Ai Che Lưng Cho Bạn

Bước 3: Luyện tập nghệ thuật ăn tối chậm



Nếu như việc xác định thành viên tiềm năng đòi hỏi phải có đầu óc rõ ràng và chiến lược của một vị tướng, thì việc theo đuổi họ đòi hỏi phải có sự khéo léo và tinh tế của một nhà ngoại giao. Ngay cả những người hoàn toàn cởi mở chấp nhận khái niệm quan hệ hỗ tương sâu sắc – những người có đủ Bốn Đặc điểm tư duy mà tôi đã đề cập ở phần trước – cũng cần phải được giúp đỡ tham gia vào quá trình trên thực tế. Rõ ràng, bạn không thể nói với ai đó trong lần gặp gỡ đầu tiên: “Chúng ta hãy đi ăn tối và chia sẻ hết những bí mật sâu kín nhất!”

Một trong những công cụ tốt nhất để xây dựng mối quan hệ sâu đậm được tôi gọi là “ăn tối chậm” để trân trọng Greg Seal, người đã đề nghị một bữa tối như thế khi tôi lần đầu tiên gọi điện đến ông xin được giúp đỡ. Greg vẫn luôn hiểu rằng đưa người ta khỏi môi trường hàng ngày và không phải lo lắng là một điều cực kỳ quan trọng để thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau.

Là một người gốc Italia, tôi không khó khăn gì để hiểu được giá trị của những cuộc trò chuyện về các vấn đề quan trọng và tạo nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ cá

nhân trong những bữa ăn kéo dài. Chúng tôi có một câu nói: A tavola non s’invecchia, có nghĩa là “Trong bữa tối không ai già đi”. Tôi thích ý tưởng này – còn gì đúng hơn? Thời gian như thể ngừng trôi. Bạn có thể dành nhiều thời gian đến bao lâu bạn cần. Đây là một khái niệm quan trọng vì khi thời gian cập rập, các mối quan hệ thường nghiêng về phía Hãy đi thẳng vào vấn đề! Và Tôi có thể giúp gì được cho anh? hoặc Anh có thể giúp gì cho tôi?

Đó không phải là cách vận hành của một bữa tối chậm. Khi đồng hồ ngừng lại, mọi người bắt đầu hạ bức tường phòng thủ xuống. Họ nhìn xuyên qua những định kiến hay những gánh nặng tình cảm và tìm đến những con đường chung. Mối quan hệ của bạn với một người bạn muốn mời làm cố vấn hay thành viên trong nhóm có thể định hình trong những phút giây như thế. “Tinh túy của một bữa tối chậm là xây dựng niềm tin, sự cởi mở, và chấp nhận tổn thương,” Greg nói, “để từ đó bạn nhận được những món thật trên bàn, và những kế hoạch này nọ bị dọn sạch khỏi bàn. Một bữa tối chậm tạo ra sự thân mật giúp loại bỏ những giả tạo, và cho phép người tham gia nhìn sâu vào tâm hồn nhau và chia sẻ sự thật. Chỉ có trên cơ sở sự thật thì kế hoạch hành động của bạn mới thành công”.

Nhưng trước khi bạn đặt bàn tại nhà hàng yêu thích, nên nhớ rằng cụm từ bữa tối chậm chỉ là một hình ảnh ẩn dụ chỉ một buổi gặp gỡ giữa bạn và người bạn muốn mời vào làm thành viên của nhóm tin cậy. Nó là một không gian an toàn để Bốn Đặc điểm tư duy – thẳng thắn, tổn thương, trách nhiệm, và quảng đại – được phát huy. Bạn và người kia có mặt ở đó vì nhau. Mọi thứ khác không quan trọng.

Nếu bạn nghĩ đến cụm từ “tán tỉnh”, thật tình bạn chưa đi xa đến thế đâu. Nó đúng là giống như tán tỉnh. Tôi không có ý nói rằng vòng tròn tin cậy của bạn phải bao gồm những người đồng điệu hay những phiên bản y hệt của bản thân; ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đi tìm những người có thể bổ sung cho kiến thức và kỹ năng của mình, và đóng góp chuyên môn trong những lĩnh vực mà mình chưa hoàn thiện.

Nhưng mọi tán tỉnh đều có mục tiêu – đó là tìm hiểu người khác trong một môi trường an toàn. Mục tiêu không phải là hứa hẹn điều gì; chỉ là khai thác tìm hiểu ban đầu mà thôi. Không cần thiết phải vội vã hứa hẹn quá sớm rằng hai người sẽ hỗ trợ lẫn nhau cho đến khi bạn biết chắc người kia có thể và sẵn sàng đóng trọn vai trò quan trọng này trong cuộc đời bạn.

