HIỆP KHÁCH HÀNH
Hồi thứ năm mươi: Tỷ võ công giải lòng ngờ vực
Thạch Phá Thiên nghe Mẫn Nhu kể chuyện thì khí tức xông lên tận cổ. Chàng nói:
Mụ nữ tặc khả ố! Một đứa con nít đã biết gì mà mụ cũng hạ độc thủ để sát hại y. Nếu không thế thì hài nhi đã có một thằng em, hay biết bao nhiêu? Thạch phu nhân! Sao hài nhi không thấy má má nói cho con hay?
Mẫn Nhu sa lệ đáp:
Hài tử! Chẳng lẽ con quên cả người mẹ đã thân sinh ra con? Ta… ta mới chính là má má con.
Thạch Phá Thiên ngưng thần chú ý nhìn mặt Mẫn Nhu từ từ lắc đầu đáp:
Không phải đâu! Phu nhân nhận lầm rồi.
Hôm ấy mụ nữ tặc dùng “Kim Tiền tiêu” đâm vào đùi con một mũi. Bây giờ tuy con đã lớn tuổi rồi, nhưng mũi tiêu kia nhất định hãy còn dấu vết. Con cởi áo trong ra là nhìn thấy ngay.
Thạch Phá Thiên nói:
Hài nhi…
Chàng nghĩ tới trên vai mình có vết răng Ðinh Ðang cắn vào. Trên đùi có vết kiếm thành sáu đóa Tuyết Hoa của Liêu sư thúc đâm vào mà chàng đã quên sạch không nhớ gì hết. Lúc cởi áo ra coi lại thì vết hãy còn rành rành trên da thịt. Tình trạng này chàng nghĩ mãi không hiểu. Bây giờ Thạch phu nhân lại nói chàng có vết thương do “Kim Tiền tiêu” gây ra ở đùi chàng e rằng đùi có vết tiêu thật cũng chưa biết chừng.
Thạch Phá Thiên liền thò tay qua áo sờ vào đùi bên trái mà dường như chẳng có vết
thương gì thì phải. Nhưng hai lần trước chàng đã thấy đúng rồi, thành ra lòng không
khỏi hồi hộp, vẻ kinh hãi lộ ra ngoài mặt.
Mẫn Nhu tủm tỉm cười nói:
Ta là má thân sinh ra hài nhi, chẳng biết đã bao nhiêu lần thay đổi tả lót thì còn việc gì mà thẹn? Thôi được! Hài nhi để gia gia coi cho.
Mẫn Nhu nói xong trở gót tránh đi mấy bước. Thạch Thanh cũng đầy lòng ngờ vực, ông nói:
Hài tử! Con tự cởi ra mà coi.
Thạch Phá Thiên lại thò tay qua áo sờ mó lần nữa, thì đích xác chẳng thấy có vết sẹo gì hết bây giờ mới cởi dây lưng, trịch quần xuống quay đầu nhìn lại, thì thấy trên đùi bên trái quả có vết thương dài chừng bảy tám phân. Nhưng vì lâu ngày quá, dấu vết
chỉ còn lờ mờ nhìn kỹ mới thấy.
Thạch Phá Thiên kinh hãi vô cùng. Chàng tưởng chừng như trời đất quay cuồng, tựa hồ đã biến thành người khác mà chàng chẳng biết chi hết. Chàng sợ quá không nhịn được bỗng khóc òa lên.
Mẫn Nhu vội quay lại, Thạch Thanh nhìn bà gật đầu tỏ ra chàng đúng là Thạch Trung Ngọc.
Mẫn Nhu vừa hớn hở mừng vui lại vừa thương Thạch Phá Thiên.
Bà ôm chặt chàng vào lòng sa lệ dỗ dành:
Ngọc nhi! Ngọc nhi! Con đừng sợ hãi gì hết. Dù gặp việc tày đình đã có gia gia cùng má má che chở cho.
Thạch Phá Thiên vừa khóc vừa nói:
Bao nhiêu việc về trước hài nhi chẳng nhớ tí gì hết, không biết bà là má má và ông là gia gia. Hài nhi không biết trên đùi mình có vết thương. Hài nhi chẳng biết gì… chẳng biết tí gì hết.
