Ai Che Lưng Cho Bạn

Phần 4 – Đưa vào cuộc sống – Cơ cấu đơn giản nhưng hữu ích



Những chiến thuật, chiến lược, và cơ cấu – từ những tổ chức chính thống đến nhóm đồng đẳng tự-giúp-nhau – nhằm giữ bạn đi đúng hướng
Khi còn là một cậu bé vắt mũi chưa sạch sống trong khu phố nghèo nàn bên kia đường xe lửa Latrobe, tôi nghĩ thật không đơn giản nếu muốn gõ cửa xã hội bí mật của Yale. Tôi không thuộc dạng người kiên nhẫn, cứ ngồi đợi chuyện gì đến sẽ đến, nên ngay từ nhỏ tôi đã tổ chức một nhóm bạn và đặt tên là The Old Campus Society. Một trong những mục đích đề ra của nhóm là “tình huynh đệ” – dịch nghĩa nôm na là anh em vui vẻ với nhau. Và quả thật, sau này chúng tôi đã đưa nhóm này thành một chi hội của hội nam sinh viên Sigma Chi.

Chúng tôi là người đề ra – và phá vỡ – các nội quy; chính nhóm bạn này khiến tôi cảm thấy lúc nào cũng có người đỡ sau lưng. Kinh nghiệm này cho tôi sự tự tin và một nhóm bạn. Nhưng bởi vì chúng tôi không có cơ cấu tổ chức, nghi lễ hay truyền thống nào chính thức để định hướng, chúng tôi đã không đạt đến mức độ thân thiết như mong muốn. Để đạt được điều này, tôi vẫn còn phải đợi.

Năm cuối cùng học tại Yale tôi cũng được mời vào một trong những đoàn thể dành cho sinh viên năm cuối của trường, tức là những “đoàn thể bí mật”, và Skull and Bones là nổi danh nhất. Bí ẩn quanh những nhóm này được nhiều người chú ý đến trong giai đoạn tranh cử năm 2004, khi cả hai ông George Bush và John Kerry đều từ chối không đưa ra chi tiết thành viên trong Skull and Bones – một hành động hơi ngớ ngẩn, vì nếu anh càng úp mở về một hội kín, thì người ta lại càng muốn đặt ra cho anh nhiều câu hỏi!

Mục đích của những hội đoàn này không phải là khuyến khích những hành vi xấu xa bí mật hay thực hiện những lễ nghi quái dị; nó thật ra chỉ là một phiên bản chính thống của quan hệ hỗ tương, một dạng tương tự như The Old Campus Society. Nhóm chúng tôi gặp nhau chính thức hai lần mỗi tuần để giúp nhau vượt qua giai đoạn chuyển đổi đầy lộn xộn, hào hứng, và cũng đáng sợ từ trường học vào trường đời.

Điểm nổi bật nhất là chúng tôi mỗi người đều chia sẻ những câu chuyện cuộc đời của mình – chúng tôi xuất thân từ đâu, đã phải đấu tranh vất vả như thế nào, chúng tôi sẽ đi về đâu và tại sao. Luật lệ quy định chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối – cái gì nói ra trong phòng sẽ chỉ ở lại trong phòng! – và vì vậy khuyến khích chúng tôi trung thực thật sự. Sự thân thiết của nhóm khiến cho chúng tôi cảm thấy đây là một trong số ít nơi trong sân trường chúng tôi có thể là chính mình, không lo ngại người khác đánh giá mình hay lo lắng những gì mình chia sẻ hôm nay sẽ bị đồn thổi khắp trường ngày mai. Trong môi trường căng thẳng và cạnh tranh của Yale, những cuộc hội họp “bí mật” này thật sự là một không gian an toàn.

Đối với tôi, những cuộc họp này thật sự đã làm thay đổi cuộc đời. Đó là lần đầu tiên tôi nói lên nỗi sợ và nỗi bất an khi xuất thân từ một gia đình lao động – nhất là trước một nhóm mà tên dòng tộc họ được gắn bên ngoài những tòa nhà tại Yale. Nhưng những rủi ro mà tôi chấp nhận này đã mang lại kết quả thật tuyệt vời. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mặc dù chúng tôi khác nhau về xuất thân gia đình và vẻ bề ngoài, nhưng tất cả chúng tôi đều đấu tranh vì những điều tương tự, cố gắng để lại dấu chân của mình tốt đẹp nhất với những lợi thế giáo dục mà chúng tôi đã nhận được. Sau khi chia sẻ bí mật, quá khứ không còn là điều xấu hổ đối với tôi nữa. Nó thậm chí còn trở thành một tấm huy chương của lòng can đảm.

