
Chàng thiếu niên vẫn ngây ngô hỏi lại:
Lão bá nói cái gì mà Hàn Ý miên chưởng? Cái đó cháu không biết
Bây giờ Tạ Yên Khách cáu giận lắm rồi, lão không giữ được bình tĩnh nữa, nét mặt cau có.
Lão hắng giọng:
Ta hỏi một câu ngươi bảo không biết, hỏi ba câu ngươi cũng bảo không hay. Thế thì ngươi coi Tạ mỗ vào hạng người nào?
Chàng thiếu niên lắc đầu đáp:
Làm sao mà lão bá lại cáu giận? Cháu không biết thật mà. À phải rồi! Cháu làm chết hai con sẻ của lão bá. Lão bá ới! Lão lại bay lên trời bắt hai con khác cũng chả sao? Lão bá bảo dạy cho cháu phép gì đó để giữ con chim trong lòng bàn dù nó vỗ cánh vẫn không bay lên được?
Tạ Yên Khách nói:
Hay lắm! Để ta dạy ngươi môn đó.
Lão nói xong lượm một hình nhân vẽ thế “Thái Dương Tiểu Trường kinh” lên tay nói tiếp:
Về môn này không khó gì đâu. So với công phu “Hàn Ý miên chưởng” còn dễ nhiều. Hễ ta đọc khẩu quyết ra thì ngươi theo như hình vẽ này mà luyện kinh mạch là được.
Rồi lão bắt đầu bằng khầu quyết về phép “Viêm Viêm công”. Lão truyền dạy từng câu một cho chàng.
Không ngờ chàng thiếu niên coi bộ thông minh kia mà Tạ Yên Khách đoán là chàng đã luyện công phu “Hàn Ý miên chưởng” được ba bốn thành lại tuyệt không hiểu một chút gì về đường kinh mạch, về phép vận khí hay cách hô hấp. Bất luận động tác nào, chàng cũng chẳng hiểu gì ráo trọi.
Tạ Yên Khách chẳng hiểu chàng không biết thật hay chàng giả vờ.
Sở dĩ lão truyền thụ cho chàng phép “Viêm Viêm công” là để đem nội lực chí dương vào người chàng ngỏ hầu đánh tan công lực về môn “Hàn Ý miên chưởng” mà chàng đã luyện trước. Phép này còn đẩy nội lực vào kinh mạch để chia rẽ khí âm và khí dương trong người chàng hòa hợp biến hóa với nhau, thành xung khắc nhau. Nguyên âm và nguyên dương sẽ lục đục xung khắc nhau trong kinh mạch chàng thành thế rồng tranh hổ đấu và có thể làm chết người trong khoảng khắc.
Dĩ nhiên luyện phép “Viêm Viêm công” không phải một ngày mà được. Muốn luyện đến mức độ tương đương như môn “Hàn Ý miên chưởng” của chàng, nghĩa là để cho hai môn này thành hai lực lượng đối lập nhau ít ra là phải mất mấy năm. Nếu âm
cường mà dương nhược, âm thắng mà dương bại thì không đủ làm cho chàng chết được.
Lúc này, Tạ Yên Khách thấy chàng thiếu niên chẳng hiểu một tý gì, thậm chí không biết tên các huyệt mạch chứ đừng nói đến vị trí nó ở đâu thì lão không khỏi cười lạt mắng thầm:
Bây giờ mi cứ việc giả vờ ngốc dại đi. Coi chừng mi chỉ là thằng lỏi mà cũng ghê gớm lắm đây. Nhưng mi lừa ai thì được chứ bịp Tạ mỗ thế nào được? Sau này mi có đau khổ kêu trời mới biết tay Tạ mỗ.
Tuy trong lòng tức giận nhưng ngoài mặt lão vẫn tỏ ra bình tĩnh. Lão bắt đầu từ huyệt Thiếu Trạch đầu ngón tay út đi vào những huyệt Tiền Cốc, Hậu Khoát, Uyển Cốt, Dương Cốc nhất nhất giải thích cho chàng nghe. Lão giảng lên cho đến huyệt Thích Cung ở trái tai là hết.
Lúc này chàng thiếu niên lại không ngu xuẩn nữa. Chàng lĩnh hội rất mau, dụng tâm ghi nhớ kỹ càng. Tạ Yên Khách truyền thụ cho chàng phép nội tức vận hành để chàng tự luyện lấy. Chàng thiếu niên ngoài lúc luyện võ vẫn làm công việc thường xuyên như bẫy chim săn thú nấu thịt thổi cơm. Chàng không đem lòng ngờ vực Tạ Yên Khách chi hết. Mỗi một lần lão truyền thụ là chàng lại tiến thêm được một bước về âm kình.
Ban đầu Tạ Yên Khách còn sợ Đinh Bất Tứ quanh quẩn ở vùng Ma Thiên Lãnh để tập kích mình, nên lão thu khúc dây lòi tói bỏ thõng xuống ngoài đầu núi là lối duy nhất để bám vào mà trèo lên, đem về cất đi không để đó nữa.
Hạ qua thu tới, đông hết xuân sang. Thời gian lặng lẽ trôi thấm thoát đã được một năm. Trên Ma Thiên Lãnh vẫn chẳng có gì khác lạ. Chẳng những không ai lên đỉnh núi mà cả những khu vực phụ cận cách Ma Thiên Lãnh ngoài mười dặm cũng chẳng có vết chân người.
Tạ Yên Khách thấy gạo muối sắp hết cần phải xuống núi mua về, lão không yên tâm để mình chàng thiếu niên ở nhà vì e rằng có người thừa cơ lúc vắng mình sẽ đến cướp chàng đem đi thì phỏng có khác gì đem tính mạng mình mà trao tay cho kẻ địch.
Lão dắt chàng thiếu niên xuống núi, tìm vào thị trấn mua gạo muối dầu thắp, quần áo và giày dép đem về xếp thành một đống.
Chuyến này lão xuống núi đề phòng rất cẩn thận, nhưng không có gì xảy ra ở dọc đường, đi về đều bình yên vô sự.
Chàng thiếu niên ở trên Ma Thiên Lãnh chẳng bao lâu đã được mấy năm. Mỗi năm hai người chỉ xuống núi một vài lần mua bán đồ ăn thức dụng, xong rồi lập tức trở về ngay không trùng trình ở lại thị trấn lúc nào.
Tạ Yên Khách hàng ngày đề phòng rất nghiêm mật. Tối đến dĩ nhiên lão không ngủ chung một chỗ với chàng mà mỗi người ở riêng một hốc động. Mỗi bữa ăn lão cũng cẩn thận để chàng thiếu niên ăn trước đặng chứng minh trong cơm rau không có chất
độc rồi lão mới ăn.
Thường ngày trừ lúc truyền thụ nội công, còn lúc nào ngồi rỗi, hai người ít khi nói với nhau một câu nào. Chàng thiếu niên từ thuở nhỏ ở với mẫu thân. Mẫu thân chàng đối với chàng cũng vẫn lạnh nhạt, nên chàng đã quen tính rồi cũng không lấy thế làm khó chịu. Mẫu thân chàng còn có lúc muốn đánh là đánh, muốn mắng là mắng. Còn Tạ Yên Khách thì đối với chàng chẳng vui cười mà cũng không giận dữ. Không bao giờ lão đụng đến người chàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.