Thạch Thanh hỏi:
Công lực của Ngọc nhi thâm hậu như vậy, đã học được ở đâu?
Hài nhi cũng không biết nữa. Thạch Thanh lại hỏi:
Vậy độc chưởng công phu này Ngọc nhi mới học mấy bữa nay đã được ai truyền thụ cho. Thạch Phá Thiên kinh hãi đáp:
Không có ai truyền thụ cho hài nhi cả. Hài nhi… làm sao? Bất luận điều gì hài nhi cũng hồ đồ hết. Chẳng lẽ hài nhi đúng là Thạch Phá Thiên? Là Thạch bang chủ? Hài nhi họ Thạch và là con ruột hai vị ư? Thạch Phá Thiên sợ đến tái mặt. Hai tay chàng nắm lấy cạp quần để khỏi tụt xuống. Chàng quên cả thắt lưng.
Vợ chồng Thạch Thanh thấy chàng sợ hãi quá như vậy thì không khỏi tần ngần. Mẫn Nhu lộ vẻ cực kỳ thương xót. Bà xoa đầu chàng dịu dàng khuyên dỗ:
Ngọc nhi! Ngọc nhi! Con đừng sợ hãi gì.
Thạch Thanh cũng dẹp bao nhiêu nỗi phân hận mấy năm nay sang một bên. Bụng bảo dạ:
Mình đã thấy có người bị đánh mạnh vào đầu hoặc sau khi bị bệnh nặng rồi mất trí quên hết những việc trước. Chứng nay, gọi là “Ly Hồn chứng” gì gì đó, rất khó chữa cho phục hồi được như cũ. Chẳng lẽ Ngọc nhi cũng mắc phải chứng bệnh này.
Ông chỉ nghĩ trong bụng vậy thôi chứ không dám hở môi cùng vợ. Ngờ đâu chính Mẫn Nhu cũng nghĩ thế. Bất giác hai người đưa mắt nhìn nhau rồi cùng buột miệng lên tiếng:
Ly Hồn chứng.
Thạch Thanh biết người mắc phải chứng bệnh này thì càng tra hỏi càng làm cho bệnh
nặng hơn. Chỉ có cách nói xa nói gần để từ từ trợ giúp gợi lại trí nhớ cho bệnh nhân.
Ông liền nói bằng một giọng rất ngọt ngào:
Bữa nay chúng ta cốt nhục trùng phùng. Thiệt là vui mừng hãn hữu. Hài tử! Con đã đói bụng chưa? Chúng ta lại đằng kia mua rượu ăn uống đã.
Thạch Phá Thiên vẫn như người mất hồn tự nói để mình nghe:
Ta… ta là ai?
Mẫn Nhu đưa tay ra thắt dây lưng cẩn thận lại cho Thạch Phá Thiên rồi hỏi bằng một giọng rất dịu dàng:
Hài nhi! Con có bao giờ bị té nặng đến nỗi đau đầu óc không? Hay có đanh nhau với ai rồi bị thương ở đâu không?
Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp:
Không có! Không có đâu!
Vậy mấy năm nay con có bị trọng bệnh và nhiệt độ lên cao quá không? Thạch Phá Thiên đáp:
Bị bệnh thì có. Mấy tháng trước đây một lần toàn thân hài nhi bị nóng như lò lửa rồi sau lại lạnh toát. Hôm ấy hài nhi ở trong núi ngất đi rồi không biết gì nữa.
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu hỏi biết rõ căn bệnh của Thạch Phá Thiên thì trong bụng mừng thầm, đồng thời phào một cái nhẹ nhõm.
Mẫn Nhu chậm rãi nói:
Hài nhi bất tất phải lo ngại. Vì con bị bịnh nặng, người nóng quá đâm ra tâm thần mê sảng nên hết những việc ngày trước. Nhưng dần dần sẽ phục hồi ký ước.
Thạch Phá Thiên nửa tin nửa ngờ, ngập ngừng hỏi:
Bà là má má cháu thật ư? Thạch… Thạch trang chủ là gia gia cháu.
Phải rồi! Hài nhi! Gia gia con cùng ta đi kiếm con khắp nơi. May được trời thương khiến cho cả nhà ta ba người cốt nhục đoàn viên sao hài nhi không kêu y bằng gia gia?