Nếu không có được cơ cấu chính thức – luật lệ và cơ chế ràng buộc của hội đoàn sinh viên năm cuối tại Yale – tôi tin chắc rằng những may mắn tôi đón nhận đó phải mất nhiều năm sau mới đạt đến. Giờ đây nhìn lại, sau những lần thử nghiệm và đau khổ của bản thân và những thành tựu nghiên cứu của FG, tôi mới nhận thức được tầm quan trọng của giai đoạn này ảnh hưởng thế nào đến sự trưởng thành và tự khám phá bản thân mình. Tôi đã được trao những mối quan hệ cứu sinh! Và tôi được những nguyên tắc quy định chi phối hành vi để giữ cho những chiếc phao cứu sinh này được vững chắc và mang lại lợi ích.

Dĩ nhiên, chúng tôi không có được những dữ liệu và nghiên cứu, hay những danh hiệu và quy định cụ thể như FG ngày hôm nay, nhưng ngay cả những nhà sáng lập nhóm cách đây hàng trăm năm hay hơn cũng đã hiểu được sức mạnh vô biên của quan hệ hỗ tương. Họ đã thiết lập, sau đó điều chỉnh qua hàng nhiều thập niên, một cơ sở hạ tầng đầy đủ để nuôi dưỡng và truyền đạt quyền năng này sang những thế hệ kế tiếp.

Ngày nay việc chính thức hóa quyền lực trong nhóm không chỉ thuộc riêng về các hội đoàn trong trường đại học, hay các nhóm cai rượu, hay các nam thanh nữ tú đang cố gắng hết sức để giảm cân – thêm những ví dụ về các nhóm sống còn dựa trên sự hỗ trợ chính thức. Quyền lực này dành cho tất cả những ai muốn vượt qua những thách thức để đạt đến tầm vĩ đại.

Đội ngũ trong mơ: Đại Học Phoenix

Đại học Phoenix là trường đại học cực kỳ thành công do John Sperling thành lập năm 1976 với sứ mệnh cung cấp cho người đã đi làm cơ hội tiếp cận học vấn. Trường đã đưa nhóm học tập vào thành một phần quan trọng trong mô hình giảng dạy ngay từ những ngày đầu tiên. Dự án làm theo nhóm chiếm một phần ba số điểm của mỗi môn. Terry Bishop, cựu phó giám đốc điều hành phụ trách đối ngoại tại trường đại học Phoenix đã nói với tôi: “Đa số sinh viên của chúng tôi đều về nhà mỏi mệt sau một ngày dài làm việc và rồi còn phải làm bài tập nữa. Điều gì là động lực thúc đẩy họ đi học trong lớp hay qua mạng? Thường thì chỉ có một thứ: biết rằng những thành viên khác trong nhóm đang dựa vào họ để nhận được sự hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác”.

Mặc dù hiện nay Terri chịu trách nhiệm về đối ngoại cho trường, nhưng trong những năm cuối thập niên 1980 nhiệm vụ chính của bà là giám đốc sáng lập chương trình học qua mạng. Làm việc nhóm cũng là tâm điểm của bộ máy quản lý, và nhiều nhân viên Đại học Phoenix đã làm việc tại đây rất lâu, trải qua nhiều vị trí khác nhau. Không ai là một thế giới độc lập ở đây!

Trong khi tôi ngạc nhiên một cách hài lòng trước mức độ sâu rộng mà trường đại học đã đưa hỗ trợ lẫn nhau vào chương trình học và nhân viên của mình, điều này hoàn toàn hợp lý khi một trường đại học đặt nặng vấn đề lợi nhuận biết tận dụng lợi thế hỗ trợ đồng đẳng trong môi trường học tập. Trên thực tế, một trường đại học tư thục phải có hai mục tiêu – thứ nhất là trách nhiệm học thuật và thứ hai là trách nhiệm tài chính. Vì thế, cũng như bất cứ doanh nghiệp nào, Đại học Phoenix phải làm hài lòng khách hàng của mình, những sinh viên đóng tiền theo đợt mỗi năm tuần và hy vọng nền học vấn mới sẽ giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Công ty muốn tuyển dụng những nhân viên có kỹ năng làm việc nhóm theo đúng như những gì Đại học Phoenix giới thiệu với sinh viên thông qua từng khóa học – kỹ năng theo đuổi, lãnh đạo, và làm việc hợp tác với mọi người để đạt kết quả.

Dĩ nhiên, bạn có thể vận dụng những nguyên tắc của quyển sách này một cách không chính thống, như tôi đã làm tại những ngã ba đường trong cuộc đời, và áp dụng những quy định không mấy chặt chẽ trong vấn đề cam kết, rồi xem thử kết quả như thế nào. Nhưng nhiều khả năng là chỉ sau một vài tuần hay vài tháng, bạn sẽ đánh mất nguồn động lực và quán tính và cảm nhận được mọi thứ đang thả phanh xuống dốc. Để thật sự duy trì được hỗ trợ đồng đẳng – và những thay đổi đi kèm – chúng ta cần phải đặt những đặc điểm tư duy và các bước thực hiện trong một cơ cấu nhất định để đảm bảo rằng chúng ta luôn đi đúng hướng.