Vậy thì kết quả của một bữa ăn tối chậm, trong đó cả hai chia sẻ những mối quan tâm và tiết lộ ước mơ của mình, nếu bạn cảm thấy mối quan hệ có vẻ như đang được hình thành, là gì? Lý tưởng nhất là, có thể sau một bữa tối hay sau ba tháng tìm hiểu, cả hai người hiểu rõ về nhau, dựa trên Bốn Đặc điểm tư duy của một mối quan hệ cứu sinh.

1. Rằng mỗi người đều nhận thấy nhu cầu phải thay đổi và vươn cao hơn.

2. Rằng bạn mong muốn cùng làm việc với nhau như những đối tác để giúp nhau đạt mục tiêu.

3. Rằng mỗi người sẵn sàng đặt nhu cầu của mình lên bàn, vì lợi ích chung của sự hợp tác.

4. Rằng cả hai đều nhận thấy lợi ích của sự hợp tác.

5. Rằng cả hai đều quyết tâm trung thực, kiên trì, và tự hoàn thiện.

6. Rằng cả hai đều sẵn sàng giữ cho người kia không rơi.

Bữa ăn tối chậm thật ra là để tìm hiểu người khác trong một môi trường phù hợp. Bạn không nhất thiết phải đến nhà hàng – nhất là khi bạn sẽ gặp gỡ nhiều người mà bạn nghĩ là phù hợp với vai trò cố vấn. Mục đích chính của nó là kéo người ta khỏi bàn làm việc, khu làm việc, văn phòng, phòng làm việc tại nhà, phòng khách, điện thoại, máy tính, vốn là những thứ vẫn bao quanh họ trong công việc và khi ở nhà.

Người ta khi ngồi tại bàn thường bị gắn chặt với một cách hành xử nhất định. Bạn muốn tách họ khỏi thói quen này. Trong công sở, cách bố trí chỗ ngồi không vách ngăn hiện rất phổ biến thật ra chỉ làm cản trở những mối quan hệ chân thật. Phong cách văn phòng không vách ngăn nhằm khuyến khích hiệu quả và cởi mở đồng thời phá vỡ những cấp bậc cứng nhắc – theo một cách nào đó thì nó cũng đã làm được điều này. Nhưng tôi nhận thấy nó cũng ngăn cản giao tiếp cởi mở vì lo ngại người khác nghe được; nó làm cho người ta bám chặt vào bàn như những chiếc bè, như cơ hội cứu vớt cuối cùng của sự an toàn và cô độc.

Hãy thử làm khác đi như sau: Mời ai đó ra ngoài uống nước. Đôi khi tôi dùng bộ salon trong khu vực tiếp khách của công ty, vì đây thường là không gian yên ắng nhất, ít bị chiếm đóng nhất. Tốt hơn nữa là mời ăn sáng hay ăn trưa bên ngoài văn phòng hay nhà riêng. Ăn sáng hay ăn trưa có thể không đơn giản vì thời gian eo hẹp, nhưng ít nhất bạn cũng thoát khỏi những sao nhãng do người đi qua đi lại nói chuyện trong văn phòng.

Tôi nhận thấy mời người khác đến nhà mình là một trong những cách tốt nhất để tìm kiếm sự hỗ trợ. Bước chân qua ngưỡng cửa ngay lập tức gỡ bỏ được những rào cản – gia đình là thành trì bảo vệ chúng ta khỏi thế giới bên ngoài. Khi bạn bước vào nhà của người khác, bạn đang bước vào không gian riêng của họ – và vào cuộc sống riêng của họ. Hành động đơn giản này thôi thường cũng đã đủ để tạo một mức trung thực và cởi mở mới cho mối quan hệ. Bạn không cần phải tổ chức một bữa tiệc hoành tráng hay thậm chí nấu nướng gì. Uống cocktail trên sân thượng hay ngoài hàng hiên là một cách phá băng tuyệt vời. Hoặc mời ai đó cùng đi tập thể dục hay cùng xem một sự kiện thể thao, một phim hay trên truyền hình.

Nói ngắn gọn, bữa tiệc tối chậm có thể diễn ra ở bất cứ đâu mà cả hai người cảm thấy an toàn.

Hành động thử: Đóng vai cứu sinh

Cách tốt nhất để biết liệu người kia có thể làm một ứng cử viên thích hợp cho vòng tròn thân thiết của bạn hay không là cứ nhảy vào và hành động như thể họ đã thực sự là thế. Hãy xem họ phản ứng như thế nào. Điều chính yếu là cứ việc đưa mối quan hệ sang một tầm mức sâu sắc hơn mà không cần hỏi ý kiến họ có muốn “tham gia” hay không.