Thạch Phá Thiên tin là Mẫn Nhu không lừa gạt mình. Chàng trầm ngâm một chút rồi hướng về phía Thạch Thanh cất tiếng gọi:
Gia gia!
Thạch Thanh tủm tỉm cười bảo chàng:
– Hài nhi kêu má má đi!
Thạch Phá Thiên nghe Thạch Thanh bảo mình kêu Mẫn Nhu bằng má má, chàng lấy làm khó nghĩ hơn.
Chàng nhớ rõ tướng mạo má má chàng khác hẳn Mẫn Nhu. Mấy năm trước đây má má đã bỏ chàng ra đi không thấy trở về. Bà ta tóc hoa râm chứ không đen láy như Mẫn Nhu. Tính tình lại nóng nảy dữ dội, động mở miệng là chửi mắng, động cất nhắc
chân tay là đánh đập, đâu có dịu dàng ôn hòa như Mẫn Nhu?
Nhưng chàng thấy vẻ mặt Mẫn Nhu ra chiều khao khát. Bà đợi một lúc không thấy chàng kêu bằng má má thì hai mắt đỏ hoe.
Thạch Phá Thiên thấy thế trong lòng không nỡ, khẽ cất tiếng gọi:
– Má má!
Mẫn Nhu cả mừng. Bà ôm Thạch Phá Thiên vào lòng thủ thỉ:
Thằng con khôn, thằng con ngoan của má má! Rồi hai hàng châu lệ chảy xuống ròng ròng.
Thạch Thanh cũng khoé mắt ướt rượt, nhưng ông nghĩ bụng:
Thằng nhỏ này đã có những hành vi tội lỗi ở thành Lăng Tiêu và tại bang Trường Lạc, gã có chết cũng đáng đời. Ðâu phải là đứa con khôn ngoan tử tế?
Nhưng ông lại nghĩ đến chàng vì mắc bệnh tật mà biến tính, nên không tiện nổi nóng. Sau ông tự nhủ:
Con người phạm tội biết hối là quý. Sau này mình giáo huấn cho gã, biết đâu gã chẳng ăn năn hối cải?
Ông lại nghĩ tới chàng từ nhỏ xa rời cha mẹ, mình không chăm nom được việc dạy dỗ thì cũng phải gánh một phần tội lỗi. Có điều Huyền Tố song kiếm mà sinh hạ ra thằng nhỏ bất tiếu này thì xấu hổ với bạn hữu giang hồ.
Trong lòng Thạch Thanh một lúc nổi lên bao nhiêu tư tưởng như sóng cồn. Mừng vui có mà tức giận cũng có.
Mẫn Nhu trông sắc mặt trượng phu liền hiểu rõ tâm sự y ngay. Bà chỉ sợ Thạch Thanh lục đến tội lỗi của con liền nói:
Thanh ca! Tiểu muội đói lắm rồi! Chúng ta mau đi kiếm gì ăn.
Rồi bà chúm môi huýt một tiếng sáo. Ðôi tuấn mã một trắng một đen chạy lại ngay.
Mẫn Nhu bảo Thạch Phá Thiên:
– Hài nhi! Con cùng má má cỡi ngựa trắng.
Thạch Thanh thấy vợ đã mười mấy năm nay ít khi vui cười như bữa nay, ông cũng hớn hở trong lòng, tủm tỉm cười nhảy vọt lên lưng con ngựa đen.
Thạch Phá Thiên cùng Mẫn Nhu cưỡi chung con ngựa trắng. Hai ngựa rong ruổi trên đường lớn.
Thạch Phá Thiên xiết đổi hoài nghi. Chàng tự hỏi:
Thạch phu nhân phải chăng đúng là má má mình? Nếu phải thì bà mẹ nuôi mình từ nhỏ đến lớn không phải là má má mình hay sao?
Ðôi ngựa chạy được mấy dặm, bỗng thấy bên đường có một ngôi chùa nhỏ. Mẫn Nhu nói:
Chúng ta hãy vào chùa vái lạy đức Bồ Tát.
Bà nói xong xuống ngựa đi vào.
Thạch Thanh cùng Thạch Phá Thiên cũng đi theo sau.