Tôi có kinh nghiệm từ bản thân và hiểu rõ nguy hiểm của việc thực hiện mà không có trách nhiệm chính thức. Hãy lấy ví dụ về trải nghiệm thuở nhỏ của tôi về việc đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật. Khi tôi ngồi quanh một nhóm con chiên sùng đạo hoàn toàn mới, tôi cảm thấy rất xúc động và như có một mối dây liên kết giữa những con người xa lạ này lại với nhau; và khi buổi lễ kết thúc, tôi tự hứa với lòng sẽ không bao giờ bỏ lễ dù chỉ một tuần. Nhưng không có một nhóm cam kết buộc tôi phải giữ lời thề, tôi không phải lúc nào cũng giữ được lời hứa. Tình hình tương tự cũng xảy ra sau những đợt tập thiền. Tôi thường kết thúc buổi tập thiền cảm thấy rất thư thái, an bình, và tin chắc rằng mình phải tập thiền mỗi ngày từ nay đến cuối cuộc đời. Nhưng chỉ cần vài ngày sau, phút giây thiền duy nhất của tôi là ngồi suy nghĩ về một email phải trả lời trên chiếc BlackBerry.

Một lý do đơn giản giải thích vì sao các mạng lưới hỗ trợ chính thức bùng nổ trong vài thập niên trở lại đây: Vì chúng mang lại hiệu quả! Theo một nghiên cứu năm 2004 do Dun & Bradstreet thực hiện cho nhóm hỗ trợ lãnh đạo Vistage, những công ty có ban lãnh đạo tham gia Vistage hầu như đều có tỉ lệ tăng trưởng gấp ba lần trong vòng hai năm. “Tại Vistage, chúng tôi giúp các thành viên xác định nên làm gì và sau đó buộc họ phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng những việc này,” Rafael Pastor, Chủ tịch và CEO của Vistage cho biết.

Tại Ferrazzi Greenlight, chúng tôi cũng đã chứng kiến thành quả đầy kinh ngạc trong những khách hàng của mình. Tại một trong những công ty kỹ thuật điện tử quan trọng nhất trên thế giới, chúng tôi đã đưa tỉ lệ nghỉ việc giảm 30% trong số 1.000 nhà lãnh đạo giỏi có tham gia chương trình huấn luyện của chúng tôi. Buổi huấn luyện tập trung vào hình thành những nhóm hỗ trợ đa ban ngành – mà chúng tôi hiện nay gọi là Greenlight Groups.

Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những lợi ích gần như ngay lập tức từ những nhóm hỗ trợ đồng đẳng chính thức. Sau đây là liệt kê năm lợi ích hàng đầu:

1. Động lực. Sau khi định hình, nhóm chính thức thường tiếp tục hoạt động, và vì thế bền vững hơn. Một cơ cấu họp hành chính thức giúp kéo dài tuổi thọ và tính bền vững cho tổ chức. Sự cam kết và động viên trong nhóm có thể giữ cho bạn không cảm thấy kiệt lực lúc ban đầu.

2. Cơ cấu. Khi nhóm hình thành cơ cấu, các cam kết trở nên cụ thể hơn, gia tăng cơ hội trưởng thành và thành công thật sự. Bạn không còn xem hỗ trợ đồng đẳng là sự kiện chỉ xảy ra một lần duy nhất; ngược lại, bạn có khuynh hướng dành thời gian để xây dựng nhóm mang lại kết quả về lâu dài.

3. Áp lực. Ý tôi muốn nói đến áp lực tích cực. Thêm càng nhiều người họp mặt thường xuyên trong khuôn khổ những quy định chung sẽ mang lại tính trách nhiệm cao hơn. Tôi đã nói trong phần trên rằng khi bạn cam kết với nhiều người thì khả năng thành công của bạn cao hơn vì bạn không muốn làm họ thất vọng. Sự hỗ trợ chính thức có thể giúp bạn xây dựng một nhóm hợp tác có trách nhiệm.

4. Tự chọn lọc. Tất cả chúng ta đều có khả năng bẩm sinh trưởng thành trong môi trường được hỗ trợ nhóm – điều khác biệt duy nhất là một số người đã cam kết tự điều chỉnh và hoàn thiện bản thân (nếu không thì tại sao họ phải tham gia vào nhóm để làm gì?). Điểm tuyệt vời của những nhóm hỗ trợ chính thức là cũng chính những con người này không chỉ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác, mà họ cũng rất quảng đại trong việc kiến tạo quy trình hỗ trợ lẫn nhau cho những người mới tham gia.

