284 Anh Hùng Hào Kiệt Của Việt Nam

LÊ VĂN THỨC



   Lê văn Thức là người làng Nhuận Thạch, nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông là cai tổng, thường gọi là Cai Hoà. Ông làm tổng lý, nhưng không a dua theo Pháp như nhiều kẻ khác mà luôn luôn đứng về phía nhân dân phản đối sưu cao, thuế nặng, bắt phu, bắt lính của bọn quan phủ, quan huyện tay sai giặc Pháp.

   Năm 1885 vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, sai Trần Xuân Soạn về Thanh Hoá phát động phong trào khởi nghĩa. Cai Hoà hưởng ứng bằng cách vận động con em, gia nhập nghĩa quân. Ông thường bàn với lý trưởng Chới ở làng Triều Xá tìm cơ hội đánh giết giặc Pháp. Dịp may đã đến, vào đầu tháng 3 năm Bính Tuất (7/4/1886) một toán lính Pháp đi tuần tra, đến làng Triều Xá, chúng vào nghỉ ở nhà Lý trưởng Chới.

   Cai Hoà được Lý trưởng Chới thông báo, liền quyết định đánh. Một kế hoạch cướp súng và tấn công quân Pháp được vạch ra. Trong lúc lính Pháp ở trong nhà đã ăn uống xong, đang đùa với nhau, súng vẫn chụm ở ngoài sân. Bỗng một đoàn người già trẻ, trai gái, đem lễ vật là chuối tiêu và trứng gà luộc hợp khẩu vị của lính Pháp bước vào. Một cụ già đại diện nói: “Nghe tin các quan Pháp về, dân xã chúng tôi đến chào mừng và có chút lễ mọn đem kính biếu”. Bọn Pháp khen ngợi. Dân đến mỗi lúc một đông, trong đó có nhiều trai tráng, bất thình lình một số người xông vào cướp súng, rồi gậy gộc phang vào đầu giặc Pháp, gạch đá ném túi bụi vào chúng. Ta cướp được súng nhưng không có đạn. Bọn lính Pháp sau phút hoảng loạn, chúng bình tĩnh trở lại, giành lại được vài ba khẩu súng, chĩa súng vào đám đông bóp cò. Bên ta một số người bị thương, bọn lính Pháp chết 2 tên và rất nhiều tên bị thương. Bọn lính Pháp chạy ra bãi Mả Mồ, chấn chỉnh đội hình bắn trả.

   Sau khi quân Pháp rút. Lê Văn Thức và Lý Chới biết thế nào giặc Pháp cũng quay lại đàn áp trả thù liền cho người già, trẻ con ở ba làng Triều Xá, Triều Tiến, Nhuận Thạch bồng bế con cái gồng gánh đồ đạc, dắt trâu, khiêng lợn lánh sang các làng khác. Lê Văn Thức tổ chức trai tráng thành đội ngũ, anh em tự trang bị vũ khí chủ yếu là giáo mác, dao phát bờ, gậy gộc, rào làng chuẩn bị chiến đấu.

   Quả nhiên mấy ngày sau, quân Pháp điều động một lực lượng lính Pháp, lính khố xanh. khố đỏ bao vây, tiến đánh ba làng trên. Chúng cũng đề phòng quân của Lê Khắc Tháo, Trần Xuân Huấn, Nguyễn Hữu Lâm tới chi viện đã cho quân đóng chặn các ngả đường vào ba làng trên.

   Quân Pháp bắn như đổ đạn vào các làng rồi cho quân tiến vào làng. Nghĩa quân chỉ có vài khẩu súng cướp được của giặc nhưng không có đạn nên không đánh được từ xa. Khi quân giặc đột phá vào làng Triều Xá, ông Lê Văn Thức đích thân chỉ huy nghĩa quân đánh giáp lá cà với giặc. Nhưng thế giặc mạnh, ông phải cho quân rút khỏi làng. Bọn Pháp truy kích ráo nết. cuối cùng chúng bắt được Lê Văn Thức và một số nghĩa quân, đã dùng một cực hình tra tấn buộc ông phải khai ra những người đồng mưu với mình, song chúng không moi được gì. Ngày 4 tháng 3 năm Bính Tuất (714/1886) Lê Văn Thức bị giặc Pháp chém rồi treo đầu ở cửa Tả thành Thanh Hoá. Ba ngày sau mới cho người nhà đem xác về chôn. Khi con cháu thay áo thấy trong vạt áo của ông có câu đối viết bằng máu:

      Nhất phiên đan tâm ưng bất tử
      Bách niên cơ sự phó lai sinh. 

Dịch:

      Một tấm lòng son ưng chẳng chết.
      Trăm năm cơ sự để người sau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.