Thạch Thanh vốn biết vợ mình trước nay không tin quỷ thần, bữa nay ông thấy Mẫn Nhu tiến vào điện rồi quỳ xuống trước một pho tượng Phật không ngớt khấu đầu. Ông quay lại nhìn Thạch Phá Thiên, trong lòng đột nhiên vô cùng cảm kích tự nhủ:
Thằng nhỏ này tuy là một đứa hư đốn mà thực ra mình thương yêu gã hơn là tính mạng. Nếu có người định sát hại y thì mình cũng phải liều mạng bảo toan cho y. Bữa nay phụ tử trùng phùng thì Thạch Thanh này đối với trời phật cũng phải nhớ ơn đức cao dày.
Ông nghĩ vậy rồi quỳ xuống dập đầu hành lễ.
Thạch Phá Thiên đứng bên nghe Mẫn Nhu cầu khẩn rất khẽ:
Xin đức Bồ Tát che chở cho hài nhi của đệ tử được mau lành bệnh. Gã nhỏ dại chưa biết gì đã làm nên tội nghiệt. Kẻ làm mẹ là đệ tử xin gánh vác hết trách nhiệm. Dù sấm sét búa rìu đệ tử cũng cam lòng chịu đựng. Chỉ khẩn cầu đức Phật từ bi, điểm hóa cho hài nhi từ đây ăn năn tội lỗi để xay dựng lại cuộc đời mới. Ðệ tử cầu Phật độ cho hài nhi được tai qua nạn khỏi, vui vẻ bình yên.
Mẫn Nhu lâm râm cầu khẩn, bà chỉ máy môi nói rất khẽ, nhưng Thạch Phá Thiên nội công cao cường, mắt sáng lại thông khác hẳn người thường, nên những lời đảo cáo của bà chàng nghe rõ hết. Bất giác bầu nhiệt huyết chàng sủi lên sùng sục, chàng tự nhủ:
Nếu Thạch phu nhân không phải là má má mình thì đâu có đối với mình thiết tha đến thế? Vậy mà mình không chịu kêu người bằng má má thì thật hồ đồ đến cực điểm.
Lòng chàng xúc động, chàng nhảy xổ đến sau lưng Mẫn Nhu nắm lấy hai vai bà gọi luôn mấy tiếng:
Má má! Má má! Má má đúng là mẫu thân của hài nhi!
Vừa rồi chàng xưng hô một cách miễn cưỡng lẽ nào Mẫn Nhu lại không hiểu tâm sự chàng? Bây giờ bà nghe rõ chàng gọi mình bằng cả một tấm lòng thành thực phát ra tự tâm can. Bà liền quàng tay lại ôm lấy Thạch Phá Thiên la lên: – Thằng con đau khổ của má má!…
Thạch Phá Thiên bản tính thuần hậu. Chàng nhớ tới người mẹ đã ở với chàng mười mấy năm, tuy bà ta đối với chàng chẳng có chút thâm tình gì, nhưng mẹ con nương tựa nhau mà sống bấy nhiêu năm thì lòng chàng vẫn quyến luyến không lúc nào quên. Chàng không nhịn được liền hỏi:
Vậy má má hài nhi ngày trước bây giờ ở đâu? Chẳng lẽ… chẳng lẽ người đã lừa gạt hài nhi hay sao?
Mẫn Nhu nhẹ nhàng xoa đầu chàng, nói:
Má má của hài nhi ngày trước hình dạng thế nào? Hài nhi thử nói cho ta nghe. Thạch Phá Thiên ngập ngừng:
Người… đầu tóc đã dốm bạc, thấp hơn má má chừng nửa cái đầu… Người không
biết võ công mà hay nóng giận với hài nhi… Nhiều lúc người trợn mắt nhìn hai nhi ra
chiều tức giận.
Mẫn Nhu lại hỏi:
Y biểu y là má má hài nhi, vậy cũng xưng hô con là hài tử chứ? Thạch Phá Thiên đáp:
Không đâu! Ngươi kêu con bằng Cẩu Tạp Chủng.
Người đàn bà kia kêu Ngọc nhi bằng Cẩu Tạp Chủng tức là trong lòng mụ căm giận vợ chồng mình, chẳng lẽ… mụ chính là người đàn bà đó?