Và nhìn ngược lại, ngoài kia cũng có những người chưa bao giờ chọn lựa tham gia nhóm – ít nhất là cho đến lúc này!

5. Đa dạng. Mọi nhóm đều bao gồm một cách tự nhiên những người với những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau. Sự đa dạng này mang đến cơ hội tiếp cận thêm những kỹ năng mới, chuyên môn mới, quan điểm mới, và vì thế sự học hỏi và trưởng thành càng tăng nhanh hơn.

Trong những trang tiếp theo tôi sẽ trình bày một số hình thức hỗ trợ chính thức – ví dụ cụ thể về những nhóm đã sẵn có – những nhóm căn bản mà bạn có thể tự mình thành lập với sự giúp đỡ của quyển sách này và sự hỗ trợ liên tục qua mạng tại KeithFerrazzi.com, và bản hướng dẫn cách áp dụng mô hình hỗ trợ đồng đẳng vào nơi làm việc, bằng cách xây dựng nhóm làm việc mới, hoặc áp dụng mô hình Greenlight để tăng năng suất cho những nhóm sẵn có.

Mọi chú cá ngoài biển đều tìm được đàn

Trên thế giới đã có không biết bao nhiêu những tổ chức hỗ trợ đồng đẳng, mỗi tổ chức lại có những điều kiện gia nhập và lệ phí khác nhau, tránh cho bạn gánh nặng phải bắt đầu xây dựng nhóm từ con số không. Về mặt tích cực, điều này khiến khởi đầu không còn quá khó khăn, bạn sẽ được giới thiệu với những người thú vị đã được thanh lọc trước dựa trên kinh nghiệm, và những người điều khiển nhóm được tập huấn đầy đủ sẽ hỗ trợ và đảm bảo rằng mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng ngược lại, nhóm dạng này có thể sẽ không thân thiết hoặc riêng tư, và trong đa số trường hợp bạn sẽ phải mất tiền đóng phí.

Nhưng cho dù bạn muốn tự xây dựng một nhóm căn bản cho riêng mình hay gia nhập một nhóm sẵn có, bạn cũng nên biết về cách thức hoạt động của nhóm để tạo động lực cho hành trình hỗ trợ đồng đẳng còn đang phía trước.

Tổ chức Lãnh đạo trẻ (Young Presidents’ Organization – YPO)

Young Presidents’ Organization là một trong những tổ chức hỗ trợ chính thức có uy tín nhất hiện nay; đây là một tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 20.000 thành viên tham gia thông qua các chi nhánh trên toàn thế giới. Thông thường YPO chỉ nhận hội viên là lãnh đạo tại các công ty tương đối lớn và dưới 45 tuổi. (Một tổ chức anh em với YPO, World Presidents’ Organization, có chương trình dành cho những người đã tốt

nghiệp YPO). Nhưng yêu cầu quan trọng nhất là bạn phải hoàn toàn cam kết giúp đỡ – và học hỏi – từ những nhà lãnh đạo khác. Trong số những người đã tốt nghiệp YPO có nhà sáng lập Intuit Scott Cook, người đã tuyên bố rằng ông và gia đình đã tìm được những người bạn thâm niên trên khắp thế giới từ YPO; nhà đầu tư sáng tạo Charles Schwab, người cảm ơn những đồng môn trong ngành công nghệ tại chi nhánh YPO ở Silicon Valley đã mang đến cho ông nguồn cảm hứng để kinh doanh các cổ phiếu máy tính.

Diễn đàn YPO gồm từ 8-12 thành viên gặp gỡ hàng tháng để hỗ trợ nhau về mọi thứ từ kinh doanh đến nuôi dạy con hoặc chính trị. Những cuộc gặp xã giao ở cấp chi nhánh lớn hơn (từ 35-100 thành viên) là cơ hội để bạn đời và gia đình của các thành viên gặp gỡ, càng củng cố thêm mối dây liên kết và xây dựng niềm tin. Diễn đàn của tổ chức này trong giai đoạn mới thành lập thập niên 1970 không có được tính thân thiết và riêng tư như hiện nay, theo lời thuật lại của Pat McNees trong quyển sách YPO: The First 50 Years. Nhưng theo thời gian, “các thành viên nhận thấy họ cần tìm hiểu về thông tin riêng của từng cá nhân để hiểu được cách họ ra quyết định”.

Diễn đàn hiện nay mang tính riêng tư rất cao. “Khi có chuyện xảy ra với bạn, người đầu tiên bạn gọi điện thoại nhờ giúp đỡ là một thành viên trong nhóm,” theo lời thành viên Tish Nettleship trong YPO, “hoặc bạn gọi điện cho người điều hành diễn đàn và người này sẽ gọi điện đến tất cả mọi người trong nhóm. Chúng tôi đã giải quyết khá nhiều trường hợp khủng hoảng và cách làm này mang hiệu quả cao, khi chúng tôi thật sự hỗ trợ nhau về mặt tinh thần. Giữa chúng tôi có mối dây liên kết thắt chặt”.