Nhưng nói trước, cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Buổi gặp gỡ đầu tiên của bạn có thể sẽ tan tành. Hoặc là bạn có thể không cảm thấy đủ an toàn để mở lòng, hoặc bạn có thể cảm thấy người kia không đủ quan tâm đến bạn và những vấn đề của bạn, hoặc đơn giản là bạn cảm thấy giá trị cốt lõi và mục tiêu của mình không hòa hợp được với người kia. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để ấn tượng đầu tiên là yếu tố quyết định duy nhất.

Khi bạn miêu tả mục tiêu và ước mơ của mình, hãy nhớ kể cho người kia nghe bạn muốn đạt gì trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Đừng quên những gì Peter Guber nói về quyền lực và tầm quan trọng của kể chuyện! Hãy trao đổi về nguồn gốc của bạn, mục tiêu của bạn có liên quan như thế nào với quá khứ này. Tiếp theo, hãy tập trung vào hiện tại. Bạn đang đấu tranh hay lo lắng về vấn đề gì? Khát vọng tương lai của bạn là gì? Khuyến khích người kia cũng chia sẻ tương tự – và hãy nhớ phải lắng nghe.

Tìm kết nối xa, rộng, và liên tục

Nếu bạn chưa thành công trong nỗ lực thiết lập kết nối sâu đậm hơn với người thứ nhất hay thứ hai, hãy tiếp tục cố gắng. Bạn có thể phải lặp lại quá trình này vài lần để tìm được đúng ba người (hay nhiều hơn), giống như khi bạn phải phỏng vấn hàng chục người để tuyển được một vị trí. Điều này hoàn toàn bình thường. Mục tiêu là tìm được ít nhất một người để thiết lập mối quan hệ sâu sắc và hỗ trợ lẫn nhau. Tôi cũng chỉ có một vài cố vấn tin cậy ban đầu. (Tôi không biết Peter Guber quan tâm đến tôi và sẵn sàng giúp sức vào sự thành công của tôi cho đến khi ông ấy đập búa tạ lên đầu tôi).

Hãy chuẩn bị tinh thần ném tấm lưới thật rộng. Cách đây vài năm, tôi gặp Beth Comstock, tổng giám đốc tiếp thị tại General Electric. Beth là một nữ doanh nhân cực kỳ tài năng, toàn tâm toàn ý tập trung phát triển GE, trung thành với công ty và ban lãnh đạo. Sau buổi gặp đầu tiên, chúng tôi tiếp tục liên hệ qua email, nhưng do lịch làm việc dày đặc của bà, chúng tôi không gặp mặt nhau sau hơn một năm. Lúc đó chúng tôi có một buổi họp hành công việc, và chúng tôi vẫn chưa có thời gian để trao đổi xã giao với nhau.

Cũng vào thời điểm đó, tôi nhận thấy mình cần phải mở rộng vòng tròn cố vấn của mình. Đột nhiên tôi nhận thấy mình nên thử mời Beth vào nhóm. Tôi thật sự kính trọng bà và vẫn ngạc nhiên trước sự cởi mở, thành thật và rộng lượng của bà. Thế là tôi gửi cho bà một email và đề nghị ăn trưa hay ăn tối để bàn về một chủ đề không liên quan gì đến công việc hiện tại của chúng tôi. Beth đồng ý ăn trưa và đề nghị một ngày. Vào ngày này tôi đang ở cách Los Angeles ba ngàn dặm, nhưng tôi nôn nóng được ăn trưa với bà nên nhảy ngay lên máy bay đến New York.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể gạt mọi thứ qua một bên như vậy. Nhưng điều tôi muốn nói là bạn nên làm bất cứ điều gì có thể để tạo điều kiện cho những mối quan hệ quan trọng như vậy diễn ra. Đừng để tất cả tùy thuộc ý trời.

Thử một chút thẳng thắn

Tôi nhận thấy điều quan trọng là phải yêu cầu người kia đưa ra phản hồi trung thực trong bữa ăn tối chậm. Nếu người đó đã biết rõ về bạn, hãy nói với họ: “Tôi mong được nghe những gì bạn cho rằng đang làm cản trở tôi”. Khuyến khích họ chấp nhận một chút rủi ro với bạn. Thử xem họ có thể tin tưởng vào không gian an toàn mà bạn đã tạo ra hay không.

Họ có đủ cứng rắn để buộc bạn chịu trách nhiệm không?