Mẫn Nhu vội hỏi:
Phải chăng người đàn bà đó mặt trái xoan, nước da trắng trẻo, khi cười má lún đồng tiền? Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp:
Không phải đâu! Má má đó má phính mà nước da vàng lại ngăm ngăm đen. Người ít khi tươi cười nên chẳng thấy lún đồng tiền chi hết.
Mẫn Nhu thở phào một cái nhẹ nhõm, nói:
Té ra không phải là y. Hài nhi! Tối hôm ấy ở trong miếu Thổ Ðịa má má vì không cẩn thận mà để mũi kiếm đâm trúng hài nhi. Vết thương đó thế nào?
Thạch Phá Thiên đáp:
Thương thế nhẹ lắm. Qua mấy ngày là hài nhi khỏi liền.
Hài nhi làm thế nào mà trốn thoát được khỏi tay Bạch Vạn Kiếm? Con trai chúng ta thật là quá quắc, đến Khí Hàn Tây Bắc cũng không giữ được.
Hai câu sau cùng dĩ nhiên là Mẫn Nhu nói với Thạch Thanh. Trong câu nói của bà có vẻ đắc ý.
Thạch Thanh cùng Bạch Vạn Kiếm hôm ở trong miếu Thổ địa đã đấu với nhau kể có hàng ngàn chiêu. Ông rất bội phục kiếm thuật tinh thâm của Bạch Vạn Kiếm. Bây giờ ông nghe vợ nói vậy thì trong lòng không có ý tán đồng, liền bảo vợ:
Ðừng khoa trương gã thái quá! Nuông chìu gã nhiều chỉ làm cho gã sinh hư.
Không phải tự hài nhi trốn thoát được đâu mà là nhờ Ðinh Bất Tam gia gia cùng Ðinh Ðinh Ðang Ðang cứu thoát đó.
Vợ chồng Thạch Thanh nghe đến tên Ðinh Bất Tam đều run lên, vội hỏi Thạch Phá Thiên cho biết rõ nội vụ.
Câu chuyện này khá dài. Thạch Phá Thiên đem hết gốc ngọn nội vụ thuật lại.
Ðinh Bất Tam cùng Ðinh đang đã cứu chàng trong trường hợp nào. Ðinh Bất Tam sau lại muốn giết chàng ra sao. Ðinh Ðang dạy chàng “Cầm Nã thủ pháp” đến đâu. Vì lẽ gì Ðinh Ðang liệng chàng sang thuyền khác. Chàng thuật lại hết một lượt.
Mẫn Nhu lại hỏi đến việc về trước. Thạch Phá Thiên liền đem việc cùng Ðinh Ðang
bái thiên địa thế nào? Lúc chàng trở về bang Trường Lạc bị Bạch Vạn Kiếm bắt ra sao kể lại. Sau đó chàng thuật tiếp xuống vụ gặp Sử bà bà cùng A Tú trên sông Trường Giang, chàng cùng Ðinh Bất Tứ tỷ võ ra sao? Sử bà bà lúc ở trên đảo Tử Yên thu chàng làm đại đệ tử phái Kim Ô. Tiếp đến chàng cùng Trương Tam, Lý Tứ bái kết đệ huynh cho đến việc đại náo Thiết Xoa hội rồi lạc vào chùa Thượng Thanh đều lần lượt kể lại.
Lúc Thạch Phá Thiên gặp những tay kỳ sĩ giang hồ, chàng đều lơ mơ chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, nên bây giờ chàng thuật chuyện không khỏi có nhiều chỗ lẫn lộn.
Nhưng Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu chất vấn từng mục một rồi trong mười phần hai người cũng hiểu đến tám chín.
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu càng nghe càng lấy làm kỳ dị đầu óc hai người mỗi lúc một thêm trầm trọng.
Thạch Thanh hỏi đến Thạch Phá Thiên đã vào bang Trường Lạc trong trường hợp nào.
Thạch Phá Thiên liền kể lại từ chuyện bắt chim sẻ trên Ma Thiên Lãnh. Ðồng thời thuật ngược trở lên đến việc xảy ra ở quán bánh nướng tại Hầu Giám tập và được Mẫn Nhu tặng bạc. Vợ chồng Thạch Thanh bị Tạ Yên Khách cướp mất hai thanh kiếm Hắc Bạch thế nào. Lão đưa chàng về Ma Thiên Lãnh làm gì, nhất nhất chàng thuật lại hết.