Nhưng nhóm không phải chỉ thành lập để hỗ trợ tinh thần. Một lần trong diễn đàn, vợ của một thành viên vừa qua đời đã nhờ diễn đàn đứng ra điều hành công ty trong vòng một năm. Tại sao? “Vì họ hiểu công ty hơn bất cứ ai hết,” McNees kể lại.

“Diễn đàn YPO xây dựng trên niềm tin,” Jim Ellis, người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia YPO nhận xét. Ông hiện nay là thành viên của WPO, và đã dành mười năm đầu trong sự nghiệp để leo những nấc thang trong tổ chức, rồi sau đó sở hữu và quản lý những doanh nghiệp trẻ. “Hãy tin rằng những bạn bè trong diễn đàn sẽ giúp bạn

lãnh đạo đúng định hướng”.

Niềm tin của Jim đã được thử thách vào thời điểm chỉ còn sáu tháng nữa thì ông bước qua ngưỡng cửa 50 tuổi, khi diễn đàn đồng thanh buộc ông phải nghĩ đến 25 năm tiếp theo trong sự nghiệp như một mảnh giấy trắng mà ông có thể viết lên bất cứ điều gì mình mong muốn. Sau một lúc phản đối – “Tôi biết mình không có được một mảnh giấy trắng; Tôi phải trả tiền học phí và tiền nhà nợ ngân hàng và phải nuôi gia đình” – ông dành ra một tháng để suy nghĩ một cách sâu sắc về yêu cầu này, và đã đi đến câu trả lời cuối cùng: “Tôi muốn chia sẻ những gì mình đã học được sau 27 năm lăn lộn thương trường, có thể là thông qua giảng dạy, diễn thuyết, viết sách, hay tư vấn”.

Dĩ nhiên, Jim không nghĩ là ông có thể làm được bất cứ việc nào trong bốn món kể trên – cho đến khi sau đó vài tuần, ông nhận được một cuộc điện thoại cho biết trường Đại học Southern California đang tìm một giáo sư toàn thời gian. “Nếu không nhờ vào những lời thúc đẩy của diễn đàn, của các bạn đồng đẳng, tôi đã nói ngay với ông ấy rằng tôi không quan tâm và đã không suy nghĩ thêm một giây nào về vấn đề này,” Jim kể lại. Nhưng thay vào đó, ông đã nói có, và là một trong 13 ứng viên cho chức danh này – và là người duy nhất chưa có bằng tiến sĩ. Thế nhưng sau vài ba vòng phỏng vấn, công việc này đã thuộc về ông.

“Bỗng nhiên mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Ngày 6 tháng 1 năm 1977, tôi lên lớp dạy lần đầu tiên. Ngày 9 tháng 1, tôi ăn mừng sinh nhật thứ 50 của mình. Trong vòng sáu tháng tôi đã bán đi ba công ty, tham gia vài dự án tư vấn và diễn thuyết vài lần. Tôi có một sự nghiệp hoàn toàn mới, và đây là con đường mà tôi đã theo đuổi trong suốt 11 năm qua, tất cả là nhờ những người bạn đứng sau thúc đẩy tôi”.

Hiện nay Jim là trưởng khoa Kinh tế tại trường Đại học Southern California. Tôi hỏi ông liệu những giờ giảng có dễ chịu hơn lúc ông đi làm kinh doanh hay không. “Không hề, thậm chí còn tệ hơn ấy chứ!” ông nói. “Nhưng chẳng sao cả, bởi vì tôi cảm thấy thật sự hào hứng với công việc hiện nay của mình, giúp đỡ cho những người trẻ. Tạo nên sự khác biệt”.

Xây dựng kỹ năng lãnh đạo tại Vistage

Vistage (vistage.com) là một tổ chức tương tự như YPO nhưng chấp nhận thành viên đa dạng hơn. Vistage được đặt tên theo chữ “vista” và “advantage”. Tổ chức này hoạt động vì lợi nhuận, và được thành lập từ năm 1957. Ban đầu nó mang tên TEC (The Executive Committee), có khoảng 15.000 thành viên tại 15 quốc gia đăng ký tham gia vào những chương trình khác nhau như CEO, lãnh đạo cấp cao, chủ doanh nghiệp nhỏ, nhà hoạt động chuyên môn như luật sư hay kiểm toán. Năm 2008, đã có hơn 1.800 CEO mới gia nhập Vistage tại Mỹ, lập nên một kỷ lục mới cho tổ chức.

