284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

HỒ BÁ ÔN



   Hồ Bá Ôn tự là Công Thúc, hiệu Tùng Viên, sinh năm Giáp Dần (1854) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, ông là người thông minh, khảng khái.

   Ông thi Hương khoa Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870), tại Nghệ An, đỗ cử nhân năm 27 tuổi. Ông đỗ Ất khoa kỳ thi Hội năm Tự Đức thứ 28 (1875) ở tuổi 22. Ông làm đến chức Hàn lâm viện Kiểm thảo, sung Biên tu Nội các rồi Tri huyện Hương Thủy. Năm 1877 thăng hàm trước tác, lĩnh chức Thừa chỉ Nội các rồi chuyển làm Thị độc. Năm Tự Đức thứ 34 (1881), lĩnh chức Án sát Nam Định.

   Ngày 25 tháng 4 năm 1882 quân Pháp hạ thành Hà Nội, các quan tỉnh Nam Định đã hội nghị nhận định sớm muộn quân Pháp cũng đánh chiếm tỉnh thành Nam Định và các tỉnh thành khác ở Bắc Kỳ, và lần này chúng sẽ chiếm đóng vĩnh viễn chứ không trao trả như lần trước. Vì vậy các quan tỉnh mà hăng hái nhất là Án sát Hò Bá Ôn, Đề đốc Lê Văn Điếm đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để đối phó với giặc Pháp. Các quan tỉnh đã bất chấp lệnh của triều đình Huế lệnh cho các quân thứ Bắc – Trung Kỳ phải bãi bỏ các hoạt động chống Pháp. Án sát Hồ Bá Ôn cùng các quan tỉnh điều động quân ở các đồn về phòng thủ thành Nam Định.

   Ngày 24/2/1883, giặc Pháp đánh chiếm thành Nam Định. Trước hành động xâm lược của giặc, quan quân trong thành và nhân dân các phố phường khẩn trương chuẩn bị tiếp chiến.

   Sáng ngày 25/3/1883, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Vũ Trọng Bình bắt phải nộp thành ngay sau khi nhận được tối hậu thư của giặc, Vũ Trọng Bình đã triệu tập các quan họp đột xuất. Cũng giống như ở triều đình Huế, quan lại chia làm hai phe chủ hòa và chủ chiến. Giữa lúc căng thẳng đó thì các quan nhận được tin Nguyễn Hữu Bản, con trai Án sát Nguyễn Mậu Kiến và Nguyễn Thành Thà đều đưa lực lượng nghĩa quân đến xin hợp tác cùng quan quân giữ thành. Tổng đốc Vũ Trọng Bình còn do dự thì Án sát Hồ Bá Ôn đã ra lệnh mở cửa thành đón hai đoàn nghĩa quân vào. Nguyễn Hữu Bản và Nguyễn Thành Thà vào thành đã làm cho lực lượng phía chủ chiến thắng thế. Hội nghị quyết định bác bỏ tối hậu thư của Henri Rivière. Tuy vậy khi Vũ Trọng Bình trả lời Henri Rivière vẫn giữ ý tứ mềm mỏng: “Thành do vua ủy thác, không thể giao nộp được!”.

   Sáng ngày 25/3/1883, quân Pháp định tấn công thành, nhưng sương mù, không nhìn rõ mọi vật, nên không tấn công được. Chúng cho lính đi trinh sát và tổ chức phá hủy 3 khẩu đại bác ở cổng thành phía Nam, rồi cho quân đổ bộ tấn công. Cửa Đông là nơi quân Pháp tập trung xung lực và hỏa lực tấn công ác liệt nhất. Biết rõ cổng thành phía Đông là mục tiêu đánh phá chủ yếu của giặc, Tổng đốc Vũ Trọng Bình thương ủy cho Án sát Hồ Bá Ôn cùng Đề đốc Lê Văn Điếm trấn giữ. Cùng giữ cổng này với hai ông còn có Nguyễn Hữu Bản chỉ huy dân binh. Các ông chiến đấu dũng cảm, đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc, giết chết nhiều tên. Đến chiều tối chúng phải tháo chạy xuống tầu chiến.

   Ngay sau khi giặc tháo chạy, Hồ Bá Ôn cùng các tướng chỉ huy quân và dân củng cố thành, bịt hẳn ba cổng bằng các bao đất đá chỉ để lại cửa Tây.

   Bảy giờ sáng ngày 27/3/1883, quân Pháp bắn đại bác gắn dưới tầu cấp tập vào thành, mục tiêu đánh phá chính của chúng vẫn là Cửa Đông – Song dưới sự chỉ huy của án sát Hồ Bá Ôn và Đề đốc Lê Văn Điếm lệnh cho hàng trăm khẩu pháo nã đạn vào tầu giặc… Giữa lúc cuộc chiến đấu diễn ra gay go quyết liệt thì Tổng đốc Vũ Trọng Bình, Án sát Đồng Sỹ Vịnh bỏ thành chạy, Hồ Bá Ôn cùng cha con Nguyễn Thành Thà vẫn dũng cảm chỉ huy quân sĩ. Hồ Bá Ôn trúng đạn bị thương, ông vội buộc vết thương, tiếp tục chỉ huy quân sĩ đánh giặc. Ông lại bị trúng đạn lần thứ hai, ngã lăn ra đất. Khi quân sĩ đưa Nguyễn Thành Thà cũng bị thương ra khỏi thành, Hồ Bá Ôn không khỏi đau xót vì khó mà giữ được thành. Ông bị ngất lịm, quân sĩ khiêng ra ngoài. Khi tỉnh dậy ông biết là thành đã bị lọt vào tay quân Pháp, khí uất xung lên, bệnh càng trầm trọng. Quân sĩ đưa ông xuống thuyền, theo đường biển về quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An phục thuốc. Việc tâu lên, vua ban cho 30 lạng bạc để chữa thuốc. Song vì vết thương quá nặng mới được một tháng thì mất. Năm ấy ông mới 41 tuổi. Vua được tin nói: “Không tránh cái chết mà mất theo thành hơn kẻ tránh cái chết xa lắm”. Rồi chuẩn cho đặc cách truy tặng Quang lộc Tự khanh và chiếu theo hàm mới mà cấp tiền tuất để khuyến khích những người khi lâm sự hết lòng tiết tháo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.