Vợ chồng Thạch Thanh không ngờ năm trước đã gặp một đứa ăn xin dơ dáy ở Hầu Giám tập lại chính là con mình.
Mẫn Nhu hồi tưởng đến tình cảnh gã ăn xin bị lưu lạc gian truân lòng bà se lại.
Thạch Thanh nghĩ thầm:
Tính thời gian thì mình gặp Ngọc nhi ở Hầu Giám tập đúng vào thời kỳ Ngọc nhi trốn khỏi thành Lăng Tiêu chưa bao lâu. Vậy mà cả bọn Cảnh Vạn Chung sao cũng không nhận ra y? Thạch Thanh nghĩ tới đây liền ngắm kỹ lại diện mạo Thạch Phá Thiên. Ngày ở Hầu Giám tập, ông gặp chàng là một gã ăn xin nhỏ tuổi, ông chỉ nhớ mang máng gã mặc áo quần lam lũ, mặt mũi lem luốc.
Thạch Thanh cho là chàng ở thành Lăng Tiêu trốn đi, dọc đường ăn xin, mặt mũi dơ dáy, không chừng chàng cố ý làm ra như vậy để bọn Cảnh Vạn Chung không nhận diện được. Hơn nữa, hình dáng trẻ nít biến đổi mau chóng, lại càng khó nhận.
Ông liền hỏi:
Ngày Ngọc nhi ở ngoài tiệm bán bánh tại Hầu Giám tập thấy sư thúc Cảnh Vạn Chung cùng mấy vị tới nơi, Ngọc nhi có sợ không?
Mẫn Nhu không muốn chồng nhắc tới chuyện phái Tuyết Sơn, nhưng bây giờ đã nói đến thì không ngăn trở được nữa. Bà nhăn tít cặp lông mày xinh đẹp, ra chiều lo lắng cho cậu con cũng bị ông chồng nghiêm lời truy vấn.
Bỗng nghe Thạch Phá Thiên đáp:
Cảnh Vạn Chung ư? Mấy vị đó là sư thúc thiệt chăng? Khi ấy hài nhi không hay họ
đến bắt mình nên chẳng sợ chi hết.
Thạch Thanh lại hỏi:
Sao? Khi ấy Ngọc nhi không biết họ đến bắt mình ư? Hài nhi… không biết cả Cảnh Vạn Chung là sư thúc mình nữa hay sao?
Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp:
Hài nhi không biết.
Mẫn Nhu thấy mặt chồng dường như bao phủ một đám mây mờ thì biết ông đang tức giận vô cùng, nhưng cố nén lòng không muốn nổi hung. Bà liền nói:
Hài nhi! Con người ta ai mà không phạm lỗi lầm. Nhưng có lỗi biết hối cải, cũng là hay lắm. Những hành động của hài nhi trước kia có thể tìm cách sữa đổi. Gia gia cùng má má đã thương yêu con hơn cả tính mạng, vậy con đừng giấu diếm điều chi, có chuyện gì sai quấy cứ nói thực cho gia má biết. Phong sư phụ đối đãi con thế nào?
Thạch Phá Thiên hỏi lại:
Phong sư phụ ư? Phong sư phụ là ai?
Chàng nhớ lại lúc ở trong miếu Thổ địa thường nghe gia má cùng Bạch Vạn Kiếm nhắc đến tên Phong Vạn Lý, liền hỏi tiếp:
Có phải Phong Hỏa Thần Long Phong Vạn Lý không? Hài nhi chỉ nghe gia má đã nhắc tên y, nhưng chưa từng biết mặt.
Vợ chồng Thạch Thanh đưa mắt nhìn nhau. Thạch Thanh lại hỏi:
Còn Bạch gia gia? Lão gia này tình tình nóng nảy lắm phải không?
Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp:
– Hài nhi không được biết Bạch gia gia nào và chưa gặp bao giờ.
Thạch Thanh cùng Mẫn Nhu lại hỏi đến những sự vật trong thành Lăng Tiêu phái
Tuyết Sơn, nhưng Thạch Phá Thiên đều không biết chi hết.