Các cuộc họp hàng tháng tại Vistage do một chủ tịch Vistage chủ trì; đây là một nhà huấn luyện được thuê và tuyển chọn gắt gao, thường là cựu CEO hay một lãnh đạo cấp cao. “Chủ tịch được hướng dẫn cách đặt những câu hỏi thẩm vấn và khuyến khích các thành viên trong nhóm cùng làm theo,” CEO Rafael Pastor nói. “Nếu anh thẩm vấn thật kỹ, anh đã giúp cho thành viên cần giúp đỡ biết được vấn đề nằm ở đâu. Cũng giống như khi anh đi đến bác sĩ và nói: ‘Tôi bị bệnh ở tai,’ và trong khi anh chưa kịp suy nghĩ gì thì ông bác sĩ đã bắt đầu khám mũi. Anh có thể không nhận biết, nhưng tai và mũi thông nhau, và căn nguyên của bệnh có thể nằm ở mũi chứ không phải ở tai. Tình huống xảy ra ở đây cũng tương tự. Một thành viên có thể nói: ‘Đội ngũ bán hàng của tôi dường như thiếu khả năng.’ Và anh đặt câu hỏi: ‘Vậy bộ phận marketing nhận xét như thế nào về sản phẩm?’ Ban đầu anh ta sẽ trả lời: ‘Nhưng tôi đang nói đến bộ phận bán hàng cơ mà.’ Nhưng anh phản đối và nói: ‘Không, thật sự tôi muốn biết bộ phận marketing nghĩ gì?’ Và thành viên này nhận ra rằng bộ phận marketing của anh ta đang đưa ra những thông điệp sáo rỗng không giúp ích gì cho bộ phận bán hàng”.

Cũng như với tất cả những nhóm hỗ trợ hiệu quả nào khác, các buổi họp của Vistage đều căng thẳng và trung thực. “Trong môi trường tin cậy, quan tâm, trưởng thành, những giá trị cốt lõi của chúng tôi được rèn luyện thêm,” Rafael nhận xét. “Chúng tôi nói với những thành viên mới rằng nếu họ chỉ muốn đến để thấy mọi người gật đầu đồng ý thì đừng phí thời gian và tiền bạc. Vì vậy đây là một môi trường tự hoàn thiện.

Những người tham gia nhóm không phải là những con rùa rút đầu; họ đến đây vì họ đã sẵn sàng đưa ra những vấn đề gai góc nhất và chấp nhận bị chỉ trích về cách tiếp cận vấn đề của mình”.

Loại bỏ sự đơn độc trong hành trình xây dựng doanh nghiệp

Cách đây vài năm tôi trình bày tại New York trước một mạng lưới hỗ trợ đồng đẳng, Entrepreneurs’ Organization (EOnetwork.org); tổ chức này do vài cựu thành viên YPO thành lập khi họ nhận thấy các chủ doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề riêng cần được hỗ trợ trong một diễn đàn riêng. Các thành viên gặp nhau hàng tháng, trong đó từ 8-10 thành viên đưa ra những vấn đề cho cả nhóm thẩm vấn và xem xét. Mỗi nhóm có một người điều hành được tập huấn nhưng không được hưởng lương, và cách thức hoạt động dựa trên mô hình diễn đàn YPO. EO có khoảng 7.000 thành viên tại hơn 100 chi nhánh trên thế giới.

Matthew J. Weiss điều hành một hãng luật đấu tranh cho chủ nhân các vé phạt đậu xe trái phép trên khắp tiểu bang New York dưới thương hiệu 888 Red Light; ông là chủ tịch của chi nhánh EO tại New York. “Mô hình diễn đàn EO thường được miêu tả là mang đến cho các thành viên một hội đồng quản trị riêng,” ông nói, “nhưng tôi cũng nghe người ta nhận xét rằng đây là ‘liệu pháp điều trị cho chủ doanh nghiệp.’ Đối với tôi, miêu tả về EO hay nhất là chúng tôi mang đến một cơ cấu tổ chức để trình bày các vấn đề mà tôi đang gặp phải, trả lời những câu hỏi có ý nghĩa về chúng, và lắng nghe từ các bạn đồng đẳng về kinh nghiệm tương tự của họ. Thông qua quá trình này, tôi được trang bị tốt hơn để tự mình tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình”.

Matthew tham gia vào EO thông qua một người bạn: “Tôi đến tham dự một buổi thu nhận thành viên mới và thấy nó có thể giúp ích cho mình. Tôi đang hoàn toàn tự mình điều hành doanh nghiệp, tôi không có ai đứng trên đỉnh kim tự tháp để giúp mình. Nhưng giờ đây tôi có cả một mạng lưới những người bạn để chia sẻ ý tưởng và giúp tôi tránh xa sai lầm. Nó đã lấp đầy một khoảng trống rất lớn trong đời tôi”.