Đến gần cuối bữa tối chậm, nếu mọi thứ đều tiến triển tốt đẹp, bạn có thể yêu cầu họ buộc bạn chịu trách nhiệm về một mục tiêu nào đó. Thử xem bạn có thể đáp trả bằng cách buộc họ chịu trách nhiệm về một mục tiêu trong cuộc đời họ hay không. Nhưng cho dù những lời khuyên hay phản hồi mà hai người dành cho nhau sẽ là trang trọng hay thân tình – ví dụ như kiểm tra nhau mỗi tuần một lần – điều quan trọng là bạn phải nói rõ chính xác những gì bạn muốn từ người kia: mối quan hệ hỗ trợ mà bạn có thể trông cậy, dựa trên phản hồi thẳng thắn và thành thật. Hãy xem họ phản ứng như thế nào – không chỉ tại bữa tối mà còn theo thời gian nữa.

Dặn dò lần cuối

Đừng kết thúc bữa tối chậm mà chưa đề ra một thời gian cụ thể để cập nhật tình hình hay gặp nhau lần nữa. Đây là một bước quan trọng để quá trình được thành công. Ví dụ, Greg Seal và tôi sống ở hai thành phố khác nhau, nên chúng tôi đồng ý gặp nhau mỗi tháng một lần. Những thành viên khác trong nhóm gặp tôi mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn. Cho dù lịch làm việc của tôi có bận rộn đến mấy – vì tôi thường xuyên bay

đi công tác – tôi đều cố gắng hết sức để gặp gỡ các đối tác hỗ trợ một cách đều đặn. Nếu một người nào đó không thể tranh thủ thời gian để gặp bạn lúc đầu, họ cũng sẽ không có thời gian cho bạn sau này.

Đội ngũ trong mơ: Inklings

Cuộc đời văn chương là một cuộc đời đơn độc. “Chúng tôi làm việc trong bóng tối… chúng tôi làm những gì mình có thể làm… chúng tôi cho những gì mình có thể cho” là câu trích dẫn nổi tiếng của Henry James. Nhưng ai biết rằng nghiệp viết thật ra cũng có thể là một đam mê tập thể?

Inklings là tên của một nhóm nhà văn và trí thức tại Đại học Oxford tập họp thường xuyên trong thời gian gần hai thập niên 1930 và 1940, chia sẻ nhau những tài liệu để sau này cho ra những tác phẩm nổi tiếng của thế kỷ XX – trong số đó có tác phẩm Out of the Silent Planet của C.S. Lewis và Lord of the Rings của Tolkien. (Lewis viết loạt truyện nổi tiếng The Chronicles of Narnia sau khi nhóm này tan rã).

Trong những buổi gặp gỡ tối thứ Ba tại quán rượu trong vùng hay nhà riêng, Lewis, Tolkien, và những thành viên trong Inklings đọc cho nhau nghe bản thảo ban đầu, tranh luận với nhau về phong cách và giọng văn, và tham gia tranh cãi hào hứng về triết lý Công giáo và vị trí phù hợp của nó trong văn chương. Inklings thúc đẩy điều mà Lewis gọi là “đối lập lý trí”, và bản thân Lewis cũng tìm đến những người cùng chung mối quan tâm nhưng “tiếp cận chúng theo những góc độ khác nhau,” như ông viết sau này trong tác phẩm Surprised by Joy, một quyển sách miêu tả quá trình chuyển đổi từ vô thần sang Công giáo – sự thay đổi tâm linh có phần không nhỏ của những tác động và khuyến khích từ nhóm cố vấn tin cậy này.

Bỏ qua một bên những tranh luận văn chương và thần học, giá trị cốt lõi của Inklings là tình bạn và hỗ trợ. Theo một thành viên của nhóm, nhà văn Owen Barfield, “Chúng tôi tranh luận vì sự thật, không phải để chiến thắng; tranh luận cho sự thật, không phải để thư giãn”.

Mặc dù nhóm tan rã vào cuối thập niên 1940, tình bạn giữa Tolkien và Lewis vẫn giữ vững đến cuối cuộc đời, vượt qua cả sự chê bai, phê bình của Tolkien đối với Chronicles of Narnia của Lewis (mặc dù lịch sử, và hàng triệu độc giả, mong muốn sự thật khác đi). Không lâu sau khi Lewis mất, tháng 11/1963, Tolkien viết thư cho con gái như sau: “Trước giờ cha vẫn cảm nhận bình thường đối với một người ở tuổi này – như một cái cây già nua đang mất dần từng chiếc lá. Nhưng lần này cha cảm thấy như một nhát búa đang chém vào rễ cây”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.