Mẫn Nhu nói:
– Thanh ca! Y mắc bệnh hồi ấy quên hết.
Thạch Thanh gật đầu rồi lẳng lặng không nói gì nữa.
Hai người cùng bụng bảo dạ:
Lúc ngọc nhi ở thành Lăng Tiêu trốn đi. Tâm thần gã rất đổi hoang mang. Nếu gã không bị người trong thành Lăng Tiêu đánh cho bị thương ở đầu óc thì tất vì sợ hãi quá độ mà sanh ra mất trí, nên quên sạch những việc đã qua. Gã nói đến ở Ma Thiên Lãnh và bang Trường Lạc bị bịnh phát hàn phát nhiệt, nhưng bệnh căn đã gieo vào người gã từ mấy năm trước.
Mẫn Nhu lại dò hỏi đến những việc từ thuở nhỏ Thạch Phá Thiên nói lui nói tới toàn là việc đi săn đặt bẫy ở chốn hoang sơn cùng là những lúc chàng đi ngao du một mình một bóng. Rút cục bà chẳng tìm ra được điều gì mới mẻ tựa hồ mười mấy năm trời từ ngày sơ sinh đến lúc khôn lớn đối với chàng chỉ là một quảng thời gian trống rỗng.
Thạch Thanh lại lên tiếng:
Ngọc nhi! Có một việc rất trọng đại quan hệ đến sự sống chết yên nguy của hài nhi ta cần biết là hài nhi đã học võ công phái Tuyết Sơn được đến đâu rồi?
Thạch Phá Thiên ngơ ngẩn đáp:
Lúc hài nhi ở trong miếu Thổ địa thầy bọn họ luyện kiếm rồi nhớ được chút ít mà thôi. Có phải họ căm hận về chuyện con học lỏm võ nghệ mà định giết con không? Gia gia ơi! Bạch sư phó bảo con là đệ tử phái Tuyết Sơn, con không hiểu gì hết. Nhưng trên đùi con quả có dấu vết về kiếm thuật phái Tuyết Sơn lưu lại, mới thiệt là kỳ! Hỡi ơi!…
Thạch Thanh quay lại bảo vợ:
Nhu muội! Ðể ta thử võ công gã xem sao.
Ðoạn ông rút kiếm ra nói:
Ngọc nhi hãy đem Tuyết Sơn kiếm pháp ra tỷ đấu với gia gia và không được giấu diếm tý gì hết.
Mẫn Nhu tháo thanh kiếm của mình đưa vào tay Thạch Phá Thiên, bà mỉm cười để cổ võ chàng.
Thạch Thanh từ từ phóng kiếm đâm tới.
Thạch Phá Thiên vung kiếm lên gạt. Chàng sử chiêu “Sóc Phong Hốt Khởi” trong Tuyết Sơn kiếm pháp.
Chiêu này tuy giống thật, nhưng không đúng mức, để hàng trăm chỗ sơ hở.
Thạch Thanh hơi nhíu cặp lông mày. Ông không để hai thanh kiếm đụng nhau, vừa biến chiêu vừa nói:
Ngọc nhi trả đòn đi!
Thạch Phá Thiên dạ một tiếng, chàng bổ xuống chênh chếch đi. Chiêu này chàng đã dùng kiếm làm đao. Thế kiếm thi triển theo Kim Ô đao pháp chứ không phải kiếm pháp.
Thạch Thanh phóng kiếm đâm tới, đường kiếm đi trước khoan sau mau […] Ông nghĩ bụng:
Thằng nhỏ này dù có tinh ranh đến đâu cũng đừng hòng lừa gạt ta lúc thi triển võ công. Con người khi đã đến lúc cách cái chết chỉ chừng sợi tóc, thì tất nhiên không dám sử kiếm một cách giả dối, trái với sở trường của mình.
Những kiếm chiêu của Thạch Thanh toàn nhằm những yếu huyệt phóng tới.
Trong lòng Thạch Phá Thiên đã hơi hoang mang, tự nhiên chàng thi triển một thế võ mà chàng đã sáng chế ra, nó chẳng là đao phap mà cũng không phải kiếm pháp. Thạch Thanh phóng ra những kiếm chiêu nhanh như gió, mỗi lúc một thêm thần tốc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.