Và như thông lệ trong mọi trường hợp quan hệ hỗ tương, đây là một con đường hai

chiều. “Bạn thật sự cảm thấy hài lòng khi bạn giúp đỡ được một người khác,” Matthew nói. “Chúng tôi có mặt bên nhau để giúp việc học hỏi từ bạn đồng đẳng và trưởng thành diễn ra suôn sẻ. Về mặt này, chúng tôi loại dần những người tham gia chỉ với ý định thu thập danh thiếp mà thôi”.

Diễn đàn EO, cũng như những cộng đồng quan hệ hỗ tương khác, cũng có lúc phải thường xuyên tư vấn cho các thành viên về những vấn đề cá nhân không kém gì những vấn đề kinh doanh, và vì thế câu nhận xét “liệu pháp dành cho chủ doanh nghiệp” cũng không phải là quá phóng đại. “Chúng tôi nhận thấy các vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến công việc kinh doanh nhiều hơn chiều ngược lại,” theo lời Matt Stewart, chủ tịch thông qua bầu cử của EO và là chủ của ba doanh nghiệp, trong đó có một công ty huấn luyện sinh viên đại học kỹ năng kinh doanh thông qua kinh nghiệm thực tế điều hành một doanh nghiệp kinh doanh sơn trong mùa hè. “Đối với tôi, tôi tin rằng mình đã phải li dị nếu tôi không phải trình bày trước diễn đàn vào mùa hè năm 2001, và thêm một lần nữa vào năm ngoái, khi đó mọi người đã gõ trống vào đầu cho tôi thức tỉnh”.

Năm 2001, Matt và vợ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng sau khi sinh con, mặc dù họ phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được căn nguyên vấn đề. “Trong suốt thời gian đó, tôi cảm thấy rất bực bội. Sự trầm cảm khiến cho vợ tôi cộc tính và gây gổ với tôi, mà tôi thì lại không có khả năng chịu đựng tốt. Và thế là tôi đem chuyện này trình bày với diễn đàn, và cũng như thường lệ, tôi bắt đầu miêu tả vấn đề như thể tôi vẫn đang kiểm soát được tình hình, với những thiết bị phòng vệ của tôi được kích hoạt đầy đủ”.

Matt trình bày tình hình một cách gọn gàng – nghĩa là vợ ông đang gặp vấn đề và cần phải thực hiện x, y, z để giải quyết. Một, hai người đưa ra phản hồi đầu tiên gần như đều đồng tình với ông. “Điều này xảy ra cũng thường xuyên, nhưng đến một lúc, ai đó bỗng dưng vứt đi bàn tay sắt, và cuộc đối thoại đổi hướng hoàn toàn. Người thứ ba phát biểu ý kiến là một phụ nữ, và ơn Trời, bởi vì cô ấy đã nói: ‘Ông chỉ biết lo lắng cho bản thân. Vấn đề này đâu phải của ông! Đây là vấn đề của vợ ông – cô ấy nghĩ

gì?’ Chúng tôi tranh luận rất hăng và thậm chí tranh cãi nữa, nhưng sau cùng tôi ra về và nghĩ: ‘Chà, mình chưa bao giờ nhìn vấn đề theo hướng này!’”

Thế còn lần thứ hai EO cứu cuộc hôn nhân của Matt thì sao?

“Tôi có đến mấy công ty đang làm ăn kinh doanh rất tốt, nhưng tôi cũng có một công ty cho vay mua nhà mà tôi đã đổ tiền vào rất nhiều thay vì rút ra ngay khi mọi thứ đã không còn suôn sẻ. Vì thế chúng tôi rất căng thẳng về vấn đề tài chính, và điều mà tôi không nhận thấy rằng vợ tôi, người giữ vai trò sổ sách trong nhà, là người phải chịu nhiều áp lực nhất. Tôi đi khắp nơi trên thế giới bằng vé hạng nhất và ăn những món ngon nhất, xem đây là một phần công việc, trong khi vợ tôi và các con ở nhà ăn McDonald’s và bánh mì kẹp thịt và cố gắng xoay xở để kiếm tiền trả chi phí hàng tháng. Dĩ nhiên là tôi phải đợi đến diễn đàn mới mở mắt ra được – trước đó tôi cứ bảo vợ mình thôi đừng soi mói tài khoản chi tiêu và cằn nhằn tôi suốt.

“Tôi không thể nói hết tầm quan trọng của nhóm đã giúp tôi trút bỏ gánh nặng và vượt qua trở ngại. Bạn thử tưởng tượng mình có mười người biết bạn lẫn gia đình bạn rất rõ và cũng muốn giúp đỡ bạn như người trong nhà? Không ai đặt câu hỏi liệu người ta có giúp đỡ nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì đây chính là những gì họ sẽ làm”.

Hoàn thành công việc

Gặp gỡ hàng tháng hay hình thành diễn đàn không phải là cách vận hành duy nhất của các nhóm hỗ trợ chính thức. Nào hãy cùng xem xét một chương trình có tên là Getting Stuff Done, một cách tuyệt vời dành cho tất cả mọi người để vượt lên phía trước. Chương trình này được thành lập bởi Michael Simmons tại Extreme Entrepreneurship (ExtremeE.org) để thúc đẩy trách nhiệm cá nhân và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc. Các thành viên gọi điện mỗi buổi sáng tám phút trước khi một cuộc hội thảo qua điện thoại vào “giờ quyền lực” diễn ra để cam kết sẽ thực hiện một công việc cụ thể trong giờ này.

Patricia Hudak tại thành phố Jersey tham gia hàng ngày vào chương trình Getting Stuff Done. Cô là một doanh nhân trẻ sáng lập nên RealWorld101.org, một trang web giúp những sinh viên mới ra trường chuẩn bị cho cuộc đời phía trước – tất cả mọi thứ từ cách tính thuế đến cách nấu ăn tối. Mục tiêu hàng ngày của Patricia có thể là 20 cuộc gọi đến cho các trường đại học. “Khi bạn làm việc một mình, rất khó để duy trì động lực,” cô nói “Chương trình này cũng giống như bạn làm việc chung với một nhân viên khác – giống như văn phòng ảo vậy”.

Ngoài những lúc làm việc cho “giờ quyền lực”, Patricia cũng làm việc chung với một người bạn trách nhiệm – một người bạn doanh nhân tên là Arel Moodie, quen thông qua cùng một chương trình này. Mỗi buổi sáng họ nói chuyện với nhau và thống nhất ba mục tiêu trong ngày; sau đó họ gọi nhau để kiểm tra và đánh giá xem chuyện gì suôn sẻ và chuyện gì còn vướng mắc. Patricia kể. “Arel sẽ nói: “Rồi, vậy điều gì đã ngăn cản chị không làm được việc này? Chị có thể làm gì để nó tốt hơn?’ Vào cuối ngày bạn có thể đánh giá bạn thật sự đã làm hết sức, hay bạn chỉ mất thời gian lướt web mà thôi”.

Đội ngũ trong mơ: Charles Schwab và công việc kinh doanh mối quan hệ

Khi Charles Schwab thành lập công ty môi giới giá rẻ vào năm 1975, ông chỉ có một tiêu chí “rẻ”. Schwab sống tại San Francisco – cách xa môi trường hào nhoáng hạng nhất, những căn phòng ốp gỗ của các công ty môi giới tại New York. Mục tiêu của ông là làm sao cho ngay cả những người không nhà ngoài kia cũng mua được chứng khoán – và tài năng của ông là đã chỉnh đốn quy trình mua chứng khoán thông qua công nghệ vi tính mới nhất.

Theo thời gian, Schwab nhận thấy ông có thể mang đến cho khách hàng cả hiệu quả lẫn dịch vụ khách hàng hoàn hảo; ông biến công ty mình thành một “câu lạc bộ” mở cho thành viên ghi danh. Kết quả là sự trung thành với thương hiệu không ai qua mặt được. Schwab hiện nay có hơn 7 triệu tài khoản giao dịch của khách hàng và quản lý tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ đô la. “Tôi dần dần đã chuyển hướng không còn là một công ty giao dịch, mà trở thành một công ty của các mối quan hệ,” Schwab đã nói thế

với tờ báo San Francisco Chronicle năm 2007. “Đó là con đường lớn mà công ty đang theo đuổi, và mỗi ngày qua đi chúng tôi đang làm tốt hơn. Như vậy là nếu như cách đây 15 năm tôi nói: ‘Chúng tôi muốn trở thành công ty môi giới giá rẻ tốt nhất’, thì hôm nay tôi muốn là công ty có mối quan hệ tốt nhất trong ngành dịch vụ tài chính”.

Phương châm này được thể hiện qua mối quan hệ với 13.500 nhân viên của công ty. Công ty môi giới này nổi tiếng vì mạng lưới hỗ trợ nội bộ, Nhóm Nguồn lực Nhân viên của họ. Trong số này có nhóm hỗ trợ dành cho người thiểu số, người đồng tính, nhân viên nữ, cựu chiến binh, và mỗi nhóm được chia thành 24 chi nhánh trên cả nước. Mục tiêu của các nhóm là phát triển sự đa dạng, huấn luyện, đỡ đầu, và giao tiếp với cộng đồng địa phương. Ví dụ, năm 2008 Mạng lưới Giao tiếp Phụ nữ đã kết hợp với công ty phát triển sự nghiệp tại San Francisco để tài trợ cho một loạt những buổi hội thảo dành cho phụ nữ đi làm trong vùng Bay Area – lại thêm một ví dụ cho thấy Schwab đã truyền bá niềm tin vào mối quan hệ của mình ra cộng